"Bi, đừng sợ!" - thách thức với người xem

bamboo_kute

mất hết niềm tin rùi......huhu...
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2011
Bài viết
1.024
"Bi, đừng sợ!" - thách thức với người xem

(TT&VH) - “Chẳng thấy giống con người Việt Nam”, “không tiêu biểu cho gia đình Hà Nội”, “bóp méo sự thật, không coi trọng con người”... đó là những nhận xét của nhiều khán giả về phim Bi, đừng sợ!. Nó cho thấy bộ phim còn là một thách thức đối với người xem.
Cách đây vài năm, nếu ai có dịp thưởng thức hai bộ phim ngắn Sen và Khi ta 20, hẳn đều nhận thấy một tố chất đặc biệt từ đạo diễn kiêm biên kịch gia Phan Đăng Di. Và nay, với Bi, đừng sợ!, tác phẩm phim truyện đầu tay trong sự nghiệp, anh còn thể hiện dấu ấn cá nhân của mình mạnh hơn nữa. Kịch bản không có cốt truyện, cách cắt dựng, chuyển cảnh đột ngột, quay phim cùng khâu xử lý ánh sáng tuyệt đẹp, âm thanh và âm nhạc mang lại cảm giác hoang mang, đặc biệt lối diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã tạo nên một sắc thái rất riêng cho Bi, đừng sợ!
Thông qua con mắt của cậu bé mới 6 tuổi Bi (Phan Thành Minh), bộ phim đưa người xem đến với một gia đình gồm nhiều thành viên khác nhau. Họ có cuộc sống nội tâm, ẩn ức, khát vọng được che giấu khác nhau. Đó là người bố đã trưởng thành (Nguyễn Hà Phong), dần mệt mỏi với bổn phận gia đình, lạc lối trong các mối quan hệ phức tạp của xã hội, thương yêu cha nhưng không thể hiện tình cảm ra ngoài. Đó là người mẹ (Kiều Trinh) an phận, cam chịu với cuộc sống hiện tại. Đó là người dì (Hoa Thúy) với những khát vọng và bản năng nhục dục sâu kín. Bên cạnh đó là nhiều mảnh đời, nhiều số phận khác, tập trung đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của đời người. Tình cảm gia đình có, tình yêu có, cái chết có, sự thờ ơ, h.am m.uốn, lòng hy sinh, nhẫn nhịn đều có... tất cả tạo nên một thế giới phức tạp của người lớn. Nó đối lập hoàn toàn với cái nhìn đầy ngây thơ, đơn giản của cậu bé Bi.
Bi, đừng sợ! không có một cốt truyện cụ thể, các nhân vật trong phim cũng không có mục đích, không có sự thay đổi cụ thể. Họ không hề gắn kết chặt chẽ với nhau, cho dù đều sống chung dưới một mái nhà. Thậm chí bà Lành (Mai Châu), người giúp việc lâu năm, cũng chẳng hề biết ông nội thích ăn gì, chẳng biết ông đi đâu suốt thời gian qua. Người bố thì luôn vắng mặt trong các bữa cơm tối cùng gia đình. Tuy nhiên tất cả bọn họ lại được kết nối bằng một nhân vật quan trọng, đó là nước đá. Có thể coi, nước (từ trạng thái lỏng, sang trạng thái đông cứng, rồi bốc hơi) cũng là một nhân vật trong Bi, đừng sợ!. Nước đá chính là điểm chung giữa các nhân vật trong phim.
Chất riêng của Bi, đừng sợ! có sự đóng góp không nhỏ của nhà quay phim Phạm Quang Minh. Những góc máy tĩnh, ngắn, kết hợp với những cú máy cầm tay dài đi theo nhân vật tạo cảm giác rất mạnh cho người xem. Hầu như trường đoạn nào trong phim cũng đều có vài cảnh rất đắt gây ám ảnh cho khán giả sau khi ra khỏi rạp. Điển hình là cảnh người bố đứng trên lan can toà nhà chung cư cũ kỹ, xám xịt, rồi cảnh Bi đi một mình trong nhà máy nước đá, hay những cảnh chèn ở bãi giữa sông Hồng, trên cầu thang, trong ngõ tối, tưởng như không có ý đồ cụ thể nhưng lại tạo được nhịp phim rất riêng.
Bi, đừng sợ! không phải là tác phẩm mà người xem phải cố công tìm hiểu rõ ngọn ngành mọi chi tiết, mọi tính cách nhân vật. Ngay bản thân đạo diễn Phan Đăng Di cũng không có ý định giải thích hay diễn giải cụ thể cho đến tận cuối bộ phim. Rất nhiều điều bí ẩn, rất nhiều điều không có lời giải, rất nhiều điều không được nói ra trong phim. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là, Bi, đừng sợ! tạo được “cảm giác” cho khán giả sau khi đứng dậy rời khỏi rạp.
Từ khi hình thành ý tưởng, viết kịch bản, đi xin tài trợ làm phim cho tới khi Bi, đừng sợ! ra đời là một khoảng thời gian dài. Giờ đây, bộ phim đã đến được với khán giả, dù không phải là bản phim đầy đủ (bị cắt khá nhiều cảnh quan trọng và nhạy cảm). Tuy nhiên, đó vẫn là một thành công rất lớn đối với một nhà làm phim độc lập như Phan Đăng Di.
Hoàng Phương
 
×
Quay lại
Top