“Đại phẫu” cứu chất lượng đại học

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trong bối cảnh thừa trường thiếu sinh viên, thừa cử nhân thất nghiệp thiếu nhân lực có chất lượng, việc đại phẫu cứu chất lượng ĐH còn nhiều việc phải làm. Song mục tiêu cận kề nhất là phải hoàn thiện giáo trình và chuẩn đầu ra. Đây cũng là hai nội dung chính vừa được Bộ GD&ĐT chỉ đạo lãnh đạo các đại học, học viện.

850608-2013-110-13-a1.jpg

Thế hệ tương lai của đất nước
Ảnh: Hoàng Long
Điệp khúc bội thực sách phổ thông, đói sách ĐH

Tình trạng triền miên bội thực sách giáo khoa (SGK) phổ thông, đói giáo trình ĐH được GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia HN) cảnh báo từ hơn 20 năm trước. Khi đó ông là Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy viên Hội đồng tư vấn KH&GD thuộc UBTƯ MTTQVN. Tại nhiều diễn đàn, GS Hãn khẳng định sách và giáo trình là "người thầy” thứ hai, là tài liệu quan trọng trong dạy và học. Song ở ta dù đã có nhiều cố gắng với nhiều biện pháp thực thi, chương trình giáo dục chuẩn từ phổ thông đến ĐH đều chưa có.

Nghịch lý này tồn tại từ khi ta đổi mới cải cách giáo dục, kéo dài đến nay chưa dứt. Trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 18-4, GS Hãn cho biết: Tỷ lệ sách ĐH trên lượng sách ở bậc phổ thông hiện chỉ chiếm chưa tới 1% số lượng sách. Ở trình độ phổ thông, học sinh lớp 1 hiện có 80 đầu sách (20 cuốn SGK và 60 sách tham khảo), từ lớp 2 tới lớp 12 trung bình từ 100 - 500 sách cho mỗi lớp. Trong khi đó ở bậc ĐH không có bất cứ người có trách nhiệm nào dám khẳng định rằng: mỗi môn học có được 1 giáo trình trong trường ĐH, trong khi nước ngoài mỗi môn học có ít nhất là 10 cuốn.

Muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng bền vững phải cần 3 yếu tố quan trọng. Đó là chương trình giáo dục ổn định, sách, tài liệu đủ, phong phú; Đội ngũ giảng viên có năng lực thấu hiểu tình hình đất nước, trình độ chuyên môn cập nhật với các nước tiên tiến; Trường ra trường, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất hiện đại. 3 yếu tố này được mọi nước, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song tại Việt Nam những điều tối thiểu này đều có vấn đề trầm trọng.

"Chương trình đào tạo chưa có, giảng viên ở bậc ĐH theo chuẩn thiếu 2 vạn người. Các cơ sở giáo dục bị hành chính hóa, vô tình đang đẩy hàng loạt GS về hưu sớm hơn so với GS các nước, ngược với truyền thống "thầy già con hát trẻ”. Điều này khiến các trường ĐH thiếu cán bộ giảng dạy trầm trọng. Cả các môn cơ bản và những môn học hiện đại đều thiếu thầy. Ngay ĐH được coi là hàng đầu Việt Nam cũng vậy, chưa nói tới trường dân lập” - GS Hãn nhấn mạnh.

Lủng củng thiếu/thừa

Nghịch lý chung của đào tạo hiện nay là lủng củng thiếu/thừa. Trường thiếu sinh viên, giáo trình, thiếu giảng viên… Xã hội bội thực trường ĐH, thừa cử nhân chỉ có bằng suông. Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo bỏ qua yếu tố tỉ lệ tìm được việc làm, sự chấp nhận của người sử dụng lao động.

GS Nguyễn Lân Dũng từng cám cảnh việc không ít cử nhân phải đi tiếp thị mì tôm hay các việc tương tự để kiếm sống. "Đến 2020 dự kiến có khoảng 350 - 400 SV tính trên một vạn dân. Nếu không đổi mới chất lượng đào tạo thì ngay cả việc đi "tiếp thị mỳ tôm” cũng đâu có dễ”.

Lâu nay Bộ mải lo cấp phép mở trường ồ ạt. Trường ĐH, CĐ mải lo tuyển sinh và che chắn thiếu hụt. Việc đầu tư sử dụng giáo trình đạt chuẩn, kết hợp linh động giữa học tập và thực tiễn, truyền đạt cho học viên kiến thức và cả kinh nghiệm làm việc thực tế bị buông lỏng.

