Đường hai ngã người thương thành lạ - Anh Khang

Shira_ShinRan_1999

Live
Thành viên thân thiết
Tham gia
10/4/2013
Bài viết
473
Đường hai ngã người thương thành lạ
Tác giả : Anh Khang
Nguồn: https://kenhtruyen.com/forum/4-6213#ixzz2qWZ4tcLC

duong-hai-nga-nguoi-thuong-thanh-la_2.jpg


Lãng mạn, tha thiết, đẹp và buồn là cảm giác chung khi chạm tay vào tập truyện. Nỗi buồn trên trang viết của Anh Khang cũng là thứ cảm xúc không thể thiếu của mỗi con người khi chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống.

Lời mở đầu

Nếu như với Ngày trôi về phía cũ, Khang kể chuyện chính mình để nói thay lòng những người đồng cảnh ngộ, thì với tập truyện ngắn lần này, Khang lại kể chuyện của thiên hạ để nói hộ lòng mình. Và dù là chuyện người hay chuyện mình, thì đều là những... chuyện buồn của những mối tình lưng chừng giữa níu kéo - bỏ buông.

Lãng mạn, tha thiết, đẹp và buồn là cảm giác chung khi chạm tay vào tập truyện ngắn. Anh Khang là vậy, các trang viết của tác giả trẻ này luôn mang một nỗi buồn vương vất.

11 truyện ngắn, 11 câu chuyện về chia ly. Tên từng tác phẩm đã nói lên điều đó: Những ngón tay không còn đan chặt nữa, Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh, Em biết làm gì với ngần ấy nhớ thương? Tình yêu Nhật thực, Ba lần là Duyên - Ba người là Nghiệp, Lỗi hẹn với Thiên đàng...

Đường Hai Ngả Người Thương Thành Lạ

Và sự chia ly có nhiều lý do lắm.

Đó có thể là lúc An nhận ra cô và anh “Những ngón tay không còn đan chặt nữa” và cũng chẳng vừa khít bao giờ. Vì trên ngón tay áp út của người đàn ông cô thương là chiếc nhẫn cưới choán gần hết chỗ cho ngón út nhỏ nhoi của cô có thể nép vào. Bởi vì “ngay từ khi bắt đầu, cả hai đều hiểu sự gặp gỡ của họ là một sai lầm của duyên phận. Anh đã có gia đình, một chốn bình yên ấm êm và hoàn chỉnh, một ngôi nhà không có bất kỳ sai số nào trong bản vẽ công trình – ngoại trừ sự xuất hiện của cô”. Trong vòng tay của chồng - người - ta, An tự giăng mắc mình trong một mớ hỗn độn của một kẻ tự mua dây buộc mình, thứ bình yên tạm bợ. Trước mặt cô là đoạn đường hun hút cho những nỗi đau cho một người đến sau đã muộn.

“Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh” là một cái kết buồn của nhân vật xưng Tôi và cô gái mang tên loài chim Thiên Di. Cuộc sống của Di là những chuyến đi. Cô ao ước một lần đắm mình trong hoàng hôn ở Giza – Nơi các Pharaoh chọn xây chốn yên nghỉ vĩnh hằng. Theo một tổ chức từ thiện, Di đi, để lại một người mà cảm xúc của anh chưa đủ gọi thành tên, chưa một lời yêu thương, chưa một lần tìm tay níu lại. “Đề tặng cho anh, cho lời hứa bất thành của tuổi trẻ hai đứa mình”... là lời đề tặng trên cuốn sách mà Di là tác giả. Cô viết để dành riêng cho anh.

Vội vã bay tới Giza nhưng anh không còn một lần nào được gặp Di nữa. Tro cốt của cô được người bạn rải trên dòng sông Nile để cô từ nay tự do giữa thung lũng Giza ngắm hoàng hôn vào mỗi buổi chiều.

Một viên đạn lạc trong một cuộc bạo động đã cướp tính mạng Di khi cô băng qua dòng người hỗn loạn để bế một em bé đang hoảng sợ. "Ngồi cạnh sông Nile lao xao nước chảy tôi chợt nhận ra: Hóa ra đau lòng nhất không phải là khi chúng ta bội ước quên hẹn, mà là khi lời hứa đã được làm tròn, còn tụi mình lại khuyết mất nhau. Nấc khẽ, tôi mấp máy môi, chỉ thốt được thành tiếng gọi: 'Di ơi!' ”.
 
Lời tựa
Thay lời tựa: Đường không nhau làm sao bước tiếp


Đôi lúc tôi nghĩ, muốn hiểu về tình yêu, hãy cứ nhìn vào những con đường. Đường sáng sớm tinh mơ, trong lành và khôi nguyên như lòng son trẻ mới bước vào yêu. Đường chiều giờ tan tầm, chen chúc bôn bề như hai kẻ độc hành phải vượt qua đủ mọi ngột ngạt để kiếm tìm và giữ lấy nhau. Đường đại lộ thênh thang của tình nhân những ngày mở rộng lòng đón yêu thương xứng đáng nhất. Đường đêm vắng dịu dàng bình yên như đôi lứa bạc đầu tựa vai nhau bước qua những ngọn đèn vàng vọt theo tháng năm.

Và đường một chiều như tình yêu đã cũ. Khi bước qua rồi không còn cách nào quay trở lại.Có ngoái đầu trăm lần cũng chỉ thấy một đoạn tình bất khả vãn hồi. Đoạn đường và đoạn tình, vì lẽ đó mà giống nhau đến lạ.

Giữa điểm đi và điểm đến là quãng đường. Còn giữa chia ly và gặp lại, là cả một quãng đời. Đường đi dẫu dài nhưng bước hoài rồi cũng tới nơi, nhưng ta phải sống thêm bao nhiêu cuộc đời mới đợi được người trở lại?

Câu trả lời đối với một số người, có lẽ là không bao giờ, bởi có một số mối quan hệ mà một khi đã quay lưng lại với nhau thì không thể nào cứu vãn. Đơn giản vì chữ Duyên là một thứ có hạn kỳ. Mà duyên giữa người với người lại càng chóng cạn, chẳng biết níu giữ bằng cách gì khi lòng đã muốn ra đi. Cái giá cho một lần quay lưng, đôi khi phải trả bằng cả đời đơn độc và lem nhem trong tối. Chuyện cũ như khói. Một lần quay lưng, phủi tay xua mất. Người đi thản nhiên chối bỏ. Chỉ còn thương nhớ vẫn nhẫn nại hồi sinh.

Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng đôi lần bước chung đường với một người thương ngắn ngủi, rồi rẽ về hai hướng khác nhau. Để rồi một ngày bất giác quay đầu lại, thấy con đường một chiều dẫn ngược về thương nhớ cũ hiện ra và miền ký ức thấp thoáng phía xa như đang nối gần tất cả. Đường xa vẫn đó - dẫu đề biển cấm quay ngược, dẫu khó về thăm một lần - nhưng còn gần trong tiềm thức. Còn người, một khi đã đi xa rồi, thì sẽ là xa mãi, chỉ hai đầu nỗi nhớ kéo dài thêm.

Chỉ một con người, chỉ một con đường, mà nhớ nhung dai dẳng đến tận nhiều năm sau đó. Ta dây dưa mất cả một đời. Người đang tâm bước qua một thời.

Ai cũng có một thời trẻ dại - vâng, vì trẻ nên dại!

Ây vậy mà nếu được trở lại, vẫn sẽ chọn lựa nguyên vẹn những ngộ nhận ngày xưa. Y hệt như mình đã từng. Không phải vì cố chấp với nỗi buồn hay kiên chịu với sai lầm, mà bởi vì ai trong cuộc đời rồi cũng sẽ làm tổn thương ta, quan trọng ta phải biết ai là người-xứng-đáng để mình cam tâm nhận về nỗi đau ấy. Vì nếu không có thứ cảm xúc hao hao yêu thương đó, không có một người để mình lầm tưởng là-duy-nhất đó, thì làm sao chúng ta biết được mình đã có những ngày-từng-trẻ và trong lành như những cơn mưa đầu mùa năm ấy?

Ít ra sau này, nhớ về khoảng thời thanh xuân, cũng có thể mỉm cười: Tôi đã sai, tôi đã từ bỏ, tôi đã can đảm bước qua, nhưng chưa bao giờ tôi hối tiếc - dẫu người bây giờ xa lạ hơn cả mây trời sau mưa rơi tan thành nước xuôi dòng vào bể lớn.

Rồi sẽ có những buổi chiều, chúng ta đứng bên hiên nhà, nhìn cơn mưa đi qua và nhận ra có những điều thiết tha đến mấy cuối cùng cũng chỉ như cơn-mưa-đi-qua. Nghĩa là ướt mèm đó, là lạnh cóng đó, là lê thê hy vọng đó, nhưng rồi ngớt mưa, khô người, bạn bước ra, trời ráo hoảnh. Mua qua là hết, người qua là lạ. Đến cả yêu thương từng ngỡ là duy nhất rốt cục trở thành dửng dưng cạn cợt như vũng nước đọng lấp xấp vỉa hè, vô tình ai đó đi ngang giẫm vội khiến văng tung tóe, chỉ đổi lại vài cái cau mặt, lắc đầu và vẫy tay phủi nước. Tuyệt nhiên, nó không thể làm bạn ướt người yếu lòng thêm một lần nào nữa. Không-bao-giờ.

Khi cơn mưa đi qua. Những xót xa lẫn thiết tha, đều tan thành nước loãng, nhạt thếch, trôi ra biển cả.

Nhưng những ngày từng trẻ đó, tôi đó, người đó, dù sao, cũng cảm ơn một nỗi xao lòng.

Anh Khang - 2013
 
Truyện 1
Những ngón tay không còn đan chặt nữa


Thật ra tất cả chúng ta đều chỉ có một mình và cái nắm tay bền chặt nhất không sợ buông rời là tự nắm lấy tay mình. Không bao giờ là quá muộn để học cách tay trái cưu mang tay phải, còn hơn cả hai tay đều chỏng chơ vì níu kéo sai một bàn tay không thể thuộc về.
Nhớ cho rằng, gặp nhau ở một thời điểm sai lầm, nên điều đúng đắn duy nhất có thể làm là lãng quên. Đừng để yêu thương đến cùng đường lại trở ngược thành vết thương!

“Biển sóng biển sóng đừng xô tôi

Đừng cho tôi thấy hết tim người…”

(Sóng về đâu – Trịnh Công Sơn)



Nắng lóa mắt. Nước biển hắt lên một màu chói gắt đến ong ong cả đầu. An lê từng bước uể oải trên mặt nước lấp xấp ngang mắt cá, để mặc cho cát và nước biển trôi tuột qua kẽ chân, như xoa dịu gót Achilles đã mệt nhoài của mình. Chiếc headphone vẫn lởn vởn những giai điệu khắc khoải của bản nhạc quen thuộc. Mà thật sự cô cũng chẳng phân biệt được giữa không gian này đâu là tiếng nhạc, tiếng sóng hay tiếng lòng?

Điện thoại vang lên, cắt ngang mọi tiếng động thừa thãi. An thở dài, vì biết chắc là anh đang gọi.

- Em đi dọc bãi biển một chút. Từ lúc tời đây chưa bước xuống biển nữa… – Cô vội nói trước khi đầu dây kia lên tiếng, cố giữ giọng mình bình thản nhất.

- Giữa trưa nắng chang chang, em coi chừng cảm đó! – Anh nhẹ giọng dặn dò, vì đủ hiểu cá tính của An, lúc này có nói gì cũng chẳng thể bắt cô trở lại phòng.



An cúp máy, buông thõng người xuống làn nước xanh ngắt, thảng hoặc thấy mình thuộc về một nơi nào đó xa lắc lơ. Cứ ngồi thế này sẽ say nắng rồi bệnh cho coi, cô tự nhủ, xong bật cười. Cơn say nắng khiến cô chếnh choáng nhất hiện tại đang chờ cô trên phòng, sá gì chút nắng biển ngoài đây. Thật ra, An cũng chẳng phải tuýp người lãng mạn để thả bộ dọc bờ biển giữa cái nắng hầm hập này, chỉ là cô không muốn cả hai gần nhau khi điện thoại anh đang bận bịu với số máy quen thuộc. Thấy anh ngại ngùng khiên cưỡng, còn bản thân mình cũng rối bời, An lẳng lặng rời phòng, lê từng bước nặng nhọc xuống những bậc thang đá dẫn lối ra biển. Dù gì cũng đang ở một nơi được gọi là “Thiên đường nghỉ dưỡng” – tội gì không tận hưởng. Ừ thì, thiên đường – An tặc lưỡi mỉa mai.

Cô và anh đang ở đâu đó trên một hòn đảo nằm trong lòng vịnh Vân Phong, cách Nha Trang chừng trăm cây số. Biển một bên và núi một bên, chỉ con người tự thấy mình bé mọn. Làn nước trong vắt như nước mắt của lần yêu thứ nhất cứ làm An mê mẩn đưa tay vốc từng ngụm mát lạnh phả lên mặt để tỉnh trí. Đang mải miết khỏa nước, bỗng một bàn tay từ sau níu lấy tay cô, xốc ngược cô đứng dậy khỏi mặt biển sóng sánh trầm tư kia.

