Chiến Loạn - Chương 8: Bạch Đằng Giang

Phi Sương Cốc

Thành viên
Tham gia
31/10/2019
Bài viết
11
Tháng tư năm Đinh Dậu

Ngô Quyền phát lời kêu gọi quân trung nghĩa toàn Tĩnh Hải quân hội tụ về Ái Châu, quyết tâm tiêu diệt nghịch tặc Kiều Công Tiễn. Trong đó có các danh tướng như Đinh Công Trứ, Thứ sử Diễn Châu Phan Thanh Lâm, hào kiệt nhiều nơi như Dương tam Kha, Đỗ Cảnh Nhạc, còn có Thứ sử Phúc Lộc Châu Trương Tín, thay cha nắm binh quyền sau khi cố Thứ sử Phúc Lộc Châu Trương Bình bị Phạm Tương giết thảm trong đêm binh biến.

Đáng kể đến là binh đội hùng hậu trên một vạn quân của Kiều Công Hãn, cháu nội nghịch tặc Kiều Công Tiễn, tuổi dù mới hơn hai mươi nhưng đã vì nghĩa diệt thân, trong đêm binh biến nhanh chóng phá bỏ vòng vây kéo về Ái Châu đầu quân cho Ngô Quyền.

Ngô Quyền từ chức vụ “tướng quân” được suy tôn, xưng làm “soái”, nắm quyền thống lĩnh tam quân, chính thức chia Tĩnh Hải quân thành hai thế lực: Ngô soái ở phía nam gồm Ái Châu, Diễn Châu, Hoan Châu, Phúc Lộc Châu đối đầu với nghịch tặc Kiều Công Tiễn phía bắc nắm giữ các châu: Phong, Giao, Lục, Thang, Vũ An, Chi, Vũ Nga, Trường và kinh đô Đại La.

Xét về tương quan lực lượng, thế binh hẳn nhiên nghiêng về Kiều Công Tiễn, do một bộ phận các Thứ sử trong đêm binh biến bị Kiều tặc giam giữ trong tay, khiến cho các Châu từ Đại La trở lên phía bắc nằm trong tầm khống chế của Kiều tặc. Nhưng xét về khả năng lãnh đạo tác chiến, thì khắp Tĩnh Hải quân còn ai có thể qua được Ngô soái. Chưa kể ngài hiện đang nắm trong tay sát tướng Đinh Công Trứ, con trai cố Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ - Dương Tam Kha, lại còn vô số nha tướng, anh hùng tuổi trẻ tài cao như Kiều Công Hãn, Phạm Bạch Hổ và con trai trưởng Ngô soái, Ngô Xương Ngập.

Trước tình hình ngang tài ngang sức đó, cả Ngô soái và Kiều tặc đều quyết định áng binh bất động, lục đục huấn luyện binh quyền chờ ngày xuất trận.


Tháng mười năm Đinh Dậu

Con trưởng Kiều tặc là Kiều Công Chuẩn nhận thấy binh quyền Ngô soái ngày càng lớn mạnh, nên trong lòng có ý lung lay. Lý do bởi vì có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, dù chưa chính thức đại chiến nhưng Ngô soái áp dụng chính sách đánh lâu dài, chia nhỏ huỷ diệt từng phần lực lượng địch, bao trùm tâm lý hoang mang lên khắp ba quân Kiều tặc. Một phần nữa là trong quân đội Kiều Công Tiễn, tồn tại bộ phận không nhỏ ngấm ngầm bất mãn trước cái chết của Dương Đình Nghệ, làm cho lòng quân trên dưới không đồng lòng, sợ chỉ nay mai tự khắc không đánh cũng tan.

Thứ hai, trong quá trình dần dần tiêu hao sinh lực địch, Ngô soái vẫn cho người toả đi khắp nơi chiêu mộ dân binh, kích thích lòng tự tôn với phương châm “Vì đại nghĩa, diệt Kiều tặc”, khiến cho không ít bộ phận dân binh tản mác cả nước kéo về Ái Châu đầu quân. Lực lượng nhờ thế phình lên không nhỏ.

Kiều Công Chuẩn vài lần cho người liều chết phá vòng vây, đến lần thứ ba mới thành công đưa thư tới tay Kiều Công Hãn hỏi ý kiến con. Đỗ Cảnh Thạc, một Hào trưởng dẫn quân quy phục Ngô soái, cũng nằm trong ban tướng lĩnh cấp cao, bày kế cho Kiều Công Hãn gởi thư khuyên Kiều Công Chuẩn nếu không hàng cũng không nên nối giáo cho nghịch tặc. Sau này khi đã tiêu diệt nghịch tặc, Ngô soái sẽ đảm bảo không truy diệt ngược lại.


