Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(13)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
30
XXIX​

Ân xá ! Ân xá ! có lẽ người ta sẽ ân xá cho tôi. Nhưng Hoàng đế đã không ưng. Đi tìm ông luật sư của tôi vậy ! Đi tù khổ sai tôi cũng rất thích ! Năm năm tù khổ sai và sẽ xong hết. Hay hai mươi năm, hay vĩnh viễn với sắt nung đỏ cũng được. Nhưng hãy để lại cuộc sống.

Một người tù khổ sai, cái đó còn đi, còn lại, còn nhìn thấy mặt trời.



XXX​

Linh mục đã trở lại.

Tóc ông ta đã bạc, vẻ ông ta rất hiền, gương mặt nhân hậu và đáng kính, quả ông ta là người tốt bụng và từ bi. Sáng nay tôi thấy ông ta dốc hết tiền trong ví cho tù nhân. Tại sao giọng ông ta không hề làm tôi xúc động và cũng không có vẻ xúc động ? Tại sao ông là chưa nói điều gì có thể đi vào trí óc hoặc trái tim tôi ?

Sáng nay, tôi mất trí. Tôi không nghe ông ta nói gì. Tuy vậy, tôi vẫn thấy lời ông ta dường như vô ích và cảm thấy mình hờ hững, nó trượt như thể giọt mưa lạnh trên tấm kính giá buốt.

Dù sao, bây giờ nhìn thấy ông ta trở lại cạnh tôi, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu. Tôi tự bảo ông ta là người duy nhất giữa đám người này còn là một con người đối với tôi. Và tôi cảm thấy cần một cách kinh khủng, những lời nói tốt đẹp và an ủi.

Chúng tôi ngồi xuống, ông ta ngồi trên ghế, còn tôi, trên gi.ường.

Ông ta nói : Con của ta... Những từ đó làm lòng tôi rung động, ông nói tiếp :

- Con của ta, con có tin vào Chúa không ?

- Thưa cha, có ạ, tôi trả lời.

- Con có tin ở nhà thờ Gia tô theo giáo lý tông đồ và La mã không ?

- Con sẵn sàng tin, tôi trả lời.

- Con ạ, ông ta nói, con có vẻ nghi ngờ về điều đó.

Lúc đó ông ta bắt đầu nói. Ông ta nói rất lâu, ông ta nói rất nhiều lời, rồi tới khi ông ta tưởng đã nói xong, ông ta mới đứng dậy và lần đầu tiên từ khi bắt đầu bài diễn văn, ông ta mới nhìn tôi và hỏi :

- Thế nào ?

Tôi trả lời là tôi đã nghe ông ta nói, trước hết là như nuốt từng lời, sau đó là hết sức chú ý và sau nữa là hết sức thành kính.

Tôi cũng đứng dậy :

- Thưa cha, cha cho phép con ngồi một mình.

Ông ta hỏi :

- Bao giờ thì ta trở lại ?

- Khi nào con yêu cầu.

Lúc đó, ông ta đi ra, không nói gì nữa nhưng vừa đi vừa lắc đầu, như thể tự bảo mình :

- Một tên vô đạo.

Không, mặc dù đã rất sa đọa, tôi vẫn không phải là một người vô đạo, và có Chúa làm chứng cho việc tôi tin ở Chúa. Nhưng còn cái ông già đó, ông ta nói với tôi điều gì ? không có một tý gì là do cảm nhận, xúc động, không có tý gì là do than khóc rút ra từ khỏi cõi lòng, và đi từ tim ông ta để tìm tới tim tôi, không có gì là từ ông ta đến tôi cả. Ngược lại, tôi chỉ thấy một cái gì đó mơ hồ và không xác định, có thể ứng dụng cho mọi sự và mọi người, một cái gì đó hùng biện khi đáng lẽ cần có chiều sâu, một cái gì đó nhạt tênh khi cần phải giản dị, một loại thuyết giáo sướt mướt và một kiểu ca khúc bi thương về thần học. Đây đó một trích dẫn từ tiếng la tinh, bằng tiếng la tinh, Xanh Ôguyxtanh hay thánh Grêgoa, và gì nữa ? Vả chăng ông ta như đọc thuộc lòng một bài học đã đọc hai mươi lần, nhắc lại một đề tài đã mòn trong trí nhớ của ông vì quá thuộc. Không có một cái nhìn đáp lại một cái nhìn, không một ngữ điệu trong tiếng nói, không một cử chỉ của bàn tay.

Vả chăng sao ông ta có thể làm khác được ? Linh mục này là cha tuyên úy của nhà lao. Nghề của ông là an ủi và thuyết giáo và ông ta sống bằng cái đó. Người tù khổ sai sắp bị hành hình là cảm hứng hùng biện của ông ta. Ông ta xưng tội và rửa tội cho họ vì ông ta phải hành nghề. Ông ta đã già đi trong nghề đưa con người đến cái chết. Đã lâu rồi, ông quen với cái nghề làm người khác rùng mình. Tóc ông rắc phấn trắng cẩn thận, không còn dựng lên vì khiếp sợ nữa, nhà tù khổ sai và máy chém đối với ông ta là thuộc về cái thường ngày. Ông ia đã tròn. Chắc chắn ông ta có số riêng : những trang này dành cho tù khổ sai, trang kia cho những người bị kết án tử hình. Người ta báo chiều hôm trước cho ông ta biết rằng hôm sau ông ta có ai đó cần phải an ủi, vào một giờ nào đó ; ông ta hỏi xem đó là cái gì, tù khổ sai hay từ bị hành hình, và đọc lại một trang ; rồi ông ta đến. Theo cách đó, điều xảy ra là đối với ông, là những người di Tu-lông hay những người đến Quảng trường Grevơ đều là một sáo ngữ, và ông là cũng là sáo ngữ đối với họ

....Cái ông già tốt bụng đó đối với tôi là cái gì kia chứ ? Và tôi đối với ông ta là cái gì ? Một cá nhân thuộc về một nòi giống đau khổ, một cái bóng như ông ta từng thấy bao lần, một đơn vị thêm vào con số bị xử tử.

Có lẽ tôi sai khi xua đuổi ông ta, ông ta là người tốt còn chính tôi là người xấu. Than ôi, đấy không phải là lỗi tại tôi. Chính hơi thở của những người phạm tội là tôi đã làm hỏng và héo hết mọi thứ.

Người ta vừa mang thức ăn đến cho tôi, họ tưởng tôi cần đến nó. Một mâm ăn thanh lịch và sang trọng, một con gà dò hay sao đấy và còn nhiều thứ nữa. Thế thì tôi thử ăn xem sao, nhưng vừa bỏ miếng đầu tiên vào mồm thì tất cả rơi ra khỏi miệng vì tôi thấy nó chát và ôi thối quá.

XXXI​

Vừa thấy có một ông vào, mũ đội trên đầu, chẳng thèm nhìn đến tôi, ông ta mở ra một cái thước và bắt đầu đo đạc từ trên xuống dưới những hòn đá của tường nhà giam, vừa làm vừa nói rất to lúc thì : Đúng thế này đây. lúc thì : không phải thế !

Tôi hỏi người lính sen đầm xem ông ta làm cái gì. Hình như đó là người phụ giúp kiến trúc sư làm việc trong nhà tù. Về phía ông ta, ông ta cũng trở nên tò mò đối với tôi. Ông ta trao đổi vài lời nói với người giữ khóa đi theo ông ta, nhìn chằm chằm vào tôi giây lát, lắc đầu một cách vô tư lự rồi lại bắt đầu nói to và đo đạc. Khi việc đã xong, ông ta lại gần tôi và nói với tôi bằng cái giọng sang sảng của ông ta :

- Bạn thân mến, sáu tháng nữa, phòng ngục này sẽ khá hơn nhiều.

Và một cử chỉ của ông ta như nói thêm :

- Ông không được hưởng, thật là đáng tiếc.

Ông ta gần như mỉm cười. Tôi tưởng ông ta sắp nhẹ nhàng chế riễu tôi giống như người ta trêu cô dâu trẻ chiều hôm cưới.

