10 hoá thạch không phải khủng long lý thú nhất năm 2021

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Những dạng sống đa bào đầu tiên, động vật có vú lớn nhất, phổi hoá thạch và nhiều điều thú vị khác.

Khi nhắc đến khám phá hoá thạch, khủng long luôn được nghĩ đến. Nhóm bò sát đã tuyệt chủng này luôn chiếm ngự những tiêu đề báo khi có một loài mới được đặt tên hoặc một tập tính mới được tìm ra. Nhưng lẩn khuất đâu đó giữa xương của loài Stegosaurus và răng của loài Tyrannosaurus, các nhà cổ sinh vật học cũng tìm thấy nhiều hoá thạch siêu thú vị của những loài động vật khác vốn không nhận được sự chú ý mà chúng đáng được nhận. Sau đây là danh sách top 10 hoá thạch không phải khủng long của năm 2021.


Kiến nhiễm ký sinh trong hổ phách

Loài nấm ký sinh vừa được phát hiện A. blatica mọc ra từ đường ruột của kiến thợ mộc bị hoá thạch trong hổ phách. Ảnh: George Poinar Jr., OSU.

Loài nấm ký sinh vừa được phát hiện A. blatica mọc ra từ đường ruột của kiến thợ mộc bị hoá thạch trong hổ phách. Ảnh: George Poinar Jr., OSU.

Tháng 6/2021, các nhà khoa học phát hiện thấy một loài nấm ký sinh mới đã tuyệt chủng mọc ra từ đường ruột của một con kiến 50 triệu năm tuổi do nó giết chết. Toàn bộ trải nghiệm đau đớn ấy tình cờ được hổ phách bao phủ và được bảo quản nguyên vẹn.

Loài nấm Allocordyceps baltica này có mặt trên khắp cơ thể của con kiến đen đủi, và đâm ra cả mặt lưng. A. baltica có thể giống với nấm thuộc chi Ophiocordyceps ngày nay, với điểm khác biệt chính là vòi sinh sản thể quả: thể quả của chi Ophiocordyceps thường xuất hiện ở cổ của nạn nhân, trong khi A. baltica thoát ra từ phần sau. Cả hai phương thức đều có thể làm tăng số lượng bào tử mà nấm phát tán, dù theo những cách khác nhau.

“Những loại khám phá này cực kì hiếm,” nhà côn trùng học George Poinar Jr. tại Đại học bang Oregon cho biết. Ông đã xung phong giúp tách chiết DNA từ hổ phách. “Nhựa hổ phách chứa các chất hoá học cố định tế bào và mô, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn thường sẽ phân huỷ mẫu vật.”


Mực ống bị giết khi đang ăn

Tranh minh hoạ cho thấy sự tình có thể đã diễn ra 180 triệu năm trước khi cá mập giết mực cổ đại trong lúc con mực vẫn đang ăn con tôm. Ảnh: Klug và cộng sự. Swiss J Palaeontol.

Tranh minh hoạ cho thấy sự tình có thể đã diễn ra 180 triệu năm trước khi cá mập giết mực cổ đại trong lúc con mực vẫn đang ăn con tôm. Ảnh: Klug và cộng sự. Swiss J Palaeontol.

Các nhà nghiên cứu đã công bố vào tháng 4/2021 mô tả một hoá thạch lạ thường từ kỷ Jura có vẻ là một sinh vật loại mực có 10 chân cuốn, được gọi là mực tiễn thạch (belemnite), với con mồi của nó vẫn còn bị kẹp trong miệng. Thú vị hơn nữa là những vết cắn ở mặt bên của con mực tiễn thạch này cũng cho thấy cùng lúc ấy nó đang bị một con cá mập không rõ lai lịch cắn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những sinh vật quấn vào nhau này chìm xuống đáy biển khoảng 180 triệu năm trước và hoá thạch ở nơi ngày nay là Đức. Hoá thạch này là một trong 10 hoá thạch duy nhất của loài mực tiễn thạch từng được khám phá. Nó cũng tạo ra một thuật ngữ mới là “pabulite”, nghĩa là “thức ăn thừa kẻ săn mồi chưa ăn hết bị hoá thạch”.

“Kẻ săn mồi thường rất háo hức khi tận hưởng bữa ăn mà quên đi việc để ý đến xung quanh và mối nguy tiềm tàng”, nghiên cứu trưởng Christian Klug, giám tuyển của Đại học Bảo tàng Cổ sinh vật học Zurich cho biết. “Do đó có thể giải thích tại sao mực tiễn thạch bị bắt, nhưng không có bằng nào cho suy nghĩ đó cả.”


