Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 50
MỘT TẤM LÒNG CHẤT PHÁC
Guyxtavơ Flôbe
I
Nửa thế kỷ nay, các bà ở thị trấn Pông – Lêvêc thèm muốn ước ao chị Fêlixitê, người ở nhà bà Ôbanh.
Công xá trăm quan mỗi năm, chị nấu nướng dọn dẹp, khâu, giặt, là, biết đóng cương ngựa, vỗ béo gà vịt, làm bơ và trung thành với chủ, – mà bà ấy đâu phải tính tình dễ chịu.
Bà lấy một người chồng đẹp trai, không tài sản, chết vào đầu năm 1809, để lại hai con thơ và vô số nợ nần. Bà bèn bán nhà cửa đất đai, trừ ấp Tuckơ và ấp Giépfôxơ, thu hoạch hàng năm nhiều lắm là năm ngàn quan, rồi rời tòa nhà tại Xanh Mêlen, dọn đến một ngôi nhà khác đỡ tốn kém hơn, của ông cha để lại, ở phía sau chợ.
Ngôi nhà mái lợp đá, ở giữa một lối đi và một phố nhỏ dẫn ra sông. Nền nhà bên trong cao thấp không đều, dễ vấp bước. Một tiền sảnh hẹp ngăn bếp với phòng, nơi bà Ôbanh ngồi suốt ngày bên cửa sổ, trong ghế bành rơm. Sát vách gỗ sơn trắng, kê tám ghế dựa bằng gỗ đào hoa tâm. Trên đàn dương cầm đã cũ, một chồng cao những tráp những hộp xếp dưới chiếc phong vũ biểu. Hai ghế dựa có nệm đặt hai bên lò sưởi bằng cẩm thạch màu vàng kiểu vua Lu-i XV. Chính giữa là đồng hồ, hình dung ngôi đền thờ thần Vexla, và toàn bộ các căn phòng phảng phất mùi ẩm mốc, vì sàn nhà thấp hơn vườn.
Trên tầng gác thứ nhất, thoạt tiên là phòng của « Bà chủ » rất rộng, tường dán giấy hoa màu nhạt, có chân dung «Ông chủ», vận y phục muyxcadanh (1). Phòng này thông với một phòng nhỏ hơn, kê hai gi.ường trẻ em, không nệm. Rồi đến phòng khách, bao giờ cũng đóng cửa, đầy đồ đạc phủ vải bọc. Tiếp đó, một hành lang dẫn sang phòng làm việc ; sách vở, giấy tờ xếp trên ngăn tủ sách, ba cạnh tủ quây quanh một bàn giấy rộng bằng gỗ đen. Còn hai khung vách treo kín những bức vẽ bằng bút sắt, những tranh phong cảnh bằng bột màu và những tranh khắc của Ôđrăng,kỷ niệm một thời tươi đẹp hơn và một cảnh sang trọng đã tiêu tan. Một khuôn cửa trổ ở mái tầng hai rọi sáng gian buồng của Fêlixitê, trông ra đồng cỏ.
(1) Muscadin: tên đặt vào thời kỳ Cách mạng Pháp năm 1793, cho những người theo phái Bảo hoàng, thường ăn mặc sang trọng (N,d,)
Chị dậy từ tinh mơ để khỏi nhỡ buổi lễ sáng, và làm suốt ngày không nghỉ ; rồi bữa tối xong xuôi, bát đĩa thu dọn ngăn nắp, cửa đóng kỹ, chị dụi lửa và thiu thiu ngủ trước bếp lò, tràng hạt trong tay. Chẳng ai ương bướng bằng chị khi mặc cả mua bán. Còn về khoản sạch sẽ, xoong chảo chị giữ bóng lộn, những cô hầu khác khó lòng bì kịp. Vốn tằn tiện, chị ăn thong thả, lấy ngón tay nhặt nhạnh những vụn bánh trên bàn, – một chiếc bánh mười hai livrơ làm riêng cho chị, ăn suốt hai mươi hôm.
Quanh năm chị quàng chiếc khăn vải gài kim băng sau lưng, mũ trùm kín tóc, tất xám, váy ngắn màu đỏ, và bên ngoài áo cộc, chị đeo tạp dề có yếm như y tá trong bệnh viện.
Mặt chị gầy, giọng nói lanh lảnh. Vào tuổi hăm nhăm, chị trông đã như người bốn mươi. Từ năm mươi trở đi chị không có tuổi nữa ; – và bao giờ cũng lặng lẽ, vóc người thẳng, cử chỉ đều đặn, chị như một người gỗ hoạt dòng máy móc.
II
Fêlixitê cũng có câu chuyện tình của mình như ai khác. Bố Fêlixitê làm thợ nề, chết vì ngã từ giàn giáo xuống. Rồi mẹ qua đời, chị em li tán, một chủ trại đem Fêlixitê về, cho đi chăn bò khi em còn bé xíu. Em rét run trong áo quần rách rưới, nằm rạp xuống uống nước ao, nước vũng, hơi một tí là bị đánh và cuối cùng bị đuổi vì ba chục đồng xu mất cắp mà em không lấy. Em vào làm ở một trại khác, trông nom gia cầm, và vì được lòng chủ nên bị chúng bạn ganh ghét.
Một tối tháng tám ( lúc đó Fêlixitê, mười tám tuổi ) bạn bè rủ cô đi tụ hội ở Colơvin. Vừa đến cô đã choáng váng, kinh ngạc vì tiếng đàn rộn rã của các nhạc công, vì ánh đèn trong những lùm cây, vì áo quần sặc sỡ, vì đăng ten, vì những thánh giá vàng, vì đám người đông đúc cùng nhảy nhót. Cô đang khép nép đứng lánh ra, thì một chàng trai vẻ ngoài sang trọng, miệng hút tẩu thuốc, hai tay tì vào quai một chiếc giỏ, đến mời cô nhảy. Anh ta đãi cô rượu táo, cà phê, bánh tráng, mua cho cô chiếc khăn quàng, và tưởng cô hiểu ý, ngỏ lời dẫn cô về. Bên bờ một cánh đồng kiều mạch, anh xô cô ngã xuống một cách thô bạo. Cô hoảng sợ kêu lên. Anh ta bỏ đi.
Một tối khác, trên đường Bômông, cô định vượt một xe chở cỏ khô đi thong thả, và khi lướt gần bên bánh xe cô nhận ra Têôđo.
Anh bình tĩnh đến gần cô, bảo là cần tha thứ mọi điều, vì đó là « lỗi do quá chén ».
Cô chẳng biết trả lời ra sao và muốn bỏ chạy.
Anh liền nói chuyện mùa màng và chuyện các hào mục trong xã, vì cha anh đã bỏ Colơvin chuyển sang ấp Êcô, thành thử giờ đây anh với cô thành láng giềng. Cô bảo « Thế à !». Anh nói thêm là gia đình muốn gây dựng cho anh. Vả chăng, anh chẳng vội vàng gì, anh chờ một người vợ hợp ý mình. Cô cúi đầu. Anh bèn hỏi cô có nghĩ tới chuyện hôn nhân hay không. Cô mỉm cười, trả lời là nói đùa nhau không tốt đâu.
« Không mà, tôi thề với em đấy ! » và cánh tay trái anh ôm ngang người cô ; họ chậm bước. Gió dịu, sao lấp lánh, lùm cỏ khô đồ sộ trên xe lắc lư phía trước ; và bốn con ngựa lê vó làm bụi tung lên. Rồi, chẳng ai ra lệnh, chúng tự rẽ sang phải. Anh hôn cô lần nữa. Cô biến vào bóng tối.
Tuần sau, Têôđo hò hẹn được với cô.
Họ gặp gỡ nhau ở xó sân, ở sau tường, dưới gốc cây vắng vẻ. Cô không ngây thơ theo cách các tiểu thư, – những con vật làm có hiểu biết ; – nhưng lý trí và bản tính trinh thục giữ cô khỏi sa ngã. Sự chống cự ấy khiến tình yêu của Têôđo thêm mạnh, đến mức để thỏa mãn nó (hay thật thà hồn nhiên cũng nên) anh xin cưới cô. Cô ngần ngại không tin. Anh thề thốt đủ lời.
Rồi anh thổ lộ một chuyện không hay, ; năm ngoái bố mẹ đã mua người thế chân cho anh ; nhưng ngày một ngày hai họ có thể lại gọi anh, nghĩ đến đi lính, anh hoảng sợ. Fêlixitê cho sự nhút nhát này là một bằng chứng yêu thương ; tình cảm của chị tăng gấp bội. Đêm đêm chị lẻn đi, và đến nơi hò hẹn, Têôđo làm chị khổ sở vì những điều anh lo âu, những chuyện anh nài nỉ
Cuối cùng, anh báo là anh sẽ tự lên quận dò hỏi tin tức và sẽ cho chị biết vào chủ nhật sau, từ mười một giờ đến nửa đêm.
Giờ hẹn tới, chị chạy đến với người yêu.
Thay cho anh, chị thấy một người bạn của anh.
Anh này bảo chị đừng gặp lại Têôđo nữa. Để khỏi phải đăng lính, Têôđo đã cưới một bà luống tuổi rất giàu bà Lơhutxe, ở Tuckơ.
Thật là một nỗi buồn đau hỗn loạn. Chị lăn xuống đất, gào lên, gọi Chúa, và rền rĩ một mình giữa đồng quê cho tới rạng đông. Rồi chị quay về trại, ngỏ ý muốn ra đi ; cuối tháng, lĩnh xong công xã, chị gói hành trang ít ỏi trong khăn, đi đến Pông – Lêvêc.
Trước quán trọ, chị hỏi một bà trùm khăn tang, vừa vặn bà này đang tìm người nấu bếp. Cô gái chẳng biết làm ăn gì mấy, nhưng có vẻ rất nhiều thiện chí và quá ít đòi hỏi, thành thử cuối cùng bà Ôbanh bảo :
– Được, tôi nhận chị.
Fêlixitê, một khắc sau, đã vào ở trong nhà bà.
Mới đầu chị sống trong một niềm run sợ do « cung cách trong nhà », và kỷ niệm về « Ông chủ » lượn lờ phảng phất trên mọi sự ! Pôn và Viêcgini, một đứa lên bảy, đứa kia chưa đầy bốn tuổi, chị tưởng như được làm bằng một chất liệu quý ; chị cõng chúng trên lưng như ngựa, còn bà Ôbanh cấm chị không được bạ lúc nào cũng hôn chúng, điều này khiến chị tủi. Tuy thế chị thấy mình sung sướng. Sự êm đềm xung quanh làm tan nỗi buồn nơi chị.
Thứ năm nào, các khách quen cũng đến chơi bài bộxtông. Fêlixitê sửa soạn trước cỗ bài và lồng ấp. Họ đến vào tám giờ đúng và ra về trước khi đồng hồ điểm mười một giờ.
