5 điểm yếu lớn nhất của Microsoft

dALo

Kẻ lang thang đi ngang cuộc đời ...
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/4/2011
Bài viết
4.051
Không chỉ mất ngôi doanh nghiệp CNTT lớn nhất thế giới vào tay đại kình địch Apple, vị trí thống trị trong việc cung cấp phần mềm cho người tiêu dùng của Microsoft cũng đang lung lay. Sau đây là 5 nguyên nhân chính.

Microsoft chắc chắn vẫn nằm trong tốp các công ty lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm khoảng 70 tỷ USD và hiện sở hữu 11 sản phẩm tuyệt vời có khả năng sinh lời ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm. Nhưng các lĩnh vực sau đây được giới phân tích nhận định như những “sơ hở chết người” của tập đoàn này trong việc duy trì vị thế hiện tại. Đó là các lĩnh vực: tìm kiếm, trình duyệt web, thiết bị di dộng, phần mềm máy chủ web và thậm chí cả thị trường hệ điều hành máy tính để bàn.



1. Tìm kiếm
Hãy bắt đầu với những gì dễ nhìn thấy nhất. Việc mọi người đã quen sử dụng từ “Google” như một động từ chỉ hoạt động tìm kiếm trên mạng đủ cho thấy con đường tới thành công của cỗ máy tìm kiếm con đẻ của Microsoft còn xa xôi diệu vợi như thế nào, ngay cả để bắt kịp vị thế cả Google chứ chưa muốn nói là vượt lên.
Trong một báo cáo tài chính mới đây của Microsoft, lĩnh vực Dịch vụ trực tuyến bao gồm Bing và MSN là hai dịch vụ vẫn bị lỗ với khoản tiền lên tới 2,6 tỷ USD trong vòng 1 năm qua. Bing đã đạt được thỏa thuận cung cấp máy tìm kiếm cho Yahoo từ rất sớm, ngoài ra nó cũng có một ứng dụng hấp dẫn dành cho iPad. Hơn thế nữa, Bing còn được đánh giá cao về độ chính xác và hiệu quả tìm kiếm trong nhiều nghiên cứu. Song có vẻ tất cả những điều đó không giúp cho Bing đấu lại được với Google hiện đang giữ 2/3 thị phần tìm kiếm ở riêng nước Mỹ và 80% thị phần tìm kiếm toàn cầu.
Microsoft quả là có nhiều lý do để “thù địch” với Google khi gã khổng lồ trẻ của Thung lũng Sillicon tỏ ra tích cực trong việc dùng nguồn tiền dồi dào kiếm được từ lĩnh vực quảng cáo dựa trên từ khóa tìm kiếm đầu tư vào những lĩnh vực cạnh tranh với Microsoft như trình duyệt web (Chrome) và hệ điều hành dành cho thiết bị di dộng (Android). Ở chiều ngược lại, quân bài chiến lược cạnh tranh với Google trong lĩnh vực tìm kiếm của Microsoft là Bing tỏ ra quá yếu kém. Một cựu giám đốc chương trình Windows của Microsoft, Wes Miller (hiện đang là phó chủ tịch của Directions on Microsoft) nói: ”Microsoft đang bị tụt lại quá xa và sẽ còn phải trầy trật trên con đường đau khổ này. Hiện giờ người dùng nghĩ tới Google khi có nhu cầu tìm kiếm như một sự hiển nhiên và thật khó để thay đổi điều đó. Microsoft sẽ còn tiếp tục tiêu tốn vô khối kinh phí vào lĩnh vực tìm kiếm trước khi tập đoàn này có được một thứ gì đó thực sự cạnh tranh được với cỗ máy tìm kiếm của Google.
Bên cạnh vấn đề lợi nhuận đến từ quảng cáo, việc Microsoft nhảy vào lĩnh vực tìm kiếm này cũng chính bởi vì Google đang trở thành một quyền lực hiển nhiên trên Internet theo đúng cách mà Microsoft thực hiện được trong lĩnh vực máy tính cá nhân. Bình luận vấn đề này, Microsoft cho biết: “Bing là một sản phẩm nhắm vào mục tiêu dài hạn. Bing sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào việc tạo ra các trải nghiệm mới hấp dẫn cho người dùng. Hiện Bing đang hoạt động tốt và có mức tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo thị phần mới nhất của comScore thì Bing tiếp tục có mức tăng ấn tượng tại thị trường Mỹ, đạt 14,4% vào tháng 6/2011. Tính tới thời điểm này, Bing đã tăng được 50% thị phần so với thời điểm tung ra dịch vụ”.

