Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(21)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
50
CÔ CHÂU (1)



Guy đơ Môpatxăng.​



Quả là tối hôm ấy, tôi đã có một ý nghĩ thực kỳ quặc, ý nghĩ chọn cô Châu làm hoàng hậu ! (2)

Năm nào tôi cũng đến mừng lễ Các Vua ở nhà ông bạn già Săngtan (3). Thuở tôi còn bé, cha tôi vốn là bạn chí thân với ông, thường dẫn tôi đến. Tôi đã tiếp tục, và chắc là còn tiếp tục, chừng nào tôi còn sống, và chừng nào còn có một ông Săngtan trên đời này.

(1) Cô Châu, nguyên bản:Mademoiselle Perle

(2), (3) Ngày 6 tháng giêng mỗi năm, kỷ niệm ngày Chúa Giê- xu hiền hiện với ba vị quân vương A-rập, là những người không theo đạo -còn gọi là lễ Epiphani hay lễ Các Vua, người ta thường dọn món bánh ngọt, trong có một pho tượng nhỏ xíu, ai ăn trúng miếng bánh có pho tượng đó thì được tôn làm vua. Sau đó vua chọn một người phụ nữ trong bữa tiệc, tôn làm hoàng hậu.

Vả lại, gia đình Săngtan có một cuộc sống kỳ quặc ; họ sống ở Pari như thế họ sống ở Gơrax, ở Yvơtô hay ở Pông-a-Muxông vậy.

Họ có một ngôi nhà, trong khu vườn nhỏ, gần tòa thiên văn. Nơi đây, họ ở nhà họ, như ở tỉnh lẻ. Về Pari, Pari thực thụ, họ không am hiểu gì hết ; họ không hay biết gì hết, họ xa xôi quá, xa xôi quá ! Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ cũng làm một cuộc du hành đến đó, một cuộc viễn du. Bà Săngtan di chuyển tiếp phẩm lớn, như trong nhà thường gọi. Họ đi chuyến tiếp phẩm lớn như thế này đây.

Cô Châu, tay hòm chìa khóa nơi bếp núc ( vì các tủ áo quần do dích thân nữ chủ nhân cai quản ), cô Châu báo trước là đường sắp hết, đồ hộp đã cạn, trong đáy bao cà phê chẳng còn được bao nhiêu.

Được báo trước như vậy để phòng nạn thiếu đói, bà Săngtan kiểm tra các thứ còn lại, ghi chép vào một cuốn sổ tay. Rồi khi đã kê rất nhiều số liệu, bà bắt đầu tính toán dài dòng, sau đó bàn cãi dài dòng với cô Châu. Tuy nhiên, rồi họ cũng thỏa thuận với nhau và quy định số lượng mỗi thứ sẽ sắm đủ dùng trong ba tháng : đường, gạo, mận khô, cà phê, mứt, các hộp đỗ con, đậu, tôm hùm, cá muối và cá hun vân vân..

Sau đó họ định ngày mua sắm, và họ ra đi, bằng xe ngựa, một cỗ xe hòm thuê, đến nhà một chủ hiệu thực phẩm lớn, ông ta ở mãi bên kia cầu, ở những khu phố mới.

Bà Săngtan và cô Châu cùng du hành với nhau, rất bí ẩn, và vào giờ ăn chiều thì họ trở về, mệt phờ phạc, mặc dù hãy còn xúc động, người xóc lúc lắc trong chiếc xe ngựa mui chất đầy nào bao nào gói, y như một chuyến xe dọn nhà.

Đối với gia đình Săngtan, cả cái phần Pari ở bên kia sông Xen là những khu phố mới, những khu phố có loại dân kỳ quặc, ồn ào, không tử tế mấy, ngày thì chơi bời, đêm thì hội hè, ném tiền qua cửa sổ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhà cũng dẫn các cô gái đi xem kịch, tại Hý kịch viện hay Rạp Người Pháp, khi vở công diễn được giới thiệu trên tờ nhật trình ông Săngtan thường đọc.

Giờ đây các cô gái đã mười chín và mười bảy tuổi, đó là hai cô gái xinh đẹp, cao lớn và tươi tắn rất ư nền nếp, quá ư nền nếp, nền nếp đến nỗi thành mờ nhạt chẳng ai chú ý, như hai con búp bê xinh xắn. Không bao giờ tôi nghĩ tới chuyện săn đón hoặc quan tâm đến các cô Săngtan ; người ta hầu như chả dám nói năng với các cô, vì cảm thấy các cô trong trắng quá đỗi, chào các cô cũng hơi sợ mắc điều không phải.

Còn ông bố là một con người dễ thương, rất học thức, rất cởi mở, rất thân tình, nhưng ưa nghỉ ngơi, tĩnh mịch, yên ổn trên hết, và ông đã góp phần quan trọng vào việc ướp khô gia đình lại như vậy để sống theo ý mình, trong một trạng thái im lìm ngưng trệ. Ông đọc nhiều, thích chuyện trò, và dễ mủi lòng. Do thiếu tiếp xúc, thiếu đụng chạm, thiếu va vấp, nên lớp biểu bì của ông, lớp biểu bì tinh thần của ông, trở nên rất nhạy cảm và yếu ớt. Một việc cỏn con cũng khiến ông xúc động, bối rối và khổ não.

Gia đình Săngtan cũng có giao du, nhưng là sự giao du bó hẹp, kén chọn cẩn thận trong xóm giềng lân cận. Hàng năm họ cũng đôi ba lần đi thăm hỏi họ hàng nơi xa. Về phần tôi, tôi đến dự tiệc ở nhà họ vào ngày mười lăm tháng Tám và ngày lễ Các Vua. Chuyện này thuộc vào bổn phận của tôi cũng như người theo đạo Gia-tô chịu Minh Thánh vào lễ Phục sinh.