Cứ sáng thứ hai, bác buôn đồ cũ ở bên dưới lối đi, lại bày biện hàng sắt vụn trên mặt đất. Rồi thành phố vang lên ong ong những tiếng nói, hòa với tiếng ngựa hí, cừu kêu, lợn rống, tiếng xe ngựa lộc cộc ngoài đường. Khoảng giữa trưa, khi chợ đang đông, trước thềm nhà xuất hiện một nông dân có tuổi, vóc người cao, mũ lưỡi trai hất ra phía sau, mũi khoằm, đấy là Rôbơlanh, tá điền ấp Giepfôxơ. Một lát nữa, – là Liêba, tá điền ấp Tuckơ, người thấp, béo, đỏ đắn, mặc áo vét xám, đi ủng cao có đinh thúc ngựa.
Cả hai người đem đến cho bà chủ gà vịt hay pho mát. Trăm lần như một, Fêlixitê làm cho những ngón ranh ma của họ thất bại ; và họ ra về lòng đầy kính nể chị.
Vào những kỳ không xác định, hầu tước Đơ Grêmăngvin đến thăm bà Ôbanh, hầu tước là chú của bà, bị bọn gian manh làm phá sản, nay sống ở Faledơ trên mảnh đất cuối cùng sót lại. Bao giờ ông cũng tới vào giờ ăn sáng, cùng một con chó xù xấu ghê gớm, chân chó dẫm bẩn mọi đồ đạc. Mặc dù ông gắng tỏ ra người quý phái, thậm chí nhấc mũ mỗi lần nói « Cụ cố thân sinh tôi » song do thói quen lôi cuốn, ông rót rượu uống hết cốc này đến cốc khác, và buông lời chớt nhả. Fêlixitê lễ phép đẩy ông ra ngoài : «Thưa ông Đơ Grêmăngvin, ông dùng đủ rồi đấy ạ ! Lần khác mời ông lại chơi ! » Rồi chị đóng cửa lại.
Chị vui lòng mở cửa đón ông Bure, cựu công chứng viên. Cà vạt trắng, đầu hói, lá sen trước sơ mi, áo rơđanhgôt rộng màu nâu, cách khuỳnh tay khi hít thuốc, toàn bộ con người ông gây cho ta nỗi bối rối khi nhìn thấy những nhân vật phi thường.
Bởi ông cai quản tài sản của « Bà chủ », nên ông ngồi riêng với bà hàng giờ trong phòng làm việc của «Ông chủ», và lúc nào cũng sợ tai tiếng liên lụy, cực kỳ tôn trọng pháp quan, có phần tự phụ về tiếng latinh.
Để giúp trẻ con mở mang hiểu biết mà vui, ông tặng chúng một quyển địa lý bằng tranh. Tranh vẽ các cảnh trí khác nhau trên thế giới, những gã ăn thịt người, đầu cắm lông chim, con khỉ đang bắt một cô gái, những người Bêđoanh ở sa mạc, con cá voi bị người ta dùng lao móc, vân vân..
Pôn giảng giải những hình này cho Fêlixitê. Đây cũng là toàn bộ sự học hành văn chương của chị.
Việc học của bọn trẻ giao cho Guyô, một gã nghèo khổ làm ở Tòa Thị chính, nổi tiếng chữ tốt, và hay liếc dao vào ủng.
Khi trời quang đãng, cả nhà đi đến ấp Giepfôxơ từ sáng sớm.
Sân dốc thoai thoải, nhà ở giữa, và xa xa, biển trông như một vệt màu xám.
Fêlixitê lấy trong làn ra những lát thịt nguội, họ ăn sáng trong một gian phòng nối liền với nhà để sữa. Phòng này là dấu vết duy nhất sót lại của một biệt thự nay không còn. Giấy dán tường rách tơi tả, run rẩy trước gió lùa. Bà Ôbanh cúi mặt, đau buồn vì kỷ niệm : trẻ con không dám nói nữa. Bà bảo « kìa các con chơi đi chứ ! » ; chúng chạy đi.
Pôn trèo lên vựa lúa, bắt chim, ném thia lia xuống ao, hoặc lấy gậy nện vào những thùng rượu to có tiếng vang như trống.
Viêcgini cho thỏ ăn, lao đi hái hoa mua, chân chạy thoăn thoắt làm lộ chiếc quần thêu nhỏ bên trong.
Một tối mùa thu, họ trở về qua những cánh đồng cỏ.
Trăng thượng tuần rọi sáng một khoảng trời, một màn sương mù lơ lửng như giải khăn quàng bên trên những khúc quanh co của dòng sông Tuckơ. Đàn bò, nằm giữa đồng cỏ, bình thản nhìn bốn người đi qua. Sang cánh đồng thứ ba, vài con đứng dậy, rồi quây thành vòng trước mặt họ. Fêlixitê bảo : « Đừng sợ gì hết » và chị vừa dỗ dành khe khẽ, vừa vỗ về lưng con bò gần nhất ; nó quay đi, những con khác bắt chước. Nhưng họ vừa vượt được một cánh đồng tiếp theo, thì một tiếng rống dữ dội cất lên. Đó là một con bò mộng, khuất trong sương mù. Nó tiến về phía hai người đàn bà. Bà Ôbanh toan chạy «Không ! không ! đừng nhanh thế ! ». Tuy vậy họ vẫn rảo bước và nghe đằng sau hơi thở phì phò đang gần lại. Vó bò nện trên đồng cỏ như búa đập ; kia bây giờ nó lồng lên rồi ! Fêlixitê quay lại, chị dùng cả hai tay nậy những mảng đất, ném vào mắt con bò. Nó chúc mỏm, lúc lắc sừng, run vì giận dữ, và rống lên khủng khiếp. Bà Ôbanh đến được cuối đồng cỏ cùng hai con, hốt hoảng tìm cách vượt bờ cao. Fêlixite vẫn đi giật lùi đằng trước con bò, liên tiếp vứt những tảng cỏ gà làm tối mắt mũi nó, đồng thời chị hét « Nhanh lên ! nhanh lên ! »
Bà Ôbanh tụt xuống hào, đẩy Viêcgini, rồi Pôn, ngã rất nhiều lần trong khi cố trèo bờ dốc, và lấy hết can đảm, cuối cùng vượt lên được.
Con bò mộng đã ép sát Fêlixitê vào một hàng rào ; nước dãi nó phì vào mặt chị, chỉ một giây nữa nó sẽ húc thủng bụng chị. Chị kịp luồn mình qua hai thanh rào, và con vật to lớn, hết sức ngạc nhiên, dừng lại.
Sự kiện này, ròng rã nhiều năm, là đầu đề trò chuyện ở Pông – Lêvêc. Fêlixitê không chút kiêu căng vì việc dũng cảm ấy, chị cũng chẳng hề nghĩ mình đã làm điều gì anh hùng dũng cảm.
Chị chỉ đặc biệt lo lắng cho Viêcgini; – vì, sau cơn sợ, em bị yếu thần kinh, và ông Pupa, bác sĩ, khuyên nên đi tắm biển ở Tơruvin.
Thời ấy, ít người lui tới đó. Bà Ôbanh tìm hiểu tinh hình, hỏi ý kiến Bure, sửa soạn như thể sắp đi xa.
Hành lý gửi từ hôm trước, trong xe bò của Liêba. Hôm sau, bác ta đem đến hai con ngựa, một con mang yên dùng cho phụ nữ, có nệm nhung dựa lưng ; trên mông con kia một áo choàng cuộn lại làm ghế. Bà Ôbanh ngồi lên đấy, sau Liêba. Fêlixitê kèm Viêcgini, còn Pôn cưỡi con lừa ông Lơsaptoa cho mượn, với điều kiện phải trông nom hết sức cẩn thận.
Đường xấu đến nỗi tám cây số phải đi mất hai giờ đồng hồ. Ngựa lún trong bùn đến tận cổ chân, và để bước lên được, chúng lắc mạnh hông ; hoặc chúng vấp ổ gà ; có lần chúng phải nhảy. Có những chỗ, con ngựa cái của Liêba đột nhiên dừng lại. Bác kiên nhẫn đợi nó cất bước đi tiếp ; và bác nói về những người có trang trại ở hai bên đường, chêm vào câu chuyện những suy nghĩ đạo lý. Thí dụ, ở giữa Tuckơ, lúc qua bên dưới những khung cửa sổ có hoa kim liên bao quanh, bác nhún vai bảo : « Đấy, như bà Lơhutxe, thay vì lấy một thanh niên... » Fêlixitê không nghe thấy đoạn cuối ; ngựa chạy nước kiệu, lừa phi nhanh ; tất cả đi vào một con đường nhỏ, một rào chắn mở ra, hai gã trai xuất hiện, và họ xuống ngựa trước chỗ để nước phân, ngay thềm cổng.
Mụ Liêba thấy bà chủ, chào hỏi vồn vã. Mụ dọn một bữa ăn có thịt bò, lá sách, dồi, thịt gà trộn, rượu táo sủi bọt, bánh nhân mứt và mận ngâm rượu, vừa dọn vừa đon đả thưa gửi với Bà chủ xem ra mạnh khỏe hơn, với cô chủ nay « đẹp tuyệt », với cậu Pôn đã « lớn tướng », không quên các cụ cố mà vợ chồng Liêba có biết, vì đã giúp việc gia đình từ mấy đời nay. Trại ấp, giống như họ, cũng có vẻ cũ kỹ. Xà nhà mọt, tường ám khói, gạch lát xám xỉn vì bụi. Một tủ gỗ sồi đựng bát đĩa chứa đủ loại vật dụng, bình đựng nước, đĩa, bát thiếc, bẫy chó sói, kéo xén lông cừu ; một ống tiêm to tướng làm bọn trẻ bật cười. Không một cây nào trong cả ba khoảnh sân không có nấm dưới gốc, hay tầm gửi trên cành. Gió đã làm đổ nhiều cây. Chúng mọc lại ở lưng chừng ; và cây nào cũng trĩu xuống vì sai quả. Các mái rạ, trong tựa nhung nâu và dày mỏng không đều, trụ được qua những cơn gió mạnh nhất. Thế nhưng nhà để xe đang đồ nát. Bà Ôbanh bảo là bà sẽ liệu, và sai thắng lại ngựa.
Phải nửa giờ nữa họ mới tới được Tơruvin. Nhóm người xuống ngựa đề vượt Êcorơ ; đó là một bờ dốc dựng xiên xiên, bên dưới là thuyền bè ; và mấy phút sau, đến đầu bến,họ vào sân quán Cừu vàng, nhà mụ Đavit.
Viêcgini, ngay những ngày đầu, đã thấy đỡ mệt, nhờ thay đổi không khí và tác dụng của tắm biển. Em mặc đồ lót mà tắm ; và chị ở mặc lại quần áo cho em trong túp nhà nhỏ của nhân viên thuế quan, nơi người đi tắm vẫn sử dụng.
