Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 50
HỌ CHẾT RA SAO
V
V
Giăng-Lui Lacua, đã sáu mươi sáu tuổi. Ông sinh ra ở La Cuốctâyơ, cái xóm gồm trăm năm mươi nhân khẩu, mất hút giữa một vùng heo hút. Trong đời ông, có mỗi một lần ông tới Ănggiê (1) cách đó mười lăm dặm ; nhưng ông lúc ấy còn trẻ quá, nên chả còn nhớ gì. Ông có ba người con, hai trai, Ăn toan và Giôdep, và một con gái, Catơrin. Chị ấy đã lấy chồng ; rồi, chồng chết chị lại trở về nhà bố, với đứa con trai nhỏ mười một tuổi, Giăckinê. Gia đình sống vào khoản năm hoặc sáu acpăng (2) đất, vừa vặn đủ để ăn bánh mỳ và không đi ra đường trần như nhộng. Khi họ uống một ly vang, họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt.
(1) Angers:một đô thị lớn của vùng sông Loarơ và Menơ.
(2) Arpent: thước đo ruộng ngày xưa, khoảng bằng 300 hoặc 500 mét vuông.
La Cuôctâyơ ở hút sâu vào trong một thung lũng nhỏ, xung quanh toàn rừng, quây kín và che lấp nó đi. Không có nhà thờ, thôn xóm quá nghèo. Thường là cha xứ ở Coocmiê tới đọc kinh, và, bởi lẽ tính ra phải đi xa tới hai dặm đường có dư, nên cha cứ nửa tháng đến một lần. Những ngôi nhà, khoảng hai mươi cái lều nát, rải ra dọc đường. Gà mái bới rác rưởi trước cửa ngõ. Khi có khách lạ đi qua đàn bà ngỏng cổ nhìn, còn bọn trẻ đang phơi bụng dưới nắng, bỏ chạy giữa đám ngỗng hốt hoảng.
Giăng-Lui chẳng bao giờ đau ốm. Ông to lớn và gân guốc như một cây sồi. Mặt trời sấy nỏ, nhuộm chín và làm da dẻ ông gãy vỡ ra, và ông mang màu sắc, vẻ cứng cỏi và thanh thản của cây cối. Ông chả còn nói năng gì nữa, cho việc đó vô bổ. Sải bước dài và ương ngạnh, ông bước đi, với sức mạnh bình thản của những con bò.
Năm ngoái, ông hãy còn khỏe hơn cả con trai ông, ông dành cho mình những việc nặng ; lặng lẽ giữa cánh đồng, nó dường như hiểu ông và biết sợ. Nhưng, một hôm, trước đây hai tháng tay chân ông bỗng dưng bại hoại ; và ông nằm liền hai tiếng vắt ngang luống cày giống như một thân cây bị đốn ngã. Hôm sau, ông muốn làm việc trở lại ; duy có điều, cánh tay nhấc chẳng nổi, đất chẳng chịu nhường. Các con trai ông lắc đầu. Con gái cố giữ ông ở nhà. Ông cứ khăng khăng, và họ phải cho Giăckinê đi kèm ông, để đứa trẻ gọi, nếu ông nó bị ngã.
– Mày làm gì ở đây, hở thẳng lười ? Giăng-Lui hỏi thằng nhóc, nó chả chịu rời ông. Vào tuổi mày, tao đã tự kiếm ăn lấy.
– Cháu trông ông đấy, ông ạ đứa trẻ đáp.
Cái chữ ấy rung chuyển cả người ông lão. Ông không nói gì thêm. Tối hôm đó, ông đi nằm và không dậy được nữa. Khi các con ông ra đồng, ngày hôm sau, họ vào thăm bố, bởi chẳng nghe ông đụng cựa gì. Họ thấy ông nằm dài trên gi.ường, mắt mở có vẻ đang suy nghĩ. Da ông cứng và xạm nâu đến nỗi chả thể biết nóng sốt thế nào.
– Thế nào ? cha, cha không được khỏe à?
Ông làu nhàu, lắc đầu để đáp.
– Ấy vậy, cha không đi, chúng con đi nhá ?