Bộ não nhện cổ đại

Hoá thạch cua móng ngựa (con sam) (Euproops danae) trong ảnh bên trái chứa một khuôn não được bảo quản nguyên vẹn, ảnh cận cảnh bên phải. Ảnh: Russell Bicknell.

Hoá thạch cua móng ngựa (con sam) (Euproops danae) trong ảnh bên trái chứa một khuôn não được bảo quản nguyên vẹn, ảnh cận cảnh bên phải. Ảnh: Russell Bicknell.

Tháng 7/2021, các nhà nghiên cứu công bố phát hiện về não hoá thạch hiếm thấy của một loài cua móng ngựa đã tuyệt chủng (thực chất là một loài nhện, không phải giáp xác) được tìm thấy tại nhánh sông Mazon ở Illinois. Não hoá thạch này được cho là khoảng 310 triệu năm tuổi, khiến nó trở thành một trong những hoá thạch nhện cổ nhất từng được khám phá.

Những mô mềm cấu thành nên bộ não thường bị phân huỷ nhanh chóng, vì vậy não hoá thạch là cực kỳ hiếm gặp. Với trường hợp này, mô não được thế chỗ bằng khoáng chất trắng kaolinite tạo ra một khuôn não chuẩn xác. Hiện tượng ấy chỉ xảy ra nhờ vào điều kiện địa chất độc đáo ở địa điểm này.

“Đây là bằng chứng đầu tiên và duy nhất về bộ não trong hoá thạch cua móng ngựa”, tác giả chính Russell Bicknell, nhà cổ sinh vật học tại Đại học New England, Maine cho biết. Xác suất tìm thấy một bộ não hoá thạch là “một phần triệu”, ông nói thêm. “Ngay cả vậy, thì xác suất nó là cua móng ngựa còn hiếm hơn.”


“Cầu bào” hoá thạch 1 tỷ năm tuổi

Một trong những “cầu bào hoá thạch” Bicellum brasieri dưới kính hiển vi. Ảnh: Paul Strother.

Một trong những “cầu bào hoá thạch” Bicellum brasieri dưới kính hiển vi. Ảnh: Paul Strother.

Tháng 4/2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hoá thạch dạng cầu của những sinh vật đa bào được cho là khoảng 1 tỷ năm tuổi. “Cầu bào” hoá thạch này là “mối liên kết còn thiếu” hiếm hoi trong tiến hoá, là cầu nối khoảng trống giữa những sinh vật đơn bào đầu tiên và sự sống đa bào phức tạp hơn.

Những khối bào hoá thạch tí hon mà các nhà khoa học đặt tên là Bicellum brasieri được bảo quản rất tốt ở không gian 3 chiều trong những kết hạch khoáng phốt phát ở Scotland. Các nhà nghiên cứu tin rằng địa điểm này từng là một hồ cổ, và những sinh vật tí hon ấy đã chìm xuống đáy hồ và được bảo quản khi chết đi.

“Nguồn gốc của tính đa bào phức tạp và nguồn gốc của động vật được coi là hai sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử sự sống trên Trái Đất”, nghiên cứu trưởng Charles Wellman, giáo sư Khoa Khoa học Động vật và Thực vật tại Đại học Sheffield ở Anh cho biết. “Khám phá của chúng tôi đã làm sáng tỏ cả hai sự kiện ấy”.


Phổi cá hoá thạch

Sơ đồ biểu thị vị trí lá phổi hoá thạch trong cơ thể cá vây tay cổ đại. Ảnh: Đại học Portsmouth.

Sơ đồ biểu thị vị trí lá phổi hoá thạch trong cơ thể cá vây tay cổ đại. Ảnh: Đại học Portsmouth.

Tháng 2/2021, các nhà khoa học công bố phát hiện về một loài cá cổ đại mới đã tuyệt chủng to bằng một con cá mập trắng lớn. Các nhà nghiên cứu nhận dạng loài cá này từ lá phổi hoá thạch 66 triệu năm tuổi của nó, thuộc nhóm cá vây tay bí ẩn.

