Độc tố từ bột nhuộm màu xanh ngọc bích trên bìa sách

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien. vn) Bột nhuộm xanh độc hại từng được sử dụng để tạo màu cho mọi thứ từ hoa giả đến bìa sách. Giờ đây một chuyên viên bảo quản bảo tàng đang lần theo dấu vết những tập sách có độc này.

Vào thế kỷ 19, bột nhuộm màu xanh ngọc bích là mốt thời thượng trong thời trang và trang trí nhà ở, dù chúng chứa thạch tín (arsen). Ảnh: Rebecca Hale, National Geographic.

Vào thế kỷ 19, bột nhuộm màu xanh ngọc bích là mốt thời thượng trong thời trang và trang trí nhà ở, dù chúng chứa thạch tín (arsen). Ảnh: Rebecca Hale, National Geographic.

Các thư viện và tuyển tập sách hiếm thường chứa những tập sách kể về chất độc trên trang viết, từ những án mạng bí ẩn nổi tiếng đến những công trình quan trọng về độc chất học và pháp y. Chất độc được miêu tả trong những quyển sách này chỉ là con chữ trên giấy, nhưng một số quyển sách rải rác khắp thế giới có độc theo đúng nghĩa đen.

Những quyển sách có độc sản xuất vào thế kỷ 19 được bọc trong lớp vải sặc sỡ lên màu bằng loại bột nhuộm màu xanh ngọc bích tẩm thạch tín nổi tiếng. Người ta không để ý đặt nhiều quyển sách ấy trên kệ và trong các tuyển tập. Nên Melissa Tedone, trưởng phòng thí nghiệm bảo quản tài liệu thư viện của Bảo tàng Winterthur, Garden & Library ở Delaware đã khởi động một nỗ lực với tên gọi “Dự án Sách Độc” để xác định vị trí và thống kê những tập sách có độc này.

Cho đến nay, nhóm đã khám phá được 88 quyển sách ở thế kỷ 19 có màu xanh ngọc bích. 70 quyển trong số đó được bọc bằng vải xanh lá sặc sỡ, và số còn lại có bột nhuộm trên nhãn giấy hoặc hoạ tiết trang trí. Tedone thậm chí còn tìm thấy một quyển sách màu xanh ngọc bích đang bày bán tại một hiệu sách địa phương, thế là cô mua nó luôn.

Dù những quyển sách có độc này chỉ có thể gây hại nhẹ trừ khi có ai đó quyết định nuốt chửng một tập sách gần 200 năm tuổi, nhưng những quyển sách sinh động đầy mê hoặc ấy không an toàn tuyệt đối. Những người cầm chúng thường xuyên, như thủ thư hoặc nhà nghiên cứu, có thể vô tình hít phải hoặc nuốt phải các hạt có chứa thạch tín, có thể khiến họ cảm thấy lờ đờ, choáng váng hoặc bị tiêu chảy và đau bụng. Tiếp xúc với da, thạch tín có thể gây kích ứng và lở loét. Trường hợp nhiễm độc thạch tín nặng có thể dẫn tới suy tim, bệnh phổi, rối loạn chức năng thần kinh và cao nhất là tử vong.

Vậy những quyển sách xanh độc hại này phổ biến đến mức nào? “Khá là khó dự đoán vì bộ dữ liệu của chúng tôi vẫn còn quá nhỏ, nhưng tôi đoan chắc có thể có hàng ngàn quyển sách như vậy khắp thế giới,” Tedone cho biết. “Bất kỳ thư viện nào sưu tầm sách bìa vải của các nhà xuất bản giữa thế kỷ 19 chắc đều có ít nhất một hoặc hai quyển.”


Sau khi vải bọc sách trở thành lựa chọn phổ biến và phải chăng thay thế cho da thuộc trong ngành làm sách, các nhà xuất bản bắt đầu phát hành nhiều tập sách đủ màu sắc, kể cả màu xanh ngọc bích. Ảnh: Rebecca Hale, National Geographic.

Sau khi vải bọc sách trở thành lựa chọn phổ biến và phải chăng thay thế cho da thuộc trong ngành làm sách, các nhà xuất bản bắt đầu phát hành nhiều tập sách đủ màu sắc, kể cả màu xanh ngọc bích. Ảnh: Rebecca Hale, National Geographic.

Màu sắc chết chóc

Màu xanh ngọc bích, hay còn gọi là xanh Paris, xanh Vienna hay xanh Schweinfurt, là sản phẩm của quá trình tổng hợp đồng acetat với arsen trioxit, tạo ra đồng acetoarsenit. Phẩm nhuộm độc hại này được chế tạo thương mại vào năm 1814 bởi công ty Phẩm nhuộm và Chì Trắng Wilhelm ở Schweinfurt, Đức. Nó được dùng khắp nơi, từ quần áo và giấy dán tường tới hoa giả và sơn. Nói nước Anh thời Victoria tắm trong màu xanh ngọc bích quả không ngoa: Đến năm 1860, chỉ tính riêng trong nước đã có hơn 700 tấn bột nhuộm được sản xuất.