Buổi chiều họ mang theo lừa, đi quá Đá Đen, về phía Henơcơvin. Con đường mới đầu lên dốc giữa những vật đất hình lòng chảo như bồn cỏ trong công viên, rồi dẫn đến một cao nguyên, nơi đồng cỏ xen kẽ ruộng cày. Ven đường, trong lùm mâm xôi, những cây ô rô vươn cao ; đây đó, nhánh cành của một cây to đã chết, vẽ những đường ngoằn nghèo lên nền trời xanh lơ.
Hầu như lần nào họ cũng nghỉ chân ở một cánh đồng, có Đôvin bên trái, Havrơ bên phải và trước mặt là biển cả. Biển rực nắng, phẳng như gương, êm ả đến mức chỉ thoáng nghe tiếng rì rầm ; những con chim sẻ nấp đâu đây ríu rít, và bầu trời bao la trùm lên tất cả. Bà Ôbanh ngồi khâu ; Viêcgini ở bên bà, tết những sợi cói ; Fêlixitê dãy hoa oải hương ; Pôn, thấy chán, muốn đi.
Có những lần họ đi thuyền qua sông Tuckơ, tìm vỏ sò ốc. Thủy triều rút làm phơi ra những con hải đởm, sứa ; và bọn trẻ chạy, đuổi bắt những cụm bọt gió cuốn đưa đi. Những con sóng uể oải, sa xuống cát, lượn dọc theo bờ ; bãi biển trải ra tít tắp, nhưng về phía đất liền, những đụn cát ngăn bãi với Đầm, cánh đồng cỏ rộng có hình thể trường đua ngựa. Khi họ về theo lối ấy Tơruvin, xa xa trên sườn đồi, cứ lớn dần theo mỗi bước chân đi, và với tất cả những ngôi nhà lô nhô không đều, như xòe nở trong vẻ lộn xộn vui tươi.
Những ngày nóng bức quá, họ không ra khỏi phòng. Ánh nắng chói lọi bên ngoài in những vệt sáng giữa các khe cửa chớp. Trong làng không tiếng động. Phía dưới, trên hè đường, không một bóng người. Sự tĩnh mịch tỏa lan làm tăng cái yên tĩnh của sự vật. Xa xa, tiếng búa của thợ xảm thuyền gõ vào lòng tàu, và một làn gió biển nặng nề đưa thoảng mùi hắc ín.
Thú tiêu khiển chính là cảnh thuyền về. Vượt qua cột tiêu, thuyền bắt đầu đi vát. Buồm hạ xuống hai phần ba cột ; và buồm mũi phồng căng như quả bóng, những con thuyền tiến lên, lướt trong tiếng sóng vỗ bập bềnh, cho đến giữa bến, nơi chúng đột ngột buông neo. Sau đó thuyền áp vào bờ. Thủy thủ ném qua mạn thuyền những con cá đang quẫy ; một dãy xe bò đợi cá, và những người đàn bà đội mũ trùm vải chạy lao ra xách các giỏ cá và ôm hôn chồng.
Một người trong bọn họ, một hôm, đến gần Fêlixitê, lát sau chị bước vào phòng, hết sức vui mừng. Fêlixitê đã gặp lại được một người chị, và Naxatađi Baret, có chồng là Lơru, xuất hiện, ẵm con thơ, tay phải dắt một con, còn bên trái là một chú thủy thủ nhỏ, tay chống mạnh, mũ đội lệch bên tai.
Chừng một khắc sau, bà Ôbanh cho họ về.
Gia đình gặp họ luôn luôn ở gần quanh bếp, hay trong lúc dạo chơi. Không thấy người chồng đâu.
Fêlixitê đem lòng mến họ. Chị mua cho họ chăn, áo sơ mi, một cái bếp lò ; hiển nhiên là họ lợi dụng chị. Sự yếu đuối này làm bà Ôbanh khó chịu, vả lại bà không ưa cách suồng sã của thằng cháu – vì nó cậu cậu tớ tớ với con trai bà ; – và bởi Viêcgini ho, trời không đẹp nữa, bà trở về Pông – Lêvêc.
Ông Bure góp ý với bà về việc chọn trường học. Trường ở Căng được coi là tốt hơn cả. Pôn được gửi vào đấy và dũng cảm từ biệt mọi người, hài lòng đến sống ở nơi sẽ có bạn bè,
Bà Ôbanh cam chịu cảnh xa con, vì điều ấy cần thiết. Viêcgini ngày một bớt nghĩ đến chuyện này. Fêlixitê nhớ cái ồn ào của Pôn. Nhưng có một việc làm chị nguôi khuây ; bắt đầu từ lễ Giáng sinh, ngày nào chị cũng đưa cô bé đi học giáo lý.
III
Sau khi nhún quỳ bên cửa, chị tiến bước dưới vòm cao giáo đường, giữa hai dãy ghế, đến mở ghế của bà Ôbanh, ngồi xuống và đưa mắt nhìn quanh.
Các em trai bên phải, em gái bên trái, ngồi chật các hàng ghế nơi bạn đồng ca ; cha xứ đứng gần giá để kinh ; trong một khuôn cửa kính hậu tẩm, Đức Thánh Thần ở cao bên trên Đức Mẹ đồng trinh ; một khuôn kính khác có hình Đức Mẹ quỳ trước Chúa con – Giêxu, và, sau khám thờ, một nhóm tượng gỗ tạc Thánh Misen quật ngã rồng.
Thoạt tiên linh mục giảng tóm lược Thánh Sử. Chị tưởng như nhìn thấy Thiên đường, nạn hồng thủy, tháp Baben, những thành phố bốc cháy, những dân tộc chết đi, những thần tượng bị lật đổ; và từ niềm kinh dị ấy, lưu lại trong chị lòng tôn kính Đức Tối cao và sự sợ hãi cơn giận của Người. Rồi chị khóc khi nghe thuyết giảng Khổ – nạn. Sao chúng lại đóng đanh câu rút Chúa. Người thương yêu con trẻ, nuôi nấng dân chúng, chữa sáng kẻ mù, và do lòng lành, muốn mình sinh ra giữa đám nghèo hèn, trên phân tro chuồng gia súc ? Gieo giống, gặt hái, ép nho, tất cả những điều quen thuộc mà Phúc âm nói tới, đều có trong cuộc sống của chị : Chúa đi qua khiến chúng thành thiêng liêng : và chị càng mến thương hơn những chú cừu non bởi lòng yêu Con Chiên, mến thương hơn những con bồ câu vì Đức Thánh Thần.
Chị khó tưởng tượng ra hình hài Đức Thánh Thần ; vì Người không chỉ là chim, mà còn là lửa, và nhiều lúc là hơi gió thoảng. Có lẽ chính ánh sáng Người đêm đêm bay lượn bên bờ đầm lầy, hơi thở Người xua mây bay, tiếng Người khiến chuông ngân em ái ; và chị ngồi đó trong niềm tôn sùng, vui hưởng khí mát của những bức tường và sự yên tĩnh của nhà thờ.
Còn tín điều thì chị không hiểu tí gì, cũng chẳng cố gắng đề hiểu. Cha xứ thuyết giảng, trẻ em đọc lại, cuối cùng chị thiu thiu ngủ và bừng tỉnh khi bọn trẻ ra và khua guốc loẹt quẹt trên sàn đá lát.
Thế là theo cách ấy, cứ nghe mãi mà chị học biết giáo lý, vì thuở bé chị ít được dạy dỗ phần đạo ; và từ đó chị bắt chước Viêcgini thực hiện mọi nghi thức, cũng ăn chay như em, xưng tội cùng với em. Ngày lễ Thánh thể hai người làm chung một ban thờ đón rước.
Lễ chịu Mình Thánh lần đầu khiến chị băn khoăn lo lắng từ trước. Chị bận rộn vì giày, vì chuỗi hạt, vì sách, vì bao tay. Chị run biết mấy khi giúp bà mẹ mặc quần áo cho em !
Suốt buổi lễ, chị bồn chồn hồi hộp. Ông Bure che mất một phía ban đồng ca nhưng ngay trước mặt, đoàn nữ đồng trinh đội vòng hoa trắng bên trên choàng mạng buông rủ,trông y như một cánh đồng tuyết ; và chị nhận ra từ xa cô bé thân thương ; vì cô em xinh hơn và dáng em trầm mặc. Chuông reo. Các mái đầu cúi thấp ; một lát yên lặng. Khi tiếng đại phong cầm vang lên, những người hát kinh và đám đồng ca bài Chúa Chiên ; rồi các em trai bắt đầu tiến theo hàng ; sau đó, các em gái đứng dậy. Từng bước thong thả, hai tay chắp lại, các em đến trước bàn thờ sáng choang, quỳ xuống bậc thứ nhất, lần lượt nhận bánh Thánh, rồi cũng theo trật tự ấy, trở về ghế nguyện. Đến lượt Viêcgini, Fêlixitê nghiêng mình để nhìn thấy em ; và với sức tưởng tượng có được nhờ lòng thương yêu thực sự, chị ngỡ chính mình là cô bé ấy : mặt em thành mặt chị, áo em khoác trên người chị, tim em đập trong ngực chị ; và lúc nhắm mắt, há miệng, chị xuýt lả đi.
Hôm sau, từ sáng sớm, chị đến kho đồ thánh, xin cha xứ cho chịu lễ. Chị chịu Mình Thánh rất sùng kính, nhưng không cảm thấy cũng những niềm hoan lạc ấy.
Bà Ôbanh muốn con gái thành người toàn vẹn ; và vì Guyô không bảo được cô tiếng Anh cũng như âm nhạc, bà quyết định gửi cô vào tu viện Uyêcxuylin ở Hôngflơ.
Cô bé chẳng thắc mắc nói năng gì. Fêlixitê thở dài, cho là bà chủ sắt đá. Rồi chị lại nghĩ có lẽ bà làm phải. Những ch.uyện ấy vượt quá tầm hiều biết của chị.
Thế rồi một hôm, một xe chở khách cũ kỹ dừng trước cửa ; và một bà nữ tu sĩ bước xuống, đến đón cô chủ đi. Fêlixitê đưa hành lý lên nóc xe, dặn dò bác xà ích, và để trong thùng xe sáu lọ mứt, hơn chục quả lê, cùng một bó hoa đồng thảo.
Viêcgini, phút cuối cùng, khóc nức lên ; cô ôm lấy mẹ, bà vừa hôn vào trán con vừa lặp đi lặp lại : « Nào! can đảm lên ! can đảm lên ! » Bậc đặt chân gấp lại, xe ra đi.