2. Trình duyệt


Đã có thời Internet Explorer (IE) của Microsoft chiếm hơn 90% thị phần trình duyệt toàn thế giới, thống trị thị trường theo cách Windows thống trị thị trường máy tính cá nhân. Sự thống trị này đã khiến cho hãng phải hứng chịu một số án phạt chống độc quyền do việc cố tình chèn ép và hất cẳng Netscape ra khỏi thị trường này. Nhưng điều đó không hề làm cho Microsoft lo ngại cho đến khi trình duyệt Firefox của Mozilla (kế thừa từ Netscape) và Chrome của Google xuất hiện và phá vỡ thế độc tôn tưởng không gì lay chuyển được của IE.
Hiện giờ, thị phần trình duyệt của Microsoft đang teo nhỏ dần dần theo thời gian. NetApplication cho biết, nếu tính theo tổng số người dùng thì thị phần IE đã rơi xuống mức 52,71%, còn theo số liệu của StatCounter, lưu lượng truy cập (page view) từ trình duyệt của Microsoft đã chỉ còn 42,45%. Sự khác biệt giữa tổng số lượng người dùng và tổng lưu lượng sử dụng này thể hiện rõ khuynh hướng những người “nghiện” web đã và đang chuyển sang Firefox và Chrome như thế nào.
IE9 đã có những cải tiến đáng kể về tốc độ, giao diện và khả năng hiển thị những nội dung phức tạp như HTML5, và Microsoft cũng công bố một lộ trình nâng cấp phiên bản mới thường xuyên hơn như một nỗ lực nhằm giữ chân những người vẫn ưa thích IE. Tuy vậy, hiện tại IE9 mới chỉ tương thích với những phiên bản hệ điều hành Windows mới nhất và gây ra những mối tranh luận về chất lượng trình duyệt khi chạy được trên tất cả các máy tính cấu hình khác nhau.
Microsoft cho rằng việc “ép” để trình duyệt có thể hoạt động được với những máy tính cấu hình thấp sẽ làm giảm chất lượng và hiệu năng của trình duyệt. Hay nói cách khác, Microsoft ám chỉ các trình duyệt Chrome của Google và Firefox của Mozilla tiềm ẩn các trục trặc trên khi chạy trên nhiều hệ điều hành như Windows, Mac, Linux và cả những phiên bản hệ điều hành cũ kỹ như Windows XP. Microsoft cho rằng chỉ khi người dùng mua phiên bản Windows mới nhất, người dùng mới có được các trải nghiệm tốt nhất với trình duyệt.
Vài tháng trước, giám đốc cao cấp phụ trách bộ phận trình duyệt Ryan Gavin nêu quan điểm của mình: “Trong tương lai, trình duyệt chỉ hoạt động tốt nếu có hệ điều hành và thiết bị phần cứng phù hợp. Chúng tôi đã nghĩ tới phương thức để tích hợp chúng một cách chặt chẽ”. Xét về mặt bản chất, Internet Explorer không phải là cỗ máy kiếm tiền cho Microsoft, nhưng nó có thể hướng người sử dụng vào các dịch vụ trực tuyến của tập đoàn này. Tương tự như việc những ai dùng thử và thích trình duyệt Chrome có thể trở thành khách hàng tiềm năng của Google, hay những người thích trình duyệt Safari sẽ quan tâm tới các sản phẩm của Apple.
Theo xu hướng đang ngày càng phổ biến của điện toán đám mây, các ứng dụng sẽ không cần cài trên máy tính nữa mà sẽ chạy luôn từ web, do đó trình duyệt trở thành một cầu nối quan trọng và giữ vai trò như “một cổng kết nối với thế giới” theo lời của Al Gillen, một chuyên gia phân tích thuộc IDC. Ông nói thêm: “Lý do mà Microsoft cản trở tiến trình này chính là vì tầm ảnh hưởng ngày càng cao của trình duyệt, đe dọa đến vị thế của sản phẩm cốt lõi của Microsoft. Người dùng ngày càng làm được nhiều việc trên Internet qua trình duyệt web và dần dần họ sẽ quan tâm đến trình duyệt mình dùng cùng những thứ liên quan nhiều hơn là quan tâm đến hệ điều hành cài trên máy tính của họ.
Microsoft không phản hồi các vấn đề liên quan tới IE một cách cụ thể. Song theo một lưu ý mới đây của Roger Capriotti, IE9 đang ngày càng phổ biến hơn trong nhóm người dùng Windows 7 và khối khách hàng doanh nghiệp.

