Câu chuyện Do Thái

LoverBooks

Thành viên
Tham gia
31/12/2014
Bài viết
9
Bia_Cau-chuyen-do-thai_OUT-01.jpg


Tại sao Issrael ngày nay lại là một điểm “nóng” tại Trung Đông và là tâm điểm chú ý của toàn thế giới , cả về những xung đột đầy bạo lực cũng như những thành tựu về kinh tế, văn hóa và con người đến ngạc nhiên như thế?

Tuy rằng Israel hiện đại khởi nguồn từ một trong những nền móng xã hội và văn hóa lâu đời nhất trên trái đất, di sản cổ xưa của nó đã không giúp cho công cuộc xây dựng quốc gia Israel hiện đại dễ dàng hơn. Ngược lại, tôn giáo và chủ nghĩa duy vật, ngôn ngữ đa dạng, dân chúng với nhiều trình độ phát triển kinh tế, kinh nghiệm lịch sử khác nhau, trong số các yếu tố khác, đã khiến cho cuông cuộc xây dựng quốc gia của Israel đặc biệt phức tạp và đầy thử thách. Một mảnh đất nhỏ bé và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, bao quanh bởi các nước làng giềng thù địch, cùng với những câu chuyện thành công ngoạn mục đã làm cho Israel trở nên một đất nước như huyền thoại.

Vậy thì chìa khóa của những thành tựu của người Do Thái nằm ở đâu nếu không phải là nằm ở nơi những cổ vật quý giá hay ở kích thước địa lý của đất nước và lịch sử? Lần theo câu hỏi này chúng ta phát hiện ra rằng cái đã nâng người Do Thái từ tăm tối lên tới vĩ đại chính là sự khao khát của họ trong việc truy cầu những ý nghĩa lớn lao của cuộc sống.

Chúng ta hãy cùng nhau quay lại cuốn phim lịch sử, lần bước theo hành trình kinh ngạc của dân tộc đáng ngưỡng mộ này qua cuốn sách “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”

Ông Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Ngoại giao, Học viện ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã viết trong lời giới thiệu rằng: "Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Có những dân tộc bị vùi dập xuống tận bùn đen, rồi ngậm ngùi cho đó là “số phận”. Có những dân tộc luôn sẵn sàng tiến về phía trước, chấp nhận thách thức và nhờ vậy đã thành công, có những phát kiến, đóng góp vĩ đại cho nhân loại.

Người Do Thái và Quốc gia Do Thái Israel là một trong số rất ít các ví dụ điển hình. Trên thế giới có lẽ chưa có trường hợp nào như người Do Thái, cả một dân tộc chịu cảnh “thiên di”, sống lưu vong, phiêu bạt khăp nơi trên thế giới trên 2000 năm nhưng vẫn phục quốc thành công với nguyên bản sắc và tôn giáo của mình. Không chỉ có vậy, với tổng số 16 triệu người, tức chiếm khoảng 0,2% dân số thế giới, người Do Thái đã đứng ở đỉnh cao trong rất nhiều lĩnh vực và có đóng góp to lớn cho nhân loại, thể hiện rõ nhất qua việc họ giành được khoảng 30% tổng giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và y học từ trước đến nay.

Với một cuốn khảo cứu chưa đầy 300 trang dưới tiêu đề “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”, tác giả Đặng Hoàng Xa, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho đề tài này, đã vẽ nên một bức tranh lịch sử sống động trải dài qua 4000 năm đầy bi thương, nhưng cũng đầy quả cảm của dân tộc Do Thái. Với óc quan sát tinh tế, cộng với tư duy logic của người làm khoa học, tác giả Đặng Hoàng Xa đã đưa ra cách nhìn đa chiều về các yếu tố tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử và có những lý giải khá thuyết phục về câu chuyện thành công của người Do Thái cũng như quá trình hình thành và xây dựng đất nước của Nhà nước Israel hiện đại ngày nay.

Tuy câu chuyện là của người Do Thái và Nhà nước Israel, nhưng qua đây chúng ta cũng thấy có nhiều nét tương đồng về tinh thuần bất khuất, không chịu lùi bước trước gian khó của người Việt và người Do Thái. Cái còn lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ cho bạn đọc là liệu chúng ta có thể học gì để thành công trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước như người Do Thái?”

