Cánh buồm đỏ thắm – Alexandre Grin

Cuonlennho

"Cuộc đời yên ổn, năm tháng bình yên."
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/3/2010
Bài viết
1.776
Chương 1: Lời tiên đoán
Lông-gren là thuỷ thủ của con tàu “ô-ri-on” chở được ba trăm tấn. Anh đã làm việc trên con tàu đó mười năm và gắn bó với nó có lẽ còn thân thiết hơn là con với mẹ. Nhưng cuối cùng thì anh phải bỏ con tàu.
Chuyện xảy ra như thế này. Vào một trong những chuyến về thăm nhà hiếm hoi, anh không thấy chị Mê-ri, vợ anh, từ xa đứng trên ngưỡng cửa vẫy vẫy tay, rồi sau đó chạy tới đón anh, thở hổn hển chừng như đứt hơi. Bên chiếc gi.ường trẻ con – đồ vật mới trong căn nhà nhỏ của Lông-gren – anh chỉ thấy bà hàng xóm với dáng vẻ đầy xúc động.
- Đã ba tháng rồi tôi phải chăm sóc nó đấy, – bà hàng xóm nói, – anh hãy nhìn con gái anh đi!
Lông-gren lặng người, cúi xuống đứa trẻ tám tháng đang chăm chăm nhìn bộ râu dài của anh, rồi anh ngồi xuống, đầu cúi, tay vân vê bộ râu. Râu anh ướt đầm vì mưa.
- Mê-ri chết bao giờ hở bác? – anh hỏi.
Người đàn bà kể lại câu chuyện buồn thảm, chốc chốc dừng lại nựng đứa bé và quả quyết rằng Mê-ri đã được lên thiên đường. Khi Lông-gren biết rõ câu chuyện thì thiên đường đối với anh chẳng sáng sủa hơn nhà chứa củi là bao nhiêu, và anh nghĩ rằng nếu như bây giờ có cả vợ anh thì ánh lửa của chiếc đèn nhỏ có thể là một niềm vui không gì thay thế được đối với người phụ nữ đã đi vào xứ sở huyền bí.
Chừng ba tháng trước, người mẹ trẻ gặp phải chuyện không may. Hơn nửa số tiền Lông-gren để lại, Mê-ri đã tiêu tốn vào việc chữa chạy sau lần đẻ khó, vào việc chăm sóc sức khoẻ cho đứa trẻ sơ sinh. Thêm nữa, Mê-ri lại đánh mất một số tiền tuy không nhiều nhưng rất cần cho cuộc sống của hai mẹ con. Hoàn cảnh khó khăn đó đã buộc Mê-ri phải đến nhà Mê-néc vay tiền. Mê-néc là chủ quán rượu, có một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Y được coi là kẻ giàu có.
 
Mê-ri đến nhà y vào lúc sáu giờ tối. Gần bảy giờ, bà hàng xóm gặp chị trên đường đến thị trấn Li-xơ. Mê-ri vừa khóc vừa buồn bã kể rằng chị phải đi lên phố để cầm chiếc nhẫn cưới. Chị nói thêm rằng Mê-néc đồng ý đưa tiền cho chị, nhưng đòi chị phải yêu hắn. Mê-ri đành về không.
- Nhà cháu không còn gì ăn, bác ạ! – chị nói với bà hàng xóm – Cháu phải đi lên phố cố kiếm về ít tiền, rồi hai mẹ con gắng lần hồi cho đến khi nhà cháu về.
Tối hôm đó trời vừa rét vừa có gió thổi, bà hàng xóm đã không ngăn được Mê-ri đi lên phố vào ban đêm. “Cháu sẽ bị ướt, Mê-ri ạ, trời đang lất phất mưa, cứ cái điệu gió này thì trời sắp mưa to đấy!”
Từ làng ven biển lên thị trấn Li-xơ cả đi lẫn về nhanh cũng mất ít nhất ba giờ, nhưng Mê-ri không nghe theo lời khuyên của bà hàng xóm. “Thôi, cháu không muốn quấy quả các bác nữa, – Mê-ri nói, – gần như nhà nào cháu cũng từng vay bánh mì, chè hay bột. Đem cầm chiếc nhẫn này là xong thôi bác ạ”. Mê-ri đi lên phố về, đến hôm sau thì lên cơn sốt cao, mê sảng. Trời đêm lạnh giá đã làm chị bị viêm phổi nặng – theo lời ông bác sĩ trên phố được bà già tốt bụng mời về cho biết. Một tuần sau, chiếc gi.ường đôi của Lông-gren đã trống không, bà hàng xóm đã dọn sang nhà anh ở để chăm sóc trẻ. Đối với một người đàn bà goá bụa cô đơn như bà thì việc đó không khó. “Thêm nữa – bà nói tiếp, – không có đứa bé ấy thì cũng buồn”.
Lông-gren đi lên phố, thôi việc, từ biệt bạn bè rồi trở về nhà nuôi nấng bé A-xôn. Khi đứa bé đi chưa vững thì bà hàng xóm còn ở lại trong nhà Lông-gren, thay thế người mẹ quá cố chăm sóc nó. Nhưng khi A-xôn đi vững, bước qua được ngưỡng cửa thì Lông-gren quyết định sẽ tự mình nuôi dạy đứa trẻ. Anh cám ơn bà hàng xóm đã tận tình giúp đỡ anh. Rồi từ đấy, anh sống cuộc đời cô đơn của người goá vợ, tập trung tất cả ý nghĩ, hi vọng, tình cảm và kỷ niệm của mình vào đứa trẻ.
Mười năm sống nay đây mai đó chỉ đem lại cho anh một số tiền rất nhỏ. Anh bắt đầu làm việc. Ít lâu sau, trong những cửa hiệu trên phố đã thấy bày bán những đồ chơi do chính tay anh khéo léo làm ra – những chiếc thuyền nhỏ, xuồng máy, thuyền buồm một boong, hai boong, tàu thuỷ, tàu tuần dương, tóm lại tất cả những gì anh đã gần gũi, những gì trong khi làm việc đã phần nào thay thế cho anh cuộc sống ồn ào ngoài cảng, thay thế được lao động đầy thơ mộng của những chuyến đi biển. Bằng công việc đó, Lông-gren đã kiếm tiền để hai bố con có thể sống một cách tằn tiện. Vốn là người ít giao du, sau khi vợ mất, Lông-gren lại càng trở nên kín đáo, ít cởi mở hơn. Vào những ngày lễ, thỉnh thoảng người ta thấy anh trong quán rượu, nhưng anh không bao giờ ngồi mà chỉ vội vàng uống một cốc rượu ngay tại quầy rồi ra về, đáp lại lời thăm hỏi của mọi người một cách vắn tắt: “Xin chào”, “Tôi đi nhé”, “Vâng”, “Cũng thường thôi”. Anh không thích tiếp khách. Khi có khách, anh khéo léo tỏ ý muốn họ về bằng những lời nói bóng gió xa xôi hay những cớ do anh tưởng tượng ra. Những lúc ấy, khách chỉ còn cách là nghĩ ra một lý do nào đó để cáo từ. Phần anh cũng không thăm ai, vậy là giữa anh và dân làng có cái gì đó lạnh lùng ngăn cách. Nếu như việc làm đồ chơi của anh phụ thuộc nhiều vào công việc của dân làng thì quan hệ như thế có thể đem lại cho anh nhiều khó khăn. Thức ăn dự trữ và các thứ hàng cần thiết anh mua trên thị trấn Mê-néc không thể khoe khoang được rằng Lông-gren đã mua hàng ở cửa hiệu của y, dù chỉ là một bao diêm. Anh tự mình làm mọi việc trong nhà và tỏ ra rất chịu khó nuôi dạy con gái, một việc vốn phức tạp, không phải của đàn ông.
 
