Đừng hủy hoại hôn nhân vì lời yêu có cánh

dolphin1992

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/9/2010
Bài viết
341
Hàng ngày, đi trên đường hoặc lướt mạng Internet, bạn có thể thấy vô vàn những lời quảng cáo về các lớp đào tạo "kỹ năng mềm", "nghệ thuật ứng xử", "kỹ năng hẹn hò"... Trong số những người quan tâm và đăng ký các khoá học này, chiếm một phần không nhỏ là nam giới. Phải chăng các nàng ngày càng quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài phe đối diện và ngay các chàng cũng muốn học cách ăn nói mượt mà như lụa?
Tuy nhiên, có bao nhiêu thực chất của sự quan tâm dưới cái vẻ ngoài bóng bẩy đó thật khó để biết được. Biết đâu, khi đặt nặng cái yêu cầu được nghe những lời thuận tai, thấy những điều thuận mắt, các chị em lại vô tình đánh mất đi cái tình thật, mộc mạc nhưng ấm áp, kiệm lời nhưng sâu sắc, vốn là một phần bản chất của người đàn ông Á Đông.
Bệnh tưởng
Một thực tế là các thế hệ về sau - có thể từ 8x và hậu 8x, được thụ hưởng điều kiện về kinh tế tốt hơn, có thời gian để phát triển cá tính hơn nên cũng tự tin để khẳng định bản thân nhiều hơn. Khi vui, khi yêu thì gõ lời yêu, bấm lời yêu chấp chới qua các mạng xã hội, qua tin nhắn điện thoại. Thói quen thể hiện cũng song hành với việc đòi hỏi bạn đời cũng phải thể hiện tình cảm theo những cách độc đáo, lãng mạn, hay quan tâm, chăm sóc khi cùng chia sẻ đời sống hôn nhân.
Các chị em hay than thở “anh ấy chẳng bao giờ tặng hoa cho vợ”, “chẳng bao giờ nói với vợ một lời yêu thương”, “chẳng khi nào khen vợ một câu”. Cũng không phải đến bây giờ những lời thở than này mới xuất hiện nhưng có vẻ như nó đang nhiều dần lên, thậm chí có khi trở thành nguyên nhân cho việc ngã lòng, tìm kiếm người thứ ba, hay đổ vỡ gia đình.
nau_an.jpg
Ảnh: Corbis
Các chuyên gia khuyên phải biết thay đổi, phải thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương, phải tìm ra cách để tặng quà, hoa cho vợ. Những kết quả tốt đẹp, sự xúc động bất ngờ của các bà vợ thường được đem ra làm ví dụ cho sự thành công của phương pháp, nhưng những lần không thành công, những kết quả không mong đợi thì chẳng mấy ai đề cập.
Cùng với phim ảnh, những câu chuyện kể đi kể lại của bạn bè, những phụ nữ chưa được tặng hoa tặng quà bỗng thấy mình bất hạnh, bỗng thấy chồng mình sao mà khô khan, không bằng chồng của người khác, bỗng thấy mình khao khát một bó hồng, một lời yêu thương dịu dàng.
Nói cho cùng, đó là một dạng "bệnh tưởng" - "cơ thể" hôn nhân đang không đau ốm hoặc chỉ ốm xoàng thôi, lại bị làm cho nặng lên, trầm trọng thêm vì so sánh, vì muốn cho bằng chị bằng em và vọng tưởng tới những gì người khác có, người khác bày ra khoe.
Điều này cũng giống như một người xách giỏ vào siêu thị, cố gắng mua bằng được những thứ mà người đi trước mình mua, bất kể mình có cần hay không, mình có đủ tiền hay không, thứ đó có phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình mình hay không... Những mặt hàng đẹp đẽ, long lanh, lãng mạn thường có giá không thực nhưng vẫn cứ gây nên nỗi khát khao, thậm chí là nỗi đau khổ cho rất nhiều chị em.
Hàng độc khó kiếm
Chị Thanh Uyên kể chồng mình rất được lòng các em trẻ ở công ty. Anh có cả một kho những lời có cánh. Thế mà về nhà với vợ chẳng bao giờ nói được một câu nghe cho êm tai. Hôm rồi tính đổi không khí, rủ chồng đi ăn ở một nhà hàng, mình phải nói dối là ở nhà hàng đó đang có chương trình giảm giá, anh dẫn em đi ăn thử. Ai ngờ ông ấy bảo “Em không sợ béo à? Anh thấy dạo này em tăng cân đều đều. Vậy mà còn suốt ngày tính chuyện ăn uống”! Mình đã bị sốc.
Nhìn lại mình cũng đâu đến nỗi nào. Mình giận hết mấy ngày, trong khi ông ấy cứ phây phây. Cuối tuần rồi, tự nhiên hai cha con bày ra trò barbecue tại nhà, cũng nướng, cũng khói bốc mù mịt, chồng mình tự hào tuyên bố: “Anh nướng ngon bằng mấy lần cái nhà hàng mà em định đi ăn đó! Không tin em ăn thử đi”!
