Hai chiếc ghế

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
"Thưa các độc giả quý mến, tôi xin phép giải thích một chút về các nhân vật của câu chuyện này. Cũng xin các bạn đừng sốt ruột, nếu tôi có dài dòng quá đáng. Đó cũng là vì tôi quá yêu quý chúng mà thôi.
Ngay trung tâm ngã sáu có một vòng xoay lớn, ở đó người ta xây một cái hồ và dựng tượng đài khá đẹp. Chếch về phái bên phải, giữa hai con đường và ngay trước mặt nhà thờ là một dải ngăn cách lối đi rất rộng, trên đó cỏ mọc xanh um. Chính giữa, có một cây cổ thụ chẳng biết trồng từ bao giờ, cũng chẳng biết tên gì, quanh năm suốt tháng nở hoa vàng rực thả lá bay theo gió lao xao. Dưới gốc cây là... hai nhân vật chính của chúng ta. Xin nói trước để các bạn không nhầm tưởng, vì chúng ta đã phải nhầm tưởng quá nhiều trong cuộc sống của mình rồi, hai nhân vật này chẳng phải người ngợm gì sất. Chúng chỉ là hai chiếc ghế đá.

Kẻ nào đặt hai chiếc ghế đá ở đây hẳn phải là một tay có óc nghệ sĩ lắm, vì chỉ cần nhìn cảnh hai chiếc ghế nằm xoay lưng với nhau hai bên gốc cây là đủ để hình dung ra một bức tranh nghệ thuật có tựa đề "giận dỗi" hay một cái gì đó đại loại như thế. Chỉ có hai chiếc ghế là không ưa cái cảnh "hờn anh giận em" đó chút nào. Thật buồn làm sao khi đứng cùng nhau một chỗ cả đời mà chẳng thể nhìn thấy nhau. Mà cũng không biết có phải vì không bao giờ thấy mặt nhau hay không, mà chúgn trở nên thân thiết quá chừng.

Cả hai chiếc ghế đều màu trắng. Nhưng do cây cổ thụ mọc nghiêng về một phía, hắt bóng tối lên một chiếc, nên trông nó lúc nào cũng có vẻ xam xám. Ta tạm gọi nó là Xám, cho tiện phân biệt với chiếc ghế Trắng kia. Xám quay mặt về phía nhà thờ, còn Trắng nhìn sang hướng vòng xoay. Chiếc này kể lại cho chiếc kia nghe những điều xảy ra trong hướng nhìn duy nhất của nó. Cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, vì ở cái phố huyện nhỏ bẻ này, ngày giống ngày, tháng giống tháng, năm giống năm. Mọi việc diễn ra đều đặn như một chu kỳ khép kín. Thế nên sáng tinh mơ khi mặt trời còn chưa đáp xuống vòm cây những tia nắng đầu tiên, nghe tiếng dép lệt xệt phía vòng xoay là Xám biết ngay hai ông bà cụ đi tập dưỡng sinh sắp sửa dừng lại ngồi nghỉ. Có nhiều nỗi đợi chờ trong cuộc đời này, nhưng chắc không sự chờ đợi nào lại bình yên và thanh thản bằng việc ngồi trong chút bóng tối còn sót lại của đêm, giữa những xác lá hoa ẩm ướt sương, lắng nghe nhịp thở của một buổi bình minh mới đang đến gần từng chút một. Rồi bỗng chốc bình minh vỡ oà ra thành những tia nắng mai hồng rực phía chân trời.


Khi hai cụ già đã trở về nhà thì con đường đã bắt đầu đông dần. Đám học trò nhỏ xuống phố đến trường, người đi làm hối hả bước vào một ngày mới. Lúc này phía trước mặt Xám, tức là ở lề đường bên cạnh nhà thờ, những hàng quán lục tục bày ra. Nhiều nhất là những người thợ chụp ảnh trưng ra những chiếc phông xanh và tấm biển "Chụp ảnh thẻ lấy liền". Trong số đó, Xám đặc biệt chú ý đến một người đàn ông dáng vẻ hơi luộm thuộm, dắt theo đứa con gái nhỏ chừng bảy tuổi. Đến "chỗ làm", ông không bày đồ đạc ra vội mà tiến về phía hàng xôi gần đấy mua một gói xôi cho cô bé con ăn sáng. Cô bé thường thắt tóc bím, cột nơ xanh, trông xinh như một con bướm nhỏ lon ton cầm gói xôi đến trường. Còn người cha thì vui vẻ vẫy tay theo.

Ông ta chẳng bao giờ mua gói xôi nào cho mình. Không những điều đó làm Xám và Trắng thắc mắc mà cả người đàn bà bán xôi cũng không nén được tò mò. Bà hỏi bâng quơ vẻ như chào mời :

- Anh không ăn xôi ah?