A-xôn đã lên năm tuổi. Khi em ngồi trên đùi Lông-gren, chăm chú mân mê chiếc cúc áo gi-lê hay ngộ nghĩnh hát những bài ca thuỷ thủ, Lông-gren thường dịu dàng cười với con. Qua giọng hát con trẻ, những bài hát ấy gợi nhớ đến con gấu thắt đai xanh đang vụng về nhảy múa. Vào thời gian đó có một chuyện xảy ra bao trùm bóng đen lên cả hai bố con.
Dạo ấy là đầu mùa xuân, thời tiết còn khắc nghiệt như mùa đông, nhưng theo một kiểu khác. Khoảng ba tuần liền, gió bấc từ phía biển thổi mạnh về miền đất lạnh.
Thuyền đánh cá được kéo lên bờ, xếp thành dãy dài trên bãi cát trắng tựa như vây lưng những con cá khổng lồ. Không ai dám đi biển lúc tiết trời như thế. Trên con đường duy nhất ở làng chẳng mấy khi gặp người nào rời khỏi nhà. Cơn lốc lạnh lẽo từ những ngọn đồi ven biển thổi thốc vào chân trời trống trải, biến không trung thành một trò tra tấn khắc nghiệt. Suốt từ sáng đến tối, khói tỏa trên những mái nhà dốc đứng trong làng Ca-péc-na.
Nhưng những ngày gió bấc ấy lại làm Lông-gren thích ra khỏi căn nhà nhỏ ấm cúng hơn là vào những ngày mặt trời tỏa ánh vàng xuống mặt biển và làng Ca-péc-na. Lông-gren đi đến chiếc cầu nhỏ dựng trên những hàng cọc dài, rồi đứng ở tận cuối cầu mà ngậm tẩu hút thuốc dưới trời gió rét. Anh nhìn những con sóng bạc đầu nối tiếp nhau đang dữ dội tràn vào bờ tung bọt trắng xoá, những đợt sóng chạy ầm ầm lan khắp vùng chân trời dông bão đen ngòm hệt như một đàn quái vật hung dữ đang lồng lộn trong cơn tuyệt vọng tìm đến một niềm an ủi xa xôi. Những tiếng ầm ào, từng loạt cột nước dựng lên và cả những luồng gió tưởng như thấy được đang vằm nát xung quanh từng đợt một thật đều, thật mạnh, làm dịu lại tâm hồn đau đớn của Lông-gren, giảm đi nỗi buồn da diết, như đưa anh vào giấc ngủ thật say.
Có lần, vào một trong những ngày ấy, đứa con trai mười hai tuổi của Mê-néc tên là Khin trông thấy chiếc thuyền của bố buộc dưới cầu bị sóng xô vào chân cầu chực làm vỡ mạn thuyền, bèn về nói lại với bố. Trước lúc cơn bão kéo đến, Mê-néc quên kéo thuyền lên bờ cát. Y lập tức chạy ra ngoài biển và nhìn thấy Lông-gren đang đứng hút thuốc tận cuối cầu, lưng quay về phía y. Ngoài bờ biển, ngoài họ ra, không còn ai. Mê-néc ra đến giữa cầu, bước xuống con nước như đang sôi sục và tháo dây buộc thuyền. Y đứng trên thuyền, tay lần những chiếc cọc đỡ cầu và đưa thuyền vào bờ. Y không mang theo mái chèo. Bỗng y lỡ đà không kịp bíu vào cái cọc tiếp theo. Cùng lúc đó, một cơn gió mạnh ập đến quay ngược mũi thuyền ra phía biển. Bây giờ thì dù có vươn cả người, y cũng không thể với tới chiếc cọc gần nhất nữa. Sóng gió chao đảo chiếc thuyền, cuốn nó vào không gian chết chóc. Thấy thế, Mê-néc định nhảy xuống nước để bơi vào bờ, nhưng quyết định của y đã quá muộn, bởi vì con thuyền đã trôi ra một quãng xa ngoài phía cuối cầu, nơi nước sâu sóng to chắc chắn sẽ dìm y chết. Khoảng cách giữa Lông-gren và Mê-néc đang bị cuốn ra ngoài xa lúc ấy chỉ chừng mười xa-giên. Có thể cứu được Mê-néc, bởi vì ngay chỗ Lông-gren đứng có một cuộn dây to treo ở đấy. Người ta để sẵn cuộn dây ở đó để phòng khi thuyền về bến gặp sóng gió khó vào bờ thì ném nó xuống thuyền.
 
- Lông-gren! – Mê-néc kinh hoàng kêu lên. – Sao anh cứ đứng yên như phỗng thế kia? Ta đang bị cuốn đi đây này! Ném dây xuống đi!
Lông-gren im lặng, thản nhiên nhìn Mê-néc đang luống cuống trong thuyền. Chỉ có khói thuốc lá tỏa ra nhiều hơn trên chiếc tẩu của anh. Anh chậm rãi bỏ chiếc tẩu, như để nhìn rõ hơn điều đang xảy ra.
- Lông-gren! – Mê-néc kêu cứu. – Nghe thấy ta gọi chứ? Ta sắp chết đến nơi rồi, cứu ta với!
Nhưng Lông-gren không nói với hắn một lời nào, dường như anh không nghe thấy tiếng gào tuyệt vọng của hắn. Chừng nào chiếc thuyền chưa bị cuốn ra xa đến mức tiếng kêu cứu của Mê-néc không còn nghe thấy nữa, chừng ấy Lông-gren còn đứng yên không nhúc nhích. Mê-néc khóc rống lên vì sợ, van nài Lông-gren chạy về báo với dân chài, nhờ họ ra cứu, hứa cho tiền, rồi lại đe doạ, chửi rủa, nhưng Lông-gren chỉ bước ra thêm mấy bước đến tận sát mép cầu để không mất hút con thuyền đang bị sóng dồn lên dập xuống.
- Lông-gren, – anh nghe thấy tiếng gọi mơ hồ như người trong nhà nghe người gọi từ trên mái, – cứu tôi với!
Lúc ấy, Lông-gren hít thật sâu rồi gào lên thật to cho không một lời nào của anh bị mất hút đi trong tiếng gió:
- Vợ tao cũng đã từng kêu cứu với mày như thế! Hãy nhớ lại điều đó đi, chừng nào mày còn sống, đừng quên, Mê-néc ạ!
Lúc đó tiếng gào im bặt, và Lông-gren trở về nhà. Khi tỉnh dậy, A-xôn thấy bố đang ngồi bên ngọn đèn gần tắt, vẻ mặt hết sức đăm chiêu. Nghe thấy tiếng con gái gọi, anh đến bên con, ôm chặt con mà hôn rồi kéo chăn đắp lại cho con.
- Ngủ đi, con yêu của bố! – anh nói. – Còn lâu mới sáng, con ạ.
- Bố làm gì đấy?
- Bố vừa làm xong một đồ chơi xấu. Ngủ đi, A-xôn!
 
Ngày hôm sau, dân làng Ca-péc-na xôn xao bàn tán về chuyện Mê-néc bị mất tích. Đến ngày thứ sáu thì người ta đem Mê-néc về làng, sống dở chết dở, vẻ mặt đầy ác độc. Chuyện y kể chẳng mấy chốc lan truyền đi khắp các làng lân cận. Mê-néc lênh đênh trên sóng biển cho đến chiều. Y đã phải vật lộn với sóng nước lúc nào cũng chực dìm y xuống đáy biển, cả người va đập liên tiếp vào mạn thuyền và lòng thuyền mãi cho đến khi được chiếc tàu Lu-crê-xi-a đi Kát-xét vớt lên. Bị cảm lạnh và phải sống qua những giờ phút kinh hãi cực độ, y đã không sống thêm được bao lâu. Chưa đầy hai ngày đêm sau y chết, trước khi chết y cầu mong cho Lông-gren gặp phải mọi tai họa có thể có trên đời và trong tưởng tượng. Câu chuyện về việc Lông-gren chứng kiến tai họa của Mê-néc mà không cứu giúp được tô vẽ thêm bằng hơi thở nặng nề và rền rĩ của Mê-néc đã làm dân làng Ca-péc-na kinh ngạc. Cả làng chẳng còn mấy ai nhớ đến nỗi đau khổ nặng nề mà Lông-gren đã phải chịu đựng, và cũng chẳng còn mấy ai hết sức đau khổ về Mê-ri như Lông-gren đã đau khổ cho đến hết đời mình. Dân làng cảm thấy kinh sợ, khó hiểu về thái độ im lặng của Lông-gren lúc đó. Cho đến khi nói những lời cuối cùng cho Mê-néc Lông-gren đã đứng lặng yên, không nhúc nhích, nghiêm nghị và trầm lặng như một người phán xét biểu lộ sự khinh bỉ cực độ đối với Mê-néc. Sự khinh bỉ ấy còn đáng sợ hơn cả lòng căm thù, và điều này mọi người đều cảm thấy. Nếu anh hét lên, vung tay múa chân hoan hỉ lộ rõ sự khoái trá khi thấy kẻ thù gặp nạn, hoặc là bằng cách nào khác tỏ rõ sự đắc thắng của mình khi Mê-néc đang tuyệt vọng, thì dân làng đã có thể hiểu được anh. Nhưng anh lại hành động khác với họ, anh đã cư xử thật lạ lùng, thật đáng kinh ngạc, và bằng cách đó anh đã đứng cao hơn những người khác. Nghĩa là anh đã làm một điều không thể tha thứ được. Từ lúc ấy, không ai chào anh, không ai bắt tay hay nhìn anh một cách vui vẻ hồ hởi nữa. Anh hoàn toàn xa cách với mọi chuyện trong làng. Trẻ con trông thấy anh chạy theo đồng thanh hô: “Lông-gren dìm chết Mê-néc!”. Anh không thèm để ý đến những ch.uyện ấy. Hình như anh cũng không nhận thấy rằng khi anh xuất hiện trong quán rượu hay ngoài bờ biển thì dân chài ở đấy đều im bặt, tránh xa anh như tránh người mắc bệnh dịch hạch. Chuyện xảy ra với Mê-néc đã khoét sâu thêm sự ngăn cách giữa Lông-gren với dân làng, trước kia còn chưa sâu sắc lắm. Bây giờ khi sự ngăn cách đó trở nên sâu sắc thì hai bên đều thấy căm ghét nhau và điều này đã ảnh hưởng đến cả A-xôn.
 
