Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(29)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
30
ĐƯỢC HUÂN CHƯƠNG​



Guy đơ Môpatxăng



Có những người sinh ra với bản năng chủ đạo, một thiên hướng, hoặc chỉ là một ước muốn khởi phát khi họ bắt đầu biết nói năng suy nghĩ.

Từ thuở thơ ấu, ông Xacơrơmăng chỉ có một ý nghĩ trong đầu, là được thưởng huân chương. Còn rất ít tuổi Xacơrơmăng đã đeo huân chương Bắc đầu bằng thiếc, như những chú nhỏ khác đội mũ kêpi, và hãnh diện đặt tay mẹ đi ngoài phố, ưỡn cái ngực bé bỏng có điểm chiếc cuống đỏ và ngôi sao kim loại.

Sau khi học hành lăng nhăng, ông trượt kỳ thi tú tài, và chẳng biết làm gì, ông bèn cưới một thiếu nữ xinh đẹp, vì ông có của.

Vợ chồng ông sống ở Pari như kiểu sống của các nhà trưởng giả giàu có, giao thiệp trong giới của mình, chẳng hòa lẫn cùng thiên hạ, hãnh diện vì quen một nghị sĩ có khả năng trở thành bộ trưởng, và là bạn của hai sư trưởng.

Nhưng cái ý nghĩ đã nhập vào óc ông Xacơrơmăng từ những ngày đầu của cuộc sống, không rời ông ra nữa và ông thường xuyên đau khổ vì không có quyền trưng bày trên áo lễ của mình một giải băng nho nhỏ.

Những người có huân chương gặp ngoài phố khiến ông đau lòng. Ông liếc nhìn họ với nỗi ghen tuông căm giận. Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều dài nhàn rỗi, ông bèn đếm số người đó. Ông tự nhủ « Nào, xem từ phố Mađơlen đến phố Đruô, ta thấy được bao nhiêu người nào ».

Và ông bước đi chậm rãi, kiểm soát các bộ áo quần, con mắt thành thạo phân biệt được từ xa cái điểm be bé màu đỏ. Đi dạo xong, bao giờ ông cũng ngạc nhiên vì con số : tám Tứ đẳng và mười bảy Ngũ đẳng ! Nhiều đến như vậy ! Vung phí huân chương kiểu này thì thật là ngu xuẩn ! Nào xem lượt về ta có thấy được nhiều bằng thế hay không ».

Và ông chậm bước trở về, phiền muộn khi người qua kẻ lại chen chúc làm trở ngại sự tìm tòi của ông, khiến ông nhãng mất một người nào đó.

Ông biết những khu phố có nhiều người như vậy nhất. Ở khu hoàng cung rất đông, Đại lộ kịch viện không bằng phố Hòa bình ; bên phải đường phố lắm hơn bên trái.

Dường như họ cũng ưa lui tới một số tiệm trà, một số rạp hát nào đó. Mỗi lần ông Xacơrơmăng nhìn thấy một tốp các vị có tuổi, tóc bạc, đang dừng bước ở giữa hè phố, làm trở ngại giao thông, ông lại tự nhủ : « Đây là các vị được thưởng Tứ đẳng Bắc đẩu huân chương ! » Và ông cứ muốn chào họ.

Các vị Tứ đẳng ( ông thường nhận xét thấy như thế ) có một phong dạng khác những người chỉ được Ngũ đẳng. Dáng đầu của họ khác. Người ta cảm thấy rất rõ là họ chính thức được tôn kính hơn, có tầm quan trọng lớn hơn.

Cũng đôi khi ông Xacơrơmăng phát khùng, nổi xung với mọi kẻ được huân chương, và đối với họ, ông cảm thấy niềm căm ghét của người theo chủ nghĩa xã hội.

