Xem Không-không-thấy “thích tỏ ra nguy hiểm”!

Nhím.xù

Lại thế nữa rồi ~.~
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/9/2011
Bài viết
4.128
avatar.aspx
Poster của "Johnny English Reborn" tại Anh (Nguồn: Universal)





Bốn năm đã trôi qua kể từ lần gần nhất cây hài lừng danh của nước Anh Rowan Atkinson xuất hiện trên màn ảnh rộng, và gấp đôi quãng thời gian ấy kể từ khi “Mr Bean” vào vai chàng điệp viên “Không không thấy” lần đầu tiên, song sức hút của ông đối với khán giả mọi lứa tuổi vẫn còn nguyên.

Ngay từ khi dự án phim được công bố, nhiều người hâm mộ trung thành của “Mr Bean” ngày nào đã thể hiện sự háo hức trước sự tái xuất của danh hài này. Và Atkinson đã không để người hâm mộ phải thất vọng khi “Johnny English: Reborn” (tựa Việt là Điệp Viên Không Không Thấy Tái Xuất) thành công trong việc đem lại những tràng cười sảng khoái cho khán giả.

Tái xuất từ Tây Tạng


Sau một phi vụ làm xấu mặt cả bản thân lẫn cơ quan tình báo MI7 của Anh tại Mozambique, điệp viên kì cựu Johnny English lui về ở ẩn tại một ngôi chùa ở Tây Tạng xa xôi, nơi chàng điệp viên được đào luyện bằng những thứ võ công "độc đáo."

Cuộc sống cứ thế trôi cho tới một ngày MI7 và đất nước lại cần tới sự phục vụ của Johnny nhằm ngăn chặn âm mưu ám sát Thủ tướng Trung Quốc Xiang Ping trong cuộc tọa đàm với người đồng cấp Anh. Johnny trở lại quê hương để tiếp nhiệm vụ từ “bà đầm thép” Pegasus – Thi Mã (Gillian Anderson đóng), và công nghệ cũng như vũ khí tình báo đã được nâng lên một tầm cao mới.

Manh mối duy nhất của Johnny là từ cựu điệp viên CIA Fisher, người đã bị ám sát ngay khi vừa gặp mặt “Không không thấy.” Tuy nhiên, chàng điệp viên của nước Anh cũng kịp khai thác được tình tiết, rằng tổ chức có tên “Cơn Lốc” đứng sau âm mưu ám hại nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng chính là những kẻ gây ra vụ việc ở Mozambique năm xưa. Không những thế, tổ chức này còn có sự góp mặt của các điệp viên từ CIA (Mỹ), KGB (Nga) và cả chính MI7.

Để có thể thực hiện được kế hoạch thành công, “Cơn Lốc” cần hội tụ đủ 3 chiếc chìa khóa và nhiệm vụ của Johnny English cùng cộng sự trẻ Tucker là phải tìm ra chúng. Trong quá trình truy tìm những kẻ thủ ác, gánh nặng đặt lên vai Johnny English càng nặng nề khi ông bị vu cho là nội gián của “Cơn Lốc” được cài vào MI7 và bị chính những đồng nghiệp của mình săn đuổi. Bất chấp khó khăn, chàng điệp viên vẫn tìm mọi cách để hoàn thành sứ mệnh đất nước và Nữ hoàng giao phó...

Tham gia bộ phim có sự góp mặt của nữ diễn viên Gillian Anderson, người từng rất thành công trong serie truyền hình X-Files (Hồ sơ mật – từng chiếu trên VTV3 cách đây khoảng vài năm) của Mỹ trước đây, trong vai Thi Mã – sếp của Johnny English. Tuy nhiên, diễn xuất của cô trong phim này tương đối mờ nhạt , kể cả so với một nhân vật phụ là “Bà lão hút bụi sát thủ,” và hoàn toàn lu mờ nếu đem so sánh với “thuộc cấp” của cô, chàng điệp viên hậu đậu Johnny English.