Mục lục:


Lời nói đầu

Chương I
BẢN SẮC DO THÁI

Chương II
DO THÁI GIÁO

Chương III
NHỮNG XUNG ĐỘT, HIỆP ƯỚC VÀ TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH

Chương IV
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Chương V
QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP
 
Trích đoạn hay trong sách:

CUỘC TRUY CẦU Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG
Trong phần mở đầu chúng ta đã nói rằng chìa khóa để nâng người Do Thái từ tăm tối lên tới vĩ đại chính là sự khao khát của họ trong việc truy cầu những ý nghĩa lớn lao của cuộc sống. Từ những trình bầy ở trên về lịch sử lập quốc và sự hình thành của Do Thái giáo chúng ta sẽ tóm lược ở đây những ý nghĩa đó là gì.

1. Ý nghĩa về Thượng Đế

“Lúc khởi đầu Thượng Đế sáng tạo nên trời và đất…” Từ khởi đầu cho đến cuối cùng, cuộc truy cầu ý nghĩa cuộc sống của người Do Thái giáo đã bén rễ và ăn sâu trong những hiểu biết của họ về Đấng Tối Cao. Bản thân con người vốn nhỏ nhoi và yếu ớt, cho dù họ là ai, mang triết lý gì, vẫn cần phải tìm kiếm một hình tượng siêu nhiên nào đó để vịn dựa. Đối với các dân tộc Địa Trung Hải, mỗi sức mạnh thiên nhiên là một vị thần: họ có thần đất, thần biển, thần mặt trăng, thần mặt trời, thần sông, thần núi… Còn người Do Thái giáo chỉ tôn thờ duy nhất một Thượng Đế là Đấng Tối Cao đã sáng tạo ra muôn loài. Đó là một Thượng Đế quyền uy, nghiêm khắc và đầy lòng vị tha. Trong khi các vị thần trên đỉnh Olympus trong các truyện thần thoại Hy Lạp chỉ biết ăn chơi và hưởng thụ thì khái niệm “Thượng Đế” của người Do Thái giáo được dùng để biểu hiện một thực thể vừa có tính sáng thế, vừa có nhân cách. Đấng Thượng Đế ấy được mô tả như một hình tượng vừa đầy quyền năng, lại mang cả nhân cách vì có thể lắng nghe tường tận những ý nguyện nơi con người.

Người Do Thái giáo đã chăm sóc, giữ gìn, đã nuôi dưỡng lòng tin ấy, vào Thượng Đế, cho đến tận ngày nay. Chính lòng tin ấy đã gắn kết dân tộc Do Thái thành một khối đoàn kết thống nhất, không bao giờ bị rạn nứt, không bao giờ bị bào mòn theo thời gian.

2. Ý nghĩa về sự sáng thế

Nói về sự sáng thế, người Hy Lạp tư duy rất mơ hồ. Còn triết học Ấn Độ thì coi vật chất như một thực thể ô trọc, sự cứu rỗi chỉ đạt tới khi con người giải thoát linh hồn ra khỏi cái vỏ bọc cơ thể vật chất tạm bợ. Kinh Thánh Hebrew có cái nhìn khác. Mở đầu với lời tuyên ngôn rất rõ ràng: “Lúc khởi đầu Thượng Đế sáng tạo nên trời và đất…” và kết thúc chương Sáng-thế Ký 1: “Thượng Đế thấy mọi việc Ngài đã làm ra là rất tốt đẹp.” Sự nhấn mạnh vào từ “rất” này đã nâng tầm nhìn của người Do Thái giáo, và cả văn minh phương Tây, lên một tầng cao mới, bao quát toàn bộ thế giới tự nhiên. Thậm chí khi chết, người Do Thái giáo vẫn không có ý nghĩ từ bỏ th.ân thể; bởi lẽ người Do Thái giáo (và cả Kitô giáo, Hồi giáo) luôn có lòng tin vững chắc vào sự phục sinh của thân xác.

3. Ý nghĩa về sự hiện hữu của con người

Trong nhân sinh quan của con người, hình ảnh bản thân là một yếu tố vô cùng quan trọng. Con người tự biết rất sâu sắc về khả năng rất giới hạn của họ: so với thần thánh, con người chỉ là “cát bụi”. Vì thế đánh giá được phẩm chất và giới hạn của chính mình là rất cần thiết trong ước vọng đạt tới sự hoàn thiện của bản thân. Một người hoàn hảo nếu bỏ đi tính nhu nhược sẽ trở nên thiếu tính hiện thực. Nếu bỏ đi sự cao quý thì khát vọng sẽ bị lu mờ. Nếu bỏ đi tội lỗi thì sự đa cảm sẽ không còn. Bỏ đi quyền tự quyết thì trách nhiệm sẽ bị thui chột. Cuối cùng, nếu bỏ đi tình yêu thương thì linh hồn không khác gì què quặt.