Cô bé đã lớn lên mà không có bạn bè. Hai ba chục đứa trẻ cùng lứa tuổi ở làng Ca-péc-na, khác nào chiếc bọt biển thấm nước, đã nhiễm phải định kiến thô bạo của gia đình mà cơ sở của nó là uy tín tuyệt đối của cha mẹ. Bọn chúng nhanh chóng tiếp nhận điều đó, như mọi đứa trẻ trên thế giới, và tẩy chay cô bé A-xôn, loại bỏ em ra khỏi môi trường của chúng. Điều này đã xảy ra một cách dần dà, bằng đe nẹt, dọa dẫm của người lớn. Họ cấm đoán bọn trẻ chơi với A-xôn, thêu dệt những chuyện méo mó để rồi cuối cùng, với đầu óc non nớt của chúng, bọn trẻ tự nhiên thấy sợ hãi trước gia đình người thuỷ thủ.
Thêm vào đấy, lối sống cách biệt của Lông-gren làm cho mọi người càng dễ bề đơm đặt vu khống. Người ta nói rằng thuỷ thủ Lông-gren đã từng giết người ở đâu đó, và vì thế không được nhận làm trên tàu nữa, còn bản thân anh bây giờ trở nên cô độc u sầu vì “bị lương tâm cắn rứt”. Bọn trẻ xua đuổi A-xôn. Nếu cô bé lân la đến chơi với chúng, chúng ném đất vào em, trêu chọc em rằng bố em đã từng ăn thịt người và bây giờ đang làm bạc giả. Lần nào A-xôn định đến gần bọn trẻ, em cũng bị cào cấu, đánh đập thâm tím, em khóc lóc cay đắng và chịu đựng mọi biểu hiện khác của dư luận xã hội, cuối cùng em cũng không còn cảm thấy bị nhục mạ nữa. Nhưng đôi khi em vẫn hỏi bố em: “Bố ơi, sao họ không yêu bố con mình?”- Lông-gren đáp: “Này, A-xôn, lẽ nào họ biết yêu? Cần phải biết yêu, nhưng điều này thì họ không làm được”. – “Thế nào là biết yêu hở bố ?” -”Là thế này, con ạ!”- Anh liền bế con gái lên và hôn thật lâu vào đôi mắt đượm buồn của con, đôi mắt đang lim dim lại vì được âu yếm.
Những phút chơi đùa thích thú nhất của A-xôn là vào buổi tối hay ngày lễ, khi bố em thu dọn hộp đựng hồ dán, đồ lề, các công việc đang dở dang sang một bên, cởi chiếc tạp dề ra, ngậm tẩu thuốc vào miệng rồi bế em ngồi lên đùi mình. Những lúc ấy, A-xôn ngồi trong vòng tay nâng niu của bố, vừa sờ mó những thứ đồ chơi khác nhau vừa hỏi bố về công dụng của từng thứ đồ vật ấy. Lông-gren lại có dịp kể những chuyện thật ly kỳ về cuộc sống và con người. Do chỗ trước đây Lông-gren đã sống một cuộc đời nay đây mai đó, câu chuyện anh kể thường chứa đầy những sự kiện tình cờ, lạ kỳ và đáng kinh ngạc. Lông-gren nói với con tên những loại dây dợ, buồm, những vật dụng trên tàu, rồi dần dần say sưa chuyển từ lời giải thích sang kể những tình huống khác nhau trong đó vai trò chính là cái tời để thả và cất neo, bánh lái, cột buồm hay một loại thuyền nào đấy, và từ những minh họa cụ thể đó anh chuyển sang kể lại những cảnh đi biển đầy phóng khoáng, kết hợp chuyện mê tín với chuyện thật, rồi chuyện thật với các hình ảnh do anh hư cấu ra. Trong chuyện đó mới xuất hiện nào là con mèo cọp báo hiệu đắm tàu, nào là con cá bay biết nói, nếu không nghe lệnh của nó sẽ đi lạc đường, nào là những điềm báo, những hồn ma, nàng tiên cá, những tên cướp biển, nói tóm lại là tất cả những chuyện hoang đường mà các thuỷ thủ đã kể cho nhau nghe trong quán rượu quen thuộc hay trên tàu những khi gió lặng. Lông-gren còn kể về những lần đắm tàu, về những người lạc trên đảo lạ đã trở thành man rợ đến nỗi quên cả tiếng nói, về những kho báu bí mật, về những người tù khổ sai nổi loạn và nhiều chuyện khác. A-xôn nghe bố kể có lẽ còn chăm chú hơn khi người ta nghe ông Cô-lông kể lần đầu về chuyện tìm ra châu Mỹ. “Bố kể nữa đi”, – bé A-xôn nói với bố khi Lông-gren ngừng kể, vẻ mặt tư lự, rồi em thiếp đi trên ngực bố trong giấc ngủ đầy những giấc mơ kỳ lạ.
 
A-xôn cũng rất mừng mỗi lần người buôn đồ chơi trên thị trấn về nhà Lông-gren mua hàng. Để lấy lòng Lông-gren và để mua được rẻ hơn, người lái buôn thường đem quà cho A-xôn, khi thì vài quả táo, cái bánh ngọt, khi thì nắm hạt dẻ. Thường thì Lông-gren chỉ nói đúng giá tiền thứ đồ chơi mình làm ra vì anh không thích thú gì chuyện cò kè mua bán. Nhưng lần nào người lái buôn cũng đòi bớt. “Ồ, sao lại thế ông, – Lông-gren nói, – tôi phải ngồi cả tuần mới làm được chiếc thuyền buồm đấy. Chiếc thuyền này dài năm véc-sốc. Ông cứ nhìn xem, chắc chắn lắm đấy, phần chìm lại chất lượng tốt nữa. Có thể chở được mười lăm người trong mọi thời tiết đấy.”. Kết cục là tiếng đứa con gái đang khẽ hát ru quả táo đã làm Lông-gren mềm lòng, anh hết muốn tranh cãi với người lái buôn, và y cuối cùng đã mua được rẻ. Y cho những đồ chơi chắc chắn, tuyệt đẹp ấy vào làn rồi ra về, tủm tỉm cười.
Mọi việc trong nhà, Lông-gren tự tay làm hết: bổ củi, xách nước, đốt lò, nấu ăn, giặt giũ, là quần áo, dọn dẹp mọi thứ. Tuy vậy, Lông-gren vẫn dành thời gian để kiếm tiền. Khi A-xôn lên tám tuổi, anh đã dạy con đọc, viết. Thỉnh thoảng anh đưa con lên thị trấn. Sau đó đôi lần anh còn để con đi đến đó một mình mỗi khi cần phải vay tạm ít tiền ngoài cửa hiệu, hay đi đưa hàng. Điều này cũng ít xảy ra dù thị trấn Li-xơ chỉ cách làng Ca-péc-na vẻn vẹn bốn dặm. Nhưng vì đường đi phải qua một khu rừng thì thiếu gì cái làm trẻ con sợ sệt, chưa nói đến những nguy hiểm tuy cũng khó xảy ra vì ở gần phố xá nhưng không phải là không cần tính đến. Cho nên chỉ vào những buổi sáng thật đẹp trời, khi hai bên đường chan hoà ánh nắng, hoa cỏ tốt tươi, bầu trời vắng lặng, A-xôn không còn tâm trí đâu mà tưởng tượng đến những điều đáng sợ nữa, những lúc ấy Lông-gren mới cho con gái đi một mình lên phố.
Có lần, trên đường đi lên phố, cô bé A-xôn ngồi lại nghỉ và lấy miếng bánh rán để trong làn ra ăn lót dạ buổi sáng. Vừa ăn, A-xôn vừa ngắm nghía các đồ chơi mang theo: cô bé thấy vài ba thứ đồ chơi lạ, những thứ này cha cô đã làm về khuya. Trong số đó có một chiếc thuyền đua nhỏ sơn màu trắng với những cánh buồm đỏ thắm làm bằng những mảnh lụa mà Lông-gren chuyên dùng để trang hoàng cho các căn buồng trên tàu thuỷ lớn – thứ đồ chơi dành cho trẻ con các gia đình lắm tiền. Chắc là sau khi đẽo xong chiếc thuyền đua màu trắng, Lông-gren không biết lấy gì để làm buồm và đã tình cờ ghép vào đấy những mảnh lụa màu đỏ thắm. A-xôn mừng quá. Màu lụa thắm của những cánh buồm bé xíu đỏ rực trên tay A-xôn, dường như cô bé đang nâng niu một ngọn lửa. Đường lên phố đi qua một chiếc cầu nhỏ ghép bằng gỗ thô, dưới cầu là con suối len lỏi trong cánh rừng. “Mình thử thả xuống nước cho nó bơi một chút xem sao, – A-xôn nghĩ, – nó có bị ướt thì mình lại lau khô được ngay thôi mà”. Cô bé đi sang bên kia cầu rồi men theo dòng suối, rẽ vào cánh rừng, khẽ khàng đặt chiếc thuyền mà cô yêu thích xuống mặt nước sát bên bờ. Cánh buồm in hình thắm đỏ trong làn nước trong veo, và tia sáng mặt trời chiếu qua làn vải lụa lung linh một màu hồng trên những hòn đá cuội trắng muốt hiện ra dưới đáy. “Ông Thuyền trưởng ơi, ông từ đâu đến đấy?” – A-xôn khẽ hỏi một người tưởng tượng bằng giọng nghiêm trang, rồi cô bé tự đóng luôn vai Thuyền trưởng trả lời: “Tôi đi từ… đi từ… Trung Hoa tới”. “Thế ông chở cái gì thế?” – “Chở cái gì tôi chả nói đâu”. “Chà, ông bướng thật, ông Thuyền trưởng ạ! Thế thì tôi lại bỏ ông vào làn vậy”. Ngay khi anh chàng Thuyền trưởng tưởng tượng kia vừa định ngoan ngoãn trả lời rằng mình chỉ nói đùa thôi và anh ta sắp sửa lấy ra cho xem một con voi thì bất ngờ dòng nước chảy ven bờ từ từ làm quay mũi thuyền ra phía giữa dòng, và con thuyền, y như thật, lao nhanh theo dòng suối. Cảnh tượng trước mắt cô bé đột nhiên thay đổi: con suối đối với cô bé bỗng trở thành một dòng sông rộng, chiếc thuyền nhỏ hiện ra như một chiếc tàu lớn đã ra khơi xa, còn cô bé chút nữa thì ngã xuống nước giơ tay ra lấy thuyền. “Chắc là Thuyền trưởng sợ lắm”, – cô bé thoáng nghĩ vậy và chạy theo chiếc thuyền con đang lao đi vun vút, cô hy vọng đến một chỗ nào đó, con thuyền sẽ mắc lại bên bờ. Cô bé vừa chạy vừa xách theo chiếc làn không nặng lắm nhưng cồng kềnh, miệng lẩm bẩm: “Trời ơi! Sao mình lại không may thế nhỉ!… ”. Cô bé cố không rời mắt khỏi con thuyền buồm xinh xắn đang lướt nhẹ trên dòng suối, chốc chốc lại vấp ngã, đứng vội lên, rồi lại chạy theo.
 
Chưa bao giờ A-xôn vào sâu trong rừng đến thế. Cô bé bị thu hút tất cả ý muốn nôn nóng lấy lại được chiếc thuyền, không còn nhìn thấy gì khác nữa. Dọc bờ suối cô bé chạy là vô số những vật chướng ngại, lẽ ra phải để ý tới. Những thân cây đổ bám đầy rêu, những cái hố, những cây dương xỉ, cây tầm xuân, cây nhài, cây dẻ mọc sum suê làm vướng chân A-xôn. Dần dần cô bé thấm mệt, mỗi lúc lại phải dừng lại nhiều hơn để thở hay để gạt mạng nhện bám lên mặt. Đến một quãng rộng, lau sậy mọc đầy hai bên bờ thì A-xôn không còn nhìn thấy cánh buồm đỏ thắm nữa. Nhưng qua một khúc quanh, lúc cô bé thoáng nhìn ra chung quanh và cả khu rừng rậm rì với từng cột ánh sáng đổ dài qua tán lá xen lẫn những khoảng tối sẫm âm u làm cô vô cùng kinh ngạc. Một chút sợ hãi thoáng qua nhưng rồi nghĩ đến chiếc thuyền, cô bé lại nặng nề thở, ráng hết sức chạy tiếp.
Cuộc chạy đuổi vô vọng và lo âu ấy kéo dài gần một tiếng đồng hồ, cho đến khi cô ngạc nhiên và khoan khoái thấy phía trước mặt cây cối giãn ra, để lộ một vùng biển màu xanh biếc cùng với những áng mây và bờ cát vàng. Cô bé chạy đi tới đó, mệt rã rời gần như ngã khuỵu xuống. Nơi đây là cửa dòng suối; nước tỏa ra không rộng và nông, có thể nhìn thấy rõ những hòn đá màu xanh nằm dưới đáy. Tới đây con suối mất hút trong làn sóng biển tràn đến. Từ trên bờ cát thoai thoải nham nhở những rễ cây, A-xôn nhìn thấy bên suối, trên một tảng đá to bằng phẳng, có một người ngồi quay lưng lại phía cô, tay cầm chiếc thuyền nhỏ. Người đó ngắm nghía kỹ càng chiếc thuyền với vẻ tò mò như một con voi vừa bắt được con bướm. Cô bé hơi yên lòng một chút vì thấy chiếc thuyền vẫn còn nguyên vẹn. Cô men theo bờ cát đi gần lại phía người lạ mặt, cặp mắt chăm chú dò xét chờ người kia ngẩng đầu lên. Nhưng người lạ mặt say sưa ngắm vật bất ngờ gặp giữa rừng, đến mức cô bé có thể quan sát kỹ càng người ấy suốt từ đầu đến chân và nhận ra rằng từ bé đến giờ trong đời cô chưa từng gặp một ai giống như vậy cả.
Nhưng trước mắt cô bé không phải ai xa lạ, mà chính là ông già Ê-gơn, một người đi bộ khắp đó đây để sưu tầm những bài dân ca, những câu chuyện cổ tích, thần thoại. Những món tóc xoăn dài bạc trắng lộ ra ngoài chiếc mũ rơm, chiếc áo sơ mi màu xám bỏ vào trong quần màu xanh và đôi ủng cao cổ đem lại cho ông dáng dấp một người đi săn, chiếc cổ áo màu trắng, chiếc ca-vát, cái thắt lưng to bản có gắn miếng kim loại mạ bạc, chiếc gậy chống và cái xắc có khoá mạ kền tất cả những thứ ấy cho thấy rõ ông già vốn là người thành thị. Vẻ mặt của ông nếu có thể dùng từ “mặt” để chỉ cái mũi, đôi môi, cặp mắt lộ ra sau lớp râu sum suê và sau bộ ria rậm mọc vểnh lên nom thật chất phác, nếu như không chú ý đến cặp mắt xam xám màu cát, ánh lên như thép thuần chất với cái nhìn khoẻ khoắn, táo bạo.
- Bây giờ thì ông cho cháu xin lại nhé. – cô bé rụt rè cất tiếng nói. – Ông chơi một lúc lâu rồi đấy. Làm thế nào mà ông vớt được nó lên?
 
Ông già Ê-gơn ngẩng đầu, đánh rơi chiếc thuyền xuống đất. Giọng nói nhỏ nhẻ đầy xúc động của A-xôn vang đến tai ông quá bất ngờ. Ông già mỉm cười ngắm nhìn cô bé một lúc, từ từ khẽ tựa chiếc cằm đầy râu vào lòng bàn tay xương xương gân guốc của mình. Chiếc váy hoa bạc màu dài chưa quá đầu gối, để lộ đôi chân nhỏ gầy sạm nắng. Mái tóc đen dày ẩn dưới chiếc khăn ren loà xoà trên vai. Nét mặt cô bé trông thật thanh thoát và trong trắng như đường bay của chim én mùa xuân. Đôi mắt màu đen thoáng đượm một câu hỏi buồn buồn trông già dặn hơn khuôn mặt cô bé; gương mặt trái xoan mềm mại, hơi rám nắng, trông thật khoẻ khoắn, đáng yêu. Cái miệng nho nhỏ xinh xinh hé nở một nụ cười duyên dáng.
- Các ông Grim, Êđốp, An-đéc-xen cũng phải thấy đây là một chuyện gì rất đặc biệt! – Ông già nói, lúc thì nhìn cô bé, lúc thì nhìn chiếc thuyền nhỏ. – Này cô bé đáng yêu, hãy nghe ta nói nhé! Chiếc thuyền con này là của cháu ư?
- Thưa ông vâng ạ. Cháu chạy đuổi theo nó suốt dọc bờ suối mệt muốn chết ông ạ. Thế nó mắc lại ở đây hở ông?
- Ở ngay bên chân ta đây. Đó là do đắm tàu, mà ta thì như là tên cướp trên bờ, ta có thể trao cho cháu phần thưởng này. Sau khi các thuỷ thủ đã rời khỏi thuyền thì một con sóng cao chừng ba véc-sốc đã hất nó lên bờ cát, khoảng giữa gót chân trái ta và chiếc gậy này. – Ông già cầm chiếc gậy đập đập xuống đất. – Thế cháu tên là gì, cô bé dễ thương?
- Cháu tên là A-xôn, – cô bé trả lời, tay cầm chiếc thuyền nhỏ mà ông già vừa đưa trả, bỏ vào làn.
- Được rồi, – Ông già tiếp tục nói bằng một giọng khó hiểu. Mắt vẫn chăm chăm nhìn cô bé, cái nhìn ẩn một nụ cười trìu mến. – Kể ra thì ta cũng chẳng cần hỏi tên cháu làm gì. Hay lắm, tên cháu nghe là lạ, ngắn ngủi và có nhạc điệu như tiếng mũi tên vút đi hay tiếng ngân vang của chiếc vỏ ốc biển. Ta sẽ biết làm gì, nếu như cháu có một cái tên nghe thì êm tai, nhưng lại quá nhàm và rất xa lạ đối với điều Bí ẩn Đẹp đẽ? Hơn mữa ta cũng không muốn biết cháu là ai, bố mẹ cháu làm gì, cháu sống thế nào. Biết đâu cái ấn tượng tuyệt vời ban đầu này lại chẳng bớt trọn vẹn nếu ta hỏi thêm những điều ấy? Ta ngồi trên tảng đá này và đang so sánh các cốt truyện cổ tích Nhật Bản và Phần Lan… thì bất ngờ dòng suối đem tới đây con thuyền này và rồi cháu xuất hiện… như thế này đây. Cô bé đáng yêu ạ, ta là một nhà thơ từ trong tâm hồn, mặc dù ta chưa bao giờ làm thơ cả. Làn của cháu đựng những gì vậy?
- Trong làn cháu để mấy chiếc thuyền, – A-xôn trả lời, tay lúc lắc chiếc làn, – với một chiếc tàu thuỷ và mấy cái nhà nhỏ có cắm cờ. Đấy là nhà ở của quân lính đấy.
- Được lắm. Thế ra cháu được sai đem những thứ này đi bán. Dọc đường cháu lại ham chơi. Cháu thả chiếc thuyền này xuống nước cho nó bơi, thế rồi nó trôi đi mất. Phải thế không?
- Ông trông thấy cháu làm thế à? – A-xôn ngập ngừng hỏi, giọng nghi ngờ, cô bé cố nhớ lại xem mình đã kể chuyện này chưa. – Ai kể lại với ông hay là ông tự đoán ra?
- Ta biết chuyện đó.
- Sao ông biết?
- Vì ta là một ông tiên.
 