- Cho không thì ăn - Ông ta đùa. Rồi bắt gặp cái cau mày của người đàn bà, ông nhe răng cười - Lo cho phần nó thôi cũng mệt lắm rồi chị ơi!

- Thế mẹ con bé không làm việc gì ah?

- Không... Tiếng trả lời cộc lốc và nụ cười tắt mất trên gương mặt đen nhẻm. Người thợ chụp ảnh lụi cụi dựng phông, bày biện dụng cụ. Nắng sáng vàng xuộm hắt lên mặt ông, làm nổi bật hơn những góc cạnh gày gò, trông như một bức tranh khắc khổ của Vangogh.

Chín giờ sáng, trong khi người thợ chụp ảnh vẫn còn ế ẩm thì người bán xôi đã sắp hết hàng. Người đàn bà nhìn chỗ xôi nhỏ còn lại trong thúng rồi gọi với sang bên :

- Anh ăn miếng xôi cho chắc bụng! Còn một ít tôi bán rẻ cho.

Người thợ bối rối lắc đầu :

- Thôi... Cám ơn chị!

- Ơ, rõ cái khổ cái nhà anh này! Tốn bao nhiêu mà nhịn cho khổ người.

Ông ta đáp lại một nụ cười. Và người đàn bà sau một phút ngần ngừ vét hết chỗ xôi gói lại, cắp thngs ra về. ĐI ngang quầy chụp ảnh, bà đặt gói xôi xuống quầy:

- Thôi biếu anh đấy! Tôi về cho nhanh, ngồi mãi cũng chán rồi.

Trước khi người thợ chụp ảnh đang ngơ ngác chưa kịp phản ứng, bà đã vòng qua khúc ngoặt đi mất.

***

Hôm sau, Xám thấy khi người thợ chụp ảnh mua xôi, ông ta mua thêm một gói nhỏ cho mình. Người đàn bà cười hồn hậu, Xám kể lại cho Trắng nghe, còn nhận xét:

- Mà chắc bà ta cũng chẳng giàu có gì, tớ nhìn kỹ rồi, áo bạc vai hết cả.

- Thì giàu có ai lại đi bán xôi! - Trắng phì cười.

Xám không nói gì. Nó lặng lẽ quan sát. Người đàn bà khi vắng khách mua, hỏi chõ sang quầy chụp ảnh :

- Anh này, chụp một cái to to, cỡ ảnh thờ ấy, bao nhiêu tiền?

- Hai mươi nghìn. Chị định chụp chân dung ah? - Người đàn ông tròn mắt.

- Ai lại chụp ba thứ ấy cho tốn tiền. Tôi định làm sẵn một cái, nhỡ khi mình có gì thì con mình còn có cái mà dùng...

Suýt nữa thì người thợ ảnh té từ trên ghế xuống đất :

- Lo xa chi ba ch.uyện ấy chị ơi! Đời còn dài mà...


- Anh nhìn tôi khoẻ thế chứ gục lúc nào không biết. Toàn bệnh về tim mạch cả! Nói dại, tôi chỉ sợ chết bất ngừ thì chẳng có ai lo cho thằng con tôi thôi.

- Còn anh nhà nữa chi! Chị cứ...

- Ông theo vợ bé rồi - Bà buông gọn, khô khốc. Người đàn ông lặng đi. Mắt ông lướt qua phố xá buồn buồn :

- Vợ tôi thì mất rồi. Tai biến mạch máu não.

- Ấy ấy, tôi sợ chính cái bệnh... đang nói nửa chừng, bà khựn lại lúng túng - Vợ anh mất rồi ah?
Người thợ ảnh gật đầu lặng lẽ. Nghe gió từ trên ngàn đang đổ về phố chơi vơi.

- Chị đừng lo. Số những người như mình không chết sớm được đâu. Trời còn bắt sống để lo cho con cái nữa. Nhiều khi tôi cũng bệnh, cứ tưởng chẳng gượng dậy được, vậy mà thấy con bé khóc thì tôi lại tỉnh như sáo.

...

- Tôi cũng thế thôi. Cứ nhìn thằng con tôi thì tôi lại tự nhủ mình phải cố mà sống. Thằng bé ngoan lắm anh ah...

***

Cô bé con của người thợ chụp ảnh thì đúng là một thiên thần nhỏ. Nhưng còn cậu con trai "ngoan lắm" của người đàn bà bán xôi thì... Hôm nhìn thấy cậu bé qua hàng mẹ xin tiền, Xám sửng sốt gọi Trắng :

- Cậu nhìn thằng bé kìa, có nhận ra nó không?

- Làm sao tớ quay lại được cơ chứ! - Trắng dỗi.

