Cách để thích ứng chống dịch, phục hồi sản xuất

Trinh Mai

Banned
Tham gia
12/8/2021
Bài viết
1
Khi sống chung với Covid, nhiều doanh nghiệp muốn được tự lên phương án, tự chịu trách nhiệm và mong chính quyền chỉ rà soát, không làm phát sinh "giấy phép con".

Từ giữa tháng 9, ông Quang, chủ một doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương, đã chuẩn bị nguồn lực, lao động để sản xuất trở lại từ đầu tháng 10 sau hơn một tháng gián đoạn vì dịch. Nhưng muốn sản xuất trở lại, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sản xuất an toàn và vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp có thẩm quyền.

Doanh nghiệp của ông Quang không phải là đơn vị duy nhất đang ngóng chờ hướng dẫn sản xuất an toàn, thích ứng từ cơ quan quản lý. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Đồng Nai, Bình Dương cũng vậy. Nhưng dự thảo hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát Covid-19 đang được Bộ Y tế lấy ý kiến có nhiều điểm khiến họ băn khoăn.

Công nhân tại Công ty TNHH giày Chin Luh (KCN Thuận Đạo, Bến Lức), tháng 7/2021. Ảnh: Hoàng Nam

Công nhân tại Công ty TNHH giày Chin Luh (KCN Thuận Đạo, Bến Lức), tháng 7/2021. Ảnh: Hoàng Nam

Đầu tiên là nội hàm "sống chung với Covid-19" chưa được thể hiện rõ trong dự thảo hướng dẫn. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch HAWA đặt vấn đề hướng dẫn thích ứng an toàn với Covid-19 cần làm rõ hơn nội hàm "sống chung với Covid-19" và bổ sung khái niệm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì sẽ "được gì". Quan điểm này của ông cũng trùng với ý kiến góp ý của các hiệp hội doanh nghiệp nêu trong báo cáo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng hôm 27/9.

Các hiệp hội cho rằng dự thảo cần làm rõ quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ vaccine hay các F0 đã điều trị khỏi (sau 180 ngày) để phát huy giá trị của chiến dịch vaccine.

Hiện một số quốc gia đã áp dụng mô hình kiểm soát Covid-19 bằng "thẻ xanh", như tại Trung Quốc, người dân có thể đi lại tự do nếu mã sức khoẻ của họ hiển thị màu xanh.

Cũng theo các hiệp hội, hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 không được làm phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

Tài liệu hướng dẫn thích ứng an toàn cần được quy định như là tài liệu có thể áp dụng ngay vào đời sống và có giá trị pháp lý cao nhất, các địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu chứ không có quyền phê duyệt phương án của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về phương án của mình.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát việc thực thi, đáp ứng các quy định trong quá trình doanh nghiệp vận hành, động viên và hỗ trợ họ nâng cao năng lực thích ứng, chứ không cấm doanh nghiệp.

Để gia tăng niềm tin giữa chính quyền - doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng có thể mời một bên thứ ba có uy tín giúp doanh nghiệp xây dựng, thực thi phương án sản xuất an toàn. Nhóm này không có thẩm quyền cấp phép, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng và tạo sự yên tâm cho chính quyền...

Ngoài ra, thay vì coi doanh nghiệp là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây, cơ quan có thẩm quyền nên coi họ là chủ thể tham gia vào công tác quản lý an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Vì thế, yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt đế tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần đuợc thực thi nghiêm túc ở mọi cấp, ngành.

Xét nghiệm, khoản chiếm chi phí lớn nếu muốn duy trì hoạt động, cũng là những vấn đề doanh nghiệp muốn góp ý tại dự thảo này.

Dự thảo hướng dẫn đưa ra quy định doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm định kỳ cho tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao và toàn bộ người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cáp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu...). Người lao động đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh thì không phải xét nghiệm định kỳ. Quy định này áp dụng cho doanh nghiệp ở vùng vàng 2 tuần một lần, vùng cam và đỏ xét nghiệm hàng tuần.

Các hiệp hội đề xuất giảm tỷ lệ xét nghiệm tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao xuống 10% để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tinh thần sống chung với dịch lâu dài.

Mặt khác, ở chỉ số đánh giá này, các doanh nghiệp cũng đề nghị bỏ nhóm "người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh" ra khỏi quy định tự tổ chức xét nghiệm của doanh nghiệp do đây là nhân viên của các công ty đối tác, nên trách nhiệm phòng, chống dịch thuộc công ty khác.

