Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 50
HỌ CHẾT RA SAO
Êmin Dôla
I
Bá tước Đơ Vectơi đã năm mươi lăm tuổi. Ông thuộc một trong những dòng họ nổi tiếng nhất của nước Pháp và làm chủ một gia sản rất lớn. Giận dỗi với chính quyền, ông lo sao cho chẳng ngồi không, viết bài cho các tạp chí đứng đắn, do đấy mà ông được vào viện Hàn làm các khoa luân lý và chính trị, ông lao vào sự nghiệp, hết mê mẩn với nghề canh nông, lại đến chăn nuôi, mỹ thuật. Thậm chí, có lúc, ông đã từng là ông nghị, và nổi bật lên vì sự đối kháng rất hung hăng của ông
Bá tước phu nhân Matinđơ đơ Vectơi bốn mươi sáu tuổi. Bà vẫn được kể như người đàn bà tóc vàng yêu kiều nhất của Pari. Tuổi tác dường khiến làn da nõn nà thêm. Trước đây bà hơi gầy, nay đôi vai tròn trịa lại tựa trái cây óng mượt vào lúc chín muồi. Chưa bao giờ bà đẹp bằng lúc này. Khi bà bước vào một phòng khách, tóc vàng óng và bộ ngực mịn màng, bà giống như ngôi sao mới mọc ; và bọn dàn bà hai mươi tuổi ghen tị với bà.
Vợ chồng bá tước là một trong những cặp mà chả ai bàn tán điều gì. Họ đã lấy nhau như người ta thường lấy nhau trong cái giới ấy. Thậm chí người ta còn đoán chắc rằng họ từng sống với nhau sáu năm rất tuyệt. Vào thời kỳ đó, họ sinh được một con trai Rôgiê, hiện đang đóng lon trung úy, và một gái, cô Blăngsơ, mà họ vừa gả hồi năm ngoái cho ông Đơ Buyxăc, ngài ủy viên thỉnh nguyện của Tòa tham chính. Họ ràng buộc với nhau qua những đứa con. Từ bao năm nay đã thôi gắn bó, họ vẫn sống hòa thuận với nhau, dựa trên thói ích kỷ thật sâu sắc. Họ hỏi ý kiến nhau, cư xử với nhau thật chả có gì đáng chê trách được trước mọi người, nhưng rồi sau đó mỗi người đóng chặt cửa phòng, thỏa sức đón bồ bịch.
Tuy nhiên một đêm, Matinđơ tan buổi dạ hội trở về vào hồi hai giờ sáng ; chị hầu phòng thay áo cho bà : rồi khi sắp lui ra khỏi phòng, chị ta nói :
– Ngài bá tước tối nay hơi khó ở.
Nữ bá tước, đã ngái ngủ, lười biếng xoay đầu lại :
– À ! bà lẩm bẩm.
Bà duỗi mình nói thêm :
– Ngày mai chị thức tôi dậy lúc mười giờ, tôi phải gặp cô nhà hàng tân trang.
Ngày hôm sau, vào bữa điểm tâm, không thấy bá tước, bà bá tước cho người vào thăm hỏi trước ; sau đó, bà quyết định lên chỗ ông. Bà thấy ông nằm trong gi.ường rất xanh xao, rất đúng mực. Ba thầy thuốc đã tới đây, đã thì thầm trao đổi và để lại các đơn thuốc : tối nay họ sẽ phải trở lại. Người ốm được hai người đầy tớ săn sóc, vẻ nghiêm trọng và lặng ngắt họ đi lại, rón rén bước chân trên thảm. Gian phòng lớn ngái ngủ, giữa cảnh trang nghiêm lạnh lẽo ; áo quần chẳng hề vắt bề bộn, đồ đạc không suy xuyển khỏi chỗ. Đó là bệnh tật sạch sẽ và đáng kính, bệnh tật trang trọng, đang chờ các cuộc viếng thăm.
– Ông đau lắm ư ông ? nữ bá tước vừa bước vào vừa hỏi.