- Nghịch nước đủ rồi cô nương, lát nữa cảm lạnh là từ du lịch nghỉ dưỡng thành dưỡng thương luôn đó. Đợi chiều tắt nắng rồi xuống tắm tiếp… – Vừa nói anh vừa nắm chặt tay An, kéo cô trở ngược về phòng, Những ngón tay rắn rỏi của anh đan lấy bàn tay gầy mảnh mai của An như một sự bảo bọc thân thương. Nhưng rồi bất giác cô nhận ra, đan tay là thế nhưng chẳng khít vừa bao giờ, vì ngay trên ngón tay áp út của anh là chiếc nhẫn cưới đã choáng hết chỗ cho ngón út nhỏ nhoi của cô có thể nép vào.

Ngay từ khi bắt đầu, cả hai đều hiểu sự gặp gỡ của họ là một sai lầm của duyên phận. Anh đã có gia đình – một chốn bình yên êm ấm và hoàn chỉnh, một ngôi nhà không có bất kỳ sai số nào trong bản vẽ công trình – ngoại trừ sự xuất hiện của cô.



Lần đầu tiên gặp anh, An đã bật cười khi thấy vị khách trẻ vào shop hoa tươi để tìm mua hoa hồng tím. Sao sến dữ vậy trời, An thầm nghĩ, xong cố lấy lại vẻ chuyên nghiệp của một cô chủ, cô bảo:

- Hồng tím thường dùng cắm hoa trang trí hơn là bó lại để tặng cho người yêu anh à.

- Vậy mà mấy cô bạn đồng nghiệp cứ dặn nhớ chọn hồng tím cho hợp với kỷ niệm ngày cưới. Kiểu như tím mới là màu chung thủy. Mà ở đâu ra người ta cứ hay gán ghép ý nghĩa cho màu sắc vậy ha? – Anh nhe răng cười rồi nhún vai.

Sau vài câu trò chuyện xã giao về gia đình đang có và đứa con nhỏ xinh xắn anh luôn mang theo hình bên mình, anh nhờ cô chọn giúp hoa cho ngày kỷ niệm tặng vợ. An tròn xoe mắt lắng nghe câu chuyện rồi mỉm cười cho hạnh phúc của một người xa lạ lần đầu gặp mặt, xong không hề chần chừ, cô chọn ngay cẩm chướng và huệ chuông. Đây đều là những loại hoa mà các cặp vợ chồng trẻ thường tặng nhau những năm đầu sau khi cưới, có lẽ vì sự khắng khít của những cánh hoa chuông li ti cạnh nhau và màu hồng lẫn đều trong sắc trắng của cẩm chướng nói lên được sự hòa hợp đến viên mãn. Anh không quên nở một nụ cười cảm kích khi ôm bó hoa ra về và lịch sự hẹn ngày gặp lại để thỉnh giáo thêm kiến thức hoa cỏ cùng cô chủ.

Cũng từ ngày đó, vợ anh bắt đầu nhận được những bó hoa đều đặn như một thói quen mỗi khi anh đi làm về. Và An, có thêm một khách quen luôn đến shop chọn hoa để nghe cô thao thao bất tuyệt về ý nghĩa trong từng màu sắc, hương thơm của mỗi loại “thực vật có nhan sắc” này – như một cách anh ví von.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, hoa thì quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy loại, anh và cô bắt đầu hết bàn chuyện hoa lá, mà chuyển sáng kể nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ vậy An mới biết anh chàng lịch thiệp nhưng không kém phần hài hước kia hóa ra lại là một đồng môn trường Luật trước cô vài niên khóa, hiện đang phụ trách pháp lý cho một quỹ đầu tư phi chính phủ. Còn anh, cũng biết cô chủ shop hoa tươi quyết định mở cửa tiệm vì bất đắc chí với giấy tờ kiện tụng đau đầu, muốn thực hiện ước mơ đi khắp châu Âu thời con gái mà bất khả chi phí nên đành nhìn những loài hoa để tưởng tượng ra phong vị đặc trưng của những đất nước chưa một lần đặt chân đến…

Hoa bách hợp kìa em! – Anh hào hứng nắm tay cô chạy đến khóm hoa ngay cạnh bậc thềm đá. Hèn chi nãy giờ đi dạo biển đêm cùng anh, cô cứ nghe thoang thoảng một mùi hương quen lắm mà chẳng gọi nổi tên, chắc bởi những suy nghĩ đang mông lung trong lòng.

- Anh vẫn còn nhớ em thích bách hợp à? – An khẽ cười khi đưa tay vuốt nhẹ những cánh hoa trắng còn lấm tấm vài hạt cát mà gió biển vương lại.

- Sao không nhớ cho được! Ngày xưa nói mãi bác bảo vệ mới chịu cho anh mượn chìa khóa để vô “làm loạn” trong tiệm mà… – Anh vừa cười vừa nhắc lại chuyện cũ, cái lần anh gọi cô hối hả giữa khuya chạy đến shop hoa, mở cửa ra thì thấy toàn hoa bách hợp giăng kín không gian đang tỏa hương nồng nực. Cả hai đứa được một phen “nín thở” bởi hàng trăm đóa hoa chen đầy trên kệ, chiếm hết ôxy trong căn shop nhỏ. Mà chắc cũng bởi khoảng cách rất gần của nhau lúc ấy khiến anh và cô cũng không muốn một tiếng động khẽ nào – dẫu chỉ một nhịp thở – làm tan mất. Mặc dù không ngừng cằn nhằn anh đã gây ô nhiễm trầm trọng cửa tiệm của mình nhưng lòng cô xốn xang vô chừng. Hóa ra những câu chuyện vô thưởng vô phạt hai đứa kể cho nhau nghe, anh để ý từng chi tiết. An nhớ ngày xưa, khi còn là cô học trò mê mẩn lịch sử của các nền văn minh xưa cũ, cô từng rất thích bách hợp vì những truyền thuyết được thêu dệt từ các vương triều suy thịnh của nước Pháp. Từ huy hiệu đến ấn tín hoàng gia đầu thế kỷ XIII đều đã chạm khắc hình hoa bách hợp và trên tranh vẽ thời bấy giờ cũng kể lại câu chuyện các thiên sứ xuống trần dâng loài hoa này cho bậc đế vương. Một lý do nữa khiến cô thích bách hợp là vì sự lặng lẽ của nó, chỉ tỏa hương về đêm và chỉ những ai lắng lòng nhất chờ đến thời khắc ấy mới nghe được hết mùi hoa vừa nồng vừa dịu, vừa thanh vừa gắt này.

- Chắc là tâm trí đang lơ lửng bên trời Âu với hoa cỏ rồi phải không? – Anh cắt ngang suy nghĩ của cô bằng câu nói đùa như đoán hết tâm ý.

- Phải mà trí tưởng tượng thành sự thật thì chắc em đã mở hãng hàng không xuyên Thái dương hệ. Cứ suốt ngày toàn mơ mộng đâu đâu, anh ha! – An cười lém lỉnh, cố lảng tránh câu hỏi của anh.

Anh xoa hai bàn tay mình vào tay cô, nheo mắt bảo:

- Nếu có mơ mộng thì sẵn tiện mơ giùm anh củi lửa để sưởi ấm ngoài này còn có lý hơn. Tay em lạnh ngắt rồi nè.

An để tay mình nhỏ bé trong lòng bàn tay anh, cảm nhận rõ hơi ấm từ những ngón tay len lỏi qua cánh tay, lan đến bờ vai gầy rồi chạy thẳng vào lồng ngực. Thấy lòng nhẹ tênh và cảm giác được bao bọc, cô nhắm mắt để mặc gió đêm xõa tung từng lọn tóc mình bay về phía biển. Hơi mát lẫn vị mặn của miền duyên hải phớt nhẹ trên môi. Chợt, cô quay sang nhìn anh hỏi:

- Anh biết cách tốt nhất để bớt lạnh là sao không?

Chưa đợi anh kịp trả lời, An đã vùng tay khỏi anh, chạy òa vào mặt biển đêm trước mặt.

- Cứ xuống biển để quen dần với nơi lạnh nhất thì sẽ không còn thấy những cơn lạnh trên bờ thấm thía gì nữa… – Cô trầm người vào lòng nước đêm lặng như tờ, thấy hơi lạnh phả qua chiếc áo mỏng tang, thấm vào từng thớ thịt, buốt đến từng tế bào tri giác. Những mơ hồ mông lung trong An dần được tỉnh táo lại.

Vuốt tóc đang phủ ướt hai bên gò má, cô thấy anh đang vội vã băng xuống nước. Hành động đầu tiên anh làm khi biển đêm bao quanh lấy mình là tìm nắm tay cô kéo sát vào lòng. Anh lắc đầu: “Lâu lâu em lại nghĩ ra những trò hết nói nổi!”

Hai th.ân thể ướt nhẹp quần áo ghì chặt vào nhau, vai sát vai, môi sát môi. Đúng thật là chẳng còn thấy lạnh nữa vì thân nhiệt hai đứa lúc này chắc đủ khiến cả vùng biển Vân Phong thành suối nước nóng. Đêm giăng kín quanh người. Vừa hay là tối này không trăng, cô khẽ đón nhận nụ hôn từ anh không một chút ngại ngần hay lo sợ thứ ánh sáng mê mị trên cao vạch trần sự vụng trộm của mình.

- Coi như nhờ em mà anh làm giàu thêm cho tiệm bán điện thoại – Anh vừa nói vừa cầm máy sấy tóc hong khô chiếc phone đã nằm trơ không tín hiệu. Thấy cô buồn hiu như thể biết mình vừa kéo anh vào một rắc rối không đáng có, anh tiếp tục trêu đùa: “Lưu ý cần nhớ khi đi biển cùng em. Thứ nhất: luôn mặc sẵn đồ bơi. Thứ hai: nhớ để điện thoại trên bờ.” Nhìn thì ra vẻ bông đùa bất cần, nhưng An đủ hiểu người đàn ông đầy trách nhiệm gia đình trong anh đang nghĩ gì.

- Anh lắp sim-card vào phone của em xài tạm đi, dì gì cũng chẳng ai gọi em trong những ngày này! – An đưa điện thoại của mình cho anh, xong lơ đễnh cuộn mình trong chăn, cố khép chặt mắt để không một nỗi tủi thân nào kịp chực trào ra. Cô đã quá quen với cảnh sống một mình, nhiều khi cả tuần điện thoại chẳng buồn reo. Gia đình ở quá xa, bạn bè cũng chẳng có bởi cô không phải tuýp người của giao thiệp xã hội, chỉ suốt ngày quanh quẩn bên hoa cỏ. Nếu không có sự xuất hiện của anh chắc tuổi xuân của cô cũng chỉ đem trưng cho đẹp tiệm rồi héo rũ theo thời gian. Nhưng hết thảy, An yêu anh không phải vì cần một người bên cạnh cho bớt tủi thân – bởi ở lâu một mình, cô cũng đã quen với những trống trải thường nhật. Chỉ là người đàn ông này mang đến cho An cảm giác được là một người phụ nữ trọn vẹn, dù cho tình yêu anh dành cho cô tất yếu đã phải san sẻ. Nhưng trong cuộc tình này, cô không cần đến danh phận thì cần chi so đo được mất ít nhiều, chỉ cần lòng mình thấy đủ đầy với yêu thương này là sẽ chấp nhận thứ hạnh phúc lưng chừng chẳng mảy may mặc cả. Có điều, ngay từ khi bắt đầu, anh và cô đều hiểu họ đã chọn một con đường quá ngắn để có thể đi cùng nhau đến lâu dài.

Gió biển len vào phòng chẳng hiểu bằng ngõ nào. An co mình vô thức trong vòng tay rộng của chồng-người-ta. Đôi lúc An nghĩ giá mà những yêu thương này là có lý do, để cô thôi tự giăng mắc mình trong mớ hỗn độn nỗi buồn của kẻ mua dây buộc mình – mà chưa chắc là dây tơ hồng cho cam. Thứ bình yên khi cô và anh ở bên nhau lúc này, thật ra lí trí đủ hiểu chỉ là tạm bợ, dựa vào chỉ thêm lung lay chứ chẳng tựa vững được lâu dài. Vậy mà trái tim cứ cố chấp với tới gần nhau, để bây giờ trước mặt là đoạn đường hun hút của những nỗi đau cho một người đến sau đã muộn. Ngả vào bờ vai, ai ngờ bờ vực… Bờ vai và Bờ vực, nhiều chỉ khác mỗi từ “ai”. Ừ thì ai mới là ai của ai trong mối quan hệ mà cô đã tự thấy mình quá thừa thãi này?