"Chúng tôi quan tâm đến 3 phẩm chất của người lao động. Tố chất thiên bẩm, kinh nghiệm và tiềm năng phát triển” - ông Philip Jones, Giám đốc khách sạn Movenpick Hà Nội cho biết tại hội thảo về nhân lực chất lượng cho Quản trị Khách sạn & Du lịch Việt Nam cuối tuần qua. Tố chất thiên bẩm được hiểu là thái độ đối với công việc, phẩm chất đạo đức có trong con người - thứ không dễ đào tạo. Kinh nghiệm bao gồm cả kiến thức, kỹ năng có từ chương trình mà người lao động đã theo học. Nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý đến khả năng phát triển và đáp ứng yêu cầu ở những vị trí công việc khác nhau của mỗi ứng viên.
Bộ và các trường hầu như đã không hỗ trợ kỹ năng giúp SV tìm kiếm việc làm phù hợp. Nghịch lý trên thực ra xã hội cũng đã giám sát, phản biện từ lâu.

850608-2013-110-13-a2.jpg

SV Việt Nam "đói” giáo trình và học chay triền
Ảnh: Hoàng Long

Dừng che chắn, hãy thanh lọc

Thấm thía năng lực và chất lượng đào tạo của các trường CĐ, ĐH, nhất là thực lực đầu ra quá yếu, đầu tuần này Bộ GD&ĐT có công văn gửi Giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường yêu cầu thực hiện rà soát chuẩn đầu ra và biên soạn, lựa chọn giáo trình phục vụ đào tạo. "Đến năm 2015, tất cả các trường ĐH, CĐ phải đủ giáo trình môn học”.

Những khoảng trống của ĐH ở VN đã rõ. Về "lỗi hệ thống” này, Bộ chủ quản nhận ra quá muộn sau vô số kiến nghị của trí thức VN về cải cách GD&ĐT. Tuy nhiên, GS Hãn lấy làm mừng vì cuối cùng, Bộ cũng nhìn thẳng sự thật. Nếu không kịp "đại phẫu”, ĐH VN sẽ không chỉ vô danh trong top các trường ĐH trong khu vực và thế giới, mà quan trọng và sát sườn hơn, khó chặn nổi dòng thác lũ cử nhân thất nghiệp, cử nhân làm thợ…

Trong Công văn trên, Bộ đề nghị rà soát số giáo trình hiện có, số môn học đủ giáo trình; Tỷ lệ SV được mượn, sử dụng giáo trình tại thư viện; Kiến nghị, đề xuất biên soạn, lựa chọn giáo trình. Bộ lưu ý chủ động phối hợp với các trường cùng khối ngành, các khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung.

Bộ cũng khẳng định: Rà soát chuẩn đầu ra và đảm bảo đủ giáo trình là yêu cầu bắt buộc và là cam kết về năng lực và chất lượng đào tạo của các trường để xã hội giám sát. "Các trường có thể mời các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cùng tham gia xây dựng, hoàn thiện nội dung chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo”.

"Việc yêu cầu các trường ĐH và CĐ đến 2015 đủ giáo trình là một tín hiệu đáng mừng song tôi rất băn khoăn ở chỗ 26 năm qua, Bộ đã huy động hàng vạn cán bộ giảng dạy, tổ chức hàng nghìn cuộc họp từ cơ sở đến quốc gia, chi hàng triệu USD để sao chép ĐH Chiềng Mai (Thái Lan) trước đây, nay nhập khẩu chương trình ở nước ngoài, kết quả chương trình giáo dục vẫn chưa xong” - GS Hãn bình luận.

Ông cũng lo ngại khi nghịch lý ĐH "đói” sách và học chay đã triền miên, nay đặt vấn đề giải quyết trong 2 năm, liệu sẽ ra sao nếu vẫn hệ thống tổ chức bộ máy theo kiểu hành chính này. Song nếu mạnh dạn phát huy nội lực, kế thừa truyền thống, sử dụng người có năng lực thì trong vòng một năm sẽ giải quyết được.

"Đại phẫu” cứu chất lượng đào tạo vẫn đang là thách thức. Song song đại phẫu, cần sớm rà soát thanh lọc cho đóng cửa, cho phá sản ngay từ bây giờ các cơ sở đào tạo "thiếu đủ thứ”, dù công hay tư, nhằm phòng tránh những cú sốc cho xã hội trong tương lai.
Nguồn: daidoanket.vn
 
×
Quay lại
Top