Bí quyết “vượt vũ môn”

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Với những thí sinh thi đại học (ĐH) lần thứ nhất, hầu hết các em đều không khỏi hồi hộp, lo lắng. Chính tâm lý bất ổn sẽ khiến các em làm bài không tốt như mong đợi. Vậy làm thế nào để có một kỳ thi ĐH thành công?

Cần có sự chuẩn bị tốt

Theo những thầy cô có kinh nghiệm, đêm trước hôm đi thi thí sinh không nên thức khuya và học quá nhiều, không quá lo lắng. Các thí sinh chỉ cần xem lại những kiến thức còn băn khoăn rồi chọn cho mình cách thư giãn phù hợp. Có thể là đọc một vài truyện hài hước, chia sẻ với bố mẹ, tán gẫu với bạn bè… sau đó đi ngủ trước 23g. Buổi sáng đi thi các thí sinh nên dậy sớm để hít thở không khí trong lành, tập vài động tác thể dục nhẹ, điểm tâm nhẹ, uống đủ nước và đến phòng thi trước 15 phút…

Đối với những thí sinh ở xa về Hà Nội dự thi cần đến xem xét địa điểm thi từ hôm trước để không bị lạc, dự phòng nhiều lối đi khác nhau để hạn chế tắc đường và đánh giá được tương đối thời gian từ nơi trọ, nơi ở đến địa điểm thi. Hà Nội là TP hay tắc đường, đặc biệt là vào những ngày thi ĐH, CĐ nên các thí sinh cần di chuyển sớm hơn đến địa điểm thi. Khi làm thủ tục vào phòng thi và chờ đề thi là thời gian dài nhất (dù chưa đến 30 phút), các thí sinh cần tránh lo âu, giữ tâm lý như một kỳ thi hết môn ở trường để hạn chế sự căng thẳng. Thí sinh có thể hít thật sâu bằng miệng rồi thở nhẹ bằng mũi khoảng 10 lần... Nếu có tâm lý tốt ở giai đoạn này thì các thí sinh có thể bình tĩnh, tự tin để đọc đề thi…

65bdi-thi2.JPG

Cần tự tin khi vào phòng thi (Ảnh internet).

Thông thái trong phòng thi

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD&ĐT cho rằng, để có bài thi đạt điểm cao, trước hết thí sinh cần tuân thủ đúng quy chế làm bài, đặc biệt là trong bài thi trắc nghiệm. Ông Cường nêu ví dụ: “Bài thi phải có chữ ký của 2 cán bộ coi thi. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải gôm sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn”. Theo ông Cường, việc điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu rất quan trọng. Chẳng hạn, thí sinh phải tô đủ cả 6 ô (kể cả các số 0 phía trước) phần số báo danh. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.

Đặc biệt, phải kiểm tra đề thi xem đã đủ số lượng câu trắc nghiệm như trong đề chưa, nội dung đề đã rõ ràng chưa, không thiếu chữ, mất nét và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý. Với bài thi tự luận, thí sinh phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, bài thi không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa), cũng chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ). Với phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy xóa bằng bất kỳ cách gì. Chỉ cần thiếu những thông tin này thì dù bài thi có làm tốt bao nhiêu cũng trở thành công cốc.

Một trong những khâu rất quan trọng là đọc đề kỹ và phân bố thời gian trước khi làm bài. Các thí sinh nên mang theo đồng hồ để có thể theo dõi được tốc độ làm bài của mình và chia khoảng thời gian phù hợp. Các thí sinh nên gạch những ý chính ra giấy nháp để tránh sót ý. Sau khi đã định hướng được khung của lời giải đề thi, các thí sinh nên tập trung tinh thần trong vòng 1-2 phút để huy động trí não, kích thích toàn bộ kiến thức và kinh nghiệm đã có để bắt đầu chính thức làm bài thi.

Khi bắt đầu làm bài, các thí sinh hãy chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau để tạo nên sự hưng phấn khi làm bài thi. Đừng bị sa lầy giữa chừng vì một câu khó nào đó. Cần chú ý cách trình bày bài làm, không nên tạo khoảng trống trong bài thi vì sẽ gây phản cảm cho người chấm. Không nên lo lắng hoảng sợ khi thấy những bạn khác nộp bài thi sớm. Nhất thiết dành 10 phút cuối buổi để đọc lại bài làm. Nếu xong sớm, không vội vàng nộp bài làm gì. Nên đọc kỹ, soát đi xét lại, để sửa lỗi. Sửa được lỗi nào, dù nhỏ, cũng làm tăng giá trị của bài. Trong một kỳ thi, 1/4 điểm cũng quý, thậm chí có thể "lật ngược thế cờ", từ trượt thành trúng tuyển.

Cần tự tin vào kết quả mình đã làm, tuyệt đối đừng so sánh kết quả với những bạn khác vì kết quả của thí sinh khác chưa chắc đã đúng…

Những điều cần lưu ý sau khi thi

Sau khi thi xong một môn hãy luôn giữ vững tin thần lạc quan và hi vọng, dù kết quả môn thi xong như thế nào cũng hãy cố gắng, tốt nhất là không nên xem kết quả thi ngay lúc đó. Hãy tiếp tục giữ vững niềm tin để chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.

Không mua bài giải đề thi trước các cổng trường. Các bài giải này thường không hoàn toàn chính xác nên nó có thể gây cho bạn tâm lý hoang mang, không tốt cho các môn thi sau. Bạn chỉ nên xem đáp án khi đã hoàn thành cả 3 môn thi.

Về phía gia đình, dù con em làm bài đạt kết quả thế nào cũng cần phải vui vẻ, động viên con cháu, tránh trách móc, mạt sát, coi thường vì nhiều thí sinh đã tự tử do sức ép từ gia đình trong việc thi cử quá nhiều. Các thí sinh cũng cần lưu ý rằng, khi cánh cửa này đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Vì thế, cổng trường ĐH không phải là nơi duy nhất để tiếp cận tương lai tươi đẹp…
Theo PL & XH

 
×
Quay lại
Top