"Thích tỏ ra nguy hiểm"

Ý tưởng về một anh chàng điệp viên vụng về hay gây rắc rối được Rowan Atkinson thai nghén kể từ khi ông tham gia một quảng cáo cho hãng thẻ tín dụng tại Anh từ năm 1992. Song mãi tới 11 năm sau, ý tưởng ấy mới được chuyển thể thành phim và đạt doanh thu 160 triệu USD toàn cầu. Hình tượng một chàng điệp viên không đẹp trai nhưng vẫn cuốn hút, thường xuyên mắc sai sót ngớ ngẩn nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ cùng những món “đồ chơi” công nghệ tân tiến đem lại sự mới lạ cho khán giả, khi mà họ đã quá quen những hình tượng điệp viên hoàn hảo James Bond hay Jason Bourne trước đó.

Tuy nhiên, cục nam châm hút khán giả thực sự phải là nam diễn viên Rowan Atkinson. Nổi lên và gắn liền gương mặt mình với nhân vật hài hước “Mr Bean” đã trở thành kinh điển, Rowan có biệt tài gây cười cho khán giả ngay cả khi ông chưa cất giọng nói. Những biểu cảm trên khuôn mặt có phần ngờ ngệch cũng như cử chỉ và hành động của Rowan Atkinson đủ sức mê hoặc bất kì khán giả khó tính nào, và khi ông thể hiện sở trường của mình trên màn ảnh rộng cũng là lúc những tràng cười rộ lên từ hàng ghế khán giả.

Trong vai chàng điệp viên “Không-Không-Thấy” trăng hoa , hậu đậu, thường xuất hiện không đúng lúc và thể hiện sự khờ khạo trong những tình huống cao trào, Rowan Atkinson có nhiều cảnh phải hành động hơn các vai diễn khác ông từng đóng. Tuy nhiên trái với các thế hệ điệp viên 007 James Bond với biệt tài sử dụng vũ khí hay Jason Bourne với những pha cận chiến đẹp mắt, Johnny English lại có những cách xử lí tình huống đầy “quái chiêu” và mang tính hài hước, đó chính là điều đem lại sự hấp dẫn cho 2 tập phim về English, khi mà kịch bản của bộ phim không có nhiều chiều sâu và tương đối dễ đoán.

Theo bản thân Rowan Atkinson, ông cảm thấy mình “luôn yêu thích nhân vật này, với sự tự mãn và thói quen đánh giá quá cao các kỹ năng của chính mình. Có một điều gì đó vô cùng lôi cuốn. Tôi luôn cảm thấy dễ chịu khi được hóa thân vào các nhân vật cũ, dù đó là Mr. Bean hay Johnny English."

johny.jpg

Rowan Atkinson trong một cảnh quay (Nguồn: DM)

Các món đồ công nghệ mà Johnny English sử dụng trong phim cũng không hề thua kém các chàng điệp viên khác , với máy ảnh phóng phi tiêu, xe lăn tốc độ cao gắn súng. Nếu như loạt phim 007 nổi tiếng với những chiếc xe Aston Martin hào nhoáng thì “Không-Không-Thấy” cũng có dòng xe cao cấp Rolls Royce được điều khiển bằng giọng nói cho riêng mình. Nhưng dù được trợ giúp bởi những vũ khí siêu hạng, Johnny vẫn luôn trở thành nạn nhân của những "món đồ chơi" ấy.

Nói tóm lại, Johnny English là một bản sao hài hước của James Bond, với cách phá án mà nói theo ngôn ngữ bình dân của các bạn trẻ bây giờ là "rất thích tỏ ra nguy hiểm."!

Là một bộ phim hài phù hợp với mọi lứa tuổi, pha trộn nhiều yếu tố hành động, hài hước cùng đôi chút lãng mạn, và điều quan trọng là không cần thiết phải xem tập đầu tiên để hiểu hết về nhân vật chính, “Johnny English” là một lựa chọn an toàn và phù hợp cho những khán giả muốn tìm tới những tiếng cười. Sự dí dỏm hài hước quen thuộc của Mr Bean cũng có thể là một lý do thêm thu hút khán giả Việt Nam, nhất là khi phim được trình làng tại Việt Nam trước cả khu vực Bắc Mỹ cũng như quê hương của Johnny English.





 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom