Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(12)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
15
VICHTO HUYGÔ

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI BỊ KẾT ÁN

XIV​

Khi tôi tỉnh lại trời đã về đêm. Tôi đang nằm còng queo trên một cái gi.ường xiêu vẹo, một cái đèn lung lay trên trần cho tôi thấy nhiều cái gi.ường như vậy đặt cạnh gi.ường tôi.

Tôi tỉnh giấc và trong một vài phút không nghĩ gì, không nhớ gì, hoàn toàn chỉ còn thấy hạnh phúc được nằm trên một cái gi.ường. Tất nhiên trong những lúc khác, cái gi.ường y xá và nhà tù này làm cho tôi kinh tởm và thương xót, nhưng tôi không còn là con người trước đây nữa. Chăn thì xám xịt và khi sờ vào thì cứng ráp, vỏ chăn mỏng và thủng lỗ chỗ, người ta ngửi thấy mùi rơm của cái đệm ; mặc kệ, chân tay tôi có thể dãn ra giữa các cái chăn thô nhám này, dưới cái vỏ chăn, dù có mỏng đến mấy tôi vẫn cảm thấy đỡ bị cái lạnh xương sống ghê người mà tôi thường cảm thấy. Tôi ngủ thiếp đi.

Một tiếng động lớn đánh thức tôi dậy. Trời vừa hửng sáng. Tiếng động đến từ phía ngoài sân, gi.ường tôi ở ngay cạnh cửa sổ, tôi ngồi dậy để xem có cái gì xảy ra.

Cửa sổ này trông ra sân to của Bixêt’ rơ. Sân đang đầy người, hai dãy lính cựu khó khăn lắm mới giữ được một lối đi nhỏ qua sân giữa cái đám đông đó. Giữa hai dãy lính, có năm chiếc xe bò đầy người đang đi từ từ mỗi lần vấp phải đá lại nẩy lên : đó là những người tù khổ sai đang ra đi.

Những chiếc xe bò nấy không có mũi. Mỗi coocđông (1) ngồi trên một cái xe. Tù khổ sai ngồi mỗi người một bên xe, lưng tựa vào nhau, giây xích ngăn ở giữa và rải ra trên cả chiều dài của cái xe. Ở đầu xe là một cai ngục đang đứng tay cầm cái đuôi xích. Người ta nghe thấy tiếng xiềng xích loảng xoảng và mỗi lần xe nẩy lên, thì lại thấy đầu họ nẩy lên còn chân buông thõng lúc lắc.

Một làn mưa bụi làm bầu trời lạnh thấm thía, và quần bằng vải xám của họ dán vào đầu gối, chuyển thành màu đen. Râu dài, tóc ngắn, nước mưa chảy ràn rụa khiến mặt họ tím lại, họ run bần bật và răng họ đánh lập cập vì tức giận và lạnh. Hơn nữa, họ không thể cửa quạy vào đâu được. Một khi đã bị vứt vào cái dây xích đó, họ chỉ còn là một bộ phận của cái tổng thể đáng sợ mà người ta gọi là Coócđông ; cái này cử động như một người duy nhất. Thông minh phải chịu thua, cái cùm của nhà tù đã xử tử hình nó, còn về con vật, thì nó chỉ được phép có những nhu cầu và những thèm muốn vào những giờ đã định. Như vậy, phần lớn cởi trần, đầu không đội mũ, chân buông thõng, bất động, họ bắt đầu một cuộc hành trình hai mươi lăm ngày, vẫn ngồi trên những chiếc xe bò ấy, vẫn mặc những áo quần ấy cho mặt trời chì tháng bảy hay những cơn mưa lạnh tháng chín...

Giữa đám đông và chiếc xe bò đã thiết lập một đối thoại gì đó cực kỳ đáng tởm, một phía là chửi rủa, phía kia là thách thức, và ở cả hai phía là hò la, nhưng chỉ cần một cử chỉ ra hiệu của viên đại úy là tôi thấy gậy rơi như mưa xuống các xe bò, trên lưng hay trên đầu bất kể, và tất cả trở lại xứ sở của cái yên lặng bên ngoài mà người ta gọi là trật tự. Mặt của những con người khốn khổ đầy oán hận và người ta trông thấy các nắm đấm nắm lại trên đùi.

Năm chiếc xe bò có sen đầm cưỡi ngựa và những cai ngục đi kèm lần lượt biến mất dưới cánh cửa vòm cao của khu Bixêt’ rơ, một cái thứ sáu đi sau trong có chất lộn tùng phèo nồi niêu, ca men bằng đồng và dây xích để thay thế. Vài gác ngục còn nán lại ở càng tin chạy vội theo cho kịp. Đám đông tản đi. Tất cả quang cảnh ấy tan biến đi như trong thuật ảo đăng.

Người ta nghe thấy tiếng bánh xe nặng nề và tiếng vó ngựa yếu dần trên con đường lát đá của Phông- tenơblô, cả tiếng roi đen đét, tiếng la hét của đám đông đang cầu chúa cho cuộc du hành của những người tù.

Và đó đối với tôi chỉ mới là khởi đầu. Luật sư nói với tôi điều gì vậy ? Tù khổ sai ? À phải, một nghìn lần chết còn hơn, máy chém còn hơn là nhà tù; hư vô còn hơn là địa ngục ; thà phó mặc cổ tôi cho con dao của Guyôtanh (2) còn hơn là cho nó vào vòng xích cổ nhà tù.

Trời ! Nhà tù khổ sai !

(1) Giây người.

(2) Các sĩ Pháp thế kỷ XVIII đã nghĩ ra máy chém.



XV​

Không may, tôi lại không ốm. Ngày hôm sau, phải ra khỏi y xá. Nhà tù lại lấy lại tôi.