Thế là về đến nhà, bị kích thích vì gặp gỡ bao nhiều là huân chương, y như một kẻ bần hàn đói khát bị kích thích sau khi đi qua những hiệu thực phẩm lớn, ông to tiếng tuyên bố : « Biết bao giờ họ mới rũ cái chính phủ bẩn thỉu này đi hộ mình cho rảnh ? ».

Vợ ông ngạc nhiên hỏi : « Hôm nay anh làm sao thế ? »

Và ông đáp : « Anh công phẫn vì những sự bất công mà anh thấy khắp nơi. Ôi ! Những người Công xã thật có lý l».

Nhưng dùng bữa trưa xong, ông lại ra phố, và ông đi ngắm các cửa hiệu bán huân chương. Ông ngắm tất cả những biểu hiện hình thù khác nhau, màu sắc không giống nhau ấy. Ông ước ao được có tất thảy, và trong một buổi lễ công cộng, tại một phòng mênh mông chật ních những người, chật ních dân chúng kinh dị thán phục, được dẫn đầu một đoàn người, trong khi lồng ngực chói ngời lấp lánh, nhằng nhịt những cuống huân chương cái nọ xếp trên cái kia, theo hình thể các xương sườn của ông, và được cắp chiếc mũ cao ở nách, trịnh trọng lướt qua, sáng rực lên như một vì tinh tú giữa những lời thì thầm thán phục, trong một tiếng xôn xao kính nể.

Hỡi ôi ! ông chẳng có một tước vị nào để được một huân chương nào.

Ông tự nhủ : « Huân chương Bắc đẩu quả là quá khó đối với người không làm một chức vụ công nào. Hay ta thử xin thưởng Nhị đẳng giáo dục huy chương ? »

Nhưng ông không biết tiến hành việc đó như thế nào. Ông nói chuyện với vợ khiến cô ta ngơ ngác.

– « Nhị đẳng giáo dục huy chương ? Anh đã làm gì để được thưởng cái ấy ? »

Ông phát cáu : « Nhưng em phải hiểu xem anh muốn nói với em điều gì đã chứ. Chính là anh đang tìm xem phải làm gì. Có những lúc em thật ngớ ngẩn ».

Cô mỉm cười : « Vâng, anh nói phải. Nhưng em thì em không biết ».

Ông nẩy ra một ý kiến : « Nếu em nói với ông nghị Rốtxơlanh, ông ấy có thể khuyên anh điều hay. Anh thì em cũng biết là anh chẳng dám đề cập trực tiếp vấn đề ấy với ông ta. Nó khá là tế nhị, khá là khó khăn ; nhưng do em nói ra thì câu chuyện lại thành hết sức tự nhiên » .

Bà Xacơrơmăng làm theo điều ông đề nghị. Ông Rốtxơlanh hứa sẽ nói chuyện với ngài bộ trưởng. Thế là Xacơrơmăng bèn quấy nhiễu ông ta. Cuối cùng ông nghị trả lời Xacơrơmăng là phải viết đơn và kê khai chức danh của mình.

Chức danh ? Thế đó. Đến tú tài ông cũng không đỗ.

Tuy vậy ông vẫn bắt tay vào việc và bắt đầu viết một cuốn sách đề cập « Quyền học vấn của nhân dân ». vì nghèo ý, ông không hoàn thành được cuốn sách.

Ông tìm những đề tài dễ hơn và đề cập liên tục nhiều đề tài. Thoạt tiên là « Giáo dục trẻ em bằng mắt ». Ông muốn lập ở các khu phố nghèo những loại rạp hát cho trẻ nhỏ xem không mất tiền. Bố mẹ sẽ đưa các em đến xem từ khi còn thơ ấu, và ở đó, người ta dùng phim đèn chiếu cho các em có những khái niệm về toàn bộ kiến thức của nhân loại. Đó sẽ là những bài học thực sự, mắt nhìn giúp óc mở mang, và những hình ảnh sẽ khắc vào trí nhớ, làm cho khoa học thành như trông thấy được.

