Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(34)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
36
HỌ CHẾT RA SAO

II​



Bà Ghêra ở góa. Chồng bà, đã mất từ tám năm nay trước là quan tòa. Bà thuộc giới đại tư sản và có được một gia sản khoảng hai triệu. Bà được ba người con, ba cậu con trai, khi cha họ mất đã hưởng thừa kế mỗi người được năm mươi vạn phơrăng. Nhưng những người con trai nọ, giữa cái gia đình nghiêm khắc lạnh lẽo và kiểu cách ấy, mọc lên tựa loại dòng giống hoang dại, với những thói háu đói và vết rạn vỡ chả biết lấy tự nguồn nào. Chỉ trong vài năm họ ngốn hết cả năm mươi vạn phơrăng của họ. Người anh cả, Sáclơ, mê mẩn đồ cơ khí và sài phí một cách điền rồ vào những phát minh kỳ cục. Người thứ hai, Gioocgiơ, bị đàn bà dốc cạn. Người thứ ba, Môrixơ, bị một người bạn cùng chung lưng xây dựng một gánh hát cuỗm ráo. Giờ đây, ba đứa con trai đều ăn bám vào bà mẹ, bà rất muốn nuôi nấng và cho con ăn ở cùng mình, nhưng do thói lo xa, vẫn giữ bên mình chùm chìa khóa các tủ.

Tất cả mấy người đó đều ngụ tại ngôi nhà rộng rãi ở phố Tuyren tại Mare (1). Bà Ghêra đã sáu mươi tám tuổi. Càng già, càng sinh lắm thói tật. Bà đòi hỏi ngôi nhà bà phải yên tĩnh và sạch như tu viện. Bà bủn xỉn, đếm từng miếng đường, cất giữ các chai rượu đã mở, chi vải vóc và đồ bát đĩa thỉnh thoảng khi cần dùng tới. Các con trai bà rất yêu quý mẹ, và bà vẫn giữ được uy quyền tuyệt đối trước các con, dù họ đã ba mươi tuổi và dù họ khờ dại đến đâu. Nhưng mỗi khi bà thấy mình đơn độc giữa ba thằng quỷ to gộc ấy, bà ngấm ngầm lo sợ, bà luôn sợ chúng hỏi xin tiền, bà chả biết thoái thác ra sao. Bởi thế bà đã lo biến gia sản của mình thành bất động sản : bà có ba ngôi nhà ở Pari và một số đất phía vùng Vanhxen (2). Mấy thứ sở hữu ấy gây cho bà nhiều chuyện mệt nhọc : có điều là bà yên tâm, bà tìm được cớ để không phải cho nhiều món tiền lớn cùng một lúc.

(1) Marais trung tâm buôn bán ở Pari vào thế kỷ XIX.

(2) Vincennes vùng ngoại ở Pari.



Saclơ, Gioócgiơ và Môrixơ, vả chăng, cố ra công gặm cái nhà. Họ chốt ở đó, dành nhau từng miếng, trách móc nhau về cái tính háu đói. Cái chết của người mẹ sẽ khiến họ giàu thêm ; họ biết thế, và lý do ấy dường đủ khiến họ chờ đợi mà chẳng hề làm việc gì. Dù họ không bao giờ nói tới chuyện đó nhưng nỗi bận tâm không ngừng của họ là biết xem chuyện chia của sẽ xảy ra như thế nào, nếu họ không nhất trí được, sẽ phải bán, việc này bao giờ cũng là chuyện mất của. Và họ nghĩ tới ch.uyện ấy mà chẳng chút h.am m.uốn xấu xa nào, chỉ là vì phải dự đoán trước mọi việc mà thôi. Họ rất vui vẻ, dễ thương trung thực một cách vừa phải : như tất cả mọi người, họ mong sao người mẹ sống thật lâu. Bà ta chả gây phiền hà gì cho họ. Họ chờ đợi, thế thôi.

Một tối, sau khi ăn xong, bà Ghêra thấy khó chịu. Các con trai bà bắt bà phải đi nằm, và họ để mẹ ở lại với chị hầu phòng, khi bà ta đoan chắc với họ rằng bà đã đỡ, rằng bà chỉ bị cảm nặng mà thôi. Nhưng, ngày hôm sau, bệnh tình bà già nặng thêm, vị thầy thuốc gia đình, lo ngại, xin chuẩn bệnh. Bà Ghêra đang cơn nguy kịch. Thế là, trong tám ngày, một tấn kịch diễn ra quanh gi.ường người sắp chết.