Không ốm! Đúng thế, tôi trẻ, lành mạnh và khỏe. Máu đang tự do chảy trong mạch của tôi, chân tay làm theo mọi ý muốn của tôi, tôi khỏe về cơ thể và về trí óc, cho một cuộc sống dài, vâng, đó là sự thật, tuy vậy, tôi bị một cái bệnh, một cái bệnh hiểm nghèo, bệnh do tay con người gây ra.

Từ khi tôi ra khỏi y xá, tôi có một ý nghĩ chua xót ! một ý nghĩ làm tôi điên người, đó là đáng lẽ tôi có thể trốn thoát nếu người ta mặc cho tôi làm. Y sĩ và các bà xơ có vẻ quan tâm đến tôi. Chết trẻ như vậy và chết kiểu ấy ! Khi họ săn sóc tôi, dường như họ thương xót cho tôi. Ôi, chắc là vì tò mò thôi, vả chăng những con người chữa bệnh này, chắc chỉ có thể chữa cho anh khỏi một cơn sốt, còn không thể khỏi một cái án tử hình. Mặc dù vậy, đối với họ việc này thật dễ, chỉ cần một cánh cửa đề ngỏ. Điều ấy can gì đến họ.

Bây giờ thì không còn hy vọng nữa. Lời chống án của tôi sẽ bị bác bỏ vì tất cả đều đã vào khuôn phép : những nhân chứng đã làm chứng rất tốt, những người bảo vệ đã cãi tốt, những quan tòa đã xử tốt. Tôi không chờ mong gì nữa, trừ phi... Ôi, điên rồ ! không còn hy vọng nữa. Kháng án, đó là một cái giây treo trên vực thẳm, mà mỗi lúc người ta nghe kêu răng rắc cho đến khi đứt hẳn, cứ như thế lưỡi dao máy chém để đến mấy tuần mới rơi xuống.

Thế nếu tôi được ân xá ? Được ân xá ! Do ai ? Nhờ đâu ? Bằng cách nào ? Người ta không thể ân xá cho tôi. Phải làm gương ! Như họ nói.

Tôi chỉ còn ba bước để đi : Bixêt’ rơ, Côngxecgiơri, Quảng trường Grevơ.

XVI (1)​

(............)

(1) Chương này đề cập đến ý nghĩa của một bài hát nhà tù bằng tiếng lóng

.

XVII​

Ôi ! nếu tôi trốn thoát, tôi sẽ chạy qua các cánh đồng nhanh đến thế nào!.

Không, không nên chạy. Cái đó khiến ngưrời ta nhìn và nghi ngờ. Ngược lại, phải đi thong thả, đầu ngửng lên, vừa đi vừa hát. Cố gắng mặc được một cái áo khoác xanh có hoa đỏ. Cái đó cải trang tốt. Tất cả những người bán rau vùng này đều mặc như vậy.

Tôi biết ngay cạnh Acơi có một lùm cây, cạnh một bãi lầy, trước đây khi còn đi học trường dòng, tôi thường đến đấy câu ếch với bạn bè những ngày thứ năm. Tôi sẽ trốn ở đấy cho đến chiều tối.

Đêm đến, tôi sẽ trốn tiếp. Tôi sẽ đến rừng Vanhxen. Nhưng không, tôi sẽ không qua sông được. Tôi sẽ đến Acpagiông vậy. Hay có lẽ đi về phía Xanh Giecmanh tới cảng Lơ Havrơ và xuống thuyền qua Anh? Mặc kệ, tôi vẫn tới Lônggiuymô. Nhưng một tên lính sen đầm đi qua, y hỏi giấy hộ chiếu... Tôi nguy rồi !

Ôi, con người mơ mộng khốn khổ, trước hết hãy phá vỡ bức tường dầy ba piê giam giữ này. Chết, chết mà thôi !

Khi tôi nghĩ rằng tôi đã tới đây khi còn nhỏ, ở Bixêt’ rơ, để xem cái giếng lớn và những người điên.

XVIII​

Trong khi tôi đang viết các điều này thì đèn tôi đã lụi, ngày đã tới, chuông nhà thờ điểm sáu giờ.

Thế này là thế nào ? Người trực gác vừa bước vào phòng giam của tôi, anh ta bỏ mũ cái két, chào tôi, xin lỗi rằng đã làm phiền tôi và : cố dịu giọng nói thường thô lỗ của anh ta, anh ta hỏi tôi xem muốn ăn sáng như thế nào ?

Đột nhiên tôi rùng mình. Có phải đúng ngày hôm nay không ?

XIX​

Đúng là ngày hôm nay rồi !

Đích thân Giám đốc nhà giam vừa đến thăm tôi. Ông ta hỏi tôi xem ông ta có thể làm gì giúp tôi, để tôi cảm thấy dễ chịu ; Tỏ ý muốn là tôi sẽ không phàn nàn gì về ông ta và các cấp dưới của ông, ông ta đã hỏi han một cách đầy vẻ quan tâm đến sức khỏe của tôi và về việc tôi đã qua đêm vừa rồi ra sao ; khi từ biệt tôi, ông ta đã gọi tôi là ngài.

Đúng là ngày hôm nay rồi !

XX​

Người gác ngục này không tin rằng tôi phải phàn nàn về ông ta, về các cấp dưới của ông ta. Ông ta nghĩ đúng.

Thật là không phải nếu tôi phàn nàn về họ, họ đã làm đúng nghề nghiệp của họ, họ đã bảo vệ tôi, họ đã rất lễ phép khi đón tôi và khi từ giã tôi. Tôi không vừa lòng sao được ?

