Cần một chữ tâm

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hiểu một cách đơn giản nhất, một giáo viên có thương hiệu khi mang lại hiệu quả giáo dục cao, được nhiều cha mẹ học sinh tin tưởng. Thương hiệu của một giáo viên dạy học sinh bình thường đa phần nhận được sự đồng lòng của nhiều bậc phụ huynh.

Thế nhưng, trong lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ, một giáo viên có thương hiệu đối với phụ huynh này đôi khi là sự hồ nghi đối với phụ huynh khác.

images667658_image002.jpg
Giáo dục trẻ tự kỷ cần sự kiên trì​
“Dục tốc bất đạt”

“Nôn nóng sẽ không đem lại thành công” thật đúng với trường hợp phục hồi chức năng, giáo dục trẻ tự kỷ. TS.BS Lã Thị Bưởi – Trưởng phòng khám Tuna, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng – chia sẻ: Nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ khi đưa con đến Phòng khám Tuna đều muốn các bác sĩ, giáo viên đưa ra kết luận về tình trạng, mức độ bệnh của con họ ngay từ lần khám đầu tiên. Câu hỏi “Khi nào con tôi hết bệnh?” hoặc “Khi nào cháu tiến bộ?” cũng là những câu hỏi các bậc phụ huynh thường xuyên nêu ra.

Thế nhưng, trong thực tế, để kết luận được một đứa trẻ có mắc bệnh tự kỷ hay không, và bị bệnh ở mức độ nào, các chuyên gia ở Phòng khám Tuna phải tiếp xúc với trẻ, quan sát lâm sàng, cho trẻ làm các bài test khác nhau… trong khoảng 10 – 15 buổi. Kết luận được đưa ra với sự tham gia của các bác sĩ thần kinh, tâm lý, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, cán bộ tư vấn - trị liệu tâm lý trẻ em, giáo viên dạy trẻ tự kỷ…

TS Lã Thị Bưởi cho biết thêm, đối với nhiều trẻ tự kỷ, sự tiến bộ không thể tính bằng ngày, bằng tháng, mà phải tính theo năm, thậm chí là nhiều năm. Chính vì vậy, không ít bậc phụ huynh tỏ ra nghi ngờ trình độ, khả năng của các bác sĩ, cán bộ, giáo viên của Phòng khám Tuna khi thấy con mình không có chuyển biến gì trong một thời gian dài.

Điều này không chỉ xảy ra đối với Phòng khám Tuna. Theo PGS.TS Lê Văn Tạc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – một số cha mẹ trẻ tự kỷ kỳ vọng quá cao rằng con mình sẽ khỏi tự kỷ sau khi có tác động. Vì thế, sau một thời gian tác động, khi không nhìn thấy sự tiến triển của con mình, họ đã nản chí, hoang mang, thậm chí thoái lui.

Như vậy, có thể thấy rằng, nhận thức của cha mẹ trẻ tự kỷ nói riêng và cộng đồng nói chung về căn bệnh này còn nhiều hạn chế. Và khi chưa có nhận thức đúng, họ sẽ không thể đánh giá đúng về trình độ, khả năng của những người làm công việc phục hồi chức năng, giáo dục trẻ tự kỷ.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là thời gian đánh giá, các công cụ đánh giá ở những cơ sở tiến hành công tác chẩn đoán trẻ tự kỷ rất khác nhau, khiến kết quả đánh giá trẻ tự kỷ ở mỗi cơ sở cũng khác nhau. Điều này khiến nhiều phụ huynh có con tự kỷ càng nghi ngờ trình độ của các chuyên gia.

images667659_image004.jpg
Sự tiến bộ của trẻ khuyết tật phụ thuộc rất lớn vào tấm lòng của người thầy​

Nhiều hệ lụy khi thiếu chuẩn

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thúy Lan (Trung tâm Sao Mai – Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam hiện chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục trẻ tự kỷ. Tại cơ sở đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt hàng đầu ở nước ta là khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo chủ yếu là các ngành khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ. Tự kỷ vẫn chưa được xếp thành một chuyên ngành đào tạo riêng. Mặt khác, chương trình đào tạo lý thuyết nhiều nên sinh viên khi ra trường vẫn lúng túng trong thực hành.