Sân bay Cam Ranh nhỏ xíu, vậy mà anh cứ nắm chặt tay An như sợ chỉ cần lơi tay một chút là sẽ lạc mất nhau. Cô đã quen với việc để mặc cho anh dẫn dắt mình đến đâu thì tới, riết rồi thành quen, bất giác nghĩ mình như tầm gửi vậy, chỉ còn biết nương nhờ vào đâu đó, đến cả cảm xúc cũng chưa chắc là của riêng mình. Thế nên lúc anh bảo cô ngồi lại phòng chờ trong khi anh chạy đi mua vài thứ linh tinh bỏ bụng vì chuyến bay bị dời lại cả tiếng đồng hồ, cô cũng lơ đễnh ậm ừ. Nhìn qua cửa kính ra đường băng, thấy ngoài kia mây đen phủ kín như chỉ chờ đúng thời khắc để trút hết trận nước đang nặng trĩu bầu trời. Cứ cái đà này còn lâu máy bay mới cất cánh. Áp tay vào cửa kính, An thấy rõ hơi thở của mình đọng thành một màn sương mờ trên kính, cô vội lau vết loang ấy đi, nhưng rồi tức khắc một lớp mờ khác lại xuất hiện. Cứ thế, cô cứ lau rồi lại thấy, vết mờ rồi lại mất, rồi lại loang…

Chuông điện thoại quen thuộc vang lên, kéo cô khỏi hành động lẩn thẩn. Loay hoay lục tìm trong hành lý và áp vào tai nghe, chưa kịp nói lời nào thì An sực tỉnh cơn mê mị. Điện thoại cô đã đưa anh từ hôm trước, không cần nhìn số người gọi cũng đủ biết ai đang đầu dây bên kia. An bần thần không biết nên làm gì, im lặng hay cúp máy… Giữa hỗn độn suy nghĩ lúc ấy, bỗng giọng trẻ nhỏ bi bô vang lên: “Alô, ba ơi, ba ơi, khi nào ba mới về nhà?”.

Đột nhiên, An buông thõng điện thoại rơi xuống nền đất ngơ ngác. Trong khoảnh khắc ấy, bao nhiêu hình ảnh lướt qua suy nghĩ của cô, chớp nhoáng như dòng xe băng nhanh trên con đường một chiều giờ tan tầm, không sao kịp giữ. Chỉ thấy rõ nhất ánh mắt của anh luôn nhìn cô đầy dịu dàng lẫn khắc khoải, thấy tiếng cười trong veo của trẻ nhỏ giữa vòng tay gia đình trọn vẹn, thấy cả những cành hoa bách hợp lặng lẽ nơi góc tiệm chỏng chơ. Bất giác, An nghĩ đến việc sang lại cửa tiệm và lên đường thực hiện ước mơ thời con gái đã bị bỏ quên quá lâu trong tất bật cơm áo đời thường. Những cành hoa ở nơi ấy, hẳn sẽ rạng rỡ hơn nhiều vì được trồng trên đất quê và hướng về Mặt trời, chứ không phải chịu cảnh cắt tỉa gọn gàng, nằm im lìm chờ tàn héo trong cửa kính ngột ngạt, thiếu sức sống.

Điện thoại đã vang tiếng tít tít dài đanh tiếng. Cô lặng lẽ nhặt lên rồi cẩn thận cất vào hành lý của anh. Buông tay, An thanh thản quay nhìn ra đường băng chạy ngút mắt tới chân trời. Ngoài kia, mưa rồi…
 
Truyện 2
Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh
Thời gian dạy cho chúng ta hiểu rằng bất cứ con đường nào cho những kẻ yêu nhau trốn chạy cũng là một vòng tròn - điểm kết thúc cũng là lúc khởi đầu. Thế nên nếu Trái đất tròn như người ta vẫn nói, thì dù hai hướng ngược chiều nhau, sau một vòng quay, những người dưng ngược lối rồi cũng sẽ gặp lại.

Di hôn tôi.

Một nụ hôn vội giữa quán pub lúc 11 giờ khuya đang hỗn độn hơi người và xập xình tiếng nhạc như bít bùng mọi giác quan.

Một nụ hôn của cô nàng cá tính chủ động đặt lên môi chàng trai đã ngồi cùng trò chuyện say sưa từ khi phố lên đèn đến lúc đường sá vắng hoe.

Một nụ hôn như thế, thiết nghĩ chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên.

Nhưng nếu đây là lần đầu tiên cả hai gặp nhau thì đúng thật hơi phiền.

Vì bạn biết đấy, tơ tình và tơ nhện, thật ra đều mỏng manh như nhau, nhưng một thứ có thể khiến bạn nhận ra mình đang yêu còn thứ kia chỉ làm bạn thêm rối rắm lung lạc. Có điều là phải vương vào mới biết…

Thế nên, tôi chẳng biết mình đã vương vào đâu từ sau nụ hôn vội đến ngọt lịm kia. Ngọt cũng phải thôi, Di vừa uống cạn ly cocktail Sangria mà.

“Vậy rốt cục Ai Cập thuộc châu Á hây châu Âu?”, Di cười lém lỉnh khi rời môi tôi và tiếp tục đánh đố, kéo tôi trở về thực tại với quán xá ầm ĩ và câu hỏi khiến mình lơ ngơ.

Tôi bật cười vì lỗ hổng kiến thức địa lý quá lớn của mình. Mà thật ra, ngay sáng hôm sau khi tỉnh rượu và xác tín lại với mô hình địa cầu, tôi mới vỡ lẽ Ai Cập phần lớn thuộc châu Phi. Trời ạ, lỗi kiến thức quá sức sơ đẳng. Có điều không thể trách tôi được, ai mà chẳng lơ mơ quên đi các khái niệm châu lục xa xôi khi đang ngồi cạnh rất gần một người con gái như Di.



“Gọi cho Di thử xem, photographer nữ hiếm hoi, chưa kể xinh gái nhất Sài Gòn”, thằng bạn đưa tôi danh thiếp kèm lời giới thiệu có vẻ dư thừa.

“Tao đâu có tuyển người mẫu mà cần xinh. Khéo vẽ chuyện!”. Tôi cằn nhằn, xong cũng cất kỹ tấm danh thiếp trắng được in dập nổi chữ Thiên Di bằng thứ mực xanh ánh bạc cầu kỳ, thầm nghĩ “nghe tên là biết không thể đứng yên”.

Công ty tôi vừa nhận thực hiện dự án quảng bá thương hiệu cho một showroom nội thất. Có điều, mọi nhiếp ảnh gia tôi liên hệ đều chỉ nhận được cái lắc đầu, bởi showroom này dành cho trẻ em với thiết kế y hệt truyện cổ nên các tay nhiếp ảnh quen chụp mấy cô người mẫu nóng bỏng cũng đành bó tay. Di là cứu cánh duy nhất khiến tôi yên tâm, bởi lối suy nghĩ cố hữu rằng phụ nữ chắc hiểu ý bọn trẻ và dễ chiếm tình cảm của chúng hơn.

Ơn trời, Di rất thích con nít và chỉ vừa xuất hiện đã có cách khiến tụi nhỏ xúm xít vây quanh. Buổi chụp hình dự kiến mất cả buổi chiều rốt cục chỉ kéo dài chưa đến một giờ đồng hồ. Thấy còn sớm, Di nhận lời mời đi uống vài ly để tôi được dịp cảm ơn.

Lời cảm ơn chẳng biết lân la đến đâu mà chúng tôi ngồi cạnh nhau đến giữa khuya vẫn chưa ngớt chuyện. Di mê du lịch, còn tôi lại thích gặp gỡ nhiều người và tiếp xúc nhiều nền văn hóa mới, thế nên cuộc trò chuyện thành ra một buổi khám phá passport lẫn nhau. Di trầm trồ về những ngày tôi lánh đời sang Myanmar và sống nhờ cửa Phật để tìm thanh tịnh, còn tôi ngưỡng mộ thân gái dặm trường một mình leo đỉnh Himalaya bất chấp núi tuyết điệp trùng.

Chúng tôi nói về các vùng đất mình chưa từng qua, về nỗi say mê kỳ lạ dành cho những nơi chốn chỉ thấy trên bản đồ và biết qua Google. Di rất muốn một lần đắm mình giữa hoàng hôn ở Giza – nơi các Pharaoh chọn xây chốn yên nghỉ vĩnh hằng phải thuộc về phía Tây sông Nile để linh hồn tiếp tục chu trình bất diệt cùng vầng thái dương. Còn tôi, lẳng lặng nhìn đôi mắt ánh lên niềm vui của Di và thấy lòng mình xôn xao ánh lên thứ bình minh của một cảm tình chưa rõ dạng.

“Vậy hẹn gặp em ở Giza, hứa nhé!”, tôi vừa nói vừa để tay lên ngực trái ra vẻ như tuyên thệ.

Và đó là lúc Di áp lên môi tôi nụ hôn, như một lời hẹn ước!

Dĩ nhiên, chúng tôi thừa hiểu lời hứa ấy vốn dĩ đã được men rượu vẽ vời thêm thắt. Đang chếnh choáng say, ai dám chắc những gì nói ra còn ai nhắc lại và có được lâu dài? Và nụ hôn kia chưa chắc đã xuất phát thật lòng, bởi mấy ai yêu nhau chỉ với tiếng sét ái tình của lần đầu tiên. Đời đâu phải truyện cổ mà tin vào nụ hôn có thể đánh thức công chúa khỏi giấc ngủ ngàn năm.



Đúng thật, lời hứa chưa kịp thành thì chúng tôi đã rời tay nhau nhanh như đá tan loãng vào ly rượu đã nhạt vị. Những buổi hẹn hò thưa dần, những lời thương chưa kịp nói đành giữ lại. Và mỗi lần tôi ngỏ ý xa xôi, Di sẽ lại giấu đi ánh mắt xao nhẹ để mỉm cười thật tươi rồi bảo: “Em còn quá nhiều điều phải làm trong phần đời này…” Cứ thế, Di mải mê đến những vùng đất mới – một mình – để làm công việc mà em yêu thích, chụp lại những khoảnh khắc của đời thường nhật. Một cuộc đời mà tôi không thể chạm vào xáo động. Hai đứa cứ thế, đi cạnh nhau, trông thấy nhau, nhưng không thể nào với tới nhau. Thật ra, tình cảm ấy, ngay từ đầu đã rất khó để nói đúng hay sai. Chẳng thể so đo, cũng không màng tính toán được mất về sau thế nào, chỉ cần biết rằng đang bước bên cạnh nhau thật gần, vậy là đủ – dù chỉ là bước theo quán tính, chứ chẳng phải bản năng của một tình yêu thật lòng.


Di rời đi.

Tôi cũng không buồn níu lại. Gió trời ai mà giữ nổi. Không thể là mây để bay cùng, cũng không thể là bầu trời đủ rộng để ôm hết gió vào lòng, tôi đành nhìn hạnh phúc rời tay. Di lên đường theo lời mời của một tổ chức phi chính phủ để thực hiện loạt ảnh phóng sự đời sống về trẻ em các nước gặp nạn đói. Hay ít ra đó là những lời em nói vội trong điện thoại trước ngày lên đường mà không cho tôi kịp gặp để chào từ biệt. Di bảo: “Em đi làm việc thôi mà, đưa tiễn làm gì cho rườm rà!”.

Ngày ngày tháng tháng, tôi âm thầm dõi theo Di từ vài cái status chẳng mấy khi em nhớ update trên facebook, từ những thông tin góp nhặt qua mấy người quen chung. Tôi nghĩ em thực sự đã quen với cuộc đời mới, đã quên tất cả, quên lời hứa vội, và quên cả tôi. Dù tôi chỉ đứng bên đời em như một cái bóng khi tỏ khi mờ, chưa một lời yêu thương, chưa một lần tìm tay níu lại, nói gì đến quyền hạn hỏi han: “Cuộc sống mới rồi, người có thấy vui?”

Đôi lúc thấy tình cảm hai đứa giống như giọt nước, có vỡ tan bao lần vẫn nguyên một hình dáng thế thôi. Nghĩa là có gần gũi hay chia cách thì mối quan hệ giữa tôi và em cũng chỉ gói ghém trong hình hài thân phận của hai kẻ đi chung đường – nhìn thấy nhau nhưng không có quyền giữ lấy nhau. Đành mỉm cười chấp nhận làm những người-lạ-thân-thương trong cuộc đời nhiều hướng rẽ.

Tôi trở về cuộc sống thường nhật, gặp gỡ khách hàng, họp bàn ý tưởng. Trái đất cũng trở về thường nhật của những ngày tôi chưa gặp Di. Hay ít ra là không còn Di nên tôi mới dư dả thời gian màng đến thế sự, để chạnh lòng trước các nỗi đau lớn hơn của đời, từ xả súng ở Bangladesh, bạo động ở Libya, sóng thần ở Nhật Bản… Đời mệt mỏi quá, ai cũng đang cố gắng sống cho trọn vẹn trước khi những thứ bất an đổ ập đến mình. Vậy mà có tình yêu là mãi chưa trọn vẹn.



Nhiều năm về sau, khi cái tên Thiên Di cũng trở thành một loài thiên di bay mất trong tâm tưởng, tôi đinh ninh mình đã bước qua thời trẻ xốc nổi, yêu thì yêu chẳng cần lý do và bỏ là bỏ chẳng cần từ biệt. Không hẳn đã quên Di, nhưng đúng như em đã nói, chúng tôi còn quá nhiều việc cần phải làm trong phần đời này, đâu thể vì tình yêu mà xem nhẹ tất cả.