Cái người cai ngục tốt bụng kia, với nụ cười hiện dịu của y, với những lời ngọt ngào, cái nhìn vừa nịnh bợ vừa dò xét, với đôi bàn tay to tướng và rộng ngang, đó chính là nhà ngục hiện hình, Bixêt’ rơ hóa thành người ! Tất cả đều là tù ngục quanh tôi ; tôi tìm thấy lại nhà tù dưới mọi hình thái, hình thái người hoặc hình thái lưới sắt, hoặc khóa cửa. Cái tường này, đó là nhà ngục bằng đá, cái cửa này, đó là nhà ngục bằng gỗ, các người gác ngục này, đó là nhà ngục bằng xương bằng thịt. Nhà ngục là một thực thể khủng khiếp, trọn vẹn, không chia cắt được thành nửa nhà, nửa người. Tôi là miếng mồi của nó, nó bao bọc lấy tôi, nó ôm chặt lấy tôi trong các nếp gấp của nó. Nó giam tôi trong các bức tường đá hoa cương, khóa tôi dưới những ổ sắt và theo dõi tôi bằng đôi mắt người cai ngục.

Ôi ! khốn nạn cho tôi ! tôi sẽ trở thành cái gì ? Họ sẽ biến tôi thành cái gì ?

XXI​

Bây giờ thì tôi bình thản lại. Tất cả đều đã kết thúc, thực sự kết thúc. Tôi đã ra khỏi nỗi lo âu kinh khủng sau khi ông giám đốc vào thăm. Bởi vì tôi thú thực, lúc ấy tôi còn hy vọng. Còn bây giờ, lậy Chúa, tôi hết hy vọng rồi.

Đây là việc xẩy ra :

Lúc điểm sáu giờ ba mươi – không, sáu giờ mười lăm phút, cửa phòng giam mở ra. Một cụ già tóc bạc, mặc áo rơđanhgốt sẫm bước vào. Ông ta cởi áo ra, tôi trông thấy một cái áo dòng, một cái cổ bẻ ra ngoài áo. Đó là một linh mục.

Linh mục không phải là cha tuyên úy của nhà ngục. Điều đó thật đáng sợ.

Ông ấy ngồi trước mặt tôi, nở một nụ cười khoan dung rồi ông ta lắc đầu và ngửa mặt lên trời, nghĩa là lên trên trần phòng giam. Tôi hiểu ra :

- Con ơi, ông ta nói, con đã được chuẩn bị chưa ?

Tôi yếu ớt trả lời :

- Con chưa được chuẩn bị, nhưng con sẵn sàng.

Trong khi đó, mắt tôi mờ đi, người tôi toát mồ hôi, tôi cảm thấy thái dương tôi phồng lên và tai tôi kêu ong ong.

Trong khi tôi lảo đảo trên ghế như buồn ngủ thì ông già tốt bụng nói. Ít nhất tôi cho là như vậy thì tôi thấy môi ông ta đụng đậy, tay cử động và mắt sáng lóe lên.

Cửa lại mở ra lần thứ hai. Tiếng ổ khóa lách cách đột nhiên lôi tôi ra khỏi kinh hoàng và ông ta khỏi bài diễn văn .. Một kiểu người lịch sự, mặc y phục đen, đi cùng với ông giám đốc nhà ngục đến trước tôi và kính cần chào tôi. Người đó có một vẻ gì buồn bã một cách chính thống giống như nhân viên các nhà đòn đám ma, ông ta cầm trong tay một cuộn giấy

- Thưa ông, ông ta mỉm cười một cách lịch sự, tôi là thư lại của nhà vua ở Pari. Tôi hân hạnh được mang đến một thông báo của Chưởng lý.

Cơn xúc động đầu tiên đã qua. Tất cả khả năng đối đáp của tôi lại trở lại. Tôi trả lời :

- Đúng ông Chưởng lý là người vẫn luôn đòi xử tử tôi đấy ư ? Thật vinh dự cho tôi xiết bao khi ông ta viết thư cho tôi. Tôi hy vọng rằng cái chết của tôi sẽ làm cho ông ta vui sướng, bởi vì thật đau khổ cho tôi nếu phải nghĩ rằng điều đó lại chẳng là gì đối với ông ta khi ông ta đòi nó một cách nhiệt thành như vậy.

Tôi đã nói như vậy, và tôi lặp lại một cách rắn chắc :

- Thưa ông, ông hãy dọc đi !

Ông ta bắt đầu đọc một văn bản dài, ngân mỗi cuối câu như hát ; và giữa câu thì lại ề à. Đó là nội dung bác bỏ đề nghị kháng cáo của tôi.

- Quyết định sẽ được thực hiện ngày hôm nay ở Quảng trường Grevơ, ông ta nói thêm khi đọc xong, mắt không rời khỏi tờ giấy dán tem. Chúng ta sẽ đi lúc bảy giờ rưỡi tới Côngxegiơri, ngài thân mến, ngài có hạ cố theo tôi không ?

Mấy phút nay rồi, tôi không còn nghe ông ta nói nữa. Giám đốc nhà ngục nói chuyện với linh mục, ông này mắt vẫn dán vào tờ giấy, tôi nhìn ra thấy của vẫn còn hé mở... Ôi, đồ khốn khổ ! có bốn người xử bắn đứng ngoài hành lang.

Viên thư lại lặp lại câu hỏi của ông ta, lần này thì ông ta nhìn tôi. Tôi trả lời :

- Khi nào ông muốn, tùy ông.

Ông ta chảo tôi :

- Tôi vinh dự được đến tìm lại ông trong khoảng nửa tiếng nữa.

Họ để tôi một mình.

Có cách nào để trốn, lạy Chúa, một cách nào đó. Tôi phải trốn. Phải trốn, ngay lúc này, bằng cửa ra vào, cửa sổ, bằng xà nhà, dù tôi có để lại thịt của tôi trên các cây xà.

Ôi thật là bực bội, ma quỷ, đáng nguyền rủa. Phải hàng tháng mới đục được tường với những dụng cụ tốt, còn tôi, tôi không có lấy một cái đinh và một giờ đồng hồ.