Người lính gác của tôi, lính cựu trong nghề võ, lĩnh trách nhiệm trả lời :

- Thưa ông, người ta không nói to thế trong phòng một người chết.

Nhà kiến trúc đi ra.

Còn tôi, tôi đứng lại trơ như một trong những hòn đá ông ta vừa đo.

XXXII​

Rồi một điều nực cười xảy ra với tôi.

Người ta đến đổi gác cho bác lính già tốt bụng của tôi, mà tôi thì vừa ích kỉ vừa bội bạc, cũng không bắt tay tạm biệt bác nữa. Một người khác thay bác, một người trán thấp, mắt như mắt bò, một khuôn mặt vô vị.

Vả chăng, tôi cũng chẳng để ý đến anh ta. Ngồi trước bàn, quay lưng ra cửa, tôi cố dùng tay day cho trán tôi đỡ nóng bỏng, và những suy nghĩ của tôi làm tôi bận tâm.

Một cú khẽ đánh vào vai tôi làm tôi ngửng đầu lên. Đó là người lính gác mới, còn lại một mình với tôi.

Sau đây là cung cách mà anh ta nói chuyện với tôi.

- Kẻ phạm tội, anh có lòng tốt không ?

- Không, tôi trả lời.

Cách trả lời đột ngột của tôi làm cho hắn bối rối. Tuy vậy anh ta vẫn tiếp tục, vẻ do dự :

- Người ta không ác vì niềm vui được ác.

- Tại sao không, tôi trả lời. Nếu anh chỉ có điều ấy để nói thì anh mặc tôi. Anh muốn gì nào ?

- Xin lỗi, kẻ phạm tội của tôi, anh ta trả lời. Chỉ cần hai tiếng thôi. Đây này : nếu anh có thể làm nên hạnh phúc của một người khổ sở mà chẳng mất gì, thì anh có làm không ?

Tôi nhún vai :

- Ông đi từ Saxăngtông (1) tới hay sao đấy ? Ông đã tìm một cái lọ khá kỳ lạ để múc hạnh phúc từ đấy ra. Tôi mà làm nên hạnh phúc của một ai ư ?

Anh ta hạ giọng xuống và lấy một vẻ bí mật hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt ngu xuẩn của anh ta.

- Vâng, kẻ phạm tội ạ, hạnh phúc và gia sản. Tất cả những cái đó sẽ đến với tôi do anh. Đây này. Tôi là một người cảnh sát nghèo. Việc thì nặng, lương thì thấp, tôi có một con ngựa nó làm tôi phá sản. Vì vậy, tôi chơi xổ số để cân bằng. Cũng phải có một kỹ nghệ chứ. Cho đến nay chỉ còn việc chọn được những số tốt là tôi trúng thôi. Tôi tìm khắp nơi những số thật chắc chắn, lúc nào tôi cũng bị số bên cạnh, tôi đặt số 76, nó trúng vào số 77, tôi nuôi chúng, chúng cũng không đến. Anh hãy nghe kiên nhẫn một tý, tôi đến đoạn cuối rồi. Vì đây là dịp tốt đối với tôi. Xin lỗi, tội phạm, nhưng hình như anh sắp qua. Chắc chắn những người chết mà người ta cho chết kiểu này thì nhìn thấy xổ số trước. Anh hãy hứa với tôi, tối mai đến báo cho tôi ba con số, ba con số tốt, điều ấy chẳng phiền gi anh, đúng không ? Tôi không sợ ma đâu, anh yên tâm. Đây là địa chỉ của tôi. Trại lính Pôpanhcua thang gác A số 26 cuối hành lang. Anh sẽ nhận ra tôi chứ ? Tối nay, anh đến cũng được, nếu ah thấy tiện hơn.

Tôi sẽ không thèm trả lời thằng ngốc đó nếu một hy vọng điên rồ không loé ra trong óc tôi. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng của tôi, có lúc người ta tưởng có thể phá đứt một cái dây xiềng bằng một sợi tóc.

- Này, nghe đây, tôi vừa nói vừa giả vở đóng kịch với cố gắng lớn nhất có thể có ở một người sắp chết, ta có thể làm cho anh giàu hơn vua, và xổ số được bạc triệu với một điều kiện.

Anh ta mở to đôi mắt ngu si :

- Điều kiện nào ? Điều kiện ư ? Tất cả là để anh vừa lòng, kẻ phạm tội ạ.

- Đáng lẽ ba số, ta hứa cho anh bốn. Nhưng hãy đổi quần áo với ta.

- Nếu chỉ cần thế thôi, anh ta kêu lên và đã bắt đầu cởi các khuy đầu tiên của bộ đồng phục.

Tôi đã đứng dậy. Tôi quan sát mỗi cử chỉ của anh ta, tim đập thình thình. Tôi nhìn thấy các cánh cửa mở ra trước bộ đồng phục cảnh sát và quảng trường rồi phố và Viện Tư pháp phía sau tôi.

Nhưng anh ta quay lại, do dự :

- Mà này, không phải để trốn ra khỏi đây chứ ?

Tôi thấy là tất cả đều hỏng hết rồi. Nhưng tôi vẫn cố một lần cuối, vô ích và điên rồ :

- Có, tôi nói, nhưng anh giàu to rồi.

Anh ta ngắt lời tôi :

- A, không, không, thế còn số của tôi, muốn cho nó thật tốt, anh phải chết cơ.

Tôi lại ngồi xuống càng câm lặng và tuyệt vọng hơn sau tất cả những hy vọng vừa có.

(1) Nhà thương điên.



XXXIII​

Tôi nhắm mắt lại, đặt tay lên trán và cố quên, cố quên hiện tại trong quá khứ ! Trong khi tôi mơ, những kỉ niệm thời thơ ấu và tuổi hoa niên lần lượt trở về từng cái một, êm dịu, thanh thản, tươi cười, như những hòn đảo hoa trên cái vực dậy những ý nghĩ đen tối và mơ hồ, đang quay cuồng trong óc tôi.

Tôi tự thấy lại lúc còn thơ trẻ, một học sinh cười cợt và tươi tắn, chơi bời, chạy nhảy, hò reo với các anh tôi trong lối đi lớn của khu vườn hoang, ở nơi đó đã trôi đi những năm tháng đầu tiên của đời tôi, khu vườn đó là một khu nhà tu cũ, trên cao sừng sững đỉnh tròn bằng chì u ám của tòa Vanđơgraxơ.

Thế rồi bốn năm sau, tôi lại trở về nơi đó, vẫn còn trẻ con nhưng đã mơ mộng và say đắm. Có một cô thiếu nữ trong khu vườn cô tịch.

Cô bé Tây ban nha, mắt to, da ngăm ngăm óng ả, môi đỏ và má hồng, cô gái Ăngđalu 14 tuổi, Pêpa.

Mẹ bảo chúng tôi hãy chạy đuổi nhau, và chúng tôi lại đi dạo.

Mẹ nói với chúng tôi là hãy chạy chơi, và chúng tôi, trẻ con cùng một tuổi nhưng không cùng một giới, chúng tôi lại đi nói chuyện.

Tuy vậy, chỉ cách đấy có một năm, chúng tôi còn chạy đuổi, còn đánh nhau. Tôi tranh của Pêpita quả táo đẹp nhất của cây, tôi đánh nàng chỉ vì tranh nhau một tổ chim. Nàng khóc, tôi bảo : cho chừa ! và chúng tôi cùng đến mách với hai bà mẹ, bà nào cũng mắng chúng tôi ngoài miệng nhưng bênh chúng tôi trong lòng.