Công ty tôi gặp phải một khách hàng khá khó tính. Mọi bản dự thảo đề ra đều bị chối từ. Đối tác là người Nhật nên rất kỹ tính và đòi hỏi tỉ mỉ lẫn thẩm mỹ trong từng bước quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quá đau đầu, tôi đành cầu viện đến nhà sách, lướt qua khu vực sách ảnh và du ký biên thảo các quốc gia để tìm tư liệu về xứ sở Mặt trời mọc hòng làm vừa lòng họ. Ôm một chồng sách về văn hóa và con người Nhật Bản, tôi yên chí sẽ có thêm vài gợi ý ghi điểm trong bản kế hoạch. Chưa kịp quay ra quầy thu ngân, mắt tôi dừng lại ngay trang bìa một cuốn sách ảnh nhan đề “Lời hẹn Ai Cập” và hình bìa là kim tự tháp Giza giữa gió cát trong nắng chiều đang ngả về phía Tây. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là dưới dòng tựa đề là tên gọi thân thương được khắc chữ bằng màu xanh ánh bạc cầu kỳ – Thiên Di.

Gác vội tất cả cuốn sách đang cầm trên tay sang kệ bên, tôi bần thần lật từng trang sách. Trang mở đầu, Di đã ghi: “Đề tặng cho anh, cho lời hứa bất thành của tuổi trẻ hai đứa mình”… Nhanh hơn cả một tia chớp giữa trời quang, tôi phóng ra quầy thu ngân, trên tay chỉ cầm duy nhất cuốn sách của Di.



Con người ta sợ thời gian, còn bản thân thời gian lại sợ kim tự tháp!

Thời gian khiến tôi nhận ra mình mất mát quá nhiều. Tuổi trẻ, đam mê, nhiệt huyết và cả tình yêu. Tôi sợ thời gian. Nghe qua tưởng nực cười, những người trẻ là những kẻ còn dư dả thời gian nhất, hà cớ gì lại sợ? Thế nên xếp gọn ngày tháng còn lại của cuộc đời vào balô và xách trên vai, tôi lên đường đến một nơi mà ở đó thời gian phải cúi mình run sợ trước một sức mạnh siêu hình khác. Và đúng thật, kim tự tháp ở Ai Cập khiến tôi tự thấy nỗi sợ thời gian trở nên bé nhỏ và tầm phào vô cùng…

Hơn bốn ngàn năm qua, trong tất cả kỳ quan thiên nhiên cổ đại đều đã biến mất, kim tự tháp tại Giza vẫn đứng sừng sững giữa đất và trời Ai Cập, bất chấp thời gian lẫn những điều kiện khắc nghiệt của vùng sa mạc. Còn chúng ta, tại sao không thể kiên lòng yêu một người trong cuộc đời vốn dĩ hữu hạn và nhỏ mọn hơn rất nhiều so với bốn ngàn năm đá cuội? Cát bụi đá tảng còn bền lòng vì nhau, cớ sao hai trái tim ấm nóng và biết đập những nhịp yêu thương lại không thể?

Di viết những dòng tâm sự ấy khi sống tại Cairo, hòa vào nhịp đời bản xứ để thấu hiểu cảnh sống của người dân cũng như tín ngưỡng tâm linh họ dành cho các vị thần và Pharaoh cổ đại. Những bức ảnh chụp lại cảnh Di chơi đùa, gánh nước cùng bọn trẻ đều sáng bừng một nụ cười giữa tối tăm của cuộc sống kham khổ. Nụ cười của em vẫn trong trẻo như thể tôi chỉ vừa thấy hôm qua giữa quán pub đông người. Nụ cười dường như dành cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì tôi.



Tất cả những kiến trúc Ai Cập từ thời cổ xưa đều được xây bằng đá. Những tảng đá nặng cả tấn được chồng chất lên nhau, không dùng xi măng hay bất cứ loại keo hồ nào nhưng vẫn dính chặt qua hàng ngàn năm mặc bao mưa nắng. Các phiến đá ốp ở bề mặt kim tự tháp được cắt vừa khít và xếp cạnh nhau hoàn hảo tới mức ngày nay ta cũng không thể nhét nổi một mũi dao vào giữa các khe nối. Ừ thì đâu chỉ có kim tự tháp, kết nối hai tâm hồn cũng hệt vậy mà thôi. Ràng buộc cuộc đời của mình vào ai đó đôi khi chẳng cần hứa hẹn đính kết gì, chỉ cần tự lòng mình cảm thấy cần phải ở đúng nơi đó, bên cạnh người đó – vậy là đủ…



Gấp lại cuốn sách trong mông lung lẫn hụt hẫng, tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về cuộc sống hiện tại của Di. Những dòng chú thích trong sách được trích từ nhật ký trên xứ người của em nên cũng khá ngắn gọn, khiến tôi hồ nghi không biết em đã về Việt Nam hay vẫn còn mải miết lang bạt?

Cả ngày sau đó, tôi lục tung các mối quan hệ để liên lạc với Nhà xuất bản đã phát hành tập sách. Thằng bạn bên công ty in ấn quen khá thân với Ban biên tập nên sau vài lời giới thiệu, họ cho tôi email kèm địa chỉ liên lạc của một tổ chức từ thiện tại Cairo. Có điều, địa chỉ ấy không phải của Di, mà là của một anh chàng ngoại quốc xa lạ nào đấy tên Ethan.

Xốn xang lẫn ngần ngại, tôi ngồi cả giờ đồng hồ mới viết được một bức email gửi cho Ethan và giới thiệu mình là “bạn cũ” của Di. Mặc dù tự thấy kỳ quặc với danh xưng ấy nhưng quả thật, tôi biết gọi tên mối quan hệ của mình và em thế nào đây? Cuối thư, tôi hỏi thăm về Di và mong được biết tin em có còn đang ở Cairo hay không?

Ngày hôm sau, thư trả lời của Ethan đến, chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Di có kể tôi nghe về anh và lời hứa cùng đến Cairo của hai người. Có nhiều điều tôi muốn nói với anh, từ chuyện gửi in tập sách, đến việc cô ấy không về Việt Nam. Anh cho tôi số điện thoại để trao đổi rõ hơn, được không?”.

Không biết nghĩ gì, tôi trả lời ngắn gọn: “Gặp trực tiếp rồi hẵng nói. Tôi bay ngay sang ấy. Hẹn gặp anh!”.

Tôi ra sân bay ngay tối đó.

Sự gấp gáp này là vì lẽ gì? Vì muốn gặp Di, hay vì ghen? Tôi cũng không biết nữa. Mà ghen vì cái gì? Bao nhiêu năm trời chúng tôi có đả động đến cuộc sống của nhau đâu. Vậy mà bây giờ đọc những dòng viết của em, tôi cứ thấy cả một thời tuổi trẻ trong mình đang cuồng chân níu lại một lời hẹn dang dở.

Sau gần mười giờ bay và ba giờ đồng hồ quá cảnh tại Doha, tôi đáp xuống sân bay Quốc tế Cairo vừa kịp lúc bình minh. Từ trên cao, sông Nile hiền hòa xanh mướt mắt chảy quanh đá núi cát vàng của sa mạc. Đẹp như một giấc mơ. Vì một lời hứa đã được thành hình, dù muộn màng.

Đưa địa chỉ cho bác tài, tôi thả mình ở ghế sau khi taxi dần đi vào trung tâm thành phố, băng qua quảng trường Tahrir (Tự do) mà có lần tôi đã thấy trên bản tin thời sự về tình hình biểu tình căng thẳng. Thành phố Cairo nằm sát sa mạc, lại thấp hơn mặt biển nên rất bụi bặm. Sự phân hóa giàu nghèo tại đây in hằn rõ rệt trên từng con phố. Khu vực đô thị hiện đại với các trung tâm thương mại và văn phòng chính phủ thì tươi màu sơn mới, cửa kính sáng choang, còn khi đi dần qua khu phố cổ của Cairo thì bụi giăng mờ đường, mặt trời leo lét, nhà cửa mục nát với những gương mặt thất thần và mỏi mệt.

Taxi dừng lại trước một tòa nhà bằng vữa đá cũ kỹ, không hề sơn phết gì. Hầu hết khu nhà cổ ở Ai Cập đều được xây bằng gạch bùn xám ngoét như thế, có lẽ để tránh sự xói mòn và xỉn màu, vì trước sau gì không khí vùng sa mạc cũng ám bụi khắp nhà. Lần theo địa chỉ, tôi leo lên lầu 5 trên những bậc thang đá trần trụi đất bụi. Văn phòng của tổ chức từ thiện nhỏ xíu, chỉ có vài người bản xứ đang cặm cụi trên bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ và báo chí. Một cô gái bước ra chào và hỏi han vài câu tiếng Ả Rập khiến tôi tròn xoe mắt. Tôi vội nhắc đến tên Ethan thì nhận được câu trả lời bập bẹ bằng tiếng Anh rằng ngày mai hãy quay lại. Tôi mở balô, lấy cuốn sách của Di, mở trang in hình em cười rạng rỡ cùng các trẻ nhỏ châu Phi thì lập tức nhận được một tràng tiếng bản xứ liến thoắng và ánh nhìn hoang mang. Tôi, cũng hoang mang không kém, đành chào tạm biệt và quay về khách sạn, lòng xốn xang lẫn nghi hoặc về mối quan hệ giữa Ethan và Di.

Điện thoại hết pin nên cũng không còn cách nào khác để mở email và liên lạc với Ethan. Tôi miên man trong dòng suy nghĩ: “Dù sao đã đặt chân đến Cairo, lẽ nào không đến Giza chào Nhân sư?”. Nghĩ là làm, một chuyến xe chở tôi băng qua cây cầu Qasr el-Nil được mệnh danh là “cung điện của sông Nile” để đi từ bờ Đông sang bờ Tây dòng sông. Từ trung tâm thành phố náo động, chen nghịt nhà cửa, càng đi về phía Tây vào vùng sa mạc thì chẳng thấy gì phía trước ngoại trừ sỏi đá kín đường, bụi giăng xám xịt. Giữa cảnh tượng khô khốc và ngổn ngang gió cát ấy, thung lũng Giza hiện dần ra với bộ ba kim tự tháp sừng sững và tượng Nhân sư (Sphinx) khổng lồ.

Tôi ngồi cạnh Sphinx và nhìn dòng người đổ về phía các kim tự tháp Khufu, Khafre và Menkaure. Trong đó, kim tự tháp Khufu (Kheops) xây dựng để chôn cất vị Pharaoh cùng tên là công trình kiến trúc đồ sộ nhất của thung lũng Giza nói riêng và của cả nền văn minh Ai Cập cổ đại nói chung. Mỗi buổi, khu di tích này chỉ cho khoảng một trăm khách được vào trong thăm quan, thế nên khi tôi đến nơi đã không còn kịp tranh suất nào. Đành ngồi kế tượng Nhân sư và giở sách của Di mà mường tượng cảnh quan bên trong qua lời kể của em. Gió cát Trung Đông lồng lộng bên tai, nắng nóng Phi châu oi gắt trước mắt, nhưng lòng tôi cứ xôn xao một nỗi thiết tha rất đỗi dịu dàng.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về tượng Nhân sư mà mình đang ngồi cạnh. Pho tượng cao hơn 18 mét và trải dài tới 57 mét này tạc hình một thần thú đầu người có đôi mắt chăm chăm dõi về hướng Đông với ánh nhìn khó hiều. Người ta đồn đại từ hơn 2.500 năm trước Công nguyên, khi pho tượng vừa được xây xong, có một lời nguyền rằng bất kể ai đến trước Sphinx và nói một câu thật thông tuệ thì Nhân sư sẽ mỉm cười. Biết bao nhà hiền triết, học giả khắp nơi tìm đến, diễn thuyết hàng trăm lời lẽ thật uyên bác nhưng tượng Sphinx vẫn trầm ngâm im tiếng. Duy chỉ có một lần, có em bé chừng ba tuổi đi cùng mẹ lẫn trong đám đông, khi bé tuột khỏi tay mẹ đã hoảng sợ cất tiếng gọi “Mẹ ơi”. Điều kỳ diệu ngay lập tức xảy ra, pho tượng Nhân sư cất tiếng cười giòn giã và đó là lần duy nhất trong suốt mấy ngàn năm nay, người ta thấy Nhân sư mỉm cười.

Chỉ thế thôi, đôi khi lời lẽ lắng sâu, thâm thúy nhất lại là lời giản đơn và chân thành nhất cất lên từ trái tim luôn hướng tìm về người yêu thương.

Mặt trời trôi dần về phía Tây, thung lũng Giza chìm trong ráng chiều mênh mông và u uất – thứ ánh sáng có thể làm nỗi buồn hóa thành cát bụi và theo gió vùng hoang mạc thổi bay tứ tung. Ừ thì lúc nào chẳng vậy. “Tịch dương vô hạn đáo. Chỉ thị cận hoàng hôn” (Nắng chiều đẹp vô tận, chỉ tiếc sắp hoàng hôn).

Về lại khách sạn, tôi cắm sạc điện thoại và vùi mình vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nghe dịu dặt mùi cocktail Sangria lẫn lộn giữa mùi cát nóng oi nồng của sa mạc. Tỉnh dậy chẳng thiết check mail công việc, tôi phóng thẳng đến văn phòng của tổ chức từ thiện.

