Yêu luôn là một khái niệm vĩ đại

endquiklove

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/2/2015
Bài viết
46
Yêu luôn là một khái niệm vĩ đại!
Tôi quả quyết rằng nó thực sự to lớn, thực sự lớn lao hơn những thứ tình cảm tầm thường vài ba tháng, vài ba năm của người đàn ông và người đàn bà và để có nó, giành giật hay giữ được nó thì phải hy sinh nhất nhiều thứ, từ to đến nhỏ của bản thân mình.

Mẹ tôi, ngày xưa khi bà 18 tuổi đã bị ông tôi nhất quyết gả cho bố tôi. Một cô gái thôn quê 18 tuổi, mới chỉ loe ngoe đi đến cái thị xã cách nhà 5km thì sao đã dám cưỡng lại lệnh cha? Mẹ tôi, một người khá dũng cảm đã dám nói lời khước từ hôn ước. Vì tục lệ của làng tôi là chỉ cần một người đàn ông nhìn thấy một người phụ nữ vào ban ngày, không cần biết cô ta có thích mình không và chỉ cần nếu người đàn ông ấy thấy ‘vừa mắt” là buổi tối có thể nhờ bà mối đến đánh tiếng xin cưới.

Ngày ấy mẹ tôi chưa rõ khái niệm về tình yêu, chỉ biết trong đám trai làng cũng có khối người ngấp nghé và đương nhiên một cô gái trẻ sẽ thích các anh chàng ngang tuổi hơn là một người đàn ông hơn mình những 9, 10 tuổi. Khoảng cách tuổi tác, cảm giác lo sợ vì chưa biết mặt chồng mình ra sao và chỉ nghe đồn “ông ý mới đi bộ đội ở Miền Nam ra, chắc chắn là có nhiều… xà phòng”. Ngày xưa, xà phòng quý hóa lắm, chỉ có ở Sài Gòn mới mua được xà phòng và hầu hết chỉ có những người lính còn sống trở về từ chiến tranh mới có cơ hội mua được nhiều hơn những người dân thường khác. Mẹ tôi đã dũng cảm nói với ông ngoại tôi rằng “con không lấy người đàn ông ấy, vì con không muốn bị mang tiếng là hám giầu”. Ông ngoại tôi thì lại rất khoái bố tôi nên đã nọc mẹ tôi ra đánh cho một trận vào đúng ngày ăn hỏi.

Rồi chả biết làm sao mà bố mẹ tôi lại cứ ngày càng gắn kết hơn. Hai năm sau ngày cưới tôi được sinh ra vào một mùa hè. Tôi thấy lúc nào mẹ cũng vui, kể cả có những lúc nhà rất nghèo, bão thổi tốc cả mái nhà nhưng mẹ vẫn lạc quan với cuộc sống. 6 năm sau đó là em trai tôi ra đời trong cái lạnh mùa đông tê tái ở trạm xá của làng và 5 năm sau em gái tôi ra đời trong niềm hân hoan của cả nhà.

Hai cụ sống với nhau không phải quá nhiều năm được gần gũi nhưng sự gần gũi sẽ gắn kết vợ chồng hơn, gắn kết một người đàn ông với một người đàn bà qua nhiều đêm gần gũi. Đằng này, bố mẹ tôi ở xa nhau nhiều nhưng sự gắn kết ấy lại không hề lỏng lẻo. Hai người cứ sống vì nhau, yêu thương và chăm sóc nhau cả đến khi về già như bây giờ. Bố tôi vẫn luôn là người đàn ông tốt, chăm sóc và bao bọc mẹ tôi như thuở nào và mặc dù mẹ tôi cũng là người đàn bà khá đỏng đảnh nhưng dường như những ch.uyện ấy chỉ là chuyện nhỏ trong cuộc sống vợ chồng của hai người. Mẹ tôi thì vẫn luôn thế, vui vẻ và chăm sóc gia đình khi bố tôi vắng nhà, thỉnh thoảng cấm cảu giận dỗi. Bố mẹ vẫn luôn ở bên nhau kể cả trong những giờ phút hạnh phúc nhất, hay khó khăn nhất của cuộc sống. Tôi tự hào về bố mẹ, về sự yêu thương chăm sóc mà hai người dành cho nhau.

Nhiều khi tôi đùa các cụ “bố yêu mẹ thế nhỉ”. Mẹ tôi làu nhàu “yêu đương gì, chả yêu đương gì bố mày cả. Người đâu mà hút thuốc hôi như Cú í”. Bố tôi lại cười hề hề và mẹ tôi lại hơi xấu hổ lảng sang chuyện khác hoặc chạy đi chỗ khác.

Ngày nay, tôi đang sống trong một cuộc sống hiện đại, nhịp sống nhanh hơn ngày xưa của các cụ nhiều và có quá nhiều “công cụ” để giúp cho người ta hiểu nhau hơn, gần nhau hơn nhưng rõ ràng là làm sao để có thể tìm được trọn vẹn sự mộc mạc, đơn giản nhưng khăng khít trong tình yêu như thời của bố mẹ.

Người Pháp ví von rằng hôn nhân như một quyển tiểu thuyết và hai nhân vật chính đã chết ngay từ chương đầu tiên nhưng với bố mẹ tôi thì họ mới bắt đầu sống thực sự khi có nhau, khi bắt đầu một cuộc sống hôn nhân đầy sóng gió nhưng hạnh phúc!
 
×
Quay lại
Top Bottom