Đa trí tuệ - ai cũng thông minh!

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Thành công được khởi đầu từ niềm tin. Thông thường niềm tin khởi nguồn từ một nhận định của người khác hoặc từ một ý tưởng mà ta tự nghĩ ra. Qua tiếp xúc và phỏng vấn một số HS, sinh viên phần lớn trong số đó chưa tự tin về mình, các em nghĩ mình không thông minh, không đủ khả năng, không làm được,…

Nguyên nhân chủ yếu là các em đã bị người thân hoặc thầy cô vô tình dán nhãn tiêu cực là yếu kém khi học tập chưa đạt điểm cao (vì lâu nay chúng ta hầu như chỉ nhìn vào điểm số học tập các môn học để đánh giá sự thông minh của mỗi con người).
Một tin tốt lành: mỗi người đều có sẵn cả tám loại hình thông minh!

1. Thuyết Đa trí tuệ (trí thông minh đa dạng) được Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner của đại học Harvard giới thiệu lần đầu trong quyển “Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences”. Ông phản bác quan niệm truyền thống về khái niệm thông minh, vốn được đồng nhất và đánh giá dựa theo các bài trắc nghiệm IQ. Ông cho rằng khái niệm này chưa phản ánh đầy đủ khả năng tri thức đa dạng của con người.

Ông đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh trong số 8 loại: ngôn ngữ, lôgic/toán học, âm nhạc, không gian, vận động cơ thể, giao tiếp (tương tác cá nhân), nội tâm (hướng nội), thiên nhiên (tự nhiên học). Tuy nhiên, ứng với mỗi cá nhân sẽ có những loại trí thông minh vượt trội hơn các trí thông minh còn lại.

Thuyết Đa trí tuệ cho rằng, mỗi cá nhân hầu như đều đạt đến một mức độ nào đó ở từng “phạm trù thông minh” khác nhau. Đặc biệt, mức độ này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.

Theo Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách tốt nhất như thế nào.

images667773_image003.jpg

GV cần coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi HS

Thông minh ngôn ngữ: yêu thích từ ngữ và cách sử dụng chúng để đọc, viết, nói. Nhạy cảm với ngữ âm, ngữ nghĩa hay ngữ cảnh, thích chơi hoặc tạo ra các trò chơi chữ. Các nhà văn, nhà thơ, luật sư và diễn giả là những người có trí thông minh ngôn ngữ.

Thông minh logic/toán học : dễ dàng hiểu các con số và khái niệm toán học, thích tìm kiếm các chi tiết tỉ mỉ và khả năng phân tích các vấn đề một cách logic, thực hiện các hoạt động liên quan đến toán học, xem xét các vấn đề rất khoa học. Hay tò mò và thích quan sát con người sự vật và không gian. Tư duy lôgic là công cụ giúp họ giải quyết mọi vấn đề.

Thông minh về âm nhạc: thật sự yêu thích âm nhạc, biết thưởng thức và nghe được các giai điệu, nhịp điệu. Những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát, đọc truyền cảm các tác phẩm,…

Thông minh về không gian: người có trí thông minh này học và suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng và khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo lại những góc độ khác nhau của thế giới không gian trực quan. Người có trí thông minh không gian có xu hướng nghĩ về hình ảnh thay vì từ ngữ, gặp khó khăn trong việc nhớ các sự kiện bằng từ ngữ và con số.

Trí thông minh về vận động cơ thể: khả năng chế ngự các động tác của cơ thể mình và sử dụng đồ vật. Những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua cách vận động và sử dụng động tác, cảm thấy thích thú khi vận động cơ thể, chơi thể thao…

Trí thông minh tương tác cá nhân: khả năng nhận biết và đáp ứng một cách thích hợp với các tâm trạng của người khác. Những người sở hữu trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua sử dụng các kỹ năng xã hội, giao tiếp, hợp tác làm việc với người khác, thích gặp gỡ và trò chuyện, có khả năng thông hiểu người khác,…