Ngài bá tước cố gượng mỉm cười.
– Ồ ! có hơi mệt một chút, ông đáp. Tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi... Cảm ơn mình đã lo lắng đến tôi.
Hai ngày trôi qua. Căn phòng vẫn thật chẳng chê vào đâu được ; mỗi đồ vật đều ở đúng chỗ, các lọ thuốc nước biến đi chẳng hề dây vết bẩn lên đồ đạc. Những khuôn mặt cạo nhãn của bọn đầy tớ thậm chí chả hề tự cho phép biểu lộ một chút ngán ngẩm. Tuy nhiên bá tước biết rằng mình đang trong cơn hiểm nghèo ; ngài đã đòi các thầy thuốc cho biết sự thật, và ngài để mặc cho họ làm, không một lời than vãn. Thường thường, ngài nằm nhắm mắt, hoặc nhìn đăm đăm thẳng trước mặt, dường như ngài suy tưởng về sự cô đơn của mình.
Ngoài chốn giao lưu, nữ bá tước nói rằng chồng mình khó ở. Bà chả hề thay đổi gì lối sống, ăn ngủ, đi chơi đúng giờ đã định. Mỗi buổi sáng và mỗi tối, bà thân hành đến hỏi thăm bá tước xem sức khỏe ông ra sao.
– Thế nào ? ông thấy đỡ chưa, hả ông ?
– Đỡ chứ, khá hơn nhiều, cảm ơn mình. Matinđơ thân mến.
– Nếu mình muốn, tôi sẽ ở lại với mình.
– Không, chả cần đâu. Có Juyliêng và Phơrăngxoa là đủ rồi... Phiền mình mệt làm gì ?
Giữa hai người, họ hiểu nhau, họ đã sống cách biệt và cũng muốn chết cách biệt. Bá tước có cái thú chua chát của kẻ ích kỷ, khao khát được một mình ra đi, chẳng phải chịu đựng những trò vè đau khổ quanh gi.ường bệnh. Ông ráng hết sức rút ngắn lại, cho ông và cho nữ bá tước, nỗi khó chịu của cảnh xum vầy cuối cùng. Ý nguyện sau rốt của ông là biến đi một cách sạch sẽ, xứng đáng với một kẻ thượng lưu chẳng hề thích gây phiền hà hoặc ghê tởm cho ai.
Tuy nhiên một tối, chỉ còn thoi thóp, ông biết rằng mình sẽ chả qua khỏi đêm. Bấy giờ, khi bá tước phu nhân lên thăm theo thường lệ, ông có mỉm cười lần cuối để nói với bà :
– Mình đừng đi... tôi thấy khó ở.
Ông muốn tránh cho bà những điều tiếng dị nghị. Còn về phía bà, bà cũng đợi câu nhắc ấy. Và bà ở lại trong phòng. Các vị thầy thuốc không rời khỏi kẻ hấp hối. Hai người đầy tớ hoàn tất công việc, vẫn với vẻ sốt sắng lặng lẽ. Người ta cho đón hai người con, Rôgiê và Blăngsơ, họ đứng bên gi.ường, cạnh người mẹ. Một số họ hàng thân thích ngồi ở phòng bên. Đêm trôi qua, trong cảnh ấy, trong sự chờ đợi nghiêm trang. Tới sáng, lễ lâm chung được tiến hành, bá tước chịu lễ trước tất cả mọi người, khiến tôn giáo lại có thêm được chỗ dựa dẫm lần chót. Nghi lễ đã xong, ông có thể chết.
Nhưng ông không vội vã tí nào, dường như lấy lại sức, để tránh một cái chết co giật và ầm ĩ. Hơi thở của ông, trong căn phòng rộng nghiêm khắc, chỉ phát ra thứ tiếng trục trặc của chiếc đồng hồ hỏng. Đó là một người lịch sự đang ra đi. Và, khi đã hôn vợ con xong, ông ra hiệu xua họ đi, quay về phía trong tường và chết cô độc.
