Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Hiện nay các nghi lễ mà từ lâu đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt như đi lễ chùa đầu năm, đốt vàng mã... đang bị 1 số quan niệm sai "bóp méo" trở thành điều nhức nhối của không ít người.


Đi lễ chùa dịp tết đến xuân về là một phong tục đẹp của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, lễ chùa thế nào cho đúng thì không phải ai cũng tường tận.

Bàn về phong tục lễ chùa đầu năm của người Việt, tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Năm mới, người ta đi chùa là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Đi lễ chùa chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

Xưa, người ta thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ. Đó gọi là tục “thí sự”.

Ngày nay, người Việt đến lễ chùa ngay trong đêm giao thừa và tất cả những ngày trong Tết. Không câu nệ cứ phải là ngày tốt nhất.

Tiến sĩ Dương cho rằng một thực trạng trong việc đi lễ chùa xưa nay là “lễ Phật tha hương”. Tức là nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến thắp hương, còn chùa làng mình thì quên bẵng mất.


Ảnh minh họa.
Nhiều người đi chùa thì đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng) rồi hóa vàng trong chùa.

“Tiền, dù thật hay giả, cũng chỉ là để cho chúng sinh. Vào chùa lễ Phật để đi tìm sự an lạc trong tâm thái, chứ đâu phải để cầu xin đắc phúc, được lợi? Rồi xuýt xoa hít hà, sờ mó chân tay tượng để thoa lên mặt lên mũi, rồi chen chúc tranh nhau cướp mấy mảnh vải khai quang trong lễ hô thần nhập tượng,... toàn là những hành động phản văn hóa”, tiến sĩ Trần Trọng Dương nói với VOV.

Về việc đốt vàng mã khi đi lễ chùa, Tiến sĩ Dương cho rằng: : “Càng nhét nhiều tiền thì càng tục, càng phản văn hóa. Đặt lễ bằng tiền thật đã là hỏng rồi, đặt cả tiền âm phủ nữa thì lại càng hỏng. Tiền âm phủ chỉ dùng để đốt cho người chết, ai lại đốt cho Phật?!!! Tuy nhiên, trong chùa, chỉ có thể hóa vàng một chút ở khu vực nhà vong, dùng để cúng cho các cô hồn bơ vơ chưa được siêu thoát”.

Một số lưu ý khi lễ chùa đầu năm:

Sắm lễ:

Khi đến dâng hương ở các chùa chỉ sắm các lễ chay như: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả…

Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.

Cầu nguyện

Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che trở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Khi đi lễ ở àĐình, Đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm….

Trang phục

Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.

Cách xưng hô

Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.

Nguyên tắc ra, vào

Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.

Các bước hành lễ khi đi chùa

- Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.

- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.

- Thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.

- Lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).

- Thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức

----------------------------------------------------------------------------------------------
Nét đẹp đi lễ chùa đầu năm đang bị “bóp méo”
Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa và thói quen của nhiều người dân Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua những nét đẹp trong chuyện đi lễ chùa hay tìm đến chốn tâm linh đang bị “bóp méo” bởi nhiều người.
Những “biến tướng” tại đình chùa, miếu mạo… hay những cảnh chen chúc, hở hang, giẫm đạp lên nhau tranh giành thắp nhang, lấy lộc… đang làm cho việc đi lễ chùa đầu năm trở thành nỗi “ám ảnh” với không ít người.

Cảnh chen lấn đi lễ chùa (Ảnh: Internet)

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Vỹ, chuyên gia Văn hóa Dân gian cho biết: “Đi lễ chùa đầu năm là phong tục của Phật giáo. Người dân đi lễ chùa bởi 4 ý nghĩa rất tốt đẹp: Thứ nhất là cúng dường nhà chùa; thứ hai là tâm mình được thanh tịnh; thứ ba là đến đó mỗi người đều giác ngộ và cầu mong cho kiếp sau và du ngoạn cảnh chùa. Nhưng hiện nay, từ 4 ý nghĩa đó, nhiều người không ý thức đuợc".
Theo chuyên gia Hùng Vỹ, 5 chính lễ là: Thân tâm cung kính lễ (lễ bái với tâm cung kính); phát trí thanh tịnh lễ (lễ bái với mong cầu phát trí tuệ thanh tịnh); biến nhập pháp giới lễ (khi đã thông pháp giới thì lễ 1 đức Phật tức là lễ bái tất cả các đức Phật), chính quán tu thành lễ (lễ Phật tức là lễ tính Phật trong tâm trí mình), thực tướng bình đẳng lễ (đạt đến “vô” thì bình đẳng cho mình và người khi hành lễ).
Thực hành lễ cần đủ thân, tâm, khẩu, ý. Thân cần sự nghiêm trang từ tư thế, quần áo, dung mạo khi bước đến chốn cửa Phật. Tâm cần sự trong sáng tĩnh lặng hướng thiện. Khẩu cần sự xưng tụng, tán thán công đức Phật. Suy nghĩ hướng đến những điều thành kính, thành tâm, lương thiện, tốt đẹp, vị tha, thanh thoát.
Cũng theo ông Vỹ, những “hiểu sai” về ý nghĩa đi lễ chùa nếu không uốn nắn, sắp xếp lại thì rất đáng phê phán. Phần cũng do người dân hiểu sai, làm lệch lạc đi tín ngưỡng này. Bên cạnh đó, không ít nơi các con đường dẫn vào chốn tâm linh có rất nhiều thú rừng treo bán cho người hành hương là hết sức phản cảm, không chấp nhận được.
Hơn nữa, nhiều người đi đến các đình, chùa, miếu… để cầu may với rất nhiều lễ vật, nhang đèn, hoa trái. Tuy nhiên, họ lại không biết mình đang thờ cúng ai và cầu điều đó có phù hợp hay không. Thậm đi theo dạng “phong trào”.

“Vấn nạn” đốt vàng mã
Không chỉ việc đi lễ chùa đầu năm, đốt vàng mã cũng là “vấn nạn” được ông Nguyễn Hùng Vỹ đưa ra.
Từ lâu việc đốt vàng mã đã ăn sâu trong thói quen, nếp nghĩ của người dân Việt Nam, trở thành tập tục phổ biến rộng khắp.
Vào các ngày Rằm, mùng 1 (Âm lịch), lễ Xá Tội Vong Nhân, lễ hóa vàng đầu năm, Thanh Minh, tảo mộ, cúng giỗ… chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhà nhà sắm sanh đồ vàng mã với rất nhiều chủng loại ngày càng phong phú để đảm bảo “trần sao âm vậy”. Khói đốt nghi ngút ở khắp nơi từ sân thượng, vỉa hè, từ nghĩa trang cho tới khuân viên đền, chùa, miếu mạo…


Đốt vàng mã cũng đang bị lạm dụng (Ảnh: Internet - Ảnh minh họa)

Theo đó, Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng” từ khi ra đời đến nay vẫn còn hiệu lực. Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”.
Liên quan đến vấn đề vàng mã, đốt mã, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” được ban hành năm 2013. Trong Điều 15 của nghị định này với nội dung xử phạt khi vi phạm quy định về nếp sống văn hóa, có nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.
Việc đốt vàng mã liên tục, số lượng lớn và đốt tràn lan ở nhiều vị trí, địa điểm khác nhau đã gây ra ô nhiễm môi trường cùng với nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực.

Tổng hợp VOV và Congluan
 
×
Quay lại
Top