XXII​

Ở Côngxécgiơri(1)​

Tôi vừa được thuyên chuyển, theo như từ dùng trong biên bản. Cuộc du hành cũng đáng được kể lại.

Chuông vừa điểm bảy giờ rưỡi thì người thư lại lại đến ở ngưỡng của phòng giam. Thưa ông – y nói – tôi đợi ông. Than ôi ! cả hắn và cả những người khác nữa.

Tôi đứng dậy đi một bước, rồi hình như không thể đi thêm một bước thứ hai, vì đầu tôi nặng trĩu còn chân thì mềm nhũn. Tuy thế, tôi lại gắng được và đi một cách khá vững vàng. Trước khi ra khỏi phòng giam tôi nhìn lại một lần cuối. Tôi yêu phòng giam của tôi mà. Rồi tôi để nó rỗng và mở, cái đó làm cho nó có một vẻ gì rất lạ.

Vả chăng, nó không như vậy lâu gì đâu. Người ta đợi ai đó chiều nay, người giữ chìa khóa nói như vậy, một người tù mà Tòa Đại hình đang tiến hành xét xử vào giờ này.

Đến một chỗ rẽ của hành lang, cha tuyện ủy đến gặp chúng tôi. Ông ta vừa ăn sáng.

Lúc ra khỏi khám, giám đốc thân ái cầm tay tôi và tăng cường thêm bốn người lính cựu để bảo vệ tôi. Trước cửa y xã, một ông già sắp chết kêu lên với tôi : Hẹn gặp lại !

Chúng tôi đã ra đến sân. Tôi thở và cảm thấy dễ chịu.

Chúng tôi không đi ngoài trời lâu. Một cái xe thắng ngựa trạm dừng ở sân ngoài. Đó chính là cái xe đã dẫn tôi đến. Một loại xe mui dài, chia thành hai phần bằng một cái lưới sắt rất dầy, đến mức như đan. Tất cả các xe đó đen bản và bụi đến mức chỉ cái xe đòn đám ma ở bên cạnh cũng giống như một cái song mã thụ chức.

Trước khi tự chôn vùi vào trong cái nấm mồ hai bánh ấy, tôi ném lại một cái nhìn vào cái sân, một trong những cái nhìn tuyệt vọng đến mức có thể khiến các pho tượng đổ sập xuống. Cái sân, một kiểu quảng trưởng nhỏ trồng đầy cây, lại còn nhiều người xem hơn là hồi xem những người tù khổ sai. Lại đám đông rồi !

Giống như hôm ra đi của cái dây chuyền, hôm nay cũng lại mưa lác đác và giá buốt. Cho đến lúc tôi đang viết đây, trời vẫn còn mưa và chắc chắn sẽ mưa cả ngày, cơn mưa sống dai hơn cả tôi.

Các lối đi đều ngập, sâu đầy những bùn và nước. Tôi cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy đám đông phải đứng trong vũng bùn.

Tất cả chúng tôi đều lên xe, người thư lại và người lính sen đầm lên ngăn trước, linh mục, tôi và một người lính nữa ở ngăn sau. Bốn người lính nữa cưỡi ngựa đi quanh xe. Như vậy là trừ người đánh xe, tám người cho một người.

Trong khi tôi bước lên xe, một cụ già tóc hoa râm nói: « Tôi còn thích xem như thế này hơn là đây chuyền».

Tôi khái niệm được điều đó. Đó là một quang cảnh chỉ cần nhìn một cái là nắm được, và nhìn thấy nhanh hơn cũng đẹp và tiện. Không có gì khiến anh lơ đãng. Chỉ một người thôi và ở người có là tất cả nỗi khốn cùng của tất cả mọi người tù khổ sai gộp lại. Như vậy sẽ ít tản mạn hơn. Đó là một thứ nước sắc đặc lại. Nước thơm ngon hơn.

Xe đã chuyển bánh. Qua dưới vòm cửa lớn nó rầm lên một tiếng rồi ra tới phố, và những cánh cửa nặng của Bixêt’ rơ khép lại phía sau nó. Tôi tự cảm thấy bị đem đi trong một cơn bàng hoàng, giống như một người bị ngủ lịm đi không thể cựa quậy hoặc kêu lên nhưng lại thấy người ta đang chôn chính mình. Tôi mơ màng nghe thấy lúm chuông đeo trước cổ ngựa vang lên thành nhịp đều và giật lên như tiếng nấc, tiếng bánh xe sắt nghiền trên đường đá hoặc đụng vào cái hòm xe mỗi lần có ổ gà, tiếng ngựa của những linh sen đầm phi rầm rập xung quanh xe, tiếng roi da kên phần phật trong tay người đánh ngựa, tất cả những cái đó giống như một cơn lốc lôi tôi đi.

Nhìn qua lưới một ổ khóa trước mặt tôi, mắt tôi vô tình gặp một tấm biển in thành chữ lớn phía trên cánh cửa to của Bixêt’ rơ : Nơi an dưỡng tuổi già.

Ôi, tôi tự bảo, lại có người có thể sống già ở đây hay sao.

Và như người ta thường làm lúc dở thức, dở ngủ, tôi quay trở cái ý kiến này theo đủ mọi chiều trong đầu óc tôi đã tê cứng vì đau đớn. Đột nhiên cái xe ngựa, khi đi từ trong phố ra đường lớn bỗng thay hướng nhìn của cái cửa sổ. Tòa vọng lâu của Nhà thờ Đức Bà đã đến in hình vào đấy, xanh mờ mờ trong sương Pari. Ngay tại chỗ, ý nghĩ tôi lại thay đổi. Tôi đã trở thành máy như cái xe. Tiếp theo ý nghĩ về Bixêt’rơ là ý nghĩ về các tòa vọng lâu nhà thờ Đức Bà. Người nào đứng trên Tòa vọng lâu có cắm cái cờ, thì sẽ thấy rõ, tôi tự bảo, mỉm cười một cách ngu xuẩn.