Hoá thạch độc đáo này được phát hiện ở Morocco cùng với một vài mảnh xương của khủng long bay. Vì sự liên quan ấy và hình dáng tròn của hoá thạch nên các nhà khoa học ban đầu cho rằng đó là xương sọ của khủng long bay. Tuy nhiên khi phân tích kỹ hơn thì đó là phổi cá. “Chỉ có một loài có cầu trúc xương như vậy, và loài đó là cá vây tay,” Martill cho biết. “Chúng bao phổi của mình trong lớp vỏ xương này, quả là một cấu trúc lạ thường.”

Loài mới là loài cá vây tay lớn nhất từng được khám phá và được tìm thấy ở khu vực trước đây chưa từng có cá vây tay. Tổn thương phổi cho thấy nó có thể đã bị một con khủng long đầu rắn (plesiosaur) hoặc khủng long biển (mosasaur) giết, hai loài săn mồi đại dương lớn nhất thời ấy.


Tê giác không sừng khổng lồ

Tranh minh hoạ ngoại hình của tê giác không sừng khổng lồ Paraceratherium linxiaense. Ảnh: Yu Chen.

Tranh minh hoạ ngoại hình của tê giác không sừng khổng lồ Paraceratherium linxiaense. Ảnh: Yu Chen.

Tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu tiết lộ về di cốt của một con tê giác không sừng khổng lồ 26,5 triệu năm tuổi ở Trung Quốc. Loài tê giác này được đặt tên là Paraceratherium linxiaense, dài 8 mét, chiều cao đến vai là 5 mét và nặng 21,7 tấn, tương đương 4 con voi châu Phi. P. linxiaense hiện được coi là một trong những động vật hữu nhũ lớn nhất từng thống trị Trái Đất.

Xương sọ và xương hàm cho thấy P. linxiaense có một cái đầu khổng lồ dài 1,1 mét và một thân hình nhỏ, tương tự heo vòi ngày nay. Các nhà nghiên cứu choáng ngợp trước sự hoàn chỉnh và kích thước của bộ xương, tác giả chính Deng Tao, giám đốc kiêm giáo sư tại Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết.

Khám phá cũng giúp các nhà nghiên cứu lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong cây phả hệ và phạm vi phân bố địa lý của tê giác khổng lồ ở châu Á.


Cua “bất tử” tí hon

Một con cua “bất tử” tí hon (Cretaspara athanata) bị mắc kẹt trong hổ phách. Ảnh: Javier Luque.

Một con cua “bất tử” tí hon (Cretaspara athanata) bị mắc kẹt trong hổ phách. Ảnh: Javier Luque.

Loài cua “bất tử” mới được chôn trong hổ phách có mặt khắp các tiêu đề báo hồi tháng 10/2021. Hoá thạch này có từ kỷ Creta, là một trong những ví dụ sớm nhất về loài cua sống ở môi trường nước ngọt và có thể là “mối liên kết còn thiếu” giữa cua nước ngọt và cua nước mặn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra hoá thạch này đặt tên cho loài mới là Cretaspara athanata, “athanata” nghĩa là “bất tử”; “Cret-” là Creta; và “aspara” là thần mây và thần nước trong huyền thoại Đông Nam Á. C. athanata có chiều ngang chỉ bằng 1/10 inch (2 milimet), và có họ hàng gần với loài cua ngày nay.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ảnh quét tia X để tạo ra mô hình kỹ thuật số 3D nhằm nghiên cứu chi tiết sinh lý học của loài cua này. Họ ngạc nhiên trước độ nguyên vẹn của mẫu vật. “Đó là toàn bộ cơ thể,” Luque cho biết, “đến mức không có một sợi lông nào trên chân hay trên miệng bị thiếu, thật ấn tượng.”


Xác ướp gia đình nhện

Nhện mẹ nằm trên túi trứng bị kẹt trong nhựa cây khoảng 99 triệu năm trước. Ảnh Xiangbo Guo, Paul Selden và Dong Ren; tạp chí Proceedings of the Royal Society B (2021).

Nhện mẹ nằm trên túi trứng bị kẹt trong nhựa cây khoảng 99 triệu năm trước. Ảnh Xiangbo Guo, Paul Selden và Dong Ren; tạp chí Proceedings of the Royal Society B (2021).

Tháng 9/2021, một nghiên cứu mới tiết lộ nhện thuộc họ Lagonomegopidae đã tuyệt chủng bị bao phủ trong 4 mảnh hổ phách. Ba trong bốn mảnh này chứa nhện con tí hon mới nở, nhưng mảnh đặc biệt còn lại thì chứa một con nhện cái và trứng. Đây được coi là ví dụ lâu đời nhất về việc chăm sóc con non ở nhện.

