Đừng mãi bi quan, con nhé!

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Người bi quan chỉ nhìn thấy li nước đã vơi đi một nửa, trong khi người lạc quan sẽ nhìn thấy vẫn còn đến một nửa li nước.
Jacob, con trai giữa của tôi, là một đứa bé kháu khỉnh, thông minh và biết nhiều thứ. Nhưng mặc cho những thứ đang có, cháu vẫn có khuynh hướng nhìn cuộc đời như một cái li đã vơi đi một nửa. Hàng ngày, cứ đi học về là cháu lại liệt kê hàng tá chuyện tồi tệ ở trường. Mặc cho có cố gắng mấy, tôi cũng không tài nào thuyết phục cháu bỏ được thái độ tiêu cực đó và nhận ra mình đang may mắn như thế nào.

Dịp sinh nhật lần thứ 9 của cháu, chúng tôi để dành đủ tiền để dắt cả nhà đến Disneyland chơi hai ngày. Dạo đó tôi và bố cháu chẳng kiếm được mấy tiền, nhưng chúng tôi nghĩ đây là sinh nhật của Jacob nên cũng đáng để cả nhà tiêu pha đôi chút. Sau khi đã chơi chán chê khắp Disneyland, chúng tôi nằm vật ra ở khách sạn. Tôi hỏi cháu:

- Hôm nay con có vui không, Jake?
Và tất cả những gì cậu con trai hay “vạch lá tìm sâu” của tôi đáp là:
- Phim Cướp biển vùng Ca-ri-bê không chiếu!
- Jacob Marchall, - tôi la cháu mà không kềm được cơn bực bội. - Chúng ta xếp hàng cả tiếng rưỡi đồng hồ để xem The Haunted Mansion. Chúng ta chơi trò Space Moutain đến ba lần. Rồi chúng ta đi khắp công viên hết hai ngày trời, ấy vậy mà tất cả những gì con có thể nói là “phim Cướp biển vùng Ca-ri-bê không chiếu” ư?

Rõ ràng cần phải làm một điều gì đó đối với thái độ tiêu cực của thằng bé, và tôi chính là người sẽ làm điều ấy.
Tôi bắt tay vào nhiệm vụ với quyết tâm lớn chẳng khác gì một người chỉ huy mặt trận. Tôi đọc mọi bài viết, mua tất cả những sách vở có liên quan. Tôi tra cứu trên Google hàng tuần để tìm ra vũ khí đánh bại thói tiêu cực của thằng bé. Với những nguồn lực hỗ trợ đó, tôi bắt đầu phát triển chiến lược của mình. Trong một vài quyển sách tôi đọc, người ta liệt tính khí của con tôi vào dạng sầu muộn, nghĩa là thằng bé nhạy cảm, có tâm hồn nghệ sĩ, sâu sắc, hay phân tích và lúc nào cũng nhìn thấy cái xấu nhất trong mọi tình huống. Quả Jake là như thế. Tôi còn biết rằng những người có tính khí như thế còn có nhu cầu ra lệnh và rất nhạy cảm, nghĩa là tôi cần phải biết kiên nhẫn lắng nghe những lời bi quan của cháu mỗi ngày. Phản ứng thông thường của tôi trước nay là nói ngược lại, giúp Jake thoát khỏi sự tiêu cực đó nhưng làm thế lại không đáp ứng được sự nhạy cảm ở cháu. Trước tiên, tôi cần để cháu trút hết những lời ca thán của mình rồi mới hỏi: “Vậy hôm nay con có những điều gì tốt đẹp nào?”. Và tôi cần phải đợi cho đến khi cháu có thể kể ra những điều đó, cho dù có lâu đến mấy cũng phải đợi. Làm thế sẽ giúp Jacob nhận ra rằng mỗi ngày vẫn có những điều tốt đẹp xảy ra với cháu, cho dẫu cháu có thấy cuộc sống ủ ê đến thế nào.

Cuối cùng cũng đến ngày tôi vận dụng những công cụ mới của mình. Jake đi học về, ngồi đánh thịch xuống gi.ường như thường lệ và bắt đầu liệt kê những điều tồi tệ trong ngày ở trường. Tôi chăm chú lắng nghe, nhìn vào mắt cháu và gật gù vẻ cảm thông rồi hỏi:

- Vậy còn những điều tốt đẹp đã xảy ra hôm nay thì sao hả Jake?
Và tôi không ngạc nhiên khi nghe cháu đáp:
- Chẳng có gì sất!
- Hẳn phải có điều gì đó tốt đẹp xảy ra chứ. Con ở trường suốt sáu tiếng đồng hồ cơ mà? - Tôi động viên cháu.

Rồi tôi chờ đợi. Hôm đó tôi phải đợi đến mười lăm phút đồng hồ, quyết định sẽ ngồi yên như thế nếu cần thiết để thay đổi suy nghĩ của cháu. Cuối cùng cháu cũng thừa nhận:
- Con giặt giẻ lau bảng.
- Con làm một mình à?
- Không, với Brandon.
- Là bạn thân của con hả?
- Dạ.
- Nghĩa là con rời khỏi lớp và đi giặt giẻ lau bảng với bạn của con? Con thật là một đứa trẻ may mắn đấy!
- Dạ, con cũng nghĩ thế. - Jake nói mà đầu ngửa ra sau, hai vai thu lại.

Kể từ hôm đó, ngày nào chúng tôi cũng thực hành thói quen trò chuyện đó. Tôi không thể nào nhớ được chúng tôi đã lặp đi lặp lại tiến trình này bao nhiêu lần. Jacob bắt đầu hiểu được sức mạnh của thói quen suy nghĩ tích cực, nhưng đôi lúc cháu vẫn giữ thói quen tiêu cực cũ. Những lúc đó, tôi phải động viên để cháu nhìn sự việc khác đi và cháu lại trở về thói quen suy nghĩ tích cực. Quả là một cuộc đấu tranh vất vả, nhưng Jacob đang từng bước tiến bộ rõ rệt.

Năm học cũng sắp kết thúc và Ngày Của Mẹ cũng gần kề. Bố của Jake đưa cháu đến cửa hiệu để mua một tấm thiệp tặng cho tôi. Cạnh bên ổ bánh mà cháu và các chị gái đã chuẩn bị là tấm thiệp mà tự tay cháu đã chọn. Miệng cười ngoác tận mang tai, cháu đưa nó cho tôi. Trên mặt bìa bên ngoài là dòng chữ: Người bi quan chỉ nhìn thấy li nước đã vơi đi một nửa. Trong khi người lạc quan sẽ nhìn thấy vẫn còn đến một nửa li nước.

Tôi mở tấm thiệp ra, đọc dòng chữ bên trong: Nhưng với mẹ thì cái li ấy không chỉ là cái li mà mọi người vẫn cho vào máy rửa chén hàng ngày. Chúc mẹ một Ngày Của Mẹ hạnh phúc!
Jake và tôi cùng cười lớn cho đến khi cả hai cùng òa khóc. Lúc đó tôi hiểu những gì mình nỗ lực đã được đền đáp.

LINDA NEWTON

Trích từ Luôn là chính mình - sẽ phát hành trong năm 2013 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM
 
×
Quay lại
Top