Để thị trường đồ uống Việt phát triển công bằng

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Thị trường đồ uống của Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với quy mô lớn và mức tăng trưởng duy trì 10% năm, thị trường đồ uống nước ta đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt. Trong số đó, có không ít những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cùng với một số sự bó buộc về luật khiến các doanh nghiệp đồ uống trong nước đã lép vế lại càng khó “thoát” ra khỏi khó khăn.

899531-douongg.jpg



Các mặt hàng đồ uống tại thị trường nước ta vô cùng phong phú




Việt Nam là thị trường đồ uống lớn của khu vực

Người dân Việt Nam vốn có thói quen sử dụng nhiều loại đồ uống có cồn và không có cồn. Trong vài năm vừa qua, thị trường đồ uống Việt đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đồng thời, sự phát triển ổn định luôn duy trì ở ngưỡng 10%.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất bia Việt Nam, năm 2012 cả nước tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia, quy ra tiền là khoảng 3 tỷ USD. Với mức tiêu thụ đó, thành tích của chúng ta đạt được là luôn nằm trong top 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 châu Á, và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Con số tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước 15%.

Theo thống kê của nhãn hiệu bia nổi tiếng Heineken: "Chỉ trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia của hãng, trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt, và chỉ chịu đứng sau Pháp, Mỹ."

Ông Michel de Carvalho - chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới! Theo ông Carvalho, tốc độ tăng trưởng của thương hiệu này ở thị trường Việt Nam luôn là một bằng chứng tốt mà ông hay nói đến khi hãng bắt đầu xâm nhập vào các thị trường khác.

Tất cả những yếu tố này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị trường đồ uống lớn hàng đầu của khu vực.

Khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách chuyển giá

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, thị trường đồ uống Việt đang là đích đến của nhiều hãng sản xuất đồ uống lớn trên thế giới và sự đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, việc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty trong và ngoài nước hoặc giữa các công ty nước ngoài với nhau là tất yếu.

Tuy nhiên, những biểu hiện về cạnh tranh không lành mạnh như: vi phạm đạo đức, làm hàng giả, hàng nhái; hoặc vi phạm pháp luật như: buôn lậu, chuyển giá, trốn thuế… của các thương hiệu đồ uống khác đang làm các doanh nghiệp Việt chân chính điêu đứng.

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, thành viên Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá (Tổng cục Thuế), cho hay doanh nghiệp nước ngoài sản xuất với chi phí 10 USD nhưng chỉ bán 8 USD, dẫn đến doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi. Bán thấp hơn giá thành cũng khiến doanh nghiệp nước ngoài có cớ khai báo thua lỗ để không phải nộp thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Ông Toàn cho biết thêm: theo số liệu thống kê năm 2009, có tới 56% doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam kê khai lỗ. Tuy vậy, quá trình xử lý doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá vẫn còn hạn chế vì "dấu hiệu chuyển giá rất dễ nhận thấy nhưng chứng minh là rất khó". (Theo VnExpress)


Ví như Coca-Cola đang là một trong những sản phẩm đồ uống tiêu thụ mạnh và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau 18 năm hoạt động ở nước ta, không những không có lãi mà con số lỗ lũy kế của công ty Coca Cola Việt Nam theo báo cáo lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Điều gây ngạc nhiên là dù cho lỗ lớn như vậy, nhưng doanh nghiệp này tuyên bố trong 3 năm tới sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD?. Theo các ngành chức năng, không riêng gì Coca cola mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách hàng tỷ đồng.

Đối với hiện tượng chuyển giá của nhiều doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI không phải chuyện mới, các nước có đầu tư nước ngoài đều có tình trạng này. Nguyên nhân của chuyển giá do doanh nghiệp FDI có nguồn cung ứng từ các công ty mẹ nằm ở nước ngoài và sản phẩm sau khi hoàn thành ở nước sở tại cũng được xuất ra thị trường công ty mẹ. Đây là chu kỳ khép kín của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, chính vì chu kỳ khép kín nên việc kiểm tra chi phí đầu vào và giá đầu ra không đơn giản.

Ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong số ít doanh nghiệp đồ uống trong nước còn tồn tại với các sản phẩm như trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước tăng lực Number One…cho rằng: việc doanh nghiệp FDI khai lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư khiến cho sự phát triển của doanh nghiệp đồ uống trong nước suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và người tiêu dùng để chống hành vi phản cạnh tranh. Đây là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt, họ e ngại trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, khiến cho các hành vi gian dối như sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn, sản phẩm, tên nhãn hiệu na ná nhau, quảng cáo gian dối… vẫn tồn tại trên thị trường bởi họ nghĩ rằng việc tố cáo đó không hiệu quả, nhiều khi chỉ mất thời gian và tiền bạc mà cũng chẳng ngăn chặn được chuyện này.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương), để giúp các doanh nghiệp trong ngành đồ uống phát triển và cạnh tranh lành mạnh phải sửa đổi một số văn bản pháp luật. Chẳng hạn, chính sách quy định trần chi cho marketting không quá 10% thực chi là không còn phù hợp. Đồng thời, phải tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý để kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh, làm hàng nhái, hàng giả. Các doanh nghiệp trong nước phải có chiến lược phát triển thị trường, thương hiệu và đăng ký thương hiệu những nước mình sẽ xuất khẩu trước mắt và tương lai.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen, đại diện cho ngành bia phản ánh, một số nhà đầu tư nước ngoài có chiêu bài thỏa thuận với đại lý mua bán độc quyền sản phẩm, đẩy mạnh tiếp thị khiến doanh nghiệp trong nước không thể trụ được và mất luôn thị trường. Chẳng hạn, một đại diện của Lotteria từng chia sẻ chuỗi cửa hàng này đã ký hợp đồng với Pepsico bán độc quyền ngay từ khi khai trương và nhận nhiều ưu đãi như cung cấp tủ đựng đồ, bàn ghế, ô, cốc hay được bảo trì, sửa chữa tủ lạnh miễn phí.

Sự góp mặt của các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo cho thị trường đồ uống trong nước thêm sôi động. Tuy nhiên, với vị thế nhỏ so với các tập đoàn lớn, lâu đời, các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đang lép vế trước các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường của mình. Nhất là, với lợi thế về hệ thống mạng lưới rộng khắp toàn cầu, nội lực mạnh và cách kinh doanh lách luật uyển chuyển, các doanh nghiệp ngoại tha hồ tung tiền quảng cáo thương hiệu, khuyến mãi sản phẩm đến người tiêu dùng mà không hề bị 10% trần chi phí quảng cáo khống chế. Trong khi các doanh nghiệp nội vẫn cứ loay hoay “đụng trần” và bị bó chân trong khoảng không gian chật hẹp 10% theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì thế, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trước mắt các doanh nghiệp trong nước chỉ cần nới rộng trần quảng cáo, khuyến mãi lên 15% trên tổng doanh thu, giống như Trung Quốc đang làm, cũng đã khiến cho doanh nghiệp trong nước “dễ thở” hơn để tồn tại và phát triển, đây cũng chính là một biện pháp nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường đồ uống Việt và thị trường bán lẻ nói chung.
Nguồn :songmoi.vn
 
×
Quay lại
Top