Người Do Thái giáo, trong lịch sử trải dài 4000 năm, luôn khát khao tìm hiểu những tố chất của dân tộc mình, không phải vì những mục đích nghiên cứu học thuật. Họ muốn hiểu ngọn ngành bản sắc của dân tộc mình, cả tốt và xấu, để từ đó có thể phát huy cái đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người đến tối đa, đến một tầng cao mà ở đó trí tuệ Do Thái được tỏa sáng.

Câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc rằng tại sao người Do Thái lại đặc biệt thông minh và trí tuệ có lẽ đã được minh bạch.

4. Ý nghĩa về lịch sử

Lịch sử có ý nghĩa hay không tùy thuộc vào thái độ của chúng ta về trật tự xã hội cũng như sinh hoạt của cộng đồng trong trật tự đó. Nếu chúng ta cho rằng lịch sử không có ý nghĩa gì thì đương nhiên là các định chế chính trị, xã hội và văn hóa của cuộc sống không có gì đáng để ta phải bận tâm. Người Do Thái, ngược lại, nhìn vể lịch sử tuyệt không thờ ơ và coi lịch sử là vô cùng quan trọng. Đối với người Ấn Độ, số phận con người nằm ngoài lịch sử. Với các dân tộc láng giềng xung quanh Israel, số phận con người ngược lại nằm trong lịch sử nhưng trong một định chế khô cứng vì họ cho rằng trật tự xã hội không bao giờ thay đổi được theo qui luật của tự nhiên. Cách nhìn nhận về lịch sử của người Do Thái có khác biệt vì họ có ý tưởng riêng về Thượng Đế. Với người Do Thái, ý muốn và quyền năng của Thượng Đế sẽ vượt qua những gì đang xẩy ra trong lịch sử. Trong cách tư duy ấy, Do Thái giáo đã thành công khi tạo dựng được nền tảng cho một lương tâm xã hội, một nền tảng rất vững chắc và linh hoạt, đúng như định chuẩn của văn minh phương Tây. Trên nền tảng đó, khi sự việc xẩy ra không đúng như nó nên có, sự thay đổi là cần thiết, giống như một bộ máy hoàn hảo, rất năng động, có thể tự sửa chữa, tự hàn gắn khi gặp trục trặc. Các nhà tiên tri Do Thái giáo chính là những kiến trúc sư đã tạo ra mô hình như thế. Được bảo vệ bởi những giới luật, họ chính là lực lượng cải cách mà lịch sử không thể nào vượt qua.

5. Ý nghĩa về đạo đức

Có một học giả Mỹ nói rằng con người là những sinh vật của xã hội. Thiếu người khác, họ không đủ để trở thành con người. Tuy nhiên nếu có sự hiện diện của người khác thì họ lại thường hành xử rất thô thiển. Thực tế hai mặt này dẫn đến nhu cầu về đạo đức.

Đúng ra thì không ai thích luật lệ bất kể là luật lệ gì, nhưng nếu không có những ràng buộc về nguyên tắc thì xã hội con người sẽ rối tinh rối mù và dễ dàng vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Với hiểu biết đó, người Do Thái đã biên soạn rất nghiêm túc luật lệ của họ nhằm qui định những ràng buộc tối cần thiết cho đời sống. Bốn trong Mười Điều Răn đặt trọng tâm vào việc kiểm soát bốn khu vực nguy hiểm nhất trong quan hệ con người, đó là không giết người, không ngoại tình, không làm chứng gian hại người và không chiếm đoạt tài sản người khác. So sánh với Phật giáo thì những giới luật này rất tương tự với Ngũ giới của Phật giáo - không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện. Đó phải chăng chính là sự tương đồng thiêng liêng giữa các tôn giáo khác nhau: mặc dù có thể không giống nhau về triết lý thần học, song các tôn giáo đều hướng con người đến một đời sống trong sạch, đến cái đẹp thánh thiện của cuộc sống.

Có thể nói tầm quan trọng của Mười Điều Răn trong phương diện đạo đức của Kinh Thánh Hebrew không phải là nằm ở tính duy nhất mà là nằm ở tính phổ quát của nó. Mười Điều Răn không nói đến hình phạt của các giới luật, mà nhấn mạnh vào việc tuân thủ những giới luật đó.
 
×
Quay lại
Top