Bây giờ thì nàng tựa trên tay tôi và tôi vừa kiêu hãnh vừa xúc động. Chúng tôi đi thong thả, nói khẽ với nhau. Nàng đánh rơi mùi xoa, tôi nhặt lên. Tay chúng tôi run lên khi chạm vào nhau. Nàng nói với tôi về những con chim nhỏ, về ngôi sao mà người ta thấy phía đằng kia, về hoàng hôn đỏ rực sau lùm cây hoặc về các cô bạn gái trong lưu trú, về áo và dây ruy băng của các cô. Chúng tôi nói những điều thật vô tội và chúng tôi đỏ mặt. Cô bé đã trở thành một cô thiếu nữ

Chiều hôm đó, một buổi chiều mùa hạ, chúng tôi ngồi dưới gốc cây dẻ, sâu trong vườn. Sau một trong những lúc im lặng dài thường có trong những cuộc dạo chơi, nàng bỗng rời tay tôi và nói : Ta chạy đuổi đi !

Tôi còn như trông thấy nàng : nàng mặc toàn đen, nàng để tang bà. Tự nhiên một ý nghĩ trẻ con thoáng qua đầu, Pêpa trở lại thành Pêpila, và nàng nói với tôi : Ta chay đuổi đi !

Và nàng bắt đầu chạy trước, lưng ong thon thả và đôi chân nhỏ của nàng thoăn thoắt hất váy lên ngang bụng chân. Tôi đuổi theo, nàng chạy trốn, thỉnh thoảng chạy nhanh quá, cái áo khoác đen của nàng lại tung lên để lộ lưng nàng mầu hồng óng ả.

Tôi chạy đứt hơi. Tôi bắt được nàng cạnh cái giếng cạn, tôi túm lấy thắt lưng nàng theo luật của người thắng trận và bắt nàng ngồi xuống vạt cỏ, nàng không chống lại. Nàng thở gấp và cười rũ rượi. Còn tôi, tôi rất trang nghiêm và nhìn đôi mắt đen láy của nàng sau hàng mi đen.

- Anh ngồi xuống đây, nàng nói, hãy còn sáng lắm, ta đọc cái gì đi. Anh có cuốn sách nào không ?

Tôi mang theo tập hai cuốn Dữ hành của X palăngđani. Tôi mở đại ra, ngồi xuống cạnh nàng, nàng đặt vai nàng bên vai tôi và chúng tôi bắt đầu đọc khe khẽ cùng một trang, mỗi người một phía. Trước khi sang trang bao giờ nàng cũng phải đợi tôi. Óc tôi đi không nhanh bằng óc nàng.

- Anh xong chưa ? nàng hỏi tôi khi tôi mới bắt đầu.

Trong lúc đó, đầu chúng tôi sát vào nhau, tóc chúng tôi lẫn vào nhau, hơi thở chúng tôi gần lại và đột nhiên cả môi chúng tôi nữa.

Khi chúng tôi định tiếp tục đọc sách thì trời đã lấp lánh sao.

- Ôi, mẹ, mẹ ơi, nàng nói khi trở về, nếu mẹ biết chúng con chơi đuổi bắt nhau đến thế nào !

Còn tôi, tôi yên lặng.

- Con không nói gì ư, mẹ tôi hỏi, sao con có vẻ buồn.

Thực ra trong tôi là cả một thiên đường.

Đó là một buổi chiều mà tôi sẽ nhớ suốt đời !

Suốt đời tôi !

XXXIV​

Đồng hồ vừa điểm chuông, tôi không biết điềm mấy giờ, tôi nghe tiếng búa điểm không rõ lắm. Dường như có một tiếng ong ong trong tai tôi, đó là những ý nghĩ cuối cùng của tôi đang vang lên.

Vào giây lúc cuối cùng, khi tôi đang hồi tưởng lại những kỷ niệm của tôi, thì tôi tìm thấy lại tội ác của tôi một cách ghê tởm, tôi muốn tôi phải hối hận nhiều hơn nữa. Trước khi kết án, tôi hối hận nhiều, từ bấy, hình như trong đầu tôi chỉ còn chỗ cho những ý nghĩ chết chóc. Tuy vậy tôi vẫn muốn hối hận thật nhiều.

Khi tôi mơ trong một phút tới cái gì đã qua trong đời tôi và tôi quay trở lại với nhát búa sắp kết thúc nó thì tôi rùng mình như sắp nghĩ tới một cái gì mới mẻ. Tuổi thơ đẹp đẽ của tôi, và tuổi thanh niên trong sáng, mảnh lụa vàng óng bị vấy máu ở một đầu. Giữa lúc ấy và hiện tại, có một suối máu, màu của người kia và máu của tôi.

Nếu người ta đọc câu chuyện của tôi, sau bao năm vô tội và hạnh phúc, người ta sẽ không muốn tin vào cái năm đáng nguyền rủa, mở ra bằng một tội ác và hết thúc bằng một cuộc hành hình, cái năm sẽ hủy hoại hết cuộc đời tôi.

Và mặc dù vậy, hỡi những đạo luật khắt khe và hỡi những con người khốn khổ, tôi có ác đâu.

Ôi, phải chết chỉ sau vài giờ nữa thôi và nghĩ rằng cách đây một năm tôi còn tự do và trong sạch, tôi còn đi dạo giữa mùa thu, lang thang dưới bóng cây và bước đi trong lá.

XXXV​

Cũng vào lúc này, ngay cạnh tôi, trong những căn nhà đang bao quanh Viện Tư pháp và Quảng trường Grevơ và khắp mọi nơi ở Pari, có những người đi lại, nói cười, đọc báo và nghĩ về công việc ; có những người bán hàng vẫn đang bán, các cô thiếu nữ thì đang soạn áo quần cho vũ hội tối nay, còn các bà mẹ thì đang chơi với con.

XXXVI​

Tôi nhớ lại khi còn nhỏ có một lần tôi đi xem chuông lớn Nhà Thờ Đức Bà.

Tôi vừa bị choáng vì leo lên cái gác tối hình xoáy tròn ốc, vì đã chạy qua cái hành lang mỏng mảnh nối hai tòa vọng lâu, vì nhìn thấy Pari dưới chân mình, thì vừa lúc ấy tôi vào tới cái lồng bằng đá đầy kèo cột ở nơi đó treo cái chuông lớn với quả chuông của nó, nặng tới hàng tấn.

Tôi run run bước đi, trên những mảnh ván ghép không kín, nhìn từ xa cái chuông nổi tiếng đối với trẻ con và dân chúng Pari, tôi không khỏi sợ hãi khi nhận thấy rằng những mái che bằng đá đen nghiêng nghiêng bao quanh cái gác chuông đến vừa ngang tầm chân tôi. Giữa các khoảng cách tôi trông thấy quảng trường Pacvi Nô - Crơđamnh đứng ở tầm chim bay, và khách qua đường thì giống như những con kiến.

Đột nhiên, cái chuông khổng lồ vang lên ; một tiếng vang sâu lay động không khí, làm cả tòa vọng lâu rung rinh. Sàn nhà nẩy lên trên cột. Tiếng động suýt làm tôi ngã ngửa, tôi choáng váng, suýt rơi ngay xuống các khe hở của những mái che bằng đá đen, dốc nghiêng nghiêng. Vì sợ quá, tôi nằm ngay xuống các ván ghép, ôm chặt lấy chúng bằng cả hai tay, không nói được, không thở được, tại váng lên vì tiếng động kinh hoàng đó, và dưới mắt tôi là cái vực, cái quảng trường sâu hoắm nghìn nghịt những khách bộ hành bình thản khiến tôi thèm muốn.

Vậy thì, hình như tôi đang ở trong tòa vọng lâu có chuông lớn. Vừa choáng ngợp, vừa hoa mắt. Hình như có một tiếng chuông đang lay động các hốc trong óc tôi và xung quanh tôi, chỉ còn thấy từ xa qua các nứt nẻ của một vực thẳm, cuộc sống bằng phẳng mà tôi đã rời bỏ, ở đấy con người vẫn đang rảo bước đi lên.

XXXVII​

Tòa Thị chính là một tòa nhà hãi hùng.

