Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 50
ÊMIN DÔLA ( EMILE ZOLA )
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI GIỚI THIỆU
Là người đồng thời của nhiều khuynh hướng hội họa phát triển ở cuối thế kỷ (đặc biệt là chủ nghĩa ấn tượng), bản thân lại rất yêu hội họa, am hiểu nghệ thuật và kết giao với nhiều họa sĩ (đặc biệt là Xêdan (1)) ảnh hưởng của hội họa không lớn trên lý thuyết văn học của Dôla (về mặt này, ảnh hưởng của khoa học, của Đacuyn, Clôt Becna, của Haecken, Gantơn, Oexman (2) là chủ yếu) ; nhưng lại đi sâu hơn vào hình tượng. Những môtip của Dôla, theo II. Mitơrăng, là những môtip của họa sĩ : cô thợ, cô gái giặt là (Đơga), người nữ diễn viên, quang cảnh sân khấu, đại lộ, các cảnh giống như tranh tĩnh vật, bến tàu xe, dòng sông Xen (Ghiơmê, Đơga, Manê, Mônê), những cảnh đi lại (Đơga), làn sóng (Manê, Cuôcbê...) v.v. Đặc biệt, bạn bè của ông, những họa sĩ nổi tiếng như Xêdan, Rơnoa, Pixarô... còn ảnh hưởng tới kỹ thuật kết cấu tác phẩm, tới cách nhìn cuộc sống hiện đại, đặc biệt nhạy cảm với độ đậm nhạt của hình dáng, màu sắc, sáng tối và vận động. Sự tìm tới môtip và những « phác thảo bằng chì » đặc biệt tìm thấy sự tương ứng của nó ở hình thức truyện ngắn và truyện vừa. Tuy nhiên, dù đã nhận thấy tầm quan trọng của những truyện vừa và ngắn của Dôla, nhưng theo H. Mitơrăng, cho tới nay « đó là một bộ phận tác phẩm hãy còn ít được biết tới ». Theo Đanien Baggiôni, đó là một loại trung gian giữa tư liệu và tiểu thuyết (...) ở đó người ta tìm thấy những sự miêu tả mới hơn, ít được gia công hơn và có lẽ thú vị hơn... ». Những nét đặc biệt ấy ta có thể tìm thấy qua truyện Họ chết ra sao.
(1) Cézanne
(2) Darwin, Claude Bernard, Haeckel, Galton, Weismann.
Cũng như một số truyện ngắn khác của Dôla, do mối quan hệ thân thiết của ông với một số nhà văn Nga như Tuôcghêniep, truyện này đã được in trên một tờ báo Nga năm 1876, rồi in ở Pháp năm 1882 trong tập truyện mang tên Đại úy Buyêclo.
Câu chuyện giống như những mảnh ấn tượng ghép lại, gồm năm phần riêng rẽ, nhưng cùng hướng về một chủ đề : Họ chết ra sao. Chúng tôi trích dịch bốn phần ( đánh số theo tác giả ), bỏ phần III nói về cái chết của một nhà buôn loại trung lưu. Toàn truyện lặp lại những « lễ tiết » thông thường của cái chết : bệnh tật, hấp hối, ma chay, nhà thờ, nghĩa địa... Tùy theo đồng tiền, vị trí xã hội, bộ mặt của những nghi thức thay đổi. Tuy nhiên có một thứ mà đồng tiền lẫn vị trí xã hội cũng không thể biến đổi hoặc che giấu hết được : đó là những tình cảm thật sự của con người. Nhà văn cũng biểu thị thái độ của mình ; hoặc mỉa mai châm biếm, hoặc cay đắng hoặc thanh thản... trước mỗi cảnh họ chết ra sao.
Nếu giọng văn của tác giả hoàn toàn phù hợp ở phần I và II, thì người ta có thể chê trách đôi nốt đàn lạc điệu ở cuối phần IV. Một mặt, cái nhìn ở đây có thể hơi bị hóp méo theo một vài định kiến tự nhiên chủ nghĩa, nhưng phải chăng cuộc sống của những người lao động bần cùng ở thành thị đã buộc họ phải « thú vật hóa » đi một phần nào, phải dìm nỗi khổ đau của con người trong một vài ly rượu, quên ngày hôm qua đi, thì mới có thể sống với cái hiện tại, cái quá trình « đồ vật hóa » con người ấy ?
Bao trùm lên tất cả, vẫn là cảm giác về sự sống khỏe khoắn, mãnh liệt, lấn át tất cả. Đó có lẽ là nét hấp dẫn, độc đáo của Dôla, mà ta tìm thấy ở ngay trong truyện ngắn nói về cái chết này. Không phải ngẫu nhiên mà Buôcgiê đã đặc biệt nhấn mạnh một cảm giác khi đọc Dôla : « Những sự miêu tả của Dôla đều là những cách để hát khúc tụng ca cuộc sống, và tất cả đều là duyên cớ để bốc nhiệt tình »
ĐẶNG ANH ĐẢO.