Bên kia đường có đưa dở hơi (chương 5)

minhhang2002

Thành viên
Tham gia
13/2/2019
Bài viết
8
Chương 5: Cục Ta Cục Tác

Tôi sợ trứng. Sợ cả gà nữa. Bạn cứ ôm bụng hay nhe răng cười thoải mái đi, nhưng đúng là tôi sợ thật chứ chẳng đùa tí nào đâu.
Căn nguyên mọi chuyện là từ hồi lớp sáu.
Dính dáng tới mấy quả trứng.
Và cả hai ông mãnh nhà Baker nữa.
Hai ông ấy, một ông tên Matt, một ông tên Mike, nhưng nói thật, đến tận bây giờ tôi cũng chẳng phân biệt nổi ông nào là ông nào. Lúc nào hai ông ấy cũng dính với nhau như sam. Và mặc dù không phải sinh đôi nhưng hai ông ấy giống nhau y xì, từ mặt mũi đến lời ăn tiếng nói. Cả hai đều học cùng lớp với Lynetta nên chắc chắn một trong hai ông bị đúp.

Mà cái "chắc" đó cũng là việc cực chẳng đã thôi chứ tôi nghĩ là chẳng có thầy cô nào tình nguyên hai năm liền dạy một trong hai ông điên này, nói gì đến cả hai ông một lúc.

Gì thì gì nhưng chính Matt và Mike đã mở mắt cho tôi biết là rắn ăn trứng. "Ăn trứng" ở đây là ăn sống và nguyên cả vỏ ấy.

Nếu không phải tại Lynetta thì tôi đã không bị ba cái giống bò sát dẩm dớ ấy ám ảnh đến vậy. Lynetta chết mê chết mệt một ông tên là Skyler Brown. Ông này sống cách nhà tôi khoảng ba dãy phố. Cứ hở ra là thể nào chị ấy cũng đến nhà ông này xem tập trống. Chậc, ba cái trò bum-bum-xoè đó thì liên quan gì tới tôi, đúng không? Vấn đề là, Skyler và hai ông anh của Juli thành lập một ban nhạc và đặt tên là Tè Rồi Biến.

Lúc mới nghe cái tên đó, mẹ cáu um cả lên. "Không hiểu nổi bố mẹ kiểu gì mà lại cho con cái mình chơi trong cái ban nhạc tên là Tè Rồi Biến cơ chứ? Nghe ghê hết cả người. Không ra thể thống gì cả!"

"Thì mục đích là thế mà mẹ", Lynetta lại còn cố giải thích. "Cần gì có nghĩa đâu. Đấy chỉ là cách chọc tức mấy ông bà già thôi".

"Chị đang nói tôi là mấy ông bà già đó chứ gì, đúng không? Tôi đúng là đang bị chọc cho điên đây!"

Lynetta nhún vai một cái, ra điều là tuỳ mẹ muốn nghĩ thế nào thì nghĩ.

"Đi về phòng ngay! Đi ngay", mẹ gắt lên.

"Vì sao ạ?" Lynetta phản pháo. "Con có nói gì đâu?"

"Con thừa biết là vì sao! Về ngay phòng rồi ngồi mà kiểm điểm lại bản thân cho mẹ!"

Thế là Lynetta lại bị cấm túc. Sau vụ đó, chỉ cần Lynetta về muộn giờ ăn tối hai phút thôi là mẹ sẽ hạ lệnh cho tôi đến nhà Skyler để lôi cổ chị ấy về. Có thể như thế thì làm mất mặt Lynetta thật nhưng mà tôi thì cũng chẳng sung sướng gì cho cam. Hồi đấy tôi mới chỉ học tiểu học còn mấy ông Tè Rồi Biến ấy thì đã lên trung học rồi. Mấy ông ấy lớn đùng lớn đoàng, tóc tai thì rũ rượi, lại còn suốt ngày đánh trống thổi kèn điên loạn cả khu phố. Tôi thì trông đúng kiểu nhi đồng thối tai.

Nhìn chung là tôi rất sợ phải đi xuống nhà Skyler gọi Lynetta về ăn tối. Sợ đến mức mà giọng tôi lúc gọi nghe cứ the thé như chuột kêu ấy.

Lấy tên Tè Rồi Biến được một dạo thì mấy ông ấy lại đổi tên ban nhạc thành Tè Bậy và Những Người Bạn. Đến lúc đó thì mấy ông ấy cũng quen với việc tôi đến để gọi Lynetta về nhà. Và thay vì lừ lừ nhìn tôi như hồi trước, mấy ông ấy bắt đầu giở cái giọng kiểu: "A, cu em đến rồi đó hả, vào đi cưng!", "Bé Brycie có ăn mứt không nào?"

Đấy, đầu cua tai nheo vì sao mà tôi lại chui vào ga-ra nhà Skyler Brown, bị mấy ông mãnh trung học quây và bắt xem trăn Nam Mỹ nuốt trứng là thế. Vì tôi đã từ chứng kiến con trăn này nuốt nguyên cả con chuột cống lúc lên phòng Matt và Mike rồi nên trò này của mấy ông Tè Bậy cũng phần nào mất đi tính bất ngờ. Thêm nữa, tôi biết thừa là mấy ông ấy muốn lấy trò này để hù tôi nên còn lâu tôi mới để mấy ông ấy hả hê sung sướng.

