10 điều bạn cần biết khi đi du lịch Tokyo

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Phát triển bền vững và bày tỏ lòng trân quý luôn song hành cùng nhau khi ta khám phá thủ phủ Tokyo của Nhật Bản.

Tạo ra môi trường hài hoà bằng cách tôn trọng con người và thiên nhiên là một phần không thể thiếu của nền văn hoá Nhật Bản. Ảnh: Richie Chan / Shutterstock.

Tạo ra môi trường hài hoà bằng cách tôn trọng con người và thiên nhiên là một phần không thể thiếu của nền văn hoá Nhật Bản. Ảnh: Richie Chan / Shutterstock.

Là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, Tokyo là một trung tâm đô thị đa dạng sáng ngời về đổi mới và giao lưu quốc tế. Nhưng cội nguồn của thành phố vẫn bén sâu trong những truyền thống cổ xưa sống mãi đến ngày nay. Hoà mình vào lối sống và phong tục của người Tokyo, một du khách có trách nhiệm có thể nhận lại nhiều lợi ích từ một chuyến tham quan sâu sắc và bổ ích.

BỎ LẠI CÁI TÔI BÊN NGOÀI SENTO

Nhà tắm công cộng là nơi tụ họp xã hội và có văn hoá cũng như những phép tắc riêng cần được tuân theo. Ảnh: Shinari / Shutterstock.

Nhà tắm công cộng là nơi tụ họp xã hội và có văn hoá cũng như những phép tắc riêng cần được tuân theo. Ảnh: Shinari / Shutterstock.

Nhà tắm công cộng, hay sento (銭湯), từ lâu đã là những cơ sở quan trọng ở Tokyo. Có hơn 400 sento trên khắp thành phố. Sento vừa là nơi phục vụ thư giãn giá rẻ vừa là những tụ điểm để giao lưu xã hội. Tại đây, người ta cởi bỏ hết trang phục trước khi bước vào bồn tắm, bỏ lại những chỉ báo về địa vị như áo vét và đồng hồ đắt tiền trong phòng thay đồ. Được gọi là hadaka no tsukiai (裸の付き合い), hay giao lưu khoả thân, thời gian ngâm mình là lúc con người ta có thể trò chuyện như những người bạn mà không cần bận tâm đến địa vị xã hội của nhau. Nói cách khác, sento là một nơi bình đẳng tuyệt đối: mọi người đều khác biệt, nhưng bình đẳng. Khi tự mình trải nghiệm sento, bạn hãy mang theo một chiếc khăn tắm nhỏ để lau người sau khi tắm, nhưng đừng để khăn chạm xuống nước. Hãy đặt nó trên đầu hoặc gần mép bồn tắm để khăn được khô ráo.

MANG THEO ĐŨA RIÊNG

Đũa là vật dụng tuyệt vời để gắp sushi, ramen và các món đặc sản khác của Nhật Bản. Ảnh: Stockmelnyk / Shutterstock.

Đũa là vật dụng tuyệt vời để gắp sushi, ramen và các món đặc sản khác của Nhật Bản. Ảnh: Stockmelnyk / Shutterstock.

Tinh hoa ẩm thực của Tokyo đã quá nổi tiếng. Hãy biến trải nghiệm ăn uống của bạn thân thiện hơn với môi trường bằng cách không sử dụng đũa dùng một lần ở các nhà hàng và mang theo một đôi đũa cho riêng mình. Việc làm này không những làm giảm rác thải, mà còn cải thiện tài dùng đũa của bạn(*). Bỏ tiền mua một bộ đũa làm thủ công tại một cửa hàng mỹ nghệ để tìm ra kiểu đũa phù hợp với bạn. Đường Kappabashi Dougu ở phía đông Nhật Bản là một nơi lý tưởng để mua đũa. Ở đây có bán rất nhiều dụng cụ bếp núc.

(*) ND: Cái này ý ám chỉ người phương Tây thôi chứ dân Việt Nam mình dùng đũa hơi bị siêu. :v

TÔN TRỌNG CHIẾU TATAMI

Bỏ giày khi bước vào nhà là để giữ gìn và tỏ lòng kính trọng nội thất ngôi nhà. Ảnh: Japan_Room / Shutterstock.

Bỏ giày khi bước vào nhà là để giữ gìn và tỏ lòng kính trọng nội thất ngôi nhà. Ảnh: Japan_Room / Shutterstock.