Tôi nghĩ rằng chính vào lúc đó mà người linh mục lại bắt đầu nói chuyện với tôi. Tôi kiên nhẫn để ông ta nói. Trong tai tôi có tiếng động của bánh xe di chuyền, tiếng vó ngựa phi, và tiếng roi của người đánh ngựa. Chẳng qua chỉ là thêm một tiếng động nữa.

Tôi yên lặng lắng nghe vì tiếng rì rầm của những lời đều đều làm đầu óc tôi cứ dần dần thiếp đi như những tiếng rì rào của một giếng nước, và những lời nói đó cứ qua đi trong tôi, đa dạng và vẫn vậy, như những cây du thân hình méo mó đang qua đi trên con đường cái ; bỗng nhiên giọng nói cụt ngủn và nhát gừng của người thư lại ngồi trước tôi làm tôi giật thót dậy :

- Này, ông linh mục, ông ta nói hình như vui vẻ, ông có biết có cái gì mới không ?

Khi nói thế, ông ta quay về phía linh mục. Ông này đang mải nói với tôi những lời bất tận, lại bị tiếng xe. ngựa át đi, không trả lời gì cả.

- Này, này, viên thư lại lại nói, và cất cao giọng lên để át tiếng xe, cái xe ma quỉ thật !

Ma quỉ ! Thực thế !...

Ông ta lần lượt quay về phía linh mục rồi lại quay về phía tôi, nhưng tôi chỉ trả lời bằng cách nhún vai.

- Này, ông ta trả lời, ông nghĩ đến cái gì vậy ?

- Tôi nghĩ rằng, tôi trả lời, chiều nay tôi sẽ không nghĩ nữa.

- À, ra thế, ông ta trả lời, thôi, ông quá buồn ! Cái ông Caxtanh, ông ấy nói chuyện suốt.

Hồi sau một lúc yên lặng :

- Tôi dẫn ông Paravoan đi, ông ta đội mũ cát két bằng rái cá và hút xì gà. Còn cái đám thanh niên La Rôsen, họ chỉ nói chuyện với nhau thôi, nhưng họ vẫn nói chuyện.

Ông ta ngưng một lúc rồi nói tiếp :

- Những người điên ! Những kẻ cuồng nhiệt ! Họ có vẻ khinh tất cả mọi người. Còn về phía ông, chàng trai trẻ ơi, tôi thấy ông thật là ưu tư.

- Trai trẻ ư, tôi trả lời, tôi còn già hơn ông đấy, mỗi khắc trôi đi, tôi già tới một năm.

Ông ta quay trở lại, nhìn tôi một lúc với một sự kinh ngạc ngu ngốc, rồi cười khẩy nặng nề :

- Ôi dào, ông muốn đùa sao đấy, già hơn ông, tôi có thể là ông của ông đấy.

- Tôi chẳng muốn đùa, tôi trang trọng trả lời.

Ông ta mở bao thuốc lá ra,

Thôi đấy, ngài thân mến, đừng giận tôi nhé, hãy hít một hơi thuốc và đừng giận tôi.

- Đừng sợ, tôi không giận ông được lâu đâu.

Lúc ấy, cái hộp thuốc ông giơ ra cho tôi vướng vào cái lưới mắt cáo ngăn giữa hai chúng tôi. Xe lắc lư làm cho nó va mạnh quá rơi ngay xuống chân người lính sen đầm.

- Cái lưới đúng nguyền rủa, người thư lại kêu lên.

Ông ta quay và phía tôi:

- Đấy, tôi có khốn khổ không, thuốc của tôi bị rơi hết rồi.

Tôi cười, trả lời :

- Tôi còn mất nhiều hơn ông !

Ông ta có nhặt thuốc lá, miệng lầm bầm :

- Hơn tôi, điều đó nói thì dễ thôi, không có thuốc cho tới Pa-ri ! Khiếp khủng quá !

Lúc ấy cha tuyên úy an ủi ông ta vài lời, và không hiểu có phải vì lơ đãng không mà tôi thấy hình như đó là đoạn tiếp theo của lời thuyết giáo mà tôi đã nghe phần đầu. Dần dần đối thoại diễn ra giữa linh mục và người thư lại. Tôi để cho họ nói chuyện phía họ, còn tôi, ôti nghĩ về phía tôi.

Khi tới hàng rào, tôi vẫn đang rất bận tâm nhưng tôi vẫn thấy được là Pari có vẻ ầm ỹ hơn thường lệ.

Xe dừng lại một lúc ở Sở thuế nhập thị. Các nhân viên hải quan của thành phố khám cái xe một lúc. Nếu đấy là chở một con cừu hoặc một con bò đến hàng thịt, thì phải ném cho họ một túi tiền, nhưng một cái đầu người không cần đóng thuế. Chúng tôi đi qua.

Đến phố lớn, xe đi nước kiệu qua những phố cũ ngoằn ngèo, của ngoại ô Xanh Macxơ của Xitê, những cái phố cũ rồng rắn và cắt nhau như muôn ngàn lối đi của một ổ kiến. Trên nền đá của những đường phố hẹp, tiếng xe lăn ầm ỹ và gấp tới mức tôi không còn nghe được gì bên ngoài nữa. Nhìn qua cửa sổ vuông nhỏ, tôi thấy hình như làn sóng người đi bộ dừng lại để nhìn vào xe tôi, và có từng đám trẻ con chạy theo vết xe. Có lúc hình như tôi thấy trên các ngã ba, một người đàn ông hoặc một bà già ăn mặc rách rưới, có lúc cả hai gười, mồm há to như để kêu lên những tiếng lớn, tay cầm một tập giấy chữ in mà khách qua đường tranh cướp.

