Emma

Chương 03

Lời giải thích với anh Knightley làm cho Emma khá vui. Đấy là một trong những hồi tưởng dễ chịu về buổi dạ vũ của cô khi đi dạo trong khu vườn sáng hôm sau. Cô rất lấy làm hài lòng vì ah Knightley và cô đã thấu hiểu giống nhau về vợ chồng Elton. Những nhận xét của anh và cô về cả hai vợ chồng đều khá giống nhau, còn lời khen ngợi anh dành cho Harriet và việc anh nhân nhượng với cô đều khiến cho cô cảm kích. Thái độ xấc xược của vợ chồng Elton - vốn có thể huỷ hoại của buổi tối vui vẻ của cô - lại là nguyên nhân dẫn đến sự hài lòng tột bậc.

Bây giờ cô mong đợi một kết quả có hậu khác: xoá tan niềm mê đắm của Harriet. Cô có niềm tin mạnh mẽ, theo cách Harriet nói về sự việc khi hai người rời phòng khiêu vũ. Đấy như thể là bất chợt cô bé đã thức tỉnh và thấy anh Elton không phải là người tốt như trước đây cô hằng tin tưởng. Cơn sốt đã qua đi, bây giờ Emma không còn sợ nhịp tim đập loạn cuồng vì thói tử tế nhưng gây tổn thương. Cô mong cảm nghĩ xấu xa của vợ chồng Elton là duyên cớ để rèn luyện tinh thần cho cô bé quên hẳn anh ta. Harriet có lý trí, Frank Churchill không yêu cô lắm, còn anh Knightley không còn muốn tranh cãi về cô, quả là một mùa hè hạnh phúc đang chào đón Emma phía trước!

Sáng nay Emma sẽ không gặp Frank Churchill. Anh đã bảo cô rằng anh không thể đến Hartfield vì phải trở về nhà. Cô không thấy buồn về việc này.

Sau khi suy ngẫm mọi điều và ổn định tâm tư, với tinh thần sảng khoái Emma vừa bước quay về nhà để lo chăm sóc hai đứa trẻ và ông bố thì cánh cổng mở ra, hai người, mà cô không hề trông đợi đi với nhau, bây giờ đang đi vào: Frank Churchill với Harriet đi tựa bên anh - đúng là Harriet! Chỉ thoáng nhìn, chỉ thoáng nhìn, cô thấy ngay là đã xảy ra chuyện bất thường. Harriet trông nhợt nhạt và sợ hãi, còn anh đang trấn an cô bé. Ba người bước vào nhà, rồi Harriet lập tức đổ người xuống một chiếc ghế và ngất xỉu.

Một người ngất xỉu thì phải được giúp hồi tỉnh , có câu hỏi thì phải có câu trả lời, có sự ngạc nhiên thì phải có lời giải thích. Những vụ việc như thế là đáng để ý nhưng không thể cứ gay cấn mãi. Chỉ cần vài phút là cũng đủ cho Emma nhận ra toàn bộ sự việc.

Cô Bickerton - là người cũng ở trọ nhà bà Goddard và cũng đến dự dạ vũ - cùng với cô Smith đi tản bộ dọc theo một con đường. Đấy là đường Richmond, bình thường an toàn vì có người qua lại, nhưng lần này dẫn họ đến sự cố. Khoảng gần một cây số khỏi Highbury, con đường thình lình rẽ ngoặt và có nhiều bóng tối vì có hai hàng cây hai bên, một đoạn dài ở nơi đây ít người qua lại. Khi hai cô gái trẻ bước thêm một đoạn, bất chợt họ nhìn thấy cách một quãng không xa lắm phía trước là một nhóm người Bohemien. Một đứa trẻ trong bọn họ tiến đến hai cô để xin tiền. Vì quá sợ hãi, cô Bickerton thét lên một tiếng, kêu Harriet chạy theo cô , chạy lên một triền dốc, qua một hàng rào cây rồi cố tìm đường tắt trở về Highbury. Nhưng Harriet tội nghiệp chạy theo không kịp. Sau buổi khiêu vũ chân cô đã bị chuột rút, và khi cô cố chạy lên triền dốc, chứng chuột rút lại tái phát khiến cô phải đứng lại trong nỗi sợ hãi tột cùng.

Nếu hai cô gái trẻ có can đảm hơn thì không rõ nhóm người kia sẽ làm được gì, nhưng họ không muốn bỏ qua cho cô gái yếu đuối. Khoảng năm, sáu đứa trẻ xông đến, dẫn đầu là một phụ nữ rắn chắc và một đứa con trai to khoẻ. Tất cả đều hăm hở và xấc xược qua dáng vẻ, tuy không hẳn qua lời nói. Càng sợ hãi, Harriet lập tức hứa cho họ tiền, mở ví ra lấy một đồng tiền đưa cho họ, rồi van xin họ đừng lấy thêm hoặc làm hại cô. Rồi cô cố bước đi tuy còn chậm chạp, nhưng vẻ sợ hãi và ví tiền của cô khiến cho đám người h.am m.uốn thêm. Họ đi theo cô, đúng ra là bao vây cô, đòi thêm tiền.

Giữa lúc ấy, anh Frank Churchill tìm ra cô, cô đang run rẩy và van xin, còn đám người ồn ào và xấc xược. Nhờ một tình cờ may mắn, anh rời Highbury muộn, vì thế có cơ hội đến cứu giúp cô trong giây phút khủng hoảng này. Buổi sáng trời đẹp khiến cho anh nảy ra ý muốn đi dạo, nên anh cho người đánh xe đến đón anh ở một con đường khác, cách Highbury khoảng vài cây số. Đêm trước anh đã mượn chị Bates cái kéo mà quên trả lại nên anh phải mang đến nhà chị, vào chơi ít phút. Vì thế anh bị muộn so với thời gian đã định. Vì anh đi bộ, đám người kia đã trông thấy anh khi anh đến gần. Nỗi sợ hãi mà người phụ nữ rắn chắc và đứa con trai gây ra cho Harriet bây giờ đảo ngược. Sự xuất hiện của anh khiến cho họ kinh hoàng tột độ mà bỏ chạy. Harriet tha thiết níu lấy cánh tay anh, hầu như không thốt nên lời, chỉ gắng sự bước về Hartfield. Chính là anh có ý tưởng dẫn cô đến Hartfield, anh không nghĩ ra nơi nào thích hợp hơn.

Đấy là nội dung vụ việc, theo lời anh và Harriet tường thuật khi cô đã hoàn hồn. Anh chỉ có thể nán lại trong chốclát để chắc chắn Harriet không có hề gì, anh phải ra đi vì đã bị chậm trễ. Emma nhờ anh nhắn cho bà Goddard biết Harriet được bình yên. Còn nhớ bà là láng giềng của anh Knightley, anh ra đi sau khi Emma đã cảm tạ anh nồng nàn vì bạn cô và vì cô.

Một cuộc phiêu lưu như thế - một thanh niên sáng giá và một thiếu nữ dễ thương gặp nhau theo cách như thế - hẳn mang đến cho con tim lạnh lùng nhất và đầu óc trung kiên nhất vài ý nghĩ nào đấy. Cuối cùng thì Emma đã nghĩ như thế. Liệu một nhà ngôn ngữ học nào, thậm chí một nhà tóan học nào đã từng trông thấy như cô, đã từng chứng kiến hai người bên nhau và nghe họ kể lại, mà không nghĩ hoàn cảnh đã đẩy đưa cho hai người đến bên nhau ? Liệu có một người khéo tưởng tượng nào - như cô - lại không suy đóan và vẽ vời thêm! Đặc biệt là khi đầu óc cô đã định hình những suy đoán như thế.

Quả là một chuyện lạ lùng! Emma không nhớ đã từng có sự cố như thế này xảy ra cho bất kỳ phụ nữ trẻ nào trong vùng, không hề có sự chạm trán, không hề có nỗi e sợ về một chuyện như thế. Bây giờ, sự cố lại xảy ra với chính thiếu nữ ấy, đúng vào giờ phút ấy, khi chính thanh niên ấy tình cờ đi qua mà cứu thoát cô bé! Đúng thật là chuyện lạ lùng! Emma càng có ấn tượng hơn khi biết được trạng thái tinh thần của mỗi người trong thời khắc ấy. Anh đang muốn củng cố ý tình của anh đối với cô bé, còn cô bé đang hồi phục sau cơn điên cuồng vì anh Elton. Có vẻ như mọi chuyện đã tụ hội để tạo nên kết quả mãn nguyện nhất. Chắc chắn là vụ việc sẽ đưa đẩy hai người đến gần nhau thêm.

Trong vòng vài phút cô hỏi chuyện anh trong lúc Harriet còn đang bấn loạn, anh kể về nỗi sợ hãi của cô bé, vẻ ngây thơ của cô bé, vẻ tha thiết của bé khi nắm lấy cánh tay anh, với ý thức vừa buồn cười vừa thích thú. Sau khi Harriet thuật lại câu chuyện, anh thốt lời khinh thường hành động điên rồ đáng ghét của cô Bickerton, tuy nhiên, mọi việc đều diễn ra theo cách tự nhiên, không có gì thúc đẩy hoặc trợ giúp thêm. Emma không hề có động thái nào và cũng không có ẩn ý gì. Không cần, vì đã có đủ sự can thiệp từ bên ngoài. Sự việc tự nó thế là không phải tệ. Còn hơn là điều mơ ước. Emma sẽ không phải thúc đẩy gì thêm.

Chủ định đầu tiên của Emma là Hy Lạp cho ông bố biết gì về chuyện này vì cô hiểu rõ sẽ gây lo lắng cho ông, nhưng cuối cùng cô thấy không thể giấu giếm được. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, cả Highbury đều biết chuyện. Đấy là tin gay cấn mà người lắm lời thích bàn tán nhất - giới trẻ và giới hạ lưu. Chẳng bao lâu, bọn trẻ và bọn gia nhân trong vùng đều lấy làm hào hứng về câu chuyện hãi hùng. Nhóm người Bohemien đã trùm lấp tin tức về buổi dạ vũ. Ông Woodhouse tội nghiệp run rẩy, và đúng như Emma đã đoán trước, ông nhất quyết bắt mọi người phải hứa đừng bao giờ đi qua khỏi hàng rào dậu nữa. Ông lấy làm mãn nguyện khi cả nghĩ được nhiều người hỏi han đến ông, đến cô Woodhouse (vì lẽ láng giềng ông biết ông thích được hỏi han) cũng như cô Smith. Ông lấy làm vui mà trả lời họ rằng tất cả nhà ông đều bình thường. Emma biết sự thật không hẳn như thế, cô thì hoàn toàn bình thường nhưng Harriet thì không. Nhưng Emma không ngắt lời ông bố. Cô có tình trạng sức khoẻ không được phấn khởi đối với con gái của một ông bố như thế bởi vì cô ít khi biết đau yếu là như thế nào, và nếu ông không vẽ chuyện cô đau yếu thì không ai hỏi han đến cô.

Nhóm người Bohemien không đợi cho công lý ra tay, mà vội vã bỏ đi nơi khác. Các cô gái trẻ của Highbury có thể đi ra ngoài đường an toàn trước khi kịp hốt hoảng vì câu chuyện kia. Chẳng bao lâu, cả vụ việc chìm dần trong quên lãng ngoại trừ đối với Emma và hai đứa cháu của cô. Trong trí tưởng tượng của cô sự việc vẫn còn tồn đọng. Henry và John mỗi ngày đều hỏi han về câu chuyện của Harriet và nhóm người Bohemien, vẫn kiên quyết bắt bẻ nếu cô thay đổi một chi tiết nhỏ nhặt so với lời kể ban đầu .
 
Chương 04

Một buổi sáng ít ngày sau cuộc phiêu lưu, Harriet đến thăm Emma với một cái gói nhỏ trên tay. Sau một chút do dự, cô bé bắt đầu:

- Chị Woodhouse, nếu chị rảnh rỗi, em có chuyện này muốn kể cho chị nghe như là một lời tự thú, và rồi vụ việc sẽ chóng qua.

Emma rất ngạc nhiên, nhưng yêu cầu cô bé nói ra. Cộng thêm vào câu nói, Harriet lộ vẻ nghiêm túc khiến Emma chuẩn bị tinh thần cho chuyện gì đấy khác thường.

Harriet tiếp:

- Em có bổn phận - và cũng có ý muốn - không giấu giếm gì với chị về chuyện này. Khi em thấy vui mà thay đổi thành một con người khác theo một khía cạnh, lẽ tự nhiên là chị sẽ hài lòng nếu biết thế. Em không muốn nói quá mức cần thiết. Em quá xấu hổ vì mình đã nản chí, và em nghì chị hiểu cho em.

Emma nói:

- Đúng, chị mong là chị hiểu em.

Harriet nói một cách nồng ấm:

- Làm thế nào mà trong thời gian dài em đã vọng tưởng! đấy như là một cơn điên rồ! bây giờ em không thấy có gì đặc biệt nơi anh ấy, em không màng có được gặp anh ấy hay không - trong hai điều thì em thà không gặp anh ấy - và thật tình là em muốn đi đâu đấy để xa lánh anh. Nhưng em không hề ghen tức với vợ anh ấy, em không nguỡng mộ hoặc đố kỵ với cô. Em nhìn nhận là cô ấy rất quyến rũ và còn hơn thế nữa, nhưng em nghĩ cô ấy là người cáu bẳn và khó thương. Em sẽ không bao giờ quên ánh mắt của cô ta tối hôm nọ! tuy nhiên, chị Woodhouse ạ, em không hề mong chuyện gì xấu xảy đến cho cô ấy. Không, hãy để cho hai người sống hạnh phúc bên nhau mãi, em sẽ không có phút giây nào đau đớn nữa. Và để cho chị tin rằng em nói sự thật, bây giờ em sẽ phá huỷ cái mà em không bao giờ được giữ, mà đáng lẽ ra em nên phá huỷ từ lâu..Em biết rõ điều này…

Cô đỏ ửng mặt, nói tiếp:

- Tuy nhiên, bây giờ em sẽ huỷ tất cả, và em muốn làm trước mặt chị để cho chị thấy bây giờ em đã có lý do như thế nào. Chị có biết cái gói này đựng gì không?

- Chị không hề biết. Anh ấy có từng tặng quà gì cho em không?

- Không. Em không thể gọi đó là quà, nhưng đó là những món mà một thời em rất trân trọng.

Harriet đưa cái gói và Emma đọc hàng chữ Những món quý giá nhất trên nắp hộp. Emma càng thêm tò mò. Harriet mở giấy gói, trong khi Emma vô cùng sốt ruột. Giữa lớp giấy bạc là chiếc hộp đựng quả bằng gỗ quý khảm hoa văn. Harriet mở chiếc hộp ra, bên trong được lót bằng một lớp vải mềm, nhưng ngoài lớp vải mềm này, Emma chỉ thấy một mảnh băng dính nhỏ.

Harriet nói:

- Bây giờ chị phải nhớ lại.

- Không, thật tình chị không nhớ.

- Trời ơi! Em không hề nghĩ chị có thể quên chuyện đã xảy ra trong gian phòng ấy về mảnh băng dính, một trong những lần cuối cùng chúng ta gặp nhau ở đấy. Chuyện này xảy ra vài ngày trước khi em bị đau họng, trước khi hai vợ chồng Knightley đến - em nghĩ vào cùng buổi tối ấy. Anh ấy bị đứt tay vì con dao nhíp mới của chị, và chị khuyên dùng băng dính, chị có nhớ không? Nhưng vì chị không có băng dính bên mình mà biết em có, nên chị muốn em cho anh ấy. Thế là em lấy băng dính của em ra, cắt cho anh ấy một mảnh, nhưng vì mảnh ấy quá lớn, anh ấy cắt cho nhỏ và nghịch ngợm một hồi với mảnh còn lại trước khi trả lại cho em. Và rồi, vì điên rồ em đã giữ mảnh băng dính ấy như là bảo vật, nên em giữ lấy mà không bao giờ dùng đến, thỉnh thoảng mang ra xem mà lấy làm thích thú lắm.

Đưa bàn tay lên che mặt, nhảy dựng lên, Emma thốt lên:

- Harriet yêu dấu của chị, em làm cho chị lấy làm xấu hổ về mình. Chị có nhớ không hả? Có, bây giờ chị nhớ ra rồi, nhớ ra tất cả ngoại trừ việc em giữ lại món kỷ niệm này. Trước giờ chị không biết gì về việc này, nhưng chị nhớ việc đứt tay, rồi chị khuyên nên dùng băng dính, rồi nói chị không có băng dính bên mình! Ôi, tội lỗi của chị! Tội lỗi của chị! trong túi chị có sẵn nhiều băng dính! Một trong những trò lừa vô tâm của chị! chị đáng phải xấu hổ cả đời.

Emma ngồi xuống, nói tiếp:

- À, em kể tiếp đi, còn chuyện gì nữa?

- Đúng là chị không có băng dính bên mình sao? Em không bao giờ nghi ngờ việc này, chị hành động rất tự nhiên.

Emma nói:

- Thế là em thật sự dùng mảnh băng dính này để chăm sóc anh ấy!

Bây giờ bình tĩnh lại sau nỗi xấu hổ, cô cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Và cô thầm nghĩ "Chúa tôi! Mình chưa hề nghĩ đến việc gìn giữ mảnh băng dính mà Frank Churchill đã vứt bỏ! mình không bao giờ được như thế này".

Harriet trở lại với chiếc hộp:

- Này, đây là một món khác còn quý hơn, ý em nói là đáng quý lúc trước , bởi vì không như mảnh băng dính, có lúc nó thuộc về anh ấy.

Emma nôn nóng muốn xem món gì quý giá hơn. Đấy là một mẩu bút chì, đoạn không có ruột chì nào.

Harriet nói:

- Đấy là cây bút chì của anh ấy. Chị có nhớ buổi sáng đó không? Không, em dám nói chị không nhớ. Nhưng một buổi sáng - mà em đã quên chính xác là ngày nào - có lẽ đấy là thứ ba hay thứ tư trước buổi sáng đó, anh ấy muốn ghi chép trong quyển sổ tay của anh về bia vân sam. Anh Knightley đã nói với anh ấy về cách nấu bia vân sam, nên anh ấy muốn ghi chép lại, nhưng khi anh rút cây bút chì của anh ấy ra thì chỉ còn chút ruột chì, anh ấy cố gọt nhưng không được, nên chị cho anh ấy mượn cây bút chì khác, còn cây bút của anh ấy thì bị bỏ lăn lóc trên bàn như là vật phế thải. Nhưng em để ý đến, và khi có cơ hội em thu lấy, từ lúc đó em vẫn giữ nó bên mình.

Emma lên tiếng:

- Chị nhớ ra rồi, chị nhớ rất rõ. Nói về bia vân sam..Ôi chao, đúng. Anh Knightley và chị đều nói thích uống loại bia này, và có vẻ như anh Elton quyết chí muốn học cách nấu bia. Chị nhớ rất rõ. Dừng lại, anh Knightley đang đứng ở ngay đây, phải không? Chị nghĩ anh ấy đứng ở ngay đây.

- Em không rõ. Em không nhớ. Anh Elton đang đứng ở đây, em còn nhớ, gần chỗ của em bây giờ.

- Em kể tiếp đi.

- Ôi trời! Chỉ có thế. Em không còn gì cho chị xem hoặc kể cho chị nghe, ngoại trừ là bây giờ em định mang cả hai thứ đi đốt, và em mong chị thấy em làm việc này.

- Harriet tội nghiệp của chị! em thật sự có vui không khi trân trọng gìn giữ hai món này?

- Có, em khờ khạo thế nào ấy! nhưng bây giờ em xấu hổ, em mong có thể quên đi sự dễ dàng như cách em mang đi đốt. Chị biết đấy, em thật là sai lầm mà giữ mãi các kỷ vật sau khi anh ấy đã kết hôn. Em biết mình sai lầm, nhưng đã không đủ quyết đoán để rời xa những kỷ vật ấy.

- Nhưng, Harriet này, có cần thiết phải đốt mảnh băng dính không? Chị không nói gì về mẩu bút chì, nhưng mảnh băng dính có thể còn hữu dụng.

Harriet đáp:

- Em sẽ lấy làm vui mà đốt. Em khó chịu khi nhìn thấy nó. Em phải tống khứ mọi thứ. Thế là xong, thế là đến hồi kết thúc về anh Elton! Cảm ơn trời đất!

Emma nghĩ thầm "Còn khi nào đến hồi khởi đầu về anh Churchill?"

Ngay sau đấy, cô có lý do để tin rằng đã có hồi khởi đầu . Dù không ức đóan, cô vẫn tin rằng nhóm người Bohemien đã tạo ra hồi khởi đầu cho Harriet. Khoảng nửa tháng sau vụ kia, đã có lời giải thích đầy đủ, dù là không do chủ ý. Vào lúc này, Emma không nghĩ đến việc giải thích, khiến cho tin tức cô nhận được càng thêm giá trị. Trong câu chuyện phiếm, cô chỉ nói "Này, Harriet, khi nào em kết hôn, chị khuyên em làm thế này và thế này", rồi không suy nghĩ gì nữa. Sau một phút im lặng, cô nghe Harriet nói với giọng thật nghiêm chỉnh:

- Em sẽ chẳng bao giờ kết hôn.

Emma ngước nhìn và lập tức nhận ra thái độ của cô bé. Sau một khoảnh khắc cô tự liệu có nên để ý đến câu nói ấy hay không, rồi cô trả lời:

- Chẳng bao giờ kết hôn! Đấy là một chủ định mới mẻ.

- Đấy là chủ định mà em sẽ không bao giờ thay đổi.

Thêm một khoảnh khắc do dự:

- Chị mong đấy không phải là do… Chị mg đấy không phải là có ý đề cao anh Elton!

Harriet thốt lên một cách khinh bỉ:

- Anh Elton hả? Ôi chao! Không! - và Emma chỉ kịp nghe vài tiếng tiếp theo - Còn sáng giá hơn anh Elton!

Emma suy nghĩ hồi lâu. Liệu cô có nên tiến xa thêm? Liệu cô có nên bỏ qua, giả vờ không nghi ngờ gì cả? Có lẽ nếu cô bỏ qua, Harriet sẽ cho là cô lạnh lùng hoặc tức giận. Hoặc có lẽ nếu cô hoàn toàn im lặng sẽ chỉ khiến cho Harriet hỏi han cô để nghe quá nhiều. Cô tin rằng tốt hơn là nói và biết cùng lúc, tất cả những gì cô định nói và muốn biết. Tốt nhất là nên thật thà với nhau. Cô đã định mình phải tiến xa tới đâu. Cô đã quyết định và nói:

- Harriet, chị không nghi ngờ ý định của em. Sự cả quyết - hay đúng hơn, ước mong - không bao giờ kết hôn là vì những người mà em mến có địa vị quá cao xa với em. Có phải thế không?

- Ôi chao! Chị Woodhouse, xin chị hãy tin là em không có suy đoán gì cả. Em không điên rồ đến thế. Nhưng em thích đứng từ xa mà chiêm ngưỡng anh ấy, và nghĩ về vị thế cao cả của anh bằng tất cả lòng cảm kích và tôn thờ mà đối với em là đúng mực.

- Harriet, chị không lấy gì làm ngạc nhiên về em. Việc anh ấy giúp em là đủ để làm rung động con tim của em.

- Anh ấy giúp em! Trời đất! Đó là bổn phận không ngôn từ nào nói hết! chỉ nghĩ đến chuyện đó, và những gì em trải qua lúc ấy…khi em trông thấy anh ấy đi đến…dáng vẻ cao sang của anh ấy…và tình cảnh khổ sở của em lúc trước. Quả là một sự thay đổi! trong một khoảnh khắc là cả sự thay đổi! từ khổ sở cùng cực đến hạnh phúc vô biên!

- Lẽ tự nhiên là như thế. Hoàn toàn tự nhiên, và đấy là xứng đáng. Vâng ,chị cho là xứng đáng khi có sự lựa chọn cẩn trọng như thế và cảm kích như thế. Nhưng chị mong đấy phải là do thực tâm. Chị không muốn khuyên em phải chiều lòng theo. Chị không có ý nói phải đền đáp. Hãy xem xem em là người như thế nào. Có lẽ điều khôn ngoan nhất là em dò hỏi lòng mình trong lúc này. Trong trường hợp nào đi nữa vẫn không nên phóng túng về mặt tình cảm, trừ khi em đã xác định anh ấy thích em. Hãy quan sát kỹ anh ấy, hãy để cho thái độ của anh ấy dẫn dắt tình cảm của em. Chị phải nhắc nhở em bây giờ, bởi vì chị sẽ chẳng bao giờ đề cập lại chuyện này. Chị đã nhất quyết không can thiệp vào chuyện gì nữa. Từ nay trở đi, chị không muốn biết gì cả. Hai chị em ta không cần nói đến tên ai. Chúng ta đã quá sai lầm trước đây, bây giờ phải cẩn trọng. Đúng là anh ấy có vị thế cao hơn em, và dường như có những chống đối và trở ngại nghiêm trọng, nhưng tuy thế, Harriet à, những chuyện tuyệt vời vẫn xảy ra, đã có những cuộc hôn nhân còn chênh lệch hơn nữa. Nhưng em nên tự bảo trọng. Chị không muốn em quá lạc quan. Dù kết cuộc có là thế nào, hãy nâng cao ý nghĩ của em về anh ấy. Đấy là dấu hiệu của đầu óc nhận thức tốt mà chị luôn đánh giá cao.

Harriet hôn bàn tay của Emma với thái độ im lặng và phục tòng. Emma tin chắc mối tình này sẽ không bất lợi cho cô bạn nhỏ của mình. Tinh thần cô bé sẽ được vực dậy, sẽ không còn có nguy cơ bị hạ thấp.
 
Chương 05

Tháng sáu mang đến Harriet những dự định, kỳ vọng và mưu đồ. ở Highbury thì không có thay đổi nào đáng nói. Vợ chồng Elton vẫn nói về chuyến đi thăm nhà Suckling và việc sử dụng cỗ xe lớn. Jane Fairfax vẫn lưu lại ở nhà bà ngoại. Vì nhà Campbell hoãn chuyến trở về từ Ireland, định thời gian là tháng tám thay vì giữa mùa hè, cô có thể phải nán lại thêm hai tháng miễn là ít nhất cô có thể chống lại hành động giúp đỡ của cô Elton và tránh hấp tấp vướng vào một hoàn cảnh không mong muốn.

Vì lý do mà chỉ mình anh biết , ngay từ đầu anh Knightley đã có ác cảm với Frank Churchill và bây giờ càng có ác cảm thêm. Anh bắt đầu nghĩ Frank Churchill có thái độ nước đôi đối với Emma. Điều hiển NHIÊn là Emma trở thành đối tượng của Frank Churchill. Mọi thứ đều biểu hiện việc này: thái độ săn đón của anh, ẩn ý của ông bố, sự im lặng ý tứ của mẹ kế. Những ngôn từ, hành vi, tính cởi mở và tính kín đáo đều cho thấy cùng sự việc. Nhưng trong khi nhiều người ghép anh cho Emma và Emma ghép anh cho Harriet, anh Knightley bắt đầu nghi anh chàng có tình cảm vụn vặt với Jane Fairfax. Anh không thể hiểu được về điều này, nhưng có những dấu hiệu giữa hai người - ít nhất anh cho là thế - dấu hiệu của lòng ngưỡng mộ về phía anh chàng mà anh Knightley cho là có ý nghĩa nào đấy, tuy không muốn nhầm lẫn vì tưởng tượng như Emma. Jane Fairfax không có mặt khi lần đầu tiên nảy sinh nghi vấn. Anh đã dùng bữa với nhà Randalls trong khi Jane đi đến nhà Elton và anh nhìn thấy dáng vẻ - còn hơn là dáng vẻ - nơi cô Fairfax mà do câu khen tặng của cô Woodhouse, xem dường không đúng chỗ. Khi anh trò chuyện cùng cô Fairfax, anh không còn nhớ những gì mình đã thấy, ngoại trừ là do tự kỷ ám thị. Anh càng thêm nghi ngờ có một sợi dây tình cảm nào đấy giữa Frank Churchill và Jane.

Một ngày, sau bữa ăn chiều anh đi đến Hartfield như những lần trước đó. Emma và Harriet đang chuẩn bị đi dạo, anh cùng đi với hai người. Khi trở về, họ gặp một nhóm đông hơn cũng đang đi bộ như họ vì nghĩ nên vận động sớm kẻo trời mưa. Đấy là hai vợ chồng Weston và anh con trai của ông, chị Bates và cô cháu gái của chị - vì họ tình cờ gặp nhau. Hai nhóm cùng đi với nhau. Khi đến cổng nhà Hartfield, Emma mời tất cả vào dùng trà với bố cô vì nghĩ ông sẽ rất vui mà gặp họ. Nhà Randalls đồng ý ngay. Sau khi chị Bates liến thoắng hồi lâu mà không thấy mấy ai muốn nghe, chị cũng nhận lời mời rất tử tế của cô Woodhouse thân yêu.

Khi đoàn người đang đi vào, ông Perry cưỡi ngựa chạy qua. Đám đàn ông lên tiếng tán thưởng con ngựa của ông Perry.

Frank Churchill nói với chị Weston:

- Kế hoạch sắm cỗ xe của ông Perry đi đến đâu rồi?

Chị Weston tỏ ý ngạc nhiên, đáp:

- Tôi không biết ông ấy có kế hoạch gì.

- Tôi nhận được tin này từ bà. Ba tháng trước, bà biên thư cho tôi hay.

- Tôi không thể nào!

- Đúng là bà biên thư mà. Tôi còn nhớ rõ. Bà cho biết chẳng bao lâu nữa chuyện này sẽ thành hiện thực. Ông Perry đã nói với ai đấy, và tỏ ra rất vui sướng. Đấy là sự thuyết phục của bà, vì bà nghĩ ông đi ra ngoài trong thời tiết xấu thì có hại nhiều cho sức khoẻ. Bây giờ bà có nhớ ra chưa?

- Trước đây tôi chưa từng nghe nói đến chuyện này!

- Chưa từng! thế mà là chưa từng! trời đất! làm thế nào có thể như vậy được? Thế thì tôi hẳn đã nằm mơ, nhưng tôi tin chắc không phải. Cô Smith, cô có vẻ như mệt mỏi. Nếu cô ở nhà thì không có gì phải tiếc.

Ông Weston thốt lên:

- Chuyện gì thế? Chuyện gì thế? Về Perry và cỗ xe ngựa sao? Ông Perry định sắm một cỗ xe, hả Frank? Bố vui mà thấy ông ấy mua được. Con tự nghĩ ra tin này, phải không?

Anh con trai cười to:

- Không phải đâu, thưa bố. Dường như không ai nói cho con nghe cả. Thật là lạ lùng! Con chắc chắn đã nghe bà Weston đề cập đến chuyện này trong một bức thư gửi Enscombe, nhiều tuần trước, với đầy đủ chi tiết. Nhưng vì bà ấy bảo chưa từng nói ra lời nào, thế thì hẳn đấy là một giấc mơ. Con hay nằm mơ lắm. Khi con đi xa, con mơ đến mọi người ở Highbury, và khi con gặp gỡ bạn bè thì con bắt đầu mơ thấy ông bà Perry.

Ông bố anh nhận xét:

- Kể ra là kỳ lạ khi con mơ thấy những người ở Enscombe mà con ít nghĩ đến. perry mà mua xe ngựa! còn bà vợ đang thuyết phục ông ấy mua để giữ gìn sức khoẻ cho ông. Bố tin chắc chuyện này sẽ xảy ra không sớm thì muộn, chỉ có điều hơi sớm. Quả là sự trùng hợp trong một giấc mơ! Này Frank, giấc mơ của con cho thấy khi con vắng mặt ở đây, con luôn nghĩ đến Highbury. Emma, cô cũng hay mơ, phải không?

Emma không nghe được. Cô đang bước vội đi trước để báo tin cho ông bố chuẩn bị tiếp khách, và đã ở ngoài tầm ẩn ý của ông Weston.

Sau khi liến thoắng một hồi mà xem chừng không ai để ý lắng nghe, chị Bates lên tiếng:

- Này, xin cho tôi được góp ý, rõ ràng là anh Frank Churchill hẳn đã …tôi không có ý nói anh ấy không mơ…Đôi lúc tôi có những giấc mơ kỳ lạ nhất thế gian, nhưng nếu ai có hỏi tôi về chuyện này, tôi phải nhìn nhận rằng đã có ý tưởng như thế vào mùa xuân rồi, vì bà Perry có kể với mẹ tôi, nhà Cole cũng như chúng tôi đều biết..nhưng đấy là chuyện bí mật mà không ai biết, và chỉ được bàn luận trong vòng ba ngày. Bà Perry tha thiết muốn ông ấy có một cỗ xe, và một buổi sáng đến thăm mẹ tôi với tinh thần phấn chấn vì cho là mẹ tôi có sự thuyết phục.

"Jane, cháu có nhớ ngoại cháu nói gì khi hai dì cháu ta trở về nhà không?

"Tôi quên mất chúng tôi đã đi đâu, có lẽ nhà Randalls, vâng, tôi nghĩ là đi đến nhà Randalls. Bà Perry lúc nào cũng mến mẹ tôi - thật ra tôi cho là ai cũng mến bà - và bà ấy bí mật nói với mẹ tôi, dĩ nhiên là bà ấy không phiền hà nếu mẹ tôi nói cho hai dì cháu tôi nghe, nhưng không nên kể cho ai khác. Từ ngày đó đến giờ, tôi chưa từng nói cho người quen biết nào nghe chuyện này. Đồng thời, tôi không thể khẳng định liệu mình có ngụ ý gì không, bởi vì tôi biết đôi lần tôi buột miệng nói ra điều gì đấy mà chưa kịp nghĩ. Quý vị biết mà, tôi là người nói nhiều: tôi thích nói nhiều, nên thỉnh thoảng tôi nói ra chuyện đáng lẽ phải giữ kín. Tôi có thể xác minh cháu nó không bao giờ tiết lộ bất kỳ chuyện gì cho thiên hạ nghe. Cô ấy đâu rồi? Ở ngay sau tôi đây. Nhớ rõ ràng khi bà Perry đến thăm. Giấc mơ lạ lùng ghê!"

Họ đang đi vào hành lang. Anh Knightlley đi trước chị Bates, ánh mắt hướng đến Jane. Anh ty khuôn mặt Frank Churchill lộ vẻ cố trấn áp nỗi bối rối hoặc cười lảng, rồi anh vô tình quay sang cô, nhưng cô đi phía sau anh và đang tháo tấm khăn choàng đầu ra. Ông Weston đã bước vào trong. Hai anh thanh niên dừng lại ở khung cửa cho cô đi qua. Anh Knightley nhận ra Frank Churchill có ý muốn bắt lấy tầm mắt của cô - như là đang chăm chú nhìn cô - nhưng cô không để ý đến, chỉ đi qua giữa hai anh mà không nhìn ai cả.

Không còn thời giờ để nhận xét hoặc giải thích thêm, mọi người phải chấp nhận đấy là giấc mơ. Anh Knightley phải ngồi xuống cùng với mọi người chugn quanh chiếc bàn tròn hiện đại mà Emma đã mua về cho Hartfield. Chỉ Emma mới có thể đặt chiếc bàn này ở đây và thuyết phục ông Woodhouse sử dụng, thay cho loại bàn gấp nhỏ mà trong bốn mươi năm, hai bữa ăn của ông được dọn lên mỗi ngày phủ kín cả bề mặt. Trà được dọn ra nhưng dường như không ai vội vã.

Sau khi xem xét chiếc bàn ngay phía sau, Frank Churchill nói:

- Cô Woodhouse, hai đứa cháu của cô có lấy đi các chữ cái không - chiếc hộp đựng chữ cái ấy? Tôi thường trông thấy chiếc hộp ở đây. Đâu rồi? Buổi tối ở đây khá buồn chán, mà đáng lẽ phải được xem như là mùa đông thay vì mùa hè. Một buổi sáng nọ, chúng tôi chơi trò rất vui. Tôi phải đố cô lần nữa.

Emma thích thú với ý tưởng này, và mang chiếc hợp ra. Mặt bàn vương vãi đầy những chữ cái. Dường như chỉ có hai người muốn chơi. Họ nhanh chóng ghép cho nhau thành những chữ để đố nhau. Trò chơi này thích hợp cho ông Woodhouse nhất, vì ông thường không thích loại trò chơi náo động mà ông Weston thỉnh thoảng bày ra. Bây giờ, ông Woodhouse vui vẻ ngồi mà ta thán với giọng u uất vì "hai đứa nhỏ tội nghiệp" đã ra đi, hoặc trìu mến nhận xét Emma có nét chữ đẹp.

Frank Churchill đặt một chữ cái trước mặt cô Fairfax. Cô khẽ nhìn quanh bàn, rồi tham gia. Frank ngồi kế bên Emma, Jane ngồi đối diện hai người , còn anh Knightley ở hướng có thể quan sát tất cả, và có một đối tượng mà anh thoả thích ngắm nhìn mà không ra vẻ chăm chú. Harriet chọn một chữ rồi quay sang anh Knightley ngồi kế bên, nhờ anh giúp. Chữ này có nghĩa là "sai", và khi Harriet đọc lên, hai má Jane ửng đỏ. Anh Knightley cho là việc này liên quan đến giấc mơ, nhưng anh không hiểu tại sao như thế. Anh e có phải có sự dính dáng thế nào đó. Dường như đi đâu anh cũng gặp phải tính thiếu trung thực và nước đôi. Đấy là trò trẻ con nhằm che giấu một trò chơi sâu sắc hơn về phần Frank Churchill.

Với nỗi bất mãn, anh tiếp tục quan sát Frank Churchill. Với sự bất an và thiếu tin tưởng, anh cũng quan sát hai người bạn mù quáng. Anh thấy có một chữ ngắn được ghép cho Emma rồi được trao cho cô với tia nhìn ranh mãnh và kín đáo. Anh thấy Emma đã đoán ra, cô lấy làm thú vị rồi tỏ ra chống đối, bởi vì cô nói "Vô lối! Đáng xấu hổ!"

Anh nghe Frank Churchill vừa nói vừa liếc về phía Jane:

- Tôi đưa cho cô ấy được không?

Rồi anh nghe Emma thân mật cười và nói:

- Không, không, anh không được đưa, anh không nên đưa.

Nhưng không kịp. Anh chàng nịnh đầm - người có vẻ như đang yêu mà không có cảm xúc và thích tự đề cao mà không rộng lượng với người khác - đã trao chữ cho cô Fairfax rồi van nài cô xem xét. Anh Knightley rất tò mò muốn biết chữ ấy là gì, cố gắng nhìn, và nhận ra đấy là chữ Dixon. Có vẻ như cô nhận ra ý nghĩa giống anh. Cô hiểu được ý nghĩa thầm kín của chữ ấy. Cô lộ vẻ phật ý, nhìn lên, và thấy mình bị quan sát, khuôn mặt càng ửng đỏ thêm rồi chỉ nói:

- Tôi không biết là cho phép dùng tên riêng.

Rồi cô đẩy những chữ cái ra phía ngoài với vẻ tức giận và không muốn chơi nữa. Cô quay mặt về phía dì cô. Dù Jane không nói tiếng nào ,chị Bates thốt lên:

- À, đúng thế, cháu ạ. Dì định nói như thế. Bây giờ đã đến lúc phải về nhà. Trời tối rồi, bà ngoại đang trông. Ông ạ, ông tử tế quá. Chúng tôi xin chúc ông ngủ ngon.

Thái độ hăm hở của Jane cho thấy cô sẵn sàng làm theo lời dì cô. Cô vội đứng dậy và muốn rời khỏi chiếc bàn, nhưng vì có nhiều người đang di chuyển nên cô không bước đi được. Anh Kngithley thấy có một số chữ cái được đẩy đến phía cô, nhưng cô nhất quyết đẩy lại mà không xem qua. Rồi cô tìm khăn choàng. Frank Churchill cũng đi tìm. Trời đang sẩm tối, gian phòng nhốn nháo, anh Knightley không thể biết họ ra về bằng cách nào.