A-xôn cảm thấy lúng túng. Cô bé cố hiểu những lời ông già nói, nhưng chỉ càng thấy sợ sệt hơn. Bãi biển hoang vắng, khoảng không lặng ngắt, câu chuyện kỳ lạ, vất vả vừa xảy ra với chiếc thuyền nhỏ, lời nói khó hiểu của ông già có đôi mắt sáng, bộ râu và mái tóc đầy vẻ trang nghiêm – tất cả càng đem lại cho A-xôn cái cảm giác hư hư thực thực. Bây giờ chỉ cần ông già nhăn mặt hay thét lên một tiếng là cô bé sẽ khóc oà, bỏ chạy rồi ngã khuỵu xuống vì sợ hãi. Nhưng ông già Ê-gơn nhận thấy đôi mắt cô bé mở to đầy vẻ hoảng hốt, đã vội vàng đổi giọng.
- Cháu không việc vì phải sợ ta cả, – Ông già khoan thai nói. – Ta còn muốn nói chuyện tâm tình với cháu nữa đấy.
Đến lúc đó ông mới nhận ra cái gì trên gương mặt cô bé đã gây cho ông ấn tượng sâu sắc như vậy. “Chính là vẻ đợi chờ rất tự nhiên một cái gì đẹp đẽ tốt lành, một số phận may mắn, – Ông già nghĩ vậy. – Chà, tiếc quá, sao mình không phải là nhà văn? Đây thật là một đề tài tuyệt diệu!”.
- Này cô bé, – Ông già vừa nghĩ tiếp cho câu chuyện thêm hoàn chỉnh (cái thiên hướng dựng những chuyện hoang đường – hậu quả của công việc hằng ngày – lúc này đã lấn át mối lo ngại gieo những hạt giống của một niềm mơ ước lớn trên một mảnh đất còn hoang sơ), – cháu hãy lắng nghe ta nói nhé. Ta đã đến làng mà cháu vừa đi ra, tức là làng Ca-péc-na. Ta rất thích các chuyện cổ tích, các bài dân ca. Ta đã ngồi ở làng Ca-péc-na suốt một ngày để cố nghe được những cái chưa ai nghe thấy. Nhưng dân làng cháu không kể chuyện cổ tích, cũng không hát dân ca. Và nếu có kể chuyện và hát, thì cháu biết không, toàn về những anh chàng nông dân và những chú lính láu cá, ranh vặt, luôn huênh hoang về những trò bịp bợm, toàn là những bài vè bốn câu ngắn ngủn với nhạc điệu rất xấu, nghe bẩn thỉu như bàn chân chưa rửa, thô thiển như tiếng ọc ạch sôi bụng… Ồ ta nói hơi lạc đề rồi. Ta kể lại từ đầu.
Nghĩ ngợi một lát, ông già nói tiếp:
- Ta không biết còn bao nhiêu năm nữa, chỉ biết rằng ở làng Ca-péc-na thế nào cũng có một câu chuyện thần thoại mà người mai sau sẽ còn nhớ mãi. Cháu rồi sẽ lớn lên, A-xôn ạ. Có lần vào buổi sớm mai, từ phía biển khơi xa tít tắp sẽ hiện ra rực rỡ dưới ánh mặt trời một cánh buồm đỏ thắm. Con tàu màu trắng với những cánh buồm thắm đỏ ấy sẽ rẽ sóng lướt đi thẳng tới chỗ cháu. Con tàu kỳ diệu ấy sẽ nhẹ nhàng trôi tới, không có tiếng súng nổ, không có tiếng hò la, trên bờ mọi người tụ tập đông đúc trầm trồ kinh ngạc, và cháu cũng sẽ đứng ở đấy. Con tàu uy nghiêm tiến gần lại bờ trong tiếng nhạc du dương, đằm thắm, rồi từ con tàu đó, một chiếc thuyền nhỏ tách ra bơi nhanh vào bờ, trên thuyền trải thảm, rực rỡ ánh vàng và màu hoa. “Các ông tới đây làm gì? Các ông tìm ai vậy?”- mọi người trên bờ cất tiếng hỏi. Đến lúc đó cháu sẽ nhìn thấy một vị hoàng tử tuấn tú, khoẻ mạnh, khôi ngô đứng trên thuyền, hai tay đưa ra phía cháu. “Chào em. A-xôn! – Chàng trai tuấn tú cất tiếng nói. – Từ một nơi rất xa, rất xa, anh nhìn thấy em trong mơ và anh đã đến đây để đem em đi mãi mãi về xứ sở của anh. Em sẽ sống với anh nơi ấy, trong một thung lũng đầy hoa hồng. Em sẽ có tất cả những gì em mơ ước: chúng ta sẽ sống thuận hoà, vui vẻ với nhau và tâm hồn em sẽ không bao giờ biết đến nỗi buồn và nước mắt”. Chàng trai ấy sẽ đặt cháu lên thuyền, đưa cháu lên tàu và sẽ mãi mãi đi về xứ sở nơi mặt trời thức dậy và những vì sao trên trời sa xuống để chào mừng cháu đến.
 
- Tất cả chuyện ông kể là về cháu đấy ư? – Cô bé khẽ khàng hỏi.
Cặp mắt đầy vẻ nghiêm trang của cô bé bỗng ánh lên một niềm vui tin cậy: nếu ông ấy là một người có phép lạ độc ác thì chắc là ông đã không kể như vậy. Cô bé bước lại gần hơn:
- Có lẽ chiếc tàu ấy đã… đến rồi hả ông?
- Không nhanh thế đâu, – Ông già Ê-gơn trả lời, – trước tiên là cháu phải lớn lên đã chứ, rồi sau đó mới… biết nói thế nào nhỉ? Con tàu ấy thế nào cũng đến, cháu ạ, nhất định như thế. Đến lúc ấy thì cháu sẽ làm gì nhỉ?
- Cháu ấy à? – cô bé nhìn vào trong chiếc làn, nhưng có lẽ cô bé đã không thấy một vật gì có thể làm vật đền bù xứng đáng. – Cháu sẽ yêu hoàng tử, – cô bé trả lời vội vàng và ngập ngừng nói tiếp, – nếu hoàng tử không đánh nhau.
- Không, chàng không hay đánh nhau đâu, – Ông già có phép lạ nói, mắt nhấp nháy đầy bí ẩn. – Chàng không thế đâu, ta có thể bảo đảm với cháu điều này. Thôi, cháu đi đi nhé, và đừng quên những lời ta đã kể cho cháu nghe giữa hai ngụm rượu thơm và những phút suy tưởng về bài ca của những người tù khổ sai. Cháu đi đi nhé. Ta cầu mong cho mái tóc mây của cháu được yên vui, thanh bình!
Lông-gren đang xới đất quanh cây khoai tây trong khu vườn nhỏ của mình. Ngẩng đầu lên, anh thấy A-xôn đang chạy như bay về phía anh, gương mặt rạng rỡ niềm vui, xao xuyến.
- Này, bố ạ… – cô bé nói, hơi thở còn dồn dập, hai tay níu lấy chiếc tạp dề của Lông-gren. – Bố này, bố nghe con kể nhé… Ở ngoài bờ biển ấy cách xa đây lắm, có một ông tiên đang ngồi đấy bố ạ…
Cô bé kể lại bắt đầu từ đoạn gặp ông già kỳ lạ và lời tiên đoán của ông. Quá xúc động với chuyện vừa gặp, A-xôn không thể kể lại một cách rành rẽ, đâu ra đấy. Tiếp đó, cô tả lại dáng vẻ bề ngoài của ông già rồi cuối cùng mới kể tới đoạn cô chạy theo chiếc thuyền nhỏ trên dòng suối như thế nào.
Lông-gren chăm chú nghe con kể, không ngắt lời con, không mỉm cười và khi cô ngừng kể, anh tưởng tượng ra một ông già xa lạ một tay cầm chai rượu thơm, một tay cầm chiếc thuyền nhỏ. Anh đã định quay đi, nhưng chợt nhớ rằng trong những giây phút lớn lao của cuộc đời con trẻ, đôi khi con người cần phải tỏ ra nghiêm trang và ngạc nhiên, anh bèn gật gù nói với vẻ trang trọng: “Đúng rồi, đúng rồi, theo con kể thì đấy đúng là một ông tiên. Bố muốn được gặp ông ấy lắm… Này, nhưng mà khi có việc phải đi lên phố, con chớ rẽ ngang nữa nhé, trong rừng dễ lạc lắm con ạ”.
Bỏ cuốc ra, Lông-gren ngồi xuống bên bờ rào làm bằng cành khô, bế con gái lên đùi. Dù đã rất mệt, cô bé vẫn cố kể thêm vài chi tiết nữa, nhưng chỉ một lát sau cô đã cảm thấy buồn ngủ, phần vì nóng bức, vì xúc động, phần vì mệt. Mắt cô díu lại, đầu ngả vào bờ vai chắc nịch của bố. Cô đã thả hồn vào cõi mộng ảo thì bỗng bị một nỗi hoài nghi làm tỉnh giấc, cô liền ngồi thẳng dậy, mắt vẫn nhắm, nắm tay tựa vào áo gi-lê của bố rồi cao giọng hỏi:
- Bố ơi, thế có thật là chiếc tàu kỳ lạ sẽ đến đón con không?
- Sẽ đến con ạ. – Người thuỷ thủ bình thản trả lời. – Nếu ông già ấy đã nói với con như vậy, có nghĩa là mọi điều sẽ diễn ra đúng như thế.
“Khi nào lớn, con bé sẽ quên thôi, – Lông-gren thầm nghĩ, – còn bây giờ… bây giờ thì không nên tước bỏ của con một thứ đồ chơi đẹp đẽ như vậy. Sau này con sẽ phải nhìn thấy không phải là cánh buồm đỏ thắm mà là những cánh buồm bẩn thỉu, độc địa, trông từ xa thì có vẻ đẹp đẽ, trắng trẻo, đến gần thì rách nát, xấu xa. Một người qua đường nào đó đã đùa với con tôi. Có sao đâu! Cũng là một chuyện đùa vui thôi! Không sao cả! Nửa ngày trời vất vả trong rừng rồi con ạ. Còn về chuyện cánh buồm đỏ thắm thì con hãy cứ nghĩ như bố: rồi con sẽ có những cánh buồm đỏ thắm”.
 