Với mái nhà nhọn và cứng, với tháp chuông hình thù kì quái, mặt đồng hồ lớn trắng bệch, các tầng gác và cột nhỏ, với muôn ngàn cửa sổ, cầu thang mọt ruỗng dưới bước đi, với hai vòm cánh cung bên phải và bên trái, nó đứng đấy, mặt đối mặt với Quảng trường Grevơ u ám, tối tăm, mặt tiền bị tuổi già gậm nhấm và đen, đen đến mức dưới ánh nắng mặt trời, nó cũng đen kịt.

Những ngày có xử án, nó nôn ra những lính sen đầm từ các cửa ra vào và nhìn người bị xử chém bằng tất cả các cửa sổ của nó.

Và đến tối, mặt đồng hồ của nó đã báo giờ, giờ xử án vẫn sáng ngời trên mặt tiền đen tối của nó.

XXXVIII​

Đã một giờ mười lăm phút.

Sau đây là cái mà tôi cảm thấy hiện giờ.

Đau đầu dữ dội, hông lạnh buốt, trán nóng rực. Mỗi lần tôi ngồi dậy hoặc cúi xuống, dường như có một thứ nước bập bềnh trong não tôi, và khiến cho óc tôi đập vào những bờ thành của sọ tôi.

Người tôi run lên bần bật và thỉnh thoảng cái bút như bị giật lên vì kích động, lại rơi ra khỏi tay tôi.

Mắt tôi cay xè như thể đang bị ám khói.

Khuỷu tay đau như dần.

Chỉ còn hai giờ bốn mươi lăm phút nữa, tôi sẽ khỏi.

XXXIX​

Họ nói rằng cái đó chẳng là cái gì, rằng người ta không bị đau đớn, rằng đó là một cái chết nhẹ nhàng, rằng chết theo kiểu đó sẽ ắt đơn giản.

Này, thế thì cơn hấp hối hàng sáu tuần và tiếng rên đau của cả một ngày là cái gì ? Lại còn những lo âu của cái ngày không sao cứu vãn được này, nó cứ trôi chậm đến thế và nhanh đến thế ? Và còn bực thang của các sự tra tấn dẫn đến đoạn đầu đài ?

Về bề ngoài thì đó không phải là đau khổ?

Nhưng đó chẳng phải là những cơn rẫy rụa giống nhau hay sao, dù là máu chảy đi từng giọt từng giọt, hay là trí óc tắt dần từng ý nghĩ từng ý nghĩ.

Vả lại, người ta không đau khổ, có chắc là như vậy không ? Ai dám nói với họ như vậy ? Có bao giờ người ta dám kể rằng một cái đầu đã bị cắt đi lại nhô lên đẫm máu bên bờ cái sọt, và nó kêu lên với dân chúng : Cái đó chẳng làm đau đớn gì !

Có thể có không, những người chết theo kiểu ấy lại trở về cám ơn và bảo với người ta rằng : Đó là một phát minh tốt. Hãy duy trì lấy cái ấy. Máy móc tốt lắm.

Đó là Rô-bex-pi-e ư ? Hay là Lui XVI ?...

Không ! chẳng có gì cả, không đầy một phút, không đầy một giây và xong công việc. Có bao giờ họ tự đặt mình dù chỉ trong ý nghĩ thôi, vào chỗ người đang ở đấy, khi mà lưỡi dao nặng rơi xuống, cắn vào thịt, cắt đứt gân, chặt vụn xương sống... Nhưng sao ! chỉ nửa giây nữa thôi mà, nỗi đau bị đánh cắp mất... Kinh khủng !

XL​

Cũng thật kỳ là tôi cứ nghĩ đến nhà vua. Tôi muốn làm gì thì làm, muốn lắc đầu quên đi thì lắc, vẫn có một tiếng vọng bên trong tai tôi và bao giờ nó cũng nói :

- Cũng trong thành phố này, cũng vào giờ này, và không xa đây lắm, trong một lâu đài khác, có một người cũng có lính bảo vệ ở tất cả các cửa, một người duy nhất giống mày trong dân chúng, chỉ có điều ông là cao bao nhiêu thì mày thấp bấy nhiêu. Cả cuộc đời ông ta, từng phút từng phút một, chỉ là vinh quang, kì vĩ, lạc thú, say sưa. Tất cả xung quanh ông ta đều là tình yêu, sự kính trọng, sự sùng bái. Những tiếng to nhất đều hạ giọng khi nói với ông ta và những vừng trán kiêu ngạo nhất đều phải cúi xuống. Ông ta chỉ có lụa và vàng dưới mắt mình. Vào giờ này ông ta đang đi họp với các vị thượng thư, trong cuộc họp đó các vị đều đồng ý với ông ta, hoặc ông ta nghĩ tới cuộc săn của ngày mai, cuộc khiêu vũ của tối nay, tin chắc rằng dạ hội sẽ diễn ra đúng giờ và mặc cho người khác chuẩn bị cuộc hoan lạc của ông ta. Vậy mà con người đó cũng bằng xương bằng thịt như mày ! Và muốn cho chiếc máy chém ghê tởm kia sụp đổ xuống trong giây phút, muốn cho mày lại được hoàn lại tất cả, cuộc sống, tự do, tài sản, gia đình, chỉ cần ông ta cầm lấy cái bút này viết bẩy chữ của tên ông (1) ở phía dưới một mẩu giấy hoặc ít hơn, chỉ cần xe ngựa của ông ta gặp xe bò của mày! Mà ông ta tốt bụng hẳn hoi, và có lẽ ông ta cũng sẵn sàng làm như vậy, và vẫn chẳng có gì xẩy ra.

(1) Vua nước Pháp lúc đó là Charles X.

XLI​

Như vậy thì hãy can đảm với cái chết, hãy cầm lấy cái ý niệm kinh khủng đó bằng hai tay và nhìn thẳng vào nó. Hãy hỏi nó xem nó là cái gì, hãy tìm xem nó muốn gì, hãy lật đi lật lại, đánh vần câu đố đó và nhìn trước vào nấm mồ.

Tôi tưởng như khi tôi nhắm mắt, thì tôi sẽ thấy một ánh sáng lớn lao, những vực thẳm ánh sáng ở đó trí óc tôi sẽ lăn lộn không biết mệt. Tôi tưởng như bầu trời sẽ sáng rực lên do tinh túy của chính nó, rằng những vì tinh tú sẽ in lên đó thành vật đen, và đáng lẽ mặt người trần nhìn thấy chúng là những vẩy vàng trên nền nhung đen, thì chúng lại giống những chấm đen trên nền vàng óng.

Hoặc, khốn khổ cho tôi, đó sẽ là một vực thẳm ghê rợn, sâu hoắm, thành vực lót toàn bằng bóng tối, ở đấy tôi sẽ rơi không ngừng, trong tăm tối, tôi vẫn thấy những hình hài cựa quậy.

Hoặc là, khi tỉnh dậy sau lúc đó, tôi sẽ thấy tôi đang ở trên một bình diện phẳng lì và ẩm ướt, bò trong bóng tối, và tự lăn trên bản thân tôi như một cái đầu quay lông lốc. Hình như sẽ có một ngọn gió lớn đẩy tôi đi, và đầy đó tôi sẽ bị chạm vào những cái đầu khác cùng đang lăn. Đây đó sẽ có những vùng và những suối chứa đầy một chất lỏng kì lạ và ấm ; tất cả đều có một mầu đen kịt. Khi mắt tôi, trong vòng quay, hướng lên phía trên thì chúng chỉ thấy một bầu trời bóng tối, những lớp dầy của bầu trời đỏ đè nặng lên mi mắt tôi, và phía xa xăm ở tít tận cùng là những vòm khói lớn đen như bóng đêm. Mắt tôi cũng sẽ thấy bay trong đêm, những tia lửa nhỏ màu đỏ rực, khi bay lại gần chúng sẽ biến thành những con chim lửa và tất cả sẽ cứ như vậy cho đến vĩnh hằng.

