Học “đóng” thi “mở”: Thầy và trò đều sợ!

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Gần đây, việc những đề Văn “mở” liên tục bị “ném đá” đã càng cho thấy rõ hơn lối dạy và học văn thụ động trong trường phổ thông hiện nay.


Sợ đổi mới

Đề thi môn Ngữ văn cả khối C và D kỳ tuyển sinh đại học vừa qua được giới chuyên môn đánh giá cao bởi yêu cầu của đề không chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà còn bắt thí sinh (TS) phải biết động não. Tuy nhiên, sự đổi mới này đã vấp không ít phản ứng từ người học. Không đợi đến kỳ thi đại học, phụ huynh, giáo viên (GV), học sinh (HS) vẫn thường xuyên “kêu la” mỗi khi gặp phải những đề thi yêu cầu HS phải sáng tạo ngoài văn mẫu.

Họ sợ con em mình, học trò mình không đạt được điểm cao. Gần đây nhất là đề Văn tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM được xã hội và cả giới chuyên môn trầm trồ về tính sáng tạo, thời sự nhưng người học lại cho rằng đề cho nhiều câu hỏi “mở” là “gài bẫy” TS, là… “giết chết” sách giáo khoa. Ở đề thi này, lần đầu tiên trong đề văn có hình biếm họa cùng câu chuyện hiện đại, thời sự về ngôn ngữ chat của tuổi teen. Một đề bài nghị luận xã hội được đánh giá hội đủ hai tiêu chí vừa “chuẩn”, vừa “chất” về một câu chuyện nóng hổi vừa được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Thực tế, những đề thi này cũng không hẳn là đổi mới hoàn toàn, mà chỉ là những bước “thăm dò” thận trọng. Có chăng, chỉ là sự thay đổi trong cách đặt câu hỏi, yêu cầu người học phải hiểu tác phẩm, phải tư duy chứ không thể làm văn theo kiểu "xếp hình theo mẫu".

Đề mở cũng kèm theo đáp án “mở toang” cho người thi thể hiện quan điểm. Đáp án môn Văn khối D của đề thi đại học nêu rõ: “TS có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình phần nào với ý kiến… TS được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình nhưng cần có thái độ chân thành, nghiêm túc”. Đề những năm gần đây đều chấp nhận những cách khác nhau, chấp nhận cả việc khác với đáp án. Thế nhưng, sự đổi mới đó lại bị “ném đá”, vì sao?

Câu trả lời chắc chắn là đại đa số HS quen với cách học thụ động sẽ lúng túng, thậm chí “bó tay” trước những đề thi nằm ngoài văn mẫu luyện thi, dẫn đến điểm số thấp. Vấn đề nằm ở bản chất “đóng” trong việc dạy và học văn ở trường phổ thông.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 kể câu chuyện của con mình: "Lần đầu làm bài văn yêu cầu tả về người cha, cháu viết đúng nghề thực là làm GV, bài viết được đánh giá khá cao. Đến kỳ kiểm tra giữa học kỳ, đề cũng yêu cầu HS tả về nghề nghiệp của cha. Lần này, cháu viết cha em làm kỹ sư chế tạo máy bay một cách hứng thú và nộp bài rất sớm. Cô giáo đọc xong trách: Em biết gì về công việc này, sao không tả cha làm GV như bài cô đã sửa? Tôi biết cô giáo lo cho học trò nhưng kỳ thực thằng bé rất mê lĩnh vực này, đã tìm hiểu rất nhiều nên tôi nói với cô hãy để cho cháu tự sáng tạo, dù điểm thấp vẫn không sao. Nhưng, có lẽ không nhiều phụ huynh chọn cách như tôi".

10-Van-3.jpg
Học sinh trường THPT Nhân Việt đóng kịch khi học bài Chiếc thuyền ngoài xa

Thầy và trò đều khổ

Ngay từ bậc tiểu học, các em đã được GV uốn nắn vào khuôn mẫu, không thể làm khác đi. Vì vậy, không ít HS tả ông bà ngoại có cái mào đỏ, có những cây bàng ở quê em được “sản xuất công nghiệp” y chang nhau trong bài làm của HS tiểu học. Lên bậc THPT, các em được GV nhồi nhét cho những bài văn mẫu rất hay, rất chuẩn, nhưng đó là thứ văn chương công nghiệp, không phải là văn chương trong sáng của học trò. Một cô giáo dạy văn tại Trường THPT Tân Phú (Định Quán, Đồng Nai) bức xúc: Hiện nay, GV dạy văn theo cách người ta bắt mình dạy theo đủ các loại chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng… chứ không còn dạy văn theo cách cảm thụ thực sự.

Áp lực “cháy” giáo án đã khiến nhiều GV phải “chạy” nước rút cho kịp chương trình, không còn thời gian quan tâm đến sự cảm thụ của học trò. Vì vậy, công nghệ văn mẫu trở thành cứu cánh cho HS nên khi đề thi trật tủ là các em “bó tay” hoặc sáng tác ra những bài làm ngô nghê, đọc cười mà đau.

Một chuyên viên môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Dạy và học văn không thể tách rời với nền tảng văn hóa, kiến thức thực tế. Người dạy, người học đều phải có kiến thức về cuộc sống, có sự trải nghiệm mới cảm nhận hết ý tứ trong văn chương. Cảm thụ văn chương mang tính cá thể nên thiếu vốn sống đồng nghĩa với việc học văn là học vẹt. Một khi không cảm thụ được từ trái tim và kiến thức tự thân thì phải trông cậy vào văn mẫu, cảm thụ qua ý chí của người khác, cụ thể là qua GV và sách mẫu. Vì vậy, chỉ cần đổi cách hỏi khác chút xíu là TS sẽ “bí” ngay, không biết “bê” đoạn nào, mẫu nào vào bài làm. Em Nguyễn Thị Minh C., HS Trường THPT Nhân Việt nói: Chương trình có nhiều bài chúng em không thích học nhưng phải học đến hai tiết, có những bài rất hay thì chỉ được học qua loa. Nhiều chuyện chúng em chỉ học chay theo sách hướng dẫn, không có cảm thụ thực tế nên ra đề mở là “làm khó” chúng em.

HS bị điểm kém không phải lỗi ở đề “mở” mà nằm ở chương trình dạy “đóng”. Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, GV văn Trường THPT Trần Phú chia sẻ: "Với thể loại nghị luận xã hội thì không ai có thể dạy trúng đề cả. Người thầy phải dạy cho học trò nắm vững phương pháp, kỹ năng làm bài của mỗi thể loại thì dù gặp đề bài nào cũng có thể làm được. Thực tế, nhiều GV dạy văn rất dễ dãi, chỉ dạy theo văn mẫu để chạy theo điểm số. Giống như khi đứa trẻ đói bụng, bạn đưa cho chúng cái bánh thì dễ hơn là dạy chúng cách tự làm bánh. Có nhiều cách để giúp HS “cảm” tác phẩm một cách sâu sắc: dành thời gian cho các em đọc và hiểu tác phẩm, diễn kịch, chỉ cho các em thấy nội dung chủ đạo, chi tiết nổi bật của tác phẩm và phương pháp làm bài ở mỗi thể loại…".

Có lẽ vì cách học vẫn “đóng” nên đề thi dù có "mở" thì đại đa số TS vẫn làm bài theo kiểu tự đóng khung
Theo phunuonline
 
×
Quay lại
Top