Mảnh hổ phách chứa nhện mẹ rõ ràng cho thấy nó đang ngồi trên trứng ở tư thế bảo vệ. Mảnh hổ phách này cũng chứa sợi tơ được bảo quản mà nhện cái dùng để gói trứng của mình lại với nhau, cũng như cặn bã có thể từ tổ ấp. Ba mảnh hoá thạch khác chứa 84 nhện con mới nở.

Dù phát hiện này không quá bất ngờ, vì ngày nay nhiều nhện mẹ cũng chăm sóc con mình, nhưng “thật tuyệt khi có bằng chứng vật chất thực tế qua những bức ảnh nhỏ này trong hồ sơ hoá thạch,” đồng nghiên cứu Paul Selden, giáo sư danh dự đáng kính của Khoa Địa chất học tại Đại học Kansas cho biết.


Ông tổ loài chân đầu

Góc nhìn theo chiều dài thân (ở giữa bên trái) và mặt cắt (bên phải) của hoá thạch về loài chân đầu có thể là cổ nhất được ghi nhận. Ảnh: Gregor Austermann/Communications Biology.

Góc nhìn theo chiều dài thân (ở giữa bên trái) và mặt cắt (bên phải) của hoá thạch về loài chân đầu có thể là cổ nhất được ghi nhận. Ảnh: Gregor Austermann/Communications Biology.

Tháng 3/2021, các nhà khoa học đã mô tả một loài chân đầu mới có dạng viên nang (nhóm sinh vật bao gồm bạch tuột, mực ống, mực nang và ốc anh vũ) là loài chân đầu cổ nhất từng được khám phá.

Hoá thạch tí hon của loài chân đầu chưa được đặt tên này có niên đại từ kỷ Cambri sớm, khoảng 522 triệu năm tuổi, khiến chúng trẻ hơn 30 triệu năm so với kẻ nắm giữ kỷ lục loài chân đầu cổ nhất trước đây. Chúng cũng cực kỳ nhỏ, chỉ cao 1,4 cm và rộng 0,3 cm.

Phát hiện này cho thấy “loài chân đầu đã xuất hiện ngay từ đầu quá trình tiến hoá của sinh vật đa bào trong thời kỳ bùng nổ kỷ Cambri,” nghiên cứu trưởng Anne Hildenbrand, nhà địa chất học tại Viện Khoa học Trái Đất của Đại học Heidelberg, Đức phát biểu.


Cá mập đại bàng “có cánh”

Tranh minh hoạ loài cá mập đại bàng có cánh vừa được mô tả (Aquilolamna milarcae), sống 93 triệu năm trước dưới đại dương cổ đại nơi ngày nay bao quanh Mexico. Ảnh: Oscar Sanisidro.

Tranh minh hoạ loài cá mập đại bàng có cánh vừa được mô tả (Aquilolamna milarcae), sống 93 triệu năm trước dưới đại dương cổ đại nơi ngày nay bao quanh Mexico. Ảnh: Oscar Sanisidro.

Tháng 3/2021, một nghiên cứu mới tiết lộ loài cá mập kỳ lạ có vây giống cánh và có miệng há to thống trị vùng biển 93 triệu năm trước mà ngày nay là Mexico.

Loài cá mập kỳ lạ này được đặt tên là Aquilolamna milarcae, trông như con lai của cá mập ta thấy ngày nay và cá đuối bay, một nhóm bao gồm cá đuối manta và cá đuối quỷ. Nó cũng rất có thể là loài ăn lọc, giống như cá đuối, hớp vào những sinh vật phù du tí hon. Tuy nhiên loài cá mập này đã sống hơn 30 triệu năm trước khi cá đuối bay tồn tại.

Loài cá mập có cánh này khác với cá mập ngày nay. “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Aquilolamna là nó có vây ngực (vây bên) rất dài và mảnh”, nghiên cứu trưởng Romain Vullo, nhà cổ sinh động vật có xương sống thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) của Geosciences Rennes, Pháp cho biết. “Điều đó khiến cho loài cá mập này có chiều rộng lớn hơn,” với “sải cánh” khoảng 1,9 mét và tổng chiều dài cơ thể khoảng 1,65 mét.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top