Tháng giêng năm Mậu Tuất(2)

Kiều Công Chuẩn nhân lúc cha mình không có mặt ở Giao Châu, giả ý chỉ dẫn năm ngàn quân mang con nhỏ Kiều Công Đĩnh về đất Phong Châu tử thủ, tuyên bố khắp đại chúng cha mình bội phản, không liên luỵ đến đất tổ và dân Phong Châu. Dân quân Phong Châu hàm ơn, từ đó đóng thành nghiêm cấm xuất nhập.

Kiều Công Tiễn khi biết được dậm chân xỉ mắng con thậm tệ, nhưng quân đã rút và cố thủ, chẳng thể lấy lại được. Chỉ riêng cháu trai ông Kiều Thuận, là con Kiều Công Chuẩn cũng là em Kiều Công Hãn, ở lại thành Đại La giúp ông nội.


Từ tháng hai đến cuối tháng tư năm Mậu Tuất

Hưởng ứng phong trào “Vì đại nghĩa, diệt Kiều tặc” và tấm gương Kiều Công Chuẩn, hàng ngàn binh lực liên minh với Kiều Công Tiễn tan rã, phần lớn muốn tận trung với cố Dương Tiết độ sứ nên quay qua đầu quân cho Ngô soái.

Kiều Công Tiễn chính thức bị cô lập.

Cũng trong tháng tư, Ngô Quyền bàn bạc với quân sĩ đã đến lúc diệt tặc, đồng thời phái Kiều Công Hãn trong vô thanh vô tức chia quân, âm thầm trấn giữ các cửa ngõ phía bắc, đề phòng Kiều tặc cầu viện quân Nam Hán dẫn sói vào nhà.


Tháng bảy năm Mậu Tuất

Ngô Quyền tập hợp đại binh kéo ra bắc, tiến vào Giao Châu thẳng đến Đại La thành. Đạo quân tiên phong do Dương Tam Kha và con trưởng Ngô Xương Ngập chỉ huy. Lúc này binh lực địch đã suy yếu, chỉ trong vài ngày đại binh đã hạ được thành.

Phạm Tương nhận báo ứng bị chính Thứ sử Phúc Lộc Châu Trương Tín chém bay đầu báo thù cho cha, rồi treo cả thân và thủ cấp lên tường thành thị chúng. Về phần Kiều Thuận, sau khi bị Phạm Bạch Hổ truy giết khi toan bỏ trốn theo cổng Bắc thành, cả ngựa và người bị rơi xuống sông, sống chết không rõ tung tích. Toàn bộ Thứ sử, tướng quân bị bắt nhốt tra tấn từ đêm binh biến, đều được cứu chữa kịp thời.

Kiều Công Tiễn bị giải lên tường thành Đại La hành hình, trước tiếng reo hò hàng vạn quân binh bên dưới. Ác giả ác báo, người hành quyết không phải ai khác chính là con trai cố Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha. Trước khi đầu rơi xuống đất, Kiều Công Tiễn cười như điên dại rồi gào lên: “Các ngươi mỏi mắt mà xem, sẽ không lâu nữa Nam Hán đại quân sẽ bình địa Tĩnh Hải!”

Quả thật lúc tra xét, trước khi Ngô quân tiến đánh Đại La, Kiều tặc đã cử một toán binh lên mạn bắc, thần không biết quỷ không hay vượt qua lớp phòng bị của Kiều Công Hãn, dâng lên bốn châu Chi, Thang, Vũ Nga, Vũ An để cầu vua Nam Hán Lưu Cung cứu viện. Bá tánh quân binh sau khi nghe thấy đều sôi trào căm phẫn. Đại quân thắng trận chưa kịp ăn mừng phải xốc lại đội hình, tập trung nghênh chiến cường địch phương Bắc.

Cũng trong tháng, vua Nam Hán Lưu Cung đổi phong con trai thứ chín là Lưu Hoằng Tháo thành “Giao vương”, thống lĩnh hai vạn thuỷ quân theo đường biển tiến xuống phía nam, lấy cớ diệt trừ loạn đảng Ngô Quyền, tiếp cứu Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn hòng lập lại trị an trên khắp Tĩnh Hải.


Đầu tháng chín năm Mậu Tuất

Trên đường tiến vào Tĩnh Hải, hai vạn thuỷ quân Nam Hán chịu khổ sở do mưa dầm mấy tuần khiến đại quân di chuyển chậm. Lưu Cung thấy tình hình không ổn bèn hỏi kế Sùng Văn hầu Tiêu Ích. Tiêu Ích thành khẩn bẩm báo rằng:

“Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.”