Giáo dục lịch sử nhân loại, địa lý, sinh vật học, thực vật học, giải phẫu học v.v... như vậy, còn gì đơn giản hơn ?

Ông cho in bản luận văn đó, và gửi cho mỗi nghị sĩ một bản, mỗi bộ trưởng mười bản, cho chủ tịch nước Cộng hòa năm mươi bản, mỗi tờ báo ở Pari cũng mười bản và các báo ở tỉnh năm bản.

Rồi ông bàn về thư viện ngoài phố, ông muốn nhà nước cho chở rong các phố những xe nhỏ đầy sách, giống như xe đẩy của các bà bán cam. Mỗi người dân có quyền một tháng thuê mười cuốn sách, đóng một xu.

Ông Xacơrơmăng nói : « Dân chúng chỉ chịu phiền vào những việc du hí. Bởi dân chúng không đến với giáo dục, thì giáo dục phải đến với họ, v.v... ».

Những bản tiểu luận đó chẳng có một tiếng tăm gì. Tuy vậy ông vẫn nộp đơn. Họ trả lời ông rằng họ ghi lại, họ xét. Ông tin mình thành công, ông chờ đợi. Chẳng có gì hết.

Thế là ông bèn quyết định cá nhân vận động. Ông xin yết kiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và ông được một tùy viên tiếp, một người còn rất trẻ tuổi mà đã trịnh trọng, quan trọng nữa là khác, và cứ dạo, như đạo đàn dương cầm, một loạt những nút bấm màu trắng để gọi tùy phái, gọi người hầu ở phòng khách, cũng như các viên chức cấp dưới. Ông ta cả quyết với vị khách đến thỉnh cầu là công việc của vị đó có chiều hướng tốt, và khuyên vị đó nên tiếp tục công trình đáng chú ý của mình.

Và ông Xacơrơmăng lại tiếp tục bắt tay vào việc.

Ông nghị Rôtxơlanh giờ đây dường như quan tâm rất nhiều đến sự thành công của Xacơrơmăng, và còn khuyên ông vô số điều rất hay, rất thiết thực. Vả chăng, ông ấy cũng có huân chương, mà chẳng ai biết được vì lý do gì.

Ông ta chỉ ra cho Xacơrơmăng những công trình nghiên cứu mới, giới thiệu Xacơrơmăng với các Hội thông thái chuyên về các vấn đề khoa học đặc biệt mờ mịt, nhằm leo lên đạt danh vị. Ông ta còn bảo trợ cả cho Xacơrơmăng ở Bộ.

Rồi, một hôm, đến dùng bữa sáng ở nhà bạn ( từ nhiều tháng nay, ông ta thường ăn với gia đình ), ông vừa bắt tay bạn vừa nói rất khẽ : « Tôi vừa xin được cho bác một đặc ân lớn. Ủy ban nghiên cứu lịch sử giao cho bác một nhiệm vụ đặc phái. Có những vấn đề cần tìm tòi nghiên cứu tại nhiều thư viện nước Pháp ».

Xacơrơmăng lịm đi, chẳng ăn cũng chẳng uống được nữa. Tám ngày sau ông lên đường.

Ông đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, nghiên cứu các danh mục, lục lọi trong những kho đầy ắp sách vở bụi bặm, lòng căm ghét da diết bọn giữ thư viện.

Rồi, một buổi tối, do ở Ruăng nên ông muốn về ôm hôn cô vợ đã một tuần nay không gặp, và ông đi chuyển tàu chín giờ tối, nửa đêm thì tới nhà.

Ông có thìa khóa riêng. Ông rón rén vào nhà, rùng mình vì thú vị, rất sung sướng vì làm cho vợ ngạc nhiên. Cô ta lại khóa cửa phòng, chán thật ! Thế là ông bèn hét qua khe cửa : « Gian ! Anh đây ! ».