Tình trạng thiếu chuẩn trong đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ như vậy có thể dẫn tới nhiều hệ lụy: khiến phụ huynh cảm thấy hoang mang, không tin tưởng vào trình độ giáo viên; nhiều người lợi dụng điều này để trục lợi cho bản thân, như có hiện tượng không ít giáo viên tự nhận mình là chuyên gia, nhận kèm cặp trẻ tự kỷ tại nhà nhưng lại chưa có những hiểu biết cơ bản về hội chứng tự kỷ. Điều này cũng khiến cho việc giáo dục trẻ tự kỷ không đạt hiệu quả, hoặc làm cho trẻ bị bỏ lỡ thời kỳ can thiệp sớm, vốn là thời kỳ can thiệp hiệu quả nhất đối với trẻ tự kỷ.

Thước đo thương hiệu người thầy

Như đã nói ban đầu, một giáo viên có thương hiệu khi mang lại hiệu quả giáo dục cao, được nhiều cha mẹ học sinh tin tưởng. Theo PGS.TS Lê Văn Tạc, một giáo viên dạy trẻ tự kỷ muốn đạt hiệu quả cao trước hết cần có hiểu biết sâu về hội chứng tự kỷ cũng như được đào tạo bài bản về lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ.

Bên cạnh đó, việc giáo dục nói chung và phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ nói riêng rất cần sự kiên trì. Giáo viên cần xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với mức độ phát triển của từng trẻ tự kỷ. Muốn làm được điều này, đối với từng đứa trẻ cần lựa chọn những công cụ đặc thù để xác định mức độ và lĩnh vực phát triển.
Mặt khác, cần chuẩn hóa đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, giáo viên chuyên sâu về tự kỷ ở các cấp độ khác nhau. Bác sĩ Đỗ Thúy Lan bổ sung thêm, chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên giáo dục đặc biệt nói riêng cần được xây dựng cụ thể hơn nữa, bao gồm những phẩm chất đạo đức nghề và năng lực nghề phù hợp với trẻ tự kỷ. Đồng thời, cần xây dựng chuyên ngành riêng về tự kỷ.

ThS Đỗ Thị Thảo – Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng, riêng đối với một giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở các trường mầm non hòa nhập, để đạt hiệu quả cao, giáo viên cần có kĩ năng tổ chức tốt môi trường giáo dục trẻ tự kỷ, bao gồm môi trường vật chất và tinh thần, môi trường tự nhiên và xã hội ở trong trường, lớp mầm non và ngoài trường, lớp mầm non. Ngoài ra, nhà trường cùng giáo viên cũng cần chuẩn bị về cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, phương tiện dạy học, đồ dùng đặc thù khi dạy trẻ tự kỷ.

Từ kinh nghiệm giảng dạy thực tế của mình, cô Bùi Hoài Thanh, giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: Nhiều học sinh tự kỷ có năng lực nổi trội ở một lĩnh vực nào đó, thế nhưng cách ứng xử của các em với những người xung quanh, cách xử lý các tình huống trong cuộc sống rất kỳ lạ, hoàn toàn khác với những học sinh bình thường.

Nếu giáo viên có hiểu biết về hội chứng tự kỷ, luôn nhìn nhận, đánh giá các em ở những mặt nổi trội, áp dụng phương pháp giáo dục đặc biệt để các em phát huy được hết năng lực của mình thì sẽ tạo cơ hội cho học sinh tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, cống hiến cho xã hội.

Ngược lại, nếu giáo viên chỉ nhìn thấy ở các em sự kỳ quặc, bất thường, không thể áp dụng phương pháp giáo dục đại trà thì cũng đồng nghĩa với việc học sinh tự kỷ sẽ mãi sống trong thế giới của riêng mình. Như vậy, sự phát triển, tiến bộ của trẻ tự kỷ phụ thuộc rất lớn vào cái tâm của người thầy.

Đối với nhiều trẻ tự kỷ, sự tiến bộ không thể tính bằng ngày, bằng tháng, mà phải tính theo năm, thậm chí là nhiều năm. Chính vì vậy, việc giáo dục nói chung và phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ nói riêng rất cần sự kiên trì. Bên cạnh đó, giáo viên cần có hiểu biết sâu về hội chứng tự kỷ cũng như được đào tạo bài bản về lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ. Đặc biệt, sự phát triển, tiến bộ của trẻ tự kỷ phụ thuộc rất lớn vào tấm lòng của người thầy.
Theo giaoducthoidai
 
×
Quay lại
Top