A-xôn đã ngủ. Lông-gren lấy tẩu thuốc ra hút. Gió đưa khói thuốc bay qua bờ giậu về phía bụi cây mọc bên ngoài vườn. Cạnh bụi cây, ngồi quay lưng lại phía bờ rào là một người ăn mày trẻ tuổi. Câu chuyện giữa hai bố con đã làm anh ta thấy thú vị. Mùi thuốc lá thơm làm anh ta khấp khởi mừng thầm.
- Ông chủ ơi, cho kẻ nghèo hèn này hút với. – Anh ta nói với qua mấy cành lá. – Thuốc lá của tôi mà so với thuốc của ông thì chỉ là cỏ thôi.
- Tôi sẵn sàng cho anh, Lông-gren nói nhỏ, – nhưng thuốc của tôi lại để ở túi bên kia. Mà tôi thì, anh thấy đấy, lại không muốn làm mất giấc ngủ của con bé.
- Ồ, có gì là khó khăn đâu! Nó tỉnh dậy rồi nó lại ngủ, còn người qua đường này thì được thuốc hút.
- Không được đâu, – Lông-gren nói, – dù sao anh cũng đã có thuốc hút, còn đứa nhỏ thì rất mệt. Nếu anh muốn, chốc nữa quay lại.
Người ăn mày khinh bỉ nhổ toẹt một bãi nước bọt, ngoắc chiếc bị lên gậy rồi châm chọc nói:
- À ra đó là công chúa kia đấy. Ông đã nhồi vào đầu nó đủ thứ tàu lạ! Thật là ngớ ngẩn, dở hơi, thế mà cũng gọi là ông chủ!
- Này, nghe đây, – Lông-gren nói nhỏ, – tao có thể đánh thức nó dậy đấy, nhưng chỉ cốt để sửa cho mày một trận thôi. Xéo ngay!
Nửa giờ sau, người ăn mày đã ngồi trong quán rượu bên cạnh khoảng chục người đánh cá. Đằng sau họ là mấy người đàn bà cao lớn, lông mày rậm, tay to và thô. Mấy người này khi thì kéo tay áo chồng, khi thì với tay qua vai họ để lấy rượu uống. Người ăn mày bực mình kể lại:
- Hắn không cho tôi thuốc lá. Hắn nói với con gái: “Khi con đến tuổi trưởng thành, lúc đó sẽ có một con tàu đặc biệt, buồm đỏ… đến đón con. Vì số phận của con là sẽ được lấy hoàng tử. Con hãy tin lời ông già ấy”. Còn tôi thì nói với hắn: đánh thức nó dậy đi mà lấy cho tôi xin ít thuốc. Thế mà hắn lại đuổi đánh tôi.
Ai? Sao cơ? Chuyện gì vậy? – Mấy người đàn bà tò mò nhao lên.
Đám đàn ông hơi ngoái đầu lại, nhếch mép cười khẩy giải thích:
- Hai bố con Lông-gren có lẽ điên dại rồi, anh này kể rằng có phù thuỷ đến gặp họ, hiểu chưa? Hai bố con họ đang chờ một chàng hoàng tử phương xa đến đây – các bà chớ bỏ lỡ cơ hội tốt! Chàng hoàng tử lại còn đến trên chiếc tàu buồm đỏ thắm nữa chứ!
Ba ngày sau, lúc từ trên phố trở về, A-xôn lần đầu tiên nghe thấy:
- Ê, con ôn kia, A-xôn! Nhìn đây! Tàu buồm đỏ thắm đang đến kìa!
Cô bé giật mình quay lại, bất giác đưa tay che trán nhìn ra biển. Sau đó em ngoái nhìn về phía người gọi: cách em chừng hai chục bước là một đám trẻ đang nhăn mặt, thè lưỡi ra giễu em. A-xôn thở dài rồi bỏ chạy về nhà.
 
Chương 2: Gray
Nếu Xêđa cho rằng thà đứng đầu ở nhà quê còn hơn đứng thứ hai ở thành La Mã thì Ác-tua Grây có thể không ganh tị gì với mong muốn thông thái ấy của Xêđa. Dường như Grây đã sinh ra là một thuyền trưởng, cậu muốn trở thành thuyền trưởng và đã trở thành thuyền trưởng.
Ngôi nhà đồ sộ, nơi Grây sinh ra, bên ngoài trông rất uy nghiêm, nhưng bên trong thì hơi ảm đạm. Phía trước ngôi nhà là vườn hoa và một phần khu vườn. Những loài tuy-líp đẹp nhất màu phơn phớt xanh, tím, hồng xen những đốm đen, đã được trồng thành từng hàng trên thảm cỏ, trông xa như những chuỗi hạt cườm rơi trên mặt đất. Những cây cổ thụ trong vườn như đang mơ màng ngủ dưới ánh sáng lờ mờ bên dòng suối quanh co mọc đầy cỏ lác. hàng rào bao quanh lâu đài này – đó quả thật là một lâu đài – được làm bằng những cột gang xoắn ốc nối với nhau bằng những tấm lưới sắt hình hoa văn. Đỉnh mỗi cột đều xoè ra như hình một bông huệ lớn. Vào dịp lễ, người ta đổ mỡ vào đấy và đốt lên, những ngọn lửa nhỏ ấy dăng thành hàng, cháy sáng trong đêm tối.
 
Cha mẹ Grây là những kẻ kênh kiệu, bị cầm tù bởi địa vị giàu sang và những luật lệ của cái xã hội đã sinh ra chính họ. Một phần hồn của họ được dành cho những bức chân dung tổ tiên – những người thật ra cũng chẳng đáng vẽ lại làm gì. Phần hồn còn lại được dành cho việc xây đắp kế hoạch sao cho cậu bé Grây lớn lên sẽ nối gót được cha ông, kéo dài thêm số chân dung dòng họ treo trên tường, sao cho chân dung của cậu cũng có thể được treo lên đấy mà không làm suy giảm thanh danh của gia đình. Khi đặt kế hoạch ấy, cha mẹ Grây đã mắc một sơ xuất nhỏ: Ác-tua Grây sinh ra là một đứa trẻ có tâm hồn nồng nhiệt, hoàn toàn không thích thú gì với cái gọi là làm vẻ vang dòng dõi.
Tính nồng nhiệt, tính độc đáo khác người của đứa trẻ đã bộc lộ từ khi cậu ta lên tám tuổi. Trong tính cách của cậu bé Grây dạo ấy đã lộ rõ dáng dấp của kiểu người sáng tạo diệu kỳ dám nhận lấy vai trò nguy hiểm nhất mà cũng gây xúc động nhất trong cuộc sống – vai trò người thấy trước tương lai. Có lần cậu bé Grây đặt sát ghế vào tường rồi trèo lên để có thể với tay tới bức tranh vẽ cảnh Chúa Ky-tô bị hành hình. Grây đã “nhổ” những cái đinh ra khỏi cánh tay đầy máu của Chúa, tức là lấy màu xanh bôi lên chỗ mấy cái đinh (màu xanh ấy cậu đã lấy được ở chỗ người thợ sơn). Sau khi chữa lại như vậy, Grây thấy bức tranh dễ nhìn hơn. Say sưa với việc làm độc đáo ấy, Grây bắt đầu chuyển sang tô màu lên cả chân của Chúa, thì vừa vặn bị bố trông thấy. Ông bố kéo tai, nhấc cậu bé từ trên ghế xuống và hỏi:
- Sao con lại làm hỏng bức tranh thế?
- Con không làm hỏng.
- Đây là tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng.
 