Trí thông minh nội tâm: nhận biết những điểm yếu hay điểm mạnh của bản thân mình. Những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua tình cảm, cảm giác, điều khiển và làm chủ tốt việc học của mình, hiểu rõ các suy nghĩ của bản thân, từ đó có thể hiểu được cảm xúc, tình cảm của người khác,…

Trí thông minh về thiên nhiên: thích thú và hiểu biết môi trường sống. Những người này có khả năng học tập thông qua hệ thống sắp xếp, phân loại, yêu thích thiên nhiên, các hoạt động ngoài trời,…

Nhiều nhà tâm lý học, nhà giáo dục đã thử ứng dụng thuyết này vào quá trình nghiên cứu của mình. Trong số đó, Thomas Armstrong đã ứng dụng thành công một phần thuyết đa trí tuệ của H. Gardner vào việc giảng dạy và giáo dục.

Ông đã công bố một số cuốn sách nổi tiếng như: 7 loại hình trí thông minh, Bạn thông minh hơn bạn nghĩ, Đa trí tuệ trong lớp học,… các cuốn sách này chủ yếu viết về các vấn đề giáo dục và hướng dẫn cha mẹ giáo dục con cái, giúp giáo viên dạy học theo các phương pháp nhằm phát huy các năng lực trí tuệ nổi trội của con em mình.

2. Vận dụng trong dạy học: Giáo viên cần coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi học sinh, mỗi loại trí tuệ đều quan trọng và mỗi học sinh đều có ít nhiều khả năng theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh phải là nơi giúp đỡ, khơi gợi tiềm năng, tạo điều kiện học tập theo các hướng khác nhau cho các chủ nhân tương lai của xã hội.

a)Về phương pháp dạy học: Thuyết đa trí tuệ giúp giáo viên cách suy ngẫm, chọn lựa phương pháp dạy học sao cho hay nhất và phù hợp nhất với bản thân họ và họ hiểu thấu đáo vì sao phương pháp đó là hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả với HS này mà không hiệu quả với HS kia.

Thuyết này cũng giúp GV áp dụng linh hoạt hơn các PPDH và kĩ năng sử dụng các tài liệu, các thiết bị dạy học đa dạng hơn, phong phú hơn. GV trong lớp học đa trí tuệ khác với trong lớp học truyền thống ngôn ngữ hoặc lôgic-toán học. Trong lớp học đa trí tuệ, GV phải linh hoạt thay đổi phương pháp và khéo léo chuyển từ lối dạy ngôn ngữ sang lối dạy không gian rồi lối dạy âm nhạc hay vận động, giao tiếp,…

Qua nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy, việc tổ chức dạy học bằng áp dụng linh hoạt, tổng hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai gần đây như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bàn tay nặn bột, bản đồ tư duy,… sẽ tạo ra môi trường học tập đa trí tuệ rất hiệu quả.

Trong đó, phương pháp dạy học bản đồ tư duy huy động nhiều trí thông minh ở HS, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Theo định hướng này, tổ chức dạy học bằng bản đồ tư duy thông qua các hoạt động:

Hoạt động 1: HS nghiên cứu tài liệu, đọc thầm SGK, tìm từ khóa (phát huy trí thông minh nội tâm, ngôn ngữ);

Hoạt động 2: HS thảo luận nhóm, lớp về nội dung, dưới sự dẫn dắt gợi ý của GV (phát huy trí thông minh giao tiếp);

Hoạt động 3: HS thiết lập bản đồ tư duy về bài học (phát huy trí thông minh ngôn ngữ, lôgic, không gian) vì bản đồ tư duy là sự kết hợp cả đường nét, màu sắc, chữ viết và có thể vẽ thêm các hình ảnh liên tưởng trong thực tế cuộc sống, trong thiên nhiên vào bản đồ tư duy (trí thông minh tự nhiên học).