- Xin lỗi, tớ quên! Nhưng thằng bé này thì tụi mình biết. Buổi tối nó hay đi chơi với mấy đứa bạn ngang đây. Cái đứa mà mình thắc mắc sao mà nó mặc áo trắng quần xanh như đi học ấy.

- Thế ah... - Trắng tặc lưỡi vu vơ, cũng chẳng biết phải làm gì. Nó hay nhìn thấy cậu bé ấy ngồi ké trên xe máy của bạn, phóng ào ào qua vòng xoay, la hét om cả phố. Tội nghiệp người mẹ!

Ban đầu, Xám và Trắng day dứt lắm vì chúng không thể nói cho người mje biết về cậu con trai được. Nhưng sau đó, nghe cậu dạ thưa rất ngoan ngoãn và nhìn khuôn mặt hạnh phúc rạng rỡ của người mẹ, Xám lại kết luận với Trắng rằng bà không biết có lẽ tốt hơn. Chẳng nên phá vỡ niềm tin đáng thương đó làm gì. Rồi một lúc nào đó, cậu bé con cũng đủ lớn để hiểu ra điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

***

Nhịp sống trên vỉa hè kề bên nhà thờ vẫn tiếp diễn như trước, chỉ khác một điều : Có hai người lớn đã tìm được mối đồng cảm quý giá với nhau. Sáu giờ sáng, người bán xôi đón ông thợ chụp ảnh bằng một nụ cười và hai gói xôi to tướng gói sẵn. Buổi trưa, người đàn bà ra về mang theo mình một lời chào vui vẻ. Và từ lúc ấy đến chiều, Xám đoan chắc với Trắng rằng, người đàn ông khắc khổ ấy đã mỉm cười một lần không dưới mười lần. Trắng làu bàu:

- ông ta muốn cười thì cười, có gì đâu mà cậu phải đếm!

- Điều này thì cậu không hiểu đâu! - Giọng Xám bí hiểm.

Trắng không hiểu thật. Nó vốn giản đơn và thực tế. Nó cũng thường không hiểu tại sao Xám mơ mộng đến như thế. Xám có thể lặng im hàng giờ ngắm trăng, mặc dù nhiều khi vầng trăng ấy chỉ là một mảnh lá lúa cong cong lạnh băng bên góc trời. Xám cũng thường ngẩn ngơ lắng nghe những làn gió chiều, sau một ngày dài lang thang, trở về lồng lộng vây lấy hai đứa. Nó quả quyết với Trắng rằng những cơn gió ấy kể cho nó nghe về núi đồi quanh đấy, về rừng cây hoang dã bạt ngàn, về cái gọi là thác - một con sông nghiêng dòng đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xoá trên những phiến đá ẩm ướt rêu. Trắng cố hình dung nhưng chỉ được lờ mờ. Nó chỉ hiểu một điều, thế giới của Xám rộng lớn hơn thế giới của nó nhiều lắm.

Đến một ngày, người đàn bà đề nghị:

- Thấy cha con anh vất vả quá! Hay là để tôi nấu cơm cho.

Người thợ chụp ảnh vặn vẹo đôi bàn tay có những ngón dài gầy guộc, lúng túng :

- Tôi không dám làm phiền chị...

- Có phiền phức gì đâu chứ! Tôi tiện thể nấu nhiều hơn một chút thôi mà!

Ánh mắt người đàn ông sáng bừng lên một phút, rồi lại tắt đi :

- Thôi! Cha con tôi sống thế này quen rồi! Cám ơn chị...

Người đàn bà định nói một điều gì đó, song lại thôi. Bà lặng lẽ thở dài. Câu chuyện bị cắt khúc thành hai mảnh chơi vơi.
Xám kể lại cho Trắng nghe. Và Trắng kết luận "Con người phức tạp quá!"

***

Đêm nay có trăng. Trăng mười bảy, nên mọc trễ nhưng tròn vành vạnh và vàng rực rỡ. Trắng gọi Xám :
"Trăng mọc kìa!" Xám chẳng bao giờ thấy được cảnh trăng mọc cả, đơn giản vì nó xoay mặt sang hướng khác.

Chợt có tiếng xe máy rú ga trên con đường vắng. Lại những đứa trẻ con học đòi tìm cảm giác mạnh trong cái trò chạy xe chết người. Trắng bực dọc nhìn ba bốn chiếc xe lao hết tốc lực qua vòng xoay. Nó bật kêu lên khe khẽ :

- Có cả thằng bé ấy nữa đấy!

