Việc thi cử không cần phải “đao to, búa lớn”

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Năm học vừa kết thúc, cả xã hội lại lao vào lo cho các kỳ thi liên tiếp của con em: Thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi vào đại học và thậm chí cả thi vào... lớp 1. Đã có rất nhiều bàn luận về việc phải làm sao để chuyện thi cử bớt căng thẳng, đỡ tốn kém...

Quanh vấn đề này, phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với GS-VS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội.

- Thưa Giáo sư, một thực trạng quá rõ là hằng năm các kỳ thi cử của con em làm cả xã hội mệt mỏi. Ở các nước, vấn đề tuyển sinh cũng diễn ra nhưng không căng thẳng, áp lực quá như vậy? Bao giờ thì ta mới có được bầu không khí tuyển sinh nhẹ nhàng mà hiệu quả như ở nhiều nước?

- Trước sức ép của dư luận xã hội, ngành giáo dục từ lâu cũng đã bàn tính đổi mới làm sao để các kỳ thi đỡ tốn kém, đỡ bức xúc cho xã hội. Theo tôi được biết thì đến năm 2015 mới có đổi mới về thi cử.

Hiện có nhiều bàn luận về việc bỏ một trong hai kỳ thi: Tốt nghiệp THPT hoặc thi đại học (ĐH). Bỏ kỳ thi nào? Có luồng ý kiến đề nghị bỏ thi ĐH, có ý kiến nên giữ lại vì thi ĐH có tính cạnh tranh cao. Có luồng ý kiến cho rằng giữ lại cả hai kỳ thi vì đã học là phải thi...

Tuy nhiên, chưa có thảo luận nào về vấn đề này một cách chính thức trong ngành giáo dục. Có luồng ý kiến thứ ba, theo tôi là hợp lý và khả thi, đó là giữ lại cả hai kỳ thi nhưng giảm bức xúc xã hội ở cả hai kỳ thi này. Hai kỳ thi phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng. phù hợp với mục đích của mỗi kỳ thi.

thi2.jpg

Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi.

Trước hết, phải xem mục đích của mỗi kỳ thi? Thi tốt nghiệp THPT không có tính chất cạnh tranh, không hạn chế số người đỗ, mà chỉ có tính chất kiểm tra. Vậy, cuộc thi chung trên toàn quốc như hiện nay có nặng nề quá không? Có cần một mặt bằng chung không, hay giao cho các địa phương tự tổ chức? Hiện nay, thi tốt nghiệp THPT thi chung, nhưng giao cho các địa phương đánh giá. Như vậy giao cho địa phương sẽ không thay đổi về đánh giá, nhưng sẽ giảm hẳn áp lực. Rõ ràng khi mục tiêu đơn giản thì chẳng nên phải “đao to búa lớn”. Trong khi đó, kỳ thi ĐH có tính cạnh tranh cao, cần phải trên cùng một mặt bằng thống nhất thì mới đáp ứng được tính công bằng và phân loại cao.

Thưa Giáo sư, ngày càng có nhiều than phiền rằng phương pháp thi ĐH 3 chung (chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả để xét tuyển) đang bộc lộ nhiều hạn chế và gây khó khăn cho nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập?
- Tôi cho rằng, hơn chục năm nay việc thi ĐH theo nguyên tắc “3 chung” đã phát huy được ưu điểm của nó, tạo ra được một mặt bằng chung để đánh giá (đề ra khác nhau, kết quả khác nhau rất khó để đánh giá), rồi để so sánh chọn ra điểm sàn - yêu cầu tối thiểu được vào ĐH. Điều này cũng tạo điều kiện cho các em không đủ điểm vào nguyện vọng 1 có thể vào ĐH theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 và các trường có thể lấy được các em giỏi hơn từ nguyện vọng 2, 3... Tuy nhiên, nhược điểm của “3 chung” không đạt được yêu cầu chất lượng đặc thù riêng về ngành nghề; không phù hợp với chí hướng nguyện vọng của các em (có em thà thi lại chứ không vào ĐH theo nguyện vọng 2, 3), mà không đúng chí hướng, học xong các em không yêu nghề. Đây là một nhược điểm không nhỏ. Dù vậy tôi cho rằng, bỏ điểm sàn với giáo dục VN là một mất mát.