Sau khi họ ra về, anh còn nán lại Hartfield, đầu óc đầy ắp những gì anh đã thấy, đầy đến nỗi khi những ngọn nến được thắp lên để giúp anh quan sát, anh phải cho Emma biết vài ẩn ý, dọ hỏi cô vài câu. Vì là người bạn, người bạn đang băn khoăn, anh phải làm thế. Anh nói:

- Này Emma, anh muốn biết có gì vui, có gì châm chích torng chữ cuối được trao cho em và cô Fairfax? Anh không thấy chữ đó, và tò mò muốn biết làm thế nào một người thích thú đến thế, còn một người tức tối đến thế.

Emma vô cùng bối rối . Cô không thể giải thích cho anh nghe sự thật, vì dù có ức đoán, cô vẫn lấy làm ngượng nên không thể nói ra.

Với vẻ lúng túng rõ rệt, cô đáp:

- À, chẳng có nghĩa lý gì cả, chúng em chỉ đùa cợt thôi.

Anh nghiêm nghị:

- Có vẻ như việc đùa cợt chỉ là do em và anh Churchill tạo ra.

Anh mong cô nói thêm. Nhưng cô không chịu nói. Cô làm ra vẻ bận bịu với việc khác hơn là nói. Anh ngồi đợi một chốc trong khi cảm thấy nghi ngờ. Đầu óc anh nghĩ đến một số chuyện không hay. Sự can thiệp - can thiệp không có kết quả. Vẻ bối rối của Emma và sự mật thiết được nhìn nhận dường như cho thấy cô đang yêu. Tuy nhiên, anh không thể nói gì được. Anh muốn vì cô mà liều làm bất cứ việc gì để can dự dù không được mời còn hơn là để phải khổ, đối đầu với bất cứ việc gì, còn hơn là phó mắc.

Cuối cùng anh nói một cách hiền hoà:

- Emma thân yêu, em có cho là em thấu hiểu mức độ quan hệ giữa hai người mà chúng ta đã nói đến không?

- Giữa anh Frank Churchill và cô Fairfax hả? Vâng, em hiểu rất rõ. Tại sao anh còn nghi ngờ?

- Có khi nào em có lý do mà tin rằng anh ta yêu cô ấy, hoặc cô ấy yêu anh ta?

Cô sôi nổi thốt lên:

- Không bao giờ, không bao giờ! Không bao giờ em có ý nghĩ ấy. Làm thế nào ý nghĩ này len lỏi vào đầu óc anh?

- Gần đây, anh thấy có dấu hiệu cho thấy hai người yêu nhau - họ trao đổi cho nhau những cái nhìn bỉêu lộ cảm xúc thầm kín.

- Ôi chao! Anh làm em buồn cười quá mức. Em lấy làm tiếc mà thấy anh có thể để cho trí tưởng tượng đi xa. Nhưng không ích gì - em rất tiếc phải ngăn chận anh trong thử thách đầu tiên của anh - nhưng thật sự là không ích gì. Hai người không yêu nhau. Còn về thái độ bên ngoài khiến cho anh để ý là od những tình huống kỳ lạ - những cảm xúc có tính chất khác hẳn - không thể giải thích được vì có nhiều chuyện vô nghĩa trong đó. Nhưng lấy lý trí mà xét thì họ không hề yêu nhau. Đấy là em giả dụ về phần cô ấy, và em có thể trả lời về phần anh ấy. Em có thể giải thích cho thái độ hờ hững của anh ấy.

Cô nói với vẻ tự tin và hài lòng khiến cho anh Knightley phải giao động và câm nín. Cô đang ở trong trạng thái phấn chấn và muốn kéo dài cuộc trao đổi, muốn nghe anh nói thêm về nghi vấn của anh, về chi tiết ở đâu và thế nào của một tình huống mà cô lấy làm thú vị nhưng anh không được vui như cô. Anh thấy mình vô ích, anh quá bực bội nên không muốn nói gì thêm. Không muốn bị bực bội thêm thành cơn sốt vì lửa lò sưởi mà ông Woodhouse hiền từ đốt lên mỗi buổi tối suốt cả năm, anh vội cáo từ đi bộ về tu viện Donwell lạnh lẽo và cô đơn.
 
Chương 06

Sau khi đã trông mong vợ chồng Suckling đến thăm sớm, cư dân Highbury phải chịu phiền lòng mà nghe rằng vào mùa thu họ mới đến được . Kho tàng tri thức của họ không có đề tài gì mới mẻ. Khi trao đổi vu vơ về tin tức này nọ, họ đành phải thu hẹp vào những đề tài khác, như sức khoẻ của bà Churchill vốn có vẻ như thay đổi mỗi ngày, hoặc tình trạng của chị Weston vốn đang hạnh phúc và có thể được hạnh phúc hơn khi có một đứa con.

Cô Elton vô cùng thất vọng. Niềm vui và sự phô trương của cô bị trì hoãn. Những màn giới thiệu và khen tặng phải chờ đấy, và những buổi tụ họp chỉ mới diễn ra trên đầu môi chót lưỡi. Thoạt đầu cô nghĩ thế, nhưng suy tính lại một chút cô thấy không cần phải trì hoãn mọi việc . Tại sao không đi khám phá Box Hill dù vợ chồng cô chưa đến ¿ khi họ đến thì tất cả có thể đi lần nữa vào mùa thu. Vợ chồng cô quyết định đi Box Hill. Lúc đầu khi hai người trù định thì cũng có những người khác nắm bắt lấy ý tưởng này. Emma chưa bao giờ đi Box Hill, cô muốn xem nơi mà mọi người đều ca ngợi thế nên cô và ông Weston đồng ý chọn một buổi sáng đẹp trời để lên đường . Chỉ có hai hoặc ba người khác được chọn để nhập bọn. Họ sẽ đi theo cách âm thầm, không phô trương, chắc chắn là không rôm rả như nhà Elton và nhà Suckling.

Nhóm Emma đều đồng ý theo cách thức này, thế nên Emma lấy làm ngạc nhiên và có phần bất mãn khi nghe ông Weston nói đã đề nghị với cô Elton là hai nhóm nên hội lại mà cùng đi với nhau, vì hai vợ chồng Suckling không đến . Vì cô Elton đã đồng ý, bây giờ là tuỳ nơi Emma. Tuy có ác cảm với cô Elton mà ông Weston đã biết rõ, Emma không muốn làm ông khó chịu rồi khiến cho vợ ông buồn. Thế là cô đành chấp nhận sự thu xếp mà cô không hề muốn - sự sắp xếp có thể khiến cho cô bị xem thường vì đã nhập bọn với cô Elton! Mọi cảm nghĩ đều bị xúc phạm, tính độ lượng phải chịu khuất phục bề ngoài khiến tinh thần cô nặng nề vì thiện ý khó kiểm soát của ông Weston.

Ông nói một cách thoải mái:

- Tôi lấy làm mừng vì cô chấp nhận ý kiến của tôi , đi chơi như thế này mới vui khi có đông người. Càng đông càng vui. Dù sao chăng nữa, cô ấy cũng là người tốt . Ta không thể gạt cô ấy ra ngoài.

Bề ngoài Emma không phủ nhận gì cả, còn trong thâm tâm cô không đồng ý.

Bây giờ là giữa tháng Sáu, thời tiết tốt. Cô Elton nóng ruột muốn định ngày đi, bàn tính với ông Weston về các món bồ câu và thịt cừu, nhưng một con ngựa kéo xe bị đau, chạy khập khiễng, khiến cho họ không biết lúc nào có thể đi được. Có thể phải chờ nhiều tuần, hoặc chỉ vài ngày cho con ngựa bình phục, nhưng không thể chuẩn bị được gì, mọi việc đều đình trệ trong tâm trạng u uẩn. Mọi tài tháo vát của cô Elton không thể giúp được gì. Cô thốt lên:

- Thật là bực mình phải không Knightley? Trời tốt như thế này cho chuyến đi khám phá! Những sự trì hoãn và thất vọng như thế này quả là đáng ghét! Chúng ta phải làm gì đây? Rồi một năm trôi qua mà không làm được gì cả. Vào thời điểm này năm ngoái, tôi đã nói chắc chắn với anh chúng tôi sẽ tổ chức một đoàn đi khám phá từ Maple Grove đến Kings Weston.

Anh Knightley đáp:

- Cô nên khám phá Donwell thì tốt hơn, như thế thì không cần ngựa. Đến chơi với tôi để ăn dâu tôi trồng. Dâu chín nhanh lắm.

Thoạt đầu anh Knightley không tỏ ra nghiêm túc, nhưng rồi anh phải lo tiến hành vì lời mời của anh được vui vẻ chấp nhận. Câu nói "Ôi chao! Tôi rất thích như thế " không phải là đãi bôi. Donwell nổi tiếng nhờ những luống dâu mời gọi hấp dẫn. Nhưng trong trường hợp này thì không cần mời gọi: những luống bắp cải cũng đủ hấp dẫn cô Elton khi cô chỉ muốn có cơ hội đi đâu đấy lúc này. Cô hứa đi hứa lại với anh đến nỗi anh không còn nghi ngờ gì nữa, và tỏ ra rất vui với thái độ thân tình như thế .

Cô nói :

- Anh tin tôi đi, chắc chắn tôi sẽ đến . Chỉ cần định ngày, rồi tôi sẽ đến. Anh cho phép tôi dẫn theo Jane Fairfax chứ?

Anh đáp:

- Tôi không thể định ngày vì phải bàn với những người mà tôi mong họ sẽ gặp cô .

- Ôi dào! Cứ để tôi lo liệu. Để cho tôi được tự do. Tôi là Bà chúa bảo trợ mà, anh biết đấy .

anh nói :

- Tôi mong cô mời nhà Elton, nhưng tôi không muốn cô nhọc công mời người khác .

- Chao ôi, bây giờ anh có vẻ kín đáo đấy . Nhưng xem này, anh không nên e ngại khi để tôi nắm quyền. Tôi không phải là phụ nữ trẻ làm bảo trợ cho cô ấy . Có thể an tâm mà phó thác cho phụ nữ có chồng, anh biết mà . Đây là nhóm của tôi , hãy để tôi lo. Tôi sẽ mời khách cho anh.

Anh điềm tĩnh đáp:

- Không, trên thế gian chỉ có một phụ nữ có chồng mà tôi cho phép mời khách đến Donwell, đó là…

Cô Elton chặn ngang có vẻ hơi phật ý:

- Tôi nghĩ đấy là chị Weston.

- Không phải , đấy là vợ tôi, và khi chưa có vợ thì tôi sẽ tự lo việc này.

hài lòng vì không có ai được xem là vượt trội hơn, cô thốt lên:

- À, anh thật là lạ kỳ! anh là người thích đùa và có thể nói theo ý thích. Anh quả là hóm hỉnh. Được, tôi sẽ dẫn theo Jane Fairfax - Jane và dì của cô ấy . Còn lại là do anh lo. Tôi không phiền được gặp gia đình Hartfield. Đừng băIn khoăn. Tôi biết anh mến họ.

- Chắc chắn cô sẽ gặp họ nếu tôi mời được họ, và tôi sẽ ghé qua chị Bates trên đường về nhà.

- Không cần thiết, tôi gặp Jane hàng ngày, nhưng tuỳ anh. Chúng tôi sẽ đi vào buổi sáng, KNightley ạ, đơn giản thôi. Tôi sẽ đội một chiếc mũ rộng và mang một cái giỏ. Đây , có lẽ là cái giỏ này với dải băng màu hồng. Không có gì đơn giản hơn, anh thấy đấy. Còn Jane sẽ có một cái giỏ khác giống như thế. Không có nghi thức hoặc biểu dương như kiểu Bohemien. Chúng tôi sẽ đi quanh trang trại của anh, tự hái dâu, ngồi dưới bóng cây..và bất kỳ thứ gì anh muốn mời, tất cả đều ở ngoài trời - một chiếc bàn đặt dưới tán cây, anh biết đấy. Mọi thứ đều theo thiên nhiên và giản đơn. Có phải ý anh muốn thế không?

- Không hẳn, ý tưởng của tôi về thiên nhiên và giản đơn là chiếc bàn trong phòng ăn. Tôi nghĩ tốt nhất là phục vụ cái thiên nhiên và cái giản đơn của những quý ông và quý bà bằng bữa ăn trong nhà. Khi cô chán ăn dâu ngoài vườn thì sẽ có thịt nguội trong nhà.

- Được tuỳ anh, nhưng đừng bày biện nhiều. Nhân tiện, liệu tôi và gia nhân của tôi có giúp gì được cho anh không? Xin hãy thành thực, Knightley. Nếu anh cần tôi bàn với bà Hodges, hoặc xem xét cái gì đấy …

- Tôi không cần gì cả, tôi cảm ơn cô .

- Được, nhưng nếu có khó khăn gì, gia nhân của tôi sẽ rất đắc dụng.

- Tôi xin trả lời rằng gia nhân của tôi nghĩ họ cũng đắc dụng, và không muốn ai giúp đỡ.

- Ước gì tôi có một con lừa. Tiện lợi cho chúng tôi trên lưng lừa. Jane, chị Bates và tôi , còn đức lang quân của tôi đi bộ kế bên. Tôi phải bàn với anh ấy về việc nuôi một con lừa. Trong cuộc sống đồng quê thì đó là điều cần thiết, bởi vì với một phụ nữ có tài tháo vát thì không thể ru rú trong nhà mãi được, còn nếu đi bộ trên quãng đường xa, thì ông biết đấy, bụi bặm vào mùa hè, lầy lội vào mùa đôntg…

- Giữa Donwell và Highbury thì cô không phải chịu đựng gì cả. Đường quê Donwell không bao giờ tung bụi và hoàn toàn khô ráo trong mùa này. Tuy nhiên, nếu cô muốn thì cứ cưỡi lừa. Cô có thể mượn con lừa của nhà Cole. Tôi muốn mọi thứ đều theo sở thích của cô , nếu có thể được .

- Tôi tin thế. Thật ra tôi công tâm với anh, người bạn tốt của tôi . Tôi biết bên trong cử chỉ có vẻ khô cứng, thẳng thừng, anh có con tim hiền hậu. Như tôi bảo anh E., anh là người rất hóm hỉnh. Vâng, hãy tin tôi , Knightley, tôi hoàn toàn hiểu được anh có lòng quan tâm đến tôi trong kế hoạch này. Anh đã đánh trúng sở thích của tôi .

Anh Knightley có một lý do khác để tránh đặt bàn ăn dưới tán cây. Anh mong thuyết phục được ông Woodhouse và Emma gia nhập, và biết nếu để cho họ ăn uống ngoài trời thì ông sẽ ngã bệnh. Phải tránh để ông Woodhouse bị nhọc nhằn chỉ vì một chuyến đi vào buổi sáng và một hoặc hai tiếng đồng hồ đến chơi Donwell.

Ông Woodhouse được mời với lòng thành. Dù cho hay cả tin và sợ sệt, ông không thấy có hiểm nguy tiềm ẩn nào. Ông nhận lời mời. Trong hai năm gần đây , ông chưa đi đến Donwell. Ông ước vào một buổi sáng trời đẹp, ông, Emma và Harriet có thể đi, rồi ông ngồi với chị Weston trong khi các cô gái đi vòng quanh ngoài vườn. Ông nghĩ họ sẽ không bị ướt vì đấy là vào lúc giữa buổi sáng. Ông rất muốn xem lại ngôi nhà cũ, sẽ rất vui được gặp vợ chồng Elton cùng những láng giềng khác của ông . Ông thấy không có trở ngại nào cho ông, Emma và Harriet sẽ đi đến đấy vào một buổi sáng đẹp trời . Ông nghĩ anh Knightley thật là tử tế mà mời họ - hay hơn là mời ăn tối. Ông không thích ra khỏi nhà dự tiệc vào buổi tối.

Anh Knightley có may mắn khi được nhiều người đồng tình. Mọi người được mời đều vui vẻ nhận lời, vì giống như cô Elton, họ cho đây là vinh dự dành cho mình. Emma và Harriet đều cho biết họ sẽ lấy làm vui. Dù không được yêu cầu, ông Weston hứa sẽ gọi Frank gia nhập, nhưng không ai trách ông vì cho đấy là dấu hiệu của sự tán thành và cảm kích. Rồi anh Knightley đành phải nói rằng mình sẽ vui được gặp Frank. Thế là ông Weston vội biên thiệp mời và tha thiết bảo anh con trai đến tham dự.

Trong lúc này con ngựa bị thương bình phục nhanh đến nỗi đoàn định đi Box Hill phải khổ sở tính toán, rồi cuối cùng định ngày tới Donwell rồi sẽ đi Box Hill vào hôm sau, vì thời tiết rất thích hợp.

Dưới ánh nắng ban mai gần giữa mùa hè, ông Woodhouse an toàn đi trên cỗ xe của ông, với một cửa sổ được đóng kín, rồi được sắp xếp trong gian phòng tiện nghi nhất của Tu viện, sự chuẩn bị đặcbiệt cho ông là ngọn lửa trong lò sưởi buổi sáng. Ông tỏ ra rất vui và thoải mái, khuyên mọi người nên vào ngồi nghỉ ngơi, không nên chịu nắng nóng. Dường như có chủ ý muốn đi bộ đến đấy để sẵn sàng chịu mệt mỏi, chị Weston luôn ngồi bên ông, chịu khó nghe ông nói và đồng cảm với ông , trong khi những người khác được mời hoặc được thuyết phục đi ra ngoài.

Đã từ lâu Emma mới có dịp quay lại tu viện, nên khá an tâm thấy ông bố được thoải mái, cô lấy làm vui mà đi ra ngoài, nhìn ngắm khắp nơi, háo hức với những gì cô nhìn thấy mà ôn lại hồi tưởng về ngôi nhà và khung cảnh vốn luôn thân thương với cô và tất cả gia đình cô .

Cô nhìn qua kích thước đáng kể và kiểu dáng của ngôi nhà, khu vườn rộng trải dài xuống đồng cỏ với một dòng nước chảy qua, rừng gỗ dồi dào cho dù phải sống theo thời thượng hoặc xa xỉ vẫn không cạn kiệt. Cô cảm thấy hãnh diện và hài lòng về vị chủ nhân hiện tại và tương lai. Toà nhà rộng hơn Hartfield và có kiểu dáng khác hẳn, trải rộng, có đường nét cách điệu, với những phòng ốc tiện nghi, một hoặc hai gian phòng đẹp đẽ. Toà nhà đáp ứng đúng các chức năng như từ bao giờ vẫn thế. Emma cảm thấy kính trọng như thế đấy là nơi cư ngụ của một gia đình cao quý, thuộc dòng dõi trâm anh. Trong dòng họ này, dù tố chất John Knightley có vài khuyết điểm, Isabella đã tỏ ra thích ứng một cách đáng khen. Cô không có gì hoặc làm gì để thẹn với mình. Emma bước đi trong những ý tưởng hài lòng ấy cho đến khi cô đi vào vườn dâu. Mọi người đều tụ tập ở đây, ngoại trừ Frank Churchill sắp đến từ Richmond.

Cô Elton, với chiếc mũ rộng và cái giỏ trên tay, sẵn sàng đi đầu để thu hái dâu và chỉ có dâu mà thôi.

- Loại dâu ngon nhất ở Anh quốc…mọi người đều thích…luôn bổ dưỡng. Đây là những luống dâu đẹp nhất và quả đẹp nhất. Thật là vui khi tự tay hái lấy…cách duy nhất để thật sự thấy vui…buổi sáng đúng là thời gian thích hợp nhất..Không hề thấy mệt. Loài dâu này là ngon nhất..Mấy loại khác không unốt nổi…Loài này rất hiếm..Giá dâu ở London…có nhiều quanh Bristol…Maple Grove..người trồng dâu lại nghĩ khác , không có quy tắc nhất định…Quả ngon…nhưng vị quá đậm nên không thể ăn nhiều…không bằng anh đào…chỉ phiền là khi hái phải cúi xuống …Mặt trời chói chang…mệt gần chết..không thể chịu nổi nữa …phải đi đến bóng mát mà ngồi mất thôi…
 
Đấy là những lời đối thoại trong suốt nửa giờ, chỉ bị chị Weston ngắt ngang một lần trước khi bước ra hỏi anh Frank Churchill đã đến chưa. Chị cảm thấy bứt rứt một chút, lấy làm lo cho con ngựa của anh.

Có những chiếc ghế dùng ngồi tạm dưới bóng râm. Bây giờ, dù muốn dù không Emma vẫn phải nghe lỏm cô Elton và Jane Fairfax. Hai người đang nói về một tin phấn khởi. Cô Elton đã nhận được tin khiến cô rất vui. Đấy không phải là tin về bà Suckling, không phải tin về bà Bragge, nhưng vẫn gây hào hứng: tin về người chị họ của bà Bragge, người quen của bà Suckling, một phụ nữ nhiều người biết đến ở Maple Grove. Vui vẻ, quyến rũ, có địa vị cao, mối quen thân, gốc gác, tất cả mọi thứ. Cô Elton lập tức ngỏ ý một cách sôi nổi. Cô tỏ ra nồng nhiệt, sinh động, không muốn cô bạn từ chối, lập lại những lời khuyến dụ như cô đã từng nói lúc trước . Cô Elton còn nhất quyết được phép viết thư tỏ ý chấp thuận để gửi đi ngay ngày mai.

Emma lấy làm ngạc nhiên thấy Jane phải chịu đựng đến thế. Jane không tỏ vẻ bực bội, chỉ nói một cách thẳng thắn, rồi cuối cùng đề nghị mọi người đi dạo và xin anh Knightley cho họ đi thăm khu vườn, tất cả khu vườn. Cô muốn xem toàn diện. Xem ra cô không thể chịu được thái độ ngoan cố của cô Elton.

Thời tiết trở nên nóng hơn. Đoàn người đi phân tán thành từng nhóm, đông lắm là ba người, rồi theo nhau đi đến một con đường rộng đầy bóng mát, kéo dài khỏi khu vườn một khoảng cách bằng với khoảng cách đến bờ sông, dường như để ấn định ranh giới cho khu vui chơi. Con đường không dẫn đến cái gì cả, chỉ có một bức tường đá thấp với những cột cao, như thế đấy là lối đi vào một ngôi nhà vô hình. Mọi người tranh cãi về cách thiết kế của con đường như thế, nhưng đều tỏ ra dễ chịu khi đi dạo và thấy khung cảnh ở đây thật đẹp. Triền dốc đi từ tu viện càng dốc hơn ở đây. Đi thêm chừng nửa dặm thình lình có một bờ đất chặn ngang, có nhiều cây to, và cuối bờ đất ấy vươn lên Abbey Mill - trại xay Tu viện - với đồng cỏ trước mặt và con sông uốn quanh.

Đấy là một cảnh hữu tình - hữu tình trong con mắt và tinh thần. Khoảng xanh theo phong cách Anh, cây cối theo phong cách Anh, sự thoải mái theo phong cách Anh, hiện ra dưới ánh nắng tươi, mà không có vẻ gì quá choáng ngợp.

Emma và ông Weston thấy những người khác tụ hội đi bên nhau, nhưng anh Knightley và Harriet tách ra dẫn đầu. Anh Knightley và Harriet! Đã có lúc anh không thích cô bé ở bên anh, và thẳng thừng tránh mặt đối với cô . Thế mà giờ đây có vẻ như họ đang chuyện trò vui vẻ với nhau. Cũng có lúc Emma cảm thấy không được vui khi thấy Harriet ở vị thế khá thuận lợi đối với Abbey Mill, nhưng bây giờ cô không sợ . Có thể an tâm mà nhìn tổng thể vẻ phong phú và nét xinh đẹp của cơ ngơi này, cánh đồng cỏ mượt mà, đàn gia súc khoẻ mạnh, vườn cây ăn trái đang đơm hoa, và cột khói nhẹ đang lan toả. Cô tiến đến hai người gần bức tường, và thấy họ đang trò chuyện với nhau thấy vì ngắm nhìn quang cảnh. Anh đang giải thích cho Harriet nghe về cách thức nuôi trồng,vân vân. Emma nhận một nụ cười như muốn nói "Đây là những mối quan tâm của tôi . Tôi có quyền nói về những đề tài này mà không bị nghi ngờ là đang giới thiệu Robert Martin". Cô không nghi ngờ. Đấy là chuyện quá cũ. Có lẽ Robert Martin không còn nghĩ đến Harriet nữa.

Họ cùng nhau đi thêm một quãng. Bóng mát thật là dễ chịu, và Emma thấy đây là thời khắc trong ngày khiến cho cô thơ thới nhất.

Chặng kế tiếp là đến nhà, họ phải về để dùng bữa. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Frank Churchill vẫn chưa đến. Chị Weston trông ngóng, và trông ngóng mà không thấy gì. Bố anh không muốn cho thấy mình đang khắc khoải nên cười cợt với nỗi âu lo của chị, nhưng chị nghĩ giá như anh đừng cưỡi con ngựa ô của anh. Frank Churchill đã nói chắc chắn là sẽ đến. Anh chobt bà bác đã khoẻ nhiều nên anh không ngại cho bà khi anh đi vắng. Tuy nhiên, chị vẫn nhớ nhiều người nói rằng thể chất của bà Churchill có thể thay đổi thất thường , cần có anh bên cạnh. Cuối cùng chị tin rằng hẳn bà Churchill như thế nào đấy nên anh không đến được .

Anh Knightley đã làm mọi cách cho ông Woodhouse được vui. Những quỷên sách về nghệ thuật chạm trổ, những bộ sưu tập huy chương, đá chạm khắc, san hô, vỏ sò ốc và mọi thứ sưu tập khác của gia đình trong tủ của anh đều được mang ra cho ông giải khuây. Sự chăm sóc của anh được đáp ứng nhiệt tình, ông Woodhouse tỏ ra rất thích thú. Chị Weston đã cho ông xem qua tất cả, và bây giờ ông muốn cho Emma xem tất cả. Tuy nhiên, Emma không kịp xem, cô bước ra hành lang để có vài khoảnh khắc tự do ngắm nhìn khoảnh sân bên ngoài.

Vừa đúng lúc, cô thấy Jane Fairfax xuất hiện, từ khu vườn đi vào, dáng vẻ như trốn lánh. Jane cảm thấy bất ngờ khi bắt gặp Emma nên giật mình, nhưng thật ra cô muốn đi tìm Emma. Jane nói:

- Nếu ai hỏi đến tôi, cô làm ơn nói tôi đã về nhà, nhé? Tôi định về đây. Dì tôi không nghĩ tôi đi lâu đến thế, nhưng tôi tin ở nhà cần tôi, thế nên tôi định về ngay. Tôi không báo cho ai biết vì chỉ gây thắc mắc. Khi những người khác trở về, nếu họ hỏi, cô nói tôi về rồi nhé?

- Được rồi, nếu cô muốn. Nhưng cô đi về Highbury một mình sao?

- Vâng, có hại gì đâu ? Tôi đi nhanh. Tôi sẽ về đến nhà trong vòng hai mươi phút.

- Nhưng đường quá xa, cô không nên đi một mình. Để gia nhân của bố tôi đi với cô. Để tôi gọi xe ngựa. Chỉ mấy năm phút thôi.

- Cảm ơn cô, cảm ơn, nhưng không cần. Tôi muốn đi bộ. Tôi mà sợ đi bộ một mình! Có thể không lâu nữa tôi phải lo cho ai khác !

Jane có vẻ bối rối . Và Emma đáp một cách tình cảm:

- Không có lý do gì mà để cho cô chịu rủi ro. Tôi phải kêu xe ngựa cho cô. Trời nóng có thể nguy hại hơn. Cô có vẻ mệt rồi.

Cô đáp:

- Đúng, tôi mệt, nhưng không phải cách mệt như thế .. Đi bộ sẽ giúp cho tôi khoẻ người . Cô Woodhouse, có những lúc chúng ta đều biết sự mệt mỏi về tinh thần là như thế nào. Tôi phải nhận rằng tôi cảm thấy mệt mỏi. Nếu cô thương tôi, xin cô để cho tôi tự lo.

Emma không còn lời nào để tranh cãi. Cô đã trông thấy tất cả, cô thông cảm với Jane và cũng mong cho Jane ra về ngay. Cô nhìn Jane ra về với tình cảm nồng nàn của một người bạn. Vẻ mặt của Jane khi từ giã thật là cảm kích. Câu từ giã "Ôi chao, cô Woodhouse, quả là thoải mái khi đôi lúc được cô đơn!" xem dường như xuất phát từ một con tim trĩu nặng, cho thấy phần nào sự chịu đựng dai dẳng, ngay đối với những người thương yêu cô nhất.

Khi trở vào trong hành lang, Emma nhủ thầm "Có gia đình như thế! co người dì như thế ! tội nghiệp cho cô! Cô càng thêm đau khổ, tôi càng thương xót cho cô hơn".

Jane đi chỉ độ mười lăm phút và mọi người vừa xem qua hình ảnh về Venice, thì Frank Churchill đến. Emma đã không nghĩ đến anh, cô đã quên nghĩ đến anh, nhưng vẫn rất vui khi gặp lại anh. Chị Weston nhẹ nhõm. Lỗi không phải do con ngựa ô, họ đã đúng khi nghĩ đấy là do bà Churchill. Anh bị giữ lại vì bà yếu mệt - một cơn tai biến thần kinh chỉ kéo dài vài giờ - và có lúc anh bỏ hẳn ý định đi. Giá như anh biết trời nóng như thế hoặc đã muộn như thế thì hẳn anh đã ở nhà. Trời quá nóng! Anh chưa bao giờ mệt đến thế, chỉ ước gì đã đừng đi..không có gì làm anh khổ sở bằng cái nóng…Anh có thể chịu được lạnh giỏi, nhưng không chịu được nóng…

Rồi anh ngồi xuống, tránh xa lò sưởi dàng cho ông Woodhouse, dáng vẻ trông rất tệ hại.

Emma nói:

- Nếu anh ngồi yên thì anh sẽ được mát ngay.

- Ngay khi được mát, tôi sẽ phải trở về. Tôi khó thể được tha thứ, nhưng đấy cũng là ý nghĩ khiến cho tôi đi đến đây. Tôi đoán mọi người sẽ ra về sớm. Trên đường đến đây tôi gặp một người. Điên rồ trong thời tiết như thế này! Hoàn toàn điên rồ!

Emma lắng nghe, và rồi nhận ra Frank Churchill đang bực bội. Nhiều người cáu gắt khi bị nóng bức. Đấy có thể là tình trạng của anh hiện giờ, và cô biết ăn uống thường giúp người ta bớt than phiền một cách bất chợt. Cô khuyên anh nên dùng chút nước giải khát, anh sẽ thấy có đủ thứ trong phòng ăn, và cô ân cần chỉ ra cánh cửa.

Không, anh không muốn ăn. Anh không đói, ăn uống chỉ làm cho anh nóng bức thêm. Nhưng chỉ trong ít phút anh dịu xuống và lẩm bẩm nói gì đấy về bia vân sam, rồi đi ra ngoài.

Emma qua lại để chăm sóc ông bố, thầm nghĩ "Mình lấy làm vui đã không yêu anh ta. Mình không nên yêu người đã nhanh chóng bực bội vì sức nóng buổi sáng. Tâm tình hiền hoà của Harriet sẽ không chấp nhất anh ta".

Anh đã dùng một bữa đầy đủ rồi quay lại, hết nóng bức, tư cách hiền hoà trở lại như bản thân anh vẫn thế. Anh kéo một chiếc ghế ngồi cạnh mọi người, chăm chú xem họ đang làm gì, rồi nói rằng anh rất tiếc đã đến muộn. Tinh thần anh không được thoải mái nhưng bây giờ cố tỏ ra khá lên, cố tìm cách nói vui những chuyện không đâu.

Mọi người đang xem qua hình ảnh về Thuỵ Sĩ.

Anh nói:

- Ngay khi bà bác tôi được mạnh khoẻ, tôi sẽ xuất ngoại. Khi nào tôi được đi đến những nơi ấy thì tôi mới mãn nguyện. Một ngày nào đó, các bạn sẽ được xem qua những bức vẽ của tôi, hoặc đọc qua nhật ký hành trình - hoặc thơ của tôi. Tôi sẽ làm việc gì đấy để thể hiện tài năng.

- Có thể là vậy, nhưng không phải qua những bức vẽ ở Thuỵ Sĩ. Anh sẽ không bao giờ đi Thuỵ Sĩ được. Hai ông bà bác anh sẽ không bao giờ cho phép anh rời nước Anh.

- Họ có thể được khuyến khích để cùng đi. Khí hậu ấm sẽ tốt cho bà ấy, tôi có phần hy vọng tất cả chúng tôi sẽ đi. Tôi muốn có thay đổi. Tôi nghiêm túc mà. Cô Woodhouse, dù cho mắt cô có dò xét ra sao, tôi cảm thấy chán nước Anh, và nếu tôi có thể đi ngày mai, tôi sẽ đi ngay.

- Anh chán cảnh giàu sang và sự nuông chiều. Có thể nào anh tự tạo ra ít thứ khác gay go cho mình và rồi cảm thấy tự mãn nguyện mà ở lại được không?

- Tôi mà chán cảnh giàu sang và sự nuông chiều! cô lầm rồi. Tôi không cho là mình giàu sang hay được nuông chiều. Tôi bị ngáng trở trong mọi chuyện quan trọng. Tôi nghĩ mình là người may phước.

- Nhưng anh không có vẻ khổ sở như khi mới đến. Hãy đi ăn uống thêm một tí nữa, rồi anh sẽ cảm thấy khoẻ lên. Thêm một miếng thịt nguội, một ly bia, rồi anh sẽ thấy thoải mái như bọn tôi.

- Không, tôi sẽ không đi đâu. Tôi muốn ngồi kế cô. Cô là liều thuốc hay nhất.

- Ngày mai chúng tôi đi Box Hill, anh nên đi cùng. Đấy không phải là Thuỵ Sĩ, nhưng có cái gì đấy dành cho một thanh niên muốn có một thay đổi. Anh sẽ đi với chúng tôi chứ?

- Không, chắc chắn là không. Tôi phải về nhà khi thời tiết mát về chiều tối.

- Nhưng anh có thể đến lần nữa khi thời tiết mát về sáng sớm.

- Không, không đáng công. Nếu tôi đến, tôi sẽ cảm thấy bực bội.

- Thế thì anh cứ ở lại Richmond.

- Nhưng nếu tôi ở lại, tôi sẽ càng bực bội hơn. Cứ nghĩ đến việc tất cả các bạn ở đấy mà không có tôi là tôi không thể chịu được.

- Đấy là những khó khăn mà anh phải tự giải quyết. Hãy chọn lựa mức độ bực bội. Tôi không muốn ép anh nữa.

Những người khác đi ra nogài giờ đã trở về. Có người thật vui khi gặp Frank Churchill, những người khác ra vẻ điềm tĩnh, nhưng mọi người đều thắc mắc khi không được giải thích tại sao không thấy mặt cô Fairfax. Đến lúc này, mọi người phải về nhà, chấm dứt câu chuyện, và sau khi bàn bạc về kế hoạch ngày hôm sau, họ ra về.

Frank Churchill vẫn muốn từ chối đi cùng, nên nói với Emma:

- Này…nếu cô muốn tôi ở lại để cùng đi, tôi sẽ ở lại.

Cô mỉm cười tỏ ý thuận. Anh sẽ ở lại nếu Richmond không gọi anh quay về.
 
Chương 07

Họ có một ngày đẹp trời cho chuyến đi Box Hill. Mọi sắp xếp đều chu đáo, mọi người đều đúng giờ giấc. Ông Weston điều hành toàn thể, thi hành nhiệm vụ một cách an toàn từ Hartfield đến tư dinh cha Xứ. Emma ngồi chung cỗ xe với Harriet, chị Bates cùng cô cháu ngồi chung với vợ chồng Elton, các quý ông cưỡi ngựa. Chị Weston ở lại với ông Woodhouse.

Họ đi mười cây số trong tinh thần phấn chấn, nhưng thiếu một cái gì đấy. Họ cảm thấy nặng nề, thiếu sinh động, thiếu liên kết. Họ phân cách nhau quá rõ rệt. Hai vợ chồng Elton đi bên nhau, anh Knightley chăm sóc chị Bates và Jane, Emma và Harriet đi cùng Frank Churchill. Ông Weston muốn mọi người hoà hợp với nhau tốt hơn, nhưng vô ích. Dường như lúc đầu sự phân cách chỉ là vô tình, nhưng dần dà không có gì thay đổi. Vợ chồng Elton không muốn đi kề bên ai. Dù vẫn tỏ ra lịch sự trong suốt hai tiếng đồng hồ mà không gì hoá giải được. Ngay cả ông Weston vui vẻ cũng bất lực.

Khởi đầu, Emma cảm thấy vô cùng chán nản. Cô chưa từng thấy Frank Churchill im lìm và ngốc nghếch như thế này. Anh không nói câu gì cho ra hồn, chỉ nhìn mà không thấy, chiêm ngưỡng mà không có đầu óc, lắng nghe mà không biết cô nói gì. Trong khi anh trông đáng chán, không lạ gì mà Harriet cũng trông đáng chán theo, và không ai chịu đựng được hai người.

Khi họ cùng ngồi xuống, không khí dễ chịu hơn. Emma càng cảm thấy dễ chịu hơn vì Frank Churchill hoạt bát hơn và trở nên sinh động hơn, luôn chú ý đến cô. Mọi cử chỉ săn đón đặc biệt là dành cho cô. Dường như anh chỉ muốn làm cho cô vui và muốn tỏ ra trìu mến với cô. Còn Emma cảm thấy hào hứng và thoải mái vì được anh chú ý đến, lại còn tỏ vẻ thân mật khích lệ anh. Khi hai người mới quen nhau, cô cho thái độ của anh là sự nịnh đầm, nhưng bây giờ cô nghĩ đấy không có nghĩa gì cả. Nhưng trong phán xét của người khác thì ngược lại "Anh Frank Churchill và cô Woodhouse trông t.ình tứ với nhau quá".

Nhận xét này được truyền miệng cho nhau, rồi một phụ nữ thuật lại trong một lá thư gửi đi Maple Grove, và một phụ nữ khác cũng kẻ lại trong một lá thư gửi Ireland.

Emma hào hứng và vô tâm không phải vì vui thực sự mà chỉ vì cảm thấy không được vui như ý muốn. Cô cười cợt vì cảm thấy thất vọng. Dù cô thích anh vì anh chú ý đến mình, dù thái độ là do tình bạn, do lòng ngưỡng mộ hoặc chỉ là lời bông đùa, anh vẫn không thể chiếm được tim cô. Trong tâm tưởng cô, anh vẫn chỉ là người bạn.

Anh nói:

- Tôi rất biết ơn cô đã bảo tôi đến hôm nay. Nếu không nhờ cô, tôi hẳn đã bỏ phí ngày vui này. Tôi muốn sẽ đến đây lần nữa.

- Anh đã rất bực bội mà tôi không hiểu tại sao, ngoại trừ là do anh đến quá muộn nên không thể hái dâu được. Tôi cố tỏ ra là người bạn tốt của anh. Nhưng anh đã khiêm tốn. Anh nài nỉ để được ra lệnh phải đến đây.

- Cô đừng nói tôi bực bội. Tôi chỉ mệt. Thời tiết nóng làm cho tôi kiệt sức.

- Hôm nay nóng hơn ngày thường.

- Không nóng trong cảm nghĩ của tôi. Hôm nay tôi được thoải mái hoàn toàn.

- Anh thoải mái vì anh chịu sự chỉ huy.

- Sự chỉ huy của cô hả? Đúng.

- Có lẽ tôi muốn anh nói thế, nhưng ý tôi muốn nói là tự chỉ huy. Bằng cách nào đấy, anh đã xoá tan những giới hạn và thoát ra khỏi sự quản lý của chính anh. Nhưng hôm nay anh trở lại như xưa, và vì tôi không thể gần anh luôn, tốt nhất là nên tin nơi tính khí của anh dưới sự kiểm soát của anh hơn là của tôi.

- Dù gì vẫn thế. Tôi không thể tự kiểm soát mà không có một động lực. Cô ra lệnhcho tôi, dù cô có nói ra hay không, cô có thể gần tôi luôn. Cô vẫn gần tôi luôn.

- Tính từ ba giờ ngày hôm qua. Tầm ảnh hưởng vĩnh viễn của tôi không thể bắt đầu sớm hơn, nếu không khi nãy anh hẳn đã không bực bội.

- Ba giờ ngày hôm qua! Đấy là ngày của cô. Tôi nghĩ lần đầu tiên mình gặp cô là tháng hai.

- Thật không thể bài bác tính nịnh đầm của anh được. Nhưng - cô hạ thấp giọng - không có ai nói năng gì ngoài hai chúng ta. Không nên ăn nói lung tung cho bảy người giữ im lặng chê cười.

