Vì sao sáo đá bay lượn cùng nhau trên trời?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Đàn sáo đá không có chim đầu đàn và không tuân theo quỹ đạo nào.

Rhys Kentish / Unsplash

Một đàn chim sáo đá hàng ngàn con thay hình đổi dạng là một cảnh tượng ngoạn mục. Có đến 750.000 con tham gia bay cùng nhau. Những con chim tản ra và tụ lại. Đàn cũng tách ra và hợp lại. Đàn sáo đá luôn đổi hướng bay, bay lên vài trăm mét, sau đó sà xuống gần như va vào mặt đất. Chúng trông như những đốm màu lượn xoáy, tạo thành hình giọt nước, hình số tám, hình trụ và những hình dạng khác. Một đàn sáo đá có thể bay rất nhanh, lên tới 50 dặm/giờ (80 km/giờ).

Giống như nhiều loài chim khác, sáo đá châu Âu tạo đàn khi tìm kiếm thức ăn hoặc di cư. Nhưng một đàn sáo đá (murmuration) lại rất khác. Kiểu hợp đàn đặc biệt này được đặt tên theo âm thanh rì rầm trầm thấp mà sáo đá tạo ra từ hàng ngàn tiếng vỗ cánh và tiếng kêu nhỏ nhẹ khi bay.(*)


(*) Trong tiếng Anh đàn chim sáo đá được gọi là murmuration, nghĩa là sự rì rầm.

Đàn sáo đá hình thành khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn vào mùa thu, mùa đông hoặc đầu xuân, khi loài chim này đang ở gần nơi chúng sắp qua đêm. Sau 45 phút của màn trình diễn ngoạn mục trên không này, tất cả sẽ đồng loạt sà xuống chỗ đậu vào ban đêm.

Vì sao sáo đá tạo đàn?

Khác với hình dạng chữ V của ngỗng di cư, đàn sáo đá không hề có lợi thế khí động lực học nào.

Các nhà khoa học cho rằng một đàn sáo đá là một lời mời gọi trực quan để thu hút những con sáo đá khác tham gia bầy đậu vào ban đêm. Một giả thuyết cho rằng qua đêm cùng nhau giữ ấm cho sáo đá hơn vì chúng có thể san sẻ hơi ấm cơ thể. Việc đó cũng có thể giảm nguy cơ một cá thể chim bị kẻ săn mồi ăn thịt, như cú hoặc chồn marten.

Hiệu ứng pha loãng này có thể là một phần nguyên nhân mà đàn sáo đá xuất hiện: Sáo đá trong đàn càng đông, nguy cơ một con trong đàn bất kỳ trở thành miếng mồi của kẻ thù càng thấp. Những kẻ săn mồi có thể bắt được con mồi ở gần nhất, nên kiểu bay lượn xoáy của đàn có thể xảy ra khi những cá thể chim tìm cách bay vào vị trí giữa đàn an toàn hơn. Các nhà khoa học gọi đó là hiệu ứng bầy đàn ích kỷ (selfish herd effect).

Tất nhiên, chim trong đàn càng đông, tai mắt để phát hiện kẻ thù trước khi quá muộn càng nhiều.

Và một khối khổng lồ những con chim bay lượn xoáy có thể khiến việc tập trung vào một mục tiêu đơn lẻ khó khăn hơn. Một con chim cắt hoặc diều hâu có thể bị rối trí và phân tâm trước dạng sóng khó hiểu trong chuyển động của đàn sáo đá. Nó cũng phải cẩn thận để tránh va vào bầy và bị thương.

Hơn 3000 tình nguyện viên khoa học gia đã báo cáo về việc quan sát đàn sáo đá trong một nghiên cứu gần đây. Một phần ba trong số họ đã nhìn thấy chim săn mồi tấn công đàn sáo đá. Quan sát đó cho thấy đàn sáo đá được hình thành để giúp bảo vệ chúng khỏi kẻ săn mồi, nhưng cũng có khi một đàn sáo đá lớn sẽ thu hút diều hâu ngay từ đầu.


Sáo đá phối hợp hành vi với nhau thế nào?

Đàn sáo đá không có chim đầu đàn và không tuân theo một quỹ đạo nào. Thay vào đó, các nhà khoa học tin rằng chuyển động được phối hợp nhờ vào việc sáo đá quan sát hành động của những con xung quanh. Những con ở giữa có thể nhìn xuyên qua đàn từ mọi phía đến rìa và xa hơn nữa. Bằng cách nào đó, chúng có thể theo dõi cách chuyển động của cả đàn và điều chỉnh cho phù hợp.

Để tìm hiểu những gì đang xảy ra bên trong đàn, một số nhà nghiên cứu ghi hình đàn chim bằng nhiều camera cùng một lúc. Sau đó họ dùng chương trình máy tính để truy dấu chuyển động của từng cá thể và tạo ra mô hình 3D của đàn.

Các video cho thấy đàn chim không chen chúc như khi ta quan sát từ mặt đất, mà có khoảng trống để di chuyển. Sáo đá bay gần với con bên cạnh hơn con ở phía trước hoặc phía sau. Những con sáo đá ở rìa thường bay sâu hơn vào đàn.

Các nhà toán học và khoa học máy tính tìm cách tạo ra hình ảnh đàn sáo đá trực quan bằng những quy tắc mà chúng có thể tuân theo trong đàn, như di chuyển theo cùng một hướng như con lân cận, giữ khoảng cách gần và không va vào nhau. Từ những mô phỏng này, dường như mỗi con sáo đá phải theo dấu 7 con lân cận và điều chỉnh dựa trên những hành động của chúng để giữ đàn khỏi tan rã thành một mớ hỗn loạn. Và chúng làm tất cả những điều này trong khi đang bay nhanh nhất có thể.

Những đàn cá lớn dường như cũng có tập tính như đàn sáo đá, cũng như những nhóm côn trùng sống theo bầy, kể cả ong mật. Mọi chuyển động đồng bộ này có thể xảy ra rất nhanh trong đàn chim, đàn gia súc, bầy côn trùng và đàn cá mà một số nhà khoa học từng cho là cần có ESP ở động vật.(*)


(*) Extrasensory perception – khả năng ngoại cảm.

Các nhà sinh vật học, toán học, vật lý học, khoa học máy tính và kỹ sư đều đang nghiên cứu để tìm ra cách động vật thực hiện những màn trình diễn này. Dĩ nhiên sự tò mò đã khơi mào cho những nghiên cứu này. Nhưng nó cũng có thể có ứng dụng trong thực tiễn, như giúp chế tạo các phương tiện tự hành có thể di chuyển theo đội hình chặt chẽ và phối hợp theo nhóm mà không gây va chạm.

Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Bigthink.com)
 
×
Quay lại
Top