Con không đi bụi nữa, ba ơi!

Nhím.xù

Lại thế nữa rồi ~.~
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/9/2011
Bài viết
4.128
1322173985_phuongntt201161312575851_0.jpg

(Hình Internet)
Bước xuống xe, nó lang thang ngoài đường, nắng gắt. Phố phường nhộn nhịp quá! Ai cũng vội vàng, vẻ bận rộn hiện rõ lên từng nét mặt. Nó thấy bụng cồn cào, vì ban sáng trước lúc lên xe nó chỉ ăn vội một ổ bánh mì. Nó lần tay vào túi quần, mừng thầm, cục tiền vẫn còn nguyên. Ba triệu, đó là số tiền nó đã trộm trong ví của mẹ. Nó đã trộm mẹ lấy hết và bỏ nhà ra đi. Nó quyết bỏ học, bỏ nhà đi bụi, và nếu hết tiền nó sẽ tự tử luôn chứ nhất định không về nhà nữa.
Mọi thứ trở nên đáng ghét trước mặt nó. Mẹ và ba suốt ngày chỉ mắng mỏ nó. Điểm kém, chửi. Đi chơi, chửi. Bạn bè đi uống nước nó xin tiền cũng chửi. Chẳng ai thương nó cả, sao nó bất hạnh thế? Nó trở thành người thừa rồi. Ba mẹ chỉ biết có mỗi chị hai nó, lúc nào cũng lôi chị ấy ra làm gương bắt nó phải theo, nó ghét cả chị hai. Nó là con trai, phải được tự do bay nhảy như lũ bạn nó chứ. Nó nghĩ, sao bạn của nó sướng thế, muốn gì được nấy, đi học bằng xe xịn, tiền tiêu vặt thoải mái, quần áo thì mô đen, mốt nọ, mốt kia. Đi chơi thoải mãi chẳng bị quản thúc, mắng nhiếc suốt ngày như nó. Đã thế, sai một tý là chửi là phạt. Nó ghét ba mẹ nó.
Hôm qua, nó trốn học. Về nhà, đã đến bữa cơm chiều. Mẹ nó, vẻ mặt buồn buồn, định nói gì đó nhưng ánh mắt ba nó lườm về phía mẹ, khẽ e hèm đưa ám hiệu cho mẹ nó im lặng. Xong bữa cơm, ba nó mới nổi trận lôi đình, nó chối. Đến khi đưa ra bằng chứng là cô giáo chủ nhiệm gọi điện về nhà. Nó vẫn cố cãi. To tiếng hơn cả bố. Thách thức sự kiên nhẫn của ông.
Bốp! Một cái tát khiến nó choáng váng, năm ngón tay in hình rõ rệt trên má nó, đỏ dần lên. Nó im bặt không cãi lại ba nữa. Không khóc, nhưng cái tính bướng bỉnh của nó được nhân lên gấp bội. Ba không thương nó, vì từ trước đến giờ ba chỉ muốn nó phải thế này phải thế kia, phải giống chị hai. Chỉ la mắng suốt ngày, bây giờ còn đánh nó nữa, mẹ nó cũng thế. Nó muốn chết quách đi. Đã vậy, nó sẽ chết cho ba mẹ nó xem, mà không nó sẽ đi. Đi khỏi cái nhà này cho khuất mắt, không học hành gì nữa, đừng hòng tìm được nó. Nó đã ra khỏi nhà trong tâm trạng hỗn độn như thế.
Tô bún giò được bưng đến trước mặt nó, khói nghi ngút, khúc giò béo ngậy thơm lừng kích thích ánh nhìn và sự thèm thuồng của nó, nó lẩm bẩm "một miếng khi đói bằng một gói khi no" là như lúc này, đúng không nhỉ. Nó đưa miếng giò vào miệng, ăn ngon lành. Bỗng nó dừng lại, như mắc nghẹn. Một cậu bé, mà không phải bé nữa, nếu đi học, chắc cũng học lớp mười một như nó. Nhưng trông bẩn thỉu, quần áo rách rưới, chân khập khiễng. Vai đeo một cái bị cũng hoen ố bụi đường. Tay cầm một sợi dây thừng, kéo theo sau là một tấm ván được đóng trên bốn cái bánh lăn bằng gỗ. Như thứ đồ chơi tự chế của nó ngày còn nhỏ. Chỉ khác là thứ xe ấy của nó ngày xưa là để nó hay bạn nó ngồi lên thay nhau kéo trong những cuộc chơi bất tận của tuổi thơ. Còn trên tấm ván có bánh xe này là một đống bùi nhùi, một con người co quắp được quấn trong một tấm chăn đã rách như tổ đỉa, ố màu bùn đất. Một người đàn bà. Nó nhận ra điều đó vì có lọn tóc mái xõa ra ngoài vành khăn trùm quá đầu, chắc là để tránh ánh nắng. th.ân thể người đàn bà khốn khổ cụt hết hai chân và gãy cột sống, nằm bất động đó trông không lớn hơn một đứa bé 6, 7 tuổi là bao. Cậu bé ăn xin cầm chiếc mũ hướng về phía bà chủ quán. Nó thấy bà chủ quán khẽ cúi xuống nhìn người đàn bà khốn khổ kia rồi mở ví lấy tờ một trăm ngìn đưa cho nó. Cậu bé ăn xin rối rít cảm ơn trong tiếng nấc:
- Con đội ơn bà, má con con đội ơn bà!
- Được rồi con, rõ khổ, đáng lẽ con đang còn được đi học, được vui chơi như bạn bè, vậy mà! - giọng bà chủ quán ái ngại cảm thông.