Thời đó người ta đã biết về độc tính của thạch tín, nhưng màu sắc sặc sỡ vẫn được ưa chuộng và giá thành sản xuất rẻ. Giấy dán tường rơi ra bụi xanh độc hại bám lên thức ăn và sàn nhà, còn quần áo nhuộm màu này gây kích ứng da và đầu độc người mặc. Bất chấp rủi ro, màu xanh ngọc bích vẫn len lỏi vào đời sống thời Victoria – màu sắc chết chóc theo đúng nghĩa đen.

Trong khi những sản phẩm xanh lá độc hại tràn lan khắp châu Âu và Hoa Kỳ, thì một phát minh khác đã làm thay đổi ngành công nghiệp làm sách. Đầu thế kỷ 19 sách vẫn là những tác phẩm thủ công, đóng bìa da của các nghệ nhân, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã nhanh chóng tạo đà cho sách được sản xuất hàng loạt, đáp ứng lượng độc giả ngày càng tăng.


Bất kỳ thư viện nào sưu tầm sách bìa vải của các nhà xuất bản giữa thế kỷ 19 chắc đều có ít nhất một hoặc hai quyển.
Melissa Tedone, Bảo tàng Winterthur, Garden & Library

Vải quần áo truyền thống không chịu được quy trình đóng sách, và nó cũng không đủ chắc để làm bìa. Những năm 1820, nhà xuất bản William Pickering và công ty đóng sách Archibald Leighton đã phát triển quy trình thương mại khả thi đầu tiên phủ hồ tinh bột lên vải, lấp hết khoảng trống của sợi dệt và tạo ra một chất liệu cứng cáp: vải bọc sách đầu tiên.

“Đó là một sự đổi mới,” Tedone cho biết. “Vải rẻ hơn nhiều so với da thuộc, nghĩa là bạn có thể bán sách ở các mức giá khác nhau.” Quy trình ấy không chỉ tác động đến thu nhập của nhà xuất bản, nó còn thay đổi cách đọc sách. “Họ sản xuất sách có thể tiếp cận đến nhiều người hơn, phục vụ cho người dân ở mọi tầng lớp của nền kinh tế.”

Sách bìa vải ăn nên làm ra vào những năm 1840, và quy trình sản xuất vải bọc sách trở thành một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. “Nó đồng nghĩa với hàng đống tiền chảy vào nhà xuất bản, nên tiếc là không có nhiều tài liệu làm bằng chứng về quá trình sản xuất vải bọc sách,” Tedone nói.

Điều ta biết là bìa sách đột nhiên được mang nhiều màu sắc khác nhau. Công ty làm sách đã sản xuất hàng loạt sách đủ màu bằng thuốc nhuộm, là những dung dịch liên kết hoá học với chất mà chúng được bôi lên, và bột nhuộm, là những chất liệu phủ lên chất đó, như bùn khô trên một chiếc váy đẹp nhất. Như vậy, sắc xanh của bột nhuộm thời thượng nhất thời kỳ này có thể đã tô điểm cho bìa của những quyển sách nổi tiếng.

Nhưng vấn đề của bột nhuộm là chúng có thể nứt và bong tróc ra theo thời gian.


Chất độc trong thư viện

Mùa xuân năm 2019, Tedone nhận được yêu cầu từ một giám tuyển tại phòng trưng bày Winterthur để mượn một quyển sách từ thư viện đem đi trưng bày: quyển Rustic Adornments for Homes and Taste (Tô điểm giản đơn cho tư gia và khiếu thẩm mỹ), xuất bản năm 1857.

“Quyển sách đặc biệt này rất đẹp, màu xanh lá tươi sáng với nhiều dấu triện vàng. Nó rất đẹp mắt, nhưng lại ở trong tình trạng tồi tệ,” Tedone nói. “Gáy sách và bìa cứng bị bong ra, chỉ khâu bị đứt, nên nó cần được bảo quản trước khi có thể đem đi trưng bày.”

Đặt quyển sách đẹp nhưng đã hỏng dưới kính hiển vi, Tedone nhìn chăm chú vào bìa trước. “Có một chất sáp tiết ra màu đen trên bề mặt, và tôi đang tìm cách lấy nó ra khỏi vải bọc sách bằng bút lông nhím,” cô kể. “Sau đó tôi để ý thấy màu trên vải bọc đang tróc ra dễ dàng xung quanh khu vực tôi quan sát.”

Dưới mắt dân nghiệp dư, điều này có lẽ bình thường đối với một quyển sách 162 năm tuổi, nhưng với Tedone nó gây ngạc nhiên. “Nó trông không giống vải nhuộm,” cô nói. “Mà có lẽ giống lớp hồ tinh bột phủ lên vải được trộn với bột nhuộm.”

Để nghiên cứu danh tính của loại bột nhuộm màu xanh bí ẩn này, Tedone đã tìm gặp Rosie Grayburn, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và phân tích khoa học của bảo tàng.