Nhưng mà cũng chẳng dễ dàng gì vì thực sự là nhìn con trăn nuốt trứng rùng rợn hơn bạn tưởng nhiều. Con trăn banh cái mồm nó ra hết cỡ rồi ngoạp lấy quả trứng và ực! Nhìn rõ được cả quả trứng đang trôi dần xuống trong cổ họng nó.

Nhưng thế đã hết đâu. Sau khi xem màn xực ba quả trứng, Matt-hoặc-Mike quay ra hỏi tôi: "Thế giờ, đố cu Brycie nhé, làm sao mà con trăn nó tiêu hoá được hết ba quả trứng?".

Tôi nhún vai và cố ghìm giọng cho khỏi the thé khi trả lời: "Thì dạ dày nó tiết dịch vị?".

Ông này lắc đầu rồi xì đểu: "Nó cần một cái cây. Hoặc một cái cẳng chân cũng được". Ông ấy nhe nhở nhìn tôi: "Hay cu có muốn hiến tặng chân cu không?".

Tôi hơi lùi lại. Tôi có thể mường tượng ra cảnh con quái vật ấy cố gắng nuốt trọn cả cái chân của tôi để tiêu hoá hết đống trứng. "K-không!".

Ông ấy cười phá lên rồi chỉ vào con trăn đang trườn trườn quanh phòng. "Òi, tiếc thế! Nó lại bò đi chỗ khác rồi. Có khi nó thích cái đàn piano hơn ấy chứ!".

Đàn piano á? Trăn triếc gì mà kinh thế? Làm sao mà chị tôi lại có thể ngồi chung phòng với mấy ông điên loạn này cơ chứ? Tôi nhìn bà chị mình và dù là chị ấy đang cố tỏ ra "Chị đây chả sợ gì" nhưng tôi biết thừa Lynetta đang sợ chết khiếp con trăn ấy.

Con trăn quấn mình ba vòng dọc theo chân đàn piano rồi Matt-hoặc-Mike giơ tay lên và nói: "Suỵt! Suỵt! Trật tự! Xem đây này!"

Con trăn dừng trườn và bắt đầu uốn éo. Và khi nó uốn éo thì tôi có thể nghe thấy tiếng quả trứng vỡ vụn trong bụng nó. "Eo ôi, kinh quá!", mấy bà con gái rú rít. "Uầy, thật bá đạo!", mấy ông con trai đắc ý tán thưởng. Mike và Matt nhìn nhau, mép xếch lên tận mang tai: "Đã xong bữa tối!"

Tôi cố tỏ ra bình thường về vụ con trăn, nhưng thực sự, tôi bắt đầu nằm mơ ác mộng, rằng con trăn gớm ghiếc ấy nuốt tá lả đủ thứ. Trứng. Chuột. Mèo.

Và cả tôi nữa.

Rồi cơn ác mộng ngoài đời đến thật.

Vào một buổi sáng, khoảng hai tuần sau màn trình diễn trăn rắn ở ga-ra nhà Skyler, Juli xuất hiện trước cửa nhà tôi, và đoán xem con bé cầm cái gì sang? Một hộp trứng. Nó bô lô ba la về lễ Giáng sinh rồi bắt đầu gợi chuyện: "Này Bryce! Cậu có nhớ Abby, Bonnie, Clyde, Dexter không không? Cả Eunice và Florence nữa?"

Tôi nhìn nó trân trân. Tôi nhớ mang máng là tên mấy con tuần lộc của ông già Noel khác khác kia.

"Nhớ không... mấy em gà của tớ ấy? Mấy em gà mà tớ đã ấp nở hồi hội chợ khoa học năm ngoái ấy?"

"À à... Ừ... quên thế nào được!"

"Tụi nó đang đẻ trứng đấy!" Con bé ấn hộp trứng vào tay tôi. "Đây này, cậu cầm lấy! Tớ tặng cậu và mọi người trong nhà".

"Ô. Ừ, cảm ơn nhé", tôi ấp úng đáp và đóng cửa.

Tôi đã từng cực kì thích trứng. Nhất là trứng bác ăn cùng với thịt muối hoặc xúc xích. Nhưng mà kể cả không có vụ trăn nuốt trứng kia thì tôi cũng chẳng cần biết người ta làm gì với mấy quả trứng này vì đằng nào với tôi, chúng cũng chẳng ngon lành gì. Chỉ như rơm như rác thôi. Vì mấy quả trứng này là của mấy con gà nở ra từ mấy quả trứng đã được Juli Baker ấp nở hồi hội chợ khoa học năm lớp năm.

Đúng kiểu Juli nhé. Nó hoàn toàn làm bá chủ cái hội chợ nhưng bạn phải hiểu cho tôi rằng là, công trình khoa học của nó chỉ đơn giản chỉ là ngắm trứng nở thành gà thôi. Nói thật chứ, ấp trứng gà thì có cái gì để báo cáo báo mèo cơ chứ? Thì chỉ cần có ánh sáng này, thùng đựng này, vụn báo rải ra này, thế thôi! Thế là xong một công trình khoa học!

Ấy thế mà con bé Juli bôi ra được cả một bản báo cáo dày những một đốt ngón tay, nó còn vẽ bảng biểu, sơ đồ nữa mới sợ chứ - đúng rồi đấy, tôi đang nói là biểu đồ cột, biểu đồ phần trăm, biểu đồ đường thẳng ấy - về hoạt động của trứng. Trứng ấy!

