Bài học về sự chủ quan

ni_na

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/10/2011
Bài viết
354
Bước vào kỳ thi đại học, với lợi thế của học sinh chuyên văn chăm chỉ “dùi mài kinh sử” suốt 3 năm, tôi đặt quyết tâm đạt thủ khoa khối C, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Đây là điều tôi muốn dành tặng mẹ.
Và tôi đã suýt làm được khi đạt á khoa, kém bạn thủ khoa 0,25 điểm. Một phần tư điểm nhỏ bé đã dạy tôi bài học về sự chủ quan, cho tôi suy nghĩ về sự thành công và thất bại của kỳ thi đại học năm đó.
Ở trường cấp 3 Chuyên Quang Trung (Bình Phước), tôi đã có những ngày ôn thi đại học nghiêm túc và hiệu quả. Chúng tôi không học thêm, không học dồn, kiến thức được thầy cô phân bổ để ôn luyện trong 3 năm liên tục và theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, làm bài tập thật nhiều. Vậy nên đến trước kỳ thi, chúng tôi tự tin: “Đề thi hỏi gì thì cũng nằm trong vùng phủ sóng của mình”.
Trước kỳ thi, tôi không ôn một mình mà đến nhà cô bạn thân để hai đứa “bế quan” luyện thi. Cả hai cùng học bài, dẹp bỏ những việc giải trí tốn thời gian như: TV (trừ chương trình thời sự để cập nhật tin tức cho phần nghị luận xã hội môn văn), games, ăn hàng… Cùng nhau học, cả hai có động lực, vui vẻ hơn. Khi tâm trạng thoải mái, tôi chắc chắn bài học đơn giản như một trò chơi.
Ôn bài thế nào cho tốt với khối C? Theo tôi, đó là sự liên kết. Tôi đã liên hệ các sự kiện lịch sử lại với nhau trong một quá trình, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa. Ví dụ, bạn đừng học riêng chiến thắng mùa xuân 1975, mà hãy bắt đầu bằng việc phân tích: những điều kiện thuận lợi và khó khăn của chiến dịch như thế nào từ bối cảnh lịch sử trước đó, chiến thắng này đem lại ý nghĩa gì cho giai đoạn lịch sử sau?
Tôi và mẹ trong ngày tuyên dương học sinh - sinh viên giỏi tỉnh Bình Phước năm học 2009 - 2010. Khi nghĩ đến mẹ với mong muốn làm mẹ tự hào, tôi luôn có động lực để chinh phục tất cả các cuộc thi. Ảnh do tác giả cung cấp.
Cứ như thế, bạn có một “sợi xích” gồm những “mắt xích” là sự kiện, chứ không phải cầm trong tay những “viên sỏi” rời rạc và không biết sử dụng như thế nào? Cũng vậy, với môn địa, hãy tổng hợp những đặc điểm chung của các vùng, các tỉnh và kẻ bảng so sánh để dễ nhìn và dễ nhớ. Môn văn các năm gần đây cũng có xu hướng yêu cầu so sánh, liên hệ các tác phẩm. Vì vậy, bạn không nên quên đặt câu hỏi: Tác phẩm này có chi tiết, đặc điểm, nghệ thuật, nhân vật… giống hoặc ngược với tác phẩm nào khác bạn đã học?
Vậy, sau khi đã liên kết, học sao cho nhớ lâu? Tôi đã dùng sơ đồ tư duy và thực sự thấy hiệu quả. Bạn nên biến bài học thành một bức vẽ với những cách diễn đạt riêng, nhớ những con số bằng một quy tắc nào đó do bạn đặt ra. Theo đó, ngày tháng lịch sử bạn có thể liên hệ với ngày sinh của bạn bè. Vì giai đoạn ôn thi không phải là lúc bạn học thuộc từng chữ trong sách giáo khoa, mà là lúc bạn củng cố “bộ xương” kiến thức cho thật chắc, “khúc xương” nào nằm ở đâu, vai trò nào? Khi đã có “bộ xương” hoàn hảo, việc “đắp thịt” và “điểm trang” sẽ là nhờ kỹ năng viết của bạn.
Ngày đi thi, mẹ đồng hành với tôi và đó là sự cổ vũ rất lớn, vì tôi đi thi với quyết tâm làm mẹ tự hào. Bạn cũng vậy, hãy đặt gia đình, người thân làm động lực cho mình trước. Bạn hãy nghĩ, thành tích cũng chính là niềm vui của cả nhà.
Một điều quan trọng nữa là đừng cầm theo sách để tranh thủ xem bài trước khi vào phòng thi. Theo tôi, điều đó làm bạn có tâm lý chưa thực sự chuẩn bị tốt. Bước vào phòng thi, bạn nên chắc chắn đã mang đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, vứt cây bút xóa ở nhà, chuẩn bị nhiều cây viết cùng loại và hãy nhắc đi nhắc lại trong đầu câu này: “Tôi sẽ đạt điểm tối đa”.
Mặc dù đã ôn tập kỹ lưỡng các nội dung thi, tôi vẫn chủ quan bỏ qua 2 phần trong lịch sử thế giới. Đó là “Quá trình xây dựng và phát triển các nước Đông Nam Á” trước khi ASEAN được thành lập và Cách mạng Lào, Campuchia vì đinh ninh là đề thi không thể hỏi các phần “nhỏ lẻ” như vậy được. Khi mở đề thi, hai câu hỏi lịch sử thế giới trúng ngay vào… hai phần tôi đã bỏ.
Tôi mất 5 phút để choáng váng và bị mất tinh thần. Tuy nhiên, tôi trấn tĩnh, lấy lại quyết tâm, lập dàn bài để cố gắng lấy trọn 7 điểm phần lịch sử Việt Nam. Sau đó, tôi vận dụng hết trí nhớ để làm phần lịch sử thế giới và may mắn đạt 8,5 điểm.
Mặc dù đạt 25,5 điểm cho ba môn thi, nhưng như đã nói, tôi vẫn đứng thứ hai, chỉ kém bạn thủ khoa 0,25 điểm. Tôi thật sự tiếc vì đã không đầu tư và xem bài toàn diện hơn, vì biết đâu nếu không bỏ qua hai nội dung, tôi đã trở thành thủ khoa và mang lại cho mẹ niềm tự hào trọn vẹn hơn.
Bạn cũng vậy, đừng bao giờ chủ quan trong việc ôn thi đại học. Sự chủ quan, lơ là có thể làm bạn đánh mất cơ hội bước vào cánh cửa đại học.
Từ ngày 13/4 đến 31/5, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Mật mã mở cánh cửa đại học" để chia sẻ những trải nghiệm thật của mình trong suốt quá trình học tập, rèn luyện để tham gia kỳ thi đại học; truyền đạt lại những kiến thức nền tảng cho học sinh để có một bài thi tốt, đồng hành cùng các bạn trong việc lựa chọn khối, trường học phù hợp với học lực bản thân...Các tác phẩm dự thi do độc giả VnExpress.net gửi về được thể hiện dưới dạng bài viết trên Word (không quá 1.500 từ) bằng tiếng Việt có dấu. Ảnh minh họa cho bài viết (được gửi file đi kèm, ảnh được nhận dạng có đuôi JPG), không "dán" vào Word và phải có chú thích rõ ràng.
Người dự thi gửi bài thi theo mẫu, xem tại đây.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: duthi@vnexpress.net.
Đặng Nhật Ánh
Nguồn : vnexpress.net
 
×
Quay lại
Top