Lần này, vừa thấy tôi ngay cửa ra vào, cô gái bản xứ hôm qua đã chạy vội đến góc phòng báo với anh chàng tóc vàng mắt xanh mà tôi đoán chắc không ai khác ngoài Ethan. Từ xa, Ethan nhìn về phía tôi, thoáng chút ngỡ ngàng, xong hấp tấp rời bàn giấy tiến ra cửa, ngờ ngợ hỏi: “Anh là bạn của Di?”.

Tôi gật đầu, vừa mừng thầm khi đã gặp đúng người, vừa có phần tị hiềm vì anh chàng đẹp mã này đã cùng đồng hành với Di suốt những năm tháng ở Cairo. Thế nên, tôi hỏi ngay vấn đề chứ chẳng thiết tha chào hỏi xã giao: “Di đâu rồi?”.

Ethan lại càng nhìn tôi trân trân và ngần ngại: “Anh chưa đọc email tôi gửi sao?”.

Tôi ngớ người vài giây. Từ sau khi viết thư thông báo mình sẽ đến đây, tôi chưa hề xem qua email mới. Những nôn nao lẫn gấp rút cho chuyến đi hội ngộ đã làm tôi quên bẵng phép lịch sự tối thiểu và những giao đãi của một người cả chục năm trời làm trong ngành truyền thông. Tôi đành quay sang cười trừ: “Tôi bay ngay sang đây nên cũng chưa có thời gian check mail nữa. Mà có chuyện gì thì gặp trực tiếp như vậy, chẳng phải dễ nói hơn sao?”.

“Nhưng có những chuyện có lẽ rất khó nói thành lời thế này…”, Ethan buông thõng người xuống ghế rồi thẫn thờ nhìn tôi. Bẵng đi vài giây im lặng, anh quay lại bàn làm việc, vơ vội mũ và áo khoác dẫn tôi rời khỏi văn phòng.

Chúng tôi đi bộ một quãng đường dài qua những con phố lấm lem bụi cát, những ngôi nhà đậm nét kiến trúc Ả Rập một thời vàng son nay trơ gan hứng chịu mưa nắng bào mòn. Sau vài ngõ ngách quanh co và bậc đá ngổn ngang màu thời gian xộc xệch, tôi nhận ra mình đang đứng dưới bờ sông Nile. Gió thổi hiu hiu đến dịu lòng, đâu đó vang tiếng trẻ nhỏ nô đùa rẽ nước vào nhau huyên náo cả một vùng loang ánh mặt trời.

- Di nằm lại ở đây… – Ethan chỉ tay về phía dòng sông, nơi người Ai Cập tôn vinh là nữ thần, nói trong tiếng nấc đứt quãng, hoặc chính thính giác của tôi đã đứt quãng để có thể nghe trọn sự thật này.



“Di không theo đạo nên không thể cử hành các nghi thức tang lễ trong nhà thờ thánh Allah. Sau khi hỏa táng, tôi đem tro cốt của cô ấy rải trên sông Nile. Chắc bây giờ gió đã thổi bay về phía Tây để Di tự do giữa thung lũng Giza ngắm hoàng hôn mỗi chiều. Hồi còn sống, cô ấy rất thích đến kim tự tháp lúc gần tắt nắng và ngồi nhắc về anh, về lời hứa thời trẻ của hai người. Tôi mang những bức ảnh Di chụp, những dòng nhật ký Di ghi, gửi về Việt Nam nhờ in thành sách, hy vọng một lúc nào đó anh có thể đọc được để biết rằng cô ấy chưa bao giờ quên anh…”

Những lời nói của Ethan cứ vang ong ong trong đầu như một nỗi ám ảnh, dù tôi đã xin anh để tôi lại một mình bên bờ sống lấp lóa. Chẳng biết lấp lóa bởi ráng trời soi vào dòng nước hay chính mắt cũng đang nhòa theo bóng chiều khóc một niềm yêu. Trong tay, tôi vẫn cầm chiếc điện thoại để ngỏ trang email mà Ethan gửi ngay trước khi tôi bay sang Ai Cập. Đó là mẩu tin về cuộc bạo động chống đối chính quyền. Cairo chìm trong lửa cháy, lựu đạn hơi cay phủ trắng bầu trời và dòng người đổ về quảng trường Tahrir trong phẫn nộ. Hàng trăm người đã ngã xuống trong cuộc chính biến. Tổ chức từ thiện của Di cùng các bác sĩ ở trại y tế dã chiến đã túc trực nhiều ngày liền ở quảng trường để cứu chữa cho các nạn nhân biểu tình. Trong lúc băng ra giữa dòng người hỗn loạn để bế một em nhỏ đang hoảng sợ, một viên đạn lạc đã cướp đi cuộc đời còn rất trẻ của người con gái khát khao sống trọn vẹn hơn ai hết.

Tôi ngồi đó, cạnh sông Nile lao xao nước chảy đang chia nhánh xuôi dòng đổ ra Địa Trung Hải. Tự hỏi phải chăng dòng sông cũng đang rỉ rả những lời buồn cho những cuộc đời đã chia chắt trôi khác hướng nhau? Và hướng đi của Di, nơi thần Anubis dẫn đường, một lần nữa tôi không thể đến kịp. Tôi đã làm trọn lời hẹn Ai Cập với em, nhưng những cảm xúc yêu thương ngày trẻ đã không thể trọn vẹn. Hóa ra đau lòng nhất không phải là khi chúng ta bội ước quên hẹn, mà là khi lời hứa đã được làm tròn, còn tụi mình lại khuyết mất nhau. Nấc khẽ, tôi mấp máy môi, chỉ thốt được thành tiếng gọi: “Di ơi!”.

Và đâu đó, phía bên bờ Tây dòng sông, nơi thung lũng Giza thấp thoáng trong lớp bụi, tôi mơ hồ thấy tượng Nhân sư mỉm cười.
 
Truyện 3
Em biết làm gì với ngần ấy nhớ thương?
Nhói hoài rồi cũng quen. Nhớ hoài rồi cũng nhạt. Vì cậu chẳng thể bắt rễ vào bất cứ nơi đâu, mà gió ngoài kia vẫn mải miết thổi thì làm sao tớ giữ nổi cho đừng cuốn đi?

Cuộc sống và con người vốn dĩ luôn thay đổi, như những ngọn gió không ngừng thổi bao giờ. Gió trời sao mà nắm lấy? Duyên giữa người với người, níu lại bằng gì đây? Thế nên Ra đi và Ở lại, đôi lúc chỉ là một mà thôi. Giống như việc bản thân đang ở một nơi mà lòng hướng về khoảng trời khác thì cho dù không dời chân đi, tự khắc chúng ta cũng đã không thuộc về chốn-hiện-tại nữa rồi.



Anh biến mất khỏi cuộc đời của cô, nhanh hơn cả một nhịp thở, và tan như khói thuốc phả vào mưa đầu mùa.

Điện thoại không còn thỉnh thoảng vang lên những cuộc gọi hẹn hò bất chợt, hay đôi lần tin nhắn giữa khuya chỉ vỏn vẹn hai chữ “Người ơi!”. Tất cả im bặt hệt như người ta kết thúc một bài diễn văn chán ngắt không một tiếng vỗ tay từ khán giả.

Cô vẫn ngơ ngác ghé qua con hẻm cũ để nhìn vào trong hun hút xóm đạo tìm một bóng dáng quen nhưng bặt vô âm tín. Dẫu gì giữa cô và anh cũng chỉ là thứ tình cảm không gọi nổi tên, thích thú thì tìm đến chán thì tìm lui. Hà cớ gì cô phải quá nặng lòng? Hà cớ gì buộc anh phải quan tâm? Những mối quan hệ trong cuộc sống của hai người trước giờ vốn dĩ luôn là vậy. Một người thích rong ruổi và rất sợ khái niệm “sở hữu” sẽ níu chân nên chẳng bao giờ dám gắn bó đủ lâu ở bất kỳ chốn dừng chân nào. Một người quen với cô đơn và rất sợ khái niệm “kết thúc” sẽ khiến mình hụt hẫng nên chẳng bao giờ cho phép bản thân ràng buộc với ai.

Vậy sao lần này, cô lại chông chênh khi anh đột ngột rời tay?

Một tháng trời mặc cả với lòng kiêu hãnh và tự tôn, đến ngày thứ hai mươi chín thì cô bỏ cuộc và run rẩy như một con mèo bị nhúng nước, tay lần tìm gọi đến số máy quen. “Thuê bao quý khách vừa gọi không có thật, xin quý khách vui lòng gọi lại số khác.” Điếng người, cô nhìn lại màn hình để chắc rằng mình không lẩn thẩn bấm nhầm. Nhưng không, đúng là số máy quen của anh. Lần thứ hai, thứ ba… vẫn là tiếng tổng đài vô cảm. Cô gọi lên trung tâm thuê bao, vặn hỏi vì sao không liên lạc được số đó thì chỉ nhận được câu trả lời đanh điếng: “Chủ thuê bao cắt số”.



Đâu đó một-ngày-chưa-xưa

Điện thoại ò í e, nhỏ bạn thân cho cô leo cây không báo trước. Cô gục mặt trên bàn tay mân mê miết trên ô cửa kính trong lúc chờ ly cocktail.

Chiều lơ đãng trôi qua. Cô ngồi nhìn từng vòng xe bình thản lăn đều ngang bar Martini nằm ở tầng trệt Park Hyatt, thấy lòng nhạt hơn cả nắng sắp tắt ngoài kia.

Bạn bartender chắc cũng quỡn đời vì quán xá quá ế nên tự thân mang ly Blue Lagoon xanh ngắt theo yêu cầu của khách ra tận bàn, không quên nhiều chuyện hỏi han:

- Chắc em thích màu xanh lắm nhỉ?

Cô cười nhạt, gật đầu. Anh chàng kia vẫn nấn ná chưa chịu quay về vị trí quen thuộc sau quầy bar. Muốn gì nữa đây – cô thầm nghĩ.

- Giờ sao? – Cô lại cười, nheo mắt hỏi.

- Có một màu xanh, không mát và dịu như Blue Lagoon, màu xanh của lửa, em đã thấy bao giờ chưa?

Cô nhíu mặt gần như muốn sặc hết ngụm cocktail chưa kịp uống trọn, nhìn đầy hồ nghi:

- Đốt nhà hoài nên lửa đỏ thì thấy, còn lửa xanh thì em chưa thấy bao giờ!

Lần này thì đến phiên bạn kia cười, rồi nhanh tay xếp vội vàng những ly hurricane, champage flute và coupette chồng chéo lên nhau thành tòa tháp ly thủy tinh, xong tinh tướng bảo:

- Nhìn kỹ nha!

Vài giọt brandy chảy từ đỉnh qua những lọn ly được sắp đặt khéo léo để dần dần tràn xuống đáy ly chứa rượu nằm ở tận bên dưới cùng. Rồi “tách”, một mồi lửa châm từ đỉnh tháp, và lửa cháy bừng cả rượu lẫn ly. Ngọn lửa đúng thật màu xanh!

Nụ cười của cô không còn nhạt nữa, mà thiệt tình và thán phục, nghĩ thầm: “Đúng là khách sạn 5 sao, đến cả bartender cũng chuyên nghiệp và nhiệt tình ghê ta!”

Lửa cháy cạn, bạn bartender cầm ly rượu Lamborghini còn nóng hổi và thoảng khói trao tận tay cô. Lửa nóng, rượu nồng, và cô lóng ngóng…

Nhưng cô chỉ thật sự “đứng hình” đến nỗi mém buông cả ly rượu khi có một nhân viên hối hả chạy đến, rối rít:

- Xin lỗi sếp, nãy giờ tụi em chạy lên lầu kiểm kho, phiền sếp phải đích thân vào quầy tự pha rượu.

Cô – lúc này hết còn cười nổi – đơ mặt nhìn bạn bartender (giả danh) đang cười khoái trá:

- Khách hàng đặc biệt lắm đó nha, được chính quản lý khách sạn pha cocktail và làm ảo thuật cho em.

Cô và Hy biết nhau từ đó.



Hy từng học về quản trị khách sạn tại Anh rồi lang bạt đây đó, cũng có thời gian dừng lại lo sự nghiệp trong các dự án du lịch tại Bangkok, Manila… Xong hình như trốn tránh yêu đương hoặc nợ tình đeo đẳng, anh bỏ về Việt Nam. Đó là câu cửa miệng cô hay trêu chọc mỗi lần nói về lối sống rày đây mai đó của Hy. Còn sự thật có đúng vậy hay không thì có Trời mới biết bởi những gì cô tích cóp (lẫn suy đoán hệt như xoay khối rubic nhiều màu) chỉ bằng vài cuộc nói chuyện ất ơ không đầu không cuối.

Mối quan hệ giữa hai người cũng không đầu không cuối hệt vậy.