Lưu Cung chỉ coi Tĩnh Hải quân là mảnh đất nhỏ nhoi, mất Dương Đình Nghệ như con thơ mất mẹ nên không nghe theo kế Tiêu Ích. Vua muốn hành quân đánh nhanh thắng nhanh, nên sai Hoằng Tháo cứ theo Bạch Đằng giang mà vào. Lưu Cung cũng tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện.(3)

Ngô soái cùng ban tham mưu họp bàn ba ngày ba đêm, suy nghĩ đối sách tiêu diệt cường địch trên sông Bạch Đằng. Rạng sáng ngày thứ tư, bên trong doanh trướng Đinh Công Trứ, Cao Khiển dâng lên chủ nhân một chiếc hộp gỗ, nói rằng có hai binh lính canh trạm mười dặm(4)mạn nam được uỷ thác phải giao tận trướng của Đinh Công Trứ tướng quân. Hai tên lính sợ bị trách phạt vì tự ý rời bỏ nhiệm vụ nên không nói gì nhiều, đã lỉnh đi mất rồi.

Hộp gỗ không rõ lai lịch ấy như là hộp trang sức nữ nhân, kích thước dài rộng chỉ một gang tay, bên trong chiếm một phần ba là nước. Ở giữa hộp, một miếng gỗ trông như một góc của chiếc trường kỷ được dính chặt vào đáy, mặt phẳng miếng gỗ ngập trong nước còn đầu nhọn lấp ló dập dềnh trên mặt nước. Nhìn chiếc hộp trên tay, mắt Đinh Công Trứ sáng rực, tâm thất kinh chấn động, ngay lập tức lao ra khỏi trướng xin hội họp trình bày kế sách cùng với Ngô soái.


Từ giữa tháng chín năm Mậu Tuất

Đại quân Ngô Quyền cả ngày lẫn đêm chia ca lên núi đốn cây đóng cọc, ngắn thì cao bảy thước, dài thì lên đến hơn chục thước, lại cho quân sĩ vát nhọn gần ba thước, bịt đầu sắt ngay ngọn tăng tính sát thương, sau đó âm thầm vận chuyển đóng dưới lòng sông Bạch Đằng ngay vùng cửa biển và hạ lưu. Diện tích đóng cọc rộng vài trăm trượng(5), dài lên đến vài dặm.


Giữa tháng mười năm Mậu Tuất

Thuỷ quân Hoằng Tháo gồm hàng trăm đại chiến thuyền tiến vào Tĩnh Hải quân qua cửa ngõ sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cử tướng Phạm Lệnh Công cho hàng trăm thuyền nhẹ, mỗi thuyền chứa khoảng chục người ra bắn tên dụ địch.

Một bên dù đại chiến thuyền nhưng cồng kềnh, một bên dù là khinh thuyền(6)nhưng linh hoạt, thời điểm lại đang nửa đêm khiến khả năng quan sát có phần hạn hẹp, bởi vậy hai bên giao chiến hồi lâu vẫn lâm vào thế dằn co, bất phân thắng bại.

Chờ đến rạng sáng, Phạm Lệnh Công nhắm thấy không đủ sức chống cự nên bắt đầu bỏ chạy, lệnh cho toàn đội thuyền nhỏ bơi ngược lên phía thượng lưu. Quân Nam Hán cười khinh bỉ, ngạo mạn truy sát hòng đuổi cùng giết tận. Thuỷ triều lên cao càng có lợi cho quân Nam Hán tiến sát vào trong.

Cho tới giờ Tỵ, đang hăng say vờn đuổi khinh thuyền, binh sĩ Nam Hán trên những đại chiến thuyền bỗng dưng cảm thấy lắt lư như va phải đá ngầm. Sau khi quan sát xung quanh, từng đợt quân binh tái mặt hớt hải bẩm báo Giao vương Hoằng Tháo, phát hiện hàng vạn cọc nhọn bọc sắt cắm dưới lòng sông, lúc nãy do thuỷ triều lên nên không hay biết, giờ khi thuỷ triều hạ đang lộ ra đâm vào đáy khiến gần trăm chiến thuyền bị mắc cạn và thủng, nước tràn vào cực nhanh chóng.

Thật không may cho quân Nam Hán, cọc nhọn được đóng có đầu chếch về phía thượng lưu, khi thuỷ triều rút kéo theo hàng trăm chiến thuyền đẩy ngược về hướng biển, vô tình trở thành những món đồ chơi bị hàng vạn cọc nhọn cứ thế chờ sẵn xuyên thủng.

