Con nuôi cha mẹ đừng tính tháng, ngày !

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày". Chuyện cha mẹ ở với con không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có người muốn nuôi cha mẹ nhưng không được các cụ đồng ý. Cũng có trường hợp con cái nuôi cha mẹ không phải vì chữ hiếu mà chỉ vì sợ thiên hạ chê cười...

infor2118.jpg

Được cha mẹ thương
Có người muốn cha mẹ về ở chung nhưng bị các cụ từ chối do ngại hoặc không ưa con dâu (con rể). Thông thường, nếu đông con thì các cụ chỉ thích ở chung với người con nào mình thương nhất. Riêng câu chuyện của bà Huỳnh Thị Mai ở quận 12 thì lại… éo le.

Bà Mai có tới 11 người con và đều đã thành gia lập thất, có nhà riêng ở gần bên. Con trai thứ tám của bà là người khá giả nhất trong các anh chị em thường năn nỉ bà về ở chung. Nhưng bà Mai dứt khoát không đồng ý vì không ưa cô con dâu của anh này.

Bà thương nhất là con trai út nên dĩ nhiên bà ở với vợ chồng cậu út trong căn nhà tổ tiên. Bà Mai thường nói với các con: “Giàu út ăn, khó út chịu. Tội nghiệp thằng út. Nó nghèo lại còn phải nuôi má”. Các con bà chiều theo: “Thôi má muốn ở với ai thì ở. Miễn má thấy vui là được rồi”. Người thì mua đồ, người thì góp tiền để phụ em út nuôi má.

Chuyện nếu chỉ như vậy thì không có gì đáng nói. Vợ chồng cậu út công việc lúc có lúc không, suốt ngày ở không, thỉnh thoảng lại xin bà Mai tiền. Bà Mai 78 tuổi, mỗi ngày đều lọ mọ lặt rau, nấu cơm, dọn dẹp cho cả nhà cậu út. Những người con khác tỏ ý bất bình thì bà giận.

Vậy là các anh chị phải thay phiên nhau đến nhà cậu út quét dọn, nấu nướng thay cho mẹ già. Cậu con út vẫn tỉnh bơ hưởng thụ. Anh trai thứ tám tức giận tuyên bố: “Mai mốt má trăm tuổi, tao coi mày khổ sở ra sao? Không còn anh em gì hết”.

Có cụ ở chung nhà với con cháu nhưng tủi còn hơn ở trong viện dưỡng lão như trường hợp bà Đặng Thị Hai 84 tuổi ở quận 6, mặc dù ở chung với vợ chồng hai cậu con trai nhưng mạnh ai nấy sống. Bà Hai sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng của uỷ ban phường. Con trai út thì thỉnh thoảng cho vài ngàn để bà mua mắm muối.

Ở chung con cháu nhưng mỗi ngày bà phải lọm khọm tự lo cơm nước cho mình. Có lần thấy gia đình con trai cả nấu canh, bà xin một chén, bị cháu nội cằn nhằn: “Ăn cháo mà bày đặt xin canh”. Mỗi lần có ai cám cảnh cho gạo hay ít tiền, bà mừng rơi nước mắt.

Hãy để cha mẹ vui lòng
Tiến sĩ tâm lý Võ Nam, đại học Sư phạm TP.HCM tư vấn, để cha mẹ lần lượt ở nhà các con vài ba tháng sẽ khiến cha mẹ cảm thấy bất an vì người già thường muốn an cư, ở yên một chỗ nên đâm ra không an lòng. Nên sắp xếp trong số anh chị em xem ai có điều kiện nhất về vật chất, thời gian để nuôi cha mẹ.

Tuy nhiên, việc nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ phải gắn liền với thái độ đối với cha mẹ. Tuổi già sức yếu phải sống nhờ vào con cháu vốn là mặc cảm của nhiều người lớn tuổi. Do đó, nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ phải gắn liền với sự kính trọng. Được nuôi nấng tử tế nhưng thiếu kính trọng, bị coi thường thì có cho ăn vàng cha mẹ cũng không vui được.

Theo tiến sĩ Võ Nam, con cái nuôi cha mẹ thì được xem là có hiếu nhưng việc phụng dưỡng phải đi đôi với kính trọng mới là hiếu. Lo lắng, chăm sóc cha mẹ phải gắn liền với sự kính trọng, thiếu lòng kính trọng không thể cho là hiếu. Thực tế có nhiều người con nuôi cha mẹ vì nghĩa vụ, sợ mang tiếng với người đời nên có thái độ “trả nợ quỷ thần” với cha mẹ.
Ngoài chuyện yêu thương, lo lắng, kính trọng còn phải giữ nét mặt tươi tắn khi gần gũi cha mẹ. Vì cha mẹ già thấy con cái kém vui sẽ cảm thấy mình là gánh nặng, là cục nợ của con cái. Dù có mất thời gian, tốn kém tiền bạc nhưng được phụng dưỡng cha mẹ là hạnh phúc. Làm con không để cha mẹ vui lòng là con bất hiếu. Tấm lòng rộng rãi của con cái sẽ làm cha mẹ cảm thấy hạnh phúc. Việc đưa tiền chu cấp cho người lãnh trách nhiệm nuôi không nên cho cha mẹ biết.
Có một điều mà không phải ai cũng nhận ra. Cách đối xử của cha mẹ với ông bà dễ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Chúng sẽ nhìn và hành động y như cách mà cha mẹ chúng đã đối với ông bà.

(SGTT)
 
×
Quay lại
Top