Hoàn tất chấm thi ĐH trước ngày 31-7

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Chiều 10-7, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ tuyển sinh vào ĐH năm 2013. Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi ĐH năm 2013 có tổng cộng 133 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 125 trường thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628, số thí sinh đến dự thi là 1.298.522, đạt 77,6% (giảm 0,7% so với năm 2012). Trong cả 2 đợt thi, cả nước đã huy động gần 142.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác tuyển sinh. Trong cả 2 đợt thi, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 62; cảnh cáo 17; đình chỉ 254; đến muộn không được dự thi 6). Đáng chú ý, hầu hết thí sinh bị đình chỉ thi đều do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi, dù đã được nhắc nhở rất nhiều. Tổng số cán bộ tuyển sinh bị kỷ luật là 10 người. Trên 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện đã tham gia tiếp sức mùa thi.

images463198_20130710_172959.jpg
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phát biểu tại buổi họp báo.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết có nhiều thông tin do nhân dân cung cấp đã được xử lý kịp thời; đề thi phù hợp hơn do thành phần ban ra đề thi đa đạng hơn. “Đề thi của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không có sai sót cả về nội dung và hình thức, có khả năng phân loại thí sinh và được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Đặc biệt, nội dung đề thi môn địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về biển Đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo, sử dụng, khai thác tài nguyên cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ đất nước”, ông Bùi Văn Ga cho biết. Công tác coi thi được triển khai nghiêm túc, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi đã có hiệu quả rõ rệt. Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi đã thành công ở khâu tổ chức, còn lại là chờ kết quả thi của thí sinh.

Hiện nay các cơ quan công an đang điều tra 2 trường hợp thi hộ ở Học viện An ninh nhân dân và ĐH phòng cháy chữa cháy.

Chậm nhất 31-7, các trường ĐH hoàn tất chấm thi. Trên cơ sở kết quả của các trường, Hội đồng điểm sàn sẽ họp bàn tính toán điểm sàn, nguyên tắc là bảo đảm chất lượng đầu vào, bảo đảm cơ cấu vùng miền, dựa trên kết quả thi của thí sinh. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ là 605.000 chỉ tiêu, về cơ bản không thay đổi so với năm trước. “Chỉ tiêu năm 2013 cơ bản giữ nguyên như năm trước nên dù thí sinh dự thi thấp hơn năm 2012 thì cũng không có tác động gì”, ông Khôi cho biết.

Một “thất bại” của kỳ thi năm nay, theo ông Ga là tỷ lệ thí sinh ảo vẫn cao (thí sinh dự thi chỉ đạt 77,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi). “Chúng tôi hy vọng tỷ lệ thí sinh ảo năm nay thấp hơn, nhưng thực tế vẫn cao hơn năm ngoái. Kỳ thi 3 chung dù phát huy hiệu quả nhưng vẫn gây nên căng thẳng, áp lực rất lớn cho xã hội. Vì thế, Bộ GD-ĐT vẫn đang từng bước nghiên cứu để có hình thức thi phù hợp hơn”, ông Ga giải thích và cho rằng, ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản cũng đang khó khăn trong vấn đề tìm phương thức tuyển sinh ĐH phù hợp. Nhật Bản vừa qua dự kiến thay đổi phương thức tuyển sinh ĐH nhưng cũng có 5 năm để học sinh làm quen với phương thức thi mới.

Trả lời câu hỏi năm 2013 có phải là năm cuối cùng thực hiện phương thức thi ĐH “3 chung”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ nay đến năm 2015, vẫn giữ “3 chung”, sau đó mới tính toán tiếp. “Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật giáo dục đại học, nếu các trường có phương án tuyển sinh phù hợp thì Bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận, nếu được đồng tình thì Bộ sẽ cho phép trường tuyển sinh riêng”, ông Ga cho biết.


Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư điều chỉnh các trường hợp được ưu tiên trong tuyển sinh, theo đó sẽ cộng điểm thi ĐH cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quy định này khiến dư luận xã hội cho rằng, Bộ GD-ĐT làm chính sách một cách máy móc, buồn cười, vì khó có Bà mẹ Việt Nam anh hùng nào có thể là thí sinh dự thi ĐH-CĐ. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Kim Khôi cho rằng, thông tư là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định 31 của Chính phủ về nội dung này. Theo đó thông tư bổ sung một số đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh, những người có công và con của họ được ưu tiên trong tuyển sinh. Thông tư phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật. Bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là quan niệm như trước đây, mà bây giờ người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được phong là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Do vậy, quy định này phù hợp với hệ thống văn bản của Nhà nước, chính sách ưu tiên không giới hạn độ tuổi. Các đối tượng được diện ưu tiên này được thụ hưởng ngay trong năm tuyển sinh 2013.
Theo SGGP
 
×
Quay lại
Top