Chuyện lo lắng đầu tiên của bà, khi thấy bị bất động trong căn phòng vì ốm đau, là bắt trao lại, mọi thứ chìa khóa và giấu vào dưới gối. Bà muốn, từ gi.ường mình, vẫn cứ cai quản, che chở những chiếc tủ khỏi bị sài phí. Trong bà diễn ra những cuộc đấu tranh, những mối nghi hoặc giày vò bà. Bà chỉ quyết định được sau khi lưỡng lự khá nhiều. Ba đứa con trai đều ở đó, và bà dò xét họ với cặp mắt lờ đờ, bà mong tìm ra kẻ hay ho nào đó.

Một hôm, bà thấy tin tưởng ở Gioocgiơ. Bà ra hiệu cho anh ta tới gần, nói se sẽ với anh :

– Này cái khóa tủ búp phê đây, con đi lấy đường đi... Rồi con khóa chặt tủ mang chìa cho mẹ.

Một hôm khác, bà thấy nghi ngại Gioocgiơ, bà nhìn dõi theo anh ta, mỗi khi anh này nhúc nhích, dường như sợ thấy anh ta tuồn các đồ bày biện trên lò sưởi vào túi. Bà gọi Sáclơ, lại giao cho anh này một chiếc chìa, nói thì thầm.

– Chị hầu phòng đi cùng con. Con trông cho chị ta lấy các thứ khăn trải gi.ường rồi tự tay khóa tủ lại.

Trong cơn hấp hối, đó chính là cực hình của bà : chả còn được trông nom việc chi tiêu của gia đình. Bà nhớ lại những thói rồ dại của con cái, bà biết là chúng lười nhác, ngốn dữ, đầu óc chả sáng suốt gi, tay thả lỏng. Đã từ lâu, bà chẳng còn quý mến gì chúng, chúng chẳng làm như bà hằng mơ ước, chúng chỉ gây rắc rối cho những thói quen cần kiệm và cứng rắn của bà. Chỉ còn tình thương sót lại và tha thứ. Dưới đáy mắt van vỉ, người ta đọc thấy bà xin họ hãy tha thứ cho bà đợi khi bà đi khỏi, hãy dốc cạn các ngăn và chia nhau của cải của bà. Cảnh chia bôi ấy, trước mắt bà, sẽ là một thứ tra tấn đối với thói bủn xỉn đang ngắc ngoải của bà.

Tuy nhiên Saclơ, Gioocgiơ và Môrixơ tỏ ra rất tốt. Họ thống nhất sao cho lúc nào cũng có một trong ba người ở bên cạnh mẹ. Mỗi sự chăm sóc đều lộ ra tình âu yếm chân thành. Nhưng, dẫu sao, họ vẫn mang theo những thói vô tư lự bên ngoài kia, mùi xì gà họ hút, mối quan tâm tới những tin tức ngoài thành phố. Và thói ích kỷ của người ốm khổ sở vì mình không thể là tất cả đối với các con, vào giờ phút lâm chung. Rồi tới khi bà ta yếu đi, những mối nghi ngờ gây nên nỗi ngại ngùng giữa bà và các con. Nếu họ không nghĩ tới gia tài sắp được thừa hưởng, thì bà cũng gieo rắc ý nghĩ về tiền của ấy vào đầu óc họ do cái cách bà bảo vệ nó cho đến hơi thở cuối cùng. Bà nhìn họ với vẻ xoi mói, với vẻ lo ngại rõ rệt đến nỗi họ phải quay đi. Bấy giờ, bà nghĩ là họ chờ đợi phút hấp hối của mình ; và, sự thật, họ nghĩ tới nó, họ bị liên tục lôi trở về ý nghĩ ấy, bởi cái nhìn dò hỏi câm lặng của bà. Chính bà đã khiến lòng tham nảy nở trong họ. Khi bà tóm được một kẻ đang mơ màng chuyện nọ, gương mặt tái ngắt, bà bảo kẻ đó.

– Lại gần đây... Con nghĩ gì thế ?

– Chả nghĩ gì cả mẹ ạ

Nhưng anh ta giật nảy mình. Bà thong thả lắc đầu, nói thêm :

– Mẹ làm các con phải lo nghĩ nhiều, các con ạ. Thôi, đừng tự hành mình nhiều, mẹ sẽ chẳng còn bao lâu nữa đâu.

Họ quây quanh bà, họ thề thốt rằng họ thương yêu bà và sẽ cứu sống bà. Bà trả lời là không, đầu lắc quầy quậy ; mối hồ nghi càng sâu thêm. Cơn hấp hối thật khủng khiếp, nhiễm độc bởi tiền của.

Cơn bệnh kéo dài ba tuần. Đã có năm cuộc chuẩn bệnh, những người tiếng tăm nhất của ngành y đã được mời đến. Chị hậu phòng giúp các người con trai chăm sóc bà chủ, và dù đã hết sức chú ý, đôi chút lộn xộn vẫn xảy ra trong ngôi nhà. Mọi hy vọng đều đã hết, người thầy thuốc báo trước rằng người bệnh có thể mất, chỉ còn tính giờ nữa mà thôi.

