Vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty. Xử lý như thế nào khi góp không đủ vốn?

hotrotinviet

Thành viên
Tham gia
2/3/2019
Bài viết
1
Luật có quy định về vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty hay không? Trường hợp thành viên/cổ đông hay chủ sở hữu góp không đủ vốn điều lệ sẽ xử lý như thế nào? Đây là một trong những câu hỏi phổ biến về vốn mà nhiều khách hàng thắc mắc trước khi thành lập doanh nghiệp. Tín Việt xin chia sẻ một số nội dung liên quan để quý khách nắm rõ hơn về vấn đề này.


z4593527996489_a37dc61bcc6a6fb1684eb2ee699c9f67.jpg



Có quy định vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty?

Căn cứ theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, quy định như sau:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Căn cứ theo khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: nghiêm cấm hành vi không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.
Hiện nay, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định về vốn tối thiểu khi thành lập công ty. Tuy nhiên, đối với 1 số ngành nghề đặc thù cần phải yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ thì sẽ phải đáp ứng yêu cầu về vốn theo quy định.


Thời hạn góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định như sau:
"Góp vốn thành lập công ty

1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

2. Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

3. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.

4. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này."

⇒ Như vậy, chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.

Xử lý như thế nào trong trường hợp góp không đủ vốn điều lệ công ty?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
"Vi phạm về thành lập doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
b) Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;

b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này."
⇒ Như vậy, đối với tất cả các loại hình công ty, trường hợp không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp như đã đăng ký có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.
 
×
Quay lại
Top Bottom