Lang thang vào blog một anh bạn cũ người Huế nổi tiếng dẻo mỏ, tán gái thành thần, thấy anh dành nguyên một trang thơ tặng vợ. Bao nhiêu "dáng ngọc" ngày xưa, bao nhiêu tình nghĩa ngày nay tuôn dạt dào như suối, bài thơ nào cũng đề "tặng vợ" da diết. Gọi điện chúc mừng chị có một người chồng yêu vợ, một người tình lãng mạn dù đã ở với nhau có mấy mặt con, chị trả lời tỉnh rụi: "Chị đâu bao giờ tin mấy thứ đó em ơi! Tin là chết! Em nào mà chẳng là em, anh ấy cũng bay bướm hết mấy cô rồi mới ra cái màu ướt át đó. Sống với nhau lâu, hiểu quá rồi. Thương vợ thương con đâu cần phải la lên cho cả thiên hạ biết. chị chỉ cần chung thủy, chỉ cần anh ấy có trách nhiệm với gia đình thôi". Thì ra, chủ sở hữu hợp pháp của những "lời có cánh" chẳng hề đánh giá cao nó, vì người ta biết: cũng dễ làm thôi!
Lần khác, vợ chồng cô bạn cùng đến thăm sếp cũ. Anh chồng mang tặng một bó hoa, cười đầy ngưỡng mộ: “Sao từ lúc chị về hưu đến giờ cứ trẻ ra trông thấy vậy? Có bí quyết gì hay là lại có anh nào theo rồi đấy?”. Sếp cũ đã ngoài 60, cười tít mắt. Ra về, cô vợ lầm bầm dấm dẳng: “Bà đó mà trẻ! Anh cũng thật là…”. Đến lượt anh cười tít mắt: “Nếu em gặp thằng nào khen em trẻ ra, đẹp ra, em nhớ vụ hôm nay nhé! Đàn ông khen là thế đó vợ ơi!”.
Cô bạn vẫn còn ấm ức, kể tội chồng ra ngoài thì mồm miệng tía lia, về nhà thì chả bao giờ khen vợ được một câu. Anh chồng im lặng một lúc rồi bảo: “Không có gì trong lòng thì mới khua môi múa mép được em ơi. Chứ yêu thương nhau thật lòng, chẳng ai muốn nói những lời hoa mỹ đó, giả dối lắm. Người ta đều biết đó chỉ là thứ hàng khuyến mãi, rao lên để đánh lừa người mua thôi mà!”.
lang_man.jpg
Ảnh: Corbis
Chẳng biết sau đó cô vợ có nhận ra chất lượng của "hàng khuyến mãi" hay không, mà thấy chị bớt hẳn việc kể tội chồng, cũng bớt hẳn việc tìm cách giấu bớt tuổi tác. Chị bảo "Mình biết chồng mình, có những thứ ở sâu trong con người anh chỉ có riêng mình mới được, cũng chẳng nên đánh đồng mình với những cô nào đó ở bên ngoài chỉ chăm chăm hóng hớt những lời đãi bôi".
Thực ra, việc nịnh vợ đôi câu, kể cả "diễn" một chút cho vợ vui lòng, đều không khó gì. Thành ra, nếu các chị không thấy cái "độc", cái "đẳng cấp" của thứ hàng mình đang có, chỉ riêng mình mới có; nếu chỉ chăm chăm những thứ xanh đỏ hoa lá bên ngoài cho được như người ta, các chị sẽ đánh mất cái thật, cái giá trị cốt lõi bên trong, nhận lấy cái giả, cái hoa hòe bề ngoài.
Để hạnh phúc thật hơn
Xét cho cùng, việc phụ nữ hay đàn ông cũng đều yêu thích những gì lấp lánh, đẹp đẽ, thích được khen, được tán, được quan tâm chiều chuộng... Nhu cầu này cũng không cần thay đổi vì nhu nó thực sự chính đáng. Chỉ có điều, đừng đẩy nó lên thành thiệt thòi, mất mát để rồi tự làm khổ mình, tự tạo thêm những lỗ hổng không đáng có, làm suy yếu thành lũy gia đình.
Những cặp vợ chồng sống với nhau và hiểu nhau, cũng đồng thời hiểu rằng lời yêu có khi không có cánh, lời có cánh có khi không phải là lời yêu. Mỗi người một tính, một cách thể hiện riêng; đừng bắt người bạn đời phải bóng bẩy, phải mượt mà, phải kiểu cách hoa này quà nọ cho giống chồng người ta. Có khi tình yêu không cần đến lời nói, sự quan tâm chăm sóc thật lòng không cần phải gói bằng giấy gói quà.
Truyền thống "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" chưa bao giờ lỗi thời, nhưng xu hướng hiện đại đang là vật trang trí và mẫu mã bao bì bắt mắt. Hãy cẩn thận với những lời trang trí, bởi nếu mất cảnh giác, nó sẽ lấn át cái thực chất bên trong, nguy hiểm hơn, nó còn hình thành thói quen "trang trí" trong gia đình, khiến cho những gì mộc mạc, giản dị, thân tình dần biến mất.
Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng, cần xác định đúng giá trị của những thứ lấp lánh và "có cánh" ấy để không bị lừa và quan trọng hơn, để có thể khổ đau hay hạnh phúc thực hơn với cuộc đời này.

Theo phunuonline

:KSV@01:

----------

đọc và nghiền ngẫm tới các chàng của mình nhé ^^
 
Anh chồng im lặng một lúc rồi bảo: “Không có gì trong lòng thì mới khua môi múa mép được em ơi. Chứ yêu thương nhau thật lòng, chẳng ai muốn nói những lời hoa mỹ đó, giả dối lắm. Người ta đều biết đó chỉ là thứ hàng khuyến mãi, rao lên để đánh lừa người mua thôi mà!”.
Mình đã từng nghe câu này lâu lắm rồi. Ko ngờ còn có dịp được nghe lại. :KSV@17:.
Tưởng mình ko còn có cơ hội nghe lần thứ 2.

 
×
Quay lại
Top