Anh yêu em bằng tình yêu tổ quốc

hoanganh221

Thành viên
Tham gia
28/8/2021
Bài viết
3
Tình yêu là một khái niệm gì đó rất cao cả. Vì khi yêu, chúng ta chấp nhận bỏ qua tất cả, lấy sức mạnh của tình yêu chiến thắng gian nan và thử thách. Chuyện tình của tôi và em là một câu chuyện như vậy. Yêu nhau một cách khó khăn, nắm tay nhau vượt qua bão táp để rồi vỡ òa trong hạnh phúc ngọt ngào khi bước qua con đường đầy chông gai đó. Gửi tới những con người đang gặp khó khăn trong tình yêu, gửi các bạn câu chuyện của những con người trẻ tuổi để yêu nhau hơn, hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau hơn.

Hà Nội, một buổi chiều mùa thu trời trong trẻo, hương hoa sữa thoang thoảng trong gió chiều, dường như mùi hương đó đã làm nên nét đặc trưng của mùa thu đất thủ đô. Tôi dạo bước trên phi trường của Lữ đoàn vận tải đường không 918, nhìn hoàng hôn đỏ chói dưới góc trời, phong cảnh mùa thu miền bắc thật là khiến lòng ta mê say. Bỗng nhiên chuông điện thoại reo lên, tôi dừng bước lấy điện thoại ra. Thì ra là Trang, tôi nhấc máy:

- Anh đây! bé Gấu nhớ anh rồi à?

- Anh đi được hai tháng, mười một ngày, sáu giờ rồi. Không nhớ anh làm sao được.

- Cuối tháng này anh về với bé Gấu của anh nhé!

- Anh đừng thất hứa đấy, em đợi anh về.

- Chờ anh nhé bé yêu!

- Anh về lần này em sẽ không cho anh đi nữa đâu.

Nói xong, cô ấy cúp máy. Tôi thở dài nhìn về phía góc trời, nhớ về chuyện của chúng tôi. Một câu chuyện tình cảm trải dài trên hoa hồng gai. Chuyện tình đầy gian nan và thử thách nhưng cũng thật ngọt ngào và đầy say đắm. Trang là người con gái tôi yêu nhất cuộc đời này và sẽ không ai khác có thể thay thế vị trí của cô ấy trong lòng tôi.

Tôi là một sĩ quan Không quân, mang cấp hàm trung úy, là một phi công của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mọi người hay nói rằng làm phi công quân đội là tự hào lắm. Nhưng người ta đâu có biết để đổi được niềm tự hòa đó là mồ hôi và công sức, là máu và nước mắt. Thực ra Trang là con gái của một liệt sĩ, bố cô bé là thầy của tôi. Một bi kịch đã xảy ra đầy đau đớn, nó dường như đánh gục hoàn toàn tôi, gần như làm tan vỡ cả những hoài bão và tình cảm của tôi. Câu chuyện xảy ra vào sáu năm trước.

Năm đó, Trang mới chỉ là một cô bé mười sáu tuổi, còn tôi là một chàng học viên hai mươi tuổi. Tôi gặp cô ấy lần đầu khi đến nhà thầy trong một buổi nghỉ phép. Từ lần đầu gặp cô ấy, tôi dường như bị trúng tiếng sét ái tình vậy. Một cô gái mười sáu tuổi với mái tóc dài, làn da trắng trẻo, phong cách ăn mặc hiện đại đầy trẻ trung, giọng nói của em ngọt ngào theo nét đặc trưng của người dân nam bộ, làm cho một chàng học viên trẻ người bắc như tôi tràn đầy xao xuyến. Những ngày sau đó, tôi luôn tìm lí do để có thể đến nhà thầy vào mỗi dịp trường cho học viên nghỉ. Tôi và em thân dần với nhau, tôi kèm em học, hát cho em nghe, tâm sự với em mỗi khi buồn. Cứ như vậy rồi chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay.

Sáng hôm đó, Trang theo bố cô ấy vào doanh trại (trung đoàn 910 Nha Trang) là nơi chúng tôi đang huấn luyện để làm bài thu hoạch trên trường nhưng em ấy lại không cho tôi biết rằng em ấy sẽ đến. Tôi đang ngồi ở sân giảng đường viết lại quy trình bay và đọc lại lí thuyết vừa học hôm qua thì thằng Quang bạn thân của tôi gọi giật giọng một tiếng làm tôi giật bắn mình:

- Minh! Mày nhìn xem bóng hồng nào đang đi bên cạnh thầy Nghĩa thế kia?

Tôi quay ra gắt:

- Mày làm tao giật cả mình rơi hết chữ rồi đây này!