Chiếu tatami là một phần trong văn hoá Nhật Bản hơn 1000 năm qua. Chúng đã định hình nên nền văn hoá và cách sử dụng không gian trong nhà vì việc ngồi trên sàn để ăn uống và trò chuyện vẫn còn khá phổ biến. Cởi giày khi bước vào tư gia, nhà hàng truyền thống, đền thờ hoặc miếu thờ tức là ta đang tỏ lòng thành kính đến với cả gia chủ và sàn nhà, vì ta khó có thể làm hư hỏng sàn nhà khi chỉ đi tất. Hãy tận hưởng bầu không khí trang nhã truyền thống mà chiếu tatami ngay lập tức mang lại, vì chúng không chỉ mềm mại và dễ chịu, mà còn toả hương vanillin giúp làm thư thả tinh thần.

ĂN ĐÚNG NƠI

Tabearuki (食べ歩き), thuật ngữ phổ biến ám chỉ ẩm thực đường phố ở Nhật Bản, có lẽ cũng là loại ẩm thực duy nhất được xã hội cho phép thưởng thức bên ngoài bàn ăn. Ảnh: Miko.K / Shutterstock.

Tabearuki (食べ歩き), thuật ngữ phổ biến ám chỉ ẩm thực đường phố ở Nhật Bản, có lẽ cũng là loại ẩm thực duy nhất được xã hội cho phép thưởng thức bên ngoài bàn ăn. Ảnh: Miko.K / Shutterstock.

Hãy chỉ ăn ở những nơi đã định sẵn, và đừng bao giờ vừa đi vừa ăn. Người Nhật coi đó là bất lịch sự vì bạn không quý trọng thức ăn hoặc nỗ lực để làm ra món ăn ấy. Nhưng có một ngoại lệ: tabearuki (nghĩa đen là “ăn và đi”), loại thức ăn dễ thưởng thức mà không cần quá cầu kỳ. Bạn sẽ thấy chúng được bán tại các quầy ăn nhỏ trong các khu shitamachi (下町 - khu trung tâm) thu hút ánh nhìn và các phố mua sắm. Người mua có thể mua một ít để ăn tại chỗ trước khi di chuyển đến quầy tiếp theo. Phố mua sắm Togoshi Ginza ở Shinagawa là một nơi như vậy. Ở đây bày biện khoảng 400 quầy ăn trải dài hơn 1 kilomet.

SỐNG NHƯ NGƯỜI NHẬT

Những thẻ gỗ, hay ema (絵馬), là một hình thức gửi đi những ước nguyện đến với thần linh trong truyền thống Shinto (神道 - Thần đạo). Ảnh: Worachai C / Shutterstock.

Những thẻ gỗ, hay ema (絵馬), là một hình thức gửi đi những ước nguyện đến với thần linh trong truyền thống Shinto (神道 - Thần đạo). Ảnh: Worachai C / Shutterstock.

Có một cách rất hay để tìm hiểu nền văn hoá Nhật Bản là ở cùng với người dân tại minshuku (民宿 - những nơi tá túc tương tự bed and breakfast(*)) hoặc tại các đền thờ. Minshuku thường được các gia đình làm chủ như một hoạt động kinh doanh thêm của họ. Khách trọ có thể tìm hiểu về những phép tắc xã hội từ chủ nhà, cũng như học hỏi về đời sống thường nhật của một người Tokyo.

(*) Nơi trọ có phục vụ điểm tâm sáng.

HỌC MỘT CHÚT TIẾNG NHẬT

Học một chút tiếng Nhật giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn về phong tục tại địa phương, giúp họ có thể tìm đường và thêm yêu quý nền văn hoá Nhật Bản. Ảnh: Shisuke Yasui.

Học một chút tiếng Nhật giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn về phong tục tại địa phương, giúp họ có thể tìm đường và thêm yêu quý nền văn hoá Nhật Bản. Ảnh: Shisuke Yasui.

Biết nói một chút tiếng Nhật rất hữu ích khi bạn muốn bày tỏ lòng trân quý với đất nước sở tại, kể cả khi bạn nói không thạo. Những cụm từ phổ thông như arigato (cảm ơn) và sumimasen (xin thứ lỗi) đều có thể khiến người nghe mở lòng hơn và tươi cười, vì người ta sẽ đánh giá cao sự nỗ lực của bạn. Một cụm từ hữu ích thậm chí còn giúp làm giảm việc sử dụng đồ nhựa. Hãy nói với người bán hàng “Reji bukuro wa irimasen” để thể hiện rằng bạn không cần túi ni lông.

MUA SẮM, ĂN VÀ UỐNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Cuộc sống thường nhật ở Tokyo ngập tràn những đồ thủ công địa phương, từ cốc tự làm đến rượu sake ta rót đầy cốc. Ảnh: Toà thị chính Tokyo.