Ngày mười lăm tháng Tám, họ mời dăm người bạn, còn vào dịp lễ Các Vua, tôi là vị khách duy nhất.



II​

Vậy là năm nay, cũng như mọi năm khác, tôi đến dự tiệc ở gia đình Săngtan để mừng lễ Êpiphani.

Theo lệ thường, tôi ôm hôn ông Săngtan, bà Săngtan và cô Châu và tôi trịnh trọng cúi chào các cô Luidơ và Pôlin. Mọi người hỏi tôi trăm ngàn thứ chuyện, hỏi về những biến cố ngoài đường phố, về chính trị, về dư luận quanh vụ Bắc – kỳ, về các nghị sĩ của chúng tôi. Bà Săngtan, một phu nhân to béo mà tôi có cảm giác mọi ý nghĩ đều vuông vắn như đá khối, thường nói lời sau đây để kết luận cho mọi cuộc bàn cãi về chính trị : « Tất cả những cái đó đều gieo vạ cho mai sau ». Vì sao lúc nào tôi cũng tưởng tượng là ý nghĩ của bà Săngtan hình vuông ? Tôi không biết nữa, nhưng điều gì bà nói ra cũng mang hình thù ấy, trong óc tôi : một hình vuông, một hình vuông to với bốn góc đối xứng. Có những người khác, tôi thấy ý nghĩ của họ lúc nào cũng tròn và lăn long lóc như loại vòng trẻ con vẫn đánh bon chơi. Họ vừa khởi đầu một câu về điều gì đấy, thế là nó lăn, nó đi, nó tuôn ra hàng mười, hai mươi, năm mươi ý nghĩ tròn xoay, to nhỏ, tôi thấy chúng bon theo nhau đến tít chân trời. Những người khác lại có ý nghĩ nhọn... Thôi, điều đó chẳng có nghĩa lý gì mấy.

Như mọi lần, chúng tôi vào bàn ăn, và tiệc tàn mà chuyện trò chẳng có điều gì đáng nhớ.

Khi dùng tráng miệng, người ta bưng lên món bánh ngọt Các Vua. Năm nào ông Săngtan cũng làm vua. Chẳng hiểu do ngẫu nhiên liên tục hay do quy ước trong gia đình, tôi không biết nữa, nhưng bao giờ ông cũng thấy hạt đậu trong phần bánh ngọt của mình, và ông tôn bà Săngtan làm hoàng hậu. Cho nên tôi sửng sốt khi thấy trong miếng bánh đang nhai một cái gì rất cứng, xuýt làm tôi gãy một cái răng. Tôi khẽ bỏ vật đó ra khỏi miệng và nhìn thấy một con búp bê bằng sứ, không nhỉnh hơn hạt đỗ. Sự ngạc nhiên khiến tôi thốt lên « A ! ». Mọi người nhìn tôi, và Săngtan vỗ tay reo, « Gaxtông đấy. Gaxtông đấy. Hoan nghênh đức vua ! Hoan nghênh đức vua ! »

Tất cả mọi người đồng thanh nhắc lại : « Hoan nghênh đức vua ! » Và tôi đỏ ửng cả mặt, như người ta thường đỏ mặt, trong những tình thế hơi dở dẩn. Hai ngón tay vẫn cầm mẩu sứ nhỏ ấy, tôi nhìn xuống, cố gượng cười và chẳng biết làm ăn nói năng ra sao, thì Săngtan lại tiếp : « Bây giờ phải kén hoàng hậu ».

Lúc ấy tôi lịm người. Chỉ thoáng trong giây phút, hàng ngàn ý nghĩ, hàng ngàn điều phỏng đoán lướt qua óc tôi. Hay họ muốn làm cho tôi chỉ định một trong hai tiểu thư Săngtan ? Phải chăng đó là một cách làm cho tôi nói lên cô nào được tôi ưa ? Phải chăng đó là một sự thúc đẩy êm ái, nhẹ nhàng, khó nhận biết, của các bậc cha mẹ, nhằm một chuyện cưới xin có thể ? Ý nghĩ cưới xin không ngừng lượn lờ trong tất cả những nhà có con gái lớn và dùng mọi hình, mọi lốt, mọi cách. Tôi ngập trong một nỗi sợ hãi ghê gớm, sợ bị liên lụy, và cả trong một niềm e dè khôn cùng, trước thái độ khăng khăng đúng mực và kín như bưng của các cô Luydơ và Pôlin. Tôn một cô lên khiến cô kia thua thiệt, đối với tôi cũng gay go như chọn lựa giữa hai giọt nước in hệt nhau ; và rồi, sợ dấn thân vào một chuyện từ đó mình sẽ bị dắt tới việc cưới xin, mặc dù mình không muốn, dắt một cách cực kỳ êm ả, bằng những biện pháp kín đáo đến thế, khó nhận biết đến thế, bình lặng đến thế, như cái trò làm vua vô nghĩa lý này, tôi đâm ra vô cùng bối rối.

Nhưng đột nhiên, tôi nảy ra một ý thân tình, và tôi chìa con búp bê tượng trưng cho cô Châu. Thoạt tiên, tất cả mọi người đều lạ lùng, rồi sau chắc họ tán thưởng sự tế nhị và kín đáo của tôi, vì họ hoan nghênh thật dữ dội. Họ reo lên : « Hoan nghênh hoàng hậu | Hoan nghênh hoàng hậu ! »

Về phần cô, bà cô tội nghiệp, cô hết sức bối rối ; cô hoảng lên, run rẩy và lắp bắp : « Không mà... không mà... đừng... Tôi xin đấy... đừng... tôi xin đấy... »

Bấy giờ, lần đầu tiên trong đời, tôi mới nhìn cô Châu và tự hỏi xem cô là thế nào.