Nó thì hình như chẳng quan tâm lời tôi nói. Mấy chục đứa đang lộn xộn thì bỗng nhiên im bặt, mắt dán về hướng thầy Nghĩa. Tôi cũng tò mò ngẩng cổ lên nhìn. Một hình bóng quen thuộc với mái tóc dài óng ả, làn da trắng trẻo đang đi về hướng chúng tôi. Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra em và dường như em cũng nhận ra tôi. Em chạy thật nhanh về phía tôi và nắm lấy tay tôi và cười rất tươi, nụ cười đó là nụ cười đẹp nhất của một người con gái tuổi mười sáu mà tôi thấy, em nói:

- Anh Minh! Sao hai tuần nay không thấy anh đến nhà em?

Tôi không đáp lời, chỉ mở to mắt nhìn các bạn và thầy. Đáp lại ánh mắt của tôi là ánh mắt kinh ngạc của bọn thằng Quang. Dường như biết tôi nghĩ gì, thầy Nghĩa lên tiếng:

- Trang! Các anh đang trong giờ học đấy con.

Em lại nhìn tôi cười ngượng ngùng rồi quay lại đứng cạnh thầy. Thầy nói:

- Sau giờ huấn luyện buổi sáng, có ai rảnh thì dẫn con gái tôi đi tham quan một vòng doanh trại được không?Tôi có việc phải lên trung đoàn gấp.

Bọn con trai chúng tôi nhao nhao lên, nhưng Trang nhìn tôi và nói với thầy: “Để anh Minh đưa con đi được không ạ?”. Thầy quay sang tôi:

- Ý đồng chí thế nào?

Tôi không một chút lưỡng lự đáp ngay:

- Thưa thầy chuyện nhỏ ạ!

Thế là sau giờ huấn luyện sáng hôm đó, tôi đưa Trang đi xem doanh trại của trường Sĩ Quan Không Quân nhưng chủ yếu là chúng tôi nói chuyện với nhau, em hỏi tôi:

- Anh đã từng yêu ai chưa?

- Anh chưa. Sao lại hỏi anh thế?

- Tại em thấy anh nói chuyện vui tính như thế, lại còn là con trai Hà Nội nữa.

Tôi cười:

- Không tin sao còn hỏi anh?

- Thì em muốn biết thôi. Anh có người yêu rồi em cũng đập chậu cướp hoa nhé

Tôi quay sang em cười thật tươi: “Anh nhìn giống hoa có chậu lắm à?”

Em cười thẹn thùng rồi quay mặt đi mà không nói gì nữa. Tôi đưa Trang dạo bước trên phi trường của học viện trong ánh nắng ấm áp của buổi chiều thu. Chúng tôi đi bên nhau như hai trái tim hòa chung nhịp đập. Bỗng nhiên em quay sang hỏi tôi:

- Tại sao anh lại chọn làm một phi công chiến đấu?

Tôi quay sang nhìn chiếc máy bay L39 ở trong hầm, nói một câu đầy tự hào:

- Vì bầu trời tổ quốc cần có anh, anh yêu bầu trời này.

Em hỏi lại tôi:

- Vậy còn em?

Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi táo bạo của em vì chúng tôi tuy rằng có tình ý với nhau nhưng chưa hề nói lời yêu. Tôi bối rối trước câu hỏi của Trang, nhìn vào đôi mắt long lanh và trẻ trung của em, lấy hết dũng khí tôi trả lời em:

- Anh yêu em cũng như anh yêu bầu trời vậy, anh bảo vệ bầu trời vì anh yêu bầu trời. Anh bảo vệ tổ quốc vì đó là sứ mạng của anh. Anh bảo vệ em vì anh yêu em.

Nói xong, tôi đặt lên đôi môi đang nở nụ cười với vẻ đẹp đầy trẻ trung đó một nụ hôn nồng cháy đầy ngọt ngào dưới cái nắng ấm áp của phi trường rộng lớn đã nở ra một tình yêu và ít ai biết tình yêu đó sẽ gắn liền với một bi kịch ám ảnh tôi suốt những năm sau đó. Sau khi đưa em ra đến cổng trung đoàn là lúc ba giờ chiều, đang chuẩn bị tạm biệt em thì tiếng còi báo động chiến đấu vang lên từng hồi. Chỉ kịp nói một câu với em: “Anh có nhiệm vụ!” rồi quay mặt chạy đi, tôi nghe thấy tiếng em vọng lại:

- Anh phải trở về bình yên cho em!