- Cái đó con không quan tâm bố ạ, Grây trả lời. Con không thể để yên khi trông thấy cánh tay người bị đóng đinh và máu chảy. Con không thích thế.
Ông Li-ô-nen Grây cố giấu nụ cười dưới bộ ria mép và không trừng phạt con trai vì nhận ra tính cách của mình trước đây qua câu trả lời của con.
Grây miệt mài tìm hiểu mọi ngóc ngách trong lâu đài, phát hiện ra những điều thật đáng kinh ngạc. Chẳng hạn trên gác thượng, cậu tìm thấy những bộ áo giáp sắt đã gỉ, những cuốn sách bìa bằng sắt, bằng da, quần áo bị mủn và cả một đàn bồ câu. Dưới căn nhà hầm, nơi chứa rượu, cậu đã biết được nhiều điều thú vị về các loại rượu nho như la-phít ma-đe-ra, khê-rét. Ở đây, trong ánh sáng nhờ nhờ tỏa ra từ những khung cửa sổ, chất đầy những thùng to thùng nhỏ đựng rượu. Chiếc thùng lớn nhất, to bè bè chiếm cả chiều dài bức tường phía trước của căn nhà hầm, mặt gỗ sồi trăm tuổi được dùng làm thùng cứ nhẵn thín như là được đánh bóng. Bên cạnh thùng đựng rượu là những chiếc sọt để đầy những chai thuỷ tinh thấp màu xanh thẫm và xanh lá cây. Trên nền nhà và trên gờ đá có những cây nấm màu xám, thân gầy guộc khẳng khiu; chỗ nào cũng ẩm ướt, mốc meo, rêu bám và một thứ mùi chua chua đến ngạt thở. Ở phía cuối căn hầm có một mạng nhện lớn cứ chiều chiều lại vàng óng lên vì những tia sáng mặt trời chênh chếch chiếu vào. Trong một góc căn nhà hầm có chôn hai thùng rượu a-li-can-te thượng hảo hạng, làm từ thời Crôm-Oen. Và người trông coi kho rượu mỗi lần chỉ cho Grây xem góc nhà trống trải ấy đều không quên kể lại cho cậu bé nghe câu chuyện về một ngôi mộ nổi tiếng, chôn một người tuy đã chết mà còn tinh nhanh hơn cả đàn chó săn. Khi bắt đầu kể, người trông coi kho không quên thử xem vòi rượu ở thùng lớn nhất có còn tốt không. Sau đó ông ta rời khỏi chỗ để chiếc thùng ấy chắc là với một tâm trạng thật nhẹ nhõm khoan khoái, vì những giọt nước mắt sung sướng bất giác hiện ra trong khoé mắt vui vẻ của ông ta.
 
- Chuyện là thế này, cậu Grây ạ, – Ông Pôn-đi-sốc ngồi xuống chiếc thùng rỗng, hít thuốc lá và bắt đầu câu chuyện, – cậu có trông thấy chỗ kia không? Dưới chỗ ấy có chôn một thứ rượu mà có lẽ không kẻ nghiện rượu trên đời này sẵn sàng chịu để cắt lưỡi nếu được uống một chén nhỏ thứ rượu đó. Mỗi thùng chứa một trăm lít thứ rượu làm linh hồn ngây ngất, làm cơ thể chết lặng. Rượu đó màu sẫm hơn màu anh đào, dốc ngược chai cũng không chảy ra, nó dẻo quánh lại như thứ kem sữa tốt nhất. Rượu này được đựng trong thùng đóng bằng thứ gỗ mun cứng như sắt. Đai thùng làm bằng đồng đỏ. Trên đai còn khắc dòng chữ bằng tiếng la-tinh: “Ông Grây sẽ uống tôi khi ông ở Thiên đường”. Người ta tán rộng nội dung dòng chữ đó đến nỗi ông cố của cậu, nhà quý tộc Xi-mê-ôn Grây, đã xây một ngôi nhà nghỉ đặt tên là “Thiên đường”. Ông già nghĩ rằng với cách đặt tên không khéo như vậy cho ngôi nhà, ông có thể kết hợp được câu nói bí ẩn kia với thực tế. Nhưng cậu có biết không? Ông già đã bị chết ngay khi đang phá đai thùng rượu vì bị vỡ tim – Ông đã quá xúc động. Từ độ ấy, không ai dám động đến thùng rượu đó nữa. Mọi người đều tin rằng thứ rượu quý đó đem lại điều bất hạnh. Thực ra thì đến con sư tử đầu người ở Ai Cập ngày xưa cũng không đặt ra những câu thách đố khó xử đến như vậy. Ừ mà có lần, con sư tử ấy đã hỏi một nhà thông thái: “Liệu ta có ăn thịt mày như đã ăn thịt mọi kẻ khác không? Mày trả lời đúng thì sẽ được sống”, nhưng điều này, nếu suy nghĩ kỹ càng thì…
- À mà hình như có tiếng rượu ở vòi rỏ xuống, – Pôn-đi-sốc tự ngắt lời mình, bước nhanh về phía góc hầm, vặn chặt vòi, rồi quay lại với vẻ mặt hớn hở. – Đúng, nếu suy xét kỹ và không vội vàng thì nhà thông thái có thể nói với con quái vật mình sư tử đầu người rằng: “Thôi ta đi uống rượu, ông bạn ạ, rồi ông sẽ quên đi những điều ngu xuẩn ấy”. “Ông Grây sẽ uống tôi khi ông ở Thiên đường!”. Thế là thế nào? Sẽ uống sau khi chết à? Thật là lạ lùng. Vậy thì ông ấy là thánh, ông ấy không uống rượu vang, cũng không uống vốt-ca thường. Cứ cho “Thiên đường” có nghĩa là hạnh phúc đi. Nhưng nếu vấn đề đặt ra như vậy thì hạnh phúc rơi mất nửa giá trị khi người được hưởng hạnh phúc lại còn phải tự hỏi mình: đấy có phải là Thiên đường không? Đấy, vấn đề là ở chỗ đó. Để có thể lấy rượu từ cái thùng ấy mà uống và cười một cách thoải mái, thì cậu bé ạ, cần phải một chân đứng trên mặt đất, một chân đứng lên trời. Còn có giả thuyết thứ ba nữa là: đến một lúc nào đó, ông Grây uống rượu say bí tỉ và dốc cạn hết cả thùng. Nhưng mà thôi, cậu bé ạ, đó không phải là sự thực hiện lời tiên tri mà là một cảnh bê bối ở quán rượu
 
Xem lại lần nữa chiếc vòi rượu ở thùng lớn có thật hết chảy chưa Pôn-đi-sốc kết thúc câu chuyện của mình bằng giọng rầu rĩ, đầy vẻ quan trọng:
- Những thùng rượu này ông tổ của cậu là Giôn Grây mang từ Li-xbon về, trên con tàu “Bi-gơn”, vào năm 1793. Tiền mua rượu là hai ngàn pi-át vàng. Dòng chữ trên đai thùng là do bác thợ Vê-nhi-a-min Ê-li-an ở Pôn-đi-sê-ri khắc. Mấy thùng rượu này được chôn sâu dưới đất khoảng sáu fut rồi phủ đầy tro cây nho. Nhưng thứ rượu này chưa ai được uống, chưa ai nếm thử và sẽ chẳng ai được uống nữa.
- Cháu sẽ uống, bác ạ, – cậu bé Grây vừa nói quả quyết vừa đập mạnh chân xuống đất.
- Ồ, cháu thật là một cậu bé dũng cảm! – Ông già Pôn-đi-sốc khen ngợi. – Cháu sẽ uống thứ rượu đó trên Thiên đường chứ?
- Đúng thế bác ạ. Thiên đường đây này!… Nó đang trên tay cháu đây này, bác thấy không? – Grây khẽ cất tiếng cười, xoè lòng bàn tay nhỏ của mình ra. Bàn tay mềm mại hứng lấy ánh mặt trời và ngay lúc ấy cậu nắm tay lại. – Đấy, Thiên đường ở đây bác này!… Lúc thì trông thấy, lúc lại không…
Vừa nói thế, cậu bé vừa xoè tay rồi lại nắm tay lại. Thú vị với trò đùa, cuối cùng cậu bé đã bỏ chạy ra khỏi căn hầm, vượt lên trước ông già Pôn-đi-sốc trên những bậc thang tối dẫn lên hành lang tầng một. Gia đình cấm ngặt Grây xuống nhà bếp. Nhưng sau khi phát hiện ra nơi đây hấp dẫn với những ánh lửa lò, hơi nước, bồ hóng, tiếng xào nấu, tiếng dao thớt và những mùi thơm nức thì cậu bé rất hay lần xuống chỗ ấy. Những người đầu bếp lặng lẽ, nghiêm nghị đi lại trông như những tư tế, những chiếc mũ tròn cao màu trắng nổi lên trên nên tường màu đen đem lại cho công việc của họ một vẻ trang nghiêm. Cũng ở đây, cậu bé Grây trông thấy những chị rửa bát béo núc ních, vui tính đang rửa bát đĩa bên những chậu nước đầy, tiếng đồ sứ, đồ bạc chạm vào nhau lanh canh. Những chú bé còng lưng vác những giỏ lớn đựng đầy tôm, cá, hoa quả. Trên một chiếc bàn bài xếp đầy gà, vịt, chim rừng; cũng ở đấy còn thấy nguyên cả con lợn đã cạo lông, đuôi ngắn ngủn, mắt đã nhắm lại, còn thấy cả những cây cải bắp, đậu, nho khô, đào.
 