Nó còn cố căn chỉnh được thời gian thế nào đó để trứng nở đúng vào đêm hội chợ. Người thường thì làm sao làm nổi mấy trò đó chứ? Về phần mình, công trình khoa học của tôi là quá trình phun trào của núi lửa, một công trình mà tôi phải lao tâm khổ tứ biết bao lâu mới hoàn thành được. Ấy thế mà ai đến cũng chỉ nhăm nhăm xem gà của Juli chui ra từ quả trứng như thế nào. Tôi cũng bon chen ra chỗ nó để xem, và - hoàn thoàn khách quan nhé, tôi thấy chán phèo. Bọn gà chui ra khỏi trứng khoảng năm giây rồi nằm ì ra đó khoảng năm phút.

Tôi còn nghe được Juli bô lô ba la với ban giám khảo nữa. Con bé có một cái que chỉ - bạn có tin được không? Không phải là bút chì mà là một cái que chỉ kéo ra thu vào được, rất là xịn ấy. Thế là nó hết kéo dài que chỉ ra tận lò ấp trứng rồi lại gõ gõ vào cái biểu đồ này hay cái sơ đồ nọ trong lúc kể lể chuyện nó đã phấn khích thế nào khi theo dõi mấy quả trứng thay đổi trong hai mươi mốt ngày. Chỉ thiếu nước con bé chui luôn vào bộ đồ con gà nữa thôi là khuếch trương vô đối luôn ấy chứ. Mà nói thật, tôi tin chắc là nếu nghĩ ra được trò đấy thì nó làm thật chứ chẳng đùa.

Nhưng mà thôi - tôi kể xong rồi. Thế mới đúng kiểu Juli mà, đúng không? Có điều tự dưng một năm sau, tôi lại đứng đây và ôm một cái hộp toàn trứng gà nuôi. Và trong lúc tôi còn đang cố kìm nén nỗi bực dọc, khó chịu cứ trào lên mỗi khi nghĩ tới cái công trình khoa học ngu xuẩn được gắn ruy-băng xanh giải nhất của con bé đó, thì mẹ từ đâu bước ra và hỏi: "Ai đấy con? Con cầm cái gì thế? Trứng à?"

Chỉ nhìn qua là tôi đoán được ngay mẹ cực kì háo hức muốn làm món trứng bác. "Vâng", tôi trề môi rồi đưa hộp trứng cho mẹ. "Nhưng mà con sẽ ăn ngũ cốc cơ".

Mẹ mở nắp hộp, rồi đóng lại, cười rõ tươi. "Tốt quá!", mẹ hớn hở. "Ai mang trứng sang thế con?"

"Juli ạ. Nó nuôi ạ".

"Nuôi là sao hả con?"

"Dạ, thì là gà nhà nó đẻ ấy ạ".

"Ồ", nụ cười trên môi mẹ lịm dần khi mẹ mở lại hộp trứng. "Thật thế à? Mẹ còn chẳng biết là con bé nuôi... gà cơ đấy".

"Mẹ có nhớ không? Mẹ với bố chả đứng cả tiếng đồng hồ xem chúng nó nở hồi hội chợ khoa học năm ngoái còn gì".

"À, nhưng mà làm sao mà mình biết được là mấy quả trứng này... không có... gà ở bên trong bây giờ?"

Tôi nhún vai: "Con nói rồi đấy nhé, con sẽ ăn ngũ cốc".

Cả nhà tôi đều ăn ngũ cốc nhưng ai cũng chỉ nói về trứng thôi. Bố thì nghĩ rằng mấy quả trứng chả có vấn đề gì cả - bố đã từng ăn trứng gà tươi nuôi ở nông trại hồi bố còn nhỏ và bố bảo là trứng đấy ngon tuyệt cú. Nhưng mẹ thì không thể dừng nổi ý nghĩ rằng có khi mẹ sẽ đập ra một con gà chết không chừng, và rồi chẳng mấy chốc cuộc bàn luận lan tới tận vai trò của gà trống - điều mà lý ra tôi và món Cherrios* của tôi chẳng dính dáng gì.

*Cherrios: một nhãn hiệu ngũ cốc ăn sáng của hãng thực phẩm General Mills của Mỹ, ra mắt năm 1941. Chữ "O" trong từ Cherrios được coi là một cách chơi chữ hay vì hình dáng miếng ngũ cốc của nhãn hiệu này trông cũng giống chữ "O".

Cuối cùng Lynetta lên tiếng: "Giả sử nhà họ có gà trống thì làm gì mà nhà mình lại không biết được cơ chứ? Làm gì mà khu phố này không biết cơ chứ?"

Hừm, cả nhà tôi đều gật gù, cũng đúng. Nhưng rồi mẹ lại chêm vào: "Có khi nhà người ta khâu mỏ nó lại và không cho nó gáy nữa thì sao? Kiểu như có người phẫu thuật thanh quản cho chó để nó sủa bé đi ấy?"

"Gà trống mà bị khâu mỏ ấy hả?", bố thốt lên, giọng điệu đúng kiểu như vừa nghe được chuyện nực cười nhất trần đời. Rồi bố quay sang nhìn mẹ và nhận ra tốt nhất là bố nên đồng tình với ý kiến gà trống bị khâu mỏ của mẹ chứ đừng có dại mà xiên xỏ bông đùa lúc này. "E-hèm", bố hắng giọng, "anh chưa thấy có ai làm thế cả, nhưng cũng có khi nhà đó làm thế thật".

Lynetta nhún vai, nói với mẹ: "Thế thì mẹ chỉ cần đi hỏi nhà họ là xong. Mẹ gọi cho cô Baker rồi hỏi cô ấy đi".