Bấy giờ, một vị thầy thuốc cúi xuống, vuốt mắt cho người chết. Rồi, ông ta nói nhỏ :
– Thế là hết
Những tiếng thở dài và nước mắt dâng lên trong yên lặng. Nữ bá tước, Rôgiê và Blăngsơ quỳ xuống. Họ khóc giữa hai bàn tay chắp lại ; người ta không nhìn thấy mặt họ. Rồi hai người con mang mẹ đi, bà ta, ra tới cửa, muốn thể hiện rõ nỗi tuyệt vọng, đung đưa thân hình trong tiếng nức nở cuối cùng. Và, từ giây phút ấy, người chết thuộc về những nghi thức của đám ma ông ta.
Các vị thầy thuốc ra về, lưng vồng lên và lấy một bộ mặt thoáng vẻ áy náy. Người ta đã xin nhà thờ cử tới một vị linh mục, để thức canh thi thể người chết. Hai người đầy tớ nán lại cùng vị linh mục, ngồi trên ghế, thẳng đờ và đúng mực, đó là lúc kết thúc công việc vẫn hằng mong đợi. Một người thấy chiếc cù dìa bị bỏ quên trên mặt đồ bày biện ; anh ta đứng lên và liệng nhanh chiếc thìa vào túi mình, để trật tự mỹ mãn của căn phòng khỏi bị quấy rối.
Người ta nghe thấy ở phía dưới, tại phòng khách lớn, tiếng búa đập : đó là những thợ bọc thảm đang thu xếp cho căn phòng thành nơi quàn linh cữu. Cả ngày hôm ấy là để lo việc ướp hương ; các cánh cửa đều đóng chặt, chỉ có người ướp xác cùng những kẻ phụ việc của ông ta. Khi người ta mang bá tước xuống, hôm sau đó, và trưng ông ra, ông đã bận lễ phục, và có sắc tươi tắn trẻ trung.
Từ chín giờ, sáng ngày tang lễ, tòa nhà đầy ắp tiếng rì rầm. Con trai và con rể của người quá cố, trong một gian phòng khách ở tầng trệt, tiếp đón đám đông ; họ cúi mình, giữ vẻ lễ độ câm lặng của những kẻ đang đau đớn. Tất cả những vị tiếng tăm đều ở đó, tầng lớp quý tộc, phái nhà võ, phái quan tòa ; có cả những bậc nguyên lão nghị viện và những viện sĩ của Học viện (1).
(1) Học viện : Học viện của Pháp, hợp nhất năm viện hàn lâm ; viện hàn lâm Pháp, viện hàn lâm văn chương, viện hàn lâm toán - lý và sinh vật học, viện hàn lâm nghệ thuật, viện hàn lâm các khoa luân lý và chính trị.
Vào hồi mười giờ, đám tang bắt đầu tiến về phía nhà thờ. Xe tang là một chiếc xe hạng nhất, cắm đầy lông chim, trùm màn che có riềm bạc. Giải khăn tang trùm quan tài là do một thống chế của nước Pháp nâng giữ, ông này là một vị quận công, bạn cũ của kẻ quá cố, là cựu bộ trưởng và viện sĩ hàn lâm. Rôgiê đơ Vectơi và ngài Đơ Buyxăc dẫn đầu đám tang. Sau đó, là đoàn người đi đưa tang, một làn sóng người đeo găng và thắt cà vạt đen, tất cả những nhân vật quan trọng cứ phả hơi ra đám bụi bặm và bước chân rậm rịch dậm đi giống như một bầy xúc vật đang tẩu tán.