Cũng có thể rằng đến một ngày nào đó những người chết của quảng trường Grevơ sẽ hội họp lại vào những đêm đông, trên quảng trường vốn là của họ. Họ sẽ là một đám đông tái mét và đỏ lòm, trong đó tôi sẽ không vắng mặt. Trời không trăng sao và họ sẽ nói với nhau rất khẽ. Tòa Thị chính cũng ở đấy với mặt tiền ruỗng mọt, mái nhà lởm chởm và mặt đồng hồ trước đấy đã tàn nhẫn chỉ giờ cho tất cả chúng tôi. Trên quảng trường sẽ có một máy chém của địa ngục, ở đó một con quỉ sẽ chém đầu đao phủ, vào lúc bốn giờ sáng. Và đến lượt chúng tôi, chúng tôi sẽ ngồi vây xung quanh.

Chắc chắn là sẽ như vậy. Nhưng nếu những người đã chết trở lại thì dưới hình dạng nào ? Họ sẽ giữ lại cái gì trong th.ân thể không còn trọn vẹn và tàn phế của họ ? Họ chọn cái gì ? Đầu hay thân sẽ trở thành bóng ma ?

Than ôi ! cái chết sẽ làm gì hồn chúng ta ? Nó sẽ để lại cho hồn thực thể gì ? Nó chọn lấy cái gì và cho lại cái gì ? Nó để hồn ở đâu ? Thân hoặc nó có bao giờ cho hồn mượn một đôi mắt thịt để nhìn xuống trái đất và than khóc ?

Ô! Một vị linh mục ! Một vị linh mục có thể hiểu biết được điều đó. Tôi muốn một linh mục và một cây thánh giá để hôn!

Lạy Chúa, vẫn chỉ có người linh mục ấy!

XLII​

Tôi đã xin được ngủ và nằm vật xuống gi.ường.

Quả nhiên, tôi bị một cơn máu dồn lên đầu và tôi đã ngủ được. Đó chính là giấc ngủ cuối cùng của tôi theo kiểu của thế gian này.

Tôi mơ một giấc mơ.

Tôi mơ là đang đêm. Hình như tôi đang ở trong phòng với hai, ba người bạn không rõ là ai...

Vợ tôi ngủ ở phòng bên cạnh với con nàng.

Chúng tôi khe khẽ nói chuyện với nhau, tôi và các bạn tôi và điều mà chúng tôi trao đổi khiến chúng tôi

sợ hãi.

Đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng động đâu đó ở cái phòng khác của căn nhà, một tiếng động yếu ớt, kì lạ, không xác định.

Bạn tôi cũng nghe thấy như tôi. Chúng tôi cùng nghe, tiếng đó giống như một cái khóa mà người ta mở lách tách, một cái chốt mà người ta cưa khe khẽ.

Một cái gì đó làm chúng tôi lạnh toát. Chúng tôi sợ. Chúng tôi nghĩ có lẽ đây là những kẻ trộm đột nhập vào nhà lúc đêm hôm khuya khoắt này.

Chúng tôi quyết định xem xem thế nào. Tôi đứng dậy, cầm lấy nến, các bạn tôi đi theo, từng người một.

Chúng tôi đi qua phòng ngủ bên cạnh. Vợ tôi vẫn ngủ với con nàng.

Rồi chúng tôi đến phòng khách. Không có gì cả. Các chân dung vẫn bất động trong khung mạ vàng, trên nền đỏ. Tôi cảm thấy dường như cánh cửa từ phòng khách sang phòng ăn không ở đúng chỗ của nó.

Chúng tôi bước vào phòng ăn. Chúng tôi đi quanh phòng, tôi đi đầu tiên. Cánh cửa ra cầu thang vẫn đóng kĩ, cửa sổ cũng vậy. Đến bên lò sưởi, tôi thấy tủ áo mở và cánh cửa của cái tủ được kéo về phía góc tường như để che lại.

Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng có ai đó sau cửa.

Tôi để tay lên cánh cửa đề đóng tủ lại. Cánh cửa không chịu đóng. Ngạc nhiên tôi kéo mạnh hơn, nó đột ngột chịu đóng lại và để lộ ra cho chúng tôi thấy một mụ già bé nhỏ, tay buông thõng, mắt nhắm ; không đụng đậy, mụ đứng như dán vào góc tường.

Cảnh ấy có một điều gì đó hãi hùng và chỉ nghĩ đến là tóc tôi đã dựng lên rồi.

Tôi hỏi mụ già :

- Bà ở đây làm gì ?

Mụ không trả lời.

Tôi lại hỏi :

- Bà là ai ?

Mụ vẫn không trả lời, không đụng đậy, mắt nhằm nghiền.

Các bạn tôi bàn :

- Đó chắc là kẻ tòng phạm của những kẻ đã vào đây với những ý nghĩ xấu xa ; chúng chạy thoát khi nghe chúng ta đến, còn mụ ta không chạy được mà trốn lại ở đây.

Tôi lại hỏi mụ ta ; mụ ta vẫn không nói, không cử động, không nhìn.

Một người trong chúng tôi đẩy mụ xuống đất, mụ ta ngã lăn ra.

Mụ ta đã ngã cả đống xuống, giống như một thanh gỗ, giống như một khối vật chết.

Chúng tôi lấy chân đẩy mụ ấy rồi hai người trong chúng tôi lại dựng mụ ấy dậy và đặt mụ vào tường. Mụ ta không có dấu hiệu gì là còn sống. Thét vào tai mụ, mụ vẫn câm như thể bị điếc.

Tuy vậy, chúng tôi đã mất hết kiên nhẫn và vừa sợ lại vừa tức. Một người trong chúng tôi nói :

- Đề cái nến xuống dưới cằm mụ xem.

Tôi để cái mồi lửa xuống dưới cằm mụ. Mụ mở hé mắt ra, một con mắt rỗng, mờ đục, kinh khủng và không hề nhìn được.

Tôi cất mồi lửa đi và nói :

- Này, thế đã xong chưa, mụ phù thủy già, mụ có trả lời không ? Mụ là ai ?

Con mắt khép lại như tự nó.

- Thế thì quá lắm, những bạn tôi nói - Lại đốt nến đi, phải làm cho mụ ấy nói chứ.

Tôi lại đặt nến xuống dưới cằm mụ già. Lúc ấy thì mụ từ từ mở mắt ra, lần lượt nhìn chúng tôi từng người một rồi đột nhiên cúi xuống, mụ ta thở ra một hơi lạnh ngắt làm tắt ngọn nến. Cùng một lúc, trong bóng đêm tôi cảm thấy ba vết răng nghiến vào tay tôi.

Tôi tỉnh dậy, người run bắn, toát hết cả mồ hôi lạnh.

Cha tuyên úy tốt bụng ngồi ngay dưới chân tôi và đang đọc kinh.

- Con ngủ lâu không ạ, tôi hỏi.

- Con của ta, con đã ngủ một tiếng. Người ta đã đem con gái của con lại. Nó đang đợi ở phòng bên cạnh. Ta không muốn người ta đánh thức con.

Ôi, tôi kêu lên. Con gái tôi, hãy mang con gái tôi lại đây !

XLIII​

Nó đến rồi, hồng hào, đôi mắt rất to, xinh đẹp!

Người ta mặc cho nó một cái áo trông rất hợp.

Tôi đã ôm lấy nó, đã nhấc nó lên trong cánh tay tôi, tôi đặt nó lên lòng, tôi hôn nó trên mái tóc.

Tại sao nó không cùng đi với mẹ ? - Mẹ nó ốm, bà nó cũng thế. Thôi được.

Nó kinh ngạc nhìn tôi. Nó để mặc cho tôi vuốt ve hồn hít nó, nhưng thỉnh thoảng nó lại lo lắng nhìn bà vú đang khóc trong một góc nhà.

Cuối cùng tôi mới thốt lên :

- Mari! Mari bé bỏng của ba !

Tôi ôm chặt nó vào ngực tôi đang nức nở. Nó khẽ kêu lên một tiếng :

- Ôi, thưa ông, ông làm cháu đau, nó nói vậy.