Bấy giờ bà Ôbanh thấy người mệt lả ; và buổi tối tất cả bạn bè, vợ chồng Loocmô, bà Lơsaptoa, mấy cái cô nhà Rosofơi, ông Hupơvin và Bure đều đến an ủi bà.
Vắng con gái, ban đầu bà rất đau khổ. Nhưng mỗi tuần ba lần bà nhận thư con, những ngày khác bà viết cho có, đi dạo trong vườn, đọc sách đôi chút, và bằng cách ấy, lấp khoảng trống thời gian.
Buổi sáng theo thói quen, Fêlixitê vào phòng Viêcgini, nhìn các bức tường. Chị buồn chán vì không còn được chải tóc cho cô, buộc dây giầy cho cô, vén mép nệm gi.ường cho cô, không còn được luôn luôn nhìn thấy gương mặt dễ thương của cô, không còn được dắt tay cô khi hai người cùng đi đâu. Ngồi rỗi, chị thử tập làm ren. Ngón tay chị quá thô nặng, làm đứt chỉ ; chị chẳng hiểu gì hết, chị mất ngủ, nói theo cách của chị, thì chị « hao mòn ».
Để « giải khuây », chị xin phép cho thằng cháu Vichto được lại chơi.
Vichto đến vào chủ nhật, sau buổi lễ sáng, hai má hồng hào, ngực trần, người đượm mùi thôn dã nơi chú đi qua. Lập tức chị dọn cho cháu ăn. Họ ngồi đối diện nhau ; và bản thân chị cố ăn thật ít để đỡ tốn kém, song lại nhồi cho cháu nhiều đến nỗi cuối cùng chú ta ngủ thiếp đi. Chuông báo lễ chầu chiều vừa điểm, chị đánh thức cháu, chải quần, thắt cà vạt cho cháu, rồi đi đến nhà thờ, tựa vào cánh tay cháu trong niềm kiêu hãnh của người mẹ.
Bố mẹ Vichto bao giờ cũng giao cho con bòn rút một thứ gì, một gói đường thô, xà phòng. rượu mạnh, đôi khi cả tiền nữa. Chú ta đem quần áo đến cho dì vá ; và Fêlixitê nhận công việc này, sung sướng có cơ hội buộc cháu trở lại.
Sang tháng tám, bố Vichto đi biển đường gần, đem con theo.
Dịp ấy vào kỳ nghỉ hè. Lũ trẻ về khiến Fêlixitê khuây khỏa. Nhưng Pôn đâm trái tính trái nết, và Viêcgini không còn ở lứa tuổi gọi được bằng em, thành thử có một sự ngượng ngùng vướng víu, một hàng rào ngăn cách giữa hai người.
Vichto lần lượt đi Moocle, Đoongkec và Braitân ; chuyến nào về, chú cũng tặng quà Fêlixitê. Lần thứ nhất, một cái hộp bằng vỏ trai ốc ; lần thứ hai, một tách uống cà phê ; lần thứ ba, một bánh ngọt to hình người. Chú đẹp ra, vóc dáng cân đối, có tí ria mép, đôi mắt trung thực và một chiếc mũ nhỏ bằng da, đội hất ra phía sau như một hoa tiêu. Chú kể chuyện, xen lẫn từ ngữ của dân đi biển, làm Fêlixitê vui.
Một ngày thứ hai, 11 tháng Bảy năm 1819 ( chị không quên ngày tháng ) Vichto báo tin người ta thuê chú đi viễn dương, và tối ngày kia, chú sẽ đáp thương thuyền ở Hôngflơ để đến tàu của chú, sắp rời bến Havrơ này mai. Có thể chú sẽ đi hai năm.
Nghĩ tới chuyện xa vắng đến như thế, Fêlixitê sầu não ; và để chia tay cháu một lần nữa, tối thứ tư, hầu xong bữa ăn chiều cho bà chủ, chị xỏ guốc, làm một mạch bốn dặm đường từ Pông – Lêvêc tới Hôngflơ.
Đến trước cây thập tự, lẽ ra rẽ trái, chị lại rẽ sang phải, lạc trong các xưởng đóng tàu, quay trở lại ; những người chị hỏi thăm giục chị nhanh chân lên. Chị đi vòng quanh vũng tàu đậu chật ních thuyền bè, vấp phải các giây cột thuyền ; rồi vạt đất dốc xuống, các luồng ánh sáng giao nhau, và chị ngỡ mình điên, khi nhìn thấy những con ngựa lơ lửng trên trời.
Ở đầu bến, những con khác hí lên, khiếp sợ trước biển. Một trục ròng rọc nhấc bổng chúng, đưa xuống tàu, nơi hành khách chen chúc giữa những thùng rượu táo, những giỏ pho mát, những bao lúa ; có tiếng gà gáy, thuyền trưởng chửi rủa ; và một chú thủy thủ nhỏ vẫn đứng tỳ tay vào thanh sắt treo xuống, thờ ơ với tất cả những điều đó. Không nhận ra chú, Fêlixitê hét gọi « Vichto ! » Chú ngửng đầu ; chị lao tới, vừa lúc ấy người ta đột ngột rút thang lên.
Thuyền do những người đàn bà vừa hát vừa kéo, rời bến cảng. Sườn thuyền kêu răng rắc, những đợt sóng nặng nề đập vào mũi thuyền. Buồm đã xoay hướng, không nhìn thấy ai nữa ; và trên mặt biển lóng lánh bạc dưới ánh trăng, thuyền như một chấm đen mờ dần, chìm đi, mất hút.
Fêlixitê, đi ngang bên Cây Thập tự, muốn nhờ Chúa che chở những gì mình yêu quý nhất ; và chị đứng đó, cầu nguyện rất lâu, mặt đầm đìa nước mắt, ngước nhìn những đám mây. Thành phố ngủ yên, những nhân viên thuế quan đi đi lại lại ; nước tuôn không ngớt qua cửa cống, ào ào như thác đổ. Đồng hồ điểm hai giờ khuya.
Phòng tiếp khách của tu viện sáng ra mới mở cửa. Và chậm, chắc chắn bà chủ không bằng lòng ; và mặc dù khao khát được ôm hôn em bé kia, chị vẫn quay về. Các cô hầu ở quán trọ thức dậy, lúc chị vào đến Pông – Lêvêc.
Thằng bé tội nghiệp sẽ ròng rã bao tháng trời lênh đênh sóng nước ! Những chuyến đi trước của nó không làm chị hoảng sợ. Từ nước Anh và từ miền Brơtanhơ, người ta vẫn trở về ; nhưng châu Mỹ, Thuộc địa, các Đảo, những cái ấy ở tít tắp nơi nào vô định, mãi đầu bên kia thế giới.
Từ đấy, Fêlixitê chỉ nghĩ đến cháu mà thôi. Những ngày nắng, chị băn khoăn lo cháu khát ; khi trời nổ giông tố, chị sợ sét đánh nó. Nghe gió rít trong ống khói và tốc đá lợp nhà, chị thấy cháu bị chính cơn bão ấy vùi dập, trên đỉnh cột buồm gẫy nát, toàn thân lả ra phía sau, dưới lớp bọt ngầu ; hoặc là, – hồi ức về quyển địa lý bằng tranh, – chú bị những kẻ man rợ ăn thịt, bị khỉ bắt trong rừng, hấp hối trên bãi biển hoang vu. Và chẳng bao giờ chị nói ra những điều chị lo sợ.
Bà Ôbanh lại có những mối lo khác về con gái.
Các bà phước thấy cô giàu tình cảm, song yếu ớt. Chỉ hơi xúc động một chút là thần kinh cô căng thẳng, Phải thôi tập đàn dương cầm.
Bà mẹ đòi tu viện có thư từ quy định đúng ngày. Một buổi sáng, người đưa thư không đến, bà nóng ruột ; và bà đi đi lại lại trong phòng, từ ghế bành đến cửa sổ. Kỳ lạ thật đấy ! bốn hôm rồi, không tin tức !
Để bà chủ theo gương mình mà tự an ủi, Fêlixitê bảo :
– Cháu ấy, bà ạ, đã sáu tháng nay cháu chẳng nhận được tin gì...
– Của ai cơ ?
Chị người ở dịu dàng đáp lại :
– Kìa... của thằng bé cháu mà !
– À ! Cháu chị !
Và bà Ôbanh nhún vai, tiếp tục đi lại, điều này có nghĩa : « Ta không nghĩ đến điều ấy !... Vả lại, ta cần quái gì một thằng bé thủy thủ, một gã đói rách, to chuyện gớm !... đằng này con gái ta... Nghĩ mà xem ...,»
Fêlixitê, mặc dù quen bị xử tệ, vẫn bực với bà chủ, sau đó quên đi.
Chị thấy mất bình tĩnh vì cô bé, cũng dễ hiểu thôi.
Hai em có tầm quan trọng ngang nhau ; mối dây liên hệ của lòng chị nối liền chúng, và số phận chúng ắt phải như nhau.
Ông dược sĩ cho chị biết là tàu của Vichto đã tới La Havan. Ông đọc tin này trên báo.
Vì những điếu xì gà, chị cứ tưởng tượng La Havan là một xứ sở ở đó mọi người chỉ làm mỗi một việc là hút thuốc, và Vichto đi lại giữa những người da đen, trong đám mây khói thuốc. Liệu « gặp khi có việc cần », người ta có quay về bằng đường bộ được không nhỉ ? Chỗ ấy cách Pông – Lêvêc bao xa ? Để biết điều này, chị hỏi Bure.
Ông ta với lấy tập bản đồ, bắt đầu giảng về kinh tuyến ; và nở một nụ cười rất là học giả trước sự hoang mang ngơ ngác của Fêlixitê. Cuối cùng, ông cầm bút chì, chỉ vào một chấm đen bé tí tẹo bên trong đường viền của một vệt hình bầu dục, nói thêm « Đây ». Chị cúi xuống bản đồ ; những đường nét nhiều màu chằng chịt làm chị mỏi mắt, mà chẳng hiểu gì ; và khi Bure bảo chị có gì băn khoăn cứ nói, chị xin ông chỉ cho chị ngôi nhà Vichto đang ở. Bure giơ hai tay lên trời, ông ta bắt hơi, cười ầm ĩ ; một sự ngây thơ mộc mạc đến thế làm ông khoái chí ; còn Fêlixitê chẳng hiểu vì sao ông lại cười, dễ thường chị tưởng nhìn được cả hình dạng cháu, bởi trí tuệ chị quá ư hạn hẹp !
Sau hôm ấy được nửa tháng thì Liêba, vào buổi chợ như thường lệ, bước vào bếp, đưa cho chị bức thư của anh rể. Cả hai người chẳng ai biết đọc, chị bèn nhờ bà chủ.
Bà Ôbanh ngồi đếm mũi trên chiếc áo đang đan, đặt áo xuống bên cạnh, bóc thư, giật mình, và nói khe khẽ, mắt nhìn sâu lắng :
– Đây là tin buồn... họ báo cho chị. Cháu chị... Nó đã chết. Họ không nói gì thêm.
