Bác nông dân giúp bao trò nghèo đậu trường chuyên, đại học

rio_sp

Cầu bao nuôi, hứa sẽ ngoan
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/11/2011
Bài viết
14.548
Một người nông dân nghèo trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá, một người đàn ông tật nguyền đi lại khó khăn, một người thầy không có bằng sư phạm chính quy, chỉ nhờ tự học mà giúp bao lớp học trò trưởng thành, đỗ đạt. Thầy Đặng Tiến Dũng (xã Phúc Đồng, Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi và trao tặng bằng khen, vì những cống hiến thầm lặng mà cao cả của mình…
thay_dung_ben_trang_giao_an-63a29.jpg


Thầy Đặng Tiến Dũng bên trang giáo án.
Từ tình yêu người cha đến tình thương người thầy
Thầy Đặng Tiến Dũng sinh ra trong gia đình nghèo ở nơi mùa nắng bỏng rát gió lào, mùa mưa lũ dâng ngập đồng ngập ruộng. Năm vào lớp một, thầy mắc bệnh hiểm nghèo khiến nửa người dưới bị liệt. Cha mẹ đưa thầy đi chữa chạy khắp nơi. Tốn bao tiền của, cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại vĩnh viễn chịu cảnh tàn phế.
Bị giày vò vì bệnh tật, nhưng thầy chưa bao giờ từ bỏ việc học. Trong những tháng ngày chữa trị ở bệnh viện 108, thầy Dũng vẫn chăm chỉ tự học, có gì khó lại nhờ những anh thương binh cùng phòng chỉ bảo, dạy thêm. Đến năm lớp 9 (tức lớp 11 hiện nay ), do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với sức khỏe yếu, thầy đành phải nghỉ học đi làm.
Thầy từng làm đủ mọi nghề từ thông tin xã, văn hóa xã rồi chuyển sang làm ruộng, làm mộc, làm lâm nghiệp. Ban ngày bươn chải với công việc, ban đêm thầy Dũng trở thành bạn đồng hành với con gái mình bên trang vở và ngọn đèn dầu.
Thấy con buồn vì không có điều kiện đi học thêm như bạn bè, thầy khổ công tự học, nghiên cứu sách vở để hướng dẫn, dạy con. Hai cha con cứ thế cùng học với nhau từ năm con chập chững lớp một, đến thời điểm thi ôn thi đại học. Thành quả đầu tiên mà con gái thầy nhận được sau bao nhiêu nỗ lực là bằng khen học sinh giỏi cấp tỉnh rồi tờ giấy mời nhập trường Đại học Công nghệ thông tin TP HCM. Đó là niềm an ủi vô cùng lớn lao dành cho người cha như thầy Đặng Tiến Dũng.
Thế rồi, tiếng lành đồn xa, một số gia đình trong làng, trong xóm đưa con đến nhờ thầy kèm cặp, dạy dỗ. Những năm đầu, thầy Dũng nhận dạy những học sinh yếu kém, học sinh lưu ban, học sinh thi trượt vào trung học phổ thông, học sinh nghèo không có điều kiện đi học thêm ở trường, lớp. Nhà thầy khó khăn nên điều kiện dạy vô cùng thiếu thốn. Thầy dựng một cái lán ở tạm nhường căn nhà chính cho học sinh có chỗ học hành, nghỉ ngơi.
Từ năm 1994 tới nay đã 18 năm đứng lớp, thầy Dũng đều tâm niệm luôn dạy vì nguyện vọng của anh em, họ hàng, làng xóm chứ không vì lợi lộc, hay để tăng thu nhập cho gia đình. Người dân cũng vì mến cái tâm, tin cái tài của thầy mà gửi con mình cho thầy dạy dỗ. Mỗi em chỉ góp 5.000 đồng một buổi học để mua bút giấy, phấn bảng. Thậm chí, có học trò nghèo, thầy miễn luôn số tiền này...
Có một học sinh nghèo quê ở Phương Điền (Hương Khê, Hà Tĩnh) tâm sự với bạn bè, muốn đi học nhưng không có tiền đóng học phí. Thầy miễn học phí để em tới lớp. Nhưng em cũng không thể theo học lâu dài vì nhà quá xa mà không có phương tiện đi lại, thầy tặng chiếc xe đạp duy nhất trong nhà cho em.
Một người nông dân thuần phác vì yêu con mà mày mò tự học, giúp con thành tài, vì thương trò nghèo hiếu học mà nhận dạy miễn phí, chắp cánh cho những ước mơ được bay xa. Tấm lòng nhân văn, cao thượng như thầy Đặng Tiến Dũng thật hiếm có ở đời này.
Thầy trò thân thiết như gia đình là phương pháp học tốt nhất
Lớp lớp học sinh dưới bàn tay dạy bảo của thầy Dũng đều trưởng thành, đạt những kết quả khả quan. Nhiều em thi đậu vào trường chuyên, lớp chọn, và nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Những thành tích đáng tự hào mà bất kì ai theo đuổi nghề giáo đều mong muốn chính là sự khẳng định cho phương pháp dạy học tưởng như giản dị nhưng lại đầy sâu sắc của người thầy nghiệp dư Đặng Tiến Dũng.
thay_dung_ben_lop_hoc_tinh_thuong-63a29.jpg
Quá trình dạy học của thầy Dũng không theo giáo án bài bản nào. Đêm thầy tự học, ngày hướng dẫn, kèm cặp học trò. Khi trò hỏi một bài toán khó, thầy tìm tòi, nghiên cứu cách giải rồi chỉ bảo cho trò trong buổi học sáng mai.
Học trò ở mỗi vùng tư duy khác nhau, nên cũng cần có một cách truyền đạt khác nhau. Sau bao nhiêu năm đứng lớp, thầy Dũng âm thầm tích lũy kinh nghiệm rồi viết riêng nhiều loại giáo án cho từng nhóm học trò của mình. Các giáo án đều được thầy viết bằng tay, cẩn thận, tỉ mỉ, phân loại rõ ràng theo từng cấp học.
Thầy nói, đó là thầy học từ chính học trò mình. Bởi sự tận tâm và nhiệt huyết của thầy mà học trò đã tìm được sự hăng say trong việc học...
Nhiều người hỏi bí quyết dạy học của thầy Dũng là gì nhưng thầy chỉ cười hiền lành, nói thực ra chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Chỉ là thầy luôn dành thời gian và sự tận tâm cho trò mọi nơi, mọi lúc. Người thầy phải là bạn, là gia đình, là chỗ dựa để học sinh của mình luôn tìm về mỗi khi gặp khó khăn, khúc mắc.
Có những hôm đang làm ruộng giữa buổi trời nắng chang chang, trò đi học về có bài toán khó chưa làm xong liền lao xuống ruộng tìm thầy. Thầy trò cứ thế quên cái nắng, cái mệt của trưa hè, hăng say xoay vần cùng con số. Học trò ở xa, thầy mời ở lại nhà, cùng ăn, cùng làm, cùng học.
"Gặt" mùa" hạnh phúc
Những ngày 20/11, phụ huynh, học sinh, và bà con xóm làng đều tổ chức một buổi lễ tri ân trang trọng như ở trường chúc mừng thầy. Học sinh đọc bài phát biểu, tặng hoa cho thầy.
Là một người tật nguyền, không có bằng cấp, nhưng những gì thầy đã làm đều khiến mọi người cảm động và biết ơn. Bản thân thầy Đặng Tiến Dũng, với những công lao trong sự nghiệp trồng người của mình, cũng nhận được bằng khen Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Thủ tướng Chính phủ.
Dù thầy Dũng chưa bao giờ nhận mình là một giáo viên, cũng không cho học sinh gọi một tiếng “Thầy” vì nghĩ rằng mình chưa xứng đáng nhưng ai cũng đều biết, đều hiểu thầy xứng đáng với danh hiệu cao quý đó hơn bất cứ người nào.
Theo Thu Phương
Pháp luật Việt Nam
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top