Yêu cầu xét nghiệm tầm soát định kỳ cho đối tượng nguy cơ như lái xe, người chạy mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)... cũng được đề nghị bỏ, vì các đối tượng này hầu hết đều đã tiêm vaccine.

Việc xét nghiệm chỉ nên áp dụng theo "xác suất" và địa điểm như cảng, sân bay, trung tâm logistics, trung tâm chia chọn hàng hoá, trụ sở cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ công tiếp xúc đông người...

"Thay vì yêu cầu doanh nghiệp xét nghiệm trên diện rộng, hướng dẫn chỉ nên đưa ra quy định xét nghiệm tập trung ở khu vực trọng điểm, nguy cơ cao để dành nguồn lực cho ngành y tế chăm sóc các ca nhiễm bệnh nặng", ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng nêu.

Để thích ứng sống chung với covid -19, các Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định để doanh nghiệp tự chăm sóc F0 tại trụ sở hoặc các khu thu dung của doanh nghiệp. Địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch, như vậy các bên mới có thể cùng thích ứng an toàn được.

Thực tế không phải cơ sở sản xuất kinh doanh nào cũng có khả năng và có cán bộ, bộ phận y tế tại chỗ, do đó nên quy định bắt buộc chỉ số này ở mức độ khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Còn với doanh nghiệp thì chỉ khuyến khích họ hình thành năng lực y tế để chủ động trong công tác phòng chống dịch và quản trị an toàn cho người lao động.

Góp ý dự thảo, ông Nguyễn Duy Minh Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh quan điểm, cần tách bạch được hai loại hình vận tải, logistics cho sản xuất và vận tải phục vụ dân cư. "Hai hệ sinh thái này hoàn toàn khác nhau", ông nói.

Ông dẫn chứng, với vận tải trong sản xuất, đối tượng hướng đến sẽ là nhà máy, khu công nghiệp, người làm dịch vụ giao nhận xuất khẩu, hải quan. Khối lượng hàng hoá thường là hàng lớn, container; hạ tầng liên quan là cảng, sân bay, đường sắt... Trong khi vận tải cho dân cư là phân phối nội địa, giao nhận chặng cuối là vận tải 2 bánh; hạ tầng liên quan có thêm chợ, chuỗi cửa hàng, trung tâm phân phối. Việc phòng chống dịch cho khu dân cư cũng phức tạp hơn.

Do vậy, ông cho rằng hướng dẫn "thích ứng an toàn với dịch bệnh" cần phải tách biệt được hai mảng này khi nói về vấn đề vận tải và có sự phối hợp của các ban ngành quản lý thì mới chống dịch hiệu quả.

Còn hiện nay, so sánh giữa hai loại hình vận tải 2 bánh và vận tải đường dài phục vụ sản xuất, theo ông, đang có sự thiên lệch. Ví dụ với vùng đỏ, tài xế xe hai bánh chỉ bị yêu cầu xét nghiệm 3 ngày một lần là được, nhưng lái xe ngoài xét nghiệm còn phải đăng ký QR code luồng xanh.

"Quy định QR code luồng xanh được đưa ra thời kỳ đầu, nay đã lỗi thời nhưng phía giao thông vận tải chưa bỏ, do vậy, trong dự thảo hướng dẫn tiếp tục giữ lại. Lẽ ra phải bỏ đi", ông góp ý.

QR Code luồng xanh, theo ông, chỉ là đăng ký tuyến đường không mang ý nghĩa bảo đảm cho việc tiếp xúc an toàn. Mặt khác, so với tài xế xe hai bánh, tài xế ôtô sẽ an toàn nhiều hơn khi hoạt động trong không gian đã được bảo vệ - là cabin, và thường xuyên được kiểm tra qua các chốt.

Theo đó, ông cho rằng nên áp tiêu chuẩn cho nhóm vận tải ôtô như nhóm vận tải 2 bánh. "Ngành vận tải đang bị vướng điều này", ông Minh nói.

Hơn hết, doanh nghiệp nhấn mạnh các biện pháp đưa ra trong dự thảo vừa để phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước, vừa phải để làm nền tảng cho quá trình mở cửa quốc tế tới đây vì Việt Nam là nền kinh tế mở. Do đó, các quy định liên quan tới giao thương quốc tế, chuyên gia quốc tế... cũng cần được rà soát và thể hiện đồng bộ ngay ở bộ tài liệu hướng dẫn này.


Nguồn: vnexpress.net
 
×
Quay lại
Top