Chuông đồng hồ Pari vang lên tám rưới khi chúng tôi đi qua công Côngxécgiơri. Người tôi lạnh toát khi nhìn thấy cái cầu thang lớn, cái nhà thờ đen và những hành lang tang tóc này.

Khi xe dừng lại, tôi cảm thấy như tim tôi cũng ngừng đập.

Tôi cổ hồi phục lại sức lực : cánh cửa mở ra nhanh như một tia chớp, tôi nhảy ra khỏi cái nhà ngục có bánh xe và đi từng bước dài sâu vào dưới vòm nhà giữa hai hàng lính. Đã có hẳn một đám đông trên con đường tôi qua.

1) nhà ngục trong khu vực Viện Tư pháp.


XXIII​

Chừng nào tôi còn đi dưới những hành lang công cộng của Viện Tư pháp, tôi còn cảm thấy tự do và dễ chịu nhưng tôi mất hết can đảm khi người ta mở ra trước mắt tôi những cảnh cửa thấp, những cầu thang bí mật, những culoa phía trong, những hành lang âm thầm, ở đó chỉ có những người kết án và những kẻ bị kết án mà thôi.

Người thư lại vẫn đi kèm tôi. Còn linh mục thì đi đâu đó và chỉ trở về sau hai tiếng, ông ta có việc riêng

Người ta dẫn tôi đến ông giám đốc là người mà viên thư lại giao tôi tận tay. Đó chẳng qua là một sự đổi chác.

Ông giám đốc yêu cầu ông kia đợi một lát và báo cho ông kia biết rằng ông ta sắp sửa có thứ bàn giao cho ông, để lúc ra về ông dẫn ngay về Bixêt’ rơ. Chắc là người bị kết án sáng nay, người sẽ ngủ trên đống rơm mà tôi không kịp dùng.

- Tốt, viên thư lại nói với giám đốc, tôi sẽ đợi một lát, chúng ta sẽ cùng ghi biên bản một lần, thế là gọn.

Trong khi chờ đợi, người ta giam tôi vào một căn buồng nhỏ sát với buồng giám đốc. Người ta để tôi một mình, khóa kĩ lại.

Tôi không hiểu tôi nghĩ gì, từ bao lâu, bỗng một dịp cười đột ngột và gay gắt vang lên bên tai tôi và kéo tôi ra khỏi cơn mê.

Tôi ngước mắt lên và rùng mình. Tôi không còn phải là người duy nhất ở trong khám. Cùng với tôi, có một người đàn ông khác, một người khoảng 55 tuổi, tầm thước, mặt đầy nếp nhăn, tóc hoa râm, lưng còng, tay chân vậm vạp, mắt xám hơi lác, một nụ cười chua chát trên môi, bẩn thỉu, rách rưới, cởi trần, trông rất tởm.

Hình như cánh cửa đã mở, mửa ra hắn rồi lại đóng lại mà tôi không hay biết. Nếu cái chết cũng đến như vậy thì hay biết mấy.

Chúng tôi nhìn nhau trừng trừng một lúc, ít nhất là trong mấy giây, hắn thì kéo dài nhịp cười giống như tiếng ran, còn tôi vừa kinh ngạc vừa sợ hãi.

- Ông là ai vậy, sau cùng tôi hỏi (1)

- Câu hỏi hay thật, hắn trả lời. Một tên phriốt (2)

- Phriốt nghĩa là gì?

Câu hỏi đó càng làm hắn vui hơn. Hắn phá lên cười và nói :

- Điều đó nghĩa là sáu tuần nữa, nhà ngục sẽ chơi với cái dỏ bằng xoocbon của tớ, giống như nó sẽ chơi với cái trôngsơ của đằng ấy chừng sáu tiếng nữa. Hal Ha! có vẻ là bây giờ đằng ấy hiểu ra rồi đấy.

Quả nhiên tôi tái mét mặt lại và tóc tôi dựng lên. Đó chính là kẻ tử tù kia, người bị kết án của ngày hôm nay, người mà mọi người đang đợi ở Bixêt’ rơ, người nối bước tôi.

Hắn nói tiếp :