Thằng bé con người đàn bà bán xôi ngồi sau lưng chiếc moto đang gầm lên bức phá. Đột ngột, chiếc xe lạc tay lái, va vào dải phan cách đường. Con mãnh thú chồm lên bãi cỏ, và đứa cầm lái chỉ kịp bẻ đầu xe tránh gốc cây trước mặt. Chiếc xe tránh được gốc cây, nhưng... lao vào Xám. Trắng chết lặng người nghe tiếng va chạm khủng khiếp sau lưng mình.

Chiếc moto lộn mấy vòng trước khi dừng hẳn. Hai thằng bé nằm sóng sượt. Trắng hốt hoảng gọi Xám, nhưng Xám không trả lời nổi. Một chân của nó gãy lìa, chân kia cũng đứt rời cốt sắt và vẹo sang một bên. Nó không biết đau, nhưng tận trong lòng nó đang trỗi lên một nỗi đau to lớn : Thằng bé mà có mệnh hề gì thì người đàn bà ấy sẽ ra sao?

***

Sáng ra, người thợ chụp ảnh ngơ ngác thấy hè đường thiếu vắng thúng xôi quen thuộc. Những cơn gió thì thầm với Xám : "Bà ấy nghe báo về con trai thì đổ xuống như một tàu lá héo. Bây giờ, cả hai mẹ con đang nằm trong bệnh viên, chẳng biết ai nguy kịch hơn ai."
Đến chiều, ngọn gió trở lại, thổi hun hút : "Bà ấy mất rồi..."

Xám nghe tấm thân xiêu vẹo của mình rã rời, và tâm hồn bằng đá của nó rưng rức đau. Người đàn ông khắc khổ kia có nghe được lời của gió hay không mà vỗi vã dọn hàng về sớm. Cái bóng gầy guộc của ông đổ liêu xiêu trong cái nắng chiều như một chấm than cô độc.

Có vẻ như người đàn ông không biết điều gì đã xảy ra, hoặc không tin nổi nó lại xảy ra vội vã đến thế. Hôm sau, rồi đến hôm sau nữa, mỗi sáng ông vẫn ngong ngóng về phía lề đường bên cạnh chờ đợi một điều gì đó. Chiều, sau khi dọn dẹp xong dụng cụ, ông không về ngay mà ghé đến chỗ Trắng ngồi. Trắng xa xót nhìn ánh mắt khắc khoải của ông hụt rơi vào khoảng - không - có - gì trước mặt. Hơn bao giờ hết nó hiểu nỗi đau chênh vênh của một người đứng bên bờ sự mất mát. Xám không nói gì, nhưng Trắng lắng nghe người ta đi qua lại xì xào : "Cái ghế đá gãy rồi!" và dĩ nhiên nó đoán được. Trắng chỉ là một chiếc ghế đá không thể cử động, nhúc nhích. Nó làm được gì cho Xám bây giờ?

***

Và cuối cùng Xám đã đổ xuống.
Sáng ra, người đàn ông là người đầu tiên chú ý đến việc chiếc ghế đá đã sập xuống hoàn toàn. Chẳng biết nghĩ gì mà ông lấy máy ảnh chụp ngay cảnh tượng hai chiếc ghế tựa lưng nhau bên gốc cổ thụ, một chiếc cò nguyên lành, chiếc kia đã gãy gục. Rồi thay vì tiếp tục dọn hàng, ông ngồi thừ người. Một giọt nước mắt lăn ra cuối khoé mắt nửa đục nửa trong.

Buổi trưa, người ta chở Xám đi ngang qua trước mặt Trắng. Lần đầu tiên Trắng nhìn thấy người bạn mình. Trong lòng xe chỉ là những mảnh lìa giơ ra lõi sắt gỉ sét. Vậy mà đó đã từng là Xám, người bạn nhỏ thích nhìn trời, nhìn mây, thích lắng nghe tiếng thì thầm xạc xào của gió núi. Trắng nhìn theo chiếc xe mát hút nơi ngả rẽ, quay quắt nhớ tiếng Xám trong veo "Sao sáng quá!..." Sẽ chỉ còn lại mình Trắng với một nửa bầu trời sao không đủ sáng bao giờ.

***

Các bạn có thể nghĩ là tôi đang kể một chuyện cổ tích. Nhưng một lúc nào đó, nếu các bạn có dịp dừng chân nơi một phố huyện miền núi, biết đâu bạn nhìn thấy trên dải phân cách trước mặt nhà thờ cổ, dưới gốc một cây cổ thụ đang rắctheo gió những tàn hoa vàng và xác lá lao xao, có một chiếc ghế đá trắng chơ vơ cùng một người đàn ông lặng lẽ ngồi trong bóng tối sắp tắt. Và bạn sẽ hiểu rằng câu chuyện tôi kể trên đây là có thật ở một góc độ nào đó của cuộc đời này..."
 
×
Quay lại
Top