Cả khu phố được huy động lên các cửa sổ, nhiều người đứng thành hàng trên vỉa hè, cất mũ, đầu lắc lắc nhìn chiếc xe tang đắc thắng đi qua. Giao thông bị tắc nghẽn vì chuỗi xe dài vô tận của đám đông, tất cả đều hầu như không có ai ngồi ; các xe chở khách trong thành phố, xe ngựa cho thuê, tụ tập lại đầu các góc phố ; người ta nghe thấy tiếng chửi của các tay xà ích và tiếng roi quất. Và trong thời gian ấy, bá tước phu nhân đơ Vectơi, ở lại nhà, đóng chặt cửa, sai báo là những giọt lệ đã khiến bà không gượng dậy nổi. Nằm dài trên ghế, tay mân mê nghịch cái núm giải thắt lưng, bà nhìn lên trần, nhẹ nhõm và mơ màng.
Ở nhà thờ, buổi lễ kéo dài gần hai tiếng. Tất cả các vị cha đạo đều bận bịu từ sáng, người ta chỉ trông thấy những vị linh mục bận áo lễ tang trắng hớt hải chạy, ra lệnh, lau mồ hôi trán và hỉ mũi váng tai. Giữa gian chính của giáo đường phủ màu đen, chiếc nhà táng rực sáng. Sau cùng đám người đi đưa ma đã xếp ổn, đàn bà bên trái, đàn ông bên phải và đàn đại phong cầm vang lên lời than thở, những người hát kinh rền rĩ âm thầm, những đứa trẻ của dàn đồng ca giáo đường nức nở ré lên ; trong khi giữa những cột đuốc, từng ngọn lửa xanh ngắt cháy lên, tăng thêm màu nhợt tái đáng sợ cho vẻ trang trọng của buổi lễ.
– Có đúng là Phôrơ đang hát không ? Một vị nghị viên hỏi người đứng cạnh.
– Phải, có lẽ đúng, người bên cạnh đáp, ông ta là cựu quận trưởng, một người đàn ông rất bảnh đang hướng về phía các bà mỉm cười.
Và khi tiếng hát của người ca sĩ cất cao giữa tòa nhà chính của thánh đường đang rung động :
– Ông xem ! cái cung cách, cái âm hưởng mới ghê chứ ! ông ta nói tiếp se sẽ, đầu lắc lư vì khoái trá.
Tất cả cử tọa đều say sưa. Các phu nhân, nụ cười thoáng hiện trên môi, nghĩ tới những buổi tối nơi Kịch Viện. Cái tay Phôrơ này quả là có tài ! Thậm chí một người bạn thân của kẻ quá cố nói :
– Chưa bao giờ anh ta hát hay như thế !... Thật chả may là lão Vectơi tội nghiệp chả được nghe, lão ta vẫn thích anh chàng này biết mấy !
Những người hát lễ, bận áo lễ đen, đi vòng quanh chiếc nhà táng. Các vị linh mục, khoảng hai chục người, khiến buổi lễ càng phức tạp, cúi chào, lặp lại cái câu bằng tiếng latinh, ve vẩy những cây ngù. Sau cùng, chính đám cử tọa diễu qua trước quan tài, những chiếc ngù chạy quanh. Và người ta đi ra ngoài, sau những cái bắt tay cùng gia đình. Bên ngoài, là ánh sáng chói lòa của đám ô hợp.
Đó là một ngày tháng sáu tươi đẹp, trong không khi nóng nực, những vệt mỏng manh bay lượn. Bấy giờ, trước nhà thờ, nơi quảng trường hẹp, có những đám chen chúc. Đám tang phải mất công nhiều mới tổ chức lại được. Những ai không muốn đi xa hơn biến mất. Cách hai trăm thước, ở đầu một đường phố, người ta đã nhìn thấy những túm lông cắm trên xe tang lắc lư và biến đi, trong khi quảng trưởng hãy còn ngập những xe cộ. Người ta nghe thấy tiếng cửa đập mạnh hoặc tiếng chân ngựa phi nhanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, những gã xà ích nối đuôi nhau, đoàn người đi về phía nghĩa địa.
Trong các chiếc xe, người ta thấy dễ chịu, tưởng như là đang từ từ đi tới khu Rừng (1), giữa Pari đang độ xuân. Bởi người ta không nhìn thấy chiếc xe tang nữa nên quên ngay tang lễ, và các câu chuyện bắt đầu, đàn bà nói chuyện mùa hè, đàn ông nói chuyện làm ăn.