- Biết làm thế nào ? Đây là câu chuyện của tớ đây. Tớ là con một tên bợm kỳ cựu, cũng tiếc là Saclô (3) một ngày đẹp lại cất công buộc cà vạt vào cổ ông. Đó là thời còn thịnh cái giá treo cổ, nhờ ơn chúa. Sáu tuổi, tớ đã chẳng còn bố mẹ gì nữa. Mùa hè, tớ vờn trong bụi đường, để họ ném cho tớ qua cửa xe ngựa vài xu. Mùa đông, tớ chạy chân đất trong bùn, vừa đi vừa huýt sáo, tớ thổi vào những ngón tay tím bầm vì lạnh ; người ta trông thấy cả đùi tớ qua vải quần. Đến 9 tuổi tớ đã bắt đầu sử dụng được lusơ (4), thỉnh thoảng tớ lại rạch một cái túi, cuỗm một cái áo khoác, 10 tuổi tớ đã là lính mổ (5). Rồi tớ bắt được mối, 17 tuổi tớ đã đột vòm (6). Tớ đột nhập vào một cửa hiệu, tớ làm khóa giả. Người là tóm tớ. Tớ đã đến tuổi, người tà phái tớ chèo trong thủy quân (7). Tù thì thật cực, ngủ trên ván, uống nước lã, ăn bánh mì đen, đeo một hòn lê ngu xuẩn chẳng dùng làm gì, ăn gậy và phơi nắng. Thêm nữa, bị cạo trọc mà tóc tớ mầu hạt dẻ, đẹp lắm. Mặc kệ. Tớ cũng qua hết. Mười lăm năm, rứt ruột cũng qua. Tớ 32 tuổi. Một buổi sáng họ cho tớ một tờ giấy đi đường và 65 phrăng mà tớ đã thu nhặt được trong mười lăm năm tù khổ sai, mỗi ngày làm mười sáu giờ, mỗi tháng làm ba mươi ngày và mỗi năm mười hai tháng. Mặc kệ, tớ cũng muốn trở thành người lương thiện với 65 phrăng của tớ, và tớ còn có nhiều ý nghĩ tốt dưới mớ áo rách của tớ hơn là người khác dưới cái áo dòng thầy tu của họ. Nhưng quỉ tha ma bắt cái hộ chiếu đi. Nó mầu vàng và ở dưới có đề tù khổ sai mãn hạn. Phải trình cái đó ở bất cứ nơi nào tớ đi qua và cứ tám ngày lại lên trình cho ông trưởng thôn nơi họ bắt tớ ở. Tù khổ sai ! thật là một lời giới thiệu tốt. Tớ làm cho người ta sợ, trẻ con thì chạy trốn, còn người ta khép kín cửa lại. Không ai muốn cho tớ việc làm. Tớ ăn hết 65 phrăng nhưng rồi cũng phải sống. Tớ giơ đôi bàn tay khỏe mạnh của tớ ra, họ đóng của lại. Tớ xin làm công nhật chỉ lấy 15 xu, 10 xu, 5 xu thôi. Không được, làm thế nào ? Một hôm, tớ đói, tớ lấy khuỷu huých vào của kính một hàng bánh mì, tớ tóm lấy một cái bánh còn người bán bánh tóm lấy tớ, tớ không được ăn bánh, và tớ bị đi tù khổ sai chung thân với ba chữ lửa in trên vai. Tớ sẽ cho cậu xem nếu cậu muốn. Người ta gọi cái án đó là tái phạm. Tớ lại trở về chuồng cũ. Người ta giao tớ cho thành Tulông, lần này thì phải đội mũ xanh (8). Phải trốn thôi. Để làm được cái đó, tớ chỉ cần đục hai cái tường, cắt hai dây xích, mà tớ lại có một cái đinh. Tớ trốn đi. Người ta kéo còi báo động bởi vì tụi tớ, cũng giống như giám mục thành Rôm, tụi tớ mặc áo đỏ và người ta bắn đại bác khi chúng tớ ra đi. Đạn của các giám mục bay ra cho chim sẻ. Lần này không có hộ chiếu cũng không có tiền. Tớ gặp bạn đã mãn hạn hoặc đã cắt đứt với giây buộc. Chủ chúng đề nghị tớ nhập bọn. Họ đi giết người trên đường cái lớn. Tớ nhận lời và bắt đầu giết để sống. Đó thường là một cái xe ngựa, một cái xe trạm hoặc một tên lái bò đi ngựa. Người ta lấy liền, để cho con vật hoặc cái xe đi tự do và chôn con người xuống dưới một cái cây, cẩn thận không để thòi chân ra, rồi chúng tớ nhảy nhót trên cái hố để cho đất không có vẻ mới bị đào lên. Tớ già đi như vậy, ở bờ ở bụi, ngủ ngoài trời, bị săn từ rừng này sang rừng khác, nhưng ít nhất là được tự do và mình thuộc về mình. Tất cả đều sẽ kết thúc và thà kết thúc như vậy còn hơn. Cái món buôn dây thừng (9) một đêm tóm được cổ chúng tớ. Các bồ của tớ chạy được, nhưng tớ già nhất, tớ bị giữ lại dưới nanh vuốt của bọn mèo đội mũ đeo lon. Người ta đưa tớ đến đây. Tớ đã trèo lên mọi bực thang trừ mỗi bậc. Ăn cắp một cái mùi xoa hay giết một người, đối với tớ cũng thế, lại áp dụng một án tái phạm nữa, chỉ còn cách là qua tay người thợ gặt (10) nữa thôi, việc của tớ gọn thôi. Quả tình tớ cũng già rồi và không còn làm gì được nữa. Bố tớ đã lấy mụ góa còn tớ, tớ rút lui vào Núi Tiếc thương (11). Thế đấy, bồ ạ.

Tôi gần như ngây khi nghe câu chuyện. Hắn cười to hơn và muốn túm lấy tay tôi. Tôi kinh hãi lùi lại.

- Bồ này, hắn nói với tôi, đằng ấy không có vẻ can đảm. Đừng quá rét (12) trước cái chết. Cậu thấy không, cũng có một lúc khó chịu trên Quảng trường Grevơ thật đấy, nhưng chóng xong thôi. Tớ cũng muốn được ở đấy để vẽ cho cậu cách nhào lộn. Lạy Chúa ! tớ có ý định không chống án nếu hôm nay người ta muốn hái tớ cùng với cậu. Cùng một linh mục sẽ rửa tội cho hai đứa và hưởng nước thừa của cậu đối với tớ cũng thế thôi. Cậu thấy lớ tốt bụng đấy chớ ! Này, nói đi, cậu có muốn không, vì tình bạn ?

Hắn bước thêm một bước nữa đẻ đến gần tôi.

- Thưa ông, tôi vừa nói vừa đẩy hắn ra, xin cám ơn ông.

Hắn lại phá lên cười.

- À, à, thưa ngài, ngài là một hầu tước, chính là một hầu tước.

Tôi ngắt lời hắn :

- Bạn ơi, tôi cần được tĩnh tâm, bạn hãy để mặc tôi.

Vẻ nghiêm trang của tôi khiến hắn trở nên tư lự. Hắn lúc lắc cái đầu hoa râm, đã gần hói trụi rồi hắn gãi, hắn gãi cái ngực trần đầy lông lá dưới cái áo mở.

- Ta hiểu, – hắn lẩm bẩm, ừ tên lợn lòi... (13)

Rồi sau vài phút yên lặng, hắn nói một cách dè dặt :

- Này, ông là một ông hầu tước, được thôi, nhưng ông đang mặc một cái rơđanhgốt tốt sẽ chẳng dùng làm gi cho ông nữa ! Nhà ngục sẽ tước của ông. Ông cho tôi, tôi sẽ bán để mua thuốc lá.