Cứ đi cạnh nhau, thân gần như hơi thở, dẫu một lần chạm môi cũng chưa từng. Có những thứ tình cảm chẳng thể nào tiến triển mới hơn, những cũng không thể cũ sờn đi, vì cứ ở nguyên đó, dây dưa không tiến không lùi. Chỉ là anh cần một người để có thể vô tư kể hết mọi buồn vui thường nhật, còn cô cần ai đó ngồi chung xe để bớt chông chênh như khi cầm lái một mình.

Những buổi hẹn hò bất chợt mỗi tối chẳng nguyên do. Hai đứa cứ tựa vào nhau đi lòng vòng quanh thành phố để tìm mua một thứ gì đó – mặc dù chẳng thiết tha với nó. Cốt chỉ có cớ mà băng qua những con đường ngập ánh sáng cùng nhau và tự thấy bình yên trong thứ đèn vàng dịu dàng đến mơ ngủ. Ngủ thì chưa, nhưng mơ thì chắc có. Và rất nhiều. Nhưng cuối cùng chẳng giấc mơ nào diễn ra đúng trình tự sắp xếp. Cả mối quan hệ giữa hai người cũng chẳng diễn ra đúng trình tự thông thường.

Cuối cùng, anh cũng rời đi, cuối cùng họ chẳng là gì. Đến kỷ niệm, mỗi lần nhớ lại cũng trở thành phung phí, bởi những gì đã qua, có dư dả nhiều nhặn gì để lôi ra nhắc nhở hoài.



Cô ngước nhìn lên những dãy phố cao. Thói quen này cũng do anh tập thành. Ngày xưa anh từng bảo Sài Gòn đẹp nhất là ở trên đầu, nơi chưa bị đô thị hóa làm mất đi vẻ cổ kính xa xưa. Mặt tiền phía trước đã bị cải tạo quá nhiều thành hàng quán chen chúc, khói bụi bộn bề của đời thường nhật cũng khiến quang cảnh vừa tầm nhìn xung quanh trở nên hỗn độn. Duy chỉ có trên cao, những mái ngói bạc phếch thời gian vẫn nằm yên lắng nghe mưa nắng, những khung cửa sổ loang lổ vôi vữa vẫn thản nhiên mỗi ngày đón mặt trời ngắm mặt trăng. Phía trên cao ấy, ai có lòng với Sài Gòn xưa cũ, cứ ngước lên nhìn, sẽ thấy cả một vùng trời ký ức nhẫn nại đợi chờ. Truyện được đăng tải tại : Kênh Truyện kenhtruyen.com

Đang lơ đễnh nhìn đâu đó lên trời, cô thấy một bóng trắng chao nghiêng phía trên cao, nơi những ngọn đèn đường đang trải dài như chiếc cầu vồng đơn sắc vàng. Bóng trắng mỗi lúc một gần, gần hơn cho đến khi rõ ràng hình hài một con chim cú trắng. Trắng như tuyết, mắt to tròn và sải cánh hiên ngang băng băng trên những ngọn đèn đại lộ. Cô chặc lưỡi: “Biết có người chờ nên đến phải không, Hedwing?”. Thật ra, cô chẳng biết loài lông vũ ấy của ai, thú hoang hay thuần dưỡng, tên gọi là gì hoặc từ đâu bay đến. Hedwing là tên mà Hy đặt cho bởi thấy nó giống hệt thú cưng của Harry Potter. Lần đầu khi thấy loài chim được cho là “điềm rủi” này bay bình thản trên đầu cách chừng vài thước, hai người đã dừng xe giữa đại lộ xô bồ và mê mẩn nhìn lên cao. Có những ngày mà niềm vui của cô đơn giản chỉ cần có vậy.

Nhưng rồi thì sao?

Chim trời bay ngang rồi bay qua. Anh cũng đi qua rồi đi xa. Trái đất vẫn quay và lực li tâm cứ thế đẩy người ta xa nhau từng giây từng ngày. Thế nên người ta cứ đi qua rồi mất hút, chẳng để lại gì ngoài những nhớ thương chất chồng xoay vòng theo năm tháng.

Lẽ nào người đang tâm? Lẽ nào mình cam tâm?

Một ngày mưa ướt-đến-bây-giờ

- Sao chẳng bao giờ anh đi đường thẳng, chạy một lèo đến cho nhanh?

- Đi đường vòng lâu hơn, sẵn kéo dài thời gian ngồi trên xe nói chuyện với em.

- Dẻo miệng quá, chàng trai của hàng đống cô gái ơi!

- Nói chứ quán ngon Sài Gòn toàn trong hẻm nhỏ, phải đi lòng vòng ngõ ngách mới kiếm được chỗ xứng tầm ẩm thực của em.

Chưa kịp lý sự thêm để làm ngắn lại đường dài thì cơn mưa đầu tiên của mùa hè ập đến, như thể ông Trời đành hanh muốn trêu chọc hai kẻ rỗi hơi. Anh tấp xe vội trên vỉa hè, kéo tay cô nép vào hàng hiên.

- Em ước gì đi.

- Là sao? – Cô tròn xoe mắt.

- Ngày xưa khi còn học bên Anh, tụi bạn anh bảo nếu nhìn thấy hạt tuyết đầu mùa rơi xuống thì ước gì được nấy, Việt nam không có tuyết thì thay thế bằng mưa vậy.

- Anh tin sao? – Cô ngờ vực, nhưng vẫn đưa tay hứng những giọt nước đầu tiên của Trời trút xuống.

- Đâu ai đánh thuế niềm tin hở em? – Anh cười, trong vắt và mát lành hơn cả cơn mưa.

- Đêm đầu tiên của mùa Đông bên Anh, anh thức cả đêm, mở cửa sổ chờ đợt tuyết đầu mùa đổ xuống. Rồi ngủ gật lúc nào không hay. Sáng thức dậy, tuyết rơi tràn ô kính, và anh nằm bẹp gi.ường vì cảm lạnh… – Hy vừa cười kể lại chuyện xưa, vừa chở cô quanh co những ngả đường sau mưa mát rượi.

- Anh ước gì mà thành tâm thức đợi vậy?

- Lúc ấy anh còn con nít, nên ước mơ nhiều cũng chỉ quanh quẩn ba chuyện yêu đương nhăng nhít.

- Còn khi nãy, anh đã ước gì với cơn mưa?

- Chắc anh vẫn còn con nít… – Anh bỏ lửng câu.

Cô bỏ lửng lòng.



Facebook báo tin nhắn mới. Là anh. Màn hình máy tính xoay đều trong thời gian loading trang mới, đầu cô cũng xoay đều trong muôn vàn câu hỏi. Cớ gì một người chẳng bao giờ động đến mạng xã hội, cả thư điện thử còn chả xài, lại thình lình gửi một tin nhắn sau cả tháng trời bặt tin?

“Anh đi vội quá, không kịp chào ai. Anh về lại Anh gấp để thu dọn đồ đạc theo bạn sang Ý. Tạm thời, chắc anh ở xứ pizza này bán bánh mì, hy vọng cạnh tranh nổi với dân bản xứ. À, anh có gửi cho em một món quà ở Murano khi đến Venice trôi sông để nhớ về triều cường bên mình. Chừng nào nhận được, báo anh nhé…”

Lúc nào anh cũng tếu táo và tỉnh rụi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà có lẽ chính bởi cá tính ấy mà mọi hoang mang cả tháng nay, cô bỏ qua, nhẹ hẫng. Hay có lẽ cô thừa biết, người bạn khiến anh lận đận chạy từ Anh sang Ý chính là người khiến anh tin vào nguyện ước với tuyết trời, mưa rơi và đi khắp nơi chưa biết điểm dừng?

Chuông cửa reo. Hộp quà bưu điện chuyển đến. Là thủy tinh xứ Murano.

Cô buông thõng người bên thềm nhà nhạt nắng, chạm tay vào viên thủy tinh óng ánh đủ màu, thấy lòng an yên.

Dường như mọi thứ thuộc về anh, chỉ cần chạm nhẹ một chút cũng khiến cho ngày mới của cô hân hoan hơn rất nhiều.

Đến cả món quà quá đỗi “mang tính chất lưu niệm”, giờ nhìn lại vẫn thấy phảng phất ánh mắt trong veo của anh. Ngày trước, Hy từng kể cô nghe nhiều về văn hóa xưa cũ ở châu Âu, trong đó có nghề thổi thủy tinh ở xứ Murano – hòn đảo ngoại ô thành phố Venice. Thời Phục hưng, cả nước Ý nổi danh nhờ thủ thuật chế tác thủy tinh màu. Những người thợ nắm giữ bí quyết thổi kim loại thành màu đưa vào thủy tinh nóng chảy đều bị biệt giam ở Murano để nghề độc nhất châu Âu này không bị thất truyền xứ khác. Ngược lại, họ được đối đãi trọng thể với vàng bạc châu báu, còn con gái được gả cho những nhà quý tộc ở Venice. Cũng từ đó, những bi kịch tình yêu bắt đầu. Nơi nào không có tự do thì dù cho vàng bạc cũng trở nên thừa thãi và tình thương lại thành rẻ rúng vô cùng.

Để có những thứ thủy tinh trong ngần và sắc sảo đến kia, người ta phải chịu cảnh đập vỡ rất nhiều sản phẩm bị lỗi. Như là thủy tinh nung quá nóng bị nứt rạn, như là các vệt màu lem nhem do thổi vào không đúng nhịp, như người thợ lơ đãng trễ nải khiến thành phẩm đục ngầu… Như là Hy với cuộc đời cô – một lỡ lầm, không thể khắc phục được nữa, chỉ còn cách từ bỏ, để lại phía sau, lặng lẽ vượt qua.

Sẽ không tìm cách quên anh như đã định, bởi cô hiểu rằng, anh chưa bao giờ đơn giản chỉ là một-người-đến-rồi-đi, và cô chưa bao giờ là người ở lại cao thượng đủ để gọi với theo mà bảo rằng: “Em ổn cả mà, nên là anh cứ đi đi”. Chỉ thỉnh thoảng nhắc về nhau để biết mình chưa thành xa lạ với ngày cũ, dù chỉ là những ngày cũ lưng chừng giữa buồn – vui, giữa hạnh phúc lẫn hụt hẫng. Là ngọt ngào hay đắng đót, là kỷ niệm hay cần phải lãng quên, cô cũng không phân biệt và phân định được nữa rồi. Buông tay hay níu kéo, với cô lúc này, đều bất khả như nhau…

Đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ chỉ toàn dấu ba chấm ngay từ khi bắt đầu. Là kết thúc hay tiếp tục, quả thật chẳng thể biết, vì đã là dấu chấm thì “chấm hết” và “ba chấm” cũng giống hệt nhau thôi. Cũng như làm sao biết được một mối quan hệ lửng lơ chưa bao giờ bắt đầu, thì đâu mới là điểm kết thúc, hay lại chỉ là tiếp tục những lưng chừng nấn ná nữa?

Dẫu sao, cũng đã đến lúc cần xếp lại nỗi buồn và gắn cho nó đôi cánh để thả bay về những khung trời khác rồi. Bởi dưới bầu trời vẫn nguyên vẹn màu xanh, nhưng cô và anh đã không còn riêng dành nỗi buồn này cho nhau thêm được nữa. Đôi khi, tiếp tục yêu một người chỉ cần sự cố chấp, nhưng từ bỏ một người và từ bỏ nỗi buồn thì cần nhiều lắm dũng khí lẫn chai lì.

Ai rồi cũng phải đôi lần bước qua những khoảng-trống-không-nhau để biết niềm đau là một thứ có thật, và hạnh phúc chật vật lắm mới len lỏi nương mình giữa vô chừng nước mắt rơi. Nước mắt – dù là của kẻ ở hay người đi – thì bao giờ cũng mặn. Nụ cười – dù là của ngày cũ người xưa hay tự mình mỉm cười mỗi khi nhớ về – thì bao giờ cũng ấm áp. Biết rằng trong phần đời của nhau, đã từng dành những ngọt ngào ngắn ngủi và mặn đắng hiếm hoi cho riêng một kỷ niệm của chung hai đứa. Vậy là đủ.
 
Truyện 4
Tình yêu Nhật thực

Anh có biết vì sao hoa bất tử không bao giờ tàn? Vì vốn dĩ nó đã chết rồi. Cũng như những gì đã qua và không-còn-nữa giữa chúng ta... nghiễm nhiên trở thành Bất Tử trong em.

Vừa đến trước cửa khách sạn, tôi đã há hốc mồm và đứng yên không dám động đậy bởi ba chú chó săn từ đâu xộc tới đánh hơi đống hành lý lỉnh kỉnh dưới chân.

- Tụi nhỏ chỉ lục xem có bom hay chất nổ gì không, anh cứ yên tâm. - Đâu đó vang lên giọng nữ, nói tiếng Việt hẳn hoi, làm tôi càng ngớ người hơn. Ngay giữa thủ đô Jakarta này, nghe được ngôn ngữ quê nhà đủ khiến người ta an lòng, nhất là khi đang bị vây quanh bởi cả gia đình chó săn hung hăng khịt mõm.

Em bước ra từ sảnh tiếp tân, nở nụ cười trong veo như thủy tinh trên cửa kính phản chiếu ánh Mặt trời, xong bảo:

- Tháng trước có vụ đánh bom tự sát ở một khách sạn lớn ngay trung tâm nên chính quyền siết chặt an ninh hơn với tất cả hành lý. Anh chịu khó chờ tụi nhỏ làm nhiệm vụ tí nhé!

