Đất chật, người đông, học sinh khổ!

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Vấn đề bức xúc lớn nhất của người dân Thủ đô nhiều năm nay có lẽ là tình trạng quá tải tại các trường học. Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy hiện nhiều trường học tại Hà Nội đang rơi vào tình trạng quá tải, nhất là các trường khối mầm non. Toàn thành phố có 2.400 trường học với 1,5 triệu học sinh, nhưng diện tích đất xây trường đang bị thiếu hụt tới 7 triệu m2 đất so với tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học. Việc kéo dài tình trạng này khiến nhiều gia đình không chỉ mùa tuyển sinh mới “sôi sục” để “tranh giành” chỗ học cho con mà ngay cả khi đã có chỗ học rồi cũng luôn cánh cánh một nỗi lo, đó là chất lượng môi trường sống và học tập để con có thể phát triển toàn diện.

888446-368298620130510165203828.jpg
Học sinh Trường Lê Ngọc Hân từ các “điểm lẻ” đổ về trường

Lớp học “rải rác”
Nhiều năm nay, người dân xung quanh phố Lò Đúc đã quá quen thuộc với hình ảnh ngày nắng cũng như mưa, cứ hơn 12 giờ trưa là hàng đoàn học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại nối đuôi nhau đi ra từ các ngõ ngách quanh khu vực trường tới lớp. Vì thiếu đất nên 31 lớp tiểu học phải học bán trú tại những ngôi nhà được thuê rải rác trong quận Hai Bà Trưng.
Sự tồn tại nhiều năm nay của 31 lớp “bán trú” này khiến ngôi trường Lê Ngọc Hân không chỉ nổi tiếng về thành tích học tập mà còn được nhiều người biết đến bởi đây là trường duy nhất trên địa bàn quận Hai Bà Trưng chưa được tách cơ sở vật chất (vẫn học chung cấp tiểu học và THCS) nên học sinh phải học bán trú ở nhà dân.

Theo tâm sự của các phụ huynh, buổi sáng trường dành cho học sinh THCS, buổi chiều dành cho học sinh tiểu học. Theo nhu cầu chung, họ đều muốn con được học bán trú, tuy nhiên do trường không có lớp nên phụ huynh cùng nhà trường tổ chức các lớp bán trú tại nhà dân cho các con. Vì đi thuê nên có chỗ rộng, hẹp, xa, gần khác nhau. Lớp nào gần, cô và trò đi bộ đến trường, lớp xa thì thuê xe.

Một phụ huynh nhà ở phường Tăng Bạt Hổ cho biết: “Việc bán trú nhà dân tất nhiên sẽ vất vả cho các con và cả cô giáo. Ngày thường thì không sao, nhưng những ngày nắng gắt, mưa rào hay thời tiết giá lạnh thật thương cho các cháu, đặc biệt lứa tuổi mới vào lớp 1. Có những lớp học chỉ khoảng 30m2 cho hơn 50 cháu, các cháu không có chỗ vui chơi, quanh quẩn cả buổi trong lớp cũng rất thiệt thòi”.

“Trước khi cho con vào trường, tôi cũng tìm hiểu kỹ những lớp học “đặc biệt” kiểu này và gia đình vẫn chấp nhận gửi con vào trường vì chất lượng giáo dục ở đây tốt. Hơn nữa, nếu để ở nhà thì cháu cũng chỉ loanh quanh trong mấy bức tường và không có ai trông nom”, một phụ huynh nhà ở phố Huế tâm sự.

Tương tự như Trường Lê Ngọc Hân, Trường tiểu học Bà Triệu (nằm trên phố Bùi Thị Xuân) cũng chỉ vỏn vẹn khoảng sân gần 10m2. Do đó tất cả hoạt động của trường từ lễ khai giảng, lễ chào cờ đến sinh hoạt đều được thực hiện dưới lòng đường. Đất chật, trường không đủ lớp học, nên cũng bố trí thêm một số điểm lẻ, thực chất là nhà dân để biến thành phòng học. Và tình trạng học sinh vui chơi, chạy nhảy dưới lòng đường là chuyện “tất nhiên”.