3. Điện thoại di động và máy tính bảng


Chủ tịch Steve Ballmer của Microsoft đã từng có thái độ giễu cợt đối với iPhone của Apple vào thời điểm nó ra mắt năm 2007. Ông nói: “Đây là chiếc điện thoại đắt nhất thế giới và nó không thể thu hút được khối khách hàng doanh nghiệp vì thiếu bàn phím cứng đồng nghĩa với việc nó không thực sự thuận tiện cho e-mail… Chúng tôi đang có sẵn các thiết bi di động sử dụng hệ điều hành Windows Mobile. Tôi nhìn vào đó và hài lòng với chiến lược của mình. Chúng tôi đang bán được hàng triệu chiếc điện thoại mỗi năm. Apple chưa bán được chiếc nào”.
Rõ ràng là Ballmer đã đánh giá quá thấp sự hấp dẫn của iPhone. 3 năm sau thời điểm của phát biểu trên, khi công bố các thông tin về hệ điều hành Windows Phone 7, các quan chức của Microsoft đã phải ngậm ngùi thừa nhận rằng công ty đang phải làm lại từ đầu ở mảng này. Sau sự kiện bản cập nhật Windows Phone 7 làm hỏng thiết bị của người dùng, phó chủ tịch phụ trách Windows Phone của Microsoft là Joe Belfiore nói rằng công ty vẫn đang trong quá trình học hỏi cơ chế cập nhật cho điện thoại di động. Nếu quả thật là như vậy thì rất đáng thất vọng cho một công ty đã từng sản xuất phần mềm dành cho điện thoại trong nhiều năm.
Windows Phone 7 được khách hàng đánh giá khá tốt về mức độ hài lòng, nhưng số này có vẻ không nhiều lắm (!). Doanh số của Windows Phone trong quý II đã giảm từ mốc 3 triệu chiếc năm 2010 xuống còn 1,7 triệu chiếc, kém cả số lượng các điện thoại di động sử dụng nền tảng hệ điều hành Bada do Samsung phát triển trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc này vốn đang dành chủ yếu nguồn lực cho các thiết bị di động cài đặt hệ điều hành Android.
Trong lĩnh vực máy tính bảng đang bị iPad của Apple thống trị thì mọi chuyện còn tệ hơn đối với Microsoft. Các máy tính bảng chạy Windows 7 đã cho thấy sự không phù hợp của hệ điều hành này với giao diện chạm cảm ứng. Còn Windows 8 được Microsoft cho là “thiết kế dành cho máy tính bảng” thì sẽ không có mặt trên thị trường cho tới hết năm 2011. Mối “lương duyên” với Nokia (kết quả là Nokia chấp nhận từ bỏ Symbian cũ kỹ để tập trung vào Windows Phone 7) và sự diệt vong của đối thủ cạnh tranh webOS (HP) có thể mang lại hi vọng, song việc các công ty phân tích như IDC và Gartner nhận định Windows Phone sẽ vượt qua iPhone vào năm 2015 vẫn khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Số lượng các thiết bị chạy Windows Phone hiện tại còn thua kém cả Bada, song cơ sở để Gartner đưa ra dự báo trên chính là tiềm năng trở thành nền tảng di dộng thứ 2 trên thị trường sau Android của Windows Phone vào năm 2015. Mặc dù vậy trong dự báo của mình, Gartner cũng nói rằng sự chuyển mình này cũng sẽ không diễn ra nhanh chóng và chủ yếu sẽ nằm ngoài thị trường Mỹ. Viễn cảnh này còn phụ thuộc nhiều vào việc đa số người dùng điện thoại Symbian của Nokia có quyết định chuyển sang dùng Nokia Windows Phone hay không, hay sẽ chuyển sang dùng 2 loại điện thoại di động phổ biến hơn là iPhone và các thiết bị Android.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ nghi vấn về việc liệu Nokia Windows Phone có giúp cải thiện tình hình cho liên minh Nokia-Windows hay không, bất chấp việc Nokia có rất nhiều ưu thế trong việc sản xuất phần cứng. Việc thu hút được các nhà phát triển đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành bại của một hệ điều hành. Một trong các khó khăn của Microsoft chính là việc hãng đang cố gắng đưa một hệ điều hành chuyên dùng cho máy tính để bàn trở thành đối thủ cạnh tranh với iPad thay vì "cân chỉnh" hệ điều hành thiết bị di dộng sẵn cho phù hợp với máy tính bảng. Điều này đồng nghĩa với việc các ứng dụng của điện thoại Windows sẽ rất khó chuyển sang chạy trên máy tính bảng Windows.
Microsoft đã lên kế hoạch công bố thêm nhiều chi tiết liên quan đến Windows 8 tại hội nghị BUILD sắp tới và nhiều nhà phát triển đang chờ đợi xem Microsoft sẽ đưa ra phương hướng cho vấn đề nói trên như thế nào. Cho đến ngày diễn ra sự kiện BUILD, Microsoft không trả lời thẳng vào các vấn đề liên quan tới việc phát triển ứng dụng cho Windows Phone 7 hay bất kỳ một chi tiết nào cụ thể về Windows 8. Thay vào đó, hãng đưa ra các thông tin sau:
"+ IDC đã dự báo Windows Phone sẽ là hệ điều hành di động phổ biến thứ 2 toàn cầu vào năm 2015. (IDC, 3/2011)
+ Chiếc điện thoại Samsung Focus chạy Windows Phone 7 đã được bình chọn là điện thoại thông minh được ưa thích nhất đối với mạng AT&T do độc giả PCMag bình chọn. Sản phẩm của Samsung có chất lượng ổn định, chất lượng cuộc gọi tốt và chơi game rất hay. Các thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7 đều có khả năng sử dụng dịch vụ xBox Live tuyệt vời của Microsoft. (PCMAG.com)
+ Số lượng các nhà phát triển Windows Phone đã đăng ký là hơn 45.000.
+ Người dùng hiện đã có thể sử dụng được gần 30.000 ứng dụng và trò chơi trên Windows Phone Marketplace, và trung bình có khoảng 100 ứng dụng mới được thêm vào mỗi ngày".