Anh trả lời ra vẻ cẩn trọng:

- Tôi thấy không có gì phải xấu hổ. Tôi gặp cô lần đầu tiên vào tháng hai. Cứ để mọi người nghe tôi nói. Tôi gặp cô lần đầu tiên vào tháng hai.

Rồi anh thầm thì:

- Những người đi theo ta thật là ngốc nghếch. phải làm gì để khởi động họ đây? Chuyện càn bậy gì cũng được . Họ phải nói.

Rồi anh nói to lên:

- Thưa quý cô và quý ông, tôi được lệnh cô Woodhouse (người ở đâu cũng làm đầu têu) để nói rằng cô ấy muốn biết quý vị đang suy nghĩ gì?

Vài người cười to và trả lời một cách vui vẻ. Chị Bates nói liến thoắng. Cô Elton tức tối với ý nghĩ cô Woodhouse làm đầu têu. Câu trả lời của anh Knightley là rõ ràng nhất.

- Có chắc là cô Woodhouse muốn nghe chúng tôi đang nghĩ gì không?

Emma thốt lên, cười một cách buông thả:

- Trời ơi! Không, không, không thể được - chính lúc này tôi không chịu được. Cho tôi nghe bất cứ chuyện gì ngoại trừ chuyện mọi người đang nghĩ gì, ý tôi là không hẳn mọi người. Có lẽ có một hoặc hai người - cô liếc qua ông Weston và Harriet - mà tôi không sợ nghe ý nghĩ.

Cô Elton nói có ý nhấn mạnh:

- Riêng tôi thì không muốn tìm hiểu như thế. Dù với tư cách là người bảo hộ cho ngày hôm nay ...tôi chưa bao giờ tham gia..nhóm khám phá nào..thiếu nữ trẻ...phụ nữ có chồng...

Tiếng thì thầm của cô là dành cho chồng cô , thế nên anh cũng thì thầm đáp lại:

- Đúng lắm .. Em yêu, đúng lắm ...Thật thế...chưa từng nghe qua...nhưng có vài quý cô nói điều gì đấy. Tốt hơn là nên xem như chuyện đùa để cho qua. Mọi người đều biết cái gì là do em.

Frank nói nhỏ với Emma:

- Không ích gì. Phần lớn là họ bị xúc phạm. Tôi sẽ lựa lời mà nói với họ.

Rồi anh nói to lên:

- Thưa quí cô và quý ông, tôi được lệnh cô Woodhouse mà nói rằng cô ấy từ bỏ quyền được biết chính xác quý vị đang nghĩ gì, và chỉ yêu cầu mỗi vị đóng góp giúp vui như thế nào đấy. ở đây quý vị có bảy người ngoài tôi ra - người mà cô ấy nói đã giúp vui nhiều rồi. Cô ấy chỉ muốn mỗi vị đóng góp một cái gì đấy thật hay, là thơ hoặc văn xuôi, do tự sáng tác lấy hoặc của người khác. Nếu không thì là hai cái gì đấy hay vừa vừa, hoặc ba cái gì đấy nghe thật chán, rồi cô ấy sẽ cười thoả thuê.

Chị Bates lên tiếng:

- Được lắm , thế thì tôi không phải khó nghĩ. Ba cái nghe thật chán, thế là hợp với tôi. Quý vị biết mà. Tôi có thể nói ra ngay ba chuyện nghe thật chán, được không ? - chị nhìn quanh quất - Quý vị có đồng ý không ?

Emma không thể dằn lòng, nói:

- Nhưng có một điều khó. Xin lỗi chị, nhưng chị bị giới hạn, mỗi lần chỉ có ba chuyện thôi.

Vì thấy Emma nghiêm nghị, chị Bates không bắt kịp ý nghĩ của cô, nhưng sau đấy chị hiểu ra. Chị không tức giận, nhưng mặt thoáng đỏ hồng.

- À, được rồi. Vâng, tôi biết ý cô muốn gì - rồi quay sang anh Knightley - và tôi sẽ giữ mồm giữ miệng. Tôi hẳn là người rất khó thương, nếu không cô ấy không thể nói như thế với người bạn thâm giao.

Ông Weston cất tiếng:

- Tôi thích đề nghị của chị. Đồng ý, đồng ý. Tôi sẽ gắng hết sức. Tôi sẽ ra một câu hỏi hắc búa. Mọi người nghĩ sao?

Anh con trai của ông đáp:

- Nghĩ thấp, con e là rất thấp, nhưng mọi người sẽ rộng lượng, đặc biệt đối với người xung phong đầu tiên.

Emma nói:

- Không, không, không thể nói là thấp. Một câu hỏi hắc búa là đủ để cho qua ông ấy và người kế tiếp . Mời ông làm ơn ra câu đố.

Ông Weston nói:

- Tôi không rõ câu này có hay không. Đây này, hai chữ cái gì diễn tả sự vẹn toàn?

- Hai chữ cái gì diễn tả sự vẹn toàn? Tôi không biết.

- ÔI quý vị không bao giờ đoán ra được - ông quay sang Emma - tôi đoan chắc cô không bao giờ đoán được . Tôi nói cho cô biết : M và A - Emma. Cô có biết không ?

Thông hiểu và hài lòng đi đôi với nhau. Đấy có thể là chuyện bông lơn, nhưng Emma tỏ ra rất thích thú. Frank và Harriet cũng thế. Những người khác thì không thích, vài người có vẻ chậm hiểu.

Riêng anh Knightley nói một cách nghiêm nghị:

- Ông Weston có ý đánh đố rất khôn khéo, nhưng nhiều người hẳn không đồng ý với ông . Sự vẹn toàn không đến sớm như thế .

Cô Elton nói:

- Chao ôi! Về phần tôi , tôi cáo lỗi phải xin rút lui, thật sự tôi không thể đóng góp gì cả. Tôi không thích chơi trò này. Có lần tôi nhận được bài thơ đọc chữ đầnhư từ tên tôi, mà tôi không thích chút nào. Tôi biết bài thơ ấy từ ai mà ra. Cái anh xấc xuợc đáng ghét! Quý vị biết tôi ám chỉ ai - cô gật đầu về phía anh chồng - Trò này thịnh hành trong mùa Giáng sinh khi người ta ngồi quanh lò sưởi, nhưng tôi cho là nó lạc điệu khi chúng ta đang khám phá đồng quê trong mùa hè. Cô Woodhouse phải tha lỗi. Tôi không phải là người có chuyện dí dỏm để đem ra giúp vui. Tôi không muốn giả vờ là dí dỏm. Tôi có nhiều nét sinh động theo cách của riêng tôi , nhưng tôi phải được phép phán đoán khi nào nên nói và khi nào nên giữ mồm. Xin cho tôi qua, anh Churchill . Xin cho anh E., Knightley, Jane và tôi qua. Chúng tôi không có chuyện gì hay - cả ba chúng tôi .

Chồng cô thêm, với vẻ nhạo báng:

- Vâng, vâng, xin cho tôi qua. Tôi không có gì kể cho cô Woodhouse vui, hoặc cho bất kỳ quý cô nào vui. Một người đã có vợ hầu như là chẳng làm gì nên chuyện cả. Augusta, liệu chúng ta có nên đi dạo không?

- Em rất sẵn lòng. Em đã qúa chán khi khám phá lâu như thế này ở một điểm. Jane, hãy đi cùng chị.

Nhưng Jane từ chối, và hai vợ chồng bước đi. Khi họ vừa đi khỏi tầm nghe lỏm, Frank Churchill nói:

- Một cặp hạnh phúc! Họ xứng đôi làm sao! Thật là may mắn! Kết hôn như thế, bắt đầu từ sự quen biết ở một nơi chốn công cộng! Tôi nghĩ họ chỉ mới quen nhau vài tuần ở Bath. May mắn một cách kỳ lạ! Vì lẽ, nếu chỉ quen biết ở Bath hoặc ở bất kỳ nơi công cộng nào khác thì không thể nào tìm hiểu kỹ ai được . phải gặp gỡ phụ nữ trong nhà họ thì người ta mới dễ phán xét. Nếu không được như thế thì chỉ do ức đoán và may mắn - và thường là không may. Làm thế nào mà nhiều người đàn ông vội đi đến quyết định sau thời gian ngắn quen nhau để rồi hối tiếc cả đời!

Cô Fairfax từ đầu đến giờ tỏ ra ít nói, bây giờ lên tiếng:

- Chắc chắn là việc như thế vẫn xảy ra...

Cô ngưng lại vì một cơn ho. Frank Churchill đang quaysang cô để nghe cho rõ. Anh nghiêm nghị nói:

- Cô nói tiếp đi.

cô tiếp :

- Tôi chỉ muốn nhận xét rằng, dù hoàn cảnh không may như thế đôi lúc xảy ra cho cả đàn ông và phụ nữ, tôi nghĩ chuyện này là hiếm hoi. Tình yêu vội vã và thiếu cẩn trọng có thể nảy nở, nhưng thường sau đó người ta có thời giờ để suy nghĩ lại. Chỉ có những người yếu mềm, thiếu trung kiên, đánh đố hạnh phúc của mình theo cơ may sẽ phải khổ sở suốt đời vì mối lương duyên bất hạnh.

Frank không trả lời, chỉ cúi người trong sự đồng thuận, rồi cất tiếng một cách sôi nổi:

- Tôi không tin lắm vào khả năng phán xét của mình thế nên khi muốn lập gia đình tôi mong có ai đấy chọn vợ cho tôi .

Anh quay sang Emma:

- Còn cô? Cô có thể chọn vợ cho tôi được không ? Chắc chắn là tôi sẽ yêu mến bất cứ người nào cô chọn . Cô biết chăm sóc nhà cửa, cô thấy đấy - anh mỉm cười về phía bố anh - Hãy tìm một người cho tôi . Tôi không vội. Hãy thu nhận cô ấy, dạy bảo cô ấy.

- Và biến cô ấy giống như tôi.

- Được thôi, nếu cô có thể .

- Tốt lắm, tôi xin nhận nhiệm vụ. Anh sẽ có một cô vợ đáng mến.

- Cô ấy phải là người năng động, có đôi mắt khô ráo. Tôi không ước gì hơn. Tôi sẽ đi xa trong vòngvài năm, và khi trở về tôi sẽ tìm đến cô để gặp vợ tôi . Nhớ đấy .

Emma không lo mình sẽ quên. Đấy là việc gửi gắm ăn khớp với dự tính của cô. Liệu Harriet có đáp ứng sự mô tả của anh không ? Ngoại trừ đôi mắt khô ráo, hai năm là đủ để Harriet đạt những điều kiện khác mà anh mong ước. Thậm chí lúc này biết đâu anh đang nghĩ đến Harriet, ai biết được ? Có vẻ là đúng, vì anh nhờ cô dạy bảo cô ấy.

Jane nói với bà dì:

- Dì ạ, bây giờ mình đi gặp cô Elton chứ?

- Cháu yêu, nếu cháu muốn. Dì lúc nào cũng sẵn sàng. Dì đã sẵn sàng đi với cô ấy bất cứ lúc nào. Nhưng bây giờ đi cũng được . Ta sẽ bắt kịp. Cô ấy đây rồi, không , đấy là người khác. Đấy là một trong những phụ nữ trong nhóm ô tô Ireland, không giống cô ấy tí nào. À, dì dám chắc rằng ...

hai người bước đi, rồi nửa phút sau anh Knightley đi theo. Chỉ có ông Weston, con trai ông, Emma và Harriet ở lại. Tinh thần anh chàng bây giờ dâng cao đến mức hầu như khó chịu. Ngay cả Emma cũng cảm thấy chán ngán vì những lời khen ngợi và thái độ hớn hở. Cô thầm mong được đi dạo trong tĩnh lặng mà không có ai đi cùng, hoặc ngôi một mình mà không cần ai để ý đến, để ngắm nhìn quang cảnh xinh tươi phía dưới. Nhưng rồi cô lấy làm vui khi nghe các gia nhân đi tìm chủ để báo tin cỗ xe đã đến. Cô còn vui lòng chịu đựng tiếng ồn ào khi mọi người đang giã từ nhau và tiếng cô Elton muốn gọi cỗ xe của mình đến trước . Cô mong về nhà sớm để kết thúc một ngày đáng lẽ là vui nhưng thật ra không vui gì cả.

Trong khi chờ cỗ xe đến đón, Emma thấy anh Knightley đứng kế bên. Anh nhìn quanh quất như thể biết chắc không có ai ở chung quanh, rồi nói:

- Emma, một lần nữa anh phải nói với em như trước giờ anh vẫn thế, dù anh không thích mấy, nhưng anh vẫn muốn nói. Anh không thể nhìn em làm sai mà không có ý kiến. Tại sao em vô cảm với chị Bates như thế? Làm thế nào có thể thất lễ với một phụ nữ có tư cách, tuổi tác và hoàn cảnh ấy ? Emma ạ, anh cho là không nên như thế .

Emma nghĩ ngợi, đỏ mặt , cảm thấy ân hận, nhưng vẫn cố cười cợt cho qua chuyện :

- Chả có gì, làm thế nào em đừng nói được ? Ai cũng chẳng đặng đừng. Không có gì quá tệ. Em dám chắc chị ấy không hiểu em nói gì.

- Anh cam đoan với em rằng chị ấy hiểu . Chị ấy hiểu rõ ý em. Từ lúc ấy , chị vẫn nói về chuyện này. Anh ước gì dm dcn ghe chị ấy nói ra sao - với tấm lòng chân tình và rộng lượng thế nào\;. Anh ước gì em được nghe chị ấy ca ngợi lòng độ lượng của em vì bố em và em hằng quan tâm đến chị ấy , trong khi bạn hữu của chị ấy lại tỏ ra khó chịu.

Emma thốt lên:

- Ôi dào! Em biết không có người nào tốt hơn chị ấy, nhưng anh nên biết rằng điều không may là chị a pha trộn cả cái hiền hoà lẫn cái nực cười.

Anh nói:

- Anh công nhận là có sự pha trộn như thế . Giá như chị ấy giàu có, anh sẽ chấp nhận những cái nực cười thỉnh thoảng khoả lấp cái hiền hoà. Giá như chị ấy có địa vị khá hơn, anh sẽ phó mặc những thái độ vô lý không làm hại đến ai, anh sẽ không tranh cãi với em về cử chỉ phóng túng nào. Giá như chị ấy ngang bằng với em, nhưng mà, Emma, hãy xét qua tình cảnh hoàn toàn khác hẳn. Chị ấy nghèo, đã sa sút so với cuộc sống thoải mái lúc mới lớn lên, và nếu chị ấy sống đến tuổi già có lẽ sẽ còn sa sút hơn nữa. Hoàn cảnh của chị ấy đáng cho ta thương cảm. Cách cư xử đó đúng là không hay. Chị ấy quen biết gia đình em từ khi em còn bé, đã nhìn thấy em lớn khôn, chăm sóc cho em và được gia đình em cảm kích. Bây giờ em lại vô tâm, trong giây phút tự mãn đã cười cợt chị ấy, xúc phạm chị ấy - trước mặt cháu gái chị ấy nữa - và trước mặt mọi người. Nhiều người - chắc chắn là có vài người - sẽ thấy cách em đối xử với chị ấy mà làm theo. Emma, như thế thì hẳn em không lấy làm vui tí nào, chắc chắn là anh không vui tí nào. Nhưng anh phải nói, anh sẽ nói với em tất cả sự thật khi có cơ hội. Anh lấy làm hãnh diện khi chứng tỏ mình là người bạn đích thực của em qua lời khuyên rất chân thật, và tin rằng , có lúc nào đấy em sẽ tỏ ra công tâm với anh hơn là lúc này.

Trong khi trao đổi, hai người đang đi đến cỗ xe. Trước khi cô có thể trả lời, anh đã đưa tay đỡ cô bước lên xe. Anh đã ngộ nhận về những cảm nghĩ đang khiến cho cô ngoảnh mặt đi, câm nín. Những cảm nghĩ kết hợp làm cho cô tức giận, xấu hổ và quan ngại sâu sắc đối với chính con người mình. Cô không thể nói ra được lời nào. Khi bước lên xe, cô cố trấn tĩnh, rồi tự trách bản thân cô đã từ giã mà không nói lời tự thú, đã ra về với thái độ như là mặt sưng mày sỉa. Cô nhìn ra ngoài, định cất tiếng hoặc vẫy tay cho anh thấy không phải thế, nhưng đã quá muộn. Anh đã quay đi, và cỗ xe đã chuyển bánh. Cô tiếp tục ngoái nhìn lại phía sau, nhưng hoài công. Rồi cỗ xe dường như chạy nhanh hơn ngày thường, chẳng bao lâu sau chạy xuống triền đồi, và tất cả đều bị bỏ lại phía sau khá xa.

Cô cảm thấy bứt rứt không lời nào tả xiết, hầu như vượt quá mọi mức độ mà cô có thể che giấu. Chưa bao giờ cô cảm thấy xao động, xấu hổ, tiếc nuối như thế này. Cô bị sốc nặng. Không thể nào chối cãi sự thật trong vụ việc . Cô cảm nhận điều này tận đáy lòng. Làm thế nào cô tỏ ra ác độc như thế đối với chị Bates! Làm thế nào cô tỏ ra thiếu kém về nhận thức đối với người mà cô đánh giá cao! Và làm thế nào cô để cho anh đang buồn vì không được nhận từ cô một lời cảm kích, lời đồng thuận, lời tử tế!

Thời gian không làm cô nguôi ngoai. Càng nghĩ, cô càng cảm thấy thấm thía. Cô chưa bao giờ thấy phiền muộn như lúc này. Điều may mắn là cô không cần phải trò chuyện với ai. Chỉ có Harriet, nhưng cô bé cũng có vẻ không vui, mệt mỏi, và cũng muốn giữ im lặng. Emma nhận ra những giọt lệ không ngớt chảy trên dài trên đôi má hầu như suốt chặng đường về, mà không buồn trấn áp.
 
Chương 08

Cả buổi tối, kỷ niệm khốn khổ về chuyến đi Box Hill vẫn ám ảnh tâm trí Emma. Cô không biết những người khác trong đoàn nghĩ thế nào. Sống trong những ngôi nhà khác và có những lối sống khác, họ có thể nhìn lại mà thấy vui, nhưng đối với cô đấy là một buổi sáng hoàn toàn uổng phí, chỉ đầy những bất mãn, và còn khốn khổ hơn khi hồi tưởng. Cô chỉ tìm lại nguồn vui khi bỏ cả buổi tối ngồi chơi bài với ông bố. ở đây là niềm vui thật sự, vì ở đây cô từ bỏ hai mươi bốn tiếng đồng hồ sống riêng cho mình để giúp ông bố được vui. Cô cảm thấy dù không xứng đáng với tình thương hiền dịu và lòng quý mến cả tin của ông, trong cách xử thế với ông, cô vẫn không đối diện với lời trách móc nặng nề nào. Cô mong mình không phải là người con gái vô tâm đối với bố. Cô mong không có ai có thể nói với cô „Tại sao cô vô cảm với bố cô như thế ? Tôi phải nói, tôi sẽ nói với cô tất cả sự thật khi có cơ hội!"

Chị Bates sẽ không còn bao giờ ...đúng, không bao giờ ! nếu trong tương lai cô tỏ ra quan tâm hơn để xoá đi quá khứ, cô có thể mong mình được thứ lỗi. Trong thâm tâm, cô đã thấy mình quá khinh suất, có lẽ khinh suất trong ý nghĩ hơn là ở vẻ bề ngoài khinh bỉ hoặc khiếm nhã. Nhưng không nên như thế nữa. Trong ý thức ăn năn, cô định sáng ngày hôm sau sẽ đến thăm chị Bates. Đấy sẽ là bước khởi đầu về phía cô cho mối giao tiếp bình đẳng, tử tế.

Với chủ định như thế, sáng ngày sau cô ra đi sớm mà không gì có thể ngăn cản cô được . Cô nghĩ có khả năng sẽ gặp anh Knightley trên đường đi hoặc trong nhà chị Bates đúng lúc cô đang ở đấy. Cô không phiền hà gì cả. Cô sẽ không cảm thấy xấu hổ khi mình tỏ ra hối lỗi một cách công tâm và thành thực . Khi cô bước trên đường, mặt cô hướng về Donwell, nhưng cô không gặp anh.

„Các quý bà có nhà".

Trước đây, cô chưa từng cảm thấy vui như thế bao giờ khi nghe câu thông báo này, hoặc khi bước vào hành lang, hoặc khi bước lên cầu thang.

Có tiếng xào xạc bên trong, có nihều chuyển động và tiếng nói . Cô nghe tiếng của chị Bates dường như đang hối hả làm việc gì đấy, cô hầu ra vẻ sợ hãi và lúng túng mong cô vui lòng đứng đợi một chốc, rồi nhanh chóng đưa cô vào. Có vẻ như người dì và cô cháu gái muốn trốn lánh vào phòng kế bên. Cô thoáng nhìn thấy Jane trông có vẻ đau yếu nặng, và trước khi cánh cửa đóng lại, cô nghe chị Bates nói:

- Cháu yêu, dì sẽ nói cháu phải nằm tĩnh duỡng, vì dì tin cháu bị mệt.

Bà cụ Bates tội nghiệp, vẫn lịch sự và khiêm tốn như lúc nào, với thái độ như thể bà không biết chuyện gì đang xảy ra.

Bà Bates nói:

- Tôi e Jane không được khoẻ nhưng tôi không chắc , họ bảo tôi con bé vẫn bình thường. Cô Woodhouse ạ, cháu tôi sẽ ra tiếp cô ngay. Tôi mong cô tìm được chiếc ghế. Tôi ước gì Hetty không đi vắng. Tôi thật là vô dụng. Cô có ghế ngồi chưa ? Cô ngồi nơi thoải mái chứ ? Tôi mong con tôi sẽ ra ngay.

Emma cũng thật lòng mong như thế . Trong một khoảnh khắc, cô đã e chị Bates không muốn gặp cô . Nhưng chị Bates đi ra. Vẫn những câu chào theo lệ thường „Rất vui và cảm kích". Nhưng ý thức của Emma cho thấy không có sự liến thoắng như trước , lần này dáng vẻ và cử chỉ kém thoải mái. Cô mong khi mình hỏi thăm cô Fairfax một cách rất chân tình thì sẽ giúp cho chị lấy lại được tình cảm như xưa. Hiệu quả có vẻ tức thời.

- À cô Woodhouse, cô thật tử tế! Tôi đoán cô đã nghe tin, và đến thăm cho chúng tôi được vui. Thật ra tôi không được vui lắm. - chị chớp mắt để giấu đi một, hai giọt lệ - nhưng chúng tôi khó mà đành lòng xa con bé sau khi nhưng đã về với chúng tôi một thời gian dài, và con bé giờ đang bị nhức đầu kinh khủng sau cả buổi sáng ngồi viết thư cho Đại tá Campbell và cô Dixon - những bức thư dài như thế , cô biết đấy. Tôi nói „Cháu yêu ạ, cháu sẽ bị mù mắt mất thôi", vì con bé cứ chảy nước mắt. Người ta không nên lấy làm lạ, không lấy làm lạ gì cả. Quả là sự thay đổi lớn lao, và dù cho con bé được may mắn một cách lạ lùng - mà tôi nghĩ chưa từng có cô gái trẻ nào gặp vận may như thế khi mới bước ra ngoài đời - cô Woodhouse ạ, đừng cho rằng chúng tôi vô ơn đối với may mắn đáng ngạc nhiên như thế (chị Bates lại lau nước mắt ) nhưng, tội nghiệp con bé! Nếu cô đã từng kinh qua cơn nhức đầu như con bé hiện giờ. Khi người ta đang bị đau đớn, cô biết đấy , người ta không thể cảm thấy mình đang có ân sủng. Con bé suy sụp nhiều. Khi nhìn thấy con bé bây giờ, không ai có thể nghĩ ra nó đã vui sg đến thế nào khi nhận được ân sủng ấy. Xin cô thứ lỗi con bé không thể ra tiếp ...nó quá yếu... Nó nằm nghỉ trong phòng...tôi muốn nó nằm tĩnh dưỡng. Tôi nói „Cháu yêu, dì sẽ nói cháu phải nằm tĩnh dưỡng", nhưng không phải, con bé đang đi tới đi lui trong phòng. Nhưng bây giờ nó đã viết xong mấy lá thư, nó nói sẽ cảm thấy khoẻ lại ngay. Cô Woodhouse ạ, con bé rất tiếc không được gặp cô, nhưng tôi mong cô tử tế bỏ bỏ lỗI cho nó, cô phải đứng chờ ngoài cửa...tôi thật lấy làm xấu hổ...nhưng có ít xáo trộn nhỏ...thế nên chúng tôi không nghe tiếng gõ cửa, và chỉ đến lúc cô bước lên cầu thang chúng tôi mới biết ai đến thăm. Tôi nói „ Đấy chỉ là bà Cole. Không ai khác đến sớm như thế này". Con bé nói „Được, không lúc này thì lúc khác, và tốt hơn là vào lúc này". Nhưng rồi Patty bước vào báo cho tôi biết cô đến . Tôi nói „Ôi, đấy là cô Woodhouse, dì tin cháu sẽ muốn gặp cô ấy „. Con bé nói „Cháu không thể gặp ai cả". Rồi nó ngồi dậy và muốn bỏ đi. Đấy là việc khiến cho cô phải chờ...làm chúng tôi lt rất làm tiếc và xấu hổ. Tôi nói „Cháu yêu, nếu cháu phải đi thì cứ đi, dì sẽ nói cháu phải nằm tĩnh dưỡng".

- Emma thật sự cảm thấy quan tâm. Con tim cô từ lâu đã trở nên hiền hoà hơn đối với Jane. Hình ảnh này của Jane cho thấy nỗi khổ tâm khi muốn cứu vãn sau khi đã bị nghi ngờ một cách hẹp hòi trước đây, khiến cho Emma càng thương xót bạn hơn. Khi nhớ lại thái độ kém công tâm và kém tử tế của mình trong quá khứ, Emma nghĩ Jane hẳn muốn gặp bà Cole hoặc một người bạn lâu năm khác để tránh mặt mình.

Với lòng tiếc nuối và quan tâm sâu sắc, Emma nói ra những gì mình nghĩ thành thực mong rằng cơ hội của Jane mà cô nghe được từ chị Bates có thể bgi đã được xác định, để giúp cho cô Fairfax được thoải mái.

- Đây hẳn là thử thách cam go cho tất cả . Tôi được biết phải đợi cho đến khi đại tá Campbell trở về.

Chị Bates đáp"

- Cô thật tử tế! Luôn tử tế.

Không thể chịu được khi nghe nói tiếng „luôn „, và để ngắt ngang sự cảm kích nhàm chán, Emma hỏi ngay"

- Xin cho hỏi, cô Fairfax định đi đâu ?

- Đến gia đình bà Smallridge - một người dễ mến, có vị thế cao - để làm gia sư cho ba đứa con nhỏ của bà ấy - những đứa trẻ đáng yêu. Không thể nào có nơi khác thoải mái hơn, ngoại trừ có lẽ gia đình bà Suckling và bà Bragge. Nhưng bà Smallridge chơi thân với cả hai nhà, và cùng là láng giềng với nhau: chỉ cách Maple Grove bốn dặm. Jane chỉ sống cách Maple Grove có bốn dặm.

- Tôi đoán cô Elton là người đã giúp đỡ cô Fairfax...

- Vâng, cô Elton tốt bụng. Một người bạn thật sự , giúp đỡ không biết mệt mỏi. Cô a không muốn nghe chúng tôi từ chối. Không để cho Jane thoái thác khi Jane mới nghe qua lần đầu. Đấy là ngày hôm kia, chính là vào buổi sáng ở Donwell, khi lần đầu tiên Jane nghe về chuyện này đã không muốn nhận, với những lý do như cô nói , chính xác như cô nói , con bé đã nhất quyết không nhận lời ai cho đến khi đại tá Campbell trở về, và không gì có thể khiến cho con bé nhận lời ai. Con bé lặp đi lặp lại với cô Elton như thế, và tôi tin nó sẽ không đổi ý. Nhưng cô Elton tốt bụng ấy , với đầu óc phán xét lúc nào cũmg đúng, nhìn xa trông rộng hơn tôi . Không phải ai cũng tỏ ra sốt sắng như cô ấy mà gạt ra câu trả lời của Jane. Ngày hôm qua cô ấy còn nói rõ sẽ không viết thư tả lời từ chối như Jane mong muốn. Cô ấy muốn chờ đợi, và y như rằng , tối hôm qua hai bên đồng ý là Jane sẽ đi. Tôi khá ngạc nhiên! Tôi đã không dự đóan được ! Jane kéo cô Elton qaua một bên và chỉ nói một lần, rằng sau khi đã xét qua những lợi điểm ở nhà bà Smallridge, con bé đi đến quyết định nhận lời. Chỉ khi sự việc đã đâu vào đấy xong xuôi thì tôi mới rõ.

- Chị gặp cô Elton tối hôm qua à?

- Vâng, cả hai dì cháu tôi . Cô Elton mời chúng tôi đến . Sự việc xảy ra ở trên đồi, khi chúng tôi đang đi bách bộ với anh Knightley. Cô ấy nói „Tất cả quý vị phải đến chúng tôi chơi tối nay. Tôi nhất quyết muốn tất cả quývị đến „

- Anh Knightley cũng ở đấy , phải không ?

- Không, không có anh Knightley. Lúc đầu anh ấy từ chối. Dù tôi nghĩ anh ấy sẽ đến vì cô Elton cứ khăngkhăng mời, anh vẫn không đến . Nhưng cả mẹ tôi, Jane và tôi đều đến , và chúng tôi có một buổi tối thật là dễ chịu. Những người bạn hiền như thế, cô biết mà, cô Woodhouse ạ, lúc nào cũng dễ mến, dù ai nấy đều đã mệt nhọc sau buổi sáng đi chơi với nhau. Cô biết đấy, khi giải trí người ta vẫn mệt, và tôi có thể nói không ai còn thấy vui thú gì nữa . Tuy nhiên, riêng tôi thấy đấy là buổi tụ họp vui vẻ, và rất lấy làm cảm kích khi những người bạn tử tế mời mình đến dự.

- Dù chị không nhận ra, tôi đoán là cô Fairfax đã quyết định trước cả rồi .

- Tôi tin là thế.

- Đến lúc chia tay, dù sớm hay muộn, hẳn cô ấy và tất cả bạn bè đều buồn. Nhưng tôi mong cô ấy sẽ nguôi ngoai vìcông việc - ý tôi nói là về tính tình và cách cư xử của gia đình chủ nhà.

- Cám ơn cô Woodhouse thân yêu. Vâng, cô ấy có mọi điều kiện để được dễ chịu. Ngoại trừ hai nhà Suckling và Bragge, trong số những người quen biết của cô Elton không có mấy gia đình cần người nuôi dạy trẻ mà phóng khoáng và thanh lịch như thế . BàSmallridge, một phụ nữ thật tốt ! có mức sống gần bằng Maple Grove, còn nói về các đứa trẻ, ngoại trừ bọn trẻ ở hai nhà Suckling và Bragge, không có trẻ con ở đâu ngoan hơn. Jane sẽ được đối xử với sự tôn trọng và lòng nhân hậu. Không có gì khác ngoài sự thoải mái, một cuộc sống thoải mái. Còn về tiền luơng! Tôi thật sự không thể cho biết về tiền luơng của con bé, cô Woodhouse ạ, ngay cả cô vốn đã quen với những khoản tiền lớn sẽthấy khó tin là một người còn trẻ như Jane lại được trả lương cao đến thế.

Emma thốt lên:

- À này, chị ạ, nếu những đứa trẻ khác đều giống như tôi theo như tôi còn nhớ, thì gấp năm lần số lương như tôi nghe được cũng còn xứng đáng.

- Cô thật là có ý nghĩ cao thượng!

- Chừng nào cô Fairfax sẽ đi?

- Không bao lâu nữa đâu. Thế mới tệ. Trong vòng nửa tháng. Bà Smallridge cần người gấp. Bà mẹ tội nghiệp của tôi không biết phải chịu đựng như thế nào. Nhưng rồi, tôi cố xoá đi chuyện này khỏi đầu óc của bà. Tôi nói „Này mẹ, đừng nghĩ gì đến chuyện đó nữa „.

- Bạn bè hẳn phải buồn khi xa cô ấy. Còn ông bà Campbell sẽ phải buồn vì cô ấy nhận việc làm trước khi họ trở về, phải không ?

- Vâng, Jane nói họ sẽ buồn, nhưng dù thế đây là cơ hội mà con bé nghĩ không nên từ chối. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi lần đầu tiên con bé thuật cho tôi nghe những gì nó đã nói với cô Elton, rồi cùng cô Elton đến chúc mừng tôi về chuyện này! Đấy là trước tiệc trà - khoan đã - không , không thể nào trước tiệc trà, bởi vì chúng tôi vừa mới bắt đầu chơi bài, nhưng tuy vậy là trước tiệc trà, bởi vì tôi nhớ mình nghĩ...Ôi chao! Không, bây giờ tôi nhớ ra rồi, có chuyện gì đấy xảy ra trước tiệc trà, nhưng không phải thế. Trước tiệc trà anh Elton được gọi ra ngoài, con trai của ông già John Abby muốn nói chuyện với anh ấy . Ông già John tội nghiệp, tôi rất quý ông ấy, ông ấy làm thư ký cho bố tôi trong hai mươi bảy năm, và bây giờ, ông già tội nghiệp, bị bệnh phải nằm liệt gi.ường, bệnh nặng vì bị gút phong thấp ở các khớp xương. Hôm nay tôi phải đến thăm ông ấy, và Jane cũng thế, nếu con bé đi ra ngoài được. Còn đứa con trai của ông già John tội nghiệp đến để nói chuyện với anh Elton về khoản từ thiện của giáo xứ. Cô biết đấy, bản thân anh ấy khá, quản lý Công xá, người trông coi chuồng ngựa và mọi thứ đại loại như thế, nhưng vẫn cần sự trợ giúp để chăm sóc cho người bố. Và thế là, anh Elton trở vào, anh cho chúng tôi biết anh trông coi chuồng ngựa John đã nói những gì, và rồi cỗ xe được phái đi Randalls để đưa anh Frank Churchill đi Richmond. Việc này xảy ra trước tiệc trà

Sau tiệc trà thì Jane nói chuyện với cô Elton.

Chị Bates không cho Emma có thời gian nói ra rằng cô chỉ mới biết chuyện về anh Frank Churchill, nhưng chị vẫn nói ra hết những chi tiết trong chuyến ra đi của anh. Điều mà anh Elton biết qua anh trông coi chuồng ngựa, do những gì chính anh trông coi chuồng ngựa và gia nhân ở Randalls biết được, là; một người đưa tinfr Richmond đi đến sau khi đoàn đi chơi Box Hill về. Ông Churchill đã biên cho cháutrai ông ít dòng, cho biết tình trạng của bà Churchill, và muốn anh không nên trì hoãn chuyến trở về quá buổi sáng hôm sau, nhưng anh Frank Churchill nhất quyết đi ngay mà không chờ gì cả. Vì con ngựa của anh có vẻ đau yếu, Tom được phái đi thuê cỗ xe ở Công xá, và người trông coi chuồng ngựa đã đi ra và trông thấy cỗ xe chạy ngang qua khá nhanh.

Không có chuyện gì đáng kinh ngạc hoặc đáng để ý đến. Emma chỉ quan tâm vì những sự kiện kết nối tới một việc đã vấn vương tâm trí cô. Cô thấy rõ sự tuơng phản giữa vị thế của bà Churchill và của Jane Fairfax: một người có tất cả,người kia không có gì. Cô ngồi ngẫm nghĩ về sự khác biệt trong vận mệnh của phụ nữ mà không chú ý đến vật mà cô đang lơ đãng ngắm nhìn, cho đến khi chị Bates lên tiếng:

- Vâng, tôi thấy cô đang nghĩ về chiếc đàn. Rồi sẽ tính nó ra sao? Đúng thế. Con bé Jane tội nghiệp vừa mới nói về việc này. Nó nói với chiếc đàn „Mi phải đi. Mi và ta sẽ phải xa nhau. Mi sẽ không có phận sự ở đây. Tuy nhiên, dì ạ, cứ để nók đây cho đến khi Đại tá Campbell trở về. Cháu sẽ bàn với ông ấy về việc này, ông ấy sẽ thu xếp cho chạu ông ấy sẽ giúp cháu vượt qua tất cả khó khăn". Và cho đến bây giờ, con bé vẫn không biết chiếc đàn là món quà của ông bố hay của con gái ông .

Bây giờ Emma bắt buộc phải suy nghĩ về chiếc đàn. Cô hồi tưởng và cảm thấy buồn vì những ức đoán hoang tưởng và thiếu công tâm của mình khi trước . Bây giờ cô thấy thời giờ thăm viếng đã kéo dài. Cô lập lại mọi ngôn từ về thiện ý mà cô thực sự cảm thấy trong lòng, rồi giã từ.
 
Chương 09

Emma không tiếc đã hạ mình đi đến nhà Cole. Chuyến đi tạo cho cô nhiều hồi tưởng đẹp vào ngày kế, tuy mất cuộc sống riêng tư nhưng bù lại cô được gặp gỡ và được ngưỡng mộ. Cô hẳn đã giúp vui cho nhà Cole - những người sáng giá, đáng được hưởng niềm vui! Và cô đã tạo tiếng tăm trong một thời gian dài.

Hạnh phúc toàn vẹn - dù là trong hồi tưởng - không phải là chuyện thường ngày: có hai điểm mà Emma chưa thật an tâm. Cô không hiểu khi đặt nghi vấn về tình cảm của Jane Fairfax dành cho Frank Churchill liệu mình đã vượt quá giới hạn về bổn phận của một phụ nữ đối với phụ nữ hay không. Điều này có vẻ không đúng, nhưng ý nghĩ vẫn dẳng dai trong đầu cô. Khi anh nhìn nhận sau việc cô nêu ra, cô càng muốn hỏi han thêm.

Điểm thứ hai cũng liên quan đến Jane Fairfax, và cô không hồ nghi về điểm này. Cô thành thật nhìn nhận mình chơi nhạc và hát kém cỏi, và lấy làm tiếc mình đã thờ ơ khi luyện tập khi còn nhỏ. Rồi cô ngồi tập dượt một cách hăng say trong vòng một tiếng rưỡi.

Cữ dượt của cô bị gián đoạn vì Harriet đến.

- Ôi chao! Ước gì em chơi nhạc hay như chị và cô Fairfax!

- Harriet, đừng đánh đồng hai người chúng tôi với nhau. Tài nghệ của chị so với cô ấy giống như đèn đêm so với ánh mặt trời.

- Ôi chao! Em nghĩ chị chơi theo cách tốt nhất. Em nghĩ chị chơi hay ngang bằng cô ấy. Em rất muốn nghe chị đánh đàn. Tối hôm qua, mọi người đều nói chị đánh đàn hay.

- Nếu là người có trình độ thì họ hẳn đã nhận ra sự khác biệt. Harriet à, sự thật là tài nghệ của chị chỉ vừa đến mức được khen ngợi nhưng tài năng của Jane Fairfax còn vượt trội.

- Chị có chắc không? Em nhìn cô ấy trình diễn, nhưng em không nhận ra tài năng của cô ấy. Không ai nói gì cả. Và em ghét bài hát tiếngÝ không thể hiểu lấy một câu. Hơn nữa, nếu cô ấy trình diễn hay như thế là vì bắt buộc vì cô ấy sẽ làm nghề dạy trẻ, chị biết mà. Tối qua, nhà Cox hỏi liệu cô ấy có xon được việc làm ở gia đình giàu có nào không. Chị thấy nhà Cox như thế nào?

- Cũng như thường ngày thôi: rất thô lỗ.

Harriet ngập ngừng:

- Họ nói với em một chuyện, nhưng không có ý nghĩa gì.

Emma buộc phải hỏi họ nói gì với cô bé, tuy rằng cô e chuyện này dẫn đến anh Elton.

- Họ nói với em là ngày thứ Bảy rồi, anh Martin đến ăn tối với họ.

- À!

- Anh ấy đến làm việc với ông bố, rồi ông mời anh ở lại để dùng bữa.

- À!