Trước hết Grayburn nghiên cứu mẫu bằng máy quang phổ huỳnh quang tia X, bắn tia X vào chất liệu và đo năng lượng photon phát ra để xác định thành phần hoá học của nó. Công nghệ này có thể cho biết nguyên tố đang hiện hữu, nhưng không cho biết cách chúng sắp xếp thành phân tử. Một kỹ thuật khác dùng máy quang phổ Raman đo cách tương tác của ánh sáng từ laze với các phân tử mục tiêu, chuyển năng lượng của laze lên hoặc xuống. Hệt như mỗi người đều có dấu vân tay độc nhất, mỗi phân tử cũng có một phổ Raman đặc trưng.

Độ nhạy của các kỹ thuật này chính là mấu chốt, nhưng quan trọng không kém là chúng không huỷ hoại mẫu vật. “Bạn không được gây tổn hại đến các tác phẩm nghệ thuật,” Grayburn nói.

Huỳnh quang tia X cho thấy cả đồng và thạch tín đều có mặt trong bột nhuộm xanh lá, đây là một phát hiện quan trọng, và dấu vân tay độc nhất từ máy quang phổ Raman đã xác định chắc chắn bột nhuộm này là màu xanh ngọc bích nổi tiếng.


Xử lý tài liệu có độc

Tiếp đến nhóm dùng phòng thí nghiệm thổ nhưỡng của Đại học Delaware để đo lượng thạch tín có trong bìa quyển Rustic Adornments. Họ phát hiện vải bọc sách chứa một lượng trung bình 1,42 miligam thạch tín trên mỗi cm vuông. Nếu không được chăm sóc y tế, liều thạch tín chết người cho một người lớn vào khoảng 100 miligam, bằng khối lượng vài hạt gạo.

“Ảnh hưởng của việc có quá nhiều thạch tín trong vải bọc sách, trên găng tay trong lúc xử lý là gì? Điều đó tác động ra sao đến sức khoẻ và sự an toàn của bạn?” Ggrayburn đặt câu hỏi.

Để trả lời hai câu hỏi trên, Tedone và Grayburn đã gặp Michael Gladle, giám đốc sức khoẻ và an toàn môi trường tại Đại học Delaware. “Thạch tín là một kim loại nặng và có độc tính đi kèm, dù là hít phải hay nuốt phải,” ông nói. Rủi ro tương đối của vải bọc sách màu xanh ngọc bích “phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc thường xuyên,” Gladle cho biết, và nó là mối bận tâm chính “đối với những người làm trong lĩnh vực bảo quản.”

Gladle cho rằng bất kỳ ai xử lý những quyển sách này đều nên cách ly sách và làm việc trên mặt bàn có tủ hút để kiểm soát các hạt thạch tín. “Những người tiếp cận với các quyển sách cũ này để nghiên cứu nên đeo găng tay và sử dụng không gian riêng để xem sách,” ông đề xuất.

Tuân theo khuyến nghị của Gladle, thư viện Winterthur đã ngừng lưu hành 9 quyển sách vải thạch tín màu xanh lá và đặt chúng vào túi nhựa polyetylen lớn bịt kín. Khi xử lý hoặc bảo quản sách bị hỏng hóc, họ đều đeo găng tay nitrile, rồi sau đó lau sạch các bề mặt cứng và rửa tay.

Sau đó nhóm tiến hành nghiên cứu nhiều sách hơn, chu du 25 dặm về đông bắc đến thư viện lâu đời nhất ở Mỹ, Công ty Thư viện Philadelphia. Tại đó họ xác định được thêm 28 quyển sách vải xanh ngọc bích. Với kích thước mẫu lớn hơn, họ phát hiện hầu hết sách có vải bọc xanh ngọc bích chứa thạch tín đều được xuất bản vào những năm 1850.

Để giúp mọi người xác định sách có phủ thạch tín và rủi ro tiềm ẩn của chúng, nhóm nghiên cứu đã thiết kế thẻ đánh dấu sách (bookmark) đủ màu có hình bìa sách màu xanh ngọc bích cũng như cách xử lý và các biện pháp phòng ngừa an toàn. Họ đã gửi hơn 900 thẻ đánh dấu sách đó trên khắp Hoa Kỳ và đến 18 quốc gia khác, dẫn tới việc 6 tổ chức xác nhận có sở hữu sách tẩm thạch tín trong tuyển tập của họ.

Bất chấp độc tính của màu xanh ngọc bích gốc thạch tín trong sản phẩm gia dụng, đồ gốm và quần áo, chúng chưa từng bị cấm. Thay vào đó, việc sử dụng đã tự ít đi, hoặc từ danh tiếng độc hại hoặc do màu sắc không còn hợp thời, hệt như những thiết bị màu xanh bơ vào những năm 1970.

Và thông điệp quan trọng nhất từ Tedone là đừng vứt đi những quyển sách có độc. “Bạn không cần phải hoảng sợ mà quẳng chúng đi,” cô nói. “Chúng tôi chỉ muốn mọi người nghiêm túc nhìn nhận vấn đề.”


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top