Yêu nước

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.441
suy-tu-xa-xam.jpg

K. là giáo sư toán ở đại học Yale, có quốc tich Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào. Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga. Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.

Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.

Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn quốc hoặc Nhật bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ túm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình. Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong sô họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng, nghe bạn bè rủ rê, sẽ đi ăn trộm ăn cắp.

Tại sao lại đồng cảm với họ? Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ. Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.

Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.

*****​

Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại tây dương. Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.

Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.

Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai hoạ cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm hoạ đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.

Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa của văn minh nhân loại. Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt nam, văn minh Trung hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc bộ.

Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.

*****​

Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam. Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hội lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.

Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.

Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt nam truyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ an quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong kong đang dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.

Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.

Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.

*****​

Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.

 
×
Quay lại
Top Bottom