Chắc cô ta phải hoảng lắm, vì ông nghe thấy cô nhảy từ trên gi.ường xuống và nói một mình như mê ngủ. Rồi cô chạy vào phòng tắm, mở phòng tắm ra, đóng lại, đi chân không chạy đi chạy lại nhiều lần trong buồng rất nhanh, xô đẩy đồ đạc, cốc tách kêu xoang xoảng. Rồi, cuối cùng, cô hỏi : « Có đúng anh đấy không hả anh Alếchxăng ? ».

Ông trả lời : « Thì đúng rồi, anh đây, mở cửa ra ! »

Cánh cửa mở, và vợ ông lăn vào lòng ông mà ấp úng : « Ôi ! sợ quả ! ngạc nhiên quá ! Vui quá ! »

Thế là ông bắt đầu thay quần áo, một cách đúng phương thức quy củ, như ông vẫn thường làm mọi việc. Và ông lấy lại chiếc áo khoác ngoài vắt trên ghế dựa, ông vẫn có thói quen mắc áo ở phòng đợi. Nhưng, bỗng dưng, ông bàng hoàng ngơ ngác. Ve áo có một dải băng Bắc đẩu huân chương !

Ông ấp úng : «Cái... cái... áo choàng này có huân chương! ».

Thế là vợ ông nhẩy một cái, lao vào ông, giật lấy áo trong tay ông : « không, anh lầm rồi... Đưa đây cho em ».

Nhưng ông vẫn giữ lấy một ống tay áo, không buông ra, và lắp đi lắp lại một cách hoảng hốt : « Hử ?... Sao ? Em nói anh nghe ?... Của ai cái áo choàng này ?... Không phải áo anh, vì nó có huân chương Bắc đẩu kia mà ? »

Cô ta cố hết sức giằng lấy áo, bàng hoàng, bập bẹ : « Anh nghe đây, nghe đây... đưa nó cho em... Em không thể nói với anh được. Đó là một điều bí mật... anh nghe đây ».

Nhưng ông nổi giận, tái mặt đi : « Anh muốn biết tại sao lại có cái áo ấy ở đây ! Không phải áo của anh ».

Thế là, cô ta bèn hét vào mặt ông : « Có phải, anh im đi, anh hãy thề với em... Anh nghe đây... này, anh được huân chương đấy ».

Ông bị xúc động mạnh đến mức buông cái áo khoác ra và ngã xuống một chiếc ghế bành.

« Anh.., em bảo. . anh được.., huân chương ? »

– « Vâng,.. đó là một điều bí mật, rất bí mật...»

Cô ta đã cất vào tủ tấm áo quang vinh, và quay lại bên chồng, mặt tái đi, run rẩy. Cô tiếp : « Vâng, đấy là chiếc áo khoác mới em may cho anh. Nhưng em đã thề là không nói gì với anh. Một tháng hoặc sáu tuần lễ nữa, vấn đề mới chính thức. Nhiệm vụ của anh phải hoàn thành đã. Chỉ khi nào trở về anh mới được biết. Ông Rốtxơlanh đã vận động được cho anh đấy... ».

Xacơrơmăng lịm đi, bập bẹ : « Rốtxơlanh... được huân chương. Ông ấy đã làm cho anh được huân chương... anh... ông ấy... Ôi !».

Và ông phải uống một cốc nước.

Một mảnh giấy trắng nhỏ, từ túi áo khoác rơi ra, lăn lóc dưới đất. Xacơrơmăng nhặt lên, đó là một tấm danh thiếp. Ông đọc : « Rốtxơlanh, nghị sĩ » .

Cô vợ nói : « Anh thấy đó ».

Và ông khóc lên vì vui sướng.

Tám ngày sau, tờ « Công báo » đăng tin ông Xacơrơmăng được thưởng « Ngũ đẳng Bắc đẩu huân chương », do công lao ngoại cách.



LÊ HỒNG SÂM dịch​
 
×
Quay lại
Top Bottom