Phải, ông ra hiệu cho họ cứ đi đi. Mùa gặt bắt đầu, đang rất cần người làm. Chỉ cần lỡ mất một buổi sớm, là một cơn giông bất ngờ có thể làm rụng gãy hết lúa. Cả Giăckinê cũng đi theo mẹ và các cậu. Ông lão Lacua ở nhà một mình. Tối đến, khi các con ông về nhà, ông vẫn nguyên chỗ cũ, nằm ngửa, mắt mở, với cái vẻ suy nghĩ của ông.
– Thế nào, cha, cha không đỡ à ?
Không, không đỡ. Ông cụ làu nhàu, ông lắc lư cái đầu. Làm thế nào cho đỡ bây giờ ? Catơrin định đun rượu vang với các thứ cỏ ; những thứ ấy quá mạnh, suýt nữa thì ông cụ nguy. Giôdep bảo để đến mai sẽ liệu, và cả nhà đi ngủ.
Ngày hôm sau, trước khi đi gặt, các con trai và con gái của ông đứng một lúc cạnh gi.ường. Quả thật là ông già bị ốm. Chả bao giờ ông lại nằm suốt như thế. Có lẽ dù sao thì mời thầy thuốc đến vẫn hơn. Nản nhất là phải đi đến Rugiơmăng ; sáu dặm đi, sáu dặm về, tổng cộng là mười hai dặm. Mất trọn một ngày. Ông lão lắng tai nghe các con, liền cựa quậy và có vẻ tức bực. Ông chả cần thầy thuốc, chả được gì mà lại tốn tiền.
– Cha không ưng à ? Ăngtoan hỏi, Ấy vậy, chúng con đi làm nhé ?
Hẳn là họ đi làm đi thôi. Rõ là họ chẳng thể cứ đứng đó mà khiến ông đỡ bệnh. Ruộng đất cần được chăm hơn ông. Và ba ngày trôi qua, bọn con cứ sáng ra đi ra đồng, Giăng Lui chả động cựa gì, cứ một mình, khi khát thì uống ở cái bình. Ông giống như những con ngựa già mệt quá ngã gục ở một xó, và người ta để yên cho nó chết. Ông đã lao động sáu mươi năm trời, ông có thể ra đi, bởi ông chẳng còn ích lợi gì nữa, ngoài chuyện làm vướng bận cho mọi người.
Cả bọn con cái cũng không đau đớn gì lắm. Đất đã khiến họ nhẫn nhục chịu đựng ; họ gần gũi với đất quá, chả thể nào trách nó đã lấy mất cha già. Sáng dậy ngó một cái, tối đến ngó một cái, họ chả thể nào làm hơn được. Nếu cha họ tự dựng dậy được, thì rõ là ông rất cường tráng. Nếu ông cụ chết, thì bởi cái chết đã nằm trong mình ; và ai cũng biết rằng, khi cái chết đã nằm trong mình, chả có gì tống nó đi khỏi được, kể cả dấu thánh lẫn thuốc men. Ngay cả con bò cái, nó còn tự chạy chữa được.
Giăng-Lui, tối hôm ấy, đưa mắt hỏi các con về mùa màng. Khi ông nghe họ tính số bó lúa, hoan hỉ vì thời tiết tốt khiến gặt nhanh, mắt ông lộ vẻ vui mừng. Người ta lại bàn chuyện đi mời thầy thuốc ; nhưng ông lão nổi giận, và họ sợ ông sẽ chết sớm, nếu cứ làm trái ý ông. Ông chỉ cho mời người tuần phiên, một ông bạn già. Lão Nicôla lớn tuổi hơn ông, bởi lẽ ông này đã bảy mươi làm vào dịp Săngđơlơ. Ông lão vẫn thẳng như cây bạch dương. Ông tới nhà và ngồi bên Giăng-Lui chẳng còn nói được, nhìn ông với cặp mắt đã mờ. Ông lão Nicôla cũng nhìn ông, chả có gì để nói. Và hai ông cụ già đối diện với nhau như thế hàng giờ, chẳng nói một lời, sung sướng vì gặp nhau, hẳn đang nhớ lại những chuyện xa lắc, những ngày xưa kia. Chính vào tối hôm đó, bọn con ông khi đi gặt về thấy Giăng-Lui, đã chết, nằm dài, cứng đơ và mắt ngước lên không.