Tôi quen thấy cô trong ngôi nhà này, cũng như ta thấy những chiếc ghế bành cũ lót đệm vải ta vẫn ngồi từ thuở nhỏ mà chẳng khi nào buồn để ý. Một hôm, không hiểu vì sao, do một tia nắng rọi xuống ghế, ta bỗng tự nhủ : « Ồ, mà cái ghế này kỳ hết sức » ; và ta phát hiện ra chất gỗ được tay nghệ sĩ chau chuốt, vải bọc đẹp tuyệt. Xưa nay chưa bao giờ tôi để ý đến cô Châu.

Cô là người trong gia đình Săngtan, thế thôi, nhưng như thế nào ? Danh nghĩa ra sao ? – Đó là một người đàn bà cao, gầy, cố cho không ai chú ý đến mình, nhưng lại không mờ nhạt. Người ta đối xử tử tế với cô, hơn một người phục dịch, kém một người trong họ. Giờ đây tôi đột nhiên nắm bắt được một loạt sắc thái mà cho đến nay tôi không hề lưu tâm ! Bà Săngtan nói : « Châu ». Các cô gái thì : « Cô Châu», còn Săngtan chỉ gọi « Cô » với một vẻ tôn kính hơn thì phải.

Tôi bèn nhìn cô. – Cô bao nhiêu tuổi ? Bốn mươi ư ? Phải, bốn mươi tuổi. – Cô không già đâu, cô làm cho mình già đi thôi. Tôi bỗng sững sờ vì nhận xét ấy. Cô chải tóc, ăn mặc, trang sức một cách đáng nực cười, nhưng mặc dù vậy, vẫn không hề đáng cười, vì cô mang trong người bao duyên dáng tự nhiên, giản dị, bao duyên thầm, ẩn dấu rất kín. Quả là một con người lạ lùng ! Tại sao xưa nay tôi chưa hề quan sát cô kỹ hơn ? Cô chải một kiểu tóc thô kệch, với những búp loăn xoăn nho nhỏ cũ rích hết sức ngộ nghĩnh ; và dưới mái tóc kiểu Nữ đồng trinh giữ vẹn ấy, ta thấy một vầng trán rộng trầm tĩnh, hằn hai nếp nhăn sâu, hai nếp nhăn của những nỗi sầu dai dẳng, rồi một cặp mắt xanh, to và dịu dàng, hết sức e ấp, hết sức ngại ngùng, hết sức khiêm nhường, cặp mất đẹp vẫn còn hết sức ngây thơ, đầy những ngơ ngác của bé em, đầy những cảm giác tươi trẻ và cũng đầy những nỗi u buồn đã lướt qua trong mắt, làm cho mắt dịu đi mà chẳng hề vẩn đục.

Toàn bộ gương mặt thanh tú và kín đáo, một trong những gương mặt lụi đi mà không hề xơ xác, hoặc tàn héo do những nhọc nhằn mệt mỏi hoặc những xúc động lớn của cuộc đời.

Cái miệng mới xinh làm sao ! hàm răng mới xinh làm sao! Nhưng dường như cô chẳng dám hé miệng cười !

Và, đột nhiên, tôi so sánh cô với bà Săngtan ! Chắc chắn là cô Châu trội hơn nhiều, trội hơn hàng trăm lần, thanh ú hơn, cao quý hơn, tự tôn hơn.

Tôi sửng sốt vì những điều mình nhận xét. Mọi người rút rượu sâm banh. Tôi nâng cốc mừng hoàng hậu, lựa lời rất khéo chúc tụng cô. Tôi thấy cô muốn náu mặt vào khăn ăn ; rồi khi cô nhắp môi vào chất rượu trong, ai nấy cùng reo: « Hoàng hậu uống ! Hòang hậu uống ! » Cô đỏ bừng mặt, phát nghẹn. Mọi người cười ; nhưng tôi thấy rõ gia đình rất mến yêu cô.



III​

Tiệc xong, ông Săngtan khoác tay tôi. Đây là giờ ông hút xì gà, giờ thiêng liêng. Khi nào có một mình, ông ra phố hút ; khi có khách ăn cơm, họ lên phòng bi-a, và ông vừa chơi bi-a vừa hút. Tối hôm đó, nhân lễ Các Vua, mọi người đốt lò sưởi cả trong phòng bi-a ; và ông bạn già của tôi cầm lấy cây gậy bi-a của ông, một cây gậy rất thanh, mà ông đánh trắng thật cẩn thận, rồi bảo tôi : « Xào, cháu ! »

Ông vẫn gọi tôi bằng cháu, dù tôi đã hai mươi lăm tuổi, nhưng tại ông đã biết tôi hồi còn bé tí.

Tôi bắt đầu chơi, tôi gây trúng dăm lần ; trượt vài bận ; nhưng do đầu óc vẫn lởn vởn nghĩ về cô Châu, tôi bỗng hỏi đột ngột :

« Ông Săngtan này, thế có Châu có họ với ông không ? »

Ông ngừng chơi, rất ngạc nhiên, và nhìn tôi.

« Sao ? Cháu không biết ư ? Cháu không biết chuyện cỏ Châu ư ? »

– Không.

– Cha cháu không bao giờ kể cho cháu nghe sao ?

– Không.

Ờ, ờ, lạ thật nhỉ ! a ! lạ thật nhỉ ! ồ ! nhưng đó là cả một chuyện ly kỳ !

Ông ngừng bặt, rồi nói tiếp :

– Cháu ạ, cháu hỏi ta ch.uyện ấy vào ngày hôm nay, vào ngày lễ Các Vua, thật là hết sức kỳ quặc.

– Tại sao vậy ?

– A ! Tại sao à ? Cháu nghe đây. Đã bốn mươi mốt năm rồi, đúng hôm nay, ngày lễ Êpiphani, là được bốn mươi mốt năm. Dạo ấy nhà tôi ở Ruilơto, trên thành ; nhưng trước tiên phải nói kỹ với cháu về ngôi nhà : đề cháu hiểu cho rõ. Thành Rui xây trên một sườn dốc hay đúng hơn là trên một quả đồi nhỏ lên trấn lấy một xứ đồng cỏ rộng. Tại đây gia đình tôi có ngôi nhà và một khu vườn đẹp lơ lửng trên không, nhờ những bức tường thành chống đỡ bên dưới. Vậy là nhà thì ở trong phố, còn vườn nhô lên trấn lấy cánh đồng. Vườn lại có cửa thông ra đồng quê, liền với một cầu thang kín, đào vào tường, y như trong tiểu thuyết vậy. Trước của có đường cái chạy qua, ngoài cửa treo một cái chuông to, vì nông dân thường đưa vật phẩm qua lối ấy, để khỏi phải qua chòi canh lớn.

Cháu rõ địa điểm rồi chứ ? Năm ấy, vào dịp lễ Các Vua, tuyết xuống đã một tuần ròng rã. Tưởng như ngày tận thế vậy. Mỗi khi trèo lên thành ngắm cánh đồng thì cái vùng mênh mông màu trắng, trắng toát, giá băng, bóng lóang như véc ni ấy khiến lòng người buốt lạnh. Dường như Thượng để gói ghém trái đất lại để tống vào kho những thế giới cũ kỹ. Thực là buồn vô cùng, cháu ạ.

Gia đình tôi dạo ấy sống chung, đông đúc, rất đông đúc : cha tôi, mẹ tôi, ông chú, bà dì, hai anh trai và bốn cô em họ tôi ; các cô ấy xinh lắm ; tôi lấy cô út đấy. Bây giờ cả gia đình chỉ còn ba người sống sót : vợ tôi, tôi và bà chị dâu hiện đang ở Mácxây. Chao, một gia đình, sao mà tan tác đến như vậy ! Cứ nghĩ đến điều đó tôi phát rùng mình ! Dạo ấy tôi mười năm tuổi, vì hiện nay tôi năm mươi sáu.

Vậy là gia đình sắp ăn tết Các Vua, và ai nấy rất vui, rất vui ! cả nhà đang ngồi ở phòng khách, đợi vào tiệc, thì Giắc, anh cả tôi, nói : « Có con chó nào tru lên ngoài cánh đồng từ mươi phút rồi ; chắc là một con chó lạc tội nghiệp ».

Anh nói chưa dứt câu thì có tiếng chuông kêu ngoài vườn. Tiếng chuông to như chuông nhà thờ, gợi nghĩ tới người chết. Ai lấy rùng mình. Cha tôi gọi gia nhân, sai ra xem. Chúng tôi lặng ngắt, chờ đợi ; chúng tôi nghĩ tới tuyết phủ kín mặt đất. Khi anh người nhà quay vào, anh ta quả quyết là không thấy gì hết. Con chó vẫn tru lên, không ngớt, và tiếng tru của nó ở nguyên một chỗ, không di động.

Cả nhà vào bàn tiệc, nhưng hơi bồi hồi, nhất là cánh trẻ. Cho đến lúc dùng món thịt quay thì vẫn ổn, nhưng kìa, chuông lại réo lên, liên tiếp ba lần, ba tiếng chuông dài, ngân rền khiến chúng tôi run cả tay ; khiến chúng tôi nghẹn tắc. Tay cầm nĩa chổng lên trời, chúng tôi nhìn nhau, nghe ngóng, và cảm thấy sợ hãi một cách dị thường.

Cuối cùng mẹ tôi nói : « Kể cũng lạ là sao họ đợi lâu đến thế rồi mới quay trở lại ; anh Baptixtơ, anh đừng ra một mình, một trong các ông đây sẽ cùng đi với anh ».

Chú Frăngxoa tôi đứng dậy. Chú là một loại lực sĩ rất tự hào về sức lực của mình và không hề sợ gì trên đời. Cha tôi bảo chú : « Cầm một khẩu súng theo. Nào biết được nó là cái gì ».

Nhưng chú tôi chỉ xách một cây gậy và cùng anh người nhà đi luôn.

Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng ăn, chẳng nói, người run lên vì khiếp đảm và khắc khoải. Cha tôi cố an ủi chúng tôi. Ông bảo : « Rồi các con sẽ thấy, đó là một kẻ hành khất hoặc người khách qua đường nào lạc lối trong tuyết rơi. Rung chuông lần đầu, không thấy mở cửa ngay, họ gắng thử tìm đường, rồi tìm không được, họ lại quay trở lại cửa nhà ta ».

Chúng tôi tưởng chừng ông chú vắng mặt đến một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chú giận dữ quay về, miệng chửi: « Mẹ kiếp, chẳng có gì hết, đứa nào trêu cợt đấy thôi ! Chỉ có mỗi con chó cách tường chừng trăm thuớc, đang tru lên. Giá như mang súng theo, tôi đã bắn chết nó cho nó câm đi ».