Tôi cởi cái áo khoác ra và đưa cho hắn. Hắn vỗ tay vui như đứa trẻ. Rồi trông thấy tôi chỉ mặc áo sơ mi và run lập cập, hắn nói :

- Ông lạnh đấy, thưa ông, mặc tạm cái áo này vậy, trời mưa và ông sẽ bị ướt, vả chăng, ngồi trên xe bò cũng phải có tư thế.

Nói vậy, hắn cởi cái áo vét thô bằng len xám của hắn và đặt vào tay tôi. Tôi để mặc hắn làm.

Lúc ấy tôi phải dựa vào tường và tôi không hiểu con người này gây trong tôi ấn tượng gì. Hắn xem xét kĩ cái áo khoác tôi cho hắn và mỗi lúc lại kêu lên vì vui sướng !

- Túi mới toanh, cổ không rách, ít nhất được mười làm phrăng, sướng quá, đủ thuốc cho cả sáu tuần.

Cửa mở, người ta đến tìm cả hai chúng tôi để đem vào căn phòng ở đấy các tội phạm chờ giờ xử, còn hắn ta để đưa về Bixêt’ rơ. Hắn đứng vào giữa tốp lính sẽ dẫn hắn đi và nói với món lính sen đầm :

- Này, các ông đừng nhầm nhé, chúng tôi đổi lốt cho nhau nhưng đừng lấy tôi vào chỗ ông ta. Quỉ tha ma bắt đi chứ làm thế là không vừa lòng tôi đâu, bây giờ tôi đã có cái để mua thuốc lá rồi !

(1) Câu chuyện của tên cướp có nhiều tiếng lóng, chúng dịch bằng từ lóng tiếng Việt nếu được, nếu không chúng tôi phiên âm tiếng Pháp.

(2) Tiếng lóng chỉ người bị kết án tử hình

(3) Tiếng lóng chỉ đao phủ

(4) Tiếng lóng chỉ bàn tay

(5) Ăn cắp

(6) Vào nhà ăn cắp

(7) Tù khổ sai (tiếng lóng Pháp)

(8) Khổ sai chung thân

(9) Linh cảnh sát

(10) Đao phủ

(11) Máy chém

(12) Sợ (Tiếng lồng Việt)

(13) Linh mục

XXIV​

Cái lão già xỏ lá, hắn đã tước đoạt của tôi cái áo, bởi vì tôi có cho nó đâu, rồi hắn lại cho tôi cái áo xơ mướp này, cái áo khoác tồi tàn của hắn. Tôi sẽ có cái mã gì trong cái áo này ?

Tôi đã để cho hắn lấy cái áo tôi không phải vì vô tâm hoặc vì bác ái, không, nhưng hắn khỏe hơn tôi. Nếu tôi từ chối, hắn sẽ dùng nắm đấm to tướng đánh tôi. Ôi, thực đấy, bác ái ư ? Lòng tôi đầy những ý nghĩ xấu xa. Tôi muốn lấy tay tôi bóp cổ hắn cho đến chết, tên bợm già, hoặc nghiền nát nó dưới chân tôi.

Tôi thấy lòng đầy uất giận và chua chát. Tôi tin là cái túi mật đã vỡ tung ra rồi.

XXV​

Họ đã dẫn tôi vào một cái khám ở đó chỉ có bốn bức tường với rất nhiều song ở cửa sổ và nhiều ổ khóa ở cửa ra vào, tất nhiên.

Tôi đã xin một cái bàn, một cái ghế và các thứ dùng đề viết. Họ đã đem lại cho tôi tất cả mọi thứ đó.

Rồi tôi lại xin một cái gi.ường. Người gác ngục nhìn tôi một cách ngạc nhiên như để hỏi: « Để làm gì kia

chứ ? ».

Tuy nhiên họ cũng đã dựng cho tôi một cái gi.ường vải trong một góc. Nhưng đồng thời một người lính sen đầm cũng đến gác trong cái mà họ gọi là « phòng tôi ». Có phải vì họ sợ tôi thắt cổ bằng cái nệm không ?

XXVI​

Đã mười giờ.

Ôi, đứa con gái nhỏ tội nghiệp của tôi ! Còn sáu giờ nữa và tôi sẽ chết. Tôi sẽ là một cái gì đó nhơ nhớp, lê lết trên bàn lạnh của các giảng đường giải phẫu, một cái đầu mà người ta sẽ nghiền ra, còn bên kia là một cái thân mà người ta sẽ mổ xẻ, rồi cái gì còn lại người ta sẽ chất đầy vào một cái hòm, và tất cả sẽ đi ra nghĩa địa Clama.

Đó, con thấy không, đó là cái mà người ta sẽ làm đối với cha con, những con người vốn chẳng ghét gì cha, vốn đều thương hại và có thể cứu trợ cha. Họ sắp giết cha, Mari, con có hiểu điều đó không, giết với đầy đủ lương tri, với nghi lễ, vì lợi ích của sự việc ! Ôi lạy Chúa !

Con nhỏ bé đáng thương, cha con đấy, cha con vốn yêu con bao nhiêu, vốn hay hôn con vào cái cổ nhỏ trắng nõn thơm tho của con, vốn thường lấy tay vuốt các búp tóc mềm như lụa của con, hay nâng khuôn mặt xinh đẹp của con lên, hay cho con nhảy trên đùi và mỗi buổi chiêu lại chắp đôi tay bé nhỏ của con lại để con cầu Chúa !

Ai sẽ giúp con làm việc đó bây giờ ? Ai sẽ yêu quý con ? Tất cả trẻ con vào tuổi con đều có bố, trừ con. Đến ngày năm mới, sao con lại có thể mất thói quen có quần áo mới, có đồ chơi đẹp, