Bà - người vun đắp yêu thương

dakazino

Ngày mai của những ngày mai
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/4/2013
Bài viết
1.689
Trong kí ức của tôi, mỗi khi tôi cảm thấy buồn, sẽ có một bàn tay ôm tôi vào lòng, thủ thỉ cho tôi nghe những câu hát và những câu chuyện cổ tích. Bàn tay to và thô ráp ấy cứ theo tôi mãi cho đến bây giờ, dù không còn có cơ hội chạm vào bàn tay ấy nhưng hơi ấm của nó vẫn vương mãi trong tôi, bảo bọc, che chở những lúc tôi gần như gục ngã. Bà tôi-đôi bàn tay ấy thật kì diệu.

Đã tám năm trôi qua sau khi bà tôi vĩnh viễn biến mất khỏi thế gian này, tôi vẫn là một nữ sinh bình thường, vui vẻ và sôi nổ. Nhưng sau tất cả, để có được tôi của ngày hôm nay, một phần rất lớn là nhờ người bà quá cố của mình.

Tôi ngày trước là một cô bé tự ti với chính mình, cảm thấy mình chẳng khác gì một con vịt xấu xí, một tác phẩm thất bại của tạo hóa, những suy nghĩ tiêu cực ấy cứ theo tôi mãi, bị bạn bè chọc ghẹo, chê cười, tôi chỉ biết im lặng cúi đầu không nói một lời. Ba mẹ tôi làm giảng viên Đại Học nên ít khi nào quan tâm đến tôi, tôi luôn cảm thấy cô đơn và hiu quạnh trong căn nhà rộng thênh thang, chứng trầm cảm của tôi từ đó đã phát sinh.

Sau khi biết tôi bị bệnh trầm cảm, ba mẹ rất lo, bà nội tôi liền lật đật tới hỏi thăm và hứa rằng sẽ chăm sóc tôi nên mọi người đừng quá lo lắng. Lúc đầu tôi còn e ngại vì mặc dù là bà nội nhưng trong kí ức tôi không có nhiều kỉ niệm về bà. Tôi vẫn lẳng lặng đi học rồi đi về, nhưng có sự thay đổi là những lúc tôi đi học về bà ôm chầm lấy tôi, xoa xoa đầu cười trò chuyện, tôi chỉ trả lời qua loa. Tôi cảm thấy khó khăn nhưng dần dần thành thói quen, mỗi khi đi học về là theo phản xạ đến ôm bà đợi bàn tay bà xoa xoa cái đầu nhỏ nhắn của mình.

Bàn tay bà làm nên mọi thứ, lúc tôi bệnh cũng là đôi bàn tay và tấm lòng cả bà chăm sóc cho tôi từng chút một, cũng chính đôi bàn tay của bà đã dẫn tôi vào những câu chuyện cổ tích bất tận, và quan trọng rằng đôi bàn tay ấy đã kéo tôi ra khỏi bóng ma trầm cảm bên trong.

Bà hay kể tôi về cái ngày chiến tranh, về những người thanh niên dũng cảm, mở đường và dành lại chiến thắng cho đất nước. Bà hay dặn tôi hãy thực tế, không nên nhút nhát và sợ hãi vì nếu càng như vậy, những kẻ ăn hiếp mình sẽ cảm thấy thích thú và cứ bắt nạt mình. Không nên vì một lần vấp ngã mà suy tạt ra tất cả đều như vậy, nhiều lúc tôi tự hỏi bà nội có phải là bà tiên hay không?

Tôi bắt đầu vui vẻ, tôi dần biết chủ động trong mọi thứ, không ai có thể bắt nạt tôi được nữa, mỗi khi đi học về, dù là ai tôi cũng sẽ kể cho họ nghe về những gì tôi đã thấy được, đã trải qua khi học cũng như giờ ra chơi. Bạn bè tôi ngày càng nhiều, chính vì tính cách ấy đã khiến tôi lọt vào một trong những học sinh được huấn luyện để trở thành thành viên ban chỉ huy liên đội lúc ấy.

Ba mẹ tôi dần dần giành nhiều thời gian cho tôi hơn, tôi cảm thấy căn nhà to lớn này dần ấm lên, tiếng nói, tiếng cười vang khắp cả nhà. Tôi lúc ấy cũng đã không ngủ chung với ba mẹ nữa mà quấn quít bên bà nội, như một cục nam châm, tôi không có khả năng cách xa bà một ngày vì lúc ấy tôi sẽ khóc vì nhớ bà. Nhiều lúc bà xoa đầu tôi cười nói :”nếu một ngày bà không ở đây nữa thì sao?” tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời :”con sẽ kiếm bà dù bà có ở đâu đi chăng nữa”. câu trả lời của tôi ngây ngô không biết rằng, sau ấy bà rời xa tôi, rời xa thế giới của tôi vĩnh viễn.

Bà bắt đầu không đi đứng nữa, chỉ nằm một chỗ, bác sĩ nhà tôi tới nhà khám bệnh cho bà, tôi nghe loáng thoáng là bệnh tiểu đường. Ngày trước tôi có xem ti vi người ta nói bệnh tiểu đường nếu không phát hiện kịp sẽ không còn cách. Tiếc rằng lần này gia đình tôi đã phát hiện quá trễ. Đưa bà vào bệnh viện thì tôi và cả nhà biết rằng bà phát sinh nhiều bệnh khác, nằm trong phòng bệnh sau nhiều lần phẫu thuật khiến bà ốm dần, bà phải dùng ống thở, thức ăn giờ phải đưa trực tiếp qua ống dẫn vào dạ dày, nhìn bà yếu đi hàng ngày nhưng khi thấy tôi bà vẫn nở nụ cười, cố gắng xoa đầu tôi rồi nghe tôi kể chuyện ở lớp.

Ngày hôm đó bà nói với tôi rằng:”bà sẽ đến nơi rất xa, xa lắm, cháu sẽ không kiếm bà được đâu, nên đến lúc đó cháu không được khóc nhé, bà vẫn bên cháu nhưng cháu sẽ không thấy thôi, bà đi xa nhưng người bà lo nhất là cháu, bà sợ cháu sẽ bị căn bệnh ấy làm phiền một lần nữa. Hứa với bà không được buồn quá lâu nhé?” dù mới ngần ấy tuổi nhưng tôi có cách suy nghĩ chính chắn hơn mọi đứa trẻ khác, tôi cũng biết ngày ấy cũng đến, người già rồi sẽ tới một nơi gọi là thiên đàng, nơi có ánh hào quang bao bọc, tôi nhìn bà rồi gật đầu, không nói gì thêm, bác sĩ cùng y tá đưa bà vào phòng phẫu thuật và ca phẫu thuật ấy bà đã không qua khỏi.

Bà bỏ tôi lại trên cuộc đời này, nhưng tôi không buồn quá lâu như lời nói ấy, mỗi lần đi học về, nhìn di ảnh của bà bỗng cổ họng tôi nghẹn lại, lau khóe mắt sắp khóc ấy, tôi mỉm cười vì biết bà đang nhìn tôi, nhìn tôi từ một thế giới khác, quan sát tôi mỗi khi vấp ngã, nhìn tôi học cách tự đứng dậy, kiên cường. Một tay bà đã tạo ra tôi một con người hoàn toàn mới, chính bà là động lực khiến tôi nhìn thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Chính bà là người luôn xuất hiện trong mỗi giấc mơ của tôi. Bà vẫn ở đây, rất gần với tôi, chỉ có điều tôi không thấy bà mà thôi, tôi muốn ôm chầm lấy người bà kính yêu, dành tặng bà những nụ hôn, những lời cám ơn sâu sắc nhất, nhưng có lẽ không kịp mất rồi, phải không bà?

...ZBlog...
 
×
Quay lại
Top