Hoằng Tháo mặt cắt không còn giọt máu, biết đã trúng kế của đối phương nên ngay lập tức ra lệnh cho người rút quân, nhưng tất cả đã quá trễ.

Bốn bề khi ấy ví như thập diện mai phục, nhìn đâu cũng thấy quân sĩ Ngô Quyền đang giương tên, hẳn nhiên đích ngắm là binh lực thuỷ quân cùng hàng trăm đại chiến thuyền vẫn luôn được quân Nam Hán vỗ ngực tự hào.

Ngô Quyền phất tay ra lệnh, đại quân đồng loạt bắn tên tẩm dầu vào thuyền địch. Quân Nam Hán lúc này nháo nhào bỏ thuyền giữ mạng, cố tìm cách nhảy xuống nước thoát thân. Nhưng thống nổi bên dưới đều là cọc nhọn, vất vả tấp được vào bờ thì bị mai phục chặn đánh, đứng yên trên thuyền thì chịu mưa tên, nhất thời khổ không đếm xuể.

Có nhiều đợt tên cực kỳ sáng kiến, cột từng bọc dầu nhỏ bằng quả trứng gà lên thân tên, dựa vào lực cánh tay cực khoẻ nhắm thẳng thuyền địch lao tới, sau khi va phải mặt thuyền gỗ thì vỡ bung ra khiến lửa bùng cháy càng mạnh. Loạt tên này đến từ khu vực của tả tướng quân Đinh Công Trứ.

Sau một ngày một đêm, gần trăm chiến thuyền uy trấn thiên hạ của quân Nam Hán chống cự không nổi đành ngậm ngùi vùi trong biển lửa, khói bốc lên cao ngút, đứng xa trăm dặm vẫn còn trông thấy, mãi đến hơn chục ngày sau vụn tro mới tiêu tán được hơn nửa. Xác thuyền phần bị sóng đánh bể tan tành, phần còn lại chôn vùi dưới đáy biển. Cái gọi là “niềm tự hào thuỷ quân” của người Nam Hán, sau trận đại chiến trên sông Bạch Đằng hôm ấy cũng không còn dám vỗ ngực tự xưng.

Ngô Quyền chặt đầu Hoằng Tháo, sai người bắn lên cổng Hải Môn làm quà cho vua Nam Hán. Lưu Cung ngay khi nhìn thấy thủ cấp của con thì tái mặt kinh hoàng, oà lên thương khóc rồi thu nhặt tàn quân kiệt quệ rút về.

Vua Nam Hán Lưu Cung dù qua bao năm vẫn không quên trận thảm bại trên sông Bạch Đằng, năm nào cũng lập đàn cúng tế Hoằng Tháo mong con siêu thoát. Vì ôm hận mà sau ba năm cũng qua đời.

Sử sau có đoạn: “Lưu Cung tham đất của người ta, muốn mở rộng bờ cõi, đất chưa lấy được đã chết mất con và còn hại nhân dân tức như Mạnh Tử nói: “Lấy cái không yêu mà hại cái yêu” chăng?”(7)

Trận đại thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng, quân Ngô Quyền toàn thắng với tốc độ không thể nhanh chóng và chói loà hơn, đánh dấu một mốc son rực rỡ trong công cuộc giữ yên bờ cõi, đánh giặc ngoại xâm dân tộc.

Kết quả sau trận đại chiến, gần một vạn rưỡi quân Nam Hán uất nghẹn vùi mình dưới Bạch Đằng giang, hơn sáu ngàn tàn binh được khoan hồng rút trở về nước, đốt cháy nhuệ khí vừa mới lập quốc muốn mở rộng bờ cõi của Nam Hán quân. Kể từ đó về sau, người Nam Hán không còn dám đem quân xâm lược nước ta thêm lần nào nữa.


Ngày Mười tháng Một năm Kỷ Hợi

Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô, chính thức đưa đất nước sang một thời đại huy hoàng sáng rọi mới. Được người đời sau kính phục mà suy tôn là vị “vua đứng đầu các vua”.

---------------------
(1) Chương này có một số nội dung dựa trên Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ, quyển V, Kỷ Nam Bắc phân tranh
(2) Năm 938
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ, Quyển V, Kỷ Nam Bắc phân tranh
(4) 1 dặm tương đương 500 mét
(5) 1 trượng = 10 thước, tương đương 3.33 mét
(6) Khinh thuyền = thuyền mỏng, nhẹ, chở ít người để bơi được nhanh, hoạt động linh hoạt
(7) Trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ, quyển V, Kỷ Nam Bắc phân tranh – Sử thần Ngô Sỹ Liên bàn.
 
×
Quay lại
Top