Thưa ông ! đã gần một năm nó chưa gặp lại tôi, con bé tội nghiệp. Nó đã quên tôi, gương mặt, lời và giọng nói, vả chăng ai có thể nhận ra tôi nữa, với bộ râu, cách ăn mặc và khuôn mặt xanh xao này ? Sao, đã bị xóa nhòa trong trí nhớ duy nhất ở đó tôi muốn sống ? Sao, không còn là cha nữa ? Bị ép buộc không còn được nghe từ đó nữa, cái từ của ngôn ngữ trẻ thơ, êm dịu đến mức nó không còn có thể lưu lại trong ngôn ngữ của người lớn: Ba!

Dù vậy, còn được nghe từ đó, từ đôi môi này, một lần nữa, một lần nữa thôi, đó là tất cả cái gì mà tôi muốn xin, thay vì bốn mươi năm tuổi đời mà họ lấy của tôi.

- Con nghe đây Mari, vừa nói tôi vừa lấy tay nó chụm vào tay tôi, con không biết ta hay sao ?

Nó đưa đôi mắt đẹp nhìn tôi và trả lời :

- Không ạ, nhất định là không ạ !

- Con hãy nhìn kĩ đi, tôi lặp lại. Sao con không nhận ra ta là ai ư ?

- Có ạ, nó trả lời. Một ông ạ !

Than ôi, chỉ yêu say mê có một người trên trần thế, yêu người đó với tất cả lòng mình, có người đó trước mặt ta, người đó nhìn ta và thấy ta, nói với ta và trả lời ta, và người đó không biết ta là ai ? Chỉ mong được người đó an ủi, lại chính người đó không biết ra điều anh mong muốn khi anh sắp chết :

- Mari, tôi lại nói, con có ba không ?

- Có, thưa ông, đứa trẻ trả lời.

- Thế thì, ông ấy ở đâu ?

Nó ngước đôi mắt to đầy kinh ngạc :

- A, thế ông không biết sao, ba chết rồi.

Rồi nó thét lên ; tôi suýt để nó rơi xuống đất.

- Chết rồi, tôi nói, Ma-ri con có biết thế nào là chết không ?

- Thưa ông có, nó trả lời. Người chết là ở dưới đất và ở trên trời.

Rồi tự nó nói tiếp :

- Ngày đêm, ngồi trong lòng mẹ, con cầu chúa cho ba con.

Tôi hôn nó lên trán :

- Mari, con đọc cho ta nghe lời cầu nguyện của con.

- Con không thể, thưa ông, lời cầu nguyện không thể đọc vào ban ngày. Chiều nay, ông đến nhà con, con sẽ nói cho ông nghe.

Tôi nghe thế là đủ rồi. Tôi ngắt lời nó :

- Mari, chính ta là ba con.

- Thế ạ, nó trả lời.

Tôi thêm : - Con có muốn ta là ba con không ?

Đứa trẻ quay đi :

- Không, ba con đẹp hơn nhiều.

Tôi hôn hít nó, nước mắt ràn rụa. Nó tìm cách tuồi ra khỏi tay tôi và kêu lên :

- Râu ông làm con đau lắm.

Lúc ấy tôi đặt nó lên lòng và mắt trìu mến nhìn nó, tôi hỏi :

- Ma-ri, con có biết đọc không ?

- Có ạ, nó trả lời. Con biết đọc. Mẹ con cho con đọc những bức thư của mẹ.

- Này, thế con thử đọc xem, tôi vừa nói vừa đưa cho nó một mẩu giấy nó đang vo viên cầm trong bàn tay nhỏ.

Nó lúc lắc cái đầu xinh đẹp :

- A, nhưng con chỉ đọc được những bài ngụ ngôn thôi.

- Con cứ thử xem. Đây này, con đọc thử xem.

Nó giở tờ giấy ra và tay đặt lên chữ, bắt đầu đánh vần:

- Lờ... ênh.., lệnh... nặng lệnh..

Tôi giật tờ giấy ra khỏi tay nó.

Đây là lệnh xử tử tôi. Bà vú của nó đã mua tờ giấy đó một xu. Nhưng đối với tôi tờ giấy đó đắt hơn nhiều.

Tôi không còn lời để miêu tả điều tôi cảm thấy nữa. Vẻ dữ dội của tôi khiến nó gần như khóc. Đột nhiên nó bảo tôi :

- Trả con tờ giấy đây, để con chơi cơ.

Tôi đưa nó cho bà vú

- Bà đưa nó về.

Tôi ngã xuống trên ghế, cảm thấy mình buồn chán, cô đơn tuyệt vọng. Bây giờ thì họ phải đến thôi, tôi không còn ràng buộc với cái gì nữa, thớ thịt cuối cùng của con làm tim đã bị đứt. Tôi chỉ còn thích hợp với cái mà họ sắp làm.

XLIV​

Ông linh mục thật là tối bụng. Cả người gác ngục nữa. Tôi thấy hình như họ đã ứa nước mắt khi tôi yêu cầu mang con của tôi đi.

Thế là hết. Bây giờ điều cần thiết là tự tôi, tôi phải cứng lên và can đảm nghĩ tới đao phủ, tới cái xe ba gác và những người lính sen đầm, tới dám đông đứng trên cầu, ngoài bến, bám vào của số, tất cả những cái gì vì tôi mà có mặt trên quảng trường Grevơ u ám, là nơi co thể lát được bằng đầu những người mà nó đã trông thấy rơi xuống.

Tôi nghĩ rằng tôi còn một giờ để làm các việc đó.

XLV​

Tất cả đám đông đó sẽ cười, sẽ vỗ tay, sẽ hoan hô. Và giữa tất cả những con người tự do và không quen biết gì với nhà ngục đó, những con người đang vui vẻ chạy tới cuộc hành hình, trong đám đầu người nghìn nghịt phủ đầy Quảng trường sẽ có không ít những cái đầu tiền định sớm muộn sẽ theo tôi rơi vào cái giỏ đó. Không ít người đến vì tôi, sẽ cũng đến vì họ.

Cho những con người tiền định đó, trên một điểm nào đó của quảng trường Grevơ, sẽ có một nơi tiền định, một trung tâm hấp dẫn, một cái bẫy. Họ sẽ quay xung quanh nơi đó cho đến khi họ vào được.

XLVI​

Bé Mari của tôi – Người ta đem nó ra đi chơi rồi, nó đang nhìn đám đông qua cửa kính xe ngựa và không còn nghĩ đến cái ông ấy nữa.

Có lẽ may ra tôi còn ít thời gian đề viết vài trang cho nó, để nó có thể đọc một ngày nào đó và để nó sẽ khóc, mười lăm năm sau nữa, cho ngày hôm nay.

Phải, tôi phải biết cách làm cho nó hiểu câu chuyện của đời tôi, và cho nó rõ lý do tại sao họ tên tôi để lại cho nó lại vấy máu.

XLVII​

Câu chuyện đời tôi

Chủ thích của nhà xuất bản. Người ta chưa tìm được những tờ giấy gắn với phần này. Có lẽ, như những trang sau có vẻ chỉ ra, người tử tù đã không còn thì giờ viết nữa. Lúc nghĩ ra điều này thì đã quá muộn.



XLVIII​

Trong một phòng của Tòa Thị Chính.

Trong Tòa Thị Chính. Như vậy là tôi đang ở đấy. Cuộc du hành đáng ghét đã kết thúc. Quảng trường đã ở kia và phía dưới cửa sổ này, đám người đáng tởm đang sủa, đang đòi tôi và nói cười. Ban nãy mặc dù tôi đã cứng người lại, cố lên gân, tôi vẫn không chịu nổi. Tôi yêu cầu được khai một lần cuối. Họ đánh để tôi ở đây và đi tìm ông đại diện của nhà vua. Tôi đang đợi ông ta và như vậy cũng vẫn là thắng.

Sau đây là những việc vừa xảy ra.

Chuông đánh ba giờ thì người ta bảo với tôi rằng đã đến giờ. Tôi run lên như thế từ sáu giờ, từ sáu tuần, từ sáu tháng nay, tôi chỉ nghĩ đến việc khác. Cái người ta nói vẫn có một cái gì đó bất ngờ đối với tôi.