- Họ nói nhiều về anh ấy, đặc biệt là Anne cox. Em không rõ cô ấy có ý gj` mà hỏi em có phải em sẽ đi rồi trở lại đây trong mùa hè.

- Cô ấy chỉ tò mò một cách xấc xược, đúng như tính cách của Anne Cox.

- Cô ấy kể trong bữa ăn anh ấy tỏ ra dễ mến. Anh ngồi kế cô ở bàn ăn. Cô Nash nghĩ chị em nhà Cox nào cũng vui nếu được kết hôn với anh ấy.

- Có thể lắm. Chị nghĩ họ đều là những cô gái thô lỗ nhất ở Highbury.

Harriet có việc phải đi đến cửa hàng Ford s. Emma nghĩ nên tỏ ra cẩn trọng mà đi cùng. Cô bé có thể tình cờ gặp lại nhà Martin, và torng tình cảnh hiện tại của cô bé thì như thế là nguy hiểm.

Ham mê mọi thứ và dễ bị dẫn dụ bằng nửa câu mời chào, Harriet mất nhiều thì giờ tại cửa hàng. Trong khi cô bé còn đang chọn lựa mẫu hàng vải, Emma bước ra cửa cho đỡ chán. Dù cho đây là khu vực tấp nập nhất của Highbury, số người qua lại vẫn thưa thớt. Ông Perry vội vã đi ngang qua, ông William Cox bước vào cánh cửa văn phòng, cỗ xe của ông Cole trở về sau chuyến du ngoạn hoặc một cậu bé đưa thư lạc đường trên lưng một con lừa ngoan cố - tất cả đều là quang cảnh sinh động mà cô thường thấy. Khi tầm mắt cô hướng đến cửa hàng thịt, một bà cụ già ăn mặc chỉnh chu đang trên đường về nhà với cái giỏ đầy, hai con chó xấu xí đang giành nhau một mẩu xương dơ dáy, một đám trẻ la cà quanh cửa sổ hàng bánh thèm thuồng nhìn bánh gừng . Emma không đòi hỏi gì hơn, và cảm thấy thích thú để tiếp tục đứng ngoài cửa hàng mà ngắm nhìn. Một tâm hồn thư thái và nhàn hạ, cần phải tìm chuyện gì lạ mắt để nhìn, và nhìn mọi việc mà không thấy có gì lạ lẫm.

Cô nhìn xuống con đường Randalls. Quang cảnh rộng mở, hai người xuất hiện: chị Weston và con chồng, hai người đang đi vào Highbury - dĩ nhiên là đang hướng về Hart field. Nhưng hai người dừng lại trước nhà bà Bates vốn trên quãng đường gần hơn so với cửa hàng Ford s. Họ chưa kịp gõ cửa thì nhận ra Emma. Họ lập tức băng qua đường đi đến chỗ cô. Không khí vui vẻ trong buổi tụ họp tối qua vẫn còn vương trong cuộc gặp gỡ này. Chị Weston cho cô biết họ định đi thăm nhà Bates để nghe tiếng đàn của chiếc dương cầm mới. Chị nói:

- Anh ấy bảo tối qua chị hứa với chị Bates là sẽ đến chơi sáng nay. Chị không nhớ chắc mình đã hứa, nhưng vì anh ấy nói thế, nên chị đi.

Frank Churchill nói:

- Trong khi bà Weston đến chơi ở đây, tôi mong được tháp tùng các cô để chờ bà ở Hartfield. Nếu các cô định trở về nhà.

Chị Weston tỏ ra thất vọng:

- Tôi nghĩ anh đã định đi với tôi. Họ sẽ rất vui được gặp lại anh.

- Tôi ấy à! tôi xin từ chối. Nhưng, có lẽ…Tôi đã đến đây rồi. Có vẻ như cô Woodhouse không muốn đi cùng với tôi. Bà bác tôi luôn bảo tôi quay về nhà khi bà đi mua sắm. Bà bảo thấy chán muốn chết khi tôi sốt ruột, và cô Woodhouse xem dường như muốn nói giống như thế. Tôi phải làm gì đây?

Emm nói:

- Tôi đến đây nhưng không phải vì việc của mình. Tôi đang đứng chờ cô bạn. Có lẽ cô ấy sắp xong, rồi hai chúng tôi sẽ về nhà. Nhưng anh nên đi với bà Weston mà nghe chiếc đàn mới.

- Được, nếu cô nói thế . Nhưng - anh mỉm cười - nếu Đại tá Campbell có một người bạn vô ý và nếu chiếc đàn có tiếng khác lạ thì tôi phải nói gì? Tôi sẽ không thể giúp gì được cho bà Weston. Một mình bà có thể xoay sở tốt . Bà có thể nói ra sự thật nghe không được thuận tai, nhưng tôi cảm thấy vô cùng khổ sở khi phải giả vờ lịch sự.

Emma nói:

- Tôi không tin. Tôi nghĩ anh có thể tỏ ra kém chân thật giống như những người láng giềng của anh nếu cần, nhưng không có lý do nào mà tiếng đàn đổi khác. Đúng ra là phải ngược lại, nếu tôi hiểu ý của cô Fairfax nói ra tối qua.

Chị Weston nói:

- Anh đi với tôi nếu không cảm thấy khó chịu lắm. Ta không cần phải ngồi lâu. Sau đấy, ta sẽ đi về Hartfield. Ta sẽ đi theo hai cô về Hartfield. Tôi thật sự mong có anh đi cùng. Lòng quan tâm như thế là rất hay! và tôi luôn nghĩ anh quan tâm.

Anh không thể nói gì thêm, với hy vọng về Hartfield làm phần thưởng, anh cùng với chị Weston quay trở lại cổng nhà bà Bates. Emma nhìn theo họ, rồi trở vào gặp Harriet tại quầy tính tiền, cho ý kiến về việc chọn lựa màu sắc.

Bà Ford hỏi:

- Tôi gửi gói hàng đến nhà bà Goddard, phải không ạ?

- Vâng…không…vâng, đến nhà bà Goddard. Chỉ có điều là chiếc áo maxi của tôi đang ở tại Hartfield. Không, xin bà làm ơn gửi đến Hartfield. Nhưng rồi, bà Goddard sẽ muốn xem…Và tôi có thể mang chiếc áo maxi về nhà ngày nào cũng được, nhưng tôi sẽ cần có ruy băng ngay…nên tốt hơn là gửi nó đến Hartfield, nhất là cái ruy băng. Bà Ford, xin bà chia ra làm hai gói, được không?

- Harriet, không đáng phải bắt bà Ford cất công làm hai gói.

- Chỉ chút ít thôi.

Vốn thích chiều lòng khách hàng, bà Ford đáp:

- Không có chi, thưa cô.

- Nhưng mà thật ra tôi muốn chỉ một gói thôi. Sau đó, xin bà cho gửi tất cả đến nhà bà Goddard...Tôi không rõ…Không, tôi nghĩ….Chị Woodhouse ạ, em có thể cho gửi đến Harttfield rồi tối nay mang nó về nhà. Chị nghĩ thế nào?

- Chị nghĩ em thay đổi ý kiến xoành xoạch. Bà Ford ạ, xin bà gửi đến Hartfield.

Harriet tỏ ra hài lòng:

- Vâng, như thế là tốt nhất. Em không thích gửi đến nhà bà Goddard chút nào.

Những tiếng nói vọng đến - đúng hơn, là một tiếng nói và hai phụ nữ : chị Weston và chị Bates gặp họ ở cửa ra vào.

Chị Bates nói:

- Cô Woodhouse thân yêu, tôi đến để có hân hạnh mời cô đến chơi với chúng tôi một lát, và để cho ý kiến về chiếc đàn mới, cô và cả cô Smith. Cô Smith vẫn khoẻ chứ?

- Tôi khoẻ, xin cám ơn chị.

- Và tôi đã mời chị Weston đến , nên tôi chắc sẽ được….

- Tôi mong bà Bates và cô Fairfax….

- Vẫn khoẻ ạ, xin cảm ơn cô. Mẹ tôi vẫn khoẻ mạnh, còn tối qua Jane không bị cảm lạnh gì cả. Ông Woodhouse vẫn khoẻ chứ ạ? Tôi rất vui được nghe ông ấy vẫn bình thường. Chị Weston nói với tôi cô đang ở đây. Rồi tôi nói, tôi phải chạy đến nhanh, tôi tin cô Woodhouse sẽ cho phép tôi khẩn khoản mời cô đến chơi, mẹ tôi sẽ rất vui mà đón tiếp …và bây giờ chúng tôi có một nhóm bạn tốt, bà không thể từ chối. Anh Frank Churchill nói "Đúng, cô nên đi mời. ý kiến của cô Woodhouse là đáng quý", nhưng tôi nói, nếu có nó nđi cùng thì lời mời của tôi được mạnh hơn. Anh ấy bảo "Chờ nửa phút, để tôi xong việc này". Bởi vì, cô Woodhouse, cô có tin không, anh ấy thật là tử tế, đang xiết lại cái đinh tán trên gọng kính của mẹ tôi. Cô biết không, sáng nay cái đinh tán sút ra ngoài..Thật là tử tế…Vì mẹ tôi không dùng được kính…không thể mang được. Và nhân tiện, mọi người nên có hai cặp kính. Jane nói thế. Tôi định mang cặp kính đến John Saunders để sửa, nhưng cả buổi sáng nay cứ mãi bận việc này việc kia, hết việc nọ đến việc khác, không thể kể hết, cô biết đấy .có lúc Patty đến nói cần quét ống khói lò sưởi. Tôi nói với Patty đừng đến báo chuyện không hay. Đinh tán của bà chủ đã sút ra. Rồi người ta mang bánh nhân táo đến, bà Wallis nhờ bọn trẻ của bà mang đến , nhà Wallis rất tử tế với chúng tôi. Tôi nghe vài người sống bà Wallis có thể xấu bụng và ăn nói cộc lốc, nhưng chúng tôi chỉ thấy bà tỏ ra rất quan tâm đến chúng tôi. Đấy chỉ là do lòng tử tế, vì cô biết đấy, chúng tôi dùng bao nhiêu bánh mì. Nhà chúng tôi chỉ có ba người - ngoài Jane thân thương trong lúc này - và cô ấy không ăn uống gì cả, bữa ăn sáng gây sốc, các cô hẳn sẽ e sợ nếu được thấy. Tôi không dám nói cho bà mẹ biết cô bé ăn ít như thế nào, vì thế tôi kiếm chuyện này chuyện nọ mà nói cho qua. Nhưng đến giữa trưA thì cô bé bị đói mà chỉ thích ăn bánh nhân táo, và bánh này rất bổ dưỡng, vì ngày nọ tôi nhân cơ hội hỏi ông Perry khi tình cờ gặp ông ấy ngoài phố. Không phải là trước đây tôi nghi ngại - tôi vẫn thường nghe ông Woodhouse khuyên nên dùng táo nướng. Tôi tin đấy là cách duy nhất mà ông Woodhouse nghĩ táo bổ dưỡng nhất. Tuy nhiên, chúng tôi thường dùng bánh hấp táo. Patty làm bánh hấp táo rất ngon. À chị Weston có ưu thế, và các cô sẽ chiều lòng chúng tôi.

Emma tỏ ý rất vui lòng đến thăm bà Bates, vân vân…rồi cuối cùng cả đoàn rời khỏi cửa hàng, nhưng chị Bates vẫn trì hoãn:

- Bà Ford, bà có khoẻ không? Tôi không thấy bà trước. Tôi nghe nói bà có bộ ruy băng mới từ thành phố. Hôm qua Jane rất hài lòng khi trở về nhà. Cảm ơn bà, đôi găng rất tốt, chỉ hơi rộng ở cổ tay, nhưng Jane vẫn đang dùng.

Khi họ bước ra đường, chị Bates tiếp tục:

- Tôi đang nói đến chuyện gì?

Emma tự hỏi trong số bao chuyện hỗn tạp, chị này muốn nói đến chuyện gì.

- Tôi chịu không nhớ ra mình đang nói đến chuyện gì. À, cặp kính của mẹ tôi. Anh Frank Churchill rất là tử tế. Anh ấy nói "Tôi nghĩ mình có thể xiết chặt cái đinh tán, tôi rất thích làm công việc loại này". Thật ra tôi phải nói rằng, U trước đây tôi đã từng nghe về anh ấy, anh rất giỏi…Chị Weston, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng chị. Anh ấy có vẻ như là người mà cha mẹ thương yêu nhất có thể…Anh ấy nói "Tôi có thể siết chặt cái đinh tán, tôi rất thích làm công việc này". Tôi sẽ không bao giờ quên nghĩa cử của anh ấy. Và khi tôi mang chiếc bánh nhân táo từ trong chạn ra, mong những vị khách của mình chiều lòng mà dùng thử một ít, thì anh nói ngay "Không có cách nào khác làm ngon hơn, đây là món táo nướng tại nhà trông ngon lành nhất mà tôi đã từng thấy trong đời". Đấy, các cô biết không, nghe thật là…Và tôi biết, qua cử chỉ của anh ấy, đấy không phải là lời khen ngợi suông. Mấy quả táo đó ngon thực sự, và bà Wallis đã cất công làm cho ngon hơn…Có điều chúng tôi chỉ nướng hai lần, còn ông Woodhouse bắt chúng tôi phải hứa là nướng tới ba lần… nhưng cô Woodhouse sẽ tử tế mà không nói ra việc này. Chính mấy quả táo thuộc loại tốt nhất để nướng, đúng như thế , tất cả là từ Donwell - một số là do anh Knightley hào phóng biếu cho. Mỗi năm anh ấy đều gửi cho chúng tôi một bao, không nơi nào khác cho loại táo để dành được lâu như táo vườn nhà anh ấy , tôi nghĩ anh ấy có hai cây. Mẹ tôi nói vườn cây ăn quả của anh đã luôn nổi tiếng từ khi bà còn trẻ. Nhưng ngày nọ tôi thật sự hơi bị sốc, vì một buổi sáng anh Knightley đến thăm Jane đang ăn táo ấy, rồi chúng tôi nói về chuyện táo và cho biết conbé rất thích táo loại này. Rồi anh ấy hỏi chúng tôi đã dùng hết phần táo trong nhà chưa . Anh nói "Tôi tin sắp hết , tôi sẽ gửi thêm vì còn dư, dùng không hết. Năm nay William Larkins để lại cho tôi nhiều hơn mọi năm . Tôi sẽ gửi thêm cho cô, kẻo muộn thì không ai dùng được ". Thế là tôi xin anh ấy đừng "Vì thật sự chúng tôi đã dùng hết, tôi không thể nói chắc là còn nhiều, chỉ dăm bảy quả nhưng phải để dành cho Jane, và tôi không thể chịu được khi anh ấy gửi thêm vì anh đã hào phóng rồi. Còn Jane cũng nói thế. Rồi sau khi anh ra về, con bé gần như tranh cãi với tôi . Không, tôi không nên nói tranh cãi, vì cả đời chúng tôi không hề tranh cãi với nhau. Chỉ vì con bé khá bứt rứt do thấy táo không còn nhiều, con bé ước gì tôi nói cho anh ấy tin là chúng tôi còn nhiều. Ôi chao, tôi nói đúng là tôi đã nói còn nhiều. Tuy thế, buổi tối cùng ngày William Larkins đến với một giỏ đầy táo, cùng loại táo ấy, ít nhất là một giạ. Tôi rất biết ơn, trò chuyện với William Larkins , và nói nhiều chuyện , như các cô hẳn biết . William Larkins quả là một người quen biết lâu năm ! tôi luôn vui mỗi khi gặp ông . Nhưng, tuy thế, sau đấy Patty cho tôi biết William nói đó là tất cả táo loại ấy còn lại mà ông chủ anh có, anh ấy đã mang đến hết , nên bây giờ ông chủ anh không có gì để nướng hoặc nấu. William xem như không nề hà gì, anh ấy được vui vì ông chủ anh đã bán được nhiều, bởi vì, William, các cô biết đấy, quan tâm đến lợi tức của ông chủ anh hơn là bất kỳ việc gì khác, nhưng anh ấy nói bà Hodges không lấy làm vui vì bao nhiêu táo đã được mang đi hết . Bà không chịu được khi thấy ông chủ không có món bánh mứt táo vào mùa xuân này. Anh ấy kể với Patty chuyện này, nhưng yêu cầu đừng để tâm đến, vì đôi lúc bà Hodges cáu gắt, khi nhiều giỏ táo được bán ra thì không cần biết ai đã ăn phần còn lại. Vì thế, Patty kể cho tôi nghe, và thật sự bị sốc! tôi không muốn anh Knightley biết chuyện này. Anh ấy sẽ rất …Tôi muốn giấu Jane, nhưng không may là tôi đã lỡ nói ra trước khi biết mình nói gì.

Chị Bates vừa nói xong thì Patty ra mở cửa. Những vị khách của chị bước lên tầng trên mà không còn có chuyện kể nào bị phải nghe, chỉ bị đeo bám bằng thiện ý đâu đâu .

Chị Weston, xin coi chừng, có một bậc thềm ở khúc rẽ. Cô Woodhouse, xin coi chừng, thang lầu nhà chúng tôi hơi tối - tối hơn và hẹp hơn làchúng tôi muốn . Cô Smith, xin coi chừng, cô Woodhouse, tôi thật lo, tôi e cô sắp ngã. Cô Smith, bậc thềm ở khúc rẽ.
 
Chương 10

Phòng gia đình nơi họ bước vào có không khí yên tĩnh. Không thể làm công việc thường lệ, bà Bat4es thiu thiu ngủ bên lò sưởi. Frank Churchill ngồi ở chiếc bàn gần đấy, đang chăm chỉ bận rộn với cặp kính của bà.

Còn Jane Fairfax đang đứng quay lưng về phía hai người, mải mê với chiếc dương cầm của cô.

Tuy nhiên, dù đang bận rộn, gương mặt anh trai trẻ vẫn tỏ ra vui khi gặp lại Emma. Anh nói với giọng nhỏ nhẹ;

- Thật là vui khi cô đến mười phút sớm hơn tôi dự kiến. Cô thấy tôi đang cố tỏ ra hữu ích; xin cho tôi biết tôi sẽ thành công.

Chị Weston nói:

- Cái gì? Anh chưa xong à? Anh không thể sinh sống bằng nghề thợ bạc theo cách này.

- Tôi không làm việc liên tục. Tôi giúp cô Fairfax điều chỉnh chiếc đàn; nó bị chông chênh vì tôi nghĩ được đặt trên sàn nhà không bằng phẳng. Bà thấy đấy, chúng tôi lấy giấy để chêm một chân. Bà rất tử tế mà nghe thuyết phục để đến đây. Tôi đã e bà phải vội về nhà.

Anh xoay sở để chị ngồi bên anh, tìm chiếc bánh nướng nhân táo ngon nhất cho chị, cố tạo cơ hội cho chị giúp đỡ hoặc cố vấn công việc của anh, cho đến khi Jane Fairfax sẵn sàng ngồi lại với chiếc đàn. Emma nghĩ Jane Fairfax chưa sẵn sàng vì lý do hồi hộp, vẫn còn xúc động vì mới nhận chiếc đàn không lâu, và cần thời gian để thể hiện tài năng trên chiếc đàn mới. Emma thương hại cho Jane dù là vì lý do nào, nhưng quyết không bỉêu lộ cảm nghĩ của mình.

Cuối cùng Jane bắt đầu chơi đàn. Dù vài đoạn đầu cô chơi còn yếu, dần dà chất lượng của chiếc đàn được phát huy. Chị Weston đã thích thú lúc trước, bây giờ thích thú thêm lần nữa . Emma góp lời ca ngợi. Chiếc đàn cũng được ngợi khen, với một ít ý kiến thiên vị cho phải phép.

Frank Churchill mỉm cười nói với Emma:

- Dù Đại tá Campbell có nhờ đến ai, người này đã chọn lựa đúng đắn. ở Weymouth, tôi đã nghe nhiều người nói Đại Tá Campbell có trình độ thưởng thức cao. Những nốt nhạc cao có âm thanh dịu ngọt cho thấy chiếc đàn là đúng như ông và mọi người kỳ vọng. Cô Fairfax, tôi dám nói rằng ông ấy hoặc cho chỉ thị chi tiết, HOẶc tự mình biên thư cho Broađwood. Cô có nghĩ thế không?

Jane không quay lại nhìn. Cô không muốn nghe. Chị Weston đang trò chuyện với cô.

Emmar khe khẽ nói:

- Thế là không công bằng . Tôi chỉ võ đoán thôi. Đừng làm cô ấy phân tâm.

Anh mỉm cười lắc đầu, ra vẻ như thể anh không còn gì để nghi ngờ và không muốn giữ kẽ. Rồi anh lại bắt đầu:

- Cô Fairfax, những người cô quen biết hẳn đang vui thú ở Ireland trong dịp này. Tôi dám nói họ thường nghĩ đến cô, và tự hỏi đấy sẽ là ngày nào, ngày mà chiếc đàn được mang đến đây. Cô có nghĩ giờ này đại tá Campbell biết sự việc tiến triển như thế nào không? Cô có nghĩ đấy là do ông muốn giao hàng ngay, hoặc ông chỉ đưa ra yêu cầu chung chung, đặt hàng mà không đưa ra thời hạn, chỉ tuỳ theo sự thuận lợi?

Anh ngưng lại.

Không thể nào cô không nghe được. Cô đành phải đáp:

- Tôi không nghĩ ra được gì cho đến khi nhận được thư của Đại tá Campbell. Tất cả chỉ là ức đóan.

- ức đoán - đúng, đôi lúc người ta ức đoán đúng, đôi lúc sai. Ước gì tôi có thể ức đoán khi nào tôi siết chặt được con đinh tán này. Cô Woodhouse ạ, khi đang cật lực làm việc mà người ta trò chuyện thì toàn nói càn bậy. Tôi nghĩ những nghệ sĩ thực sự như cô đều giữ im lặng nhưng bọn quý phái chúng tôi làm việc khi nắm giữ thông tin - cô Fairfax nói về ức đoán. Đây này, việc đã xong. - Anh quay sang bà Bates - Thưa bà, tôi lấy làm vui đã sửa lại cặp kính của bà, dùng tốt được trong lúc này.

cả hai mẹ con nồng nhiệt cảm ơn anh. Để trốn tránh khỏi ngôn từ của người con, anh đi đến bên chiếc đàn để van nài cô Fairfax đàn thêm bản nữa. Anh nói:

- Nếu cô vui lòng chơi một trong bản luân vũ mà chúng ta nhảy tối hôm qua, hãy để cho tôi sống lại với bản nhạc một lần nữa. Cô đã không thấy thích thú, cô có sự mệt mỏi cả buổi tối. Tôi tin cô thấy vui vì chúng ta không khiêu vũ với nhau nữa, nhưng tôi hẳn có thể cho tất cả trên đời - tất cả mọi thứ trên đời mà người ta có đây để kéo dài thêm nửa giờ.

Cô đàn tiếp.

- Thật là tuyệt vời khi nghe lại một giai điệu đã từng làm cho người ta hạnh phúc! Nếu tôi không nhầm, đây là bản nhạc mà người ta chơi khi khiêu vũ ở Weymouth.

Cô nhìn anh một thoáng chốc, mặt đỏ bừng, rồi đàn bài khác. Anh cầm lấy một bản nhạc từ chiếc ghế gần chiếc đàn, rồi quay sang Emma nói:

- Tôi chưa từng biết qua bản này. Cô có biết không?

- Cramer.

- Và đây là những giai điệu mới của Ireland. Tất cả đều được gửi theo chiếc đàn. Đại Tá Campbell rất chu đáo đấy chứ? Ông ấy biết cô Fairfax không thể tìm ra sách nhạc ở đây. Tôi đánh giá cao lòng quan tâm này, cho thấy thiện ý từ cả tấm lòng. Không có gì là gấp gáp, không có gì là thiếu sót. Chỉ có tình thương mến thật sự mới làm được như thế.

Emma ước gì anh đừng nói năng bộc trực, nhưng cô lấy làm thích thú, khi liếc nhìn Jane Fairfax cô kịp nhận ra nửa nụ cười mỉm; khi thấy khuôn mặt ửng đỏ cô nhận ra niềm vui thầm kín mà không cảm thấy thắc mắc về sự thích thú của mình, càng không ân hận mình đã ngộ nhận về Jane. Cô Jane Fairfax dễ mến, ngay thẳng này quả nhiên là đang ấp ủ tâm tư đáng bị khiển trách.

Anh mang tất cả bản nhạc đến cho Emma, và hai người cùng xem qua. Emma lợi dụng cơ hội này để thầm thì:

- Anh nói quá thẳng thắn. Cô ấy phải hiểu ý anh ra sao.

- Tôi mong cô ấy hiểu. Tôi muốn cô ấy hiểu tôi. Tôi không hề xấu hổ vì ý nghĩ của mình.

- Nhưng tôi xấu hổ phần nào, và ước gì mình đã không nắm bắt lấy ý nghĩ đó.

- Tôi vui vì cô đã nắm bắt, mà còn nói cho tôi nghe. Bây giờ tôi đã tìm ra chìa khóa cho tất cả dáng vẻ và hành động của cô ấy. Để cho cô ấy tự xấu hổ. Nếu sai trái, cô ấy tự nhận biết được.

- Tôi nghĩ cô ấy nhận biết.

- Tôi không nhận ra. Cô ấy đang chơi Robin Adair mà cô ấy rất thích.

Một lúc sau, chị Bates khi đi ngang qua cửa sổ nhận ra anh Knightley đang trên lưng ngựa.

- Đúng là anh Knightley! Tôi phải nói chuyện với anh ấy nếu được, chỉ để cảm ơn. Tôi sẽ không mở cửa sổ này kẻo quý vị bị cảm lạnh, nhưng tôi có thể đi vào phòng mẹ tôi. Tôi tinh anh ấy sẽ vào khi biết có ai đang ở đây. Thật là vui có quý vị gặp nhau như thế này. Nhà cửa chật chội của chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp!

Chị đã bước vào phòng bên khi vẫn còn đang mở miệng. Rồi chị mở cửa sổ, gọi đến anh Knightley, và mọi người đều nghe mồn một tiếng của chị như thể trong cùng một gian phòng.

- Anh khoẻ chứ? Anh khoẻ chứ? …rất khoẻ, cảm ơn anh. Rất cảm kích anh đã cho đi nhờ xe tối hôm qua. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu, mẹ tôi chỉ mới sẵn sàng. Xin mời anh vào, anh cứ vào. Anh sẽ gặp vài người bạn ở đây.

Chị Bates bắt đầu như thế, dường như anh Knightley muốn mọi người cũng nghe mình, nên anh cất giọng rõ ràng:

- Cháu gái chị như thế nào, hở chị Bates? Tôi muốn hỏi thăm tất cả, nhưng đặc biệt là cháu gái chị. Cô Fairfax có khoẻ không? Tôi mong tối qua cô ấy không bị cảm lạnh. Hôm nay cô ấy thế nào? Xin cho tôi biết cô ấy khoẻ không.

Rồi chị Bates phải trả lời ngay trước khi anh muốn nghe chuyện khác. Người nghe cảm thấy nực cười, chị Weston hướng đến Emma một tia nhìn đầy ý nghĩa. Nhưng Emma vẫn lắc đầu tỏ ý nghi ngờ.

Chị Bates tiếp:

- Rất cảm ơn anh! Rất cảm ơn đã cho đi nhờ xe.

Anh ngắt lời chị:

- Tôi sẽ đi Kingston. Chị có nhờ gì không?

- Ôi chao! Kingston à? Anh đi à? Ngày nọ, bà Cole nói muốn mua gì đấy ở Kingston.

- Bà Cole có thể phái gia nhân. Tôi có thể mua gì cho chị không?

- Không, tôi xin cảm ơn anh. Nhưng mời anh vào. Anh thử đoán có ai ở đây? Cô Woodhouse và cô Smith, đã tử tế đến thăm để nghe chiếc đàn mới. Anh cứ gửi ngựa ở Công xá rồi vào đây.

Anh nói với vẻ cân nhắc:

- Vâng, có lẽ trong năm phút.

- Ở đây cũng có chị Weston và anh Frank Churchill! Rất vui, nhiều bè bạn.

- Không, bây giờ thì không được, xin cảm ơn chị. Tôi không thể lưu lại dù chỉ hai phút. Tôi phải đi Kingston càng nhanh càng tốt.

- Ôi chao! Xin cứ vào. Họ sẽ rất vui được gặp anh.

- Không, không, phòng của chị đã đầy. Ngày sau tôi sẽ đến thăm và nghe tiếng dương cầm.

- À, tôi rất tiếc. Này, anh Knightley, buổi tối hôm qua thật vui, dễ chịu làm sao. Có bao giờ anh thấy khiêu vũ như thế chưa ? Vui phải không? Cô Woodhouse và anh Frank Churchill, tôi chưa bao giờ thấy hay ho như thế.

- Vâng, đúng là thật hay. Tôi không thể nói kém hơn, vì tôi đoán cô Woodhouse và anh Frank Churchll nghe rõ từng lời. Và - anh càng cất tiếng to hơn - tôi thấy cũng nên nhắc đến cô Fairfax. Tôi nghĩ cô Fairfax khiêu vũ rất đẹp, còn chị Weston là người nhảy điệu đồng quê hay nhất ở Anh Quốc, không có ngoại lệ. Bây giờ nếu các bạn của chị có lòng cảm kích, họ sẽ nói cái gì đấy để đáp lại chị và tôi , nhưng tôi phải đi nên không thể nghe được.

- Ôi chao! Anh Knightley, anh nán lại một tí, có một chuyện quan trọng - gây sốc! - Jane và tôi đều cảm thấy sốc vì mấy quả táo!

- Có việc gì thế?

- Cứ nghĩ đến việc anh đã gửi cho chúng tôi hết cả mớ táo còn lại! anh bảo anh có nhiều, nhưng bây giờ anh không còn gì cả. Chúng tôi thực sự bị sốc! Bà Hodges có thể tức giận. William Larkins đã nói với chúng tôi ở đây về việc này. Đáng lẽ anh không nên làm như thế, đúng là không nên.À! Anh ấy đã đi. Anh không bao giờ chấp nhận được cảm ơn. Nhưng tôi nghĩ đáng lẽ anh ấy nên lưu lại, và tiếc là đã không nói đến…À - co bước vào trở vào căn phòng - tôi đã không giữ anh ấy lại được. Anh Knightley không thể dừng bước. Anh ấy đang đi Kingston. Anh ấy hỏi tôi cần gì không…

Jane nói:

- Vâng, mọi người đã nghe anh ấy tử tế muốn giúp, mọi người đã nghe tất cả.

- Ôi trời! Vâng, cháu yêu ạ, cô biết cháu có thể nghe bởi vì cháu biết mà, cửa cái đang mở, và cửa sổ đang mở còn anh Knightley nói to tiếng. Chắc chắn là cháu đã nghe tất cả. Anh ấy nói "Chị có nhờ gì không"" nên tôi chỉ nói …Ôi chao! Cô Woodhouse, cô phải ra về à? Cô chỉ mới đến….cô thật tử tế.

Emma thấy đã đến lúc nên về nhà, chuyến thăm viếng kéo dài quá lâu. Khi cô xem đồng hồ, gần trọn buổi sáng đã trôi qua, thế nên chị Weston và anh Frank Churchill cũng muốn từ giã, chỉ có thể đi cùng hai cô gái tới cổng nhà Hartfield rồi họ trở về Randalls.
 
Chương 11

Có thể không cần phải khiêu vũ gì cả. Đã từng có nhiều trường hợp giới trẻ trải qua nhiều tháng liên tiếp mà không khiêu vũ với nhau, không có thương tổn gì lên thể chất hoặc tinh thần. Nhưng sau khi qua buổi ban đầu - khi đã cảm nhận niềm hạnh phúc dù là mong manh, quả là nặng nề nếu không yêu cầu gì thêm.

Frank Churchill đã khiêu vũ một lần ở Highbury, và tha thiết muốn khiêu vũ một lần nữa. Khi anh đến để thuyết phục ông Woodhouse cùng với cô con gái đến Randalls, hai người trẻ cùng sắp đặt kế hoạch. Frank là người đầu tiên đưa ra ý tưởng, cũng là người cổ vũ nồng nhiệt nhất, và cô là người phán xét tốt hơn về những khó khăn và lo lắng nhất về việc sắp xếp và hình thức. Nhưng cô vẫn muốn cho thiên hạ một lần nữa thấy anh Frank Churchill và cô Woodhouse khiêu vũ với nhau đẹp như thế nào, mà trong lĩnh vực này cô không phải xấu hổ khi so sánh mình với Jane Fairfax - và chỉ khiêu vũ tuần tuý chứ không cần sự hỗ trợ phù phiếm nào. Cô giúp anh bước tới lui trong gian phòng nơi họ sẽ khiêu vũ và để xem xét làm thế nào cho thuận lợi, rồi đo kích thước hành lang để xem có rộng rãi hơn không, dù ông Weston đã nói cả hai rộng bằng nhau.

Anh đề nghị bắt đầu bằng bản nhạc đã kết thúc ở nhà ông Cole, mời cùng những khách mời lần trướcmùi, và thuê cùng ban nhạc. Lời đề nghị của anh được chấp nhận ngay. Ông Weston hoàn toàn vui mừng với ý tưởng của hai người và chị Weston sẵn lòng cho ban nhạc chơi đến chừng nào mà họ còn muốn tiếp tục khiêu vũ. Kế tiếp họ bàn tính chính xác ai phải ngồi ở trong phòng nào,và chia chỗ cho từng cặp.

Họ lặp đi lặp lại "Anh vvc Smith, với cô Fairfax sẽ là ba, thêm hai cô nhà Cox là năm". Rồi thêm "Và ở đây là hai người nhà Gilbert, anh trai trẻ nhà Cox, bố tôi và tôi, ngồi kế bên anh Knightley. Vâng, như thế là đủ để vui. Anh và cô Smith, với cô Fairfax sẽ là ba, thêm hai cô nhà Cox là năm, và với năm cặp sẽ có đủ chỗ rộng".

Nhưng một người nói:

- Nhưng liệu có đủ chỗ cho năm cặp không? Tôi nghĩ sẽ không đủ.

Người khác:

- Và suy cho cùng, nếu chỉ có năm cặpthì không nên để cho họ đứng. Năm cặp không là gì cả nếu ta xem xét nghiêm túc. Mời năm cặp thì không ổn. Chỉ đành phải chấp nhận trong tình huống đột xuất.

Một người nào đấy nói cô Gilbert sẽ đến cùng với người anh, và phải được mời. Một người khác tin anh Gilbert hẳn đã khiêu vũ tối hôm trước nếu được mời. Họ quyết định mời thêm anh trai trẻ thứ hai của nhà Cox. Cuối cùng ông Weston đề nghị phải mời một gia đình em họ của ông, thêm một gia đình đã thân quen từ lâu nên không thể phớt lờ. Thế là năm cặp trở thành mười cặp, phải tính toán để thu xếp cho họ ra sao.

Hai gian phòng có hai cánh cửa đối diện nhau. "Có thể nào dùng cả hai phòng, và khiêu vũ qua hành lang?" dường như đấy là kế hoạch hay nhất, nhưng vì không hay lắm nên nhiều người muốn kế hoạch hay hơn. Emma nói như thế là gây lúng túng, chị Weston lấy làm lo âu về bữa ăn nhẹ lúc khuya, còn ông Woodhouse cực lực chống đối vì lý do sức khoẻ. Ông tỏ ra không vui đến nỗi mọi người phải xóa bỏ ý tưởng này.

Ông nói :

- Không được ! như thế là rất khinh suất. Tôi rất lo cho Emma. Emma không được khoẻ. Con nhỏ có thể bị cảm lạnh. Harriet tội nghiệp cũng thế. Tất cả quý vị cũng thế. Chị Weston, chị sẽ kiệt lực, đừng nghe họ nói chuyện hoang đường như thế. Xin đừng nghe họ bàn. Anh trai trẻ ấy - ông hạ giọng - không biết suy xét. Đừng nói cho bố anh ta biết, nhưng anh trai trẻ ấy chả ra gì. Buổi tối nay, anh ta thường mở cánh cửa và cứ khinh suất để cửa mở luôn. Anh ta không nghĩ đến gió lùa. Tôi không có ý chia rẽ giữa chị và anh ta, nhưng thật sự anh trai trẻ ấy chả ra gì.

Chị Weston không vui vì lời luận tội này. Chị biết tầm quan trọng trong lời nói này, và cố tìm mọi cách để xoa dịu. Bây giờ họ bàn nhau sẽ đóng kín tất cả cánh cửa, bỏ ý định sử dụng hành lang, trở lại kế hoạch ban đầu là chỉ có một phòng khiêu vũ. Với thiện ý của Frank Churchill, không gian lúc trước bị cho là vừa đủ cho năm cặp, bây giờ được xem là đủ cho mười cặp.

Anh nói:

- Chúng ta đã quá tuyệt vời. Chúng ta đã tạo không gian cần thiết. Mười cặp có thể đứng thoải mái ở đây được.

Emma vẫn tỏ vẻ ngần ngại:

- Thế là quá đông đúc, khiêu vũ mà thiếu chỗ xoay trở thì còn gì tệ hại hơn?

Anh nghiêm nghị trả lời:

- Rất đúng, thật là tệ.

Nhưng anh vẫn tiếp tục đo kích thước gian phòng, rồi nói:

- Tôi nghĩ vừa đủ cho năm cặp.

Cô nói:

- Không, không, anh nói không hợp lý. Đứng kề với nhau như thế này thật là khó chịu. Khiêu vũ trong một đám đông thì chẳng thích thú gì cả - lại là đám đông trong một phòng nhỏ!

Anh đáp:

- Không thể chối cãi gì được. Tôi hoàn toàn đồng ý với cô. Đám đông trong một phòng nhỏ…Cô Woodhouse có nghệ thuật diễn tả bằng từ ngữ ngắn gọn. Tinh tế, thật tinh tế! tuy nhiên, sau khi ta đã bàn đến đây thì không nên thối lui. Bố tôi sẽ thất vọng, và nhìn chung - tôi không biết ra sao - tôi có ý kiến là mười cặp có thể đứng ở đây rất tốt.

Emma nhận ra rằng bản chất nịnh đầm của anh là do kiềm chế phần nào, và rằng anh thà thôi chống đối còn hơn là mất thú vui được khiêu vũ với cô, thế nên cô chấp nhận ý nguyện của anh mà tha thứ cho những việc còn lại. Nếu cô có ý định kết hôn vbanh, có thể cần ngừng lại mà xem xét và cố thấu hiểu giá trị ý thích của anh và tính khí của anh; nó đối với mọi mục đích trong mối quan hệ giữa hai người, anh tỏ ra khá dễ mến.

Ngày kế, anh trở lại Hartfield với nụ cười dễ mến như thể xác nhận rằng kế hoạch vẫn được xúc tiến. Đúng hơn, anh đến để thông báo một sự cải tiến. Anh nói ngay khi bước vào:

- Cô Woodhouse, tôi mong cô không thối chí vì những gian phòng bé nhỏ ở nhà bố tôi. Tôi mang đến một đề nghị - một ý nghĩ của bố tôi - chỉ cần chờ cô chấp thuận là mang ra thi hành. Tôi xin có vinh dự được mời cô nhảy hai bản đầu trong dạ hội khiêu vũ nhỏ sẽ được tổ chức không phải ở Randalls, mà ở Công xá.

- Công xá!

- Vâng, nếu cô và ông Woodhouse không phản đối - và tôi mong hai vị sẽ không phản đối - bố tôi có vinh hạnh được đón tiếp mọi người ở đó. Ông ấy có thể đảm bảo khung cảnh sẽ thuận lợi hơn, và sự tiếp đón cũng sè long trọng như ở Randalls. Đây là ý tưởng riêng ông ấy. Bà Weston không phản đối, miễn cô hài lòng là đủ.tất cả chúng tôi đều nghĩ thế. À, cô hoàn toàn đúng! Mười cặp nhảy, ở bất cứ phòng nào tại Randalls cũng làm mọi người quá khổ sở! Kinh khiếp! tôi thấy cô lúc nào cũng đúng, nhưng vì muốn được đảm bảo điều kiện gì khác nên chưa chịu nhượng bộ. Đổi địa điểm như thế là tốt chứ? Chỉ cần cô thuận lòng. Cô thuận lòng chứ?