Fêlixitê ngã xuống ghế, tựa đầu vào vách, khép đôi mí bỗng đỏ lên. Rồi mặt cúi xuống, hai tay buông thõng, mắt đăm đắm, chốc chốc chị lại nói :
– Tội nghiệp thằng bé ! Tội nghiệp thằng bé !
Liêba vừa nhìn chị vừa thở dài sườn sượt. Bà Ôbanh hơi run run.
Bà bảo Fêlixitê đến thăm người chị ở Tơruvin.
Fêlixitê ra hiệu là chị không cần.
Một lát yên lặng. Lão Liêba thấy đến lúc nên cáo từ.
Bấy giờ chị bảo :
– Họ thì họ có sao đâu !
Đầu chị lại gục xuống ; và thỉnh thoảng, chị nhấc nhấc những chiếc kim dài trên bàn lên một cách máy móc.
Những người đàn bà đi qua sân, khiêng rổ quần áo ướt, nước nhỏ giọt
Nhìn thấy họ qua khuôn cửa kính, chị nhớ tới quần áo giặt ; hôm qua đã nấu, hôm nay phải rũ ; và chị ra
khỏi phòng.
Ván giặt và thùng nấu của chị ở ven dòng Tuckơ. Chị ném xuống bờ sông một đống sơ mi, xắn tay áo, cầm lấy bàn đập ; và những tiếng đập mạnh mẽ vang vọng sang các khu vườn lân cận. Đồng cỏ vắng vẻ không người, gió gợn mặt sông ; dưới dáy, những lùm cỏ cao rủ xuống như tóc người chết trôi dập dờn trong nước. Chị nén nỗi đau ; cho đến tối vẫn rất can đảm ; nhưng khi ở phòng riêng, chị buông thả nỗi niềm, nằm sấp trên gi.ường, mặt vùi trong gối, hai nắm tay day hai thái dương.
Sau đó rất lâu, nhờ chính ông thuyền trưởng của Vichto ; chị được biết chú mất trong hoàn cảnh nào. Họ đã trích của chú quá nhiều máu, ở nhà thương, vì bệnh hoàng đản. Bốn thầy thuốc giữ lấy chú. Chú chết ngay tức khắc và bác sĩ trưởng bảo :
– Thế ! lại một gã nữa !
Bố mẹ Vichto trước nay vẫn đối xử tàn nhẫn với chú. Fêlixitê thấy không gặp lại họ là hơn ; còn họ cũng chẳng ngỏ lời trước, vì quên, hay vì sự vô tình chai đá của kẻ khốn cùng.
Viêcgini yếu đi.
Tức thở, ho, sốt liên miên và những vệt ở gò má phát lộ một căn bệnh âm thầm nào đó. Ông Pupa khuyên nên đi nghỉ ở Prôvăngxơ. Bà Ôbanh định làm như vậy, và lẽ ra đã đón ngay con về nhà, nếu không ngại khí hậu Pông – Lêvêc.
Bà thu xếp với một người cho thuê xe ngựa, thứ ba nào cũng chở bà đến tu viện. Trong vườn có một vạt sân cao, từ đó nhìn thấy được sông Xen. Viêcgini khoác tay mẹ đi dạo, trên những lá nho rụng. Đôi khi ánh mặt trời xuyên qua mây làm cô phải nhíu mắt, khi nhìn những cánh buồm xa xa và toàn bộ phía chân trời, từ lâu đài Tăngcacvin đến những ngọn hải đăng ở bến Havrơ. Rồi hai mẹ con ngồi nghỉ dưới vòm cây. Bà mẹ có mua một thùng nhỏ vang Malaga tuyệt ngon ; và ý nghĩ mình say rượu khiến cô cười, cô uống một đôi chút, không hơn.
Sức khỏe cô trở lại. Mùa thu trôi qua êm ả. Fêlixitê khuyên bà Ôbanh yên tâm. Nhưng một tối, có việc đi gần quanh đó, trở về chị thấy xe ông Pupa đỗ trước đây cửa ; còn ông ở trong tiền sảnh. Bà Ôbanh đang buộc dây mũ.
– Cho tôi cái lồng ấp, túi tiền, bao tay ; nhanh nhanh lên nào !
Viêcgini bị viêm phổi ; có lẽ nguy mất.
– Chưa đâu ! ông thầy thuốc nói ; rồi hai người lên xe, dưới những bông tuyết quay cuồng. Đêm sắp xuống. Trời rất rét.
Fêlixitê lao đến nhà thờ, thắp một cây nến. Rồi chị chạy theo xe ngựa, một giờ sau thì đuổi kịp, lẹ làng nhảy lên phía sau, bám lấy thành xe, chợt chị nghĩ : « Cổng sân chưa đóng ! nhỡ trộm vào thì sao ? ». Và chị tụt xuống.
Hôm sau, mới tinh mơ, chị đã đến nhà bác sĩ. Ông ta về rồi, song lại đi xuống miền quê. Chị cứ ở quán, ngỡ rằng ai đó sẽ mang thư tới. Rồi, sáng ra, chị lên chuyển xe chở khách Lidiơ.
Tu viện ở cuối một phố hẻm mà dốc. Đến giữa phố, chị nghe thấy những âm thanh lạ lùng, tiếng chuông báo người qua đời. « Cho ai khác đấy », Fêlixitê nghĩ ; và chị giật mạnh vồ gõ cửa.
Giây lâu, có tiếng dép lệt xệt, cánh cổng hé mở, một nữ tu sĩ bước ra.
Bà phước nói với vẻ trịnh trọng rằng « cô ấy vừa mất ». Cùng lúc đó, tiếng chuông nguyện Thánh Lêôna lại vang lên dồn dập.
Fêlixitê lên đến tầng hai.
Từ bực cửa nhìn vào, chị đã thấy Viêcgini nằm ngửa, hai tay chắp, miệng mở, đầu ngả ra phía sau, dưới một cây thập tự đen nghiêng xuống cô. Ở dưới chân gi.ường, ôm lấy gi.ường, bà Ôbanh nấc nghẹn như người hấp hối. Bà tu viện trưởng đứng ở bên phải. Ba cây đèn sáp trên tủ làm thành những vệt đỏ, và sương mù tỏa trắng khung cửa sổ. Các nữ tu sĩ đem bà Ôbanh đi.
Hai đêm liền, Fêlixitê không rời người đã khuất. Chị đọc đi đọc lại những bài nguyện, rảy nước thánh lên vải niệm, rồi quay về ghế ngồi, ngắm cô. Hết đêm đầu, chị nhận thấy gương mặt vàng ra, đôi môi tím đi, mũi thót lại, mắt trũng xuống. Chị hôn bao nhiêu lần lên cặp mắt ấy, và chắc chẳng ngạc nhiên nhiều lắm nếu như Viêcgini lại mở mắt ; với những tâm hồn như chị, cái phi thường siêu nhiên là chuyện rất bình thường. Chị sửa sang cho Viêcgini, liệm cô, đặt cô vào áo quan, đội cho cô một vòng hoa, buông xõa tóc cô. Tóc Viêcgini hung vàng, dài lạ lùng so với tuổi. Fêlixitê cắt lấy một lọn to, dấu một nửa trong ngực áo, quyết không bao giờ nhường cho ai.
Thi hài được đưa về Pông - Lêvêc, theo ý bà Ôbanh, bà ngồi trên xe đóng kín, theo sau xe tang.
Sau lễ cầu hồn, phải đi gần một giờ nữa mới tới nghĩa trang. Pôn dẫn đầu, và khóc nức nở. Ông Bure theo sau, rồi đến những người chủ chốt trong vùng, những người đàn bà trùm khăn đen, và Fêlixitê. Chị nghĩ đến thằng cháu, và bởi không lo được tang lễ như thế này cho nó, cảm thấy nỗi buồn tăng thêm, như thể người ta đem chôn nó cùng với đứa kia.
Nỗi tuyệt vọng của bà Ôbanh thật không bờ bến.
Mới đầu bà công phẫn với Chúa, thấy Chúa lấy đi của bà con gái là bất công – bà xưa nay không hề làm điều gì xấu, lương tâm thật trong sạch ! Nhưng không ! lẽ ra bà phải đem con đến miền Nam. Những bác sĩ khác lẽ ra đã cứu được nó ! Bà tự buộc tội mình, muốn đi theo con, kêu lên đau đớn trong khi ngủ mê. Đặc biệt có một giấc mơ cứ ám ảnh bà. Chồng bà, ăn mặc như thủy thủ, trở về sau chuyến viễn du, vừa khóc vừa bảo bà rằng ông được lệnh phải đem Viêcgini đi. Thế là họ bàn bạc với nhau tìm chỗ nào đó giấu con.
Một lần, bà từ vườn vào, hoảng loạn. Vừa rồi (bà chỉ chỗ ấy) hai bố con hiện ra với bà, người nọ đứng cạnh người kia, và họ không làm gì cả; họ nhìn bà.
Ròng rã nhiều tháng trời, bà ở lì trong phòng. Fêlixitê khuyên răn bà nhẹ nhàng ; phải gìn giữ lấy mình vì con trai, vì ai kia nữa, để tưởng nhớ « em ».
« Em » bà Ôbanh nhắc lại, như sực tỉnh. « À ! phải rồi !.. phải rồi !... Chị không quên nó ! » Ý nói tới nghĩa trang, nơi người ta cấm ngặt bà.
Fêlixitê ngày nào cũng đến đấy.
Vào bốn giờ đúng, chị đi ven các ngôi nhà, leo dốc, mở tấm rào chắn, đến trước mộ Viêcgini. Đó là một cây trụ nhỏ bằng cẩm thạch hồng, bên dưới có một phiến đá, xung quanh là những chuỗi dây quây lấy một mảnh vườn con. Hoa phủ kín các luống. Fêlixitê tưới cây, thay cát, quỳ xuống để xới đất cho tơi. Nhờ thế mà bà Ôbanh, khi đã ra được nơi đây, cũng cảm thấy nhẹ lòng, như được an ủi.
Rồi năm tháng trôi qua, giống y như nhau, chẳng có chuyện gì đáng nhớ ngoài những dịp lễ lớn : Phục sinh, Thăng thiên, Lễ thánh. Những sự kiện trong nhà thành những mốc quan trọng, sau này mọi người hay nhắc nhở. Như năm 1825, hai người thợ lắp kính đã sơn lại tiền sảnh ; năm 1827, một mảng mái nhà rớt xuống sàn, xuýt làm chết người. Mùa hè năm 1828, đến lượt bà chủ dâng cúng bánh thánh ; vào dạo ấy, Bure đi đâu vắng một cách bí ẩn ; và những người quen cũ dần dần ra đi : Guyô, Liêba, bà Lơsaploa, Rôbơlanh, ông chú Grêmăng vẫn từ lâu bị liệt.