Họ đã bắt tôi đi qua những hành lang dài rồi xuống các cầu thang của họ. Họ đã đẩy tôi vào giữa hai hành lang lầng dưới, ở một căn phòng tối, hẹp, trần thấp, le lói sáng, nhờ ánh sáng một ngày trời mưa và mù ; một cái ghế đặt giữa phòng, họ nói tôi ngồi xuống, tôi đành ngồi xuống.

Cạnh cửa và men tường có mấy người đang đứng, ngoài linh mục và lính sen đầm, còn có ba người nữa.

Người đầu tiên, người to nhất, già nhất, trông béo tốt, mặt đỏ gay. Hắn mặc một cái áo rơđanhgốt, và đội một cái mũ ba cạnh đã méo. Đó chính là hắn. Chính là tên đảo phủ, lên hầu máy chém. Còn hai người kia là những người ét của hắn.

Tôi vừa ngồi xuống, hai tên kia đến gần tôi, từ phía sau, như những con mèo, rồi bất thình lình tôi cảm thấy lạnh như thép trên gáy tôi, và những cái kéo kêu ken két bên tai tôi.

Tóc tôi, cắt lung tung, rơi thành từng mớ trên vai tôi, người đội mũ ba góc phủi phủi nó với bàn tay to tướng của y.

Xung quanh tôi, người ta nói rất khẽ. Phía ngoài có một tiếng rì rầm, như thể có một sự chuyển động trong không khí. Trước tôi tưởng là tiếng sông chảy, nhưng khi nghe có nhịp cười vang lên, tôi nhận rõ đó là đám đông.

Một chàng thanh niên, đang viết ngay trên cửa sổ, bằng bút chì, trên một cái cặp, hỏi người gác ngục là việc người ta đang làm gọi là thể nào.

- Trang phục cho người bị xử tử, tên kia trả lời.

Tôi hiểu rằng ngày mai sẽ có điều này trên báo.

Đột nhiên, một trong hai tên ét lột áo tôi ra, còn tên kia cầm lấy những cánh tay buông thõng của tôi, kéo ra phía sau, và tôi cảm thấy những vòng của một sợi dây thừng quấn quanh cổ tay chụm lại của tôi. Cùng một lúc, tên kia tháo cà vạt của tôi ra. Cái áo sơ-mi bàng batixtơ (1) mảnh duy nhất còn lại của thằng tôi xưa kia, hình như làm cho hắn ta do dự một chút, nhưng rồi hắn lại rạch cổ áo của tôi.

Đến cái chi tiết chuẩn bị kinh khủng này, giật thót mình lên khi thấy thép chạm vào cổ, khuỷu tay tôi đã run lên và tôi thốt lên một tiếng rên khẽ. Tay của tên đao phủ hơi run lên.

- Thưa ngài, hắn nói, xin lỗi ! tôi có làm ngài đau không ?

Những tên đảo phủ này là những con người cực kỳ hiền dịu !

Phía ngoài, đám đông lại thét to hơn.

Lão to béo mặt đầy mụn, mời tôi ngửi một cái mùi xoa tẩm dấm.

- Cám ơn, tôi nói to, hết sức bình tĩnh, không cần thiết, tôi vẫn bình thường.

Lúc ấy một trong hai tên cúi xuống và buộc chân tôi bằng một sợi dây thừng nhỏ và lỏng, chỉ cho phép tôi bước những bước ngắn. Cái dây đó nối liền với dây buộc tay tôi.

Rồi tên to béo ném cái áo vét lên lưng tôi và buộc hai tay áo xuống dưới cằm tôi. Tất cả những thứ gì hắn cần làm đều đã xong.

Lúc ấy lính mục đến cạnh tôi với cây thánh giá :

- Nào, con ơi, ông ta nói.

Những tên ét đỡ tôi dưới nách. Tôi đứng dậy và bước đi. Bước chân của tôi mềm nhũn và khụy xuống như thể mỗi cẳng chân của tôi có hai đầu gối.

Vừa lúc đó, cánh cửa ngoài mở cả hai cánh ra. Một tiếng ầm dữ dội, không khí lạnh và ánh sáng trắng dội vào tôi ở trong bóng tối. Từ phía hành lang tối tăm, đột nhiên tối nhìn thấy tất cả một lúc, qua làn mưa, những đầu người đang kêu thét, nghìn nghịt chất đống trên lan can của cầu thang lớn Viện Tư pháp ; ở phía bên phải, ngang với bậu cửa, một hàng ngựa mà cánh cửa thấp chỉ cho tôi thấy ức và chân trước ; phía trước mặt tôi là một phân đội lính ở tư thế chào ; phía trái là mặt sau của một cái xe, dựa vào xe là một cái thang cứng – một bức tranh hãi hùng, đóng khung trong một cửa ngục.

Chính cho cái thời điểm đáng sợ ấy mà tôi còn giữ được chút lòng can đảm. Tôi bước đi ba bước và hiện lên trên cửa khám.

- Đây rồi ! Hắn đây rồi ! Đám đông thét lên, hắn ra rồi ! chờ mãi !

Những người gần tôi nhất vỗ tay. Dù yêu một ông vua tới mức nào chăng nữa, cũng không thể nhiệt tình hơn.

Mà đó chẳng qua chỉ là một cái xe ba gác bình thường với một con ngựa gầy và một người đánh xe mặc áo khoác nền xanh, hoa đỏ, giống như những người bán rau vùng quanh Bixêt’ rơ.

Người to béo đội mũ ba góc leo lên đầu tiên.

- Chào ông Xămxông, đám trẻ con treo lủng lắng ở hàng rào kêu lên.

Một người hầu đi theo.

- Hoan nghênh, Mácđi, trẻ con lại kêu lên.

Cả hai người leo lên ghế trước.

Đến lượt tôi. Tôi trèo lên một cách khá can đảm.

- Trông anh ta khá đấy, một người đàn bà nào đứng cạnh lính sen đầm nói vậy.

Lời khen tàn ác đó khiến tôi can đảm hơn. Ông linh mục đến ngồi cạnh tôi. Người ta đặt tôi ngồi phía sau lưng quay lại với con ngựa. Tôi rùng mình vì sự săn sóc cuối cùng này.

Họ đặt vào đấy cả lòng nhân đạo.

Tôi muốn nhìn xung quanh tôi. Hiến binh đằng trước, hiến binh đằng sau. Rồi đám đông, đám đông và đám đông trên quảng trường, một biển người.

Một đảm lính sen đầm cưỡi ngựa đợi tôi ở cửa hàng rào Viện.

Viên sĩ quan ra lệnh. Cái xe và đoàn người đi theo cùng cử động như bị tiếng thét của đám đông đẩy ra phía trước.

Người ta đi qua hàng rào. Lúc xe quay về phía cầu Pông đờ Sănggiơ, quảng trường vang lên một tiếng động lớn, từ mặt phố cho lên đến mái nhà. Và các cầu, các bến trả lời lại trong một tiếng vang, rền như tiếng sấm.

Chính lúc đó mà phân đội nhập vào đoàn tùy tùng.

Ngàn miệng cùng thét lên :

- Bỏ mũ, bỏ mũ ra ! Như để chào hoàng đế !

Lúc ấy tôi cũng cười một cách kinh khủng và nói với linh mục :

- Họ thì cất mũ, còn tôi thì cất đầu.

Xe đi nước kiệu.

Bến Hoa thơm ngát, hôm nay là phiên chợ.

Những người bán hoa đã bỏ mặc các bó hoa để xem tôi.

Phía đối diện, trước Tòa vọng lâu ở góc Viện Tư pháp một chút, có những quán rượu mà các gác lửng chật ních những người xem, nhất là phụ nữ, sung sướng vì có chỗ ngồi tốt.

Ngày hôm nay đúng là ngày bở béo đối với các chủ quán.

Người ta thuê bàn, thuê ghế, thuê cả giàn giáo và xe bò. Tất cả nặng trĩu người xem. Có những người buôn máu người kêu vang :

- Ai mua chỗ ngồi !