4. Phần mềm dành cho máy tính truyền thống



Có nhiều tranh luận xung quanh việc cho rằng Windows là một trong những điểm cần cải thiện của Microsoft. Hệ điều hành này mặc dù vẫn đang nắm giữ vị trí quan trọng số 1 trong sức mạnh của Microsoft, song nó cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Việc hệ điều hành Windows chiếm 80% đến 90% thị phần máy tính để bàn và máy tính xách tay là cầu nối để Microsoft “kiểm soát” người dùng máy tính cá nhân trên khắp thế giới và nó cũng giải thích cho việc tại sao thị phần của hãng trong lĩnh vực này chỉ suy giảm chút ít.
Hiện Microsoft đã bán được 400 triệu bản cài đặt hệ điều hành Windows 7 nhưng doanh thu năm tài chính tính đến ngày 30 tháng 6 bị tụt 2%. Tương lai của hệ điều hành Windows 8 - được công bố là sẽ tối ưu hóa cho cả PC và máy tính bảng - sẽ đóng vai trò như thế nào đối với tương lai của Microsoft. Nhà phân tích Gillens đã viết trong một báo cáo mới đây của IDC có tựa đề “Trở lại với cuộc chơi: Liệu Windows 8 có giành lại vị thế cho Microsoft?” như sau: “Việc đưa mảng Windows và Office có tổng doanh thu 32 tỷ USD trở nên phụ thuộc vào sự thành công của Windows 8 trong tương lai quả thực là một canh bạc lớn nhất của Microsoft từ trước tới nay.”
Nhiều nhà phân tích cũng tranh luận về sự diệt vong của máy tính cá nhân (PC) truyền thống, nhưng quan điểm của Irving Wladawsky-Berger, một chuyên gia kỳ cựu có thâm niên 41 năm làm việc cho IBM có vẻ chính xác hơn cả. Ông này nói PC truyền thống sẽ trở thành một dạng mainframe (máy tính cỡ lớn) mới - nó vẫn là một mảng kinh doanh sinh lời song không còn là trung tâm của các nỗ lực nghiên cứu sáng tạo mới nữa. Các nghiên cứu sáng tạo mới giờ đây có vẻ như đang được tập trung vào lĩnh vực điện toán đám mây, điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Việc Microsoft đang cố gắng tạo dấu ấn trong lĩnh vực thiết bị di động sẽ là hiểm họa tức thời đối với mảng sản phẩm truyền thống của hãng vỗn phụ thuộc nhiều vào PC truyền thống. Chắc chắn những người mua điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ trì hoãn việc mua PC. Tất nhiên PC truyền thống vẫn chưa thể thất thế ngay trong thời gian ngắn, song những người hàng ngày có tới nhiều giờ đồng hồ sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng có thể sẵn sàng chờ đợi 5-7 năm để mua máy tính để bàn hoặc xách tay mới. Kể cả tại thời điểm này, khi mà Microsoft tuyên bố ngừng hỗ trợ, song hệ điều hành 10 năm tuổi Windows XP vẫn là hệ điều hành phổ biến nhất trên toàn thế giới. Với xu thế ngày càng có nhiều người chọn mua thiết bị Android, iPhone và iPad, thị phần các thiết bị kết nối Internet của Microsoft sẽ bị xói mòn.