Một tối, bác đánh xe thư báo tin ở Pông - Lêvêc về cuộc Cách mạng tháng Bảy. Ít ngày sau, khu trưởng mới được bổ nhiệm : nam tước Đơ Lacxonnie, cựu lãnh sự bên châu Mỹ, gia đình ngoài bà vợ còn cô em và ba tiểu thư, đều khá lớn cả. Người ta nhìn thấy các bà các cô trên thảm cỏ trong vườn, mặc áo khoác rộng lồng phông : họ có một gã hầu da đen và một con vẹt. Họ đến thăm bà Ôbanh, bà không quên đáp lễ. Nhìn thấy họ từ xa, Felixitê đã chạy về báo với bà. Những chỉ một điều duy nhất làm được cho bà xúc động, đó là thư từ của con trai.
Pôn chẳng theo đuổi học nghề gì, vì mải mê nơi tửu quán. Bà trả nợ cho con,cậu lại mang công mắc nợ tiếp ; và những tiếng thở dài bà Ôbanh trút ra khi ngồi đan bên của sổ thoảng đến tai Fêlixitê đang quay sợi trong bếp.
Hai người cùng đi dạo dọc rặng cây ven tường, bao giờ cũng trò chuyện về Viêcgini, hỏi nhau điều gì làm cô thích, vào dịp ấy dịp nọ liệu cô sẽ nói ra sao.
Mọi đồ dùng riêng của cô để trong một tủ nhỏ, ở gian phòng có kê hai chiếc gi.ường. Bà Ôbanh hết sức tránh xem xét những thứ này. Một ngày hè, bà dằn lòng làm việc ấy ; và những con ngài từ trong tủ bay ra.
Áo của cô xếp ngay ngắn bên dưới một tấm ván có ba con búp bê, những chiếc vòng, một bộ đồ chơi nội trợ, cái thau cô vẫn dùng. Họ lôi ra cả váy ngắn, tất, khăn tay, trải lên hai chiếc gi.ường, trước khi gấp lại. Ánh nắng chiếu vào những đồ vật tội nghiệp, soi rõ các vết ố, các nếp hằn do động tác của cơ thể. Bầu trời xanh lơ ấm áp, một con sáo líu lo, vạn vật như sống trong niềm êm dịu sâu lắng. Họ tìm thấy một cái mũ nhỏ bằng vải nhung tuyết dài, màu hạt dẻ, nhưng đã bị nhậy cắn lỗ chỗ. Fêlixitê đòi cho riêng mình cái mũ ấy. Họ nhìn nhau đăm đắm, nước mắt rưng rưng ; cuối cùng bà chủ dang tay ra, chị ở lao tới ; và họ xiết chặt lấy nhau, thỏa nỗi đau trong một cái hôn khiến họ thành bình đẳng.
Đấy là lần đầu tiên trong đời họ, bà Ôbanh không phải người cởi mở. Fêlixitê biết ơn bà về chuyện này như về một ân huệ, và từ đó yêu quý bà với lòng tận tụy của cầm thú và niềm sùng kính có tính tôn giáo.
Tấm lòng nhân hậu nơi chị rộng mở.
Mỗi khi nghe tiếng trống của một binh đoàn hành quân, chị ra đứng bên cổng, mang theo bình rượu táo, mời những người lính uống. Chị chăm nom bệnh nhân dịch tả. Chị che chở các người Balan ; có cả một người tuyên bố muốn lấy chị. Nhưng họ giận nhau ; vì một buổi sáng, đi lễ về, chị thấy anh ta ở trong bếp, anh tự vào đó, làm lấy món xốt dấm và đang ăn rất thản nhiên.
Sau những người Balan, là lão Conmisơ, một ông già nghe đồn đã làm những chuyện ghê gớm năm 93. Ông cụ ở ven sông, trong một chuồng lợn đổ nát. Bọn trẻ con nhìn ông qua khe tường, và ném sỏi vào cái gi.ường tồi tàn, nơi ông nằm sóng sượt, lúc nào cũng ho rũ rượi ; tóc ông dài, mi mắt sưng húp, cánh tay có một khối u to hơn đầu người. Fêlixitê kiếm quần áo cho ông, cố dọn dẹp túp lều bẩn thỉu lụp xụp của ông, ngẫm nghĩ đến chuyện đem ông về ở trong lò bánh, mà không làm phiền bà chủ. Khi chỗ ung vỡ ra, ngày nào chị cũng đến băng bó, thỉnh thoảng mang cho ông cái bánh, đưa ông ra ngoài nắng, đặt ngồi trên một bó rơm ; và ông lão khốn khổ, vừa rỏ rớt dãi vừa run lẩy bẩy, phều phào cám ơn chị, sợ mất chị, hễ thấy chị đi là giơ hai bàn tay ra. Ông lão chết ; chị đặt một lễ cầu cho linh hồn ông được siêu thoát.
Hôm ấy, một hạnh phúc lớn đến với chị : vào lúc ăn chiều, gã hầu da đen của bà Đơ Lacxonnie đến, mang theo con vẹt trong lòng, cùng cây gậy, giây xích và khóa. Một bức thư của bà nam tước báo với bà Ôbanh là chồng bà được thăng đứng đầu một quận, tối nay họ lên đường ; và để kỷ niệm, để tỏ lòng trân trọng, bà xin bà Ôbanh nhận cho con chim.
Từ lâu đầu óc Fêlixitê vương vấn với con chim này, bởi nó đến từ châu Mỹ, và cái tên ấy gợi nhớ Vichto, đến mức chị đã hỏi han anh hầu da đen về nó. Thậm chí có lần chị bảo; « Bà chủ tôi mà có được nó chắc sẽ thích lắm ! ».
Anh da đen nói lại điều ấy với chủ mình, bà này, không đem theo được con vẹt, đã rũ bỏ nó theo cách trên.
IV
Nó tên là Lulu. Mình nó xanh lục, đầu cánh màu hồng, trán xanh lơ, còn ức vàng óng.
Nhưng nó có cái thói thật khó chịu là cắn cây gậy, rứt lông, bậy bạ lung tung, làm vương vãi nước trong cóng tắm ; bà Ôbanh, thấy nó quấy rầy, cho hẳn Fêlixitê.
Chị bắt đầu dạy nó, chẳng bao lâu nó lặp lại. « Cậu bé dễ thương ! Xin hầu ngài ! Kính mừng Mari ! ». Chị để nó gần cửa, và rất nhiều người ngạc nhiên sao gọi Giắccô nó lại không thưa, bởi mọi con vẹt đều tên là Giăccô. Họ ví nó với gà tồ, với khúc gỗ : cứ như dao đâm vào lòng Fêlixitê ! Cái ương bướng của Lulu mới thật lạ lùng, hễ có ai nhìn là nó không nói nữa !
Tuy nhiên nó thích gần người ; vì ngày chủ nhật, khi mấy cái cô nhà Rôsơfơi, ông Đơ Hupơvin và những khách quen mới : dược sĩ Ôngfroa, ông Varanh và thuyền trưởng Machiơ, đến đánh bài, nó đập cánh vào cửa kính, và lồng lộn dữ đội đến mức mọi người không nghe được nhau nói gì.
Gương mặt Bure chắc hẳn rất ngộ nghĩnh đối với nó. Cứ trông thấy ông ta là nó cười, cười lấy cười để. Tiếng cười của nó dội lên trong sân, âm vang vọng lại, láng giềng đứng bên cửa sổ, cũng cười ; và để cho con vẹt khỏi thấy mình, ông Bure đi men bờ tường, lấy mũ che mặt, đến được con sông, rồi vào qua lối cổng vườn ; và cách ông nhìn con vẹt thiếu hẳn niềm thân ái.
Lulu đã bị anh hàng thịt búng cho một cái, vì dám thò đầu vào giỏ của anh ta ; và từ đấy nó luôn luôn tìm cách mổ anh qua áo sơ mi. Fabuy dọa vặn cổ nó, mặc dù anh không ác, bất kể hình xăm trên cánh tay và bộ râu quai nón rậm rì. Ngược lại là khác ! anh ta khoái con vẹt thì đúng hơn, thành thử do vui tính, anh toan dạy nó chửi. Những cung cách ấy làm Fêlixitê phát hoảng, chị để nó ở trong bếp. Dây xích được cởi ra, và nó đi lại rong nhà.
Khi xuống cầu thang, nó tỳ chỗ mỏ cong xuống bậc giơ chân phải lên, rồi đến chân trái ; và chị sợ cách tập tành như vậy làm nó chóng mặt. Nó ốm, không nói được không ăn được. Dưới lưỡi nó cộm lên, những con gà đôi khi cũng bị như vậy. Chị lấy móng tay nậy cái vẩy ra, thế là nó khỏi. Một hôm, cậu Pôn dại dột thở khói xì gà vào lỗ mũi nó ; lần khác, bà Loocmô lấy đầu chiếc dù trêu nó, nó đớp luôn cái vòng sắt ở mũi dù ; cuối cùng, nó bị lạc.
Fêlixitê đặt nó trên cỏ cho nó hóng mát, chạy đi một nhoáng, và khi quay lại, chị chẳng thấy vẹt đâu ! Mới đầu chị tìm trong các bụi cây, ở ven sông, trên mái nhà. không nghe bà chủ đang kêu : « Cẩn thận chứ ! chị điên đấy ư ? ». Rồi chị sục sạo mọi khu vườn ở Pông – Lêvếc ; và chị giữ những người qua đường lại : « Bác có nhìn thấy con vẹt của tôi đâu không ? ». Với những ai không biết con vẹt, chị miêu tả nó. Bỗng chị ngỡ như phía dưới dốc, đằng sau các cối xay gió, một vật gì xanh xanh đang bay. Nhưng đến đầu dốc, chẳng thấy gì ! Một người bán hàng rong khẳng định với chị là vừa mới gặp nó, ở Xanh - Mêlen, trong cửa hiệu của mụ Ximông. Chị chạy đến đấy. Mọi người không hiểu chị định nói gì. Cuối cùng chị quay về, mệt rã rời, dép rách tả tơi, lòng tan nát ; và ngồi giữa ghế dài, bên Bà chủ, chị đang kể lại chuyện tìm kiếm nó ra sao, thì một vật gì khẽ rơi xuống vai chị : Lulu ! Nó đã làm những trò gì vậy ? Có lẽ nó đã dạo chơi quanh đấy !
Chị hồi phục chật vật sau chuyện này, hay nói đúng hơn, không bao giờ hồi phục.