Phải, ông già đã chết, chẳng hề đụng cựa tí gì. Ông đã hắt hơi thở cuối cùng thẳng trước mặt, thêm một luồng hơi giữa cánh đồng quê khoáng đạt. Giống như những con vật ẩn mình đi và chịu nhẫn nhục, ông chẳng hề quấy rầy tới một người hàng xóm, ông tự làm lấy chút việc nhỏ của mình.
– Bố chết rồi, Giôdép nói, gọi những người kia.
Và tất cả, Ăngtoan, Catơrin, Giăckinê lặp lại :
– Bố chết rồi.
Điều đó chả khiến họ ngạc nhiên. Giăckinê rướn cổ lên một cách kỳ cục, người đàn bà rút khăn tay ra, hai người con trai lặng lẽ bước, gương mặt nghiêm trang và tái đi dưới làn da rám nắng. Ông cụ tuy thế đã khá thọ, thật cường tráng, người cha già của họ : Ý nghĩ ấy an ủi con cái, họ rất tự hào về sức lực của gia đình.
Ban đêm, họ thức trông cha tới mười một giờ, rồi tất cả đều ngủ thiếp đi ; và Giăng-Lui lại ngủ một mình, với gương mặt kín nhẹm dường như đang suy nghĩ.
Vừa hửng sáng, Giôdép đi Coocmiê, để báo tin cho cha xứ biết. Tuy nhiên, vì vẫn còn những bó lúa phải chở về, Ăngtoan và Catơrin sáng dậy vẫn phải đi ra đồng, để Giăckinê ở lại trông thi hài. Thằng bé ở lại với ông già đâm chán, ông cụ chả hề nhúc nhích gì, và thỉnh thoảng nó lại đi ra ngoài đường, ném đá vào chim sẻ, nhìn người bán hàng rong bày những chiếc khăn quàng cổ trước mặt hai bà hàng xóm ; rồi, khi nhớ tới ông nó, nó lại vội về, xem thấy ông cụ không cựa quậy gì, rồi lại chạy đi xem hai con chó đánh nhau.
Bởi cánh cửa ra vào để ngỏ đàn gà mái vào nhà, bình thản dạo chơi, mổ đất nện tìm mồi. Một con gà trống đỏ rướn mình trên hai cẳng, ngổng cổ, trợn tròn con mắt rực như than hồng thắc mắc vì cái hình hài mà nó chả thể cắt nghĩa được sự hiện diện ; đó là một con gà trống thận trọng và minh mẫn, hẳn là nó biết rằng ông lão không có thói quen nằm lì trên gi.ường khi mặt trời đã mọc ; và cuối cùng nó thốt lên tiếng kêu ngân vang như kèn đồng, khúc ca về cái chết của ông già, trong khi bọn gà mái đi ra từng con một, vừa đi vừa cục tác và vừa mổ đất.
Cha xứ ở Coocmiê chỉ có thể tới vào hồi năm giờ. Từ sáng, người ta nghe thợ đóng xe cưa gỗ thông và đóng đinh. Những ai chưa hay tin, nói : « Này ! hóa ra Giăng-Lui đã chết », bởi lẽ những người dân vùng La Cuôctây biết rõ loại tiếng động này.
Ăngtoan và Catơrin trở về, mùa màng đã xong ; họ chả thể bảo rằng họ không hài lòng, bởi lẽ đã mười năm nay, chưa bao giờ lúa tốt như vậy.
Cả nhà đợi vị cha xứ, mọi người làm lụng để đỡ sốt ruột ; Catơrin hâm xúp, Giôdep kéo nước, người ta sai Giăckinê đi xem xem cái huyệt ngoài nghĩa địa đào xong chưa. Sau rốt, tới sáu giờ, cha xứ tới. Ông ngồi trong xe ngựa, có một thằng bé đi theo phụ lễ. Ông xuống xe trước cửa nhà Lacua, mở bọc giấy bảo lấy chiếc khăn choàng và áo lễ trắng ; rồi, ông vừa bận đồ, vừa nói :
– Nhanh lên, cha còn phải về lúc bảy giờ.
Tuy nhiên, chả ai vội vã. Người ta phải đi tìm hai người láng giềng để họ khiêng người quá cố trên cái cáng bằng gỗ đen đã cũ. Sau cùng lúc người ta định ra đi Giăckinê chạy về và hét rằng cái huyệt đào chưa xong, tuy thế mọi người cứ ra đi cũng được.
Thế là, cha đạo đi đầu, xướng lên thứ tiếng latinh trong một cuốn sách. Chú nhỏ phụ lễ đi theo cha, mang một chiếc bình đựng nước thánh bằng đồng méo mó, trong đó ngâm một chiếc ngù. Mãi tới giữa làng mới có một đứa trẻ khác đi ra từ vựa lúa nơi cứ nửa tháng người ta làm lễ một lần, bước lên đầu đoàn người, cầm chiếc thánh giá cắm ở đầu một thanh gậy. Gia đình đi sau thi hài ; dân dần tất cả dân làng đi theo họ ; một cái đuôi toàn trẻ con, đầu trần, lếch thếch, chẳng giày dép gì, đi sau rốt.
Nghĩa địa ở đầu bên kia La Cuôctây. Vậy nên hai người hàng xóm đặt cáng nghỉ ba lần ; họ thở khi đám tang dừng lại ; và người ta lại đi. Tiếng guốc gỗ dậm trên đất cứng. Khi tới nơi, cái huyệt quả là đào chưa xong ; người đào huyệt hãy còn trong đó, và người ta thấy ông ta lún xuống, rồi lại xuất hiện, đều đặn, theo nhát xẻng xúc đất.
Một dãy rào đơn giản bao quanh nghĩa địa. Những cây mâm xôi mọc lên, nơi những thằng nhóc thường tới vào những chiều tháng chín, để ăn trái. Đó là một khu vườn sát sạt cánh đồng. Sâu trong vườn, có những cây phúc bồn tử cực kỳ lớn ; một cây lê, ở góc lớn lên tựa cây sồi ; một con đường ngắn trồng bồ đề, giữa khu, tỏa bóng râm, dưới bóng cây các ông già về mùa hè ngồi hút tẩu thuốc. Mặt trời thiêu đốt, những con châu chấu hoảng sợ, những con ruồi màu vàng kêu ran lên giữa luồng hơi nóng run rẩy. Cảnh yên lặng rung động đầy sức sống, nhựa chảy giữa mảnh đất phì nhiêu này cùng với màu đỏ của những bông mào gà.
Người ta kê chiếc quan tài gần huyệt, thằng bé cầm thánh giá mang cắm nó dưới chân người chết, trong lúc vị cha đạo, đứng ở đầu, tiếp tục xướng chữ la tinh trong cuốn sách của cha. Nhưng những người đi đưa ma chú ý tới người phu đào huyệt hơn. Họ vây quanh huyệt, nhìn dõi theo cái xẻng ; và khi họ quay lại, cha xứ đã ra đi cùng hai đứa trẻ ; chỉ còn gia đình ở đó, đang chờ đợi vẻ kiên nhẫn.
Sau rốt, huyệt đã đào xong.
– Đủ sâu rồi đấy ! một trong hai bác nông dân khiêng quan tài bảo thế.
Và tất cả mọi người cùng giúp một tay để hạ huyệt. Lão Lacua sẽ dễ chịu, trong cái hố này. Ông lão quen với đất, và đất cũng quen với lão. Họ sẽ sống chung yên ổn. Thế là đã gần sáu chục năm trời đất hẹn hò cùng ông, kể từ ngày ông bập vào đất nhát cuốc đầu tiên. Tình âu yếm giữa họ phải kết thúc ở nơi này, đất phải lấy lại ông và giữ lấy ông. Và nghỉ ngơi mới khỏe khoắn làm sao ! Ông sẽ chỉ nghe thấy tiếng chân chim nhè nhẹ dẫm lên các nhánh cỏ. Chả ai đi lên đầu ông, ông sẽ ở lại chốn trú ngụ của mình bao năm tháng, chẳng ai quấy rầy. Đó là cái chết tràn đầy ánh nắng, giấc ngủ vô tận giữa đồng quê thanh bình.
Những người con tiến lại gần. Catơrin, Ăngtoan, Giôdép bốc một nắm đất và ném lên ông già. Giắckinê, sau khi đã hái các bông mào gà, cũng ném bó hoa của mình lên đó. Rồi, cả nhà trở về ăn xúp, súc vật ngoài cánh đồng trở về, mặt trời lặn xuống. Một đêm ấm áp ru ngủ làng quê.
ĐẶNG ANH ĐÀO dịch