Mọi người lại ăn uống, nhưng ai nấy đều bồn chồn lo lắng ; mọi người cảm thấy rất rõ là câu chuyện chưa xong, là một điều gì đó sẽ xảy đến, là lát nữa chuông lại réo.

Và nó réo lên thật, đúng vào lúc cắt món bánh ngọt Các Vua. Tất cả những người đàn ông cùng đứng dậy. Chú Frăngxoa, rượu vào, hùng hùng hổ hổ nhất quyết đi giết hắn đến mức mẹ và dì tôi phải ôm lấy chú để can ngăn. Cha tôi, mặc dù rất bình tĩnh và hơi có tật (chân ông khập khiễng từ ngày bị gãy vì ngã ngựa) cũng tuyên bố rằng ông muốn biết đó là cái gì, rằng ông sẽ đi. Các anh tôi ; mười tám, hai mươi tuổi, chạy đi tìm súng ; và vì mọi người không chú ý mấy đến tôi, tôi bèn vớ một khẩu súng chim nhỏ và chuẩn bị theo đoàn thám hiểm.

Đoàn lập tức lên đường. Cha và chú tôi đi trước, cùng với anh Baptixtơ tay xách chiếc đèn lồng. Các anh Giắc và Pôn nối theo, và tôi đi sau cùng, mặc dù mẹ tôi khẩn khoản can ngăn, bà ở lại trước thềm nhà cùng với dì tôi và và các cô em họ.

Tuyết lại rơi đã chừng một tiếng đồng hồ, và bám đầy cây cối. Những cây thông trìu xuống dưới bộ áo nặng nề nhợt nhạt, trông tựa như những hình tháp màu trắng, như những tấm bánh đường không lồ ; và qua bức màn xam xám của những bông tuyết dày li ti, chi thấp thoáng thấy những cây non, nhẹ nhõm hơn, mờ nhạt trong đêm tối. Tuyết xuống dày đến mức chỉ nhìn được xa đúng mười bước chân. Nhưng đèn lồng rọi rất sáng phía trước chúng tôi. Khi bắt đầu xuống những bậc thang cuốn đào vào trong tường, quả thực tôi sợ. Dường như có người đi đằng sau tôi ; dường như họ sắp tóm lấy tôi và đem tôi đi ; tôi muốn quay trở lại, nhưng không dám, vì lại phải đi qua cả khu vườn.

Tôi nghe thấy mọi người mở cánh cửa thông ra ngoài đồng, rồi tiếng chú tôi rủa : « Mẹ kiếp, nó lại đi rồi ! Giá như chỉ thoáng thấy bóng nó, tôi cũng không để nó thoát đâu, cái quân.. ấy ! »

Thật là ảm đạm khi nhìn thấy cánh đồng, hay nói cho đúng hơn, khi cảm thấy cánh đồng trước mặt mình, vì ta không nhìn thấy nó ; chỉ nhìn thấy một màn tuyết vô tận, trên cao, dưới thấp, đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, khắp nơi nơi.

Chú tôi tiếp : « Này, lại con chó đang tru ; tối sẽ cho nó biết tay tôi bắn ra sao. Thế cũng còn được một cái gì ».

Cha tôi vốn tốt bụng, ông nói : « Nên ra tìm nó về thì hơn, tội nghiệp con vật đang kêu đói. Nó sủa để cầu cứu đấy, con chó khốn khổ, nó gọi cứ y như một người lâm nạn. Ta ra đi ».

Và mọi người lên đường qua tấm màn ấy, qua làn mưa tuyết liên miên dày đặc, qua cái chất xốp mù mịt cả bầu trời và đêm tối, cái chất xốp di động, bồng bềnh, rơi xuống và tan ra làm giá buốt d.a thịt, như thể nó thiêu đốt thịt da vì cái đau nhoi nhói, mỗi lần những bông tuyết trắng nho nhỏ ấy chạm vào.

Chúng tôi thụt đến đầu gối trong chất bột nhão và lạnh ấy ; muốn bước đi phải giơ chân thật cao. Càng tiến lên, tiếng chó sủa nghe càng rõ, càng to. Chú tôi kêu: « Nó đây rồi ! ». Mọi người dừng lại để quan sát nó, như khi đứng trước một kẻ địch, trong đêm tối.

Tôi thì tôi chẳng thấy gì hết ; tôi bèn đến nhập bọn với mọi người, và tôi nhìn thấy nó ; trông nó thật hãi hùng và kỳ quái, cái con chó ấy, một con chó đen to, một con chó becgiê lông rậm, đầu chó sói, đứng thẳng cả bốn chân, ngay ở đầu vệt ánh sáng dài do chiếc đèn lồng rọi trên tuyết. Nó không động cựa, nó im bặt và nó nhìn chúng tôi.

Chú tôi bảo : « Thật kỳ quặc, nó chẳng tiến mà cũng chẳng lùi. Tôi chỉ muốn cho nó một phát súng ».

Cha tôi lại nói, giọng cương quyết : « Không, phải bắt lấy nó ».

Lúc đó, anh Giăsc tôi tiếp: « Nhưng không phải nó đi một minh. Có cái gì bên cạnh nó. »

Quả thực có cái gì đằng sau nó, cái gì xám xám, không thể nhìn rõ. Mọi người lại thận trọng tiến bước.

Thấy chúng tôi đến gần, con chó ngồi xếp xuống. Nó không có vẻ dữ tợn. Dường như nó lại hài lòng là khác vì đã thu hút được mọi người.