"Ô", mẹ nói. "À thì... nhưng mẹ không thích tự dưng lại đem chuyện trứng triếc ra hỏi cô ấy. Nghe vô duyên lắm".

"Sao chị không hỏi anh Matt hay Mike ấy?" Tôi đánh tiếng với Lynetta.

Chị ấy quạu mặt nhìn tôi rồi rít lên như còi: "Im ngay".

"Cái gì? Em có làm cái gì đâu?"

"Mày không thấy là dạo này tao không xuống đó chơi nữa hả, thằng hâm này?"

"Lynetta!", mẹ quát lên. Như thể đây là lần đầu tiên mẹ nghe chị nói năng như thế với tôi ấy.

"Ừ, đúng rồi. Đương nhiên là em con biết chứ. Mà mẹ cũng định hỏi con về ch.uyện ấy đây. Có chuyện gì không con?"

Lynetta đứng lên, cáu kỉnh xô cái ghế của mình vào bàn. "Cứ làm như là mẹ quan tâm lắm ấy", chị ấy cắn cảu, rồi tót một mạch về phòng.

"Ôi giời ôi", bố thở hắt ra.

Mẹ cuống lên: "Anh bình tĩnh đã nào", rồi vội chạy theo Lynetta.

Khi mẹ đi rồi, bố quay sang hỏi: "Thế sao con trai không đi hỏi Juli ấy?".

"Bố ơi!".

"Chỉ hỏi tí chứ có cái gì đâu, hả Bryce? Chả mất gì".

"Nhưng mà thể nào nó cũng trả lời tràng giang đại hải đến nửa tiếng mất!"

Bố nhìn tôi tầm một phút rồi nói: "Không có thằng con trai nào sợ con gái cả!"

"Con không sợ nó...!"

"Bố nghĩ là con có sợ".

"Bố!"

"Thôi nhé, nghiêm túc đi con trai. Bố muốn con đi hỏi. Chiến thắng nỗi sợ hãi bản thân rồi đi hỏi cho bố mẹ".

"Xem là họ có gà trống hay không ạ?".

"Đúng rồi". Bố đứng dậy, vừa dọn bát, vừa nói: "Giờ bố phải đi làm còn con thì đi học đi. Tối nay bố muốn nghe con báo cáo tình hình".

Hay. Quá hay. Vừa mới mở mắt ra đã thấy đời đen thủi lủi rồi. Nhưng rồi lúc ở trường, tôi kể với thằng Garrett về vụ này và nó chỉ nhún vai nói: “Nhà con bé ở đối diện bên kia đường với nhà mày đúng không?”.

“Ừ, thì sao?”.

“Thì mày chỉ cần đi qua nhà nó rồi nhìn qua hàng rào ấy”.

“Mày bảo là đi do thám ấy hả?”.

“Chính thế!”.

“Nhưng… làm sao mà tao biết được con nào là con trống cơ chứ?”.

“Trống thì… tao chả biết nữa… to hơn này. Mới lị có nhiều lông hơn này”.

“Lông ấy hả? Mày bảo tao phải sang đấy và đếm lông à?”.

“Không, sao mày ngu thế? Mẹ tao bảo con trai thường thông minh, sáng dạ hơn”. Rồi nó rũ ra cười. “Cơ mà tao không chắc là mày được thế”.

“Xin cám ơn. Mày giúp tao hơi bị được đấy. Cảm động phát kinh lên được”.

“Nói cho mày biết, con trống thì sẽ to hơn và có nhiều lông màu sáng hơn. Mày có biết mấy cái lông dài dài ở đằng đuôi không? Thường là chúng sẽ đỏ tươi hơn, hoặc đen hơn, đại loại vậy. Mà bọn gà trống có cái gì đỏ đỏ trông như cao su ở trên đỉnh đầu ấy. Còn cả một ít ở cổ nữa. Tóm lại là mấy cái đỏ đỏ cao su ấy mọc ở quanh mặt con trống”.

“Thế có nghĩa là giờ tao cần xem lông to với mớ cao su đỏ, đúng không?”.

“Thì mày nghĩ mà xem, con gà nào mà chả có cái mớ cao su đỏ đấy. Chỉ có điều là không to lắm thôi”.

Mắt tôi đảo như rang lạc, nhìn chằm chằm vào thằng Garrett. Tí nữa thì tôi đã vọt miệng nói rằng: “Thôi bỏ đi, để tao hỏi luôn Juli cho rồi”, nhưng thằng này lại bồi thêm: “Thích thì tao đi cùng mày”.

“Thật ấy hả?”

“Thật chứ còn gì nữa”.

Và thế đấy, bạn thân mến. Đó là căn nguyên vì sao vào hồi ba giờ rưỡi chiều hôm đó tôi đã phải đứng khom lưng trinh thám sân sau nhà Baker cùng thằng Garrett Anderson. Tôi cũng không khoái trò rình rập, lén lút thế này đâu, nhưng chỉ bằng mỗi cách này, tôi mới có thứ mà báo cáo tình hình với bố tôi vào bữa tối.

Bọn tôi đến nơi cũng nhanh. Chuông vừa reo một cái là hai thằng té ra khỏi trường ngay vì theo như tôi tính toán, nếu rảo cẳng bọn tôi có thể điều tra rồi biến trước khi Juli về nhà. Bọn tôi thậm chí còn chẳng thèm bỏ cặp sách xuống, cứ đi thẳng dọc theo ngõ và bắt đầu trinh thám.

Thực ra cũng không cần phải kiễng chân nhòm vào sân vì gần như có thể thấy tất tần tật mọi thứ qua kẽ hở hàng rào. Nhưng tại thằng Garrett cứ vươn cổ lên nhòm nên tôi cũng làm theo, mặc dù tôi biết thừa là thằng Garrett có sống ở khu này đâu mà nó phải ngại – tôi đây này! Cái sân sau nhà con bé Juli đúng là một bãi chiến trường. Phát choáng lên được ấy chứ. Bụi rậm khắp nơi, ở một bên sân có cái chuồng gà làm từ tả pí lù dây rợ và ván gỗ, cái sân thì nào có trồng cỏ đâu, toàn là đất thịt.

Thằng Garrett phát hiện ra con chó nhà Baker đang nằm ngủ ở hiên sau nhà giữa hai cái ghế gập nhìn không thể xập xệ hơn. Nó chỉ con chó rồi nói: “Này, mày có nghĩ là nó sẽ gây rắc rối gì không?”.

“Bọn mình sẽ không ở đây lâu la đến thế đâu! Mấy con gà dẩm dớ đó ở đâu nhỉ?”.

“Có khi ở trong chuồng”, Garrett đáp, rồi nhặt một hòn đá ném vào đống ván gỗ và dây thép.

Đầu tiên bọn tôi nghe thấy một tràng đập cánh phạch phạch rồi một con le te chạy ra. Nó không chạy tới gần chỗ bọn tôi đang đứng nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ nó có lông vũ và có cái gì đó trông như cao su màu đo đỏ.

“Thế nào mày?”, tôi quay sang hỏi Garrett. “Con này có phải là trống không?”.

Nó nhún vai. “Tao trông nó đúng là gà”.

“Sao mày biết?”.

Nó lại nhún vai. “Biết là biết chứ sao!”.

Bọn tôi đứng xem nó bới đất chừng một phút, rồi tôi lại quay sang hỏi: “Thế mái thì như thế nào hả mày?”

“Mái ấy hả?”.

“Ừ. Có trống này, có gà con này, thì phải có mái chứ. Thế mái thì trông như thế nào?”.

“Là một trong mấy con kia kìa”, nó vừa nói vừa chỉ vào sân nhà Baker.

“Thế con gà thì như thế nào?”.

Thằng này quay sang nhìn tôi như thể tôi là thằng điên. “Mày đang lảm nhảm cái gì đấy?”.

“Con gà ấy! Con gà thì nó như thế nào?”.

Garrett lùi lại rồi nói: “Bryce này, mày đang bị đơ rồi. Để tao cho mày xem thế nào là con gà này!”. Rồi nó ngồi thụp xuống, nhặt lấy một hòn đá khác, và đúng lúc nó chuẩn bị ném thì cái cửa kéo ở hiên sau nhà mở ra. Juli bước ra ngoài sân.

Bọn tôi đờ cả người. Và trong lúc dòm con bé qua hàng rào, tôi nói: “Nó về nhà từ lúc nào thế nhỉ?”.

Garrett làu bàu: “Thì lúc mày đang đơ đơ vì gà qué chứ còn gì”. Rồi nó thì thào: “Nhưng mà này, sẽ có trò hay đấy. Nó đang cầm giỏ đúng không? Có khi nó ra ngoài để lấy trứng”.

Trước hết là con bé phải ôm ấp cái đống lông bù xù đang nằm ngáy ngoài hiên đã. Nó quỳ xuống, gí mũi vào con chó, rồi gãi, rồi vỗ, rồi ôm, rồi cưng nựng chán chê xong mới tha cho con chó tội nghiệp quay lại ngủ tiếp. Rồi nó lại phải dừng lại và kêu cục cục để dụ con gà bị Garrett dọa lúc nãy. Xong rồi nó bắt đầu hát. Chính thế, nó hát. Lấy hết sức bình sinh, nó rống lên: “Đón ánh nắng khi ngày mưa giông. Đón ánh nắng ấm khi trời lạnh. Bạn hiền ơi, tôi đoán bạn sẽ hỏi. Rằng tại sao tôi yêu đời đến thế? Chính nhờ những nàng công chúa bé bỏng. Những cô nàng xinh xẻo của tôi ơi… ”. Con bé nhòm vào trong chuồng và bắt đầu kêu cục cục: “Chào em Flo! Chào em Bonnie! Ra ngoài chơi đi nào!”

Cái chuồng gà không đủ to để con bé đi vào. Trông nó giống như cái nhà xí thu nhỏ ấy, nhỏ đến mức ngay cả con chó nhà con bé cũng chẳng chui vào được. Nhưng mà thế thì có làm Juli Baker chùn bước không? Không. Con bé chống tay, quỳ xuống và bắt đầu bò vào bên trong. Mấy con gà đi ra, quang quác và vỗ cánh ầm ĩ. Chẳng mấy mà cái sân đầy nhóc gà và chúng tôi thì chỉ dán mắt vào mỗi đôi giày dính đầy phân gà của Juli.

Nhưng thế đã hết đâu. Con bé lại véo von trong chuồng gà: “Tôi chẳng cần vận may hay danh tiếng. Tôi đã có tất cả ở đây, em yêu ơi, ai cũng thấy. Bạn hiền ơi, tôi đoán bạn sẽ hỏi. Rằng tại sao tôi yêu đời đến thế? Chính nhờ những nàng công chúa bé bỏng. Những cô nàng xinh xẻo của tôi ơi… ”.

Lúc này tôi chẳng để tâm lắm tới ba cái chuyện kiẻm tra lông lá hay thứ giống cao su màu đo đỏ của lũ gà. Tôi chỉ chăm chăm nhìn vào phần đế giày của Juli Baker và băn khoăn tự hỏi sao trên đời này lại có người như nó, thích chui vào chuồng gà để giày bị dính choe choét phân gà.

Thằng Garrett kéo tôi về với thực tại. “Tất cả đều là gà thôi”, nó kết luận chắc nịch. “Mày cứ nhìn mà xem”.

Tôi không săm soi đôi giày của Juli nữa mà bắt đầu quay lại săm soi lũ gà. Việc đầu tiên mà tôi làm chính là đếm một-hai-ba-bốn-năm-sáu. Đủ hết. Thì đấy, làm gì có ai lại không nhớ chuyện con bé ấp nở được sau quả trứng? Đấy là kỷ lục của mọi thời đại ở trường – tất cả không trừ một ai trong hạt này đều nghe về chuyện đó.

Nhưng thực tình là tôi không biết phải làm thế nào để hỏi lại thằng Garrett điều mà nó vừa nói. Thì đấy, tất cả đều là lũ gà, nhưng như thế thì nghĩa là gì chứ? Tôi không muốn lại nị thằng này nói là đơ nhưng quả tình là tôi vẫn chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng tôi đành hỏi nó: “Mày nói là không có trống hả?”

“Truẩn không cần trỉnh”.

“Sao mày biết?”

Nó nhún vai. “Trống thì phải khệnh”.

“Chính thế. Mà mày nhìn xem – chẳng có con nào có lông dài cả. Mà cũng chẳng có nhiều cái đo đỏ ấy”. Nó gật gù. “Chuẩn luôn. Tất cả chúng nó đều là gà”.

o O o

Tối đó bố hỏi ngay tình hình. “Thế nào con trai, hoàn thành nhiệm vụ chứ hả?”, bố vừa hỏi vừa ngoáy dĩa vào đĩa mì fettuccine* đầy ú.

*Fettuccine (trong tiếng Ý có nghĩa là “cái nơ nhỏ”): một loại mì Ý, sợi dẹt và dày.

Tôi cũng tấn công đĩa mì của mình và nhe răng cười với bố. “Dạ”, tôi ngồi thẳng lưng để trả lời. “Tất cả đều là gà ạ”.

Cái dĩa của bố bỗng đứng khựng lại. “Và…?”

Tôi biết ngay là có vấn đề nhưng không thể biết là cái gì. Tôi cố nhe răng và hỏi lại: “Và gì ạ?”

Bố đặt dĩa xuống rồi nhìn tôi chằm chằm. “Con bé nó nói thế à? Tất cả đều là gà?”

“Ơ, cũng không hẳn ạ”.

“Thế chính xác là nó nói thế nào?”

“Ờ… nó chẳng nói chính xác cái gì đâu ạ”.

“Tức là sao?”

“Tức là con tới đó và tự xem xét ạ”. Tôi đã cố nói để nghe cho giống như tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng bố chẳng thèm tin.

“Con không hỏi nó à?”

“Con không cần ấy chứ. Thằng Garrett biết rất nhiều về gà, nên bọn con tới nhà Juli và tự tìm hiểu thôi”.

Lúc đó, Lynetta vừa quay lại bàn ăn sau khi tráng rửa sạch sẽ chỗ sốt Romano khỏi mấy cọng mì trong đĩa của mình. Vừa với lọ muối, chị ấy vừa nhăn mặt nhìn tôi: “Mày đúng là gà”.

“Lynetta!”, mẹ quát. “Ăn nói nhẹ nhàng với em chứ con”.

Lynetta ngừng rắc muối. “Mẹ ơi, nó đi rình trộm. Mẹ có biết không đấy? Nó tới nhà người ta và nhòm qua hàng rào ấy. Hay là mẹ cũng thấy thế là không vấn đề gì?”

Mẹ quay sang tôi. “Bryce, có đúng thế không?”

Ai cũng nhìn tôi chằm chằm, và tôi thấy là tôi cần phải giữ thể diện. “Thế thì có làm sao chứ ạ? Bố bảo con đi tìm hiểu về gà nhà nó, và con đã đi còn gì!”

“Cục ta cục tác!”. Lynetta thì thào.

Bố vẫn chưa thèm nhấc dĩa lên ăn tiếp. “Và con đi tìm hiểu được”, bố nói, cứ như thể đếm từng chữ một, “rằng là tất cả đều là… gà”.

“Vâng ạ”.

Bố thở dài, rồi đưa miếng mì lên miệng, và trệu trạo nhai, chậm ơi là chậm.

Tôi có cảm giác như mình đang bị chìm nghỉm nhưng lại chẳng thể hiểu nổi vì sao. Và thế là tôi cố gắng chơi bài an toàn: “Cả nhà cứ tự nhiên mà ăn trứng, nhưng con sẽ không động tới đâu, nên đừng có bảo con ăn”.

Mẹ cứ hết nhìn bố rồi lại nhìn tôi lúc ăn salad, và tôi có thể thấy rõ là mẹ đang đợi xem bố xử lý vụ trinh thám nhà hàng xóm láng giềng của tôi như thế nào. Nhưng vì bố chẳng nói gì cả nên mẹ đành hắng giọng và nói: “Vì sao con không ăn?”

“Vì có… thì có… Con chả biết nói thế nào cho nó đỡ thô bỉ nữa”.

“Cứ nói đi xem nào”, bố giật giọng.

“Thì, bố mẹ biết không, toàn là phân phiếc ấy”.

“Èo, kinh thế!”. Lynetta kêu lên rồi quăng luôn cái dĩa xuống.

“Ý con là phân gà ấy hả?”

“Vâng. Sân sau nhà nó còn chả có cả cỏ nữa cơ. Toàn là đất điếc các thứ với lại, đấy..., phân gà. Mấy con gà toàn giẫm vào, xong còn mổ với bới móc trong đống đấy, với cả…”.

“Gớm quá đi mất!”, Lynetta rú lên.

“Thật mà!”

Lynetta đứng bật dậy và hỏi: “Mẹ nghĩ là nghe xong cái thứ đó mà con vẫn còn ăn được chắc?”, và rồi lao thẳng ra khỏi phòng ăn.

“Lynetta! Con phải ăn cái gì đi đã chứ”, mẹ gọi với theo chị ấy.

“Không, con không ăn đâu!”, chị gào lại; rồi một giây sau, chị ấy thò đầu vào phòng ăn và liếng thoắng: “Và mẹ cũng đừng có mơ là con sẽ ăn bất kỳ quả trứng nào trong cái đống trứng đây. Mẹ đã nghe về khuẩn salmonella* chưa đấy?”

*Salmonella: loại vi khuẩn có thể sống trong đường ruột của người và động vật, và thường là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy.

Lúc Lynetta đi rồi, mẹ quay ra hỏi bố: “Salmonella? Anh bảo, mấy quả trứng này có bị nhiễm khuẩn salmonella không?”

“Anh không cần biết, Patsy. Anh chỉ cần biết con trai mình là một thằng chết nhát”.

“Thằng chết nhát á? Thôi mà Rick. Bryce đâu có thế. Nó là đứa giỏi…”.

“Giỏi sợ con gái”.

“Con đã nói với bố là con không sợ nó. Tại con bé nó cứ làm phiền con đấy chứ!”

“Thế vì sao lại thế?”

“Bố biết thừa còn gì! Nó cũng làm phiền bố còn gì. Việc gì nó chả quá tả!”

“Bryce, bố đã nói là con phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, thế nhưng tất cả những gì con làm là đầu hàng. Nếu con thích con bé thì đã là một nhé. Thích thì đâm ra ngại. Nhưng như thế này thì đúng là quá xấu hổ. Ừ thì nó nói nhiều, ừ thì nó nhiệt tình thái quá trong mọi chuyện. Nhưng như thế thì sao? Con cứ đi vào đường hoàng, rồi đi ra. Thà con cứ đứng trước mặt nó mà khóc rống lên còn đỡ”.

“Anh Ríck…”, mẹ nói. “Anh bình tĩnh lại xem nào. Con nó cũng tìm được câu trả lời cho mấy thứ anh bảo nó hỏi còn gì”.

“Nó có tìm được cái gì đâu!”

“Sao anh lại nói thế?”

“Nó nói với anh tất cả đều là gà! Thì đương nhiên, không là gà thì là con gì? Anh là anh hỏi nó có bao nhiêu con mái, bao nhiêu con trống cơ mà!”

Tí nữa thì tôi nghe não kêu đánh “tách”, và nói thật, tôi thấy mình đúng là thằng đần. Chẳng trách mà bố cáu tiết lên với tôi. Tôi đúng là thằng ngu thật! Tất cả đều là gà… chả thế thì là gì chứ! Thằng Garrett cứ ra vẻ nó là chuyên gia về gà qué, thế mà nó chả biết cái quái gì sất! Sao tôi lại nghe nó cơ chứ?

Nhưng giờ thì muộn rồi. Bố đã nghĩ tôi là một thằng chết nhát, và để tôi có thể hết nhát, bố đã quyết định là tôi sẽ mang hộp trứng sang nhà Baker và nói với nhà đấy rằng nhà tôi không ăn trứng, hoặc là nhà tôi bị dị ứng trứng, hoặc là bất cứ lý do nào.

Thế là mẹ xen vào: “Anh dạy con cái kiểu gì thế? Toàn là nói dối cả. Nếu mà con nó đem trả lại trứng cho người ta thì cứ nói thật có phải hơn không?”

“Cái gì? Nói thật là em sợ khuẩn salmonella ấy hả?”

“Mình em chắc? Thế anh thì không sợ à?”

“Patsy, đấy không phải là vấn đề. Vấn đề là, anh không muốn có một thằng con chết nhát!”

“Thế anh dạy nó nói dối ư?”

“Thế thì cứ vứt hết đi. Nhưng bố nói cho con biết, từ giờ trở đi con phải không được sợ con bé ghê gớm ấy nữa, nghe rõ chưa?”

“Rõ ạ”.

“Rồi, thế thì được”.

Tôi thoát nạn được khoảng tám ngày. Sau đấy con bé lại đến, đúng bảy giờ sáng, nhưng trông nó thật hớn hở phấn khích quá đỗi, mà tôi thì chưa đủ tỉnh táo để xử lý phần tử quá khích như thế. Kết quả là con bé ấy đã ấn được vào tay tôi một hộp trúng nữa, và tôi đã phải vứt cái hộp đó vào thùng rác trước khi bố xuống ăn sáng.

Việc này cứ tiếp diễn như vậy trong hai năm. Hai năm! Đến mức, nó trở thành một phần trong lịch trình buổi sáng của tôi. Tôi sẽ phải canh chừng Juli để còn kịp mở cửa trước khi nó có cơ hội gõ cửa hay bấm chuông, rồi sau đó tôi sẽ vứt trứng vào thùng rác trước khi bố xuống nhà.

Thế rồi cũng đến cái ngày tôi bị lật tẩy. Thực ra có một dạo Juli không mấy khi sang đưa trứng. Đấy là hồi cái cây tiêu huyền bị chặt. Nhưng tự nhiên và một buổi sáng, con bé lại mang trứng sang nhà tôi. Như mọi lần, tôi nhận trứng và đem đi vứt. Nhưng cái thùng rác đã đầy hự nên không tài nào nhét thêm cái hộp vào. Tôi đành để cái hộp lên chốc thùng rác và đem ra ngoài đổ.

Đoán xem ai đang đứng như trời trồng ở hiên nhà tôi?

Con bé Trứng Gà.

Tí nữa thì tôi làm tung tóe hết cả rác ra hiên nhà. “Sao… cậu vẫn ở đây là gì thế?”, tôi lắp bắp hỏi nó.

“Tớ… tớ không rõ. Tớ chỉ đang… nghĩ thôi”.

“Về cái gì?”, tôi cuống quýt. Tôi cần làm cho con bé bị phân tán. Làm nó không chú ý vào cái thùng rác trước khi nó kịp nhìn thấy thứ mà tôi để ở trên chốc thùng.

Con bé quay đi ngượng nghịu. Juli Baker mà biết ngượng ấy hả? Tôi đã nghĩ là không thể nào ấy chứ.

Sao cũng được. Đây chính là cơ hội vàng để tôi vớ lấy tờ tạp chí mềm oặt phủ lên trên hộp trứng đang nằm hớ hênh. Rồi tôi cố gắng phi thật nhanh tới thùng rác trong sân nhưng con bé đã đứng chắn trước mặt tôi. Thề luôn. Nó nhảy xổ ra và dang rộng hai tay như thể đang đứng chắn khung thành vậy.

“Sao thế hả Bryce?”, con bé hỏi. “Trứng bị vỡ à?”

Quá tuyệt. Sao tôi không nghĩ ra cái lý do đó từ trước nhỉ? “Ừ”, tôi nói với nó. “Tớ rất rất xin lỗi cậu”. Nhưng thực ra tôi đang nhủ thầm trong đầu rằng: “Chúa ơi, con xin Chúa đấy. Cho con đi ra chỗ thùng rác đi mà”.

Chắc chắn Chúa đang ngủ nên con bé Juli, rất nhanh gọn, đã lôi được hộp trứng quý báu của nó ra khỏi đống rác, và đương nhiên nó có thể thấy ngay là trứng không hề bị vỡ. Thậm chí còn chẳng có một vết nứt nữa ấy chứ.

Nó đứng chết lặng với hộp trứng trên tay trong khi tôi đi đổ chỗ rác còn lại. “Sao cậu lại vứt trứng đi?”, con bé hỏi nhưng giọng nó nghe chẳng giống giọng Juli Baker tẹo nào. Bé xíu. Và run rẩy.

Và thế là tôi nói rằng nhà tôi sợ bị ngộ độc khuẩn salmonella vì sân vườn nhà nó là một đống lộn xộn, và rằng cả nhà tôi chỉ cố gắng để không làm tổn thương nó. Tôi nói điều đó với nó như thể nhà tôi là kẻ làm đúng còn nó mới là người làm sai, nhưng quả tình tôi thấy mình đúng là một thằng khốn nạn. Một thằng gà thộn khốn nạn.

Rồi con bé nói với tôi rằng, có mấy người hàng xóm đang mua trứng của nó. Mua đấy nhé. Và trong khi tôi còn đang choáng váng với mẩu tin khó lường đó thì nó nhẩm tính vèo vèo trong đầu. “Cậu có biết là tôi đã lỗ những một trăm đô-la khi cho không nhà cậu trứng không?”. Rồi nó chạy vọt qua phố, giàn giụa nước mắt.

Tôi cứ cố tự nhủ rằng tôi, đâu có xin xỏ gì nó mấy quả trứng đâu – tôi đâu có nói là nhà tôi muốn hay cần hay thích thú gì mấy quả trứng đâu – nhưng sự thực là tôi chưa bao giờ thấy Juli khóc cả. Kể cả khi nó bị gãy tay trong giờ thể dục, kể cả khi nó bị trêu chọc ở trường hay bị hai ông anh bỏ bom. Ngay cả khi cây tiêu huyền bị chặt. Tôi chắc chắn là lúc đó nó có khóc, nhưng tôi không nhìn thấy tận mắt. Trong mắt tôi, Juli Baker là một đứa cứng rắn đến mức không bao giờ biết khóc.

Tôi xuống phòng để soạn sách vở đi học mà lòng cảm tưởng như mình đúng là thằng khốn nạn nhất trần đời vừa rơi xuống trái đất. Suốt hai năm trời, tôi đã lén lút đi vứt trứng, giấu diếm con bé, giấu diếm cả bố nữa – mà tôi làm như thế để làm gì chứ? Tại sao tôi lại không thể đứng lên và nói rằng: “Không, tớ không muốn, không cần, không thích trứng đâu… Cậu đem đi mà cho cái con trăn ấy”. Nói cái gì cũng được!

Có thật là tôi sợ làm tổn thương con bé không nhỉ?

Hay đúng hơn là tôi sợ nó?
 
bạn ơi, sao không đăng cùng 1 post mà cứ tách ra từng post riêng vậy ạ? hơi khó theo dõi ??:thinking:
 
×
Quay lại
Top