Chuyên viên phân tích Gillen nói: “Tất cả các đối thủ cạnh tranh đều muốn năm sau Microsoft lâm vào thế bí và ngành kinh doanh PC sẽ sụt giảm 50%. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. Thực tế là số lượng thiết bị cạnh tranh với Windows đang gia tăng trông thấy. Nhưng cuối cùng thì người dùng, nhất là khối doanh nghiệp vẫn cần PC. ”Microsoft nên cố gắng tạo dựng và lái PC vào việc trở thành trung tâm điều khiển mà các thiết bị khác từ điện thoại cho đến TV đều kết nối vào nó. Công ty cũng nên nghĩ tới chuyện phát triển các phần mềm dành cho các nền tảng bên ngoài nếu họ thực sự muốn người dùng tương tác với phần mềm Microsoft bất kể họ dùng thiết bị của nền tảng nào. Hãng đã có một bước tiến quan trọng khi hỗ trợ kiến trúc chip của ARM đang trở nên phổ biến trong các thiết bị di động thay vì chỉ “bo bo” hỗ trợ các bộ vi xử lý x86 của Intel.
Hiện đang có tin đồn rằng Microsoft và đối tác phần cứng ARM đang dự dịnh sản xuất máy tính xách tay sử dụng chip của hãng này. Chiếc máy này có vẻ hao hao với mẫu máy Transformer của Asus khi cũng có màn hình rời tháo ra được, phần màn hình này sau khi tháo ra sẽ hoạt động độc lập như một máy tính bảng. Một trong các ưu thế của Microsoft là hầu hết các phần mềm chất lượng cao đều chạy trên Windows và sẽ sớm có các bản tương thích dành cho máy tính bảng. Nhưng Microsoft chắc chắn sẽ cần thiết kế lại giao diện người dùng để cạnh tranh với sự đơn giản của iPad, cải thiện thời gian dùng pin, thời gian khởi động máy nếu muốn sản phẩm của mình không bị chìm nghỉm trên thị trường.
Thách thức của Microsoft càng trở nên khó khăn hơn trước việc nhà kinh doanh PC số 1 toàn cầu là HP rao bán mảng kinh doanh này. Rõ ràng ảnh hưởng của máy tính bảng ngày càng nặng nề hơn đối với máy tính truyền thống cho dù hầu như mới chỉ có một loại máy tính bảng thành công là iPad. Nếu các máy tính bảng chạy Andoid cũng thành công tương tự thì Microsoft sẽ gặp phải vô vàn khó khăn.
Microsoft hiện mới lập ra một blog để bàn về Windows 8 gọi là "Building Windows 8" và theo lời chủ tịch phụ trách Windows, Steven Sinofsky, “Windows 8 sẽ có giao diện đồ họa khác hẳn so với Windows truyền thống”, hỗ trợ USB 3.0 và quản lý dữ liệu tốt hơn.

5. Máy chủ web
Cũng giống người anh em Windows đang thống trị thị trường may tính truyền thống, phần mềm máy chủ Windows (Windows Server) cũng đang là “con bò sữa” cho Microsoft trong lĩnh vực doanh nghiệp. Theo số liệu tính đến hết quý II năm nay được IDC công bố, Windows Server hiện chiếm 45,5% tổng doanh thu quý của các nhà máy sản xuất và chiếm 71% trong số các phần mềm dành cho máy chủ. Phần còn lại thuộc về Unix, máy tính lớn, Linux và một số tên tuổi khác. Trong khi thị phần dành cho mảng máy tính truyền thống có vẻ ảm đạm thì Microsoft hoàn toàn có thể yên tâm với doanh thu ổn định từ các doanh nghiệp đang dùng Windows Server làm nền tảng cho các giải pháp ứng dụng của chính Microsoft như Exchange và SharePoint, thậm chí cả những ứng dụng của Oracle không phải của Microsoft.