Tôi đột nhiên nổi điên lên với đám người này. Tôi muốn kêu lên :

- Ai mua chỗ tôi ?

Trong khi đó, xe vẫn tiến lên. Mỗi bước nó tiến lên, đám đông lại vỡ ra phía sau tôi, và đôi mắt ngây dại của tôi nhìn thấy nó lại hình thành trên những điểm khác của con đường tôi đi qua. Đến cầu Pông đờ Sănggiơ, tôi ngẫu nhiên nhìn sang bên phải phía sau tôi. Mắt tôi dừng lại phía bên kia, trên các tầng nhà, có một tòa vọng lâu đen, đơn độc, lởm chởm những chạm trổ, trên đỉnh tòa vọng lâu đó, có hai con quái vật ngồi nghiêng.

Tôi không rõ tại sao tôi lại hỏi linh mục xem tòa vọng lâu đó gọi là gì.

- Xanh Giắc La Busơri (2), tên đao phủ trả lời.

Tôi không hiểu sao lại như vậy nhưng trong sương mai, và mặc dù mưa lăn phăn trắng xóa đang chăng trên không trung một mạng lưới mỏng như mạng nhện, không một cái gì xảy ra quanh tôi mà tôi không nhận thấy. Mỗi chi tiết là một sự tra tấn đối với tôi. Từ không còn đủ đề biểu hiện xúc cảm nữa.

Đến giữa cầu Pông đờ Sănggiơ, rộng và bộn người đến mức chúng tôi không lách qua được, đột nhiên tôi cảm thấy ghê tởm một cách khinh khủng. Thật là hư vinh tột đỉnh, nhưng tôi sợ là sẽ bị ngất. Lúc ấy tôi tìm cách tự làm cho mê muội đi để như câm như điếc đối với mọi sự, trừ đối với linh mục mà tôi vẫn còn loáng thoáng nghe thấy những lời khuyên giải xen lẫn với tiếng hò la của đám đông.

Tôi đã cầm lấy cây thánh giá và hôn nó.

- Cầu xin Cha, Người hãy thương lấy con, tôi lẩm bẩm và cố đắm mình vào ý nghĩ đó.

Nhưng mỗi lần xóc, cái xe lại lay mạnh cả người tôi. Đột nhiên tôi cảm thấy người lạnh toát. Mưa đã thấm vào quần áo tôi, và làm ướt da đầu tôi qua làn tóc cắt ngắn.

Linh mục hỏi tôi :

- Con lạnh hay sao mà run lên thế con ?

- Vâng, thưa cha, tôi trả lời.

Than ôi, không chỉ có vì lạnh

Phía rẽ qua cầu, có những người đàn bà tỏ ý thương tôi vì còn trẻ quá.

Chúng tôi đã đi tới cái bến định mệnh. Tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tất cả các giọng nói, các cái đầu ló ra cửa sổ, cửa ra vào, qua song sắt các cửa hàng, bên cột đèn, những người xem hau háu và tàn ác, đám đông ở đó ai cũng biết tôi mà tôi chẳng biết ai, con đường đi lát đầy và khóa kín bằng mặt người... Tôi như say, như dại, như điên. Sức nặng của bao nhiêu mắt nhìn trên gương mặt anh quả là một điều không sao chịu nổi.

Tôi lảo đảo trên ghế, không chú ý đến cả vị linh mục và cây thánh giá nữa.

Trong tiếng ồn ào bao quanh tôi, tôi không còn phân biệt được đâu là tiếng thương xót, đâu là tiếng kêu vui, đâu là tiếng cười, đâu là tiếng than khóc, đâu là tiếng người, đâu là tiếng động, tất cả đều thành một tiếng ầm ầm vang lên trong óc tôi như một tiếng kèn đồng.

Như một cái máy, mắt tôi đọc thấy các tấm biển treo trên các cửa hiệu. Một lần, sự tò mò kỳ lạ khiến tôi muốn quay đầu lại và nhìn xem tôi đang tiến tới cái gì, Đó chỉ là lần cuối cùng trí óc tôi còn dám thách thức. Nhưng người tôi không chịu tuân theo, gáy tôi vẫn tê liệt và gần như chết từ trước.

Tôi chỉ thoáng thấy phía bên trái tôi, bên kia bờ con sông là tòa vọng lâu của Nhà Thờ Đức Bà, nhìn từ phía tôi, tòa này che tòa kia. Đó là tòa trên đó có cắm cờ. Ở đấy, đông người lắm và chắc họ nhìn rõ lắm.

Và cái xe cứ đi, cứ đi, và các cửa hiệu cứ hối đuôi nhau, và các tấm biển kế tiếp nhau, cái thì bằng chữ viết tay, cái thì sơn, cái thì mạ vàng và đám đông lại cười, lại dẫm chân trong bùn, và tôi lại bỏ mặc mình mê đi như những người, thiếp đi trong cơn mê ngủ của họ.

Đột nhiên, chuỗi dài các của hàng đang diễn ra trước mắt tôi, bị cắt ở một góc quảng trường, tiếng của

đám đông lại trở thành rộng lớn hơn, xôn xao hơn, vui hơn nữa, xe đột nhiên dừng lại. Và suýt nữa thì tôi ngã dập mặt xuống sàn xe. Linh mục đỡ lấy tôi và thì thào : Can đảm lên ! Lúc ấy người ta mang một cái thang đặt vào phía sau xe, linh mục khoác tay tôi, tôi bước xuống, rồi tôi bước đi một bước, rồi tôi quay lại định bước bước nữa nhưng tôi không thể. Giữa hai cái cột đèn ở phố, tôi vừa trông thấy một vật kinh khủng.

Ôi, đó chính là thực tế.

Tôi dừng lại như đã trượt ngã rồi dưới nhát dao :

- Tôi còn phải khai lần cuối, tôi yếu ớt kêu lên.

Người ta đã đưa tôi lên đây. Tôi xin được viết những nguyện vọng cuối cùng. Họ đã cởi trói cho tôi, nhưng cái dây thừng vẫn ở đây, sẵn sàng, và các thứ khác vẫn ở phía dưới.

1) Vải mịn.

(2) Xanh Giặc tàn sát



XLIX​

Một thẩm phán, một viên cầm hay một quan tòa tôi chẳng hiểu loại nào nữa, vừa đến. Tôi quỳ xuống, tay chắp lại xin được ân xá. Y vừa cười một cách bí ẩn vừa hỏi tôi xem có phải đấy là tất cả điều tôi muốn khai với y không.

- Ân xá ! tôi xin được ân xá ! tôi lặp lại, hoặc xin rủ lòng thương cho tôi sống năm phút nữa.

Biết đâu, có thể tôi sẽ được ân xá ! Chết vào tuổi tôi thật là quá kinh khủng. Phút cuối cùng vẫn có những lệnh ân xá được ban ra. Và thưa ông, họ ân xá cho ai nếu không phải là tôi !

Tên đao phủ đáng nguyền rủa ! Hắn đến gần quan tòa để nói rằng việc xử tử phải diễn ra trong một giờ nào đó, rằng cái giờ đó đã đến gần và hắn phải chịu trách nhiệm, vả chăng trời mưa, cái đó có thể bị han dỉ.

- Này, xin rủ lòng thương, một phút thôi để đợi xem có ân xá không, nếu không cho tôi sẽ tự bảo vệ, tôi

sẽ cắn.

Quan tòa và tên đao phủ đi ra. Tôi còn lại một mình – một mình với hai người lính sen đầm.

Ôi, đám đông kinh khủng với tiếng kêu giống như tiếng con linh cẩu. Biết đâu tôi sẽ thoát khỏi họ ? tôi sẽ được cứu thoát, nếu lệnh ân xá của tôi...? Không thể không ân xá cho tôi được !

A ! Bọn khốn nạn ! hình như chúng đang lên cầu thang...

BỐN GIỜ

ĐẶNG THỊ HẠNH dịch
 
×
Quay lại
Top Bottom