Sau một lần cảm lạnh, chị viêm họng ; ít lâu nữa, bị đau tai. Ba năm sau, chị điếc ; và chị nói rất to, ngay cả trong nhà thờ. Mặc dù tội lỗi chị phạm có thể lan truyền khắp xứ đạo mà chẳng phương hại gì đến thanh danh chị, cũng không ảnh hưởng tới ai, song cha xứ thấy chỉ nên nghe chị xưng tội trong kho đồ thánh.
Tai ù, tưởng như nghe tiếng ong ong, khiến chị càng hoang mang. Bà chủ thường bảo chị: « Lạy chúa ! sao chị ngốc thế ! » chị vừa đáp : « Vâng thưa bà », vừa tìm cái gì quanh quất bên mình.
Phạm vi bé nhỏ các ý tưởng của chị càng thu hẹp lại, và tiếng chuông reo, tiếng bò rống, không tồn tại nữa. Vạn vật hoạt động trong sự lặng lờ của các bóng ma. Giờ đây chỉ một tiếng động duy nhất đến được tai chị, tiếng của con vẹt.
Như để giải khuây cho chị, nó nhại lại tiếng tích tắc của cái xiên quay thịt, giọng rao lanh lảnh của một người bán cá, tiếng cưa của bác thợ mộc đằng trước nhà, và hễ nghe chuông reo là nó bắt chước bà Ôbanh : « Fêlixitê ! mở cửa ! mở cửa ! »
Chị và nó trò chuyện, nó thì thỏa sức tuôn ra ba câu trong mục lục của nó, còn chị đáp lại bằng những lời lẽ cũng không đầu không cuối, nhưng qua đấy chị cởi mở nỗi lòng. Trong cảnh cô đơn quạnh quẽ của chị, Lulu gần như một đứa con, một người yêu. Nó leo trên những ngón tay chị, mổ mổ vào môi chị, bám lấy khăn choàng của chị ; và bởi chị cúi mặt, lúc lắc đầu như người vú ru em, đôi cánh của mũ trùm và đôi cánh chim cùng rung rinh.
Những lúc mây ùn, sấm động, nó kêu lên, có lẽ nhớ lại những trận mưa rào nơi rừng rú quê hương. Nước tuôn trào kích thích cơn cuồng loạn của nó ; nó bay chuyền cuống quýt, vút lên trần nhà, làm đổ mọi thứ, và băng qua cửa sổ ra lội ngoài vườn ; nhưng lại trở vào ngay, đậu trên một giá để củi, và nhảy nhót cho khô lông, phô ra khi thì bộ đuôi, khi thì cái mỏ.
Một buổi sáng của mùa đông kinh khủng năm 1837, Fêlixitê đặt nó trước lò sưởi, vì trời rét, và chị thấy nó chết, ở giữa lồng, đầu chúc xuống, còn móng móc vào các sợi dây thép. Một cơn sưng huyết đã giết nó, hẳn thế ? Fêlixitê cho rằng nó bị đầu độc bằng rau mùi ; và mặc dầu chẳng có chứng cứ gì, chị cứ nghi Fabuy.
Chị khóc đến nỗi bà chủ bảo chị : « Này !chị đem nhồi rơm nó đi ! ».
Chị hỏi ý kiến ông dược sĩ xưa nay vẫn tốt với con vẹt.
Ông viết thư đi Havrơ. Một ông Felasê nào đó nhận làm việc ấy. Nhưng vì xe chở khách đôi khi để thất lạc các gói hàng, chị quyết định tự đem nó đến Hôngflơ.
Những cây táo trụi lá nối tiếp nhau ven đường. Băng phủ kín mương rãnh. Chó sủa quanh các trang trại ; và tay ủ dưới áo choàng, dận đôi guốc đen, khoác làn, chị đi phăm phăm, ở giữa đường.
Chị qua rừng, vượt Cây Sồi cao, đến Xanh – Gachiêng.
Đằng sau chị, trong đám bụi mù, theo đà dốc, một xe thư phi nước đại lao ào ào như gió cuốn. Nhìn thấy người đàn bà cứ điềm nhiên như không, bác đánh xe vươn người qua mui, còn anh giữ ngựa cũng hét lên, trong lúc bốn con ngựa mà anh không h.ãm nổi vẫn phóng riết ; hai con đi đầu lướt sát người Fêlixitê, anh ta giật cương, ngoặt chúng sang lề đường, nhưng giận dữ giơ tay và sẵn chiếc roi ngựa to, quất một cái thật mạnh suốt từ bụng đến búi tóc làm Fêlixitê ngã ngửa.
Cử chỉ đầu tiên của chị, khi tỉnh lại, là mở làn ra. May thay, Lulu không việc gì. Chị thấy rát ở má bên phải, đưa tay lên má thấy tay đỏ. Máu chảy.
Chị ngồi lên một đống sỏi, lấy khăn thấm mặt cho cầm máu, rồi chị ăn một mẩu bánh mì đã phòng xa mang theo trong làn, và nhìn con vẹt mà tự an ủi về vết thương.
Đến đỉnh Eecơmôvin, chị thấy những đốm sáng ở Hôngflơ lấp lánh trong đêm như vô số vì sao ; biển ở phía xa hơn, trải ra mờ mờ. Thế là một cơn suy nhược buộc chị dừng chân ; và nỗi khốn khổ của thời thơ ấu, niềm thất vọng của mối tình đầu, sự ra đi của đứa cháu, cái chết của Viêcgini, như những đợt sóng triều, ào trở lại cùng một lúc, dâng lên ngực chị, làm chị nghẹn ngào.
Rồi chị muốn nói chuyện với thuyền trưởng ; và dặn dò ông mà không bảo là mình gửi đi cái gì.
Felasê giữ con vẹt rất lâu – Lần nào ông ta cũng hứa tuần tới ; sau sáu tháng, ông ta báo tin đã gửi đi một cái thùng ; rồi chẳng nghe nói gì nữa. Cứ như thế Lulu sẽ không bao giờ trở lại. Chị nghĩ « Họ ăn cắp nó của mình mất thôi ! »
Cuối cùng nó về đến nơi, – và đẹp lộng lẫy, đứng thẳng trên một cành cây được vặn chặt vào đế bằng gỗ đào hoa tâm, một chân giơ lên, đầu nghiêng nghiêng, đang mổ một trái hồ đào mà người thợ nhồi chim ưa long trọng, đã thếp vàng.
Fêlixitê cất nó trong phòng mình.
Nơi đây chị ít cho ai lui tới, vừa giống đền thờ, vừa giống ngôi hàng bách hóa, bởi chứa nhiều đồ vật thiêng liêng và nhiều thứ linh tinh.
Một tủ áo lớn khiến cửa mở ra bị vướng. Đối diện cửa sổ phía bên trên vườn là một khuôn cửa tròn trông ra sân ; cạnh gi.ường vải kê bàn đựng bình nước, hai cái lược, một bánh xà phòng xanh lơ để trong chiếc đĩa mẻ. Quanh tường người ta thấy các chuỗi hạt, các thành Đài, nhiều tượng Đức Mẹ, một chậu đựng nước Thánh bằng sọ dừa ; trên tủ ngăn có khăn phủ như bàn thờ, là cái hộp bằng vỏ trai ốc Vichto cho ; rồi một bình tưới và một quả bóng, vở tập viết, quyển địa lý bằng tranh, một đôi giày có cổ ; và móc vào đinh treo gương nhờ hai giải băng, là chiếc mũ nhỏ bằng vải nhung tuyết dài ! Fêlixitê ưa cái cách trọng vọng như thế đến mức chị cất giữ cả một áo rơđanhgốt của ông chủ. Mọi thứ cũ kỹ mà bà Ôbanh không thích nữa, chị đều đưa về phòng mình. Vì thế bên rìa tủ ngăn mới có những bông hoa giả, và ở hốc cửa trổ trên mái là chân dung bá tước Đactoa.
Nhờ một tấm ván nhỏ, Lulu được đặt trên chỗ lò sưởi xây nhô ra trong phòng. Mỗi sáng, thức dậy, chị nhìn thấy nó trong ánh ban mai vừa rạng, và nhớ lại những ngày đã qua, những việc làm nhỏ nhặt cho đến cả các chi tiết vặt vãnh, không đau đớn, hết sức bình tĩnh.
Không giao tiếp với ai, chị sống trong trạng thái mơ màng như người mộng du. Lễ rước Thánh thể làm chị phấn chấn trở lại. Chị sang các nhà lân cận quyên đèn nến, mành che, để trang hoàng bàn thờ dựng trong phố.
Ở nhà thờ, chị luôn ngắm Đức Thánh Thần, và nhận xét rằng Người có một cái gì giống con vẹt. Chị thấy nét tương tự càng rõ hơn trên một tranh Êpinan, miêu tả lễ rửa tội của Đức Chúa. Với đôi cánh đỏ rực, và thân mình xanh màu ngọc bích, đúng là hình ảnh Lulu.
Chị mua bức tranh ấy, treo vào chỗ bá tước Đactoa, – thành thử, hễ đưa mắt là chị nhìn thấy cả hai cùng một lúc. Hai bên hòa nhập trong ý tưởng chị, con vẹt thành thiêng liêng do tương quan với Đức Thánh Thần, Người trở nên sống động hơn trước mắt chị và rõ ràng dễ hiểu. Đức Chúa Cha, để truyền phán, không thể chọn chim bồ câu, vì những con này không biết nói, mà chắc là chọn một trong các tổ tiên của Lulu. Và Fêlixitê vừa cầu nguyện vừa nhìn tranh, nhưng thỉnh thoảng lại ghé mắt sang con chim.
Chị muốn nương bóng Đức Mẹ, làm nữ đồng trinh. Bà Ôbanh can ngăn chị.
Một biến cố trọng đại xảy ra : cuộc hôn nhân của Pôn.
Sau khi làm tập sự – công chứng viên, rồi vào ngành thương nghiệp, thuế quan, đảm phụ, và còn rục rịch xin sang kiểm lâm Thủy lợi, đến năm ba mươi sáu tuổi, đột nhiên, nhờ ơn thiên khải, cậu phát hiện ra con đường của mình : ngành trước bạ ! và cậu bộc lộ nhiều khả năng đến mức được một kiểm tra viên gả con gái cho, đồng thời hứa nâng đỡ.
Pôn, trở nên đứng đắn, dẫn vợ về thăm mẹ.
Cô ta chê bai tập tục ở Pông – Lêvêc, ra bộ đài các, xúc phạm Fêlixitê. Bà Ôbanh, khi cô ra đi, cảm thấy nhẹ nhõm.
Tuần sau, có tin Bure chết, ở miền Hạ Brơtanhơ, trong quán trọ. Lời đồn về chuyện tự tử được xác nhận ; mọi người sinh nghi đức chính trực của ông ta. Bà Ôbanh xem xét sổ sách, và thấy ngay hàng loạt việc làm đen tối : biển thủ tiền lãi, bán gỗ lén lút, chứng từ giả... Ngoài ra, ông ta còn một đứa con hoang, và « quan hệ với một người ở Đôduylê ».
Những chuyện xấu xa này làm bà buồn phiền hết sức. Tháng Ba năm 1853, bà mắc chứng đau ngực : lưỡi như bị khói phủ ; đỉa không làm dịu được cơn tức thở ; và buổi tối ngày thứ chín, bà tắt nghỉ, vừa tròn bảy mươi hai tuổi.
Mọi người tưởng bà không già đến thế, vì bà có mái tóc nâu bao quanh gương mặt xanh xao, lấm tấm rỗ hoa. Ít người nhớ tiếc bà, cung cách bà cao ngạo nên khó gần.
Fêlixitê khóc thương bà, người ta thường không khóc thương chủ như thế. Bà chủ mà lại chết trước chị, điều này làm chị hoang mang, dường như nó trái với trật tự của sự vật, khó chấp nhận và quái đản.
Mười ngày sau ( thời gian để chạy từ Bơdăngxông về ), những người thừa kế đột ngột xuất hiện. Cô con dâu lục lại ngăn kéo, chọn đồ đạc, bán các thứ khác, rồi họ quay về sở trước bạ.
Ghế bành của bà chủ, bàn xoay, lồng ấp của bà, tám chiếc ghế dựa, đều ra đi ! Chỗ treo tranh hằn lại những hình vuông ố vàng giữa các bức vách. Họ đã đem theo hai gi.ường con, nệm, và trong tủ ngăn, đồ đạc của Viêcgini chẳng còn lại một thứ gì ! Fêlixitê trèo lên các tầng gác, buồn nẫu ruột.
Hôm sau, trên cửa có tờ niêm yết ; ông dược sĩ hét vào tai chị là nhà được rao bán.
Chị lảo đảo, và phải ngồi xuống.
Điều chủ yếu làm chị phiền muộn, là phải rời căn buồng, – thật thuận tiện cho Lulu đáng thương. Vừa nhìn nó bằng con mắt lo âu, chị vừa cầu khẩn Đức Thành Thần, và mắc thói quen sùng bái quỳ trước con vẹt mà đọc kinh. Đôi khi, ánh mặt trời chiếu qua khuôn cửa trổ trên nóc, rọi vào con mắt thủy tinh của nó, làm lóe ra một tia sáng lòa rực rỡ, khiến chị mê say đến ngây ngất.
Chị có khoản lợi tức đồng niên ba trăm tám mươi quan do bà chủ di tặng. Mảnh vườn cho chị rau ăn. Còn áo quần thì chị đủ mặc cho đến hết đời và để dè sẻn dầu đen, chị đi nằm từ lúc trời chạng vạng.
Chị ít đi đâu đề tránh ngôi hàng của bác buôn đồ cũ, có bày bán một số đồ đạc xưa. Kể từ lần bị choáng, chị lết một bên chân ; và vì sức khỏe chị giảm sút, mụ Ximông bán thực phẩm bị phá sản, sáng nào cũng đến chẻ củi và bơm nước cho chị.
Mắt Fêlixitê kém dần. Cửa chớp thôi không mở nữa. Rất nhiều năm trôi qua. Và ngôi nhà không ai thuê, cũng không bán được.
Sợ họ đuổi mình đi, Fêlixitê chẳng đòi sửa chữa gì. Mái nhà mục nát ; suốt một mùa đông, gối dài trên gi.ường bà thấm ướt. Sau lễ phục sinh, bà thổ ra huyết.
Mụ Xi mông bèn mời bác sĩ. Fêlixitê muốn biết mình bị bệnh gì. Nhưng điếc quá không nghe được ; chỉ mỗi một tiếng lọt tai bà : « viêm phổi ». Tiếng ấy thì bà biết, và bà khẽ đáp :
« À ! như bà chủ », thấy mình theo chủ là chuyện đương nhiên.
Sắp tới kỳ lập bàn thờ đón rước. Ban thờ thứ nhất vẫn ở cuối dốc, bàn thờ thứ hai trước trạm xe, bàn thờ thứ ba khoảng giữa phố. Có sự tranh chấp về bàn thờ này ; cuối cùng các nữ giáo dân trong xứ chọn sân nhà bà Ôbanh.
Tức thở và sốt vẫn tăng lên. Fêlixitê buồn phiền vì không làm được gì cho bàn thờ. Ít ra, nếu bà để được lên đấy một cái gì ! Bà liền nghĩ đến con vẹt. Không hợp lễ nghi đâu, các bà láng giềng phản đối như thế. Nhưng cha xứ cho phép, Fêlixitê sung sướng quá đến mức bà xin cha, sau khi bà chết, hãy nhận lấy Lulu, tài sản duy nhất của bà.
Từ thứ ba đến thứ bẩy, trước ngày lễ Thánh thể, bà ho nhiều hơn. Tối đến, mặt rúm ró, môi dính vào lợi, bà bắt đầu nôn mửa, và hôm sau, trời vừa sáng, cảm thấy suy lắm rồi, bà nhờ mời linh mục.
Ba bà già ở bên Fêlixitê trong khi làm lễ xức dầu. Rồi bà bảo bà cần nói chuyện với Fabuy.
Bác ta đến, mặc quần áo ngày hội, lúng túng trong bầu không khí bi ai này.
– Bác tha thứ cho tôi, Fêlixitê vừa nói vừa cố giơ tay ra ; tôi cứ tưởng là bác đã giết nó !
Nói lăng nhăng như vậy là thế nào ? Nghi tội sát nhân cho bác, một người như bác ! và bác ta công phẫn, toan làm ồn lên.
– Bà ấy lẫn rồi, bác thấy đấy !
Fêlixitê chốc chốc lại nói chuyện với các vong hồn. Mấy bà già ra về. Mụ Ximông ăn sáng.
Một lát sau, mụ cầm Lulu, đem lại gần Fêlixitê :
– Nào ! bà từ biệt nó đi nào !
Mặc dù nó không phải là xác chết, sâu bọ vẫn ăn nó, một bên cánh bị gẫy, xơ gai trồi trong bụng ra. Nhưng giờ đây Fêlixitê không nhìn thấy gì nữa, bả hôn lên trán nó, ấp nó bên má. Mụ Ximông cầm lại nó, đem đặt lên bàn thờ.
V
Đồng cỏ thoảng đưa hương mùa hạ ; ruồi vo ve ; mặt trời làm dòng sông lấp lánh, sưởi ấm mái đá. Mụ Ximông trở vào phòng, thiu thiu ngủ.
Tiếng chuông reo đánh thức mụ ; mọi người vừa xong lễ chầu. Cơn mê sảng của Fêlixitê đã dứt. Nghĩ đến đám rước, bà nhìn thấy nó ; tựa như bà đi theo nó.
Học sinh các trường, những người hát kinh và lính cứu hỏa, đi trên lề đường, trong khi ở giữa phố đang tiến bước : đầu tiên là giám sát viên giáo đường, tay cầm kích, người phụ lễ vác một cây thánh giá to, ông giáo lo coi sóc đám trẻ, bà nữ tu áy náy về các em bé gái ; ba em xinh nhất, tóc quăn như thiên thần, tung lên trời những cánh hoa hồng ; thày trợ tế, hai tay dang ra, giữ nhịp cho đội nhạc, và hai người dâng hương cứ mỗi bước lại quay về phía Thánh thể, được cha xứ mặc áo lễ đẹp nâng trên tay, dưới cái lán nhung đỏ do bốn vị quản lý tài sản Nhà chung khiêng. Một làn sóng người chen lấn nhau ở phía sau, giữa những tấm khăn trắng phủ trên các tường nhà ; và mọi người đã đến chân dốc.
Mồ hôi lạnh rỉ ra hai bên thái dương Fêlixitê. Mụ Ximông lấy vải thấm, và tự nhủ ngày nào đó mình cũng phải qua bước này.
Tiếng rì rào của đám đông rõ dần, có lúc rất to, rồi xa đi.
Một loạt súng làm rung cửa kính. Đó là những người cưỡi ngựa trạm chào mừng bình đựng Thánh thể. Fêlixitê đảo tròng mắt, và bà nói, cố rõ được chừng nào hay chừng ấy : « Trông nó có được không ? » bà băn khoăn về con vẹt.
Cơn hấp hối bắt đầu. Hơi thở khò khè, ngày một gấp gáp, làm xương sườn nhô lên. Bọt sùi ra bên mép, toàn thân bà run rẩy.
Ngay lúc đó, người ta nghe thấy tiếng kèn thổi, giọng trẻ con trong trẻo, giọng đàn ông trầm trầm. Lát lát, tất cả lại ngừng lặng, và tiếng chân dậm mà hoa rải đường làm cho êm đi, nghe như tiếng đàn cừu trên cỏ.
Các giáo chức vào đến sân. Mụ Ximông leo lên ghế để ngang tầm cửa số tròn, và từ trên cao nhìn xuống được ban thờ.
Những tràng hoa lá tươi xanh buông rủ trên hương án được phủ một bức trướng bằng hàng ren Anh cát lợi. Chính giữa là khung nhỏ đựng thánh tích, hai góc có hai cây cam, và suốt dọc ban thờ, là những cây đèn bạc, và những bình sứ, từ trong bình vút lên những bông hoa quỳ, hoa huệ, thược dược, mao địa hoàng, những khóm tử dương. Khối sắc màu rực rỡ này tỏa chênh chếch từ tầng gác thứ nhất xuống mặt tấm thảm trải dài ra đến đường phố và những đồ vật hiếm thu hút mắt nhìn. Một bình đựng đường mạ vàng đeo vòng hoa đồng thảo, những viên bảo thạch lấp lánh trên nệm rêu hai bức bình phong Trung Quốc trình bày tranh sơn thủy. Lulu, lấp dưới những bông hồng, chỉ lộ ra cái trán xanh lơ, giống như một mảng ngọc lưu ly.
Những vị quản lý tài sản Nhà chung, những người hát kinh, trẻ em, xếp hàng quanh ba phía sân. Linh mục từ tốn bước lên thềm, đặt trên nền ren vầng mặt trời vàng rực chói lọi hào quang. Mọi người quỳ cả xuống. Lặng im phăng phắc. Và những lư hương, lướt trên dây chuỗi dồn dập đung đưa.
Một làn hơi màu thiên thanh tỏa lên phòng Fêlixitê. Bà rướn mũi, hít với niềm khoái cảm thần bí ; rồi nhằm mắt. Miệng bà mỉm cười. Tiếng đập của tim bà chậm dần, mỗi lúc một mơ hồ, một êm nhẹ, như dòng suối cạn đi, như tiếng vọng tắt đi ; và lúc trút hơi thở cuối cùng, bà ngỡ mình trông thấy, trong bầu trời hé mở, một con vẹt khổng lồ, bay lượn trên đầu.
LÊ HỒNG SÂM dịch