Không ai kìm lòng được trước cảnh ấy, người thì cho cậu bé mười nghìn, hai mươi nghìn, người thì cho cậu chiếc bánh, chai nước. Nó cũng rút từ túi ra tờ một trăm nghìn dúi vào tay người bạn bất hạnh chưa hề quen, lặng im không nói một lời nào. Cũng thông qua bà chủ quán, nó biết được cậu bé ăn xin ấy từ lâu từ nhỏ đã không có cha, sống với mẹ. Năm ngoái mẹ cậu bị tai nạn, nên nông nỗi này, cậu phải bỏ học đi bán vé số lấy tiền nuôi mẹ. Một lần nữa cậu bị tai nạn gãy chân nên bây giờ như thế đấy.
Nó nhớ lại hình ảnh cô bé bán diêm trong lời dạy của cô ngày nào, nhớ cả những đứa trẻ đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa hay bất cứ thứ gì còn sót lại sau phiên chợ chiều đã vãn trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam mà nó mới học hôm trước. Tất cả đều đáng thương, buồn tủi, lời cô giảng là thế, và nó cũng cảm thấy buồn. Nhưng cảnh tượng nó vừa chứng kiến tàn khốc hơn. Đó là sự thật hiển hiện trước mặt nó. Sao có người khổ thế?
Chiều, buổi chiều chốn thành thị không yên ả như quê nó, trái lại, ồn ào, náo nhiệt. Đèn điện sáng trưng, lấp lánh như bầu trời đầy sao, mà những ngọn đèn cao áp chạy dọc hai bên những cung đường nối dài tít tắp. Đêm tự do-nó nhủ lòng mình như thế. Dạo một tý đã rồi hãy thuê phòng trọ. Nó lang thang qua từng con phố, vẻ bất cần đời. Đang dạo bước cạnh khuôn viên thành phố, chân nó va phải một vật gì, mềm nhũn. Người, người chết! Nó hét lên thất thanh. Mọi người xúm lại, giúp nó khiêng người ấy lên vỉa hè. Sau khi bạn anh ta đến đưa đi viện nó biết được, anh ta chính là sinh viên, đang học năm thứ ba. Mùa bão tại miền Trung vừa rồi đã cướp đi người cha và anh trai của anh ấy. Ngôi nhà và cả mùa màng cũng hòa vào dòng nước đỏ ngầu về với đại dương. Còn mỗi mình mẹ và đứa em gái đang học ở quê. Anh không còn cách nào khác là phải tự lực cánh sinh, đi làm thêm quần quật, không đủ, anh đi bán máu, nên sức khỏe ngày càng sa sút, tiều tụy đi trông thấy. Hôm nay nên cơ sự này là vì anh làm nhiều nên kiệt sức.
Bao nhiêu người còn bất hạnh, khổ sở và đang gồng hết sức bình sinh của mình để chống chọi với số phận khắc nghiệt, để vươn lên với đời. Sao nó lại có những ý nghĩ điên rồ, bỏ nhà ra đi, và tự tử chỉ vì một lời khiển trách, một câu mắng mỏ, và vì chút đòn roi khi nó phạm sai lầm nhỉ. Nó thấy thật xấu hổ.
Nhưng điều làm nó giật mình là khi người bạn của anh sinh viên ấy mở cặp anh ra thấy hai cái khăn choàng màu tím và màu trắng rất đẹp. Cùng hai tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót. "Chúc mẹ một giáng sinh an lành, hạnh phúc. Con yêu mẹ nhiều lắm! Con trai của mẹ." và "Em gái yêu, giáng sinh vui nhé! Em thắp nhang cho ba và anh hai giùm anh! Nhớ học cho giỏi và chăm sóc mẹ nữa! Anh trai của em!" Mắt nó nhòa đi, nhìn anh sinh viên đang nằm trên gi.ường bệnh, xanh xao. Nó khóc. Hình ảnh anh sinh viên sáng ngời trong tâm trí nó bởi một trái tim biết yêu thương, và tận hiếu.
Nó nắm lấy tay anh cứ như thân thiết tự bao giờ. Nó lần tay vào túi lấy cục tiền của nó ra đếm đưa cho anh sinh viên một triệu đồng, để anh lo tiền viện phí. Anh sinh viên đẩy ra, bảo nó hãy cầm về trả lại mẹ. Nó vẫn kiên quyết để số tiền đó lại giúp anh. Ngoài kia, trời đã tờ mờ sáng, trời hôm nay thật là đẹp, hay chính lòng nó đẹp. Không rõ nữa. Nó sẽ về nhà ngay, về với ba mẹ, nó sẽ không ham chơi, không đòi hỏi hay giận dỗi không đâu nữa.
Nó sẽ kể cho ba nghe về chuyện người bạn ăn xin, về số tiền nó đã giúp người đã cho nó một bài học rằng nó đang hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người, rằng hãy biết trân trọng những gì mình đang có.
Nó tin ba nó sẽ mỉm cười.


nguồn: internet.
 
×
Quay lại
Top