- Luật Giáo dục VN đã có hiệu lực từ 1.1.2013, trong đó cho phép các trường ĐH được tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh. Dù nay điều luật chưa được triển khai, nhưng đã dấy lên lo ngại rằng sẽ nhiều lộn xộn và tiêu cực, khi mà các trường ĐH, CĐ được toàn quyền ?

- Giao tự chủ công tác tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ nhưng có những quy định bắt buộc để đảm bảo kỳ tuyển sinh ĐH nghiêm túc, thực chất; không có chuyện đưa con cháu không đủ tiêu chuẩn vào, vẫn có chính sách ưu tiên các đối tượng chính sách, con em dân tộc ít người, vùng khó khăn... Tóm lại, không được làm trái với các yêu cầu của xã hội.

Tự chủ thì sẽ sinh ra lộn xộn? Nghĩ như vậy là hiểu chưa đúng vấn đề tự chủ là được tự quyết định, chứ không phải muốn làm thế nào thì làm. Hơn nữa, nếu trường không có nhu cầu đặc biệt, không có khả năng thì vẫn có thể một nhóm trường kết hợp cùng nhau tuyển sinh, nghĩa là “3 chung” vẫn tồn tại nhưng phải là các trường ấy tự nguyện. Lúc đó cũng không còn điểm sàn nữa, nhưng có những cách khác thay thế để kiểm soát chất lượng đào tạo. Chẳng hạn có quy định về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng dạy gắn với định mức chỉ tiêu tuyển sinh... Luật cho thoải mái, nhưng có quy định để đảm bảo, kiểm soát...

- Thưa Giáo sư, nếu như vậy, thi tốt nghiệp THPT giao cho địa phương; thi ĐH giao cho các trường tự tuyển?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng phải đổi mới căn bản việc thi cử, với phương châm tiến hành nhẹ nhàng, chất lượng, chứ kiểu “đề thi đánh đố” làm căng thẳng để làm gì? Nhân đây, tôi muốn nói là ngành giáo dục cần phải nhanh chóng triển khai Luật Giáo dục. Luật chưa được thực thi, như vậy đã chậm hơn nửa năm rồi và không thể cứ chậm mãi được.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Việc ra đề thi làm sao phù hợp cho tuyển chọn là được. Đề thi không nên quá khó, đánh đố học sinh. Đề thi quá dễ cũng không nên, vì không đạt được mục đích phân loại học sinh. Nếu ra đề dễ vì áp lực trường ngoài công lập vướng điểm sàn, không tuyển được học sinh là rất sai lầm. Tôi cho rằng, đề thi sao cho ở mức đạt trung bình 15 điểm vào được ĐH (điểm sàn) và điều quan trọng là đề thi phải có khả năng phân hóa học sinh.

Với thi ĐH, đề thi mở cần phải hết sức thận trọng. Bởi lẽ, kỹ thuật chấm rất khó, dù đề thi mở hay. Cái này không phù hợp với kỳ thi ĐH vốn cạnh tranh rất gay gắt. Với tiêu chí kết quả công bằng thì đề thi mở không thực hiện được. Sợ không công bằng, người ta nhiều khi phải chia bài thi ra tới 100 điểm, hai người chấm phải bàn bạc nhau tới 1/4 điểm, trong khi bài thi đề mở thường được chấm chủ yếu dựa theo cảm tính, sự khoái chí... Sự thẩm định đề mở cũng rất khác nhau... GS-VS Đào Trọng Thi

Theo laodong.com
 
×
Quay lại
Top Bottom