Tôi lại tiếp tục tròn xoe mắt trước cô gái đồng hương tính cách can trường này. Nghĩ sao mà cô ấy gọi đây là “tụi nhỏ” và lại còn cười tươi rói khi nhắc về vụ đánh bom tự sát?



Thật ra Yên không phải tiếp tân của khách sạn. Bộ du lịch sở tại đã nhờ em làm hướng dẫn viên cho tôi trong chuyến công tác này. Yên đang theo học ngành Văn hóa tại Đại học Quốc gia Indonesia và công việc tour-guide là cách để trang trải cuộc sống sinh viên. Khi các nhà chức trách mời tôi sang Jakarta thực hiện loạt bài phóng sự quảng bá du lịch, Yên được nhà trường tiến cử và trở thành ứng viên sáng giá vì không bị rào cản ngôn ngữ.

Nhưng chính vì tương đồng ngôn ngữ mà chuyến công tác này của tôi trở thành cuộc. đấu khẩu liên miên.

- Mình đến Bali trước đi, anh muốn viết bài về thiên đường du lịch.

- Tôi vừa xắn miếng omelette trên bàn ăn sáng, vừa lên kế hoạch hành trình với em vào hôm sau.

- Ai đến Indo cũng đi Bali cả, em nghĩ chẳng còn gì mới mẻ. Chưa kể nơi đó được mệnh danh là Đảo trăng mật, trai đơn gái chiếc đến đó không nên! - Yên lắc đầu.

Tôi phì cười, nghĩ thầm cô gái này cá tính và lạ đời hết sức. Dừng tay cầm nĩa, tôi ngước nhìn em hỏi:

- Vậy em có gợi ý gì không, sau Bali thì anh chỉ nghĩ đến thành phố thương mại Surabaya và thủ phủ văn hóa một thời ở Yogyakarta?

- Anh đang ở thủ đô của xứ vạn đảo, mọi thứ đều có ở Jakarta, cần gì phải đi xa xôi? Con trai các anh thật là giống nhau!

Tôi tròn xoe mắt:

- Là sao? Giới tính thì liên quan gì đến quyết định đi đâu cơ chứ?

- Chẳng phải sao, con trai hầu hết bị viễn thị, chỉ toàn nhìn thấy ở đâu đâu xa tít tắp và mê mải với những điều ngoài tầm với, chứ chẳng bao giờ bận lòng để tâm đến những thứ thật gần bên cạnh mình.

- Vậy thì em lầm to, mắt anh sáng rõ 10/10. Nhưng để không bị đánh đồng với người yêu cũ viễn thị của em và bảo toàn danh dự cho đàn ông còn lại của thế giới, anh sẽ đi một vòng quanh Jakarta với em. - Tôi nhếch mép cười, đoan chắc đã nói trúng tim đen của Yên.

Lần này thì đến phiên em tròn xoe mắt:

- Nhà báo các anh có vẻ thích suy diễn nhỉ? Người yêu em còn chưa có, huống hồ là cũ. Còn việc các anh bị viễn thị bẩm sinh là do gen di truyền từ thời Adam rồi.

- Anh tưởng Adam chỉ mắc bệnh về cột sống thôi, hóa ra thị giác cũng có vấn đề à? Nhắc mới nhớ, Eva bọn em còn nợ tụi anh đốt xương sườn đấy nhé.

- Còn các anh thì nợ bọn em một lời xin lỗi vì viễn thị cận thị loạn thị thế nào mà nhìn nhầm trái cấm thành trái dâu trái táo, xong rủ nhau ăn để cả hai bị tống khứ khỏi vườn địa đàng, phải xuống trần gian ăn omelette thế này.

Tôi phá lên cười. Đúng thật là dù rất ương ngạnh nhưng ở Yên toát lên sự thông minh hóm hỉnh khiến tôi không mảy may phiền lòng.

Cả ngày đó, chúng tôi đi qua những con đường tấp nập nhất ở thủ đô, nếm những món ăn đường phố đậm đà hương vị nồng cay đặc trưng của xứ vạn đảo. Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính có mặt trong hầu hết các món ăn, vì thế trên bàn ăn lúc nào cũng thấy rực sắc đỏ. Thông thường, các món ăn đều dùng chung với sambal - một loại nước xốt được làm từ ớt tươi có công dụng như nước tương của Việt Nam. Yên đã phải liên tục dặn dò đầu bếp câu “Tidak pakai cabe” để họ nêm nếm gia vị vừa phải hơn khi chứng kiến tôi cay xé lưỡi chẳng còn thốt nổi lời nào. Cuối cùng, em đành gọi món cơm Nasi Tumpeng béo ngậy làm dịu vị giác, cốt để tôi có thể trò chuyện trở lại. “Có người huyên thuyên kế bên để bữa ăn của em đỡ trống trải như thường nhật”, Yên bảo. Món cơm nấu từ nước dừa này nhìn khá vui mắt với hai màu xanh - vàng xen kẽ của lá dứa và củ nghệ. Nasi Tumpeng được xem là đặc sản vì cơm được nặn thành hình tháp nhọn, gợi nhiều liên tưởng đến những mái nhà đỉnh chóp truyền thống ở Indonesia.

- Cần chi đi đâu xa, khi chỉ lòng vòng Jakarta đủ để anh viết một loạt bài về ẩm thực rồi nhỉ? - Yên lí lắc hỏi.

- Biết rồi cô nương, anh vẫn còn tê lưỡi lẫn môi đây, không đôi co với em đâu. - Tôi lắc đầu.

- No bụng rồi, giờ mình vận động tay chân thôi! - Nói đoạn, em níu tay tôi băng qua cầu vượt, đi bộ một quãng dài trên đường lát đá thẳng tắp, hướng về phía bảo tàng nghệ thuật.

Bước vào trong, khán phòng đã chật kín khách du lịch. Những cô bé, cậu bé nghệ sĩ nhí chừng tám, chín tuổi từ dưới sân khấu mang trao tận tay từng khán giả những ống tre được ghép thành hình như đàn hạc cỡ nhỏ. Yên bảo đây là đàn Angklung, một loại nhạc cụ thường dùng trong các lễ hội mừng thu hoạch. Người dân tin rằng tiếng đàn sẽ gọi mời thần thánh đến ban tặng sự trù phú cho mùa sau.

Đàn Angklung có bảy kích cỡ ống tre dài ngắn khác nhau để tạo nên thang âm thất cung và ngộ nhất là chỉ cần cầm trên tay rồi rung lắc đúng nhịp, ai cũng sẽ tạo nên âm sắc thanh tao. Tôi và Yên đã ngồi suốt buổi chiều trong khán phòng để nhịp tay theo đàn nhạc đệm cho màn múa dân gian của các em nhỏ. Thỉnh thoảng hai đứa quay sang nhìn nhau cười hớn hở xong gật gù tán thưởng cho khả năng nghệ thuật vừa chớm nở của bản thân.

Rời khỏi bảo tàng, Yên bước chậm rãi trên lề đường đang dần đổ nắng ngược chiều tàn, thủ thỉ: - Có những khi ngán nghe tiếng người, em lại tới đây để nghe tiếng nhạc. Cũng lạ, chỉ là những thanh tre vô tri va vào nhau, vậy mà tạo thành đủ mọi cung bậc thăng trầm.

- Người với người va vào nhau cũng sẽ thăng trầm thế thôi. Mà có vẻ em chẳng muốn mình va vào ai cả. Bớt tự kỷ và sống một cuộc đời trần gian tí đi cô gái. - Tôi nói bâng quơ, xong quay sang nhìn em. Có chút nắng chiều thảng hoặc rơi vào mắt Yên. Em vội quay đi. Hoàng hôn vàng vọt loang đầy, sóng sánh một nỗi buồn dập dềnh đến độ tay tôi khỏa nước mải miết cũng chẳng thể chạm tới mái tóc dài của em đang xõa bay trước gió.

- Anh về khách sạn nghỉ ngơi nhé. Sáng mai mình đi sớm. Rời Jakarta cho anh vừa lòng.

- Em tính đi đâu?

- Đà Lạt.

- Hả?


“Đà Lạt” mà Yên nhắc đến thật ra là phố núi Bandung - thành phố lớn thứ ba của Indonesia sau Jakarta và Surabaya. Nằm trên cao nguyên ở phía Tây, cách thủ đô gần hai trăm cây số, Bandung khuất sau cung đường đèo khúc khuỷu, hai bên triền núi trải đều những đồi trà xanh mướt.

Phố núi đón chúng tôi trong một chiều mưa tí tách rơi trên ô kính xe, buồn man mác. Yên bảo nơi này quanh năm mưa suốt, lần nào em xách balô lên đây lánh đời cũng gặp cảnh nước trút trắng trời riết rồi thành quen. Nói đoạn, em tựa cửa nhìn mông lung ra ngoài con đèo heo hút mây phủ, tuyệt nhiên không nói cười. Thấy lạ, tôi vuốt nhẹ tóc em, ánh mắt ra chiều lo lắng. Em bật cười.

- Không sao đâu, chỉ là em thấy mình đẹp nhất khi tựa cửa buồn bã thế này. Lâu lâu phải ra dáng con gái buồn lãng mạn để sống cuộc đời trần gian như anh nói chứ!

Tin tôi đi, tâm trạng của cô gái này còn thất thường khó hiểu hơn cả thời tiết quanh năm mưa suốt ở Bandung.

Nhịp sống cao nguyên dần hiện ra sau những đoạn đèo quanh co. Tôi mê mẩn nhìn những mái nhà truyền thống thấp lè tè, nhắc nhở một truyền thuyết về những vị thần trên cây không cho phép người trần xây nhà cao hơn mình. Khi xe chạy vào làn đường bao quanh bởi hoa núi khoe sắc chật lối hai bên, tôi mở toang cửa kính để không khí trong lành tràn vào mát rượi cả lồng ngực. Đúng thật là giữa tiết trời se lạnh và hương hoa nồng nàn của phố núi Bandung, thấy nhớ về Đà Lạt của xứ mình quá...

Đặt chân đến nơi mới hiểu vì sao người dân Indonesia ưu ái gọi nơi này là “thành phố hoa”. Dân làng trồng hoa san sát ngay trước cửa nhà hoặc dựng những nhà kính trên vỉa hè để chăm chút cho đủ loại cây kiểng. Những con đường ở đây cũng khá nhỏ, lại là đường đèo nên dốc thoai thoải và nhiều ngõ vòng vo, cho nên thật lý tưởng nếu thả bộ để thỏa thích ngắm hoa và mặc sức trả giá với những bác nông dân tại gia để mua vài chậu kiểng làm kỷ niệm.

Em cầm trên tay lẵng hoa bất tử mới mua bên đường, xong trầm ngâm bảo:

- Anh có biết vì sao hoa bất tử không bao giờ tàn?

- Vì ngay khi mới nở, nó có phải trải qua quá trình mộc hóa nên vẫn giữ được màu sắc ban đầu, đúng không em? - Tôi mơ màng trả lời với vốn kiến thức sinh học còn lại ít ỏi từ thời phổ thông.

- Cho là vậy đi, nhưng tại sao thiên nhiên lại bắt nó chịu cảnh mộc hóa, trong khi các loài hoa khác được nở tươi dưới ánh Mặt trời và tàn úa theo quy luật thời gian?

- Vì mỗi người đều có phận sự riêng trong cuộc đời, và hoa cũng thế. Có những loài hoa mang phận sự nở tươi và tỏa hương khoe sắc, nhưng có những loại hoa chỉ để phơi khô làm kiểng trong nhà kín cửa không ánh nắng không nước chăm. Trả lời vậy đúng ý em chưa?

- Nhưng em nghĩ.

- Thôi em đừng nghĩ và đánh đố anh nữa. Hoa nào cũng có sứ mệnh đời hoa riêng hết. Cũng như phận sự đời em không phải làm nhà thực vật học. - Tôi buột miệng mà không kịp suy nghĩ.

- Thật ra hồi xưa nhà em làm nghề trồng hoa mà. - Em cúi mặt thầm thì, gương mặt bình lặng như nước.

Yên đi cạnh tôi, thả bộ trên con đường dốc quanh co của phố núi. Lời em nói như sương mờ lãng đãng trầm mặc:

- Quê em ở Đà Lạt. Cả nhà trồng hoa mang ra chợ bán từ ngày em còn nhỏ xíu. Trong nhà kính, có khóm hoa bất tử cứ nở tươi bốn mùa. Bố không nỡ bứng đi, dù thứ hoa ấy chẳng ai thu mua giá cao. Nhưng cuối cùng, không chỉ khóm bất tử mà cả vườn hoa đều phải bán hết để bố mẹ gom tiền cho em du học. Giờ hình như khoảng sân đó chỉ còn là bãi đất ngổn ngang sắt thép chờ xây đô thị chứ chẳng còn màu hoa nào. Có nhiều thứ bất tử với thiên nhiên nhưng không sống sót nổi dưới bàn tay đong đo cơm áo gáo tiền của con người, anh nhỉ?