– Thế sao, bà bạn, năm nay bà lại đi Diep nữa chứ ?
– Có lẽ thế. Nhưng nhất định là phải tới tháng tám cơ... Thứ bẩy này chúng tôi đi ra ngôi nhà ở vùng Loarơ.
– Thế là ông bạn ạ, ông ta vớ được lá thư, và họ đã đấu với nhau, ồ ! qua loa thôi, một vết xước xoàng thôi... Buổi tối tôi ăn tối cùng ông ta ở câu lạc bộ. Ông ta còn được tôi hăm nhăm lu-i cơ đấy.
– Phải thể không ? Cuộc họp các vị có cổ phần là vào ngày kia. Họ muốn cử tôi làm ủy viên. Tôi bận quá, chả biết có làm được không.
Đoàn người, từ nãy, đã đi vào một con đường lớn trồng cây hai bên. Bóng râm mát mẻ từ cây cối tỏa xuống, và loại con nuông của mặt trời đang ca hát giữa lá cành. Đột nhiên, một bà rất ngông thò đầu ra ngoài cửa xe, kêu lên :
– Ơ này ! chỗ này thật là tuyệt !
(1) Chỉ riêng Bulônhơ, nơi dạo chơi của dân thượng lưu
Chính lúc ấy đám tang đang đi vào nghĩa địa Mông – pacnaxơ. Các giọng nói im bặt, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên cát của lối đi. Phải đi đến tận đầu mút, nhà mồ của họ Vectơi ở tận phía sâu, bên trái một ngôi mộ lớn bằng cẩm thạch trắng, tựa như một tiểu giáo đường, trang trí bằng nhiều thứ điêu khắc. Người ta đặt quan tài trước cửa giáo đường ấy và những bài diễn văn bắt đầu.
Có bốn bài cả thảy. Vị cựu bộ trưởng vẽ lại cuộc đời chính trị của kẻ đã mất, mà ông ta trình bày tựa một thiên tài khiêm nhượng, lẽ ra đã cứu được nước Pháp, nếu ông ta đã không quá khinh thường gian kế. Tiếp đó, một người bạn nói về những phẩm hạnh thuộc về đời tư của cái kẻ mà tất cả mọi người đang khóc. Rồi, một người lạ mặt nào đó lên tiếng với tư cách là đại biểu của một tổ chức kỹ nghệ mà bá tước đơ Vectơi từng là chủ tịch danh dự. Sau cùng, một vị người bé nhỏ bộ dạng chán ngắt nói lên những nỗi thương tiếc của Viện Hàn lâm các khoa học đạo đức và chính trị.
Trong khi đó, những người tham dự quan tâm tới các nấm mồ lân cận, đọc những chữ khắc trên bia đá cẩm thạch. Những người chú ý nghe, chỉ lượm được từng chữ. Một lão già, môi mím lại, sau khi nghe được mấy chữ «... những phẩm hạnh của trái tim, sự độ lượng và hảo tâm của những tính cách cao thượng » ... đã lắc đầu lẩm bẩm :
– À phải ! phải, ta biết lão quá, thật đúng là đồ chó chết !
Lời vĩnh biệt cuối cùng bay theo gió. Khi các vị linh mục đã làm phép cho thi hài, mọi người ra về, và chỉ còn lại, nơi cái góc hẻo lánh nọ, những người đào mồ đang hạ huyệt. Những sợi thừng xiết vào bùng bục, chiếc quan tài gỗ sồi kêu răng rắc. Ngài bá tước đơ Véctơi đã an nghỉ rồi.
Và nữ bá tước, trên chiếc ghế dài, vẫn không nhúc nhích. Bà vẫn mân mê nghịch chiếc núm giải thắt lưng, mắt nhìn lên trần, đắm mình trong mơ mộng, nó khiến cho, dần dà ửng hồng cặp má của người đàn bà đẹp tóc vàng.