Chuyện điểm lẻ có lẽ giờ đây đã không còn là chuyện “hiếm” của Hà Nội, tình trạng này diễn ra căng thẳng nhất ở những trường mầm non và tiểu học. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Trường mầm non Hoa Phượng, Trường mẫu giáo Bùi Thị Xuân, Trường mầm non Ngô Thì Nhậm cũng không thoát khỏi cảnh “điểm lẻ” khi đất ngày càng quý hơn vàng…

888446-472581442013051016524531.jpg
Học sinh rời lớp "bán trú", nối đuôi nhau sang đường

Không thể đạt chuẩn quốc gia… vì đất

Trước những bất cập trên địa bàn quận, ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD và ĐT quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Hai quận khó khăn nhất về quỹ đất trường học của Hà Nội hiện nay là Đống Đa và Hai Bà Trưng. Quận Hai Bà Trưng đã xây dựng và thực hiện nhiều dự án xây mới, nâng cấp các trường nhưng trên địa bàn quận có 25 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 15 trường THCS nên không thể một lúc giải quyết hết vướng mắc và bức xúc của người dân.

Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành giáo dục, sự quan tâm của lãnh đạo quận, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã có những chuyển biến, đặc biệt với cấp học mầm non. Phường Thanh Nhàn và Lê Đại Hành từ trước đến nay chưa từng có trường mầm non công lập, nhưng năm 2012, quận đã bố trí xây dựng được Trường mầm non Thanh Nhàn, hiện đã đi vào hoạt động. Năm 2013, quận sẽ tiếp tục xây dựng thêm 4 trường mầm non, trung bình mỗi trường đảm bảo đủ cho 400-500 học sinh, cố gắng kịp khai giảng ngay trong năm học 2013-2014. Trường Tiểu học Quỳnh Lôi cũng đang được khởi công xây dựng, cơ sở cũ sẽ chuyển lại cho một trường mầm non; sửa chữa nâng cấp Trường tiểu học Lê Văn Tám, Tây Sơn.

Trường hợp Trường tiểu học Bà Triệu đã được xem xét khởi công xây mới trên khu đất rộng xấp xỉ 2.500 m2 tại phố Mai Hắc Đế vào cuối năm nay, đáp ứng nhu cầu học cho 500-600 học sinh, ông Thắng cho hay.

Những bất cập của việc tồn tại 31 lớp học bán trú của Trường Lê Ngọc Hân rải rác khắp quận được ông Thắng lý giải: Hiện Trường Lê Ngọc Hân có tổng số 31 phòng học, phục vụ hơn 1.500 học sinh tiểu học và hơn 1.000 học sinh THCS. Xuất phát từ yêu cầu của phụ huynh muốn gửi con để yên tâm đi làm nên nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tổ chức những lớp học bán trú. May mắn là dù bán trú nhà dân nhưng từ trước đến nay nhà trường chưa để xảy ra sự cố gì, việc ăn uống của học sinh cũng được đảm bảo khá tốt.

Tuy nhiên, dù sao, để học sinh học tập trong môi trường như vậy cũng rất nhiều bất cập. Chưa kể, việc cơ sở vật chất chung sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của học sinh, từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục, ông Thắng thẳng thắn thừa nhận và chia sẻ: “Quận Hai Bà Trưng 10 năm qua đã cố gắng xin thành phố đất cho Trường Lê Ngọc Hân nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được quỹ đất. Không chỉ phụ huynh, học sinh mà chúng tôi cũng đang rất mong mỏi ngôi trường sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của thành phố để hai trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân có cơ sở vật chất riêng, giúp các em được học trong một môi trường giáo dục tốt hơn”.

Cũng vì vấn đề quỹ đất nên Hai Bà Trưng cũng như nhiều trường nội thành rất khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện mới có 14 trên tổng số 59 trường toàn quận đạt chuẩn. Kế hoạch thành phố đưa ra chỉ tiêu đến năm 2015 phải có 50% trường đạt chuẩn quốc gia rất khó khả thi trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Như Thắng bày tỏ.
Nguồn :qdnd.vn
 
xxx
×
Quay lại
Top