- Tôi nghĩ mọi người sẽ chấp nhận phương án này một khi hai vợ chồng Weston chấp nhận. Tôi thấy ý tưởng rất hay, và riêng tôi, tôi thấy hài lòng. Có vẻ như đây là cách cải tiến duy nhất. Papa có thấy việc cải tiến thế này là xuất sắc không?

Cô phải lặp lại và giải thích thêm thì ông bố mới hiểu rõ và vì kế hoạch này còn mới lạ, họ phải trình bày thêm để ông chấp thuận.

Không, ông nghĩ như thế là không có cải tiến gì cả - một phương án tồi tệ, còn tệ hơn phương án trước. phòng tại Công xã luôn ẩm ướt và có hại cho sức khoẻ, không bao giờ được thông thoáng. Nếu phải khiêu vũ thì nên khiêu vũ tại Randalls. Cả đời ông chưa từng bước vào Công xã. Không được, một phương án tồi tệ. Người ta sẽ bị cảm lạnh.

Frank Churchill nói:

- Thưa bác, cháu thấy một trong những lý do để thay đổi phương án là có rất ít khả năng bị cảm lạnh - còn tốt hơn là ở Randalls! Ông Perry có thể không muốn thay đổi, nhưng những người khác lại không ngại.

Ông Woodhouse nói nhẹ nhàng:

- Anh ạ, anh lầm to nếu cho ông Perry là người như thế. Ông Perry tỏ ra quan ngại sâu sắc khi có người trong chúng ta ngã bệnh. Nhưng tôi không hiểu làm thế nào Công xã lại tốt lành hơn ở nhà của bố anh.

- Thưa bác, vì lý do không gian khoảng khoát hơn. Chúng ta sẽ không cần phải mở cửa sổ - bất kỳ một cái cửa sổ nào cả buổi tối. Chính vì thói quen mở cửa cho gió lạnh lùa vào làm người ta ngã bệnh, như bác đã biết rõ.

- Mở cửa sổ ! nhưng anh Churchill ạ, không ai ở Randalls nghĩ đến việc mở cửa sổ. Không ai khinh suất đến thế! Tôi chưa từng nghe nói đến chuyện này. Khiêu vũ với cửa sổ mở! tôi tin chắc cả bố anh và chị Weston (chính là chị Taylor tội nghiệp) sẽ phải ngã bệnh.

- À đúng! Thưa bác. Nhưng một người trẻ thiếu suy nghĩ đôi lúc bước đến phía sau rèm cửa sổ rồi đẩy cánh cửa lên mà không ai phát hiện. Chính cháu biết có người thường làm thế.

- Thật à? Trời ơi! Trước giờ tôi chưa từng biết . Nhưng tôi sống xa lánh trần thế và thường ngạc nhiên khi nghe nhiều chuyện. Tuy nhiên, chuyện này lại là khác, cần phải suy nghĩ kỹ. Ta không nên hấp tấp. Nếu hai vợ chồng Weston đến đây, chúng ta có thể bàn tính nên phải làm gì.

- Nhưng thưa bác, không may là thời gian có hạn…

Emma cắt ngang:

- Có đủ thời gian để bàn tính mọi việc. Không nên gấp gáp. Papa ạ, nếu có thể tổ chức ở Công xã thì sẽ thuận tiện cho mấy con ngựa vì được ở gần chuồng.

- Như thế là rất tốt, con ạ. Không phải do James than phiền, nhưng đúng là nên giữ sức cho ngựa khi có thể được. Nếu bố biết chắc các gian phòng sẽ được thoáng khí, nhưng liệu có thể tin nơi bà Stokes được không? Bố không biết bà ấy, thậm chí còn chưa gặp.

- Cháu có thể trả lời về việc này, thưa bác, bởi vì bà Weston lo việc này. Bà Weston nhận trách nhiệm lo cho tất cả.

- Đấy, Papa! Bây giờ hẳn papa đã thông suốt rồi. Chính là chị Weston thân yêu của chúng ta, lúc nào cũng chu toàn. Papa còn nhớ lời ông Perry nói mấy năm trước, khi con lên sởi? "nếu chị Taylor chăm sóc cô Emma thì ông không cần phải lo lắng". Đã bao lần con nghe papa khen chị ấy!

- Đúng thế. Ông Perry có nói. Bố không bao giờ quên, Emma bé nhỏ tội nghiệp! con bị bệnh sởi nặng, ý bố nói là đáng lẽ nặng, nếu không nhờ ông Perry quan tâm hết sự. Trong cả một tuần, mỗi ngày ông đến thăm bệnh bốn lần. Ngay từ đầu, ông ấy đã nói bệnh không nặng, khiến cho bố bớt lo, nhưng bệnh sởi là căn bệnh kinh khiếp! Bố mong mỗi khi mấy đứa nhỏ của Isabella tội nghiệp nếu bị bệnh sởi thì mẹ nó nên mời ông Perry đến.

Frank Churchill nói:

- Lúc này bố cháu và bà Weston đã đến Công xã để xem xét khả năng của ngôi nhà. Cháu đến Hartfield vì sốt ruột muốn nghe ý kiến của cô Emma, và mong có thể thuyết phục cô đi đến đấy hầu cho hai người lời khuyên tại chỗ. Hai người sẽ rất vui nếu cô cho phép tôi đưa cô đến đấy. Nếu không có cô thì hai người không thể làm được gì thoả đáng.

Emma rất vui vì lời mời. Hai người trẻ đi ngay đến Công xã trong khi ông bố cô có thời giờ suy nghĩ. Vợ chồng Weston rất vui khi thấy cô và nghe cô tỏ ý chấp thuận. Họ đang bận bịu và vui vẻ theo cách khác nhau, phần cô vợ có vài băn khoăn trong khi ông chồng hoàn toàn thoả nguyện.

Chị Weston nói:

- Emma, giấy dán tường này tệ hơn chị nghĩ. Xem này! nhiều chỗ quá bẩn thỉu,. Còn ván ốp chân tường thì vàng ố.

Ông chồng nói:

- Em yêu, em quá câu nệ đấy. Mấy khuyết điểm này thì có nghĩa lý gì chứ? Em sè không nhìn thấy gì cả dưới ánh đèn nến. Khi tụ họp ở đây thì các ông chẳng thấy gì cả.

Hai người phụ nữ nhìn nhau như có ý nói "Các ông chẳng bao giờ thấy bẩn hay không", còn hai ông có lẽ nghĩ thầm "phụ nữ cứ nghĩ đến chuyện vụn vặt và lo lắng không cần thiết".

Tuy nhiên có một chi tiết mà các ông không thể bỏ qua: phòng ăn bữa khuya. Vào lúc người ta xây phòng khiêu vũ, không hề có việc dùng bữa khuya, vì thế họ chỉ xây thêm một phòng chơi bài nhỏ kế bên. Phải làm gì đây? Phòng chơi bài sẽ vẫn được dùng làm phòng chơi bài, hoặc nếu các ông không thích chơi bài thì liệu nó quá nhỏ cho phòng ăn bữa khuya không? Có một phòng rộng hơn nhưng nằm ở đầu kia của ngôi nhà, và phải đi dọc một hành lang dài mới đến nơi. Thế là có khó khăn. Chị Weston e ngại gió lùa trong hành lang, còn Emma và hai ông không thể chấp nhận việc chen chúc nhau khi dùng bữa khuya.

Chị Weston đề nghị không đãi bữa khuya thông thường mà chỉ dọn bánh mì kẹp thịt cùng vài món khác trong một phòng nhỏ, nhưng bị phản đối vì cho là ý tưởng bôi bác. Một đêm khiêu vũ mà không ngồi xuống để dùng bữa bị xem là sự lừa lọc đối với quyền của đàn ông và phụ nữ, và chị Weston không được nhắc đến việc này nữa.

Rồi chị Weston xét qua hướng khác, nhìn vào gian phòng và nhận xét:

- Tôi nghĩ ở đây không hẹp lắm. Sẽ không có quá nhiều khách.

Cùng lúc ông Weston bước những bước dài dọc hành lang rồi lớn tiếng nói:

- Các bạn nói nhiều đến chiều dài nhưng chẳng là gì cả và không hề có gió lùa từ cầu thang.

Chị Weston nói:

- Tôi ước gì được biết khách mời của ta thích sắp xếp ra sao. Cần phải làm theo ý họ thích, giả như ta biết được họ thích gì.

Frank thốt lên:

- Vâng, đúng, đúng lắm. Bà muốn nghe ý kiến của những người láng giềng. Tôi không thấy làm lạ. Giá mà ta có thể dọ hỏi vài người chủ chốt - ví dụ như nhà Cole. Họ không ở quá xa. Tôi có thể đến hỏi được không ? Hoặc là chị Bates? Chị ấy còn ở gần hơn. Và tôi nghĩ chị Bates hiểu được những người khác muốn gì. Tôi nghĩ bà muốn có thêm người cho ý kiến. Tôi nên đi mời chị Bates tham gia với chúng ta nhé?

Chị Weston nói có vẻ khá miễn cưỡng:

- Vâng, xin anh vui lòng nếu anh thấy chị ấy giúp ích được.

Emma nói:

- Chị Bates sẽ không thể cho ý kiến gì được cả. Chị ấy chỉ toàn cảm thấy thích thú và cảm kích, nhưng sẽ không nói gì hết. Thậm chí chị ấy còn không nghe câu hỏi của anh. Tôi thấy không ích gì mà hỏi ý kiến chị Bates.

- Nhưng chị ấy thật là vui, cực kỳ vui vẻ! tôi rất mê nghe chị Bates nói chuyện. Và tôi không cần phải dẫn theo cả gia đình, cô biết mà.

Đến đây, ông Weston tham gia cuộc tranh luận, và khi nghe qua đề xuất, ông tỏ ý ủng hộ:

- Được, làm đi Frank. Đi mời chị Bates, ta nên nhất trí. Tôi tin chị ấy sẽ thích phương án của ta, và tôi không thấy ai giúp gỡ rối hay hơn. Hãy đi mời chị Bates. Chúng ta đang trở nên tử tế hơn một chút. Người phụ nữ ấy là tấm gương về việc làm thế nào sống cho hạnh phúc. Nhưng nên đi mời cả hai.

- Nhưng thưa ông, liệu bà cụ…

- Bà cụ! không phải, cô gái trẻ kia, Frank, bố nghĩ con là thứ ngu xuẩn nếu mời dì mà không mời cháu gái.

- Ôi chao! Con xin lỗi. Con không nghĩ ra ngay. Nếu bố muốn, con sẽ cố mời cả hai.

Rồi anh chạy đi.

Trước khi anh trở về, đưa đến người dì thấp bé, ngăn nắp, đi nhanh nhẹn và cô cháu gái thanh nhã, thì chị Weston - vốn là người phụ nữ nhu mì và người vợ hiền - đã xem xét từ hành lang và thấy không đến nỗi tệ như chị nghĩ ban đầu, thế nên quyết định không còn khó khăn nữa. Mọi việc khác đều êm thấm. Mọi việc khác như cách xếp đặt bàn ghế, ánh sáng và âm thanh, trà và bữa ăn nhẹ, cùng những việc lặt vặt đều được giao cho chị Weston và bà Fockes. Những người được mời chắc chắn sẽ đến dự. Frank đã biên thư cho Enscombe xin về muộn vài ngày, vì anh nghĩ sẽ không bị từ chối. Và họ sẽ có một dạ vũ rất thích thú.

Vui nhất là khi chị Bates đến, chị tỏ ý đồng tình. Với tư cách là cố vấn thì chị không được đánh gia cao, nhưng với tư cách cổ động viên (một cương vị an toàn hơn), thì chị được hoan nghênh thật sự. Thái độ đồng thuận của chị vừa bao quát vừa nhỏ nhặt, nồng nhiệt và không dứt, khiến cho mọi người vui. Họ đi tới đi lui từ phòng này đến phòng kia, người ra đề xuất, người đáp ứng, tất cả đều hứng chí. Họ chỉ chia tay nhau ra về sau khi người hùng được Emma hứa sẽ dành độc quyền khiêu vũ với hai bản đầu tiên.

Ông Weston nghe lỏm được và thầm thì với cô vợ:

- Em yêu ạ, nó đã tỏ tình cảm với cô ấy rồi. Đúng thế. Anh biết nó sẽ làm thế.
 
Chương 12

Đến bây giờ, khi sắp bị mất mát, Emma mới nhận ra hạnh phúc của cô tuỳ thuộc trước nhất nơi anh Knightley, trước nhất nơi mối quan tâm và tình thương mến. Cô đã tự mãn mà không nghĩ ra điều này, và chỉ khi sợ bị mất mát cô mới thấy điều này là quan trọng đến thế nào. Từ lâu, rất lâu, cô thấy mình là người đứng hàng thứ nhất, vì anh không có mối quan hệ với người con gái nào khác mà chỉ có Isabella và cô, và cô biết anh đã thương mến và kính trọng Isabella như thế nào. Chính cô là người đứng hàng thứ nhất đối với anh trong nhiều năm qua. Cô đã tỏ ra không xứng đáng với vị thế ấy. Cô quá thờ ơ hoặc ngang bướng, xem thường lời khuyên bảo của anh, thậm chí còn cố tình chống đối anh, vô cảm với phẩm giá của anh, tranh cãi với anh chỉ vì anh không chấp nậhn khi cô đánh giá một cách lầm lạc và xấc láo về chính bản thân cô. Tuy nhiên, qua mối liên hệ gia đình và đầu óc ưu việt anh vẫn thương yêu cô, nhìn cô lớn lên với nhiệt tâm muốn giúp cô cải thiện bản thân, thiết tha muốn thấy cô làm đúng, mà không có ai chia sẻ với anh. Dù cho mọi lỗi lầm của cô, cô tự biết anh xem mình là người thân thương, liệu cô có nên nói là thân thương nhất? Tuy nhiên, khi có những biểu hiện cho niềm hy vọng tiếp theo sau, thì cô lại không nắm bắt.

Harriet Smith có thể nghĩ mình vẫn xứng đáng chiếm được tình yêu lạ lùng, độc tôn và nồng nàn từ anh Knightley. Emma thì không thể nghĩ như vậy. Cô không thể tự mãn mà cho là anh yêu cô một cách mù quáng. Gần đây, cô thấy anh tỏ ra công tâm như thế nào. Anh bị sốc như thế nào vì hành vi của cô đối với chị Bates! Anh nói thẳng thừng ra sao, mạnh mẽ ra sao về việc này! không quá mạnh mẽ để gây xúc phạm, nhưng đủ mạnh để thể hiện lòng chính trực và thiện ý. Cô đã không có hy vọng, không có gì xứng đáng để mà hy vọng, rằng anh yêu cô. Nhưng bây giờ, có hy vọng (khi ít, khi nhiều) là Harriet có thể tự lừa dối khi lượng định quá nhiều tình yêu của anh dành cho cô bé.

Vì anh mà cô mong mỏi - không mong gì cho mình, chỉ mong anh sống độc thân suốt đời. Mong chi anh vẫn là anh Knightley đối với cô và bố cô, vẫn là anh Knightley cho tất cả thế gian. Mong cho Donwell và Hartfield không bị mất mối quan hệ bằng hữu quý giá và tin cậy lẫn nhau, rồi tâm hồn cô sẽ được an bình. Cô không mong hôn nhân, vì như thế không phù hợp với tình thương của cô đối với ông bố. Không gì có thể tách rời cô khỏi ông bố. Cô sẽ không kết hôn cho dù được anh Knightley ngỏ lời.

Do ý muốn mãnh liệt của cô mà Harriet có thể bị thất vọng. Emma hy vọng khi gặp lại cô bé, ít nhất cô có thể lượng định xem ý muốn của mình có cơ may gì không. Từ lúc này, cô sẽ quan sát họ một cách sít sao. Dù trước giờ cô vẫn hiểu lầm người mà mình quan sát, cô không biết liệu phải thú nhận rằng mình đã mù qúang đến thế nào. Anh ấy sẽ trở về bất kỳ ngày nào. Rồi cô sẽ quan sát anh - một việc kinh khiếp khi những ý nghĩ của cô chỉ dồn về một hướng. Trong lúc ấy, cô sẽ không gặp Harriet. Sẽ chẳng có ích gì cho hai người khi nói thêm về vụ việc. Cô quyết chí không để mình bị thuyết phục trong khi còn có nghi vấn, nhưng cô vẫn không có khả năng chống lại sự tự tin của Harriet. Có nói thêm chỉ gây bứt rứt.

Vì thế với ngôn từ dịu dàng nhưng cả quyết, Emma biên thư báo cho Harriet biết trong thời gian này cô bé không thể đến Hartfield, nên tránh bàn luận thêm về chủ đề ấy, và mong rằng nếu trong vòng vài ngày tới hai người gặp nhau với sự hiện diện của người khác - cô không muốn hai người gặp nhau riêng rẽ - thì phải làm ra vẻ như họ đã quên những gì trao đổi với nhau ngày nọ. Harriet chấp thuận.

Khi việc này vừa được thu xếp xong, một người khác giúp tâm tư Emma thoát ra khỏi những ý nghĩ đã vương vấn khi cô đi ngủ hoặc thức trong hai mươi bốn giờ qua. Chị Weston đến thăm con dâu hụt của chị để kể mọi chi tiết của một cuộc trao đổi.

Ông Weston đã đi cùng chị đến nhà bà Bates, rồi chị thuyết phục Fairfax cùng đi với mình ra hít thở không khí ngoài trời. Chị Weston trở về tường thuật vụ việc một cách hài lòng, nói năng trong thời gian dài hơn mười lăm phút chị ngồi trong nhà bà Bates.

Emma cảm thấy hiếu kỳ một chút, và cố tiếp thu thông tin trong khi chị bạn tường thuật. Chị Weston đã bị kích động tinh thần nên lúc đầu không muốn đi thăm mà chỉ muốn biên thư cho cô Faifax rồi sẽ đi thăm ít lâu sau. Chị nghĩ nếu đi thăm thì tin tức cuộc hôn ước sẽ bị lộ, ngược lại với ý muốn của ông Churchill. Nhưng ông Weston thì nghĩ khác , ông vô cùng nôn nóng muốn cho thấy mình chấp nhận cô Fairfax cùng gia đình cô và không nghĩ ai sẽ biết tin, và nếu có biết thì chẳng hề hấn gì, vì ông nhận xét "những chuyện như thế luôn được lan truyền".

Emma mỉm cười, cho là ông Weston có lýdo chính đáng để nói thế.

Tóm lại, hai vợ chồng đã cùng đi, và nhận ra cô gái đang vô cùng u buồn và bối rối . Cô hầu như không thể thốt nên lời, tất cả dáng vẻ và động thái đều cho thấy cô đang đau khổ từ ý thức về việc mình đã làm. Tuy nhiên, vẻ mãn nguyện trầm lặng, chân thành của bà cụ cùng với nỗi sướng thoả rộn ràng của con gái bà - quá vui nên không thể nói nhiều như lệ thường - tạo nên một khung cảnh phấn khởi nhưng trìu mến. Cả hai mẹ con đều tỏ ra đáng kính trong niềm hạnh phúc của họ, không vụ lợi trong mọi cảm nghĩ, quan tâm hết mực đến Jane, hết mực đến mọi người nhưng không quan tâm đến bản thân mình, đến nỗi ai cũng có cảm nghĩ nhân hậu về họ.

Thấy cô Faifax đau yếu, chị Weston khuyên cô nên đi ra ngoài hít thở khí trời. Lúc đầu cô từ chối, nhưng khi được nài ép thêm, cô nghe theo. Khi hai người đi bên nhau, bằng sự khích lệ nhẹ nhàng, cô Fairfax bớt bối rối , trò chuyện thân tình hơn về chuyện quan trọng kia. Cô tỏ lời xin lỗi vì sự im lặng có vẻ như vô tâm lúc đầu, nói mình luôn lấy làm biết ơn đối với vợ chồng Weston. Hai người trao đổi với nhau nhiều về cuộc sống hiện tại và về tình hình tương lai trong cuộc đính ước. Chị Weston tin rằng cuộc trao đổi này giúp cho Jane được nhẹ nhõm rất nhiều, tỏ ra cởi mở về mọi việc đã chất chứa bấy lâu trong tâm tư. Chị rất hài lòng với tất cả những gì Jane thổ lộ.

Chị Weston kể tiếp:

- Cô ấy sôi nổi kể về nỗi khổ tâm đã trải qua trong nhiều tháng giấu giếm việc đính ước. Cô nói "Từ khi đính ước, em không dám nói là đã có khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng có thể nói rằng , không hề trải qua một giờ yên tĩnh nào". Emma ạ, cô ấy nói mà đôi môi run run khiến cho chị cảm động tận đáy lòng.

Emma nói:

- Cô gái tội nghiệp! thế thì cô ấy cho là mình sai vì đã giấu giếm vụ hôn ước, phải không?

- Sai! Chị nghĩ cô ấy tự trách mình nhiều hơn là người khác trách cứ cô ấy. Cô ấy nói "Hậu quả là em luôn cảm thấy dằn vặt, mà đúng là phải thế. Nhưng sau tất cả sự trừng phạt mà việc làm sai trái mang lại, đấy vẫn còn là sai trái. Đau khổ không giúp chuộc lại lỗi lầm. Em vẫn cho là mình đángtrách. Em đã hành động nguợc lại ý thức về điều phải. Lương tâm em nói diễn biến may mắn và lòng tử tế mà em đang nhận được không phải là điều đương nhiên." Cô ấy còn thêm "Xin bà đừng nghĩ rằng em được giáo dục kém cỏi. Xin đừng nhận xét xấu về phép tắc hoặc sự giáo dục của những người đã nuôi nấng em. Lỗi lầm là hoàn toàn do em gây ra. Xin bà hãy tin rằng dù có nói bao nhiêu lời biện hộ, em vẫn e ngại khi thông báo cho Đại tá Campbell về tin này".

Emma lại nói:

- Cô gái tội nghiệp! thế thì em nghĩ cô ấy rất yêu Frank. Chỉ là do tình yêu mà cô ấy bị dẫn dắt đến chỗ đính ước. Tình yêu hẳn đã làm lu mờ phán xét của cô .

- Vâng, chị tin cô ấy yêu thương sâu đậm.

Emma thở dài:

- Em e rằng mình đã thường làm cho cô ấy không được vui.

- Em yêu quý, về phần em chỉ là do vô tình thôi. Nhưng có lẽ cô ấy phần nào nghĩ thế, khi nói bóng gió đến những chuyện hiểu lầm mà Frank đã ám chỉ lúc trước . Cô ấy nói hậu quả tất nhiên của hành động đó là tự cảm thấy mình không đúng lý. Ý thức của việc làm sai trái đã khiến cho cô ấy cứ khắc khoải, đến mức Frank không thể chịu nổi. Cô ấy nói "Em đã không xét đến tâm tính và tinh thần của anh ấy - tinh thần sảng khoái, vui vẻ, thích vui đùa - luôn khiến cho em lấy làm mê mẩn như những ngày đầu". Rồi cô ấy nói đến em và về lòng tử tế của em đã thể hiện trong khi cô đau yếu, và nhờ chị chuyển lời cám ơn em khi có dịp, nói là cô ấy không thể nào cảm ơn em cho đủ đối với những lời chúc và những việc em giúp đỡ. Cô ấy biết rõ rằng em chưa bao giờ được ghi ơn một cách đúng mức.

Emma nói một cách nghiêm trang:

- Cô ấy đáng được hưởng hạnh phúc cho dù có một ít khuyết điểm trong ý thức của mình. Nếu em không biết bây giờ cô ấy được hạnh phúc thì em không thể nhận lời cảm ơn, bởi vì, chị Weston ạ, giá như kể ra được những chuyện xấu và tốt em đã làm cho cô Fairfax!

Rồi Emma trấn tĩnh lại, vui vẻ nói:

- Nhưng ta nên quên mọi ch.uyện ấy đi. Chị đã tốt bụng mà kể cho em nghe những điều thú vị ấy, cho thấy cô ấy là người rất tốt, em tin thế. Em mong cô ấy được hạnh phúc nhiều. Điều hợp lý là anh ấy có điều kiện vật chất, còn cô ấy có mọi phẩm giá.

Lời kết luận khiến cho chị Weston không thể giữ im lặng. Chị nghĩ tốt về Frank theo mọi khía cạnh, và, hơn thế nữa, chị rất thương mến anh. Vì thế, chị sôi nổi biện luận cho anh. Chị bàn nhiều về những nguyên nhân và cũng nói nhiều về tình thương mến của mình. Chị mê mải thuyết phục Emma rồi lan man đến Brunswick Square hoặc Donwell, đến nỗi Emma không thể lắng tai theo dõi. Khi chị Weston kết thúc bằng câu "Chúng ta chưa nói đến bức thư mà vợ chồng chị đang sốt ruột trông đợi, nhưng chị nghĩ sẽ chóng nhận được", chị phải ngưng lại chờ Emma trả lời, nhưng Emma chỉ trả lời vẩn vơ trước khi nhớ ra đấy là bức thư nào.

Khi giã từ, chị Weston hỏi:

- Emma của chị, em vẫn khoẻ chứ?

- À , hoàn toàn khOẺ, em lúc nào cũng khoẻ, chị biết mà, chị nhớ kể cho em nghe về bức thư càng sớm càng tốt .

Câu chuyện của chị Weston làm cho Emma quý trọng và thông cảm cô Fairfax thêm, và nghĩ mình trước đây đã thiếu công tâm. Emma lấy làm tiếc đã không tìm cách thân quen với Jane hơn, và xấu hổ vì đã có đôi lần đố kỵ với Jane. Nếu cô nghe theo những lời khuyên của anh Knightley là nên quan tâm đến cô Fairfax, nếu cô chọn Jane thay vì Harriet Smith làm người bâu bạn thì hẳn bây giờ cô đã không phải chịu đau xót. Một người có những yếu tố tốt về dòng dõi, năng khiếu và nền giáo dục, còn người kia có gì? Ngay cả nếu cô và Jane không bao giờ là bạn thân thiết với nhau, nếu cô không bao giờ được biết về chuyện quan trọng được giữ kín ấy, nhưng nếu hiểu rõ Jane thì cô hẳn đã không có những mối nghi ngờ đáng ghét về tình yêu bất chính với anh Dixon. Không những đã tạo dựng và vương vấn một cách điên rồ, cô còn phát tán ý tưởng ấy khiến cho Jane phải đau khổ do tính nhạy cảm, chỉ vì Frank Churchill nhẹ dạ hoặc khinh suất. Trong số những người gây đau khổ cho Jane, Emma e rằng mình là người tệ hại nhất. Cô hẳn đã trở thành một kẻ thù truyền kiếp. Mỗi khi ba người đi chung với nhau, cô cứ làm xáo trộn sự an bình của Jane Fairfax, và có lẽ ở Box Hill, cô đã khiến cho Jane Fairfax đau khổ đến mức không thể chịu đựng được nữa .

Buổi tối ở Hartfield kéo dài trong u uẩn. Thời tiết còn làm cho bầu không khí nặng nề hơn. Một cơn mưa giông có thể bắt đầu, nhìn ra quang cảnh tháng bảy chỉ có cây cối đang bị vùi dập trong trận gió.

Thời tiết ảnh hưởng đến ông Woodhouse, và ông chỉ được thoải mái phần nào nhờ sự chăm sóc tận tâm của cô con gái, với nỗ lực mà trước đây cô chưa từng phải khó nhọc đến thế. Cô hồi tưởng buổi tối đầu tiên chỉ có hai bố con ngồi đối diện, sau hôn lễ của chị West6on, rồi lúc ấy anh Knightley đi đến, giúp xoá tan u buồn. Hỡi ôi! Bây giờ có lẽ Hartfield không còn đủ sức hấp dẫn những chuyến thăm viếng như thế nữa. Ban đầu, cô đã sai lầm khi nghĩ đến một mùa đông cô quạnh, nhưng rốt cuộc không có người nào xa lánh gia đình cô, không có niềm vui nào bị mất. Nhưng cô e bây giờ đã có dấu hiệu báo trước đúng sự thật. Viễn cảnh phơi bày trước mắt cô là mối đe doạ hẳn hoi mà cô không thể bỏ qua - viễn cảnh hoàn toàn đen tối. Nó có thể xảy ra trong số bằng hữu của cô , Hartfield có thể bị bỏ phế.

Đứa trẻ sinh ra ở Randalls sẽ chiếm hết tình thương của họ và không còn gì cho cô, cả tâm tư và thời gian của chị Weston sẽ bận bịu cho đứa trẻ ấy. Gia đình cô sẽ mất chị, và có lẽ mất cả chồng chị nữa. Frank Churchill sẽ không quay lại với gia đình cô nữa, còn cô Fairfax sẽ không thuộc về Highbury nữa. Họ sẽ cưới nhau rồi ổn định cuộc sống ở Enscombe hoặc gần Enscombe. Những gì tốt đẹp sẽ ra đi, và nếu trong số mất mát có thêm sự mất mát Donwell thì còn lại gì? Anh Knightley sẽ không còn đi đến đây tìm sự thoải mái vào buổi tối! không còn muốn đi bộ vào bất cứ giờ giấc nào như thể sẵn sang hoán đổi nhà anh cho nhà gia đình cô! Làm thế nào chịu đựng được ? Nếu vì Harriet mà gia đình cô mất anh, nếu anh chọn Harriet làm người thân thiết nhất, người bạn, người vợ , thì tất cả chỉ do cô gây nên.

Khi đã đến nông nỗi này, cô nhất quyết sẽ nâng cao hạnh kiểm cô mình, với hy vọng là cho dù mỗi mùa đông sắp tới đều kém vui hơn lúc trước, cô sẽ trở nên đúng lý hơn, biết về mình rõ hơn, và giúp cho cô bớt tiếc nuối khi mỗi mùa đông đi qua.
 
Chương 13

Thời tiết tiếp tục xấu suốt buổi sáng hôm sau. Cùng nỗi cô đơn, cùng nỗi u uẩn dường như ngự trị Hartfield. Nhưng đến buổi xế trưa, trời trong sáng, mây mù tan đi, mặt trời xuất hiện, mùa hè đã trở lại. Với thời tiết này, tinh thần Emma trở nên phấn khởi hơn, và cô muốn đi ra ngoài càng sớm càng tốt. Chưa bao giờ cô nhận thấy mọi vật - quang cảnh, mùi hương cùng thiên nhiên tĩnh lặng, ấm áp và sáng sủa sau cơn giông - hấp dẫn đến thế. Cô yêu thích sự yên bình do thiên nhiên mang lại, và ít lâu sau bữa ăn, khi ông Perry đến chơi với cha cô trong một tiếng đồng hồ, cô vội vã bước ra ngoài khu vườn. Nơi đây, với tinh thần phấn chấn và tư tưởng được nhẹ nhõm, cô đi quanh quẩn ít vòng, rồi nhìn thấy anh Knightley đi qua cánh cổng khu vườn, tiến về phía cô.

Đấy là cử chỉ thân tình đầu tiên của anh sau khi trở về từ London. Cô đã nghĩ đến anh, cách xa gần một trăm cây số. Lúc này, cô chỉ kịp có thời giờ để ổn định tư tưởng. Cô phải tỏ ra bình thản. Trong vòng nửa phút, hai người đứng bên nhau. Các câu chào hỏi đều nhỏ nhẹ và ngượng nghịu. Cô hỏi thăm về những người quen biết của hai người, họ đều mạnh khoẻ. Anh từ giã họ khi nào? Chỉ mới sáng nay. Hẳn anh đã đi trong cơn mưa. Vâng. Cô thấy anh muốn cùng đi dạo với cô . Cô nghĩ "Anh đã nhìn vào phòng ăn và thấy không ai cần đến anh nên mới đi ra ngoài". Cô nghĩ thái độ anh và ngôn từ anh không được vui. Cô đoán lý do là vì anh đã trình bày những dự định với người em và không được đáp ứng thoả đáng.

Họ đi bên nhau. Anh giữ im lặng. Cô nghĩ anh đang nhìn cô, cố quan sát cả gương mặt cô mà cô không cho anh nhìn rõ. Cô cảm thấy khổ sở thêm vì ý nghĩ này. Có lẽ anh muốn nói với cô về tình yêu của anh dành cho Harriet, có lẽ anh muốn tìm dấu hiệu khích lệ để bắt đầu. Cô không có lòng dạ nào mà mào đầu câu chuyện như thế. Anh phải tự nói ra. Tuy thế, cô không thể chịu đựng nổi bầu không khí im lặng. Đối với anh, như thế là không bình thường chút nào.

Cô suy nghĩ rồi quyết định , và cố nở nụ cười, cô bắt đầu:

- Bây giờ anh về đây, hẳn anh đã nghe một tin khiến cho anh ngạc nhiên.

Anh nhìn cô rồi nhỏ nhẹ:

- Thế à? Tin gì thế?

- À, tin tốt lành nhất thế gian - một hôn lễ.

Sau khi chờ một chút để biết chắc cô không nói gì thêm, anh đáp:

- Nếu em có ý nói về cô Fairfax và Frank Churchill thì anh đã nghe rồi.

Má ửng hồng vì nghĩ anh hẳn đã ghé thăm nhà bà Goddard trên đường đến đây, cô thốt lên:

- Làm thế nào anh nghe được ?

- Sáng nay ông Weston có nói ngắn gọn về những gì đã xảy ra.

Emma cảm thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh nói thêm:

- Có lẽ anh không lấy làm ngạc nhiên như người khác, vì anh đã đoán ra từ trước. Em vẫn chưa quên có lần anh cảnh báo với em. Ước gì em chú ý lắng nghe, nhưng - giọng cô trùng xuống kèm tiếng thở dài - hình như em đã mù quáng.

Trong một khoảnh khắc, cả hai đều không nói gì. Rồi cô thấy cánh tay mình được kéo về phía anh, được ép lên lồng ngực anh, và nghe anh nói với giọng truyền cảm, nhẹ nhàng :

- Thời gian, Emma thân yêu, thời gian sẽ làm lành vết thương . ý thức ưu tú của em…mối quan tâm đối với bố em…anh biết em sẽ không cho phép mình…

Cánh tay của cô được ép chặt thêm. Anh tiếp với giọng ngập ngừng và khẽ khàng:

- Cảm nghĩ về tình thân hữu nồng ấm…Nỗi phẫn nộ… Tên vô lại đáng phỉ nhổ!

Rồi với giọng vững chắc hơn, anh kết luận:

- Chẳng bao lâu anh ấy sẽ đi. Chẳng bao lâu họ sẽ ổn định ở Yorkshire. Anh lấy làm tiếc cho cô ấy. Cô xứng đáng có số phận tốt đẹp hơn.

Emma hiểu anh. Ngay khi vừa dịnh thần sau phút phấn khích vì lòng quan tâm của anh, cô đáp:

- Anh rất tử tế, nhưng anh đã nhầm, và em phải nói cho anh rõ. Em không cần đến lòng cảm thương như thế. Em đã mù quáng về những gì đang xảy ra, rồi em hành xử theo cách thức khiến cho em phải xấu hổ mãi. Em đã ngốc nghếcfh mà nói và làm những việc vốn dựa trên những ức đoán khó ưa, nhưng em không có lý do nào khác để lấy làm tiếc mình không được biết bí mật ấy sớm hơn.

Anh nhìn cô sôi nổi thốt lên:

- Emma! Có thật thế không ? - nhưng anh trấn tĩnh lại - không, không, anh hiểu em…hãy thứ lỗi cho anh…anh vui vì thấy em nói ra nhiều. Anh ấy không đáng cho em tiếc. Anh mong chẳng bao lâu em sẽ thấy rõ điều này. May là tình cảm của em đã không vương vấn xa hơn! Anh phải nhìn nhận là, từ cử chỉ của em, anh không bao giờ biết được chính xác em nghĩ gì. Anh chỉ nhận ra là em mến thích - lòng mến thích mà anh ấy không bao giờ xứng đáng. Anh ta thể hiện nỗi ô nhục dưới danh nghĩa của đàn ông. Và liệu anh ta có được tưởng thưởng với cô gái hiền hậu ấy không? Jane, Jane, cô ấy rồi sẽ khổ.

Emma cố tỏ ra vui vẻ, nhưng thật sự hoang mang:

- Anh Knightley, em đang lâm vào tình thế vô cùng kỳ lạ. Em không thể để cho anh nhầm lẫn mãi. Có lẽ vì thái độ của em tạo ra cảm nghĩ ấy, em có nhiều lý do để lấy làm xấu hổ mà xác nhận rằng em chưa bao giờ có lòng mến thích người mà chúng ta đang nói đến, tuy nhiên phụ nữ đang yêu vẫn có thể chối bỏ. Nhưng em không bao giờ làm thế.

Anh im lặng lắng nghe. Cô muốn anh nói gì đấy , nhưng anh vẫn im lặng. Cô đoán mình phải giải thích thêm trước khi được anh dung thứ, nhưng cô khó mà hạ mình xuống thấp thêm dưới mắt anh. Tuy nhiên, cô nói tiếp :

- Em không có gì bào chữa cho hạnh kiểm của mình . Em bị cuốn hút vì những cử chỉ săn đón của anh ấy ,và lại tỏvẻ hài lòng. Có thể đây là một câu chuyện xưa cũ - một trường hợp thông thường - hàng trăm cô gái khác trước em có lẽ là thế, nhưng đấy không phải là lý do để bào chữa. Nhiều tình huống tạo ra sự thu hút. Anh ấy là con trai của ông Weston, lúc nào em cũng thấy anh ấy dễ mến, và tóm lại - cô thở dài - để em kể ra những nguyên nhân cuối cùng hội tụ ở đây, tính phù phiếm của em được thổi phồng và em chấp nhận cử chỉ săn đón của anh ấy. Tuy nhiên sau đấy - thật ra là một thời gian sau - em không nhận ra ý nghĩa gì trong những việc này. Em cứ ngỡ đấy là một thói quen, một trò chơi khăm, mà không có gì nghiêm túc về phần em. Anh ấy tạo ảnh hưởng đến em, nhưng em không sao cả. Em chưa bao giờ yêu anh ấy. Và bây giờ em có thể hiểu ra hành vi của anh ấy. Anh ấy không bao giờ mong em yêu anh ấy. Đó chỉ là tấm bình phong để che giấu tình yêu thực sự với một người khác. Anh ấy có chủ đích tung hỏa mù làm cho mọi người mù quáng về anh ấy, và không ai dễ bị ảnh hưởng vì mù quáng bằng em. Nhưng thật sự em không mù quáng, đấy là vận may cho em, ý em nói là em không bị anh ấy làm hại.

Đến đây cô mong được nghe câu trả lời - chỉ vài tiếng thôi - nói rằng hạnh kiểm của cô ít nhât không phải là khó hiểu. Nhưng anh vẫn im lặng, và theo như cô có thể nhận thấy, anh đang chìm vào suy tư.

Cuối cùng với giọng như thường ngày, anh nói:

- Anh chưa bao giờ nghĩ tốt về Frank Churchill. Tuy nhiên, anh có thể thấy rằng mình đã đánh giá thấp anh ấy. Mối quan hệ giữa anh và anh ấy chỉ là hời hợt. Thậm chí nếu anh đã không đánh giá thấp, anh ấy vẫn có thể là người tốt. Với một phụ nữ như thế, anh ấy có cơ may.anh không có động lực gì mà mong điều xấu xa cho anh ấy. Ngược lại, vì Jane mà anh chúc anh ấy được mọi điều tốt lành, do lẽ hạnh phúc của cô ấy sẽ tuỳ thuộc vào tính tình và lối cư xử tốt của anh ấy.

Emma nói:

- Em tin chắc họ sẽ hạnh phúc bên nhau. Em tin họ thật sự yêu nhau.

Anh Knightley trả lời:

- Anh ấy là người đàn ông may mắn nhất. Tuổi còn trẻ như thế - mới hai mươi ba - vào giai đoạn mà nếu đàn ông chọn vợ, họ thường chọn lầm lạc. Ở tuổi hai mươi ba mà được một cô vợ đáng quý như thế!

- Anh nói như thể anh ghen tị với anh ấy.

- Đúng là anh ghen tị, Emma ạ. Theo một khía cạnh, anh ấy là mục tiêu cho anh ghen tị.

Emma không thể nói gì hơn. Hai người dường như gần đi đến việc đề cập đến Harriet. Emma có ngay ý nghĩ là tránh nói về việc này nếu được. Cô định nói về việc khác hẳn, bọn trẻ ở Brunswick Square, nhưng anh Knightley nói trước khiến cô ngạc nhiên:

- Em không muốn hỏi anh khía cạnh mà anh ghen tị là gì. Anh thấy em nhất quyết không tỏ ra tò mò. Em thì khôn ngoan, nhưng anh không thể khôn ngoan được. Emma này, anh phải nói cho em điều mà em không hỏi, dù cho anh mong ta đừng nói đến.

Cô sốt sắng đáp:

- Thế thì, đừng nói, đừng nói gì cả. Anh cứ thong thả, ngẫm nghĩ, đừng bận tâm.

- Cảm ơn em.

Anh trùng giọng xuống vì xấu hổ, và không nói lời gì thêm.

Emma không nỡ nhin thấy anh đau khổ. Anh đang muốn tâm sự với cô - có lẽ để hỏi ý kiến cô - dù có ra sao, cô nên lắng nghe. Cô có thể giúp anh thêm quyết đoán hoặc chấp nhận sự kiện, để anh không còn phải lưỡng lự vốn không hay cho đầu óc của anh như thế.

Họ đã đi gần đến nhà.

Anh hỏi:

- Anh nghĩ em muốn vào nhà, phải không?

Vì giọng nói u buồn của anh, Emma đáp khá cả quyết:

- Không, em muốn đi thêm một vòng. Ông Perry vẫn chưa ra về.

Rồi sau khi đi vài bước, cô thêm:

- Anh Knightley ạ, em đã bất lịch sự ngắt lời anh, và em e đã làm anh buồn. Nhưng nếu anh muốn nói một cách cởi mở như là một người bạn hoặc hỏi ý kiến em về bất cứ việc gì mà anh dự định làm, thì với tư cách một người bạn, xin anh cứ tự nhiên. Em sẽ lắng nghe bất kỳ chuyện gì. Em sẽ nói cho anh biết đích xác em nghĩ gì.

Anh Knightley lặp lại:

- Như là một người bạn! Emma ạ, cái mà anh sợ là một câu nói - Không, anh không có ước muốn nào - Nếu ở lại thì được… tại sao anh phải ngại? Anh đã cởi mở nhiều nên không còn gì giấu giếm nữa. Emma ạ, anh chấp nhận lời mời của em. Dù lời mời này khá lạ lùng, anh chấp nhận, trên cương vị là một người bạn của em. Thế thì, hãy cho anh biết, anh có cơ may nào được thoả nguyện không?

Anh dừng lại với vẻ bồn chồn trong câu hỏi, và ánh mắt anh làm cô xúc động mạnh. Anh nói:

- Emma thân yêu, vì em luôn là thân yêu nhất đối với anh, dù cho thời khắc chuyện trò này có kết thúc như thế nào, Emma yêu quý nhất của anh, hãy cho anh biết ngay. Cứ thẳng thắn từ chối nếu đấy là lời em muốn nói.

Cô không thể thốt ra lời nào.

Anh thốt lên với vẻ sinh động:

- Em im lặng bằng, hoàn toàn im lặng! anh không muốn nói thêm nữa.

Emma cảm thấy hầu như chìm ngập trong nỗi xúc động. Nỗi e sợ bị đánh thức từ giấc mơ hạnh phúc nhất có lẽ là cảm giác nổi bật nhất.

Với giọng chân thành, có chủ định và hiền hoà cộng thêm ý muốn thuyết phục, anh tiếp:

- Emma, anh không thể ăn nói trôi chảy. Giá như anh yêu em ít hơn, anh có thể nói nhiều hơn. Nhưng em đã hiểu con người anh. Em luôn nghe anh nói điều chân thật. Anh đã trách móc em, đã chỉ bảo em, và em đã chịu đựng trong khi không một thiếu nữ nào trong cả nước Anh chịu đựng được. Emma yêu mến, hãy chịu đựng những gì mà anh nói cho em nghe bây giờ, như em vẫn chịu đựng xưa nay. Có lẽ cách thức này không đáng cho em phải chịu đựng nhiều. Có trời làm chứng, anh là một người biết yêu nhưng yêu hờ hững. Nhưng em hiểu con người anh. Vâng đúng thế, em hiểu tâm tư anh, và sẽ đền đáp nếu có thể được. Vào lúc này, anh chỉ muốn nghe, một lần muốn nghe em nói.

Trong khi anh nói, tâm tư Emma vô cùng bấn loạn. Với những ý nghĩ tuyệt vời lướt nhanh qua đầu óc, cô vẫn có thể nắm bắt toàn bộ ý nghĩa mà không mất một chữ nào. Cô nhận ra những vọng tưởng của Harriet là hoàn toàn không có cơ sở. Đấy là một nhầm lẫn, một ảo tưởng - hoàn toàn là ảo tưởng như ảo tưởng của chính cô. Hoá ra Harriet không là gì cả dưới mắt anh, Harriet chỉ đơn thuần là Harriet. Những gì cô nói về Harriet chỉ được xem là cảm nghĩ của riêng cô. Những khi cô tỏ ra lo âu, nghi hoặc, lưỡng lự, can ngăn - tất cả đều được xem là chính cô muốn can ngăn. Không những có lúc tạo nên cảm nghĩ như thế khiến cho cô cực kỳ mãn nguyện, mà còn có lúc vui vì đã nhận ra bí mật của Harriet để rồi nhất quyết phải đưa bí mật ra công khai. Đấy là tất cả những gì cô có thể làm cho người bạn tội nghiệp của mình. Emma không có anh hùng tính để dẫn dụ anh chuyển tình yêu từ cô sang Harriet vốn có vị thế thấp hơn cô. Cô cũng không đến nỗi cao thượng mà từ chối tình anh chỉ vì anh không thể cưới cả hai. Cô nghĩ về Harriet với đau xót và hối hận, ý khoáng đạt trong đầu cô không hoá điên hoá dại hầu chối bỏ những gì đúng lý. Cô đã dẫn dắt người bạn mình đến chỗ lầm đường lạc lối và cô có thể bị phiền trách mãi, nhưng phán xét của cô cũng mạnh ngang bằng cảm nghĩ và cũng mạnh như tự bao giờ khi bài xích mối quan hệ giữa Harriet và anh là không cân xứng và hạ thấp anh. Con đường cô chọn lựa là rõ ràng tuy không phải bằng phẳng.

Thế thì, cô phải nói ra, sau khi đã được van nài. Cô phải nói gì đây ? Đương nhiên là nói những gì cần nói. Người thiếu nữ tôn quý luôn là thế. Cô nói đủ để cho thấy không nên thất vọng, và để tự anh nói thêm. Có lẽ sự thay đổi là khá đột ngột, cô đã đề nghị đi dạo thêm một vòng, cô đã tiếp nối câu chuyện mà mình vừa chấm dứt - có thể là khá lạ thường! cô cảm thấy mình thiếu nhất quán, nhưng anh đã nhẫn nại bỏ qua mà không đòi hỏi giải thích thêm.

Ít khi, rất ít khi, toàn bộ sự thật là do con người thổ lộ, lúc nào cũng có một ít che giấu hoặc một ít nhầm lẫn, nhưng ở đây tuy hạnh kiểm là sai lầm nhưng cảm nghĩ thì đúng đắn. Anh Knightley không thể bắt cô trải rộng cõi lòng ra thêm, hoặc phải mở con tim thêm để đón nhận tình anh.

Thật ra, anh đã không mường tượng được ảnh hưởng của mình. Anh đã đi tìm cô trong khu vườn mà không có ý định dùng ảnh hưởng đó. Anh đã đến vì lo lắng muốn biết cô chịu đựng ra sao về tin hôn ước của Frank Churchill mà không nghĩ đến bản thân, không hề nghĩ như thế, mà chỉ muốn an ủi hoặc khuyên lơn cô nếu cô cho phép anh cởi mở. phần còn lại là do bộc phát trogn khoảnh khắc từ những gì anh đã nghe. Việc cô xác nhận hoàn toàn hờ hững với Frank Churchill đã cho anh tia hy vọng là, với thời gian, anh có thể chiếm được tình yêu của cô. Nhưng hiện tại thì chưa, anh chỉ phấn khởi được nghe cô nói cô không cấm đoán anh chinh phục cô. Những tia hy vọng dần dà được mở ra thật là mê thích. Anh đã chiếm được tình cô vì đã được phép! Trong vòng nửa giờ, tâm tư anh chuyển biến từ buồn thảm đến một điều gì đấy như là hạnh phúc mà anh không biết gọi bằng từ nào khác.

Sự thay đổi trong tâm tư của cô cũng thế. Nửa tiếng đồng hồ đầu cho thấy rõ cô được yêu, được miễn trách về sự kém hiểu biết, ghen tị hoặc thiếu tin tưởng. Về phần anh, đã có thời gian dài ghen tức. Anh đã yêu Emma và cùng lúc ghen tức với Frank Churchill - cả hai tâm tư có lẽ đều giúp anh hiểu rõ chính mình. Chính vì ghen tức với Frank Churchill mà anh đã bỏ đi khỏi nơi đây. Chuyến đi Box Hill đã khiến anh muốn xa lánh. Anh không muốn nhìn thấy những sự săn đón mà cô cho phép và khích lệ. Anh đã ra đi để học cách hững hờ.

Nhưng anh đã đi đến nhầm chỗ. Không khí trong gia đình em trai của anh quá ấm cúng, phụ nữ quá dễ mến, Isabell quá giống Emma - chỉ khác vì có những tật xấu hiển hiện khiến Emma tỏ ra sáng chói trong mắt anh. Tuy nhiên, anh tiếp tục lưu lại từ ngay này qua ngày khác , cho đến sáng nay anh nhận được lá thư kẻ về chuyện của Jane Fairfax. Lúc ấy anh cảm thấy vui - không phải, anh cảm thấy đúng lý mà vui - vì chưa bao giờ tin Frank Churchill xứng đáng với Emma. Anh lo lắng sâu sắc cho cô đến nỗi không muốn ở lại một giây phút nào nữa. Anh đã cưỡi ngựa trong cơn mưa rồi đi đến đây để xem làm thế nào con người dịu hiền này - đã không sai lầm dù sau bao lầm lỗi - chịu đựng với chuyện hôn ước kia.

Anh đã thấy cô bị giao động và u buồn. Frank Churchill là kẻ không ra gì. Anh đã nghe cô nói cô chưa hề yêu Frank. Khi hai người bước về nhà, cô vẫn là Emma của anh, trong vòng tay anh và trong ngôn từ. Nếu còn có thể nghĩ đến Frank Churchill lúc ấy, thì anh hẳn xem anh chàng là kẻ được việc.
 
Chương 14

Quả là một sự khác biệt về tâm tư khi cô bước vào nhqà so với khi đi ra! Lúc ấy, cô chỉ dám mong bớt khổ sở một ít. Bây giờ cô cảm thấy kích động vì hạnh phúc, và cô tin còn hạnh phúc hơn khi hết kích động.

Họ ngồi xuống để dùng trà - cũng với những người này quanh bàn trà này như đã bao lâu nay! Và cũng đã bao lần đôi mắt cô nhìn ra cùng một góc khu vườn, quan sát cùng cảnh đẹp trong ánh mặt trời! nhưng chưa lần nào với tinh thần như thế này, chưa lần nào giống như thế này. phải cố gắng lắm đầu óc cô mới có thể tập trung để làm công việc của một cô chủ đối với ngôi nhà, hoặc thậm chí công việc của một đứa con gái đối với ông bố.

Ông Woodhouse tội nghiệp không hề biết anh chàng mà ông niềm nở tiếp đãi đang có âm mưu gì chống lại ông, nên ông vẫn tỏ ra lo lắng anh chàng có thể bị cảm lạnh vì cưỡi ngựa dưới mưa. Nếu thấy rõ con tim của anh chàng thì hẳn ông sẽ không màng đến lá phổi của anh. Nhưng ông vẫn không mường tượng ra chuyện tệ hại về sau, vì ông không phát hiện gì từ ánh mắt hoặc cử chỉ của hai người trẻ tuổi. Ông nhắc lại cho họ một cách thoải mái những thông tin ông nhận được từ thầy thuốc Perry, tiếp tục nói với vẻ tự tin mà không hề biết hai người trẻ có thể trả lời ra sao.

Trong khi anh còn ngồi với hai bố con thì cơn kích động của Emma vẫn tiếp tục, nhưng khi anh ra về thì cô mới cảm thấy được bình an đôi chút trong tâm hồn. Qua một đêm mất ngủ vì những diễn tiến trong ngày, cô xem xét một đôi điều khiến cho cô nghĩ niềm hạnh phúc của mình có vết vẩn gợn: ông bố và Harriet. Cô nghĩ đến bổn phận của mình đối với hai người, vấn đề là làm thế nào giúp cho họ sống được thoải mái. Về ông bố, chẳng bao lâu cô đã có lời giải. Cô không rõ anh Knightley sẽ nói gì, nhưng sau khi xét lòng mình cô quyết chí không bao giờ lìa xa ông bố. Cô đã khóc vì thấy mình có lỗi với ý nghĩ này. Ngày nào mà ông còn sống thì hai người chỉ hứa hôn. Cô tự mãn cho rằng sau khi đã biết chắc anh không mất cô, anh sẽ dễ chấp nhận việc hứa hôn.

Làm thế nào giúp đỡ Harriet là câu hỏi khó khăn hơn. Làm thế nào giúp cô bé bớt đau khổ, làmthế nào chuộc lỗi với cô bé, làm thế nào để cả hai không phải là kẻ thù của nhau? Emma vô cùng dằn vặt khi nhớ lại những phiền trách và khổ sở quanh chuyện này. Cô chỉ có thể quyết định tránh gặp mặt Harriet, khi cần thì chỉ biên thư, và cho biết lúc này cô không thể tiếp cô bé ở Highbury. Emma còn có một ý đồ khác, cô be có thể nhận lời mời đi đến Brunswick Square. Isabella đã tỏ ra mến Harriet, và vài tuần sống ở London có thể giúp cho cô bé được vui. Emma cho là tâm tính của cô bé sẽ giúp cô bé vui với khung cảnh mới, với những đường phố, những cửa hàng, và bọn trẻ. Dù sao chăng nữa, đấy là chứng cứ cho thấy Emma quan tâm và tử tế với cô bé. Việc này cũng giúp cách ly khỏi hiện tại, tránh không khí tồi tệ khi hai người gặp lại nhau.

Cô dậy sớm, viết một lá thư cho Harriet. Cô nghiêm túc và buồn bã khi làm việc này đến nỗi cảm thấy nhẹ nhõm được gặp lại anh Knightley, đã đi bộ đến Hartfield để dùng bữa sáng. Cô bỏ quên ông bố trong nửa tiếng để tiếp anh, để sống lại trong niềm hạnh phúc của ngày hôm qua.

Anh ra về chưa lâu, chưa đủ lâu để cô nghĩ đến người khác, thì một lá thư được mang đến từ Randalls - một lá thư rất dầy. Cô đoán lá thư viết gì và thấy không cần phải đọc. Bây giờ cô rất khoan dung với Frank Churchill, không cần lời giải thích mà chỉ muốn tập trung tinh thần cho chính mình. Cô không thể thông cảm với bất cứ điều gì anh ta viết. Nhưng vẫn nên xem qua. Cô mở phong bì. Đúng như thế : một tờ thiếp của chị Weston viết co cô, kèm theo đấy là lá thư Frank viết cho chị.

Emma yêu thương, chị lấy làm vui chuyển cho em lá thư kèm theo đây. Chị biết em sẽ hành động công tâm, và tin chăc sẽ có kết cuộc vui. Chị nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ bất đồng ý kiến nữa về người viết, nhưng chị không muốn mào đầu dài dòng. Hai vợ chồng chị vẫn khoẻ. Lá thư này giúp giải toả mọi lo lắng của chị mấy lúc gần đây. Ngày thứ ba chị thấy em không được khoẻ do thời tiết buổi sáng ấy không được tốt, và dù em không bao giờ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chị cho là mọi người đều cảm thấy khó ở vì gió bấc. Chiều thứ ba và sáng hôm qua lúc có mưa giông, chị rất lo cho bố em, nhưng tối qua chị an tâm khi nghe ông Perry nói bố em vẫn khoẻ.

Chị của em, A.W.

[Gửi bà Weston]

Windsor, tháng bảy

Thưa bà,

Nếu ngày hôm qua tôi nói không hết lời thì hẳn bà trông đợi lá thư này, nhưng dù bà có trông chờ hay không, tôi tin bà sẽ đọc thư tôi với lòng vô tư và khoan dung.

Bà đã rất tốt bụng, và tôi sẽ cần đến tất cả lòng nhân hậu của bà mà bỏ qua cho ít lỗi về hạnh kiểm của tôi trong quá khứ. Tôi đã từng được tha thứ bởi người có lýdo phẫn nộ với tôi nhiều hơn. Tôi thu hết can đảm khi viết thư này. Người giầu thì cảm thấy khó mà khiêm tốn. Hai lần tôi đã từng xin được tha thứ, thế nên tôi có thể quá tự tin mà cầu xin lòng lượng thứ từ bà và từ những người thân quen của bà vốn có lý do để trách móc tôi.

Mọi người hẳn muốn biết tình cảnh của tôi khi lần đầu đến Randalls, mọi người hẳn cho là tôi mang một bí mật phải che đậy cho dù phải làm điều tệ hại. Đấy là sự thật. Còn về việc có nên tự đưa mình vào hoàn cảnh cần phải giấu giếm bí mật thì là một câu hỏi khác mà tôi không muốn bàn ở đây. Tôi nghĩ là nên. Tôi không dám nói chuyện cởi mở với cô ấy. Nhiều người biết rõ những khó khăn của tôi ở Enscombe nên không cần thuật lại. Trước khi chúng tôi chia tay ở Weymouth, tôi đã may mắn chiếm được tình cảm của cô ấy, xui khiến cho một người con gái với tư cách chính trực chấp nhận hôn ước bí mật. Nếu cô ấy từ chối, tôi hẳn đã nổi cơn điên. Nhưng hẳn mọi người sẽ hỏi: anh có kỳ vọng gì khi làm chuyện này? Anh trông mong điều gì? Bất kỳ điều gì, mọi điều: thời gian, cơ may, hoàn cảnh, kết quả chầm chậm, bộc phát bất ngờ, sự bền chí và chán nản, sức khoẻ và bệnh tật. Trước mắt tôi là tất cả điều khả dĩ tốt lành. Tôi đã có ân phước đầu tiên khi cô ấy hứa sẽ chung thuỷ với tôi và biên thư cho tôi.

Nếu bà cần hỏi tôi giải thích thêm thì tôi rất sẵn lòng với tư cách là con trai của chồng bà, với lợi thế do thừa hưởng tính khí của bố tôi là luôn hy vọng cho điều tốt lành mà dù được thừa kế nhà cửa hoặc đất đai vẫn không bằng. Thế thì, xin hãy mường tượng ra tôi dưới những tình huống như thế khi mới đến Randalls. Và ở đây tôi biết mình đã sai trái vì đáng lẽ phải đến sớm hơn. Bà hẳn nhớ lại rằng tôi chỉ đến khi cô Fairfax đã về Highbury. Vì bà là người bị xem thường, hẳn bà sẽ thứ lỗI cho tôi ngay, nhưng tôi phải tranh thủ lòng thông cảm của bố tôi, bằng cách nhắc ông rằng chừng nào mà tôi vắng mặt trong ngôi nhà ông ấy thì chừng đó tôi vẫn chưa được quen biết bà. Tôi mong hành vi của tôi trong hai tuần vui vẻ sống với bà không gây ra sự khiển trách nào, ngoại trừ ở một điểm. Và bây giờ tôi đi đến điểm chính, điểm quan trọng duy nhất trong hạnh kiểm của tôi khiến cho tôi bứt rứt và đòi hỏi giải thích.

Với niềm kính trọng cao nhất và với tình thân hữu nồng nàn nhất mà tôi nói đến cô Woodhouse, có lẽ bố tôi nghĩ tôi nên thêm: với nỗi nhục nhã sâu sắc nhất. Hôm qua ông ấy có ít lời bầy tỏ ý kiến của ông, và tôi nhìn nhận mình đáng chịu vài khiển trách. Tôi nghĩ cách tôi đối xử với cô Woodhouse phải bị khiển trách hơn nữa. Nhằm che giấu chuyện bí mật, tôi đã cố tình tạo ra một mối quan hệ thân thiết. Tôi không thể chối đã xem cô Woodhouse là đối tượng bề ngoài của mình, nhưng xin bà tin rằng nếu tôi cho là cô ấy không lãnh đạm thì tôi vẫn không muốn vụ lợi mà tiếp tục. Dù là người dễ mến và vui vẻ, cô Woodhouse chưa bao giờ cho tôi thấy là người đang yêu. Tôi luôn tin và cũng mong cô ấy không hề yêu tôi. Khi tôi có cử chỉ săn đón, cô ấy tỏ ra thoải mái, thân thiện và cười đùa vui vẻ - như thế là đúng ý tôi. Có vẻ như chúng tôi thấu hiểu nhau. Trong tình cảnh của chúng tôi , những sự săn đón là dành cho cô ấy, và được cảm nhận như thế. Trước khi hai tuần ấy qua đi, liệu cô Woodhouse có bắt đầu thực sự hiểu tôi hay không thì tôi không thể nói được. Khi tôi đến giã từ, tôi còn nhớ suýt thú nhận sự thật, rồi tôi mường tượng cô ấy đã nghi ngờ, nhưng tôi tin chắc cô ấy đã hiểu ra tôi, ít nhất đã hiểu phần nào. Có thể cô ấy không hiểu toàn thể sự kiện, nhưng nhờ tính nhậy bén cô hẳn đã nhận ra một phần. Tôi tin là thế. Bà sẽ thấy rằng khi chuyện bí mật bị lộ, cô ấy không lấy làm ngạc nhiên lắm. Cô ấy thường nói bóng gió về việc này. Tôi nhớ, trong buổi dạ vũ, cô ấy bảo tôi rằng tôi phải biết ơn cô Elton vì đã chăm sóc cho cô Fairfax.

Tôi mong khi thuật lại hành vi của tôi đối với cô ấy, bà và cha tôi sẽ bớt trách móc về lỗi lầm của tôi. Trong khi bà xem tôi là có lỗi với Emma Woodhouse, tôi không xứng đáng với cả hai người phụ nữ trẻ. Xin xóa tội cho tôi về điểm này, và nhờ bà xin giùm Emma Woodhouse bỏ lỗi cho tôi, vì tôi xem mối quan hệ với cô ấy là tình anh em. Tôi vẫn mong cô ấy được hạnh phúc mặn nồng như tôi. Dù cho tôi có nói năng hoặc hành động kỳ lạ trong hai tuần lễ ấy, bây giờ bà hẳn đã hiểu tại sao. Con tim tôi thuộc về Highbury, và tôi vẫn muốn về đây.

Về chiếc dương cầm mà nhiều người vẫn bàn tán, tôi thấy cần phải nói rằng cô Fairfax không hề biết ai gửi đến. Nếu có quyền chọn lựa, cô ấy hẳn đã không cho phép tôi làm thế, vì tính cô rất nhậy cảm. Tôi rất mong bà sẽ hiểu cô ấy rõ hơn. Không lời lẽ nào có thể mô tả cô ấy. Cô ấy phải tự cho bà biết mình là người như thế nào, nhưng không phải chỉ qua lời nói: người ta phải chứng tỏ giá trị của mình qua hành động.

Từ lúc tôi bắt đầu viết thư này - dài hơn là tôi dự tính - tôi đã nhận được tin cô ấy. Cô cho biết đã khoẻ mạnh, nhưng vì cô không bao giờ than phiền, tôi không dám tin. Tôi xin bà cho biết bề ngoài cô ấy ra sao. Tôi mong bà sẽ sớm đến thăm cô ấy, cô ấy đang trông ngóng. Có lẽ bà đã đi thăm. Xin bà cho biết sớm. Tôi lấy làm sốt ruột vì hàng nghìn lý do. Xin hãy nhớ đến vài phút ngắn ngủi tôi đến Randalls trong tâm trạng hoang mang như thế nào, điên rồ như thế nào. Và tôi vẫn chưa khá hơn, vẫn còn như điên như dại vì hạnh phúc và khổ đau. Khi nghĩ về lòng tử tế mà mình đã nhận, về tính thuần hậu và nhẫn nhục của cô ấy, về lòng độ lượng của ông bác tôi, thì tôi điên lên vì sướng thoả, nhưng khi nhớ lại mình đã làm cho cô ấy bứt rứt và mình không đáng được tha thứ, thì tôi điên lên vì tức giận với chính mình. Ước gì tôi được gặp lại cô ấy! nhưng tôi chưa nên vội khẩn cầu việc này. Ông bác tôi quá tử tế với tôi nên tôi không dám lạm dụng.

Tôi vẫn cần phải viết thêm lá thư dài này. Bà đã không được nghe những gì cần nghe. Hôm qua tôi không thể cho biết chi tiết, nhưng tôi cần giải thích tại sao vụ việc được loan báo một cách bất thình lình và có phần không hợp lúc. Dù là việc công bố sẽ làm cho tôi vui nhưng tôi không dám tin lắm. Nhờ tình huống rất đặc biệt mà tôi thấy không nên mất thì giờ dù chỉ một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ tôi không nên hấp tấp và đáng lẽ cô ấy cảm nhận sự lưỡng lự của tôi với thêm nghị lực và tinh tế. Nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Mối quan hệ khinh suất giữa cô và người phụ nữ ấy - bà ạ, đến đây tôi phải dừng một cách đột ngột để có thời giờ suy ngẫm và định thần.

Tôi đã đi thơ thẩn khắp các miền và bây giờ tôi mong mình có đủ lý trí để viết tiếp bức thư cho đúng cách. Đây đúng thật là một hồi tưởng nhục nhã đối với tôi. Tôi đã hành xử theo cách đáng xấu hổ. Và ở đây, tôi có thể nhìn nhận rằng cách cư xử của tôi đối với cô Woodhouse khi làm cho cô Faifax khó chịu, là đáng chê trách. Cô ấy không hài lòng về cách cư xử này. Tôi viện cớ vì cần phải giấu giếm sự thật nhưng cô không chấp nhận. Cô bất mãn nhưng tôi nghĩ thế là không có lý. Cả nghìn lần tôi cho là cô ấy giữ kẽ và cẩn trọng một cách không cần thiết. Thậm chí tôi cho là cô ấy lãnh đạm. Nhưng cô ấy luôn đúng lý. Nếu tôi làm theo phán xét của cô ấy và trấn áp tính khí của tôi xuống mức độ mà cô ấy cho là phải phép, thì tôi hẳn đã không rơi vào tình trạng khổ sở. Chúng tôi tranh cãi nhau.

Bà có nhớ buổi sáng ở Donwell không? Mọi mối bất hoà nhỏ nhặt từ trước lúc này biến thành cơn khủng hoảng. Tôi đến muộn, tôi gặp cô ấy đang đi bộ một mình về nhà và muốn đi cùng cô ấy, nhưng cô không chịu. Cô tuyệt đối không cho phép tôi, và lúc ấy tôi nghĩ thái độ này là không đúng lý. Tuy nhiên, bây giờ tôi mới rõ đấy là do cô ấy muốn kín đáo theo cách tự nhiên như từ trước đến giờ. Mới một tiếng đồng hồ trước, vì muốn che giấu thế gian về cuộc hôn ước tôi đã tỏthái độ đặc biệt nhưng đáng chê trách với một cô gái, rồi một tiếng đồng hồ sau tôi tỏ bầy tình cảm với một cô gái khác. Tôi đã làm cho sự cẩn trọng trước giờ trở nên vô ích, thì liệu cô ấy có chấp nhận không? Nếu người ta trông thấy chúng tôi đi bên nhau giữa Donwell và Highbury thì bí mật sẽ bị lộ. Tuy vậy, tôi vì quá điên rồ mà tỏ ra bất mãn. Tôi đã ngờ vực tình yêu của cô ấy.

Ngày hôm sau, ở Box Hill, tôi càng hồ nghi thêm khi sau khi tôi có thái độ đáng xấu hổ và xấc xược mà bỏ quên cô ấy, chỉ lo săn đón cô Woodhouse, đến nỗi Jane không thể chịu đựng được nữa mà nói lên nỗi bất mãn với ngôn từ mà tôi hiểu rất rõ. Bà ạ, tóm lại cô ấy đúng lý còn tôi thì đáng ghét. Buổi chiều ấy tôi trở về Richmond chứ đáng lẽ tôi phải ở lại nhà bà cho đến sáng hôm sau. Đấy chỉ vì tôi quá tức giận cô ấy. Dù vậy, tôi không đến nỗi ngu xuẩn mà không tìm cách dàn hoà kịp thời, nhưng tôi bị tổn thương vì cô ấy đã lãnh đạm với tôi, thế nên tôi bỏ đi mà chờ cho cô ấy dàn hoà trước.

Tôi luôn lấy làm mừng cho mình vì bà không tham gia chuyến đi Box Hill. Giá như bà trông thấy tư cách của tôi ở đấy, tôi nghĩ bà sẽ không bao giờ có thiện cảm với tôi nữa. Tư cách của tôi gây hậu quả tức thì: ngay sau khi biết tôi đã rời Randalls, Jane chấp nhận lời giới thiệu của cái cô Elton nhiễu sự đó, người khiến tôi khinh bỉ và oán ghét vì cách đối xử với cô ấy. Tôi không nên tranh cãi với cô ấy vốn đã tỏ thái độ rộng lượng đối với tôi, nhưng mặt khác tôi phải phản đối lòng rộng lượng của người phụ nữ kia, người cứ luôn gọi "Jane!" bà hẳn thấy rằng tôi không dám tự chuyên gọi cô ấy trỏng trơ bằng tên, ngay cả đối với bà. Hãy nghĩ xem tôi sẽ phải chịu đựng đến đâu khi nhà Elton tưởng mình có vị thế cao hơn mà luôn gọi trỏng trơ tên cô ấy một cách thô lỗ và xấc xược. Xin bà kiên nhẫn đọc, tôi viết sắp xong rồi.

Cô ấy chấp nhận lời giới thiệu việc làm, cắt đứt hẳn quan hệ với tôi, và hôm sau viết cho tôi hay rằng chúng tôi không nên gặp nhau nữa. Cô ấy nghĩ hôn ước là nguyên nhân khiến cho mỗi người trong chúng tôi ân hận và khổ sở. Lá thư ấy đến tay tôi vào buổi sáng bà bác tội nghiệp của tôi qua đời. Tôi viết hồi âm trong vòng một giờ, nhưng vì tâm trí tôi đang bấn loạn và tôi đang túi bụi lo nhiều việc, tôi bỏ quên lá thư của mình trong ngăn kéo bàn viết. Tin rằng mình đã viết ra đủ ý tình tuy ngắn gọn cho cô ấy hài lòng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi thất vọng khi không nhận phúc đáp nhanh của cô ấy, nhưng tôi có ý bào chữa cho cô trong khi tôi quá bận bịu và - tôi xin thêm nhé? - quá vui mừng vì hoàn cảnh của mình nên không muốn bắt bẻ.

Chúng tôi chuyển về Windsor. Hai ngày sau tôi nhận được một gói bưu phẩm của cô ấy, trả lại tất cả thư từ tôi đã viết! còn có thêm ít dòng cho biết cô vô cùng ngạc nhiên vì đã không nhận được hồi âm nào của tôi, thêmrg vì sự im lặng như thế là rõ nghĩa và vì cả hai đều muốn chấm dứt càng sớm càng tốt, cô trả lại tất cả thư từ của tôi. Cô ấy còn yêu cầu nếu trong vòng một tuần tôi không thể gửi trả thư từ mà cô ấy đã gửi cho tôi về Highbury cho cô ấy , thì sau đó gửi đến - đấy la địa chỉ của bà Smallridge gần Bristol. Tôi biết tênaa, nơi chốn ấy, tôi biết mọi thứ, và hiểu ngay cô ấy đang định làm gì. Chuyện này hoàn toàn trùng hợp với tính quyết đoán của cô ấy mà tôi biết rõ, cô ấy không phải chỉ đe doạ suông. Bà hãy tưởng tượng tôi bị sốc ra sao, tưởng tượng làm thê nào mà tôi đã phạm sai sót rồi nổi xung vì cho rằng bưu điện đã sai sót. Phải làm gì đây ? Chỉ có một cách: tôi phải trình bày với ông bác tôi. Nếu không có ông hỗtrợ thì cô ấy sẽ chẳng bao giờ chịu nghe tôi nói nữa.

Tôi đã trình bày. Tôi có những hoàn cảnh thuận lợi. Biến cố gần đây nhất đã làm cho ông mất đi tính kiêu hãnh. Ông trở nên hiền hoà và dễ thuận lòng nhanh hơn là tôi dự đóan. Cuối cùng ông thở dài - ông già tội nghiệp ! - mà nói rằng ông mong tôi có thể tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân giống như ông . Tôi nghĩ rằng hạnh phúc của tôi có phần khác . Bà có thương hại tôi vì tôi đã đau khổ khi thú nhận sự thật với ông ấy , vì tôi đã lo âu? Không, xin đừng thương hại tôi , mà hãy đợi đến khi tôi trở về Highbury và thấy tôi đã làm cho cô ấy khổ sở đến thế nào. Đừng thương hại tôi cho đến khi tôi nhìn thấy dáng vẻ xanh xao yếu đuối của cô ấy.

Tôi về đến Highbury vào giờ mà tôi tin dễ được gặp cô ấy một mình, sau bữa ăn sáng muộn. Tôi đã không thất vọng, và cuối cùng tôi cũng không thất vọng về đối tượng trong chuyến trở về của tôi . Tôi phải xoá tan nhiều nỗi phiền muộn rất đúng lý, rất công tâm. Nhưng việc này đã xong xuôi. Chúng tôi dàn hoà, thương yêu nhau hơn, hơn rất nhiều, hơn bao giờ hết . Chúng tôi sẽ không cólúc nào bị bứt rứt nữa.

Bây giờ bà ạ, bà được giải thoát khi đọc hết bức thư này, nhưng tôi không thể viết ngắn hơn . Nghìn lần và nghìn lần cảm ơn vì tất cả lòng nhân hậu của bà đối với tôi , và mười nghìn lần cảm ơn về những chăm chút mà con tim bà sẽ dành cho cô ấy . Nếu bà cho là tôi được hưởng hạnh phúc nhiều hơn là đáng được hưởng, thì tôi đồng ý. Cô Woodhouse gọi tôi là đứa con của may mắn. Tôi mong cô ấy nói đúng.

Theo một khía cạnh, tôi đã may mắn là được tự mình gọi,

Đứa con biết ơn và thương yêu của bà.

F.C. Weston Churchill
 
Chương 15

Lá thư đi sâu vào tâm tư của Emma. Dù lúc trước có ý nghĩ khác ,bây giờ Emma phải nhìn nhận là nên công tâm như chị Weston đã nói. Khi đọc đến đọan ghi tên mình, Emma thấy vui. Mỗi dòng đều làm cho cô hài lòng. Sau khi Emma bớt xúc động, vị thế của Frank Churchill được phục hồi vì niềm thương mến của cô đối với anh lúc trước đã quay lại. Cô đọc lá thư một mạch cho đến cuối, và thấy anh không đến nỗi sai lầm như mình nghĩ. Anh đau khổ và ân hận, biết ơn chị Weston, thiết tha yêu thương cô Fairfax, và riêng cô thì vui với chính mình, đến nỗi giá như anh bước vào lúc này cô hẳn thân tình bắt tay anh như lúc trước .

Cô hài lòng đến nỗi khi anh Knightley đến, cô trao lá thư cho anh xem. Cô tin chị Weston muốn phát tán nội dung lá thư, đặc biệt là đến người như anh Knightley vốn đã chê trách hạnh kiểm của Frank Churchill.

Anh Knightley nói:

- Anh sẽ rất vui mà đọc, nhưng thư có vẻ dài. Anh sẽ mang về nhà đọc tối nay.

nhưng như thế là không được . Ông Weston sẽ đến vào buổi chiều, nên cô phải trả lá thư lại cho ông .

anh đáp:

- Anh muốn nói chuyện với em hơn, nhưng có vẻ như đây là việc phải tỏ ra công tâm, anh sẽ đọc.

Anh bắt đầu đọc nhưng rồi dừng lại ngay, nói :

- Emma à, nếu cách đây my tháng anh được đọc một trong những lá thư anh ấy viết cho mẹ kế thì hẳn ta có cảm tình với anh ta hơn .

Anh đọc thêm một tí, rồi mỉm cười nhận xét:

- Hừm! câu mở đầu viết hay lắm, nhưng cách của anh ấy là thế, không nên lấy làm khuôn mẫu cho người khác . Ta không nên khắt khe.

Một lúc sau anh thêm:

- Anh có thói quen nói lên ý kiến trong khi đọc. Làm như thế , anh có cảm giác được gần gũi với em. Sẽ không mất thời giờ nhiều, nhưng nếu em không thích…

- Không sao. Anh cứ nói.

Anh Knightley đọc tiếp một cách sốt sắng, rồi nói:

- Đến đọan này anh ấy có ý xem nhẹ sự cámdỗ. Anh ấy biết là mình sai mà không có lý do để biện minh cho việc mình làm. Thế là tệ. Đáng lẽ anh ấy không nên tính chuyện hôn ước. Nhưng anh ấy không công tâm với bố khi viết "tính khí của ông bố". May mà anh ấy có ông bố lạc quan, nhờ ông đã có cuộc sống thoải mái nên anh ấy mới lợi dụng được . Đúng là cô Fairfax về đây rồi anh ấy mới đến .

Emma nói :

- Em không quên anh đã nói một cách chắc chắn rằng anh ấy có thể đến sớm hơn nếu muốn . Anh nói rất đúng.

- Emma à, anh không đến nỗi công tâm khi phán xét, nhưng đúng, anh vẫn không tin nơi anh ấy .

Khi đến đoạn nói về cô Woodhouse, anh đọc to lên, thỉnh thoảng cười mỉm, lắc đầu, pha thêm vài tiếng đồng ý hoặc phản đối, rồi trang nghiêm kết luận:

- Quá tệ. Chơi cái trò quá nguy hiểm. Không thể bỏ qua cho anh ta. Không nói em phán xét anh ta ra sao. Lúc nào cũng che giấu sự kiện do ý muốn riêng của mình, không màng đến ai mà muốn được việc cho mình. Tưởng rằng em đã thấu hiểu bí mật của anh ta. Lẽ tự nhiên là thế! Đầu óc anh ta chứa đầy âm mưu nên cho là người khác cũng thế. Bí ẩn và mánh khoé khiến người ta ngộ nhận! Emma, trong cách chúng ta đối xử với nhau, mọi thứ đều phải chứng tỏ cái chân thiện mỹ, có phải không ?

Emma đồng ý, đỏ mặt vì nghĩ đến chuyện của Harriet mà cô không thể giải thích. Cô nói :

- Anh đọc tiếp đi.

Anh đọc tiếp , rồi lại ngưng và nói :

- Chiếc dương cầm! à há! Đấy là hành động của một người trẻ, quá trẻ nên không suy xét liệu chuyện này gây nhiều phiền toái hơn là hài lòng hay không . Đúng là trò trẻ con! Anh không hiểu được khi một người thanh niên muốn trao cho cô gái bằng chứng về tình yêu của mình mà anh biết cô muốn dứt bỏ, và anh cũng biết nếu có thể cô đã ngăn chặn việc gửi chiếc đàn cho cô .

Rồi anh đọc tiếp . Lời tự thú của Frank Churchill đã hành xử theo cách đáng xấu hổ là điều đầu tiên khiến cho anh lên tiếng nhận xét:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài. Ngài thật sự đã hành xử theo cách đáng xấu hổ. Ngài không bao giờ viết một dòng chữ nào chân thật .

Sau khi đọc tiếp đến đoạn Frank vẫn hành động trái ngược với ý thức về lẽ phải của Jane Fairfax, anh ngưng lại lâu hơn và nói :

- Điều này là quá tệ. Anh ấy đã dẫn dụ Jane vào một tình huống vô cùng khó khăn và bực bội trong khi đáng lẽ phải ngăn chặn cô đau khổ một cách không cần thiết. Cô mãn nguyện hơn anh ấy nhiều trong mối quan hệ giữa hai người . Đáng lẽ anh ấy phải tôn trọng ngay cả những sự e dè vô lý nếu có, nhưng cô đều rất có lý. Chỉ vì một sai lầm khi chấp nhận hôn ước mà cô phải chịu trừng phạt đến thế.

Emma biết anh sắp đọc đến đoạn kể về chuyện đi Box Hill và cảm thấy bứt rứt. Hành vi của cô đã quá vô phép tắc! cô vô cùng xấu hổ và sợ bị anh săm soi. Nhưng anh vẫn đọc đều đều , chăm chú mà không có lời nhận xét nào, trừ một lúc thoáng nhìn cô rồi quay đi vì sợ cô đau khổ - như thể không có hồi tưởng nào về Box Hill trong lá thư.

Kế tiếp, anh nhận xét:

- Không có gì đáng nói về tính tế nhị của những người bạn tốt của chúng ta , vợ chồng Elton. Đương nhiên là anh ấy có cảm nghĩ đó! Này! Cắt đứt hẳn quan hệ với anh ta! Cô ấy nghĩ hôn ước là nguyên nhân khiến cho mỗi người ân hận và khổ sở, thế là cô ấy cắt đứt. Việc này cho thấy cô có ý thức ra sao về hành vi của anh ta! Này, anh ta quả là người thật bất thường.

- Không, không , anh nên đọc tiếp . Anh sẽ thấy anh ấy khổ sở như thế nào.

Anh Knightley đáp một cách lạnh lùng:

- Anh mong anh ấy như thế .

Rồi anh đọc tiếp :

- Smallridge! Chuyện này nghĩa là gì? Đầu đuôi ra sao?

- Cô ấy nhận lời làm gia sư cho đám con của bà Smallridge, một người bạn thân của cô Elton, láng giềng ở Maple Grove. Nhân tiện, em tự hỏi cô Elton bị thất vọng ra sao.

- Emma thân yêu, trong khi em bắt anh đọc thì đừng nói gì, ngay cả nói đến cô Elton. Chỉ còn một trang nữa . Anh sắp xong rồi . Quả là một lá thư độc đáo!’

- Em mong anh đọc với ý nghĩ tốt hơn về anh ấy .

- À, anh tìm ra cảm nhận ở đây . Có vẻ như anh ấy không lo lắng khi thấy cô Fairfax đau yếu. Anh nghĩ đúng là anh ấy yêu cô . "Thương yêu hơn rất nihều, hơn bao giờ hết ". Anh hy vọng anh ấy sẽ tiếp tục cảm nhận lâu dài sau khi dàn hoà. Anh ấy là người biết cảm ơn . "Tôi được hưởng hạnh phúc nhiều hơn là đáng được hưởng". Này, ở đây anh ta tự biết con người mình. "Cô Woodhouse gọi tôi là đứa con của may mắn". Đấy là lời nói của cô Woodhouse, đúng không ? Một câu kết thúc hay, và đấy là lá thư. Đứa con của may mắn! em đặt tên anh ấy như thế , phải không ?

- Có vẻ anh không hài lòng với lá thư như em, nhưng ít nhất em mong anh nên xét qua mặt tốt của anh ấy . Em mong lá thư tạo ấn tượng tốt cho anh.

- Đúng, chắc chắn rồi . Anh ấy có lỗi nặng, lỗi do khinh suất và thiếu suy xét, còn anh đồng ý là anh ấy được hưởng hạnh phúc nhiều hơn là đáng được hưởng. Nhưng dù sao đi nữa anh ấy thực sự yêu cô Fairfax và chẳng bao lâu sẽ được bên cô ấy mãi mãi. Anh sẵn lòng tin tư cách của anh ấy sẽ tốt hơn, và anh ấy sẽ tiếp thu từ cô tính trung kiên và tế nhị mà anh ấy thiếu. Bây giờ, anh muốn nói với em một chuyện khác . Vào lúc này, anh đang nghĩ đến một người rất thân ta , đến nỗi anh không màng đến Frank Churchill. Emma ạ, từ lúc anh chia tay với em sáng nay, tâm tư anh luôn bận rộn vì một chuyện .

Việc anh nói ra là dễ hiểu, đơn giản, theo cung cách của một quý ông mà anh Knightley thể hiện với một thiếu nữ anh yêu: làm thế nào có thể cầu xin cô chịu cưới anh mà không bất lợi cho ông bố.

Câu trả lời của Emma đã sẵn sàng, trong khi ông bố còn sống thì cô không thể thay đổi được . Cô không bao giờ muốn xa ông.

Anh chỉ chấp nhận một phần câu trả lời . Anh Knightley thông cảm với cô về việc cô không muốn xa ông bố, nhưng không đồng ý là cô không thể thay đổi. Anh đã suy nghĩ căn kẽ, thông suốt về việc này. Ban đầu anh mong cô thuyết phục ông Woodhouse sẽ đến ở với cô tại Donwell, nhưng anh biết rõ tình cảnh của ông Woodhouse. Bây giờ anh nhìn nhận rằng việc dời chỗ ở như thế sẽ khiến bố cô không thoải mái, có lẽ thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông, là điều không nên mạo hiểm. Ông Woodhouse mà lại rời khỏi Hartfield! Không , anh cho là không nên. Nhưng anh có kế hoạch mà anh tin Emma yêu dấu của anh sẽ không phản đôi. Đấy là anh sẽ sống tại Hartfield cho đến khi ông bố vui hưởng hạnh phúc bên kia thế giới. Hartfield vẫn là nơi cư ngụ của cô , và cũng là của anh.

Emma đã nghĩ đến việc tất cả dời đến Donwell. Giống như anh, cô đã nghĩ đến kế hoạch này, rồi bác bỏ. Nhưng cô chưa hề nghĩ đến kế hoạch của anh. Cô cho rằng khi rời xa Donwell, anh phải hy sinh thời gian và thói quen tự chủ của anh. Sống với cha cô trong ngôi nhà không phải là của anh là sự chịu đựng quá đáng. Cô hứa sẽ suy nghĩ về việc này, và khuyên anh nên cân nhắc thêm. Nhưng anh đã cân nhắc kỹ, thấy rằng không gì có thể làm cho anh đổi ý. Anh nói mình đã suy xét một cách cẩn thận và tỉnh táo, anh đã trách ra khỏi William Larkins để đi dạo một mình cả buổi sáng mà suy nghĩ .

Emma thốt lên:

- À! Có một khó khăn ta chưa nghĩ đến . Em tin chắc William Larkins sẽ không thích kế hoạch này. Anh phải xin ông ấy chấp thuận trước khi hỏi ý kiến em.

Tuy nhiên, cô hứa sẽ suy nghĩ về việc này, và gần như là hứa suy nghĩ với ý định tìm ra một giải pháp tốt nhất.

Điều lạ lùng là trong khi bắt đầu xem xét tu viện Donwell qua nhiều khía cạnh, Emma không nghĩ gì đến sự thiệt thòi của đứa cháu Henry vốn có quyền thừa kế ở đây. Cô có nghĩ đến sự thay đổi đối với đứa cháu trai tội nghiệp , nhưng cô chỉ mỉm cười, cảm thấy thích thú về lý do thực sự là cô căm ghét thậm tệ việc anh Knightley cưới Jane Fairfax hoặc bất kỳ ai khác , mà lúc ấy cô hoàn toàn đổ lỗi cho lòng quan tâm của người chị và người dì.

Đề nghị của anh, kế hoạch thành hôn và tiếp tục ở tại Hartfield - càng nghĩ đến cô càng hài lòng. Khắc phục được khuyết điểm, có thêm lợi điểm. Có một người bạn đời như thế trong những lúc lo âu và buồn bã thi tuyệt vời! có một người bạn đời để lo toan và chăm sóc cho nhau!

Cô sẽ được hưởng hạnh phúc vô biên nếu không vì Harriet tội nghiệp. Mọi ơn phước của cô xem dường gây khổ sở thêm cho cô bé, là người bây giờ cần phải bị loại ra khỏi Hartfield. Hạnh phúc gia đình mà cô đang tạo dựng cho mình không cho phép Harriet gần gũi, chỉ vì muốn phòng xa. Harriet sẽ là người thua thiệt mọi điều. Emma không thể phàn nàn vì sự vắng mặt của Harriet vì việc này không phương hại gì đến hạnh phúc của cô . Dường như đấy là điều cần thiết ác nghiệt khiến cho cô bé phải bị trừng phạt mà không đáng.

Dĩ nhiên là theo thời gian anh Knightley sẽ bị lãng quên, nghĩa là sẽ bị chiếm chỗ, nhưng còn lâu. Bản thân anh Knightley sẽ không làm gì để chữa vết thương lòng - không giống như anh Elton. Luôn thật tử tế, thật thương cảm, thật chu đáo đối với mọi người, anh Knightley sẽ mãi được tôn kính như thuở nào. Quả là hy vọng quá đáng ngay cả cho Harriet, rằng cô bé có thể yêu hơn ba thanh niên trong vòng một năm.
 
Chương 16

Emma vô cùng nhẹ nhõm thấy Harriet cũng muốn tránh gặp nhau như cô. Giao tiếp qua thư tfr đã đủ gây khó chịu, phải gặp nhau thì càng tệ hại hơn đến đâu!

Harriet vẫn giữ ngôn từ đúng mực, không hề phiền trách hoặc có ý bạc đãi, nhưng Emma vẫn tưởng tượng có nét gì đấy bất mãn khiến cô càng muốn hai người cách xa nhau. Có thể đấy là do ý thức, nhưng chỉ có thiên thần mới không tỏ ra bất mãn trong trường hợp như thế.

Emma dễ dàng được Isabella thuận lòng mời Harriet và may mắn tìm được một lý do cho lời mời mà không phải dối trá. Harriet có một chiếc răng bị hỏng, và từ lâu cô đã muốn đi đến nha sĩ. Chị John Knightley vui vẻ giúp đỡ sốt sắng mời Harriet đến nhà chị, Emma đưa ý kiến cho cô bạn gái và cô bé chịu nghe theo. Harriet được mời đến ngụ trong hai tuần, và sẽ được cỗ xe của ông Woodhouse đưa đi. Mọi việc đều được thu xếp, và Harriet đến Brunswick Square an toàn.

Bây giờ Emma có thể mãn nguyện mà tiếp đãi anh Knightley, bây giờ cô mới có thể nói cười, và nghe anh nói trong niềm hạnh phúc thực sự, không còn bứt rứt vì ý nghĩ mình đã thiếu công tâm, đã có lỗi. Cô không còn khổ sở phải nhớ đến một con tim não nề kế bên mình, chịu đau khổ do lầm lạc.

Sự thay đổi của Harriet ở nhà bà Goddard hoặc ở London tạo nên sự khác biệt vô lý trong cảm nghĩ của Emma, nhưng Emma nghĩ về Jane ở London.

Emma không cho phép bất kỳ nỗi lo lắng nào xâm chiếm đầu óc cô như Harriet đã làm. Trước mắt cô còn có một cuộc trao đổi mà chỉ cô có thể làm được : thổ lộ với ông bố về chuyện tình yêu của cô, nhưng cô chưa muốn nói bây giờ. Cô muốn chờ cho đến khi chị Weston được mạnh khoẻ. Không nên để cho người mà cô thương mến bị xúc động. ít nhất là hai tuần để được thảnh thơi đầu óc.

Emma quyết định sử dụng nửa tiếng đồng hồ để đi thăm cô Fairfax, vì đấy vừa là bổn phận vừa là niềm vui. Cô phải đi, và rất mong mỏi gặp mặt Jane, vì hai người đang có hoàn cảnh giống nhau khiến có thêm thiện ý cho nhau. Ngoài niềm mãn nguyện thầm kín còn có cảm nhận về hoàn cảnh tương đồng khiến cho cô thêm quan tâm lắng nghe mọi điều Jane muốn nói.

Từ buổi sáng đi chơi ở Box Hill, cô đã không bước vào ngôi nhà a, khi Jane tội nghiệp đang đau khổ khiến cho cô thương cảm tuy không biết đến nỗi khổ trầm trọng nhất. Dù tự tin khi ở nhà, cô vẫn e mình không được tiếp nên đứng chờ ở hành lang và thông báo tên mình. Cô nghe Patty báo tên cô, nhưng không có tiếng nói rộn ràng của chị Bates tội nghiệp như trước đây. Không, cô không nghe gì cả ngoại trừ câu trả lời "Xin mời cô ấy lên".

Một lúc sau, chính Jane đi ra cầu thang, tiến đến một cách vồn vã như thể lo sợ mình không chu đáo. Emma chưa bao giờ trông thấy Jane khoẻ mạnh đến thế, yêu kiều đến thế, duyên dáng đến thế. Cô thể hiện mọi vẻ sinh động và thân thiện qua nét mặt và cử chỉ như trước đây . Jane chìa tay ra, và nói với giọng nhỏ nhẹ nhưng rất truyền cảm:

- Thật là tử tế! cô Woodhouse, tôi không thể nào bầy tỏ…Tôi mong cô tin…Xin thứ lỗi tôi đã không nói được.

Emma hài lòng. Đáng lẽ Jane có thể nói thêm, nhưng tiếng cô Elton ở phòng khách ngăn cô lại, khiến cô chỉ bày tỏ tình cảm thân thiện qua cái bắt tay thân thiết.

Bà Bates và cô Elton đang ngồi bên nhau. Chị Bates đã đi ra ngoài khiến cho gian phòng được tĩnh lặng. Emma không muốn cô Elton có mặt tại đây nhưng vì đang vui nên có thể chịu đựng bất kỳ ai, và khi cô Elton chào đón với cử chỉ lịch sự quá mức bình thường, Emma mong cuộc gặp gỡ sẽ không hại gì.

Chỉ trò chuyện một lúc là Emma đã hiểu ngay những ý nghĩ của cô Elton, và hiểu ra tại sao cô này cũng đang phấn chấn tinh thần: đã biết được chuyện riêng tư của cô Fairfax và ngỡ chỉ có mình mới biết được chuyện bí mật ấy. Emma nhìn ra ngay những dấu hiệu trên gương mặt cô Elton. Trong khi đang trò chuyện với bà Bates, Emma thấy cô Elton ra vẻ có điều bí ẩn, cầm một lá thư mà hiển nhiên cô vừa đọc cho cô Fairfax nghe, cho vào một túi xách tay bên cạnh, gật đầu với cô Fairfax.

- Chúng ta có thể kết thúc chuyện này khi khác. Hai chị em ta không thiếu cơ hội. Thật ra, em đã nghe những điểm chính yếu. Chị chỉ muốn cho em biết bà S. Đã chấp nhận lời xin lỗi của chúng ta và không phiền trách gì. Em thấy bà viết thư vui vẻ như thế nào. Ôi! Bà ấy quả là người hiền hậu! nếu em đi được thì bà ấy rất vui. Nhưng ta không nên bàn nữa. Hai chị em ta phải giữ kín chuyện này - để giữ tư cách của ta. Khoan! Em còn nhớ những dòng ấy…Lúc này chị đã quên bài thơ có hai câu:

Vì khi thiếu nữ sa hoàn cảnh

Người biết những gì khác tránh xa


Em yêu ạ, bây giờ chị thấy trong hoàn cảnh của chúng ta, thiếu nữ có nghĩa là… - thôi! giữ kín thì tốt hơn. Tinh thần chị đang lên, phải không? Nhưng chị muốn em đừng thắc mắc gì về bà S. Em thấy đấy, khi chị giúp trình bày lý do thì bà ấy dịu ngay.

Một lần nữa, khi Emma quay sang nhìn bà Bates đang len, cô Elton thầm thì:

- Em sẽ thấy là chị không nhắc đến tên ai cả. Ôi! Không, cần phải thận trọng. Chị chu đáo trong chuyện này lắm.

Emma không còn nghi ngờ gì nữa. Đấy là cách nói tưởng là kín đáo nhưng thật ra có ý khoe khoang. Sau kh họ chuyện trò thân mật với nhau về thời tiết và chị Weston, thình lình cô Elton hỏi:

- Cô Woodhouse, cô có thấy người bạn nhỏ của chúng ta đã hồi phục một cách đáng yêu không? Cô có nghĩ đấy là nhờ công của ông Perry không?

Cô Elton liếc nhìn Jane với đầy ngụ ý rồi tiếp:

- Tôi tin chắc ông Perry đã chữa khỏi cho cô ấy trong thời gian ngắn tuyệt vời! Ôi thôi! giá như cô được nhìn thấy cô ấy khi đau yếu nhất!

Trong khi bà Bates đang nói gì đấy với Emma, cô Elton thì thầm thêm:

- Hai ta không nên nói gì về sự hỗ trợ của Perry, không nói gì về người bác sĩ trẻ nào đấy đến từ Windsor. Ồ! Không, nên ghi công tất cả cho Perry.

Một lúc sau cô lại tiếp:

- Cô Woodhouse, từ khi đi Box Hill tôi ít khi được gặp cô. Chuyến đi ấy thật vui. Nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đấy . Có vẻ như không..Ý tôi nói là, vài người có vẻ không được vui lắm. Dường như là thế, nhưng tôi có thể lầm. Tuy nhiên, cũng hợp lý là có người muốn đi nữa. Nếu ta rủ cùng nhóm cũ đi Box Hill lần nữa trong khi thời tiết còn tốt, thì hai cô nghĩ sao? Phải là cùng nhóm này, không có một ngoại lệ.

Không lâu sau đấy, chị Bates về đến. Emma bị phân tâm vì ngôn từ của chị, dường như do không biết phải nói gì và nôn nóng muốn tất cả.

- Cám ơn cô Woodhouse thân yêu, cô thật là tử tế. Không thể nào nói nên lời. Vâng, đúng thế, tôi hiểu.. Tương lai của Jane…đấy là, tôi không có ý nói… Nhưng con bé hồi phục thật tuyệt vời…Ông Woodhouse ra sao?...tôi rất vui…vượt quá sức tôi…Quả là một nhóm nhỏ hạnh phúc như cô thấy ở đây. Vâng, đúng thế. Một thanh niên dễ mến!... Đấy là, thật thân thiết, ý tôi nói là ông Perry!..rất ân cần đối với Jane!...

Từ niềm vui lớn lao và lòng cảm kích hơn bình thường đối với cô Elton đã chịu khó đến thăm, Emma đoán gia đình tư dinh Cha xứ có ý bất mãn Jane chút ít, nhưng bây giờ đã qua đi. Thật thế, sau ít lời thầm thì nhưng ai cũng nghe ra, cô Elton nói lớn lên:

- Vâng, bạn thân ạ, tôi đây, và tôi ở đây đã lâu đến nỗi nếu là ở nơi khác tôi nghĩ nên xin lỗi, nhưng sự thật là tôi đang chờ ông sếp của tôi. Ông ấy hẹn gặp tôi ở đây và đến thăm mọi người.

- Gì thế! Chúng tôi sẽ có vinh hạnh đón tiếp anh Elton à? Đúng, đấy là đặc ân! Vì tôi biết các quý ông không thích đến thăm vào buổi sáng, trong khi anh Elton thì tất bật.

- Đúng là thế, chị Bates ạ. Anh ấy thật sự bận bịu từ sáng đến tối. Người đến tìm anh không ngớt, vì lý do này hay lý do khác. Các thẩm phán, giám thị, quản trị viên tài sản giáo xứ luôn muốn hỏi ý kiến anh ấy. Có vẻ như không có anh ấy thì họ không làm gì được. Tôi thường nói "Thà là anh làm việc này, hay hơn là em. Em không biết bộ viết chì hội hoạ của em sẽ bị bỏ phế ra sao nếu có nhiều người tìm gặp em như thế". Tôi nghĩ trong nửa tháng nay mình không chơi được nốt nhạc nào. Nhưng dù sao anh ấy đang đến, tôi tin thế, vâng, với mục đích đi thăm mọi người.

Rồi giơ một bàn tay lên để ngăn Emma cất tiếng, cô tiếp:

- Quý vị biết đấy, chuyến đi thăm chúc mừng. Ồ! Vâng, khá cần thiết.

Chị Bates nhìn quanh với vẻ hả hê.

- Anh ấy hứa sẽ đến thăm tôi ngay khi có thể dứt ra khỏi anh em Knightley. Hiện anh và hai anh em Knightley đang tham khảo với nhau. Anh E. Là cánh tay phải của anh em Knightley.

Emma không muốn mỉm cười khi nghe câu này, chỉ nói:

- Anh Elton đi bộ đến Donwell à? Anh ấy sẽ đi trong tiết trời nóng bức.

- À không. Có một cuộc họp ở Công xá - một cuộc họp thường kỳ. Weston và Cole cũng dự họp, nhưng người ta chỉ nói đến cấp lãnh đạo. Tôi đoán anh E. Và anh em Knightley quyết định mọi chuyện.

Emma nói:

- Cô có nhầm ngày không ? Tôi hầu như chắc chắn là cuộc họp ở Công xá là vào ngày mai. Anh Knightley đến chơi Hartfield hôm qua, nói đấy là vào ngày thứ bảy.

Cô Elton ngắt ngang, cãi lại:

- Không đâu! Chắc chắn là cuộc họp hôm nay. Tôi tin giáo xứ này có nhiều chuyện phiền toái nhất. Ở Maple Grove, tôi chưa bao giờ nghe chuyện như thế này.

Jane nói:

- Giáo xứ kia nhỏ hơn.

- Chị không rõ em ạ, vì chị chưa từng nghe nói đến điều này.

- Nhưng chúng ta biết vì - theo lời chị nói - ngôi trường dưới sự bảo trợ của người chị của chị và bà Bragge chỉ nhỏ thôi, ngôi trường duy nhất, có không đến hai mươi lăm học sinh.

- À em quả là thông minh, đúng thế. Quả em có đầu óc biết suy nghĩ Jane ạ, chị cho là em và chị có tố chất ưu tú, nếu hai chị em ta có thể bắt tay nhau. Tính năng nổ của chị và tính vững chắc của em là kết hợp hoàn hảo nhất. Ý chị không phải bóng gió là vài người khác không cho là thế. Nhưng suỵt, đừng nói gì cả.

Có vẻ như không cần phải cẩn trọng: Jane đã nói câu ấy với Emma cứ không phải với cô Elton - mà Emma nhận ra điều ấy. ý muốn nói riêng với cô là rõ ràng theo quy tắc lịch sự cho phép, dù Jane chỉ cần đưa mắt nhìn.

Anh Elton đến, vợ anh chào đón anh với vẻ sinh động:

- Anh thật là hay khi phái em đến đây để làm gánh nặng cho các bạn em một lúc lâu rồi anh mới chịu hạ cố đến! nhưng anh biết một người luôn làm tròn bổn phận phải như thế nào. Anh biết em không làm gì cả cho đến khi anh xuất hiện. Em đã ngồi đây nêu gương cho tính tòng phục của thê tử.

anh Elton cảm thấy vô cùng nóng bức và mệt nhọc nên không để ý nhiều đến ngôn từ dí dỏm ấy. Anh tỏ phép xã giao đối với các phụ nữ, nhưng kế tiếp than van về thời tiết. Anh nói:

- Khi tôi đến Donwell thì không thấy Knightley ở đâu cả. Thật là lạ! không giải thích được! sáng nay tôi gửi thiếp và anh ấy đã hồi âm là sẽ ở nhà cho đến một giờ.

Vợ anh thốt lên:

- Donwell! Anh E. Yêu, anh không đến Donwell! Ý hẳn anh nói Công xá, anh đến dự cuộc họp ở Công xá.

- Không, không, đấy là ngày mai. Anh đến gặp Knightley hôm nay để bàn về việc này. Buổi sáng nay nóng chết được! anh cũng đi băng đồng, làm cho anh mệt thêm. Và rồi không được gặp anh ấy ở nhà! anh không hài lòng chút nào. Và không có câu xin lỗi, không có tin nhắn cho anh. Gia nhân nói không biết gì cả. Thật là lạ! không ai rõ anh ấy đi đâu. Có lẽ đi Hartfield, có lẽ đến Abbey Mill, có lẽ vào khu rừng của anh ấy. Cô Woodhouse ạ, như thế không giống người bạn Knightley của chúng ta. Cô có thể giải thích được không?

Emma cảm thấy buồn cười khi xác nhận rằng như thế đúng là lạ, và nói cô không thể giải thích gì cả.

Cô Elton thấy mình là người vợ nên cảm thấy bị sỉ nhục như chồng:

- Em không tưởng tượng được. Không tưởng tượng làm thế nào anh ấy đối xử với anh như thế! Anh E. Yêu, anh ấy đáng lẽ phải để lại tin nhắn cho anh. Ngay cả một người nhà Knightley cũng không thể làm chuyện kỳ cục như thế. Gia nhân của anh ấy đã quên. Tin em đi, đúng là như thế, rất có thể gia nhân Donwelll là thế, em nhận thấy họ vụng về và sơ suất. Em không chấp nhận có một người như Harry đứng kế tủ bát đĩa của chúng ta. Còn về bà Hodges, Wright xem thường bà ấy là đúng. Bà hứa đưa cho Wright một biên lại mà chưa bao giờ gởi đến.

Anh Elton tiếp:

- Tôi đã gặp William Larkins khi đến gần nhà ấy. Ông ấy nói ông chủ ông đi vắng, nhưng tôi không tin. William có vẻ không vui. Ông ấy không rõ tại sao lúc gần đây ông chủ mình thay đổi tính tình, nhưng không nghe nói năng gì cả. Tôi không quan tâm đến ý kiến của William, nhưng có việc rất quan trọng nên hôm nay tôi cần gặp Knightley. Vì thế đi bộ trong thời tiết nóng mà không được việc thì thật là phiền.

Emma nghĩ mình cần đi về nhà ngay. Cô đoán lúc này anh Knightley đang ngồi đợi mình, khi cô về anh có thể bớt giận anh Elton nếu không bớt giận William Larkins.

Cô lấy làm vui ngỏ lời từ giã, rồi thấy cô Fairfax đưa mình ra khỏi phòng, cùng đi xuống cầu thang, giúp cho cô có cơ hội nói:

- Nếu không có những người khác, tôi hẳn đã trao đổi với cô một chuyện, để hỏi han, để trò chuyện một cách thẳng thắn mà cũng có thể đường đột. Tôi nghĩ mình đã tỏ ra thiếu phép tắc.

Với gương mặt ửng đỏ và giọng nói ngập ngừng, khiến Emma nghĩ đấy đúng là bản chất tự nhiên hơn là thái độ làm dáng thanh lịch thường ngày. Jane lên tiếng:

- Ồ! Không hề gì, tôi e mình đã làm cho cô chán ngán. Chỉ cần tỏ ý quan tâm cũng đủ cho tôi cảm kích. Thật thế, cô Woodhouse ạ, khi tôi nhận ra mình đã có hạnh kiểm xấu, rất xấu, tôi cảm thấy an ủi khi biết rằng những người bạn đã không khinh bỉ tôi đến mức…Tôi không có thời giờ để nói cho đủ những gì muốn nói. Tôi rất muốn bày tỏ để xin lỗi, thanh minh, để cầu xin cho tôi. Tôi hiểu mình cần làm thế. Nhưng, không may là…Tóm lại, nếu lòng thông cảm của cô không chịu nổi bạn trai của tôi …

Emma nắm lấy tay Jane, nồng nhiệt nói:

- Cô quá khách sáo. Cô không cần phải xin lỗi tôi gì hết, còn những người mà cô nghĩ cô cần xin lỗi thì họ đều hài lòng, thậm chí vui vẻ…

- Cô rất tốt bụng, nhưng tôi biết mình đã đối xử không hay với cô ra sao. Quá lạnh lùng và giả tạo! tôi luôn có lý do để giả vờ. Đấy là cuộc sống giả dối. Tôi biết cô đã khinh bỉ tôi.

- Xin cô đừng nói gì nữa, tôi cho là chính mình phải cần xin lỗi. Thế thì chúng ta nên thứ lỗi cho nhau ngạy chúng ta nên nhanh chóng làm cho nhau bất cứ việc gì, và tôi nghĩ tình cảm của chúng ta không muốn bỏ phí thời giờ. Cô nhận được tin tức thuận lợi từ Windsor chứ?

- Rất thuận lợi.

- Tôi đoán tin kế tiếp là chúng tôi sẽ thiếu vắng cô, ngay vào lúc tôi mới bắt đầu hiểu cô.

- Ồ! Về những chuyện này, dĩ nhiên là chưa thể nghĩ được gì. Tôi còn ở đây chờ cho đến khi vợ chồng Đại tá Campbell gọi tôi.

Emma mỉm cười đáp:

- Có lẽ chưa có thu xếp xong việc gì cả, nhưng xin lỗi, vẫn nên suy nghĩ.

Jane cũng mỉm cười đáp lại:

- Cô nói rất đúng. Đã có suy nghĩ. Và tôi nói riêng với cô - mà tôi tin sẽ được an tâm - chúng tôi đã thu xếp xong việc chung sống ở Enscombe. Phải qua ít nhất ba tháng khắc khoải chờ đợi, nhưng đến lúc ấy tôi cho là không còn phải chờ đợi gì khác nữa.

- Cảm ơn, cảm ơn cô. Tôi chỉ muốn được biết thế để an tâm. Giá như cô biết tôi thích mọi chuyện được quyết định và minh bạch! Tạm biệt, tạm biệt.
 
Chương 17

Bạn bè của chị Weston đều lấy làm mừng khi biết chị được bình an. Emma càng mừng hơn khi biết chị là mẹ của một em bé gái. Emma đã mong có một cô Weston. Cô nghĩ từ nay về sau mình không thể làm mai cho ai trong đám con trai của Isabella, nhưng một bé gái thì thích hợp nhất cho cả bố mẹ. Với tuổi đã cao - và mười năm sau tuổi càng cao hơn - ông Weston sẽ được thoải mái nhiều bên lò sưởi, được thêm sinh động do những trò chuyện và chuyện không đâu do tính bốc đồng và viễn tưởng của một đứa trẻ không bao giờ bị xua đuổi ra khỏi nhà, và do chị Weston - ai cũng nghĩ một bé gái là điều quý giá nhất cho chị, và kể cũng đáng thương cho bất cứ ai có khả năng dạy bảo trẻ lại không có cơ hội dạy bảo.

Emma nói:

- Anh biết đấy, chị ấy có lợi điểm là đã dùng em làm đối tượng để thực tập nghề thuật dạy trẻ gái. Bây giờ ta sẽ xem chị ấy dạy bảo con bé như thế nào theo một kế hoạch càng hoàn thiện hơn nữa.

Anh Knightley nói:

- Đấy là, chị ấy sẽ nuông chiều conbé hơn là nuông chiều em trong khi tin rằng mình không hề nuông chiều con cái. Đấy sẽ là sự khác biệt duy nhất.

Emma thốt lên:

- Con bé tội nghiệp! theo cách này, con bé sẽ ra sao?

- Không có gì phải lo. Số phận giống như hàng nghìn người khác. Con bé sẽ khó thương khi còn nhỏ rồi tự sửa đổi dần khi lớn lên. Emma thân yêu, anh không còn cảm thấy khó chịu với những đứa trẻ hư hỏng. Hạnh phúc đời anh tuỳ thuộc vào em, thế nên nếu khắt khe với trẻ con thì là vô tình với em, phải không?

Emma cười to và đáp:

- Nhưng em được anh hỗ trợ triệt để nhằm chống lại sự nuông chiều của những người khác. Em không chắc liệu lý trí của em có thể chấn chỉnh mà không có anh.

- Thế à? Anh thì chắc. Em có thiên bẩm để thông hiểu. Chị Taylor đã truyền đạt cho em những phép tắc. Em hẳn đã làm tốt. Nếu anh can thiệp vào thì chỉ rách việc. Theo thiên bẩm em cứ hỏi: anh ấy có quyền gì mà lên lớp với mình? Và anh e rằng, theo thiên bẩm, em nghĩ anh đã lên lơ;p một cách khó chịu với em. Anh không tin mình đã giúp em làm tốt. Anh chỉ làm tốt ở chỗ biến em thành đối tượng thân thương nhất của anh. Vì nghĩ về em nhiều mà anh bỏ qua cho em, bỏ qua những lỗi lầm. Do tưởng tượng mãi về nhiều sai lầm mà anh đã yêu em từ khi em lên mười ba.

- Em tin anh có thể giúp em. Rất nhiều khi em chịu ảnh hưởng từ anh một cách đúng lý, hơn là do tự em làm. Em tin chắc anh đã giúp em làm tốt. Còn nếu bé Anna Weston tội nghiệp bị hư người, anh phải tỏ ra tốt bụng mà chấn chỉnh bé như anh đã chấn chỉnh em, nhưng đừng có yêu con bé khi nó lên mười ba.

- Khi em còn nhỏ, đã bao lần em nói với anh qua vẻ mặt hỗn hào "anh Knightley, em sẽ làm thế này, thế này, papa cho phép, hoặc chị Taylor nói em làm được …" - việc gì đấy mà em biết anh không đồng ý. Trong những trường hợp này, nếu can thiệp vào thì anh sẽ gây cho em hai bất mãn thay vì một.

- Quả em là một người được yêu thương hết mực! không lạ gì mà anh chặn lời em trong hồi tưởng thân thương như thế.

- "Anh Knightley!" Em lúc nào cũng gọi anh "Anh Knightley". Cứ như thế, cách gọi này không có vẻ là trang trọng nữa. Nhưng nó vẫn trang trọng. Anh muốn em gọi anh theo cách khác. Nhưng anh không rõ cách gì.

- Em còn nhớ cách đây khoảng mười năm, những khi bị nổi hứng trong tình thân mật, em gọi anh là "George". Em gọi như thế vì cứ ngỡ sẽ trêu tức anh, nhưng vì anh không phản đối, em không gọi như thế nữa.

- Bây giờ em có thể gọi anh là George, được không?

- Không thể được! lúc nào em vẫn chỉ có thể gọi "Anh Knightley". Em còn không hứa sẽ gọi "anh K." theo cách trìu mến lịch sự như cô Elton.

Cười to với đôi má ửng hồng, cô vội thêm:

- Em hứa sẽ một lần gọi anh bằng tên thánh. Em không nói khi nào, nhưng anh có thể đoán ra ở đâu: nơi mà chú rể sẽ chấp nhận cô dâu dù tốt hơn hay xấu hơn.

Emma rất lấy làm tiếc cô không được cởi mở về một việc mà anh có thể giúp cô làm tốt hơn, về lời khuyên đáng lẽ đã giúp cô khắc phục một trong những việc làm điên rồ của mình: tình thâm giao với Harriet Smith. Nhưng đây là chuyện nhạy cảm mà cô không thể mang ra bàn luận. Harriet ít khi được nhắc đến khi hai người trao đổi với nhau. Về phần anh, có lẽ việc này là do anh không nghĩ đến cô bé. Nhưng Emma vẫn cho là anh có tính tế nhị, hoặc do anh dựa theo bề ngoài mà ngỡ rằng tình bạn giữa hai cô đang đi xuống. Emma nhận thức rằng nếu xa nhau dưới bất kỳ tình huống nào khác chắc chắn họ nên giữ lien lạc thường xuyên hơn, rằng không chỉ Isabella thông báo tin tôi cho cô. Có thể anh cũng cho là như vậy. Nỗi bứt rứt vì giấu giếm với anh còn kém hơn nỗi bứt rứt vì đã làm cho Harriet thiếu hạnh phúc.

Isabella biên thư cho biết chi tiết về Harriet như yêu cầu. Lúc mới đến, Isabella nghĩ Harriet không được vui. Đấy là lẽ tự nhiên vì phải lo thu xếp đi gặp nha sĩ. Khi việc này xong xuôi, Isabella nhận thấy Harriet trở lại con người bình thường như trước . Dĩ nhiên Isabella không có khả năng quan sát nhậy cảm, tuy thế nếu Harriet không chơi đùa thoải mái với bọn trẻ thì mẹ chúng hẳn đã nhận ra. Emma cảm thấy nhẹ nhõm mà hy vọng Harriet sẽ lưu lại dài lâu hơn, hai tuần có thể kéo dài thành ít nhất một tháng. Hai vợ chồng Knightley sẽ đến vào tháng tám, vìthế Harriet được mời lưu lại cho đến khi họ đưa cô về.

Anh Knightley nói:

- Ngay cả John còn không nhắc đến cô bạn em. Nếu em muốn biết thì đây là câu trả lời của anh ấy.

Đấy là câu trả lời về việc anh dự định kết hôn. Emma sốt sắng nhận lá thư, nôn nóng muốn biết John có ý kiến gì về việc hôn nhân của cô, mà không e dè khi biết lá thư không nhắc đến Harriet.

Anh Knightley nói:

- Trong hạnh phúc của mình, John can dự với tư cách người em, nhưng anh ấy không quen khen ngợi. Dù anh biết rõ anh ấy khen em, anh ấy không có ngôn từ nồng nhiệt, đến nỗi bất kỳ một phụ nữ nào khác hẳn cho là anh ấy lãnh đạm. Nhưng anh không e ngại em đọc thư anh ấy.

Sau khi đọc lá thư, Emma đáp:

- Anh ấy viết thư như người có lý trí. Em kính phục lòng chân thành của anh ấy.hiển nhiên là anh ấy nghĩ cuộc hôn phối là tất cả may mắn cho em nhưng vẫn mong theo thời gian em sẽ tỏ ra xứng đáng với tình yêu của anh, như anh cho là em đã xứng đáng. Nếu anh ấy nói cách khác thì hẳn em đã không tin.

- Emma của anh, anh ấy không có ý như thế. Anh ấy chỉ muốn nói….

Emma ngắt ngang với nụ cười nghiêm túc:

- Anh ấy và em hẳn không khác nhau nhiều trong việc đánh giá, có lẽ còn ít khác biệt hơn là anh ấy nghĩ. Nếu chúng ta đừng màu mè hoặc ngại ngùng trong chuyện này.

- Emma, Emma của anh….

Cô thốt lên một cách vui vẻ:

- Chao ôi! Nếu anh cho là em trai anh không công tâm với em thì hãy đợi đến khi bố em biết được chuyện bí mật này và nghe ý kiến của ông ấy. Tin em đi, ông ấy sẽ không công tâm với anh đâu. Ông ấy sẽ nghĩ mọi hạnh phúc, mọi lợi điểm là thuộc về anh, còn mọi phẩm giá là thuộc về em. Em mong mình sẽ không lập tức trở thành "Emma tội nghiệp". Ông ấy cứ nghĩ rằng mình chỉ thương cảm với người chịu thiệt thòi.

Anh thốt lên:

- À há! Anh mong bố em được thuyết phục chỉ bằng một nửa như John để nghĩ rằng hai ta là ngang bằng nhau và cùng nhau chia sẻ hạnh phúc. Anh buồn cười về một đoạn trong lá thư của John, em có nhận ra không? Đoạn anh ấy nói là không lấy làm ngạc nhiên lắm khi anh báo tin, nói là vẫn trông đợi tin này.

- Theo em hiểu thì anh ấy chỉ có ý nói vẫn trông chờ tin anh kết hôn, mà đã không nghĩ người anh yêu là em. Có vẻ như anh ấy hoàn toàn bị bất ngờ.

- Đúng, đúng. Nhưng anh buồn cười là anh ấy đã nhìn ra tâm tư anh như thế. Anh ấy dựa vào đâu mà phán xét? Anh không nghĩ ra sự khác biệt bây giờ so với lúc trước về thái độ hoặc ngôn từ khiến cho anh ấy đoán ra ý định về hôn nhân. Nhưng có lẽ có khác biệt. Lúc anh ở với gia đình anh ấy thì đã có sự khác biệt. Anh đã không chơi đùa với bọn trẻ nhiều như lúc trước. Anh còn nhớ bọn con trai tội nghiệp nói "Bác lúc nào cũng có vẻ mệt mỏi".

Đã đến lúc tin trường lan truyền rộng hơn, người này nghe tin rồi kể cho người kia. Ngay khi chị Weston đã khoẻ để có thể tiếp đón ông Woodhouse đến thăm, Emma nghĩ nên nhân cơ hội này mà trình bày chuyện của cô, tại nhà cô rồi sau đó tại Randalls. Nhưng cuối cùng làm thế nào báo tin cho ông bố là cả vấn đề ! cô định chờ khi anh Knightley vắng mặt hoặc đến khi con tim cô không thể giữ kín được nữa, cô định trì hoãn, nhưng anh Knightley lúc ấy cũng đến và cô phải tiếp nối phần khai mào. Cô bắt buộc phải nói ra, và phải nói một cách vui vẻ. Cô không nên có giọng nói u buồn kẻo ông bố sẽ khổ sở. Cô không được ra vẻ như đấy là chuyện không may. Dốc hết tất cả tinh thần, cô rào trước đón sau với ông về một chuyện lạ lùng nào đấy, và rồi nói ngắn gọn là nếu ông đồng thuận và cho phép - mà cô biết sẽ không khó, vì đây là chuyện hạnh phúc cho cả hai - cô và anh Knightley sẽ kết hôn, như thế Hartfield sẽ có thêm một người mà cô biết ông vẫn thương mến nhất trên thế gian, chỉ kém hai người con gái và chị Weston.

Ông già tội nghiệp! lúc đầu ông thấy sốc và cố khuyên cô không nên kết hôn. Hơn một lần ông nhắc lại lời cô nói sẽ không bao giờ kết hôn. Ông bảo cô nên ở vậy thì tốt hơn, và nói về Isabella tội nghiệp và chị Taylor tội nghiệp.

Nhưng không có kết quả. Emma thắm thiết ôm lấy ông và mỉm cười nói rằng cô đã quyết, rằng ông không nên đánh đồng cô với Isabella và chị Weston. Đúng là khi hai người kết hôn gia đình trở nên cô đơn, nhưng cô không đi khỏi Hartfield, cô vẫn luôn ở đây, sẽ không có sự thay đổi nào về nhân số trong khi gia đình còn được thoải mái hơn. Cô tin ông bố sẽ cảm thấy hạnh phúc khi có anh Knightley bên mình một khi cuộc sống đã đi vào nền nếp. Ông vẫn thường yêu mến anh Knightley phải không? Cô tin chắc ông không phủ nhận điều này. Ông đã thường hỏi ý kiến ai về chuyện làm ăn nếu không phải là anh? Ai đã tỏ ra đắc lực như thế với ông, người đã sẵn lòng như thế viết thư hộ ông, người đã rất vui như thế mà giúp đỡ ông ? Ai đã tỏ ra vui vẻ với ông như thế, ân cần với ông như thế , thương mến ông như thế ? Liệu ông có muốn anh luôn ở bên mình không? Đúng. Rất đúng. Anh Knightley đến với ông thường xuyên thế nào vẫn chưa đủ, ông hẳn lấy làm vui mà gặp anh hàng ngày, nhưng từ trước đến giờ gia đình vẫn gặp anh hàng ngày. Tại sao không tiếp tục cuộc sống như thế?

Phải mất thời gian ông Woodhouse mới chấp nhận, nhưng thời điểm khó khăn nhất đã qua đi. Chỉ cần cho ông biết kế hoạch cụ thể, chỉ cần thời gian và thuyết phục thêm là xong. Sau khi Emma đã van nài và trấn an, anh Knightley tiếp tục van nài và trấn an. Ông vui khi nghe anh tướng ngợi cô, và chẳng bao lâu ông chịu lắng nghe hai người trình bày thêm mỗi khi có cơ hội. Isabella ủng hộ hai người qua những lá thư bày tỏ ý kiến nhiệt tình. Khi mới nghe tin, chị Weston đã sẵn sàng chấp nhận - trước nhất đấy là chuyện tình yêu đã rõ ràng, kế đến đấy là chuyện tốt đẹp - và hiểu rõ điều quan trọng là cần thuyết phục ông Woodhouse. Những người thường góp ý kiến cho ông đều trấn an rằng đấy cũng là vì hạnh phúc của ông. Sau khi đã xem xét và xác định những cảm nghĩ của mình, ông nghĩ rằng vào lúc nào đó - có lẽ trong vòng một hoặc hai năm - tổ chức hôn lễ không phải là việc tệ hại.

Chị Weston giả vờ không xúc động gì khi tỏ ý đồng thuận với ông về việc này. Chị rất ngạc nhiên, nhưng vì nghĩ đây là chuyện hạnh phúc cho cả hai người nên không ngần ngại gì mà thúc giục ông chồng ủng hộ. Chị luôn nghĩ tốt về anh Knightley và thấy anh xứng đáng có người vợ như Emma yêu dấu của chị. Theo mọi khía cạnh, cuộc hôn phối này là đúng phép, thích hợp và vẹn toàn. Theo một khía cạnh, một điểm quan trọng nhất, tương xứng một cách kỳ lạ, may mắn một cách khác thường, có vẻ như Emma không thể yêu ai khác, chị là người ngốc nghếch nhất thế gian vì trước đây đã không nghĩ đến chuyện này. Có mấy người với tư cách và địa vị của anh chịu từ bỏ ngôi nhà của mình mà đến sống ở Hart field! Còn ai ngoài anh có thể hiểu biết và chịu đựng được ông Woodhouse để tạo một cuộc hôn phối thoả đáng! vợ chồng Weston đã luôn nghĩ đến việc khó khăn phải thuyết phục ông Woodhouse tội nghiệp khi trù định hôn lễ giữa Frank và Emma. Làm thế nào để dung hoà những nguyện vọng giữa Enscombe và Hartfield luôn là trở ngại. Ông Weston không nhận ra điều này một cách sâu sắc như cô vợ, nhưng chính ông vẫn khắc khoải khôn nguôi về trở ngại này mà không biết phải làm cách nào. Ông chỉ nói "Việc này tự nó sẽ êm xuôi, hai người trẻ sẽ tìm ra cách giải quyết". Nhưng ở đây không có vướng mắc gì. Tất cả đều thuận lợi, minh bạch và cân xứng. Không bên nào phải chịu hy sinh. Đấy là sự kết hợp hứa hẹn mang lại hạnh phúc lớn lao nhất, mà không có khó khăn cản trở.

Với đứa trẻ bồng bế trên tay khi suy ngẫm vễ những điều trên, chị Weston là người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc nhất trên đời. Chị chỉ có niềm vui lớn hơn khi thấy đứa trẻ đã lớn nhanh, trở thành quá khổ với bộ quần áo đầu tiên.

Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe tin. Ông Weston ngạc nhiên trong năm phút, nhưng năm phút là đủ cho đầu óc nhanh nhẹn của ông nắm bắt vụ việc. Ông nhận ra những lợi thế của cuộc hôn phối và vui mừng, nhưng dần dà ông nghĩ lại và thấy hoá ra mình đã dự đoán từ trước. Ông nói:

- Đấy là một chuyện bí mật. Những chuyện này luôn là bí mật, cho đến lúc người ta nhận ra rằng ai nấy đều biết cả rồi. Chỉ cần cho tôi biết lúc nào thì tôi mới nói công khai được. Tôi không rõ Jane có biết gì chưa.

Sáng hôm sau, ông đi đến Highbury và tìm ra câu trả lời . Ông báo cho cô biết tin. Liệu cô ấy có phải là con dâu, con dâu trưởng của ông ? - Ông cần hỏi cô và chị Bates đang có mặt. Dĩ nhiên là tin tức lan ngay đến bà Cole, bà Perry cùng cô Elton. Đấy không còn là tin họ đang trông chờ nữa. Họ đã tính toán thời gian Randalls nhận tin, bao lâu thì tin lan đến Highburry, và tự cho mình có trí óc sắc sảo.

Mọi người đều đồng thuận với cuộc hôn nhân. Vài người cho là anh được may mắn hơn, những người khác cho là cô tốt phúc hơn. Một số người nghĩ cả gia đình nên chuyện đến Donwell và nhường Hartfield cho nhà John Knightley, những người khác tiên đoán gia nhân hai bên sẽ tranh cãi nhau, nhưng nói chung, không ai tỏ ý chống đối, ngoại trừ một nhà: tư dinh cha xứ.

Vợ chồng Elton ngạc nhiên nhưng không hài lòng, anh Elton không quan tâm nhiều như cô vợ, chỉ mong "niềm kiêu hãnh của cô ta hẳn bây giờ được thoả mãn", và nhận xét "cô ta luôn có ý tóm lấy Knightley". Về việc dời đến sống ở Hartfield, anh bạo gan tuyên bố "Thà là anh ấy thay vì tôi".

Nhưng cô Elton tỏ ra bứt rứt "Knightley tội nghiệp! anh chàng tội nghiệp! buồn thay cho anh ta!"

Cô vô cùng lo lắng, vì thấy dù là người lập dị, anh có trăm nghìn tính tốt - làm thế nào anh ấy bị dẫn dụ vào chuyện này? - Anh ấy không yêu thương gì cả. Knightley tội nghiệp ! - thế là chấm dứt mọi mối quan hệ tốt đẹp. Mỗi lần được mời đến dùng bữa, anh đã vui làm sao! nhưng bây giờ không còn nữa. Anh chàng tội nghiệp! không còn những chuyến đi khám phá Donwell cho cô ta! Ôi! Không, không thể nào của một cô Knightley làm mọi chuyện mất vui! Vô cùng khó chịu! nhưng cô không hề lấy làm tiếc đã đối xử tệ với gia nhân ngày nọ. Kế hoạch gây sốc, sống chung với nhau. Không bao giờ nên chuyện. Cô biết có một gia đình ở ..đã sống như thế, rồi ba tháng sau phải xa nhau.
 
Chương 18

Thời gian dần trôi. Chỉ còn ít ngày nữa là gia đình ở London sẽ đến. Một buổi sáng, khi Emma đang lo lắng về những chuyện sẽ khiến cho cô giao động và khổ sở thì anh Knightley đến, và những ý nghĩ bứt rứt được gác qua một bên. Sau ít câu trao đổi vui vẻ, anh trở nên im lặng, rồi với giọng nghiêm nghị, anh bắt đầu:

- Emma ạ, anh có chuyện cần cho em biết, một ít tin tức.

Cô nhìn lên khuôn mặt anh, hỏi nhanh:

- Tốt hay xấu?

- Anh không biết phải nói sao.

- Em tin là tốt. Em biết như thế qua vẻ mặt của anh. Anh đang cố nín cười.

Anh tỏ ra trấn tĩnh:

- Anh lo sợ. Emma yêu quý của anh, anh rất lo sợ em sẽ không cười nổi khi nghe tin này.

- Thế à? Tại sao như vậy? Em khó tưởng tượng ra chuyện gì làm cho anh vui hoặc buồn cười mà em lại không vui hoặc không buồn cười.

Anh đáp:

- Có một chuyện. Anh mong chỉ có một - chuyện mà hai ta suy nghĩ không giống nhau.

Anh ngưng một chút rồi mỉm cười , chăm chăm nhìn cô:

- Em có nghĩ đến chuyện gì không? Có còn nhớ chuyện gì không? Harriet Smith.

Đôi má ửng hồng khi cô nghe cái tên, và cô có cảm giác lo sợ tuy không biết mình lo sợ chuyện gì.

Anh nói:

- Sáng nay em có nghe tin tức gì về cô ấy không? Anh tin em đã nghe, và biết toàn thể vụ việc.

- Không, em không nghe. Em không biết gì hết. Xin anh nói cho em nghe.

- Anh thấy em đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất - và đây là chuyện rất xấu. Harriet Smith kết hôn với Robert Martin.

Emma giật nẩy người, và đấy không có vẻ như giả vờ. Đôi mắt cô mở to như muốn nói "Không, không thể nào", nhưng đôi môi cô mím lại.

Anh Knightley nói:

- Đúng thật là như thế. Anh được chính Robert Martin thông báo. Anh ấy vừa từ giã anh nửa giờ trước.

Cô vẫn nhìn anh trong vẻ kinh ngạc.

- Emma của anh, như anh đã e ngại, em không vui lắm về chuyện này. Anh mong hai ta nghĩ giống nhau. Theo thời gian phải là thế. Em phải tin là theo thời gian một trong hai ta sẽ nghĩ không đi, còn lúc này ta không nên nói nhiều về chuyện đó.

Cô cố trấn tĩnh:

- Anh đã hiểu lầm em. Không phải em không vui về chuyện đó, chỉ là vì em thấy khó tin. Có vẻ như chuyện này không thể xảy ra được. Hẳn anh không có ý nói Harriet Smith đã chấp nhận Robert Martin. Hẳn anh không có y nói anh đã cầu hôn lần nữa. Chắc anh chỉ nói anh ấy dự định cầu hôn.

Anh Knightley mỉm cười và trả lời rành mạch:

- Ý anh nói anh ấy đã cầu hôn và được chấp thuận.

Cô thốt lên:

- Trời đất!

Rồi cô cúi xuống chiếc giỏ của mình đang đan để có lý do giấu giếm mọi vẻ vui mừng mà cô biết đã lộ ra trên mặt mình. Cô thêm:

- Bây giờ anh cho em rõ mọi chuyện, nói sao cho dễ hiểu. Làm thế nào, ở đâu, lúc nào. Xin cho em biết tất cả. Em chưa từng ngạc nhiên như thế này, nhưng không phải vì thế mà em không vui. Anh hãy tin em…làm thế nào…làm thế nào chuyện này xảy ra được?

- Chuyện đơn giản thôi. Ba ngày trước anh ấy đến London, rồi anh nhờ anh ấy lo giùm ít giấy tờ mà anh cần để gửi cho John. Anh ấy mang giấy tờ đến cho John và được mời dự buổi diễn ở Astley. Họ dắt theo hai đứa con trai đầu đi đến Astley. Đi cùng nhau gồm có anh và chị dâu của anh, Henry, John, và cô Smith. Anh bạn Robert của anh không thể cưỡng nổi lại lời mời. Rồi em trai anh mời anh ấy đến dùng bữa vào tối hôm sau, anh ấy nhận lời. Theo anh hiểu, trong buổi tối ấy anh chàng tìm cơ hội để cầu hôn với Harriet, và đã được toại nguyện. Khi chấp nhận anh ấy, cô đã làm cho anh ấy vô cùng hạnh phúc một cách xứng đáng. Anh ấy đến gặp anh sáng nay để thông báo. Đấy là tất cả làm thế nào, ở đâu , lúc nào mà anh có thể kể lại. Bạn em Harriet sẽ kể nhiều hơn khi gặp em. Cô ấy sẽ kể tất cả chi tiết mà chỉ có ngôn từ của phụ nữ mới kể sống động được. Bọn anh chỉ trao đổi với nhau những điểm chính. Tuy nhiên, anh cần thêm rằng con tim Robert Martin có vẻ chan chứa đối với anh ấy và đối với anh rằng anh ấy nói - tuy không có mục đích gì - là khi rời Astley, em trai anh chăm sóc chị John Knightley cùng bé John còn anh ấy đi theo Smith và Henry, rằng có lúc cô Smith tỏ vẻ ngượng ngập trong nhóm đông người như thế.

Anh ngừng lại. Emma không dám cố trả lời tức thì. Nếu cất tiếng thì cô sẽ tỏ lộ mức độ vui mừng một cách quá đáng. Cô phải chờ một lúc, kẻo anh cho là cô đã phát điên.

Anh lo lắng vì cô im lặng, và sau khi quan sát cô một lúc, anh thêm:

- Em yêu của anh, em đã nói không buồn về chuyện này, nhưng anh e đã làm em đau khổ hơn là anh nghĩ. Vị thế của anh ấy không được khá, nhưng em nên xét xem cô bạn của em được thoả nguyện như thế nào. Khi em biết rõ hơn về anh ấy, anh sẽ phân tích thêm về những suy tư của em. Em sẽ hài lòng về ý thức tốt và những phép tắc đúng đắn của anh ấy. Em không thể mong cô ấy có được vòng tay nào bảo bọc tốt hơn nữa. Anh có thể giúp nâng vị thế của anh ấy trong xã hội, và anh mong em tin rằng đấy sẽ là vị thế khá. Em đã cười cợt với anh về William Larkins, nhưng Robert Martin thì không như thế.

anh muốn cô nhìn lên và cười với anh.

bây giờ đã định thần được để không phải toét miệng cười quá rộng, cô nhìn lên, vui vẻ trả lời:

- Anh không cần phải cố công thuyết phục em về cuộc hôn phối ấy. Em cho là Harriet quyết định rất đúng. Gia thế của cô ấy còn có thể thấp hơn so với anh ấy. Còn về tư cách, em tin chắc cả hai đều có tư cách tốt. Em im lặng chỉ vì em quá ngạc nhiên. Anh không mường tượng được chuyện này là bất ngờ đối với em như thế nào! bởi vì em có lý do mà tin rằng ngay lúc gần đây Harriet còn có ác cảm với anh ấy, còn hơn là lúc trước.

Anh Knightley nói:

- Hẳn em hiểu bạn em rõ nhất ,nhưng anh phải nói cô ấy là người con gái thuỳ mị, hiền hậu , chắc không thể quyết liệt có ác cảm với người đã nói yêu mình.

Emma không thể nín cười, trả lời:

- Em tin anh hiểu rõ cô ấy nhất. Nhưng, anh Knightley à, anh có tin chắc cô ấy toàn tâm chấp nhận không? Em nghĩ dần dà cô ấy sẽ chấp nhận, nhưng liệu cô đã chấp nhận chưa? Anh có hiểu lầm anh ấy không? Cả hai anh đều nói về những chuyện khác, công việc, những hội chợ bò, hoặc những lễ hội diễn tập mới, và có thể nào khi bàn nhiều việc anh bị nhầm lẫn không? Có thể anh ấy không nói về con tim và tâm tính Harriet, mà về bò con thuộc dòng nổi tiếng.

Sự tương phản giữa dáng vẻ của anh Knightley và Robert Martin hiện ra rõ ràng trong ý nghĩ của Emma, và cô cũng hồi tưởng rõ ràng những gì đã xảy ra cho Harriet, những lời nói nhấn mạnh ấy như mới gần đây "Không, em hiểu phải làm gì tốt hơn là quan tâm đến anh Martin". Vì thế cô mong nghe tin chứng tỏ chuyện này là quá sớm.

Anh Knightley thốt lên:

- Em dám nói thế à? Em dám cho anh là kẻ ngu xuẩn đến nỗi không biết một người đàn ông nói gì haysao? Em mong mỏi gì?

- Em luôn mong mỏi sự suy luận tốt nhất bởi vì em không bao giờ chấp nhận cách suy luận nào khác. Vì thế, anh phải cho em câu trả lời rành mạch, đi vào vấn đề. Anh có chắc chắn anh hiểu những gì anh Martin và Harriet đồng ý với nhau không?

Anh nói một cách rành mạch:

- Anh nghe rõ anh ấy nói Harriet đã chấp nhận. Ngôn từ anh ấy không có gì là mập mờ, không có gì là hồ nghi.anh nghĩ anh có thể cho em bằng cứ. Anh ấy hỏi ý kiến anh bây giờ phải làm gì. Anh ấy không quen biết ai ngoại trừ bà Goddard, là người mà anh ấy dọ hỏi về thân nhân hoặc người quen biết của cô ấy. Liệu anh có thể cho ý kiến thay vì hỏi bà Goddard không nhỉ? Anh nói nah không biết. Rồi anh ấy nói hôm nay sẽ đến tìm bà Goddard.

Emma nở nụ cười rất tươi:

- Em hoàn toàn mãn nguyện và thành thật chúc mừng hạnh phúc hai người.

- Em đã thay đổi nhiều từ lúc ta trao đổi chuyện này trước đây.

- Em mong thế vì lúc đó em là kẻ ngu ngốc.

- Anh cũng đã thay đổi, vì bây giờ anh sẵn lòng đồng ý với em về tất cả những đức tính của Harriet. Anh đã cất công vì em và vì Robert Martin mà tìm hiểu về cô ấy. Anh thường trao đổi với cô ấy rất nhiều. Giá như em được thấy anh đã làm những gì. Thật ra, đôi lúc anh cho là em đang nghi anh nói xấu Martin. Không bao giờ thế đâu, nhưng theo những gì quan sát, anh tin cô ấy là người chân chất, dễ thương , sống theo phép tắc đúng mực, muốn đặt hạnh phúc nơi tình yêu và cuộc sống lứa đôi. Anh nghĩ cô ấy nên cảm ơn em về những tố chất này.

Emma lắc đầu thốt lên:

- Em! Chao ôi! Harriet tội nghiệp!

Nhưng cô nghiêm mặt lại để âm thầm hài lòng với lời ca ngợi quá đáng.

Một lúc sau, câu chuyện giữa hai người bị gián đoạn vì ông bố cô bước vào. Cô không lấy làm tiếc. Cô muốn được một mình. Đầu óc cô chứa đầy những ý nghĩ kích động và ngạc nhiên khiến cô khó tĩnh tâm. Cô như là đang nhảy múa, ca hát, nói cười. Sau khi đã đi vòng quanh, nói với chính mình, cười cợt và suy nghĩ thì cô mới bình tâm trở lại.

Bố cô cho biết James đang lo ngựa xe để chuẩn bị cho chuyến đi hàng ngày đến Randalls, vì thế Emma có ngay lý do để tránh mặt.

Có thể hiểu được cô vui mừng và cảm kích đến mức nào. Nỗi băn khoăn đã tan biến, bây giờ cô có vấn đề là vui mừng quá đáng. Cô đòi hỏi gì? Cô không đòi hỏi gĩ cả, mà chỉ mong tỏ ra xứng đáng hơn với anh, người có những ý niệm và phán xét hơn hẳn cô. Cô không đòi hỏi gì cả, mà chỉ mong những bài học trong quá khứ dạy cho cô biết tỏ ra khiêm tốn và cẩn trọng trong tương lai.

Cô nghiêm túc, rất nghiêm túc với lòng biết ơn, và quyết tâm, tuy thế cô vẫn không ngăn tiếng cười. Cô phải cười với kết cục này! Quả là một kết cục hay cho năm tuần lễ thất vọng não nề! quả là con tim - quả là con người Harriet!

Bây giờ, Emma thấy vui đón chờ Harriet trở lại. Mọi việc đều làm cô vui. Sẽ là niềm vui được quen biết Robert Martin.

Niềm vui lớn lao nghiêm túc và thành tâm nhất là khi anh Knightley không còn phải giấu giếm nữa. Những hành động che đậy, lập lờ, bí ẩn mà cô không hề thích chẳng bao lâu sẽ qua đi. Bây giờ cô có thể ssa chia sẻ với mọi tâm tư theo đúng với tính khí của cô.

Trong tinh thần vô cùng phấn chấn, cô làm công tác tư tưởng với ông bố, không phải lúc nào cũng lắng nghe nhưng luôn luôn đồng ý với những gì ông nói, và dù trong khi cất tiếng hoặc im lặng cô đều khéo léo thuyết phục ông đi Randalls mỗi ngày, kẻo chị Weston tội nghiệp thất vọng.

Họ đi đến. Chị Weston một mình trong phòng gia đình nhưng chưa kịp nói nhiều về đứa bé, còn đang cảm ơn ông Woodhouse đã đến thăm, thì họ thoáng thấy hai bóng người đi qua gần cửa sổ.

Chị Weston nói:

- Đấy là Frank và cô Fairfax. Tôi định cho cô biết về nỗi ngạc nhiên thích thú của chúng tôi khi anh ấy đến sáng nay và ở lại cho đến ngày mai, và cô Fairfax đã được thuyết phục ở chơi với chúng tôi hôm nay. Hai người đang đi đến.

Trong vòng nửa phút, hai người bước vào phòng. Emma rất vui được gặp lại anh, nhưng có phần ngượng ngập - mỗi người đều có vài hoài niệm gây bối rối. Họ mỉm cười chào hỏi nhau, nhưng với ý thức riêng nên họ không nói nhiều. Sau khi mọi người ngồi xuống, có một khoảnh khắc tĩnh lặng đến nỗi Emma bắt đầu hồ nghi liệu có vui gì không mà mong ước gặp lại Frank Churchill cùng với Jane một lần. Tuy nhiên, khi có ông Woodhouse và đứa trẻ góp mặt, không khí trở nên sinh động.

Frank Churchill có can dảm và cơ hội để nói với Emma:

- Cô Woodhouse, tôi phải cám ơn cô vì ý tha thứ cô gửi qua thư của bà Weston. Tôi mong thời gian sẽ làm cho cô sẵn lòng xoá hẳn tội cho tôi. Tôi mong cô sẽ không rút lại an đã nói ra.

Emma vui vẻ nói:

- Không đâu. Tôi lấy làm vui được gặp lại, bắt tay anh và đích thân chúc mừng anh.

Anh cảm tạ cô với cả tấm lòng và tiếp tục trò chuyện cùng cô một lúc với cảm nghĩ tri ân và hạnh phúc.

Anh hướng mắt qua Jane:

- Cô ấy trông khoẻ mạnh, phải không? Khoẻ hơn lúc trước chứ nhỉ. Cô thấy cha tôi và bà Weston làm hư con bé như thế nào.

Rồi tinh thần anh phấn chấn trở lại, và sau khi nhắc đến việc nhà Campbell sẽ trở về, và với đôi mắt híp vì tươi cười anh nhắc đến cái tên Dixon.

Emma đỏ mặt, tỏ ý cấm anh nhắc đến tên này kẻo Jane nghe được. Cô nói:

- Tôi luôn xấu hổ vô cùng khi nghĩ đến chuyện này.

Anh đáp:

- Chính tôi mới xấu hổ. Nhưng có thể nào cô không nghi ngờ? ý tôi nói là sau này. Tôi biết trước đây thì không.

- Tôi không hề nghi ngờ gì cả. Anh hãy tin tôi.

- Quả là điều tuyệt vời. Có một lần tôi gần như …và tôi mong như thế …đáng lẽ còn tốt hơn. Nhưng dù cho tôi luôn làm chuyện sai trái, đấy là những chuyện rất sai trái và khiến tôi trở thành người không tốt …Nếu tôi không giữ kín mà nói cho cô biết thì tôi sẽ nhẹ tội hơn.

Emma nói:

- Bây giờ chuyện đó không đáng phải tiếc nuối nữa.

Anh tiếp:

- Tôi mong thuyết phục được ông bác tôi đi thăm Randalls, ông muốn được giới thiệu với của ấy. Khi nhà Campbell trở về, chúng tôi sẽ gặp họ ở London và tiếp tục ở đây cho đến khi tôi dẫn cô ấy về miền bắc. Nhưng bây giờ, giữa tôi và cô ấy còn có khoảng cách như thế này. Quả là khổ, phải không hả cô Woodhouse? Mãi đến sáng nay, chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày dàn hoà.

Emma tỏ lời cảm thương rất hiền hoà.

Với một ý nghĩ vui bất chợt nảy sinh, anh thốt lên:

- À! Nhân tiện - anh hạ thất giọng và lộ vẻ từ tốn - anh Knightley vẫn khoẻ chứ?

Anh ngưng lại. Emma cười, má ửng đỏ.

Anh tiếp:

- Tôi biết cô đã xem thư tôi, và tôi nghĩ cô hẳn còn nhớ đến lời chúc của tôi dành cho cô. Tôi xin chúc mừng cô lần nữa. Xin cô tin là tôi đã nghe báo tin với lòng quan tâm và mãn nguyện nồng hậu nhất. Anh ấy là người mà tôi biết chắc là mình khen ngợi đúng.

Emma cảm thấy vui mà muốn anh tiếp tục nói thêm theo chiều hướng này, nhưng trong khoảnh khắc kế tiếp, đầu óc anh chuyển qua chính anh và Jane. Anh nói:

- Trước đây cô đã từng thấy làn da như thế không? Thật là mịn màng, thật là thanh tú! Tuy thế, không phải thực sự là làn da trắng. Người ta không thể nói cô ấy có làn da trắng. Đấy là làn da thật khác thường, với lông mày và tóc đen - một làn da rất độc đáo. Một phụ nữ có thể làn da như thế qủa là kỳ lạ. Màu da vừa đủ đậm nhạt để tạo vẻ đẹp.

Emma trả lời một cách tinh quái:

- Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ làn da của cô ấy, nhưng liệu tôi có nhớ lúc nào anh nói đáng tiếc là làn da của cô ấy cần hồng lên một chút không nhỉ? Khi lần đầu chúng ta nói về cô ấy. Anh quên rồi sao?

- Ô, không! Tôi thật là trơ trẽn. Làm thế nào tôi dám…

Nhưng anh phá lên cười.

Emma nói:

- Tôi nghi là những khi anh hoang mang như thế, anh lấy làm vui mà lừa tất cả chúng tôi. Tôi tin anh đã làm thế. Tôi tin đấy là niềm anh ủi cho anh.

- Ô, không, không, không. Làm thế nào cô nghi tôi như thế! Lúc ấy tôi rất đau khổ

- Đau khổ thì ít mà bỡn cợt thì nhiều. Tôi tin đấy là nguồn vui đối với anh khi cho chúng tôi vào tròng. Có lẽ tôi có tính hồ nghi hơn những người khác, bởi vì nói thật với anh, tôi nghĩ hẳn đấy là trò bỡn cợt nếu là trong hoàn cảnh của tôi. Tôi nghĩ hai chúng ta giống nhau.

Anh cúi gầm mặt.

Với vẻ mặt có tri giác thực sự, Emma nói:

- Nếu không phải về tính nết thì hai chúng ta giốngnhau về định mệnh, định mệnh đã cột chúng ta với hai con người tốt hơn chúng ta.

Anh nồng nàn đáp:

- Đúng, đúng. Không, không đúng về phần cô . Cô không có ai tốt hơn , nhưng đối với tôi thì đúng. Cô ấy là một thiên thần toàn vẹn. Hãy nhìn cô ấy xem, có phải cô ấy là một thiên thần trong mọi dáng vẻ không ? Cô hãy quan sát vòng cổ cô ấy. Cô hãy quan sát đôi mắt cô ấy khi nhìn lên bố tôi. Cô sẽ vui mà nghe - anh nghiêng đầu và nghiêm túc thầm thì - ông bác tôi định tặng cho cô ấy tất cả nữ trang của bà bác tôi. Toàn là bộ mới. Tôi định đặt làm một món cài tóc cho cô ấy. Liệu mái tóc huyền của cô ấy càng đẹp thêm lên không?

Emma đáp:

- Đúng là đẹp.

Cô nói một cách hiền hoà đến nỗi anh thốt lên:

- Quả là vui được gặp lại cô ! và được nhìn cô trong dáng vẻ tuyệt trần như thế này! Tôi sẵn sang đánh đổi tất cả cho cuộc gặp gỡ này. Chắc chắn tôi phải đi thăm Hartfield nếu cô không đến đây.

Ba người kia đang trao đổi về đứa bé. Chị Weston đang thuật lại chút lo lắng đêm nào, khi đứa bé cv không được khoẻ. Chị cho là mình điên rồ, nhưng chị thực sự lo lắng, suýt muốn cho mời ông Perry đến. Có lẽ chị phải xấu hổ nhưng ông Weston cũng bất an như chị. Tuy nhiên,sau mười phút đứa trẻ khoẻ mạnh trở lại. Ông Woodhouse quan ngại lắng nghe rồi khen chị đã nghĩ đến việc cho đi mời ông Perry, và tiếc là chị đã bỏ ý định. Ông nói nếu đứa bé dù có dấu hiệu đau yêu trong phút chốc vẫn nên cho mời ông Perry. Chị đừng cho là mình lo lắng quá mức, và đừng ngại phải cho mời ông Perry thường xuyên. Dù đứa bé hiện giờ khoẻ mạnh, có lẽ nếu ông Perry đến tối qua đứa bé càng khoẻ hơn.’

Frank Churchill nghe được cái tên. Anh nói với Emma và nhìn sang Fairfax:

- Perry! Ông bạn Perry của tôi ! họ đang nói gì về ông Perry? Sáng nay ông ấy có đến đây không ? Ông ấy đi bằng cách nào? Ông đã mua được cỗ xe chưa?

Emma nhớ ra và hiểu ý anh. Trong khi cô cùng cười với anh, vẻ mặt Jane cho thấy cô đã nghe anh nói tuy giả vờ làm lơ.

Anh nói :

- Quả là một giấc mơ kỳ lạ! mỗi lần nghĩ đến chuyện này là tôi cứ cười. Cô Woodhouse, cô đã nghe chúng ta. Cô ấy nghe được. Tôi biết qua đôi má, nụ cười và cái nhíu mày của cô ấy. Cô hãy nhìn cô ấy xem. Vào lúc này, lá thư của cô ấy đang trải ra trước mắt cô ấy - đến nỗi cô ấy không chú ý đến việc gì khác, dù đang giả vờ nghe hai người kia, cô có thấy không?

Jane không thể nhịn cười, rồi quay sang anh nói với giọng nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng:

- Em lấy làm lạ làm thế nào anh còn nhớ chuyện như thế! Đôi lúc họ sẽ xới lên lai. Để xem anh có thể chịu đựng họ ra sao!

Anh có nhiều điều để nói thêm, nhưng cảm nghĩ của Emma đang hướng về Jane và cũng định chia tay Randalls. Vô hình trung cô có ý so sánh hai thanh niên. Dù được vui khi gặp lại Frank Churchill và xem anh như người bạn, cô càng cảm nhận thêm tư cách đáng quý của anh Knightley. Một ngày vui kết thúc trong niềm vui khi xác địnhchân giá trị của anh trong sự so sánh này.
 
Chương 19

Thỉnh thoảng Emma đã từng lo lắng cho Harriet, rồi đôi lúc ngỡ vực liệu cô bé có được nguôi ngoai trong tình yêu với anh Knightley hay không mà toàn tâm chấp nhận một người đàn ông khác . Giờ đây nghi vấn này lại hiện về trong tâm trí cô. Vài ngày sau khi Harriet từ London trở về, Emma có dịp trò chuyện khoảng một giờ với cô bé. Cô hoàn toàn thoả nguyện - tuy khó giải thích tại sao - là Robert Martin có đủ tư cách thay thế anh Knightley.

Harriet có phần đau khổ, lúc đầu có vẻ ngốc nghếch, nhưng một khi cô nhìn nhận mình đã quá tự tin và ngu xuẩn, nỗi đau của cô dần tan biến, không còn vướng bận về quá khứ nữa, chỉ có niềm hân hoan với hiện tại và tương lai. Khi biết Harriet đã toàn tâm chấp nhận, Emma lập tức hết cả e ngại, và tỏ lời nồng nhiệt chúc mừng cô bạn. Harriet vui vẻ kể lại mọi sự kiện về buổi tối đặc biệt ấy ở Astley và bữa ăn tối hôm sau. Nhưng những sự kiện ấy nói lên điều gì? Như Emma bây giờ nhìn nhận, sự thật là Harriet vẫn luôn yêu mến Robert Martin và không thể chối từ tình yêu trung kiên của anh. Ngoài ra, Emma không thể hiểu được những sự kiện khác .

Tuy thế Emma vẫn vui, và mỗi ngày cô có thêm lý do để vui thêm. Nhân thân của Harriet đã được tìm ra. Cô là con gái của một thương gia, có gia sản đủ giàu để giúp cô bé có cuộc sống thoải mái, và có tư cách đủ tốt để không muốn khoe của. Đấy là dòng dõi cao quý mà Emma sẵn sàng xác minh! Có lẽ dòng dõi của nhiều quý ông cũng chỉ được đến thế, nhưng quả là mối quan hệ mà Jane đã tạo dựng với anh Knigthley, hoặc với nhà Churchill, hoặc thậm chí với anh Elton! Vết nhơ của một người co nhoang vẫn sẽ là vết nhơ nếu không được gột rửa bj dòng dõi quý tộc hoặc gia sản giàu có.

Ông bố không phản đối gì, chàng trai được đối xử một cách thân tình. Robert Martin đã được giới thiệu đến Hartfield, và Emma hoàn toàn chấp nhận chân giá trị của anh vốn sẽ rất hứa hẹn cho cô bạn của cô. Cô tin chắc Harriet sẽ được hạnh phúc với bất kỳ người thanh niên hiền hoà nào. Huống chi đối với anh, hy vọng càng dâng cao về cuộc sống ổn định. Harriet sẽ sống giữa những người yêu mến cô, những người có tri giác cao hơn cô, trong cuộc sống ẩn dật vừa đủ để được an lành và bận bịu vừa đủ để vui thú. Cô sẽ không bao giờ bị dẫn dụ để sa chân, và không cô đơn để phải tự mình dò dẫm. Cô sẽ được kính trọng và hạnh phúc. Emma nhìn nhận cô bé là người may mắn nhất trần đời hoặc chỉ kém may mắn so với chính cô vì có một người yêu mình một cách chân thành và trung kiên.

Do bận bịu ở nhà Martin, Harriet lui tới Hartfield ít thường xuyên hơn, nhưng không ai trách cô . Sự thân thiết giữa cô và Emma phải kém đi, tình bạn giữa hai người phải biến đổi thành thiện ý. May mắn là những sự kiện chuyển biến này đã bắt đầu .

Trước những ngày cuối tháng chin, Emma hộ tống Harriet đi vào nhà thờ, cầm bàn tay cô bé giao cho Robert Martin trong sự mãn nguyện tột cùng mà không hoài niệm nào có thể ngáng trở - ngay cả hoài niệm về anh Elton, người đang hiện diện giữa họ\/ có lẽ vào lúc này cô không muốn nhìn thấy anh Elton, nhưng không thể chối bỏ anh bởi vì lần tới anh có thể chúc phúc cho cô ở bàn hành lễ. Trong số ba cặp tình nhân, Robert Martin và Harriet Smith là cặp đính ước sau cùng nhưng kết hôn trước nhất.

Jane Fairfax đã rời Highbury và trở về cuộc sống thoải mái ở nhà Campbell. Nhà ông Churchill cũng đến thành phố, và chỉ chờ cho đến tháng mười một.

Tháng trung gian là thời điểm được định cho Emma và anh Knightley - nếu hai người cả gan. Hai người đã định phải tiến hành hôn lễ trong thời gian John và Isabella còn lưu lại Hartfield, để có thể vắng nhà trong hai tháng mà đi hưởng trăng mật ở miền biển. John, Isabella và tất cả bằng hữu khác đều đồng ý với kế hoạch này. Nhưng ông Woodhouse - làm thế nào thuyết phục cho ông Woodhouse đồng ý? Chỉ nghĩ đến hôn lễ trong một ngày xa xôi.

Khi mới nghe qua kế hoạch, ông cảm thấy khổ sở đến nỗi mọi người đều tuyệt vọng. Một đợt những lời bóng gió kế tiếp giúp ông đỡ đau khổ. Ông bắt đầu nghĩ phải là như thế, và ông không thể ngáng trở. Đấy là bước hứa hẹn của một tâm tư đang có chiều hướng buông xuôi. Nhưng ông vẫn không được vui. Emma không đành nhìn thấy ông khổ sở, biết ông đang ngỡ mình bị bỏ rơi. Dù anh Knightley trấn an rằng một khi hôn lễ đã xong xuôi, nỗi khổ của ông sẽ qua đi, nhưng Emma vẫn do dự.

Trong tình hình gay cấn này, họ được trợ giúp không phải do tâm tư ông Woodhouse được sáng tỏ hơn hoặc do sự thayđổi tuyệt vời trong thần kinh của ông, mà vì thần kinh ông bị tác động theo cách khác. Một đêm nọ, tất cả gà tây nuôi trong chuồng của chị Weston bị mất trộm, hiển nhiên là do một chú đạo chích tài cao. Những chuồng gà trong vùng cũng chịu chung số phận. Khả năng bị mất trộm đột nhập vào nỗi lo sợ của ông Woodhouse. Ông cực kỳ bấn loạn, và nếu không nhờ con rể là John thì mỗi tối ông phải khổ sở vì lo âu. Nghị lực, tính cả quyết và điềm tĩnh của hai anh em Knightley giúp ông được yên tâm. Chỉ cần có một anh thì Heartfield cũng đủ an toàn. Nhưng vào tuần lễ đầu tháng mười một anh John Knightley phải quay về London.

Kết quả của cơn bấn loạn này là ông chấp nhận lời thỉnh cầu của Emma, trong tinh thần tự nguyện và vui vẻ vượt quá mức mong đợi của cô. Một tháng sau hôn lễ giữa vợ chồng Robert Martin, anh Elton được vời đến để chủ trì cho anh Knightley và cô Woodhouse.

Hôn lễ được cử hành giống như bao hôn lễ khác, khi những người tham dự không màng đến phô trương. Theo lời kể của anh chồng, cô Elton nghĩ hôn lễ quá luộm thuộm, kém hẳn hôn lễ của cô . "Rất ít trang phục satin trắng, rất ít khăn voan viền đăng ten, khung cảnh thật là thảm hại! Selina hẳn sẽ tròn mắt khi nghe kể".

Mặc cho những khiếm khuyết ấy, một nhóm nhỏ gồm những người thật sự thân thương đến chứng kiến đều được thoả nguyện đối với những ước mong, hy vọng và tin tưởng trong hạnh phúc toàn vẹn của cuộc hôn phối.
Hết
 
×
Quay lại
Top