Theo Netcraft, vấn đề mà Microsoft cần quan tâm trong lĩnh vực này lại chính là việc lưu trữ các máy chủ web. Mặc dù phần mềm máy chủ web IIS của hãng đã tận dụng sức mạnh của nền tảng Windows để sử dụng cho trên 60 triệu website, song nó vẫn chỉ chiếm có 16,8% của một thị trường mà các phần mềm miễn phí như Apache thống trị. Cũng theo công ty này, 9/10 các công ty uy tín cung cấp dịch vụ lưu trữ trên không gian ảo sử dụng Linux hay FreeBSD. Một nghiên cứu khác tại hội chợ công nghệ W3 chỉ ra, Linux và các hệ điều hành tương tự Unix chiếm tới 64% thị phần. Những con số trên mặc dù chưa tính tới các mạng Intranet, nhưng Microsoft nên tìm cách phát triển vị thế của mình trong thị trường web mở đang tăng với tốc độ chóng mặt. Để dễ hình dung hơn, bạn chỉ cần dùng trình duyệt truy cập Google hay Facebook là bạn đã sử dụng một dịch vụ bắt nguồn từ Linux. Microsoft bắt đầu gặp phải vấn đề với các máy chủ web khi một loạt các lỗ hổng bảo mật bị phát hiện vào thời điểm xung quanh năm 2000 và gây tai tiếng không ít. Mặc dù hãng đã cải tiến rất nhiều về mặt công nghệ, nhưng các đối thủ chính là Linux và Apache cũng không đứng yên, quan trọng hơn là nó miễn phí và dường như rất khó để vượt qua.
Từ nhiều năm nay, web đã trở nên không thể thiếu được đối với cuộc sống hàng ngày, thậm chí giờ đây các hoạt động dịch chuyển quan trọng trong thế giới web đang diễn ra với xu thế phát triển của điện toán đám mây. Cụ thể hơn, các ứng dụng dành cho người dùng cũng như các dịch vụ kinh doanh đang có xu hướng rời các máy tính gia đình và các trung tâm dữ liệu lên cư trú trên mạng trực tuyến. Nhưng nếu Microsoft không thể tạo ra các máy chủ để vận hành các website của bên thứ 3 thì hãng lại có thể xây dựng được dịch vụ đám mây của riêng mình. Năm 2011, Microsoft đã tung ra Office 365 như một dịch vụ quan trọng cạnh tranh với Google Apps. Dịch vụ này cung cấp các sản phẩm của Microsoft như Exchange, SharePoint, Lync và Office trên nền điện toán đám mây và được đón nhận khá tốt. Nó cũng quan trọng như việc thành công về lâu về dài của sản phẩm Windows Azure mà Microsoft cung cấp cho các nhà phát triển để họ có thể xây dựng các ứng dụng nền web rồi lưu trữ chúng tại các trung tâm dữ liệu của Microsoft.



Trên thực tế thì Azure vẫn còn kém xa về mặt tạo và lưu trữ website so với dịch vụ Elastic Compute Cloud của Amazon. Nhưng sự thành công của Azure sẽ tiếp bước Windows Server cung cấp cho các nhà phát triển cách thức đơn giản hơn khi lập trình ứng dụng. Azure thậm chí còn tiên tiến hơn dịch vụ của Amazon về mặt nền tảng. Tại hội nghị mới LinuxCon mới đây, những người ủng hộ phần mềm nguồn mở nói rằng các mô hình kinh doanh trên Internet trong tương lai sẽ dựa trên nền Linux giống như Google và Facebook. Hiện tại Azure mới chỉ thu hút được 31.000 nhà phát triển và khoảng 5.000 ứng dụng trong năm hoạt động đầu tiên.Vậy kết luận là gì? Microsoft vẫn thế. Đại gia công nghệ này sẽ vẫn sống khỏe nhờ vào các sản phẩm phần mềm đa dạng cung cấp cho cả hai phân khúc người dùng lẫn doanh nghiệp. Song sự lớn mạnh của các công ty như Google, Apple và Amazon cùng với việc sử dụng thiết bị di động tăng mạnh hơn bao giờ hết chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền của Microsoft. Mặc dù doanh thu của Microsoft vẫn tăng, nhưng thời đại mà một công ty nắm quyền kiểm soát giao diện của đại đa số máy tính cá nhân đã không còn và có thể sẽ không bao giờ có lại.
 
×
Quay lại
Top