Bấy giờ, vào một buổi sáng lúc các con trai tưởng bà đang ngủ, họ nói chuyện riêng với nhau, cạnh cửa sổ, về một chuyện khó khăn vừa gặp. Đã là mười lăm tháng Bảy, thường bà có thói quen thu lấy tiền cho thuê nhà và họ rất lúng túng không biết làm thế nào để thu món tiền ấy. Các người gác nhà đã xin cho ý kiến. Trong tình trạng bà đau yếu như vậy, họ chẳng thể nói chuyện làm ăn với bà được. Thế nhưng, nếu chuyện chẳng lành xảy ra, họ rất cần đến tiền nhà, để lấp vào những khoản chi tiêu riêng.

– Lạy chúa ! Saclơ nói nho nhỏ, anh sẽ, nếu các em bằng lòng, tới gặp các người thuê nhà... Họ sẽ hiểu tình cảnh này, họ sẽ trả.

Nhưng Gioocgiơ và Môrixơ có vẻ chả khoái gì cách ấy. Họ cũng vậy, đều đã đâm ra đa nghi.

– Chúng em có thể đi cùng anh, người em thứ nhất nói. Cả ba đều có việc phải tiêu sài.

– Thôi được ! anh sẽ trao tiền lại cho các em... Chắc hẳn là các chú chả thể nghĩ rằng anh lại có thể tếch đi với món đó chứ gì !

– Không đâu, nhưng chúng mình đi cùng tốt hơn. Làm thế có vẻ bình thường hơn.

Và họ nhìn nhau, bằng những cặp mắt mà ánh giận dữ và hằn học vì chuyện chia bôi đã bắt đầu lóe lên. Việc thừa kế đã bắt đầu, mỗi người muốn nắm phần lớn nhất cho mình. Saclơ đột nhiên tiếp tục, nói to lên những đắn đo mà các cậu em đang nghĩ thầm :

– Thôi thế này, chúng mình sẽ bán đi, thế là hơn... Nếu bữa nay chúng ta cãi cọ nhau, thì mai sẽ ăn thịt nhau mất. Nhưng một tiếng thở dốc khiến họ quay đầu lại. Người mẹ trỗi dậy, trắng nhợt, mắt hết cả thần, mình run bần bật. Bà đã nghe thấy, bà giơ hai cánh tay gầy guộc, bà lặp lại với giọng kinh hoàng :

– Các con ơi... các con ơi...

Và một cơn giật quẳng bà xuống gối, bà chết với ý nghĩ kinh khủng là các con trai đang lấy của của bà.

Cả ba người, kinh sợ, quỳ sụp xuống chiếc gi.ường. Họ hôn tay người chết, vuốt mắt bà và khóc nức nở. Lúc ấy, thời thơ ấu của họ trở về nơi tim họ, và họ chỉ còn là những đứa trẻ mồ côi. Nhưng cái chết khủng khiếp nọ vẫn nán lại trong lòng họ, như một niềm hối hận và nỗi hằn thù.

Việc sửa soạn cho người chết do chị hầu phòng lo toan. Người ta sai mời một bà xơ để trông coi thi hài. Trong thời gian ấy, ba người con trai chạy các việc : họ đi khai tử, đặt in các giấy báo tử, thanh toán tiền tang lễ. Ban đêm, họ thay phiên nhau và mỗi người thức cùng với bà xơ. Trong căn phòng, các rèm cửa kéo kín, người chết nằm duỗi dài giữa gi.ường, đầu cứng đơ, hai tay chắp lại, một cây thánh giá bạc đặt trên ngực. Bên cạnh bà, một ngọn nến cháy. Một nhánh hoàng dương ngâm trong chiếc lọ đầy nước thánh và đêm thức bên thi hài kết thúc khi buổi mai rùng mình. Bà xơ xin ít sữa nóng, vì bà thấy không được khỏe.

Một giờ trước lúc đưa ma, cầu thang đầy ngập người. Cổng nhà chăng đầy màu đen, riềm bạc. Chiếc quan tài đặt chính tại nơi đó, như giữa chốn tận cùng của một giáo đường chật hẹp, xung quanh đầy nến, các vòng hoa và bó hoa phủ kín. Mỗi người bước vào đều cầm cái ngù trong bình nước thánh, và rảy vào thi hài. Mười một giờ, đám tang bắt đầu đi. Các con trai của người quá cố dẫn đầu đám tang. Đằng sau họ, người ta nhận ra các quan tòa, vài nhà kỹ nghệ lớn, tất cả tầng lớp tư sản trang trọng và oai vệ, bước từng bước một, mắt liếc ngang về phía những kẻ tò mò dừng lại dọc vỉa hè. Cuối đám tang là mười hai chiếc xe đưa tang. Người ta đếm, người ta rất để ý đến chúng trong khu phố.

Tuy nhiên, những người đưa tang ái ngại cho Saclơ, Gioocgiơ và Môrixơ, họ bận lễ phục, đeo găng đen, đi đằng sau quan tài, đầu cúi thấp, mặt đỏ lên vì khóc. Nói cho cùng, cũng chỉ có một lời ; họ chôn cất mẹ thật chu đáo. Chiếc xe tang hạng ba, người ta tính rằng họ phải chi vào đó hàng bao nhiêu ngàn phơrăng. Một viên công chứng già mỉm cười láu lỉnh nói :

– Nếu bà Giêra tự mình chi tiền đám tang, bà ta sẽ tiết kiệm được sáu chiếc xe.

Tại nhà thờ, cánh cửa chăng kín, những cây đại phong cầm vang lên, lễ rửa tội do cha xứ của giáo phận ban. Rồi khi đám cử tọa đã diễu qua linh cữu họ thấy trước lối vào của gian chính giáo đường ba người con trai dàn hàng, đứng tại đó để nhận những cái xiết tay của những người không thể đi ra tới nghĩa trang. Trong mười phút, tay họ duỗi đơ ra, họ xiết tay mà chả nhận ra nổi ai, cắn chặt môi, nuốt nước mắt. Và họ thoát được một gánh nặng, khi nhà thờ trống không và họ lại từ từ bước đằng sau xe tang.

Hầm mộ nhà Ghêra ở nghĩa địa Pe-Lasedơ. Rất nhiều người đi bộ, một số leo lên các chiếc xe đi đưa tang. Đoàn người đi qua quảng trường Baxti và đi theo lối phố Đơ la Rôket. Khách qua đường ngước mắt nhìn, cất mũ. Đó là một đám tang giàu có, những kẻ thợ thuyền thuộc khu phố đông đúc này nhìn nó đi qua, trong khi ăn những mẩu xúc xích ép giữa bánh mì bổ đôi.

Tới nghĩa trang, đám tang rẽ sang trái và lập tức đến trước ngay ngôi mộ : một tượng đài nho nhỏ, một tiểu giáo đường, trên mặt khắc hàng chữ màu đen : Họ Ghêra. Cánh cửa đúc bằng gang, mở to, nhìn rõ bàn thờ, nến đang cháy. Quanh tòa mộ phần những kiểu xây dựng theo lối ấy xếp dãy dài và hợp thành những đường phố ; người ta có thể nói đó là mặt trước của quầy hàng bán đồ đạc, cùng những tủ đứng, tủ có ô ngăn kéo, bàn giấy, vừa đóng xong và xếp đặt cân đối để bày hàng. Những người đưa đám lơ đãng, mải nhìn lối kiến trúc nọ, tìm bóng râm dưới những cây của lối đi bên cạnh. Một bà đi ra xa ngắm nghía một cây hồng tuyệt đẹp, đóa hoa tươi tắn và ngát hương, mọc trên một nấm mồ.

Thế nhưng, quan tài đã hạ huyệt. Một vị linh mục đã đọc những bài kinh cuối cùng, trong khi những người đào mồ, mặc áo vét xanh, đứng chờ cách đó mấy bước. Ba người con trai nức nở, mắt đăm đăm nhìn ngôi nhà mồ há to miệng, do tấm đá đã nhấc lên ; nơi đó, trong bóng râm xanh ngắt, rồi họ cũng sẽ tới đó ngủ. Một số bạn bè đến dẫn họ đi, khi các người đào mồ tới gần.

Và hai ngày sau, tại nhà viên công chứng của mẹ họ, họ cãi cọ, răng nghiến lại, mắt ráo hoảnh hung hăng như những kẻ thù đã quyết không nhường nhau một đồng xu nhỏ. Lợi ích đòi hỏi họ phải đợi, đừng vội bán các tài sản. Nhưng họ ném sự thật vào mặt nhau : Saclơ sẽ ngốn hết với những trò phát minh của anh ta ; Gioocgiơ hẳn sẽ bị bọn gái xài hết ; Môrixơ nhất định đang hùn vốn vào một trò điên rồ nào đó, nó sẽ dốc cạn vốn của họ. Người công chứng cố hướng họ đến chỗ dàn xếp sao cho ổn, nhưng vô ích. Họ chia tay nhau, dọa sẽ gửi giấy của tòa gọi tới cho nhau.

Đó là kẻ đã chết đang thức dậy nơi họ, với thói bủn xỉn và nỗi hãi hùng sợ bị mất cắp. Khi tiền bạc đã nhiễm vào cái chết, chỉ còn có sự giận dữ từ cái chết đi ra. Người ta nện nhau trên các quan tài.

...... (1)

(1) Chúng tôi lược không trích cái chết thứ ba
 
×
Quay lại
Top Bottom