Giọng nói pha chút lo lắng đó in sâu vào tâm trí tôi, tôi tự nhủ: “Nhất định anh sẽ về, đợi anh!”. Tôi chạy nhanh về phòng trang bị thay đồ rồi chạy ra sân tập trung nghe mệnh lệnh. Mệnh lệnh của chúng tôi là diễn tập bay thường trực. Nghe phổ biến mệnh lệnh xong, chúng tôi gồm mười bảy tổ bay, mỗi tổ bay là một sĩ quan chỉ huy và một học viên. Chúng tôi lên xe tiến ra phi trường, bốn chiếc xe chở trên đó là sức trẻ, là những trái tim đỏ đang đập vì tổ quốc, hừng hực khí thế của một đoàn quân ra trận. Chiều hôm đó, thầy Nghĩa là sĩ quan chỉ huy bay trực tiếp với tôi. Nhưng có lẽ đó là điều làm tôi áy náy nhất và hối hận nhất. Chiếc máy bay số hiệu 327 được đưa ra khỏi hầm tránh bom đến đường băng, thầy Nghĩa đến vỗ vai tôi:

- Đồng chí sẵn sàng chưa? Thầy trò chúng ta bay đầu tiên.

Tôi và thầy bước lên khoang lái của chiếc L39. Tôi nhìn bầu trời sau đó cúi xuống nhìn ngực áo, nhìn lá quốc kì in sâu trên trái tim tôi. Khởi động hệ thống liên lạc, tôi tiến ra đường băng. Tôi cất cánh một cách thuận lợi, chưa bao giờ tôi cất cánh một cách hoàn hảo đến như vậy. Nhưng có ngờ đâu đó là lần cuối tôi có thể lái phi cơ phản lực. Số hiệu của tôi trong nhiệm vụ đó là 06. Tiếng thầy Nghĩa nói trong bộ đàm:

- 06 nâng độ cao một ngàn mét!

- 06 nghe tốt! (tôi đáp).

Thầy lại tiếp tục ra lệnh:

- 06 chuẩn bị thoát li bổ nhào! Nghiêng trái sáu mươi độ!

- 06 nghe tốt! (tôi đáp).

Mọi chuyện tưởng chừng rất êm đẹp cho đến khi tôi nâng độ cao lên một ngàn năm trăm mét. Một đám mây giông tiến lại gần tôi, tiếng thầy Nghĩa ra lệnh:

- 06 hạ độ cao tránh mây giông!

- 06 nghe tốt!

Tôi hạ cần lái giảm độ cao nhưng “Rầm!” một tiếng, cánh tà bên phải của máy bay bị sét của mây giông đánh trúng, làm cánh tà bị hư hại nặng và bốc cháy. Tôi lúc đó mới chỉ là một học viên năm thứ hai nên vô cùng hoảng loạn, tay vẫn nắm chặt cần lái nhưng hồn thì đã như không còn trong thể xác nữa. Chiếc máy bay liệng trên bầu trời Nha Trang một cách vô định. Bộ đàm của trạm không lưu vang lên bên tai tôi:

- Thiên Sơn gọi 06! Thiên Sơn gọi 06!

Tiếng bộ đàm nhỏ dần rồi chỉ còn lại tiếng rè rè. Thầy Nghĩa hét vào bộ đàm ra lệnh:

- 06 bình tĩnh! Minh! Em bình tĩnh lại cho thầy, vì bố mẹ em, vì Trang.

Tôi chợt bừng tỉnh trong nỗi sợ hãi:

- 06 nghe tốt! Thưa thầy! Em phải làm gì ạ?

- Ép chặt cần lái! Kéo cánh tà bên trái lên, xả nguyên liệu làm nhẹ máy bay!

Tôi nhanh tay kéo cần lái ép chặt lại, bấm nút xả nguyên liệu. Trong đầu tôi bỗng nhiên vang lên tiếng nói: “Anh phải trở về bình yên cho em!”. Như không còn cách nào khác, thầy Nghĩa ra lệnh một cách đầy khó khăn:

- 06 chuẩn bị nhảy dù!

- Vậy còn thầy thì sao ạ?

- Tôi ra lệnh cho đồng chí nhảy dù!

- Nhưng…

- Chấp hành mệnh lệnh!

Trong đầu tôi trống rỗng, tôi đã quyết tâm sẽ cùng điều khiển máy bay đáp đất với thầy nhưng thầy hạ giọng nói với tôi một cách chân thành như những lời tâm sự:

- Thầy chỉ còn một mình Trang là người thân thôi. Mẹ con bé mất sớm, tuổi thơ của con bé đã đủ bất hạnh rồi. Em giúp thầy chăm sóc nó nhé, em phải sống. Thầy không thể nhìn con bé mặc váy cưới rồi. Trang cần em, tổ quốc cần em. Nhảy đi!

Tôi nước mắt giàn giụa, một chàng trai hai mươi tuổi bông dưng bật khóc như đứa trẻ con. Lòng tôi đau như cắt như có ai dung dao cứa vào vậy. Tôi kéo cần, khoang lái trước bắn ra, tôi bung dù và nhìn thầy cùng chiếc máy bay rơi xuống. Thầy đã không rời máy bay, thầy cố gắng dùng chút sinh mạng cuối cùng điều khiển máy bay ra xa khỏi khu dân cư. Chiếc máy bay rơi và phát nổ. Hình ảnh đó đó đã in sâu vào tâm trí tôi một ám ảnh đầy đau đớn. Người thầy đáng kính nhất của tôi đã hi sinh rồi. Sau khi lo hậu sự cho thầy, Trang đến tìm tôi:

- Tại sao? Tại sao anh bỏ mặc bố em vậy?

Tôi không biện minh cho mình vì chính tôi cũng đang hận chính mình vì chọn nhảy dù lúc đó. Trang khóc nức nở rồi quay mặt bỏ đi, suốt những ngày sau đó tôi xin nghỉ phép và đến chăm sóc em. Em không chấp nhận tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt đầy tuyệt vọng. Tôi chỉ bết buồn và nhìn em đầy thương xót. Một cô gái mười sáu tuổi trải qua một nỗi đau quá lớn. Tối hôm sau, tôi chờ em xuống nhà, mặt đối mặt. Tôi ôm chặt em, dường như vỡ òa, em gục vào vai tôi mà khóc, em nói trong tiếng nấc:

- Anh… Anh đừng làm phi công nữa, em không thể mất anh được, mất anh thì em không biết là em sẽ sống ra sao nữa!

Tôi ôm chặt em, đặt một nụ hôn lên trán em và nói:

- Bố em trước khi mất có nói với anh rằng, tổ quốc cần anh. Bầu trời cần anh!

Em ôm chặt lấy tôi:

- Em mặc kệ! Em cũng cần anh! Em không cho anh đi nữa.

Nỗi ám ảnh đó in sâu vào tâm trí tôi khiến tôi cả quãng đời sau này cũng không thể bước vào khoang lái của phi cơ chiến đấu nữa, nhưng với tình yêu tổ quốc và yêu bầu trời tôi đã quyết định ở lại. Tôi làm đơn xin chuyển đơn vị lên trung đoàn, trung đoàn 910 quyết định chuyển tôi qua trung đoàn 915 là trung đoàn đào tạo về máy bay trực thăng. Tôi cũng rất khó khăn để khuyên được Trang với lời hứa rằng sau mỗi chuyến bay, tôi phải trở về lành lặn và an toàn. Tình cảm của chúng tôi ngày càng ngọt ngào và sâu đậm hơn. Tôi chăm sóc cho em vì tôi yêu em và vì lời hứa với người thầy đáng kính, chúng tôi dần trở thành một nửa không thể thiếu của nhau. Ba năm sau, tôt tốt nghiệp và được phân đến công tác ở lữ đoàn 918 ngoài miền bắc (quê hương Hà Nội của tôi). Ngày tôi đi, em tiễn tôi ra sân bay, đặt lên môi em một nụ hôn nồng cháy cùng với một lời hứa:

- Anh sẽ về thăm em. Đợi anh!

Lần tiếp theo tôi về sẽ đón Trang ra bắc để cầu hôn em. Đã đến lúc cho em một cái kết đẹp cho những năm vừa sống vừa lo lắng cho tôi, mẹ em mất sớm, bố em cũng hi sinh vì tôi, người con gái ấy là cuộc sống của tôi, là động lực để tôi phấn đấu, em là tổ quốc của tôi. Tổ quốc của tôi gánh trên vai, hình bóng của em tôi để trong tim. Em đã từng nói với tôi:

- Anh cứ yêu tổ quốc của anh, để em yêu anh là đủ. Bầu trời kia của anh, trái tim anh là của em.

Tình yêu có những lúc thật kì diệu. Sẽ có lúc bạn nhận ra tình yêu là một điều gì đó cao cả để chúng ta sẵn sàng vì nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau chỉ để được yêu nhau. Những người lính cũng vậy, họ là những con người có hai tình yêu. Một tình yêu nước và một tình yêu em. Trái tim họ để ở lại nhưng khi tổ quốc gọi, họ sẽ đáp lời.
 
×
Quay lại
Top