Cha tôi tiến thẳng lại gần nó và vuốt ve nó. Con chó liếm tay ông ; và mọi người nhận ra nó bị buộc vào bánh xe, một loại xe nhỏ xinh xinh bọc kín mít bằng ba bốn tấm chăn len. Mọi người thận trọng gỡ chăn ra, và khi Baptixtơ ghé đèn lồng lại cửa cỗ xe con, giống như một cái ổ di động, người ta thấy bên trong có một em bé đang ngủ.

Chúng tôi sửng sốt đến nỗi không thốt được một lời. Cha tôi là người đầu tiên bình tĩnh lại, và vốn có tấm lòng cao cả, có tâm hồn hơi bồng bột phấn khích, ông xoè bàn tay trên nóc xe, nói : « Hỡi kẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, ngươi sẽ là người trong gia đình ta ! ». Rồi ông ra lệnh cho anh Giắc đẩy cái của bắt được đi đằng trước chúng tôi.

Cha tôi lại tiếp, ông nói to lên ý mình đang nghĩ :

– Một đứa con vì tình nào đó, mà người mẹ tội nghiệp đã đến rung chuông gọi cửa nhà ta vào đêm lễ Êpiphani này, để nhớ đến Đức Chúa con ».

Ông lại dừng bước, và dùng hết sức lực hô lên bốn lần, qua đêm tối, hướng về bốn phương trời : « Chúng tôi đã tiếp nhận cháu ! » Hồi đặt tay lên vai chú em, ông nói nhỏ : « Frăng xoa này, nếu như chú bắn vào con chó ?...»

Chú tôi không trả lời, nhưng chú làm một dấu thánh giá lớn, trong bóng đêm, vì chú rất có tín ngưỡng, mặc dù bộ dạng chú huênh hoang.

Mọi người đã thả con chó ra, nó đi theo chúng tôi.

A! Cái cảnh trở về nhà, thật rõ đáng yêu ! Thoạt đầu mọi người hết sức chật vật mới đưa được xe lên theo lối cầu thang tường thành, nhưng rồi cũng xong, và họ lăn xe đến tận phòng đợi.

Bà mẹ tôi mới ngộ nghĩnh, luýnh quýnh và hài lòng làm sao ! Và bốn cô em họ tôi (cô út lên sáu tuổi), cứ y như bốn con gà mái xúm quanh cái ổ. Rồi mọi người mang em bé vẫn đang ngủ ra khỏi xe. Đó là một em gái, khoảng một tháng rưỡi. Và mọi người thấy trong tả lót của em một vạn quan tiền vàng, phải, một vạn quan ! Cha tôi đem số tiền đó đặt lãi để làm của hồi môn cho em sau này. Vậy em không phải con nhà nghèo... mà chắc là con của một nhà quý phái nào với một cô gái trung lưu trong thành... hay là... chúng tôi phỏng đoán trăm ngàn điều và từ đó vẫn không hề biết được gì... mà thế đấy, không biết gì hết... không biết gì hết... cả con chó cũng không ai nhận ra. Nó không phải ở vùng này. Dù sao thì người đàn ông hay đàn bà đã ba lần rung chuông gọi cửa nhà tôi phải rất quen biết cha mẹ tôi, và họ đã chọn cha mẹ tôi như vậy.

Cô Châu, tuổi một tháng rưỡi, đã nhập vào gia đình Săngtan như vậy đó.

Vả lại, mãi về sau này mọi người mới gọi cô là cô Châu. Thoạt tiên người ta đặt tên cho cô là « Mari Ximon, Clerơ ». Clerơ dùng làm tên họ cho cô. Tôi cam đoan với cháu rằng cái cảnh trở vào phòng ăn thật ngộ, với đứa bé đã thức giác, hai mắt lơ mơ, xanh dục, nhìn mọi người và ánh sáng quanh em.

Mọi người lại vào bàn tiệc và chia phần bánh ngọt. Tôi là Vua ; và tôi kén cô Châu làm hoàng hậu, cũng như cháu, ban nãy. Ngày hôm đó, cô ta chẳng hề ngờ biết vinh dự dành cho mình.

Vậy là cô bé được gia đình nhận và nuôi nấng. Cô lớn dần ; năm tháng trôi qua. Cô đáng yêu, dịu dàng, dễ bảo. Tất cả mọi người yêu mến cô và nếu như không có mẹ tôi can ngăn thì họ sẽ nuông chiều cô ghê gớm.

Mẹ tôi là một phụ nữ ưa tôn ti trật tự. Bà đồng ý đối xử với cô bé Clerơ như với các con trai đẻ của mình, tuy vậy bà vẫn chú trọng cho khoảng cách phân biệt chúng tôi phải thật rõ ràng và tình thế thật minh bạch.

Cho nên, khi cô bé đã hiểu biết được, bà cho cô biết chuyện mình, và làm cho cô bé thấm thía một cách thật nhẹ nhàng, âu yếm nữa là khác, thấm rằng đối với gia đình Săngtan, cô là đứa con gái nuôi, được đùm bọc, nhưng tóm lại, là một người ngoài.

Clerơ hiểu tình thế ấy với một sự thông minh đặc biệt, với một linh khiếu kỳ lạ ; cô biết nhận và giữ cái chỗ dành cho mình, một cách cực kỳ tế nhị, cực kỳ duyên dáng và đáng yêu, đến mức cô làm cha tôi bồi hồi phát khóc.

Ngay chính mẹ tôi cũng hết sức cảm động vì niềm biết ơn tha thiết và lòng tận tụy hơi e dè của cô bé xinh xắn hiền dịu ấy, đến mức bà gọi cô là « con gái của mẹ ». Một đôi lần, khi cô bé làm điều gì tốt đẹp, tế nhị, mẹ tôi thường giương mục kỉnh lên trán, một dấu hiệu tỏ ra bà xúc động, và bà nhắc đi nhắc lại : « Cái con bé này nó là một hạt châu đây, một hạt châu thực ! » Cái tên ấy còn lại với cô bé Clerơ, đối với chúng tôi, cô thành Cô Châu và vẫn là cô Châu.



IV​

Ông Săngtan ngừng lời. Ông ngồi trên bàn bi-a, chân đung đưa, tay trái vân vê một hòn bi, tay phải vò một mảnh khăn dùng để xóa các điểm ghi trên bảng đá, chúng tôi gọi là « khăn lau phấn ». Mặt đo đỏ, giọng trầm trầm, giờ đây ông tự nói với riêng mình, dấn vào những kỷ niệm, nhè nhẹ xuyên qua những điều cũ kỹ, những biến cố xa xưa đang trỗi dậy trong tư duy, giống như ta đi dạo trong những khu vườn cổ của gia đình nơi ta được nuôi dưỡng, nơi mỗi gốc cây, mỗi con đường, những nhành gai nhọn, những bông nguyệt quế tỏa hương, những quả thủy tùng hạt đỏ và ngậy tan giữa các ngón tay, cứ mỗi bước chân đi lại dựng dậy một kỷ niệm nho nhỏ trong quãng đời quá khứ, một trong những sự kiện vô nghĩa và tuyệt diệu, nó là chính cái nền, là thớ sợi dệt thành cuộc sống.

Còn tôi, tôi đứng đối diện với ông, lưng dựa vào tường, hai bàn tay tì vào cây gậy bi-a vô dụng.

Một phút sau, ông lại tiếp : « Chà, năm mười tám tuổi, cô ấy mới xinh đẹp làm sao... và duyên dáng... và vẹn toàn... Ô ! Cô bé xinh đẹp... xinh đẹp... xinh đẹp và nhân hậu... và can đảm... và dễ thương... Cô ta có đôi mắt... đôi mắt xanh... long lanh... trong sáng, tôi chưa từng thấy đôi mắt nào như thế... chưa bao giờ !... »

Ông lại im tiếng. Tôi hỏi : « Tại sao cô ấy không lấy chồng ? ».

– Tại sao ? Tại sao ư ? Cô ấy không muốn... không muốn. Vậy mà cô ấy có ba vạn quan tiền hồi môn, có nhiều người dạm hỏi. Cô ấy không muốn ! Dạo ấy cô có vẻ buồn. Đó là lúc tôi cưới cô em họ tôi, cô bé Saclôt, vợ tôi, mà tôi đính hôn đã được sáu năm ».

Tôi nhìn ông Săngtan và dường như tôi thấu suốt trí não ông, dường như tôi bỗng thấu suốt một tấn bi kịch âm thầm, xót xa, của những tấm lòng trung thực, những tấm lòng ngay thẳng, những tấm lòng không gợn điều chê trách, một trong những bi kịch không thổ lộ, không hề được khám phá, không ai biết, ngay cả những người là nạn nhân thầm lặng và nhẫn nhục của bi kịch ấy.

Và bỗng nhiên do một sự tò mò táo bạo thúc đẩy, tôi thốt lên :

– Chính ông lẽ ra phải lấy cô ấy, phải không ông Săngtan ?

Ông giật mình, nhìn tôi, và nói :

– Tôi ư ? lấy ai ?

– Lấy cô Châu.

– Sao lại thế ?

– Vì ông yêu cô ấy hơn cô em họ ông.

Ông nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lùng, tròn, hốt hoảng, rồi ông ấp úng :

– Tôi yêu cô ấy... tôi à ? thế nào nhỉ ? ai bảo cháu thế ?...

– Dào ôi, điều đó thấy được chứ... cũng chính vì cô ấy mà ông lần lữa mãi không cưới cô em họ đã chờ đợi ông suốt sáu năm ròng.

Ông buông hòn bi cầm trong bàn tay trái, hai tay nằm lấy mảnh khăn lau phấn, ôm lấy mặt, nức nở khóc. Ông khóc một cách thảm thiết và nực cười, y như một miếng bọt biển bị người ta ép, khóc bằng cả mắt, cả mũi, cả mồm cùng một lúc. Rồi ông ho, ông nhổ, ông hỉ mũi vào khăn lau phấn, ông chùi mắt, hắt hơi, lại sướt mướt bằng mọi khe hở trên mặt, ông ọc trong cổ như người súc miệng.

Còn tôi, ngượng ngùng luýnh quýnh, tôi muốn bỏ trốn và chẳng biết nói năng, làm ăn, xoay xở ra sao.

Và bỗng nhiên, tiếng bà Săngtan vang lên ở cầu thang :

– « Hút sách sắp xong chưa các vị ? »

Tôi mở cửa, đáp to : « Thưa bà vâng, chúng tôi xuống đây ạ .

Rồi tôi lao đến bên chồng bà ta, nắm lấy khuỷu tay ông : « Ông Săngtan ơi, ông bạn Săngtan của tôi, ông hãy nghe tôi ; vợ ông đang gọi ông đấy, ông trấn tĩnh lại, ông trấn tĩnh lại mau mau, ta phải xuống nhà ; ông trấn tĩnh lại đi ».

Ông lắp bắp : « Phải, phải... tôi xuống... tội nghiệp cô ấy ! tôi xuống... cháu bảo là tôi xuống đây ».

Và ông bắt đầu lúi húi lau mặt bằng mảnh khăn hai ba năm nay đã lau mọi vết phấn trên bảng, rồi ông xuất hiện, nửa đỏ, nửa trắng, trán, mũi, má, cằm lem nhem đầy phấn, hai mắt sưng mọng hãy còn ứ lệ.

Tôi nắm lấy hai tay ông, vừa kéo ông vào phòng vừa thì thầm : « Ông Săngtan, xin lỗi ông, xin lỗi ông nhiều nhiều vì đã làm ông buồn.. nhưng... tôi không biết... ông... ông hiểu cho... ».

Ông xiết chặt tay tôi : « Phải... phải.. có những lúc gay go... »

Rồi ông úp mặt xuống thau nước. Khi ông ra, tôi trông ông còn chưa được chỉnh ; nhưng tôi nảy ra một mẹo nhỏ. Thấy ông vừa soi gương vừa lo ngại, tôi bảo : « Chỉ cần kể là ông bị một hạt bụi vào mắt, thế là ông tha hồ khóc trước mặt tất cả mọi người ».

Ông ta xuống nhà, vừa đi vừa lấy khăn tay dụi mắt. Mọi người lo lắng ; ai cũng muốn tìm hạt bụi mà không thấy, rồi họ kể ra những trường hợp tương tự đã phải tìm thấy tìm thuốc.

Tôi thì tôi đến gần cô Châu, và tôi nhìn cô, lòng khắc khoải vì một nỗi tò mò gay gắt, một nỗi tò mò đến khổ sở. Quả là xưa kia chắc cô phải xinh đẹp lắm, với đôi mắt hiền dịu, rất to, rất trầm tĩnh, mở rất rộng đến nỗi ta tưởng chừng không bao giờ cô khép mắt lại như những người trần thể khác. Cách phục sức của cô hơi nực cười, đúng là cách phục sức của một bà cô già, nó làm cô giảm dung nhan mà không thành vụng về ngượng ngập.

Dường như tôi nhìn thấy trong cô, cũng như ban nãy tôi đã nhìn thấy trong tâm hồn ông Săngtan, dường như tôi thấy được từ đầu đến cuối, cuộc đời khiêm nhường, giản dị và tận tụy ấy ; nhưng một nhu cầu thúc đẩy tôi nói, một nhu cầu dằn vặt phải hỏi cô, phải biết xem, cả cô nữa, cô có yêu ông không ? xem cô có từng đau như ông cái nỗi đau dằng dặc, thầm kín, gay gắt, không ai thấy, không ai biết, không ai đoán nổi, nhưng chỉ thoát ra ban đêm, trong cảnh cô đơn của gian phòng tăm tối. Tôi nhìn cô, tôi thấy tim cô đập dưới tấm áo nịt và tôi tự hỏi chẳng hiểu gương mặt hiền dịu ngây thơ này có rền rĩ mỗi tối, trong lần gối dày, ấm, và có khóc than, toàn thân rung lên nức nở trong cơn sốt của chiếc gi.ường nóng bỏng.

Và tôi nói với cô thật khẽ, y như những đứa trẻ đập vỡ một đồ chơi quý để xem bên trong : « Nếu ban nẫy cô nhìn thấy ông Săngtan khóc, chắc cô phải thương ông ấy. »

Cô giật mình : « Sao, ông ấy khóc ư ? »

– Ồ ! Vâng, ông ấy khóc đấy !

– Và tại sao lại thế ?

Cô có vẻ rất cảm động. Tôi trả lời :

– Vì cô đấy.

– Vì tôi à ?

– Vâng. Ông kể cho tôi nghe ngày xưa ông đã yêu cô đến như thế nào ; và ông đã đau khổ đến thế nào khi lấy bà ấy mà không lấy cô...

Gương mặt xanh xao của cô như thượt ra một chút ; đôi mắt luôn mở rộng, đôi mắt trầm tĩnh của cô bỗng nhắm nghiền lại rất nhanh tưởng chừng chúng đời đời khép lại. Cô tuột từ trên ghế xuống sàn nhà và gục từ từ, nhè nhẹ, như một tấm khăn rơi.

Tôi kêu lên : « Cấp cứu ! cấp cứu ! Cô Châu khó ở. »

Bà Săngtan và các cô con gái xô lại, và thấy người ta tìm nước, tìm khăn mặt và dấm thanh, tôi bèn cầm lấy mũ, rút lui.

Tôi bước những bước dài, lòng xao động, đầu óc đầy hối tiếc. Và đôi lúc tôi lại thấy vui lòng ; hình như mình đã làm một điều đáng khen và cần thiết.

Tôi tự hỏi: « Mình có sai không ? Mình có đúng không ? » Họ canh cánh điều đó trong lòng như người ta giữ mảnh đạn trong vết thương kín miệng. Giờ đây họ chẳng hạnh phúc hơn hay sao ? Thời gian đã quá muộn để nỗi dằn vặt đau xót của họ tái phát, và cũng còn khá kịp để họ bồi hồi nhớ lại.

Và có thể một đêm xuân tới, xúc động vì một ánh trăng xuyên qua cành lá, rọi xuống làn cỏ dưới chân, họ sẽ cầm và nắm chặt tay nhau, để hồi tưởng tất cả nỗi đau thầm nén và xót xa ấy ; và cũng có thể cái xiết tay ngắn ngủi đó sẽ truyền vào huyết mạch họ một chút xao xuyến lẽ ra họ không hề hay biết, và sẽ ban cho họ, cho những người đã chết được hồi sinh trong giây phút cái cảm giác thoáng qua và thần tiên của niềm say sưa, của nỗi rồ dại, nó khiến cho những kẻ yêu nhau chỉ trong một cái rùng mình cũng hưởng được nhiều hạnh phúc hơn hạnh phúc mà những kẻ khác hái lượm suốt một đời !



LÊ HỒNG SÂM dịch​
 
×
Quay lại
Top Bottom