Hoạt động 4: HS thuyết trình về bản đồ tư duy trước nhóm, lớp. Việc thuyết trình cần cả ngữ điệu, âm điệu, điệu bộ cơ thể (phát huy trí thông minh giao tiếp, hình thể động năng, âm nhạc).

b) Về môi trường lớp học đa trí tuệ: cần phải được thiết kế, bố trí, sắp xếp để phù hợp với nhu cầu của nhiều loại trí tuệ khác nhau ở HS. Ứng với mỗi loại trí tuệ, cần đặt một số câu hỏi theo gợi ý sau: Từ ngữ dùng trong lớp học đã phù hợp với HS chưa? HS được tiếp xúc với chữ viết như thế nào? (Ngôn ngữ); Thời gian biểu đã phù hợp với HS chưa (logic/toán học); Bàn ghế, các thiết bị dạy học trong lớp bố trí hợp lí chưa?

Có thuận tiện cho hoạt động thực nghiệm (như sửdụng phương pháp bàn tay nặn bột, hay học nhóm, vẽ bản đồ tư duy,…) hay chỉ kê bàn ghế theo một kiểu, một dãy bàn thẳng từ trên xuống dưới? Trang trí lớp học như thế nào? Trần, tường, ánh sáng như thế nào? HS có được chiêm ngưỡng trang trí đẹp mắt, thân thiện không, có tranh ảnh, hội họa không? Hay chỉ là mảng tường trống, phòng học trống không?,…
Chằng hạn, về trang trí lớp học, năm học 2012- 2013, đoàn sinh viên tình nguyện của Đại học Quốc gia Singapore đã giúp trang trí lớp học tại trường tiểu học Đại Chánh, Đại Lộc tỉnh Quảng Nam rất thân thiện, vui mắt, tường lớp học được sơn, vẽ những hình ảnh gần gũi thiên nhiên và được chú thích bằng các từ tiếng Việt/tiếng Anh:

Vận dụng đa trí tuệ giúp Hiệu trưởng nhà trường đổi mới toàn diện từ phân công, đến đánh giá giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên giỏi…

Vận dụng đa trí tuệ trong dạy học, giáo viên cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng phù hợp với các loại trí thông minh khác nhau của HS lớp mình đang giảng dạy.

Thực hiện tốt năm nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phát động cũng góp phần phát huy đa trí tuệ cho học sinh. Chẳng hạn, làm tốt nội dung hoạt động tập tập thể (câu lạc bộ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian) là phát huy trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động, trí thông minh giao tiếp cho HS.

Vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học, giúp giáo viên đổi mới cách dạy, cách nhìn nhận, đánh giá HS, tránh việc dán nhãn mác yếu kém cho những học sinh chưa giỏi toán, giỏi văn, giúp các em tự tin hơn và có cách học phù hợp nhất, hiệu quả nhất với khả năng nổi trội của mình, qua đó hiệu quả giáo dục được nâng cao.

Vận dụng thuyết đa trí tuệ cũng giúp cha mẹ HS tránh áp lực về điểm số, chú ý tới giáo dục toàn diện và khích lệ con em mình trong học tập, rèn luyện và định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với sở trường, khả năng của mỗi em.

Hàng ngày mỗi chúng ta đều sử dụng tám loại hình thông minh nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ 8 nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Cách chúng ta kết nối các nốt nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn. Khi sử dụng tất cả các loại hình trí thông minh theo cách của riêng mình, mỗi người sẽ góp vào thế giới một giai điệu riêng biệt mà không ai có thể tạo ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Thomas Armstrong, Đa trí tuệ trong lớp học, NXB GD VN 2011.
2. Thomas Armstrong, Bạn thông minh hơn bạn nghĩ, NXB Lao động- Xã hội, 2011.
3. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy, Dạy tốt, học tốt ở tiểu học bằng bản đồ tư duy, NXB GD VN 2011.

TS. Trần Đình Châu - TS. Đặng Thu Thủy​
Theo giaoducthoidai.vn​
 
vận dụng trong dạy học ở VN là điều không thể:KSV@05::KSV@05::KSV@05:
 
×
Quay lại
Top