Ở nhà bếp, Grây có phần e dè: cậu cảm thấy một sức mạnh khó hiểu nào đó đang điều khiển cuộc sống trong lâu đài. Những tiếng gọi nghe như những mệnh lệnh, những câu phù chú; mọi động tác của những người làm bếp đều nhanh nhẹn, dứt khoát, chính xác, tựa như một niềm phấn hứng. Grây còn thấp, chưa nhìn vào được chiếc nồi lớn nhất đang sôi sùng sục, nhưng cậu bé cảm thấy nó đặc biệt đáng trọng vọng. Cậu chăm chú nhìn hai người hầu gái đang vần chiếc nồi ấy, bọt trào ra trên bếp, hơi bốc lên toả kín cả căn bếp. Có lần nước sôi trào ra ngoài làm bỏng tay một cô. Da tay lập tức tấy đỏ, móng tay cũng tấy đỏ vì ứ máu, còn Bét-xi (tên cô gái ấy) thì vừa khóc vừa lấy mỡ bôi lên chỗ đau. Nước mắt trào ra trên gương mặt tròn tròn đầy vẻ sợ hãi của cô.
Grây đứng lặng. Khi mấy phụ nữ khác đang luống cuống bên cạnh Bét-xi thì cậu bé rất xúc động trước nỗi đau đớn kia, như là chính của mình, mặc dầu cậu không thể cảm thấy cụ thể được nó.
- Chị đau lắm phải không? – Grây hỏi.
- Cậu cứ thử thì cậu khắc biết, – Bét-xi trả lời, lấy vạt tạp dề che chỗ tay bị bỏng.
Cậu bé cau mày, trèo lên một chiếc ghế đẩu, lấy chiếc muôi dài múc nước đang sôi (hôm đó là thứ nước xúp thịt cừu) rồi đổ lên tay. Cảm giác quá đau đớn bất chợt làm cậu sững lại. Mặt tái mét, Grây tiến lại gần Bét-xi, giấu bàn tay bị bỏng trong túi quần:
- Em cảm thấy chị rất đau, chị Bét-xi ạ, – Grây nói, không nhắc gì đến “thí nghiệm” vừa rồi của mình. – Chị đến bác sĩ với em đi. Đến ngay thôi!
Cậu níu áo Bét-xi kéo đi, trong khi mấy người hâm mộ những kiểu chữa bỏng theo lối gia truyền thì mách cho Bét-xi đủ thứ thuốc. Nhưng cô gái vì quá đau đã đi theo Grây. Bác sĩ cho thuốc giảm đau, rồi băng chỗ bỏng lại. Và chỉ sau khi Bét-xi đi rồi, cậu bé mới để cho bác sĩ xem xét vết bỏng của mình.
 
Câu chuyện nhỏ ấy đã làm cậu bé Grây mười tuổi và chị Bét-xi hai mươi tuổi trở nên thân thiết. Cô gái thường giúi đầy túi cậu bé nào bánh, nào táo, còn cậu thì kể lại cho cô nghe những chuyện hay đọc được trong sách của mình. Có lần Grây biết được rằng Bét-xi không thể nhận lời lấy anh coi ngựa tên là Gim chỉ vì họ không có tiền sắm sửa những vật dụng tối thiểu cho cuộc sống gia đình. Và thế là Grây đã đập vỡ chiếc bình sứ đựng tiền để dành của cậu được tất cả gần một trăm phun. Grây dậy thật sớm, chờ khi Bét-xi đi xuống bếp, cậu đã lẻn vào buồng cô gái, nhét túi tiền vào trong rương cô, kèm theo mảnh giấy đề dòng chữ: “Số tiền này là của chị đấy, Bét-xi ạ. Thủ lĩnh đảng cướp Rô-bin Hút”. Câu chuyện này khiến mọi người làm công dưới bếp xôn xao bàn tán đến mức Grây đành phải để lộ ra rằng chính mình là người đã bày ra trò ấy. Cậu không lấy lại số tiền và không muốn nói thêm về chuyện đó nữa.
Mẹ Grây là người thuộc loại người được cuộc sống sắp đặt theo những khuôn định sẵn. Bà ta sống mơ màng trong một cuộc đời quá ư đầy đủ, mọi ý muốn của một tâm hồn bình thường đều sẵn sàng được thỏa mãn. Bởi vậy bà ta chẳng còn việc gì để làm, ngoài việc trò chuyện với mấy người thợ may, bác sĩ, quản gia. Lòng say mê, gắn bó gần như sùng kính đối với đứa con trai khác thường, có thể nói đã choán hết mọi suy nghĩ của bà, một con người đã bị hoàn cảnh và số phận làm cho chai mòn. Mọi suy nghĩ của bà không tồn tại một cách sống động mà mơ hồ lẩn quất đâu đó làm cho ý chí của bà trở nên uể oải, rã rời. Người đàn bà quyền quý ấy giống như một con công mái ấp trứng thiên nga. Bà ta đau lòng nhận thấy tính cách tốt đẹp khác thường của đứa con trai. Một tình cảm vừa yêu thương vừa buồn bã nặng nề choán lấy lòng bà mỗi khi bà ôm đứa con trai áp vào ngực mình, nơi trái tim đang nói những điều khác với ngôn ngữ thường, chỉ biểu hiện những hình thức ước lệ của các quan hệ và suy tư. Thế là tác động của đám mây do các tia sáng mặt trời tạo nên một cách khéo léo đã thấm vào khung cảnh cân đối của toà nhà và làm mất đi cái vẻ trang nghiêm tẻ nhạt của nó, mắt nhìn nhưng không nhận ra nơi ở, sắc thái bí ẩn của ánh sáng giữa sự nghèo nàn tạo ra một sự hài hoà sáng loá.
Người đàn bà quyền quý ấy có gương mặt và dáng người lạnh lùng như băng giá trước cuộc sống náo nức bên ngoài, có vẻ đẹp dễ làm người ta lánh xa hơn là thu hút – vì trong vẻ đẹp ấy dường như không có sự hấp dẫn nữ tính mà chỉ có sự kênh kiệu của lý trí. Bà Li-li-an Grây ấy khi còn lại một mình bên con đã hiện ra là một người mẹ bình thường, biết nói với giọng nhỏ nhẹ đầy yêu thương những điều vô nghĩa không thể ghi lại được – sức mạnh những lời ấy là ở trong tình cảm, trong giọng nói chứ không phải ở chữ nghĩa. Bà ta hoàn toàn không thể làm trái ý con một điều gì. Bà tha thứ cho con tất cả, không trừng phạt mắng mỏ gì khi con xuống bếp chơi, chán học, không vâng lời hay bày ra nhiều trò quỷ quái.
 
Nếu cậu không muốn cắt tỉa cây cối trong vườn thì sẽ không ai chạm đến cây cối. Nếu cậu xin ta tội hay xin ban thưởng cho ai thì có nghĩa là sự việc sẽ xảy ra đúng như thế. Cậu ta có thể cưỡi bất cứ con ngựa nào, dắt bất cứ con chó nào vào lâu đài, có thể vùi đầu trong thư viện, đi chân đất và ăn bất cứ thứ gì cậu muốn.
Bố của Grây dạo đầu cũng ngăn cản con làm như thế, nhưng rồi sau lại thôi, không phải vì nguyên tắc mà vì để chiều theo ý vợ. Ông ta chỉ thi hành một biện pháp là không cho con cái của những người làm công được ở trong khu vực lâu đài vì sợ rằng gần những đứa trẻ thuộc lớp dưới đó, tính tình khác thường của Grây sẽ trở thành sâu sắc, khó sửa. Nói chung, ông ta hầu như dành tất cả thì giờ để chuyên tâm vào việc phân xử các vụ tranh chấp trong dòng họ bắt đầu từ thời có các nhà máy giấy đến khi các vị ưa tranh giành, cãi vã nhau bị chết. Ngoài ra, công việc của quốc gia, của các trại ấp, việc đọc cho người khác ghi chép hồi ký, đi săn, xem báo, trao đổi thư từ đã làm ông hơi tách biệt với gia đình. Ông ta cũng rất ít khi gặp con trai cho nên đôi khi ông quên cả tuổi con.
Vậy là Grây đã sống trong thế giới của mình. Cậu chơi một mình – thường là trong sân phía sau lâu đài, nơi xưa kia có một tầm quan trọng về mặt quân sự. Đó là một khu đất rộng, còn lại vết tích những thành hào sâu, những tảng đá phủ kín rêu xanh, đầy những bụi cây rậm rạp và các loại hoa dại màu sắc sặc sở. Grây chơi ở đó hàng giờ liền, chăm chú quan sát các hang chuột, “chiến đấu” với các bụi cây, quất những con bướm và xây những thành luỹ bằng gạch vụn rồi lại phá huỷ bằng gậy hay bằng đá ném.
Khi cậu mười hai tuổi, mọi ý thích của cậu, mọi nét tản mạn của tinh thần và mọi khía cạnh của tình cảm bí ẩn đã kết lại thành một nguyện vọng mạnh mẽ duy nhất, không thể nào ngăn lại được. Trước đó, dường như cậu chỉ mới tìm thấy từng phần riêng biệt của mảnh vườn của riêng mình đó là ánh sáng, bóng cây, hoa lá, thân cây to đứng mơ màng và um tùm trong nhiều khu vườn của mình với vẻ hài hoà tuyệt diệu.
Chuyện này đã xảy ra trong thư viện. Tấm cửa cao lắp kính mờ ở phía trên lúc nào cũng đóng im ỉm, nhưng then cửa lại cài hờ hờ, chỉ cần đẩy tay vào là nó kênh lên và bật ra. Khi lòng say mê nghiên cứu của Grây đã bắt cậu lọt vào thư viện thì cậu đã bị sửng sốt bởi một thứ ánh sáng đầy bụi mà toàn bộ sức mạnh và đặc điểm của nó là những đường hoa văn nhiều màu sắc phía trên kính cửa sổ. Ở đây im lặng ngột ngạt như nước ao tù. Hàng dãy tủ sách sẫm màu kê cách lối đi, sách vứt thành đống. Kia một quyển an bom đang mở với những trang trong bị bong ra. Kia nữa các cuốn giấy buộc dây vàng, từng đống sách màu tối, các tập bản thảo dày cộp, một chồng sách bản vẽ, biểu đồ, hàng loạt sách mới xuất bản, bản đồ. Bìa thì nhiều loại khác nhau: thô kệch, mịn màng, màu đen, xanh lam, xám, dày, mỏng, nhẵn nhụi, ram ráp. Các tủ xếp đầy sách, trông chúng cứ như những bức tường khép kín cuộc đời trong chiều dày của mình. Cửa kính các tủ phản chiếu các tủ khác lấp loáng những chấm sáng nhờ nhờ.
 
×
Quay lại
Top