Xu hướng kinh doanh 2014

Tuổi Trẻ 24

Tuoitre24.vn - Đào Tạo Khởi Nghiệp
Thành viên thân thiết
Tham gia
10/2/2014
Bài viết
345
Thêm một năm đầy khó khăn trôi qua, mỗi doanh nghiệp còn tồn tại đến hôm nay đều đã trang bị cho mình kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng. Liệu năm 2014 có mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho họ? Dưới đây là dự báo của những nhà kinh doanh trong một số ngành.

kinhdoanh-1.jpg


Giới quan sát thị trường bất động sản dự báo năm nay thị trường sẽ sôi động hơn.

Bán lẻ: Cuộc đổ bộ của nước ngoài

Hôm 1/1/2014, nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall đã đưa vào khai thác trung tâm mua sắm đầu tiên mang tên Aeon Mall Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, TP.HCM sau hai năm tuyên bố tham gia thị trường. Giới kinh doanh bán lẻ coi đây là sự “mở hàng” cho một năm sôi động đầu tư, mở rộng của thị trường bán lẻ hiện đại với cuộc ganh đua giữa các nhà đầu tư hiện hữu và chuẩn bị gia nhập.

Trước thời điểm Aeon Mall khai trương trung tâm đầu tiên, giới kinh doanh bán lẻ cũng truyền tai nhau thông tin chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ Seven Eleven của CP (Thái Lan) sắp sửa mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, thông tin này chưa được bên liên quan xác nhận nhưng những người trong ngành thì tin rằng, khả năng này là rất lớn bởi tiềm năng của thị trường cũng như tham vọng của người Thái ở đất nước có 90 triệu dân này.

Thông tin chưa chính thức cũng cho thấy, nhà bán lẻ Walmart cũng đang có nhiều hoạt động hơn ở Việt Nam, và hai tuần trước, các đại diện của Walmart đã có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu thị trường, cả mua lẫn bán.

Với các nhà đầu tư trong nước, tất nhiên là họ không ngồi yên mà sẽ tăng cường mở rộng mạng lưới, phát triển mô hình mới. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết cuối tháng 1, nhà bán lẻ này sẽ đưa vào khai thác một mô hình kinh doanh mới của họ là trung tâm thương mại loại vừa tại thành phố Cần Thơ.

Trong năm 2014, Saigon Co.op sẽ mở từ 8-10 siêu thị Co.op, chưa kể các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood và đại siêu thị Co.opXtra, kết quả của liên doanh giữa Saigon Co.op với nhà bán lẻ Singapore.

Bất động sản: Thị trường sẽ sôi động hơn

Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài đã đẩy không ít doanh nghiệp địa ốc đến bờ vực phá sản, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp kịp điều chỉnh chiến lược kinh doanh và vẫn bán được hàng, thậm chí còn sống khỏe.

Thị trường căn hộ năm 2013 đi theo xu hướng nhà diện tích nhỏ có giá bán vừa túi tiền của số đông người mua và xu hướng này tiếp tục theo các doanh nghiệp địa ốc bước sang năm 2014.

Điều giúp cho các dự án bán hàng tốt thời gian vừa qua là tiến độ dự án bên cạnh yếu tố thương hiệu chủ đầu tư. Người mua nhà hiện nay đã thận trọng hơn rất nhiều trước khi xuống tiền mua nhà, họ phải thấy được, phải sờ được cái họ sẽ mua.

Với nhiều chủ đầu tư, dự án dở dang đang là một gánh nặng oằn vai, song nó đang mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa ốc còn khả năng tài chính. Một số doanh nghiệp đang chọn hướng mua lại dự án dở dang để rút ngắn thời gian đầu tư, tránh bị chôn vốn lâu...

Nhìn chung, giới quan sát thị trường bất động sản dự báo năm 2014 - năm con Ngựa - thị trường sẽ sôi động hơn như đặc tính vốn có của con vật này.

Du lịch: hướng đến thiên nhiên

Giới kinh doanh du lịch cho rằng sẽ không có những biến động lớn về thị hiếu tiêu dùng, thị trường trong năm 2014, nhưng có một vài xu hướng mới hình thành trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục phát triển trong năm mới.

Với mảng du lịch quốc tế, du lịch biển vẫn được đánh giá là xu hướng nổi trội. Những tour du lịch đến những vùng biển xinh đẹp, có dịch vụ lưu trú, giải trí tốt vẫn sẽ thu hút du khách quốc tế và cả trong nước. Thậm chí, có nhiều công ty cho biết, lượng khách chọn nghỉ biển chiếm đa số, nhiều khi lên đến 70% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Với thị trường châu Âu, xu hướng du lịch gần gũi với thiên nhiên, dân dã hoặc dạng homestay (ở cùng nhà với dân địa phương) với dịch vụ tốt ngày càng được ưa chuộng.