Cuộc sống thường nhật ở Tokyo ngập tràn những đồ thủ công địa phương, từ cốc tự làm đến rượu sake ta rót đầy cốc. Ảnh: Toà thị chính Tokyo.

Du khách có thể góp phần kéo dài tuổi đời và di sản của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Tokyo. Những nghề này bao gồm tài nghệ trong nghệ thuật, thủ công, ẩm thực và ủ rượu sake, nhiều nghề trong số đó đã có từ thời Edo (năm 1603-1867). Nhiều đồ thủ công này đòi hỏi tuổi nghề hơn 10 năm mới cho ra được sản phẩm ưng ý, và còn lâu hơn nữa để thành thạo. Hãy khám phá một vài món đồ thủ công có dấu ấn Tokyo, như thuỷ tinh cắt kiriko (切子) thời Edo lấp lánh, rượu sake được ủ tại địa phương và kẹo truyền thống wagashi (和菓子) được chế biến công phu.

KHÔNG LÃNG PHÍ, KHÔNG ĐÒI HỎI

Những bộ kimono cổ truyền, thường được nhìn thấy tại các gian hàng đồ cũ trên khắp Tokyo, có thể được cải biên thành những túi đồ, váy áo và bao gối. Ảnh: 963 Creation / Shutterstock.

Những bộ kimono cổ truyền, thường được nhìn thấy tại các gian hàng đồ cũ trên khắp Tokyo, có thể được cải biên thành những túi đồ, váy áo và bao gối. Ảnh: 963 Creation / Shutterstock.

Triết lý mottainai (勿体無い, nghĩa là “không lãng phí, không đòi hỏi”) đã hằn sâu trong mọi khía cạnh của nền văn hoá Nhật Bản, đây là một phong tục thân thiện với môi trường. Du khách có thể cảm nhận văn hoá mottainai bằng cách tham quan Shimokitazawa, Koenji và một số vùng ở Harajuku. Những khu vực này có các cửa hiệu quần áo cũ san sát nhau, bán mọi thứ từ những thương hiệu sang trọng cổ điển đến những món hàng thời trang cũ được yêu thích từ những năm 1980.

ĐÁP LẠI DỊCH VỤ TỐT BẰNG SỰ HÀI LÒNG

Tiền boa không phải là một thông lệ văn hoá trong các nhà hàng, tiệm làm đẹp hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Nhật Bản. Ảnh: Norman01 / Shutterstock.

Tiền boa không phải là một thông lệ văn hoá trong các nhà hàng, tiệm làm đẹp hoặc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Nhật Bản. Ảnh: Norman01 / Shutterstock.

Dịch vụ tốt là một chuẩn mực ở Tokyo và mối quan hệ giữa khách hàng và nhân viên phục vụ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Tiền boa là không cần thiết để đền đáp lại dịch vụ tốt hay bày tỏ sự cảm kích. Mà bạn hãy tỏ lòng biết ơn bằng cách thanh toán hoá đơn và kết thúc bằng câu nói khích lệ “Gochiso-sama!” (cảm ơn vì bữa ăn) để thể hiện sự trân quý của bạn khi được thưởng thức bữa ăn tuyệt hảo, hoặc “arigato gozaimasu!” (cảm ơn) khi dịch vụ được hoàn thành tốt.

CHỌN PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN XANH

Tokyo là một thành phố tuyệt vời để khám phá bằng xe đạp. Ảnh: Patrick Foto / Shutterstock.

Tokyo là một thành phố tuyệt vời để khám phá bằng xe đạp. Ảnh: Patrick Foto / Shutterstock.

Tokyo sở hữu một trong những hệ thống phương tiện công cộng lớn nhất trên thế giới. Đúng giờ không lệch một giây, tàu điện ngầm, xe điện và xe buýt thành phố chạy liên tục như kim đồng hồ. Các phương tiện công cộng cũng ngày một bền vững hơn. Chẳng hạn như tất cả tàu điện ngầm ở Toei đều có máy phát điện dự trữ năng lượng khi phanh. Điện sinh ra được dùng để cung cấp cho các tàu khác, thang máy hoặc đèn ở nhà ga. Ngay cả vé tàu đã qua sử dụng cũng được thu lại và tái chế để sản xuất giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh của nhà ga.

Tokyo cũng là một thành phố tuyệt vời để cuốc bộ khám phá hoặc đi xe đạp. Bạn hãy thử đạp xe ngao du xung quanh bằng một chiếc xe đạp dịch vụ, hầu hết đều có trạm dừng gần các nhà ga lớn và những địa điểm thuận tiện khác.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top