Tôi trầm ngâm. Những mắc míu trong lòng cuối cùng cũng có lời đáp. Hóa ra ai trong chúng ta cũng phải đôi lần khoác lên chiếc mặt nạ tươi rói và bướng bỉnh thất thường để che giấu đi một trái tim dễ tổn thương khi sống xa quê hương.

Cố xua đi sự im lặng giăng đầy giữa hai đứa, tôi mở lời:

- Vậy sau này anh lên Đà Lạt chơi, em nhớ đón tiếp nha!

- Em chắc chắn sẽ nhớ đón, có điều đến đó anh còn nhớ lời hẹn không thôi? - Yên khẽ hỏi, tay vẫn mân mê những cánh hoa bất tử khô khốc.

Đường đèo đổ dốc. Hai chúng tôi cứ bước dài theo quán tính nhanh vội. Băng qua những bụi hoa tươi rạng rỡ ven đường. Băng qua phố núi vào chiều hanh hao nắng. Băng qua những nỗi cô đơn trĩu nặng, qua trăm ngàn lần lặng lẽ.

Nhưng không băng qua nhau.

Vì chẳng hiểu sao, cả hai không ai nỡ bước trước bỏ lại người bên cạnh nên cứ song song đồng hành. Thỉnh thoảng nhìn vào mắt người đối diện, thấy nụ cười trong veo in hằn bóng mình trong đó. Những nụ hoa bất tử trên tay vốn đã khô queo bỗng chợt rung nhẹ theo gió. - Anh thấy ngọn núi mang hình dáng gì không? - Yên chỉ về đỉnh núi thấp thoáng phía xa vào sáng hôm sau, khi cả hai vượt đèo leo lên núi lửa Tangkuban Perahu.

- Giống món cơm Nasi Tumpeng bị em ăn mất phần đỉnh chóp.

- Bớt giỡn đi anh! Núi lửa Tangkuban Perahu trong ngôn ngữ của người Sundanese nghĩa là “Con thuyền lật ngược”.

- Thuyền không ở biển mà mang tít lên núi làm chi vậy?

Yên bỏ mặc câu pha trò nhạt thếch của tôi, kể tiếp:

- Truyền thuyết kể lại ngày xưa có chàng trai đem lòng yêu một nữ thần xinh đẹp. Nữ thần muốn cự tuyệt nên giao ước chỉ chấp nhận lời cầu hôn nếu chàng trai đào xong một hồ nước và đóng được chiếc thuyền trước lúc bình minh. Nhưng không ngờ, những linh hồn đã hiện lên trong

đêm để giúp kẻ chung tình nên chiếc thuyền đã sớm thành hình. Nữ thần

lo sợ bèn nghĩ cách để làm Mặt trăng biến mất và gọi Mặt trời dậy.

- Nghe có vẻ giống Nguyệt thực nhỉ?

- Chính xác. Người phụ nữ đoạn tuyệt ấy đã căng một tấm vải đỏ che hết đường chân trời, bọc kín Mặt trăng thành đỏ lịm. Các linh hồn không còn thấy Mặt trăng tỏa ánh bạc mà chỉ thấy một vùng sáng đỏ lòm nên hoảng hốt bỏ trốn. Gà cũng gáy sớm hơn vì cứ ngỡ Mặt trời đã thức dậy mà đâu biết chỉ là Nguyệt thực mạo danh. Chàng trai tưởng mình đã chậm chân khiến giao ước bất thành nên tức giận hất tung con thuyền đang xây dở. Kỷ vật đính ước từ đó lật úp nằm lại chỏng chơ giữa núi đèo và hóa thành Tangkuban Perahu sục sôi lửa giận.

- Anh không quan tâm tới cơn tức giận của chàng trai trong chuyện ngày xửa ngày xưa cho lắm, mà lo sợ núi lửa ngày nay còn tức giận phun trào lần nào nữa không thôi?

- Anh yên tâm. Tới nơi anh sẽ thấy chỉ có người tràn đầy chen chúc quanh miệng núi lửa, chứ chẳng có nham thạch nào tràn ra nổi.

Vừa phấn khích, vừa nghi ngại, tôi và Yên bước vào vùng đồi núi chập chùng và mịt mù trong khí sulfur. Cứ nghĩ vùng núi lửa sẽ oi bức, ai ngờ khi càng lên cao lại càng lạnh, từng đợt gió thổi tê cóng người. Run cầm cập và không ngừng xoa tay giữ ấm, chúng tôi tiến đến gần miệng núi lửa rộng hoác và sần sùi để chứng kiến một trong những kỳ quan lâu sôi đã khô quánh, đông đặc dưới đáy miệng núi lửa tạo nên một vùng trũng xám xịt nồng nặc mùi lưu huỳnh. Mặc dù dọc đường đi, người bản xứ đã dặn dò rằng khí sulfur dày đặc có thể gây khó chịu hô hấp, nhưng chẳng ai buồn đeo khẩu trang hay dùng khăn che mặt, bởi màn sương mù phốt pho trắng xóa ấy lại khiến tôi thích thú và có cảm giác đang lạc giữa chín tầng mây trời.

Quá đỗi nôn nao, tôi nắm tay Yên, hào hứng bảo:

- Giả dụ lúc này núi lửa phun trào, em sẽ làm gì?

Yên chưa kịp trả lời, tôi đã thấy hơi lạnh trong tay dần ấm lại. Bất giác nhìn hai bàn tay đang đan vào nhau, tôi mơ hồ chẳng còn thấy xung quanh gì nữa. Hay bởi khí sulfur và sương mù mây phủ đã che kín đôi mắt Adam viễn thị của mình?

Tôi có đang ngộ nhận về một điều đã thất lạc quá lâu vừa tìm lại không nhỉ? Hay cảm giác này, khoảnh khắc ấy, quả thật có chút yên bình chạm khẽ vào tay.



- Anh sẽ nhớ em chứ? - Yên tiễn tôi đến tận cổng check-in sân bay, hỏi một câu khiến tôi mông lung chẳng thể trả lời. Ừ thì, những ngày - và cả những đêm - vừa qua, tôi rất bình yên khi có em ở cạnh. Nhưng khi rời khỏi xứ sở vạn đảo này rồi, ai dám chắc trong vạn nhịp đập của trái tim hai đứa, có nhịp đập nào kiên tâm dành cho nhau?

- Nói nhớ, có nghĩa là đã xa rồi. Em muốn mình phải xa để nhớ, hay luôn gần trong tâm trí để không bao giờ cảm thấy cần nhớ nhung? - Tôi cố cười thản nhiên nhất.

- Em hỏi thế thôi. Chứ hạnh phúc trường cửu nhất là thứ hạnh phúc không cần phải dựa dẫm vào ai. Nỗi nhớ mà cứ đi tầm gửi thì cuối cùng cũng dễ lung lay và bị bỏ lại. - Yên nhoẻn cười, vẫn nụ cười bướng bỉnh và lạ lùng của em.

Nhìn qua cửa sổ máy bay, Jakarta tiễn tôi đi bằng những ngọn đèn

li ti của trăm con tàu đang dập dờn trên biển nước của phía dưới xa. Thành phố này về đêm dường như yên tĩnh, lặng lẽ vô ngần, bởi không có thứ ánh sáng lấp lóa và đầy mê mị như Sài Gòn mà tôi đang trở lại.



Và đúng thật, Sài Gòn cùng ngổn ngang công việc và các mối quan hệ chằng chịt đủ sức mê mị tôi quên đi những ngày chóng vội ở Bandung. Như một chớp mắt. Như sự đổi thay sáng - tối chỉ cách một bờ mi khép mở. Cất vào trí nhớ chút bình yên nhẹ nhàng, tôi lơ là với thứ cảm xúc từng có với Yên. Tất nhiên ai trong chúng ta cũng có quyền thương nhớ, nhưng-vẫn-phải-bước-tiếp. Bởi lấy kỷ niệm làm thói quen và lẽ sống thì cũng giống như lấy khí CO2 làm ôxy tiếp vào cơ thể vậy.


Cứ thế, tôi cứ bước tiếp và hít thở thứ không khí lành trong không vướng víu kỷ niệm. Cho đến một lần, tôi có công tác đến Đà Lạt.

Phố núi hôm ấy, tình cờ, rơi vào ngày Nhật thực.

Cả thành phố đang rực nắng giữa trưa bỗng chìm trong bóng đêm chập choạng. Tôi ngồi bên triền dốc cạnh bờ hồ để chụp lại khoảnh khắc Mặt trời bị Mặt trăng che khuất. Loay hoay chỉnh máy hình để canh tiêu cự, tôi xoay ống kính giáp vòng để chụp thử vài bức ảnh đo sáng. Đột nhiên, một nụ cười tươi rói lọt vào khung ảnh khiến tôi buông máy, dụi mắt trần để nhìn rõ hơn.

Là Yên.

Em bước xuống triền dốc, nhẹ nhàng len qua chiếc cầu đá dẫn lối ra phía giữa hồ nơi tôi đang ngỡ ngàng trước cuộc hội ngộ này.

- Em đã hứa khi anh đến đây, em sẽ ra đón tiếp mà. - Yên cười khúc khích, nụ cười lảng bảng trong ánh sáng chạng vạng.

- Em về khi nào? Anh cứ tưởng em vẫn còn trong thời gian bảo vệ luận án bên Jakarta.

- Về khi nào đâu quan trọng. Chỉ cần ngay lúc này, ở tại đây, anh và em đều còn nhớ những lời đã hứa là đủ. - Yên lại mỉm cười, ánh mắt em trong veo như mặt hồ, tuyệt nhiên chẳng hề đọng chút váng vất tờ mờ của Nhật thực đang bao phủ hai đứa.

Tôi và em ngồi cạnh nhau, giữa một vùng tối loang đầy của khoảnh khắc Mặt trời chịu nhường Mặt trăng. Lòng tôi vẫn còn đầy mặc cảm và ngại ngần, bởi thật sự tôi chưa từng xem trọng lời hứa vu vơ lúc xưa. Vậy mà.

- Anh còn nhớ truyền thuyết Nguyệt thực ở núi lửa Tangkuban Perahu không?

- Nhớ chứ. Câu chuyện nữ thần cự tuyệt tình yêu bằng cách che đi Mặt trăng.

- Chẳng hiểu sao lúc này em lại nghĩ về truyền thuyết đó. Nguyệt thực khi xưa chia cách tình yêu khiến chàng trai không đến được với người con gái anh thương. Còn Nhật thực bây giờ đã giúp em gặp lại và ngồi sát cạnh anh thế này.

- Yên à, anh xin lỗi. - Tôi vô thức viện đến câu nói muôn thuở của loài người để khỏa lấp sự trống trải trong suy nghĩ.

Em nhỏ nhẹ tiếp lời, như chẳng để tâm đến tôi đang vụng về cúi gằm mặt:

- Có lẽ với anh chỉ là những xốc nổi tình cờ, nhưng nỗi nhớ trong em là thật và chưa thay khác bao giờ. Những khi nhớ về anh, về chúng ta của ngày hôm qua, em bất giác sợ. Sợ những bốc đồng trong cảm xúc của mình khiến anh bận lòng, sợ những cảm xúc của mình khiến anh bận lòng, sợ những điều đã qua làm anh phân tâm và lần lữa, sợ rằng chưa chắc hoặc nhớ hoặc quên - bên nào sẽ đau hơn. Nhưng đáng sợ nhất, là sợ mình lại ngộ nhận thêm một lần.

- Em không ngộ nhận. Chỉ là chúng ta đã chọn hai con đường song song không có điểm giao chung. Nơi em ở khác khoảng trời anh sống. Nơi anh đặt sự quan tâm hằng ngày lại không có em hiện diện.

- Có những chia xa vốn là lẽ đương nhiên, như Mặt trăng có nấn ná cách mấy cũng chẳng thể sống chung dưới một khoảng trời với Thái dương, đúng không anh?

Yên vừa dứt lời cũng là lúc nắng bừng lên trở lại. Ánh sáng hắt xuống mặt hồ loang nước làm tôi lóa mắt đến choáng váng. Nhắm mắt định thần đôi chút, tôi mơ hồ nghe tiếng chân em vội rời đi, len qua phía cầu đá vang tiếng gõ bước khô khốc. Giật mình, tôi chớp mở mắt nhìn, cố trốn tránh ánh nắng chói gắt đang phủ trắng xung quanh. Cuồng chân chạy vội lên bờ, chẳng còn thấy Yên đâu.

Có tiếng cười khúc khích sau lưng, tôi quay ngoắt lại, chỉ thấy vài cô bé đang tủm tỉm cười, băng ngang qua vai. Tiếng họ thủ thỉ to nhỏ: “Đẹp trai mà bị khùng, ngồi lẩm nhẩm nói chuyện một mình.”

Tôi nhìn lại xuống triền dốc, đường dẫn lối qua cầu đá xuống hồ. Tuyệt nhiên chẳng còn ai ở đó.

Chỉ có một bụi hoa bất tử, nép mình rung nhẹ để đón nắng trở lại sau khoảnh khắc nhất thời Mặt trăng - Mặt trời chung đôi.
 
×
Quay lại
Top