Xu hướng giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển mạnh, nên nhiều chuyên gia cho rằng các công ty trong nước cần phải đầu tư để thu hút lượng khách lẻ mua tour qua mạng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp trong nước giảm bớt sự lệ thuộc vào đối tác nước ngoài vốn thường ký các hợp đồng dài hạn gửi khách đoàn đến.

Thương mại điện tử: Đa dạng phương thức bán hàng

Thương mại điện tử (TMĐT) được dự báo sẽ lên ngôi vào năm 2014 với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Đây là ngành sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt khi mà sân chơi đã hội đủ anh tài, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xu hướng của ngành TMĐT trong năm nay là các doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa mô hình hoạt động, kêu gọi thêm nguồn lực từ đối tác ngoại và đưa TMĐT lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Xu hướng này đã manh nha từ cuối năm 2013 khi hàng loạt vụ mua bán và sáp nhập diễn ra như Sumitomo rót vốn vào Tiki.vn, MOL đổ tiền vào NganLuong.vn, Foody.vn có thêm nhà đầu tư mới là CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và GITPx Investments (Singapore).

Chưa hết, doanh nghiệp TMĐT Vatgia.com còn lấn sân sang mảng du lịch khi họ đưa ra dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Trong khi đó, các doanh nghiệp TMĐT nước ngoài khác là Lazada.vn cũng tung ra trang web Lamido.vn, một mô hình C2C bán lẻ theo kiểu rao vặt kết nối giữa khách hàng với khách hàng sau khi họ khá thành công với trang web bán hàng B2C kết nối mua bán giữa doanh nghiệp và khách hàng là Lazada.vn.

Nông nghiệp: Cơ hội từ thị trường ngách

Xu hướng nông nghiệp trong năm 2014 sẽ nghiêng về thị trường ngách mà ở đó những sản phẩm nông nghiệp như dế, hoa lan, cá cảnh... sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu vì chất lượng tương đương các nước trong khu vực nhưng giá lại rẻ hơn.

Mặt hàng rau củ quả vẫn hứa hẹn một năm thành công khi nhiều sản phẩm của Việt Nam đã kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.

Mức tăng trưởng 28% về kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đã chứng minh điều này, giúp kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013. Đối với thị trường nội địa, xu hướng người tiêu dùng nghiêng về các sản phẩm rau củ quả sạch, đạt tiêu chuẩn VietGap ngày một nhiều hơn.

Ôtô: Đa dạng hóa sản phẩm

Thị trường ô tô năm 2013 đạt hơn 110.000 xe bán ra. Kết quả này dù cao hơn khoảng 19% so với năm 2012, nhưng so với kết quả năm 2011 với khoảng 145.000-150.000 xe thì vẫn còn thua xa.

Một số doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa có lối đi rõ ràng, thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng nhiều “sắc màu” và rất khó đoán thì việc đa dạng hóa sản phẩm cho tất cả mọi phân khúc người tiêu dùng là giải pháp tối ưu để gia tăng thị phần trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Các doanh nghiệp dự báo thị trường năm 2014 chỉ tăng trưởng khoảng 10-15% so với năm ngoái và cuộc cạnh tranh giành thị phần giữa các hãng xe sắp tới không kém phần quyết liệt khi ngày càng có thêm nhiều thương hiệu mới đến chia bớt thị phần.

Mặt khác, xe nhập khẩu ngày càng gia tăng cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước do thuế nhập khẩu ô tô các loại từ các nước ASEAN giảm.

Tài chính: Nợ xấu là thách thức lớn nhất

Sang năm 2014, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng tình hình ngân hàng vẫn chưa hết khó khăn, khi kinh tế được dự báo vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và nợ xấu vẫn là thách thức lớn nhất.

Do vậy, các ngân hàng sẽ tiếp tục tái cơ cấu trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời, hoạt động cho vay sẽ phải cẩn trọng hơn để tránh tăng thêm nợ xấu nhất là khi quy định mới khắt khe hơn về việc phân loại nợ (Thông tư 02) sẽ có hiệu lực vào giữa năm.

Đối với chứng khoán, không khác với ngành ngân hàng khi năm 2014 được dự báo là năm tái cấu trúc của các công ty chứng khoán. Số lượng các công ty chứng khoán sẽ giảm dần, các trường hợp sáp nhập, giải thể sẽ diễn ra trên thực tế.

Theo: https://daotaokhoinghiep.tuoitre24....Van-Khoi-Nghiep/Xu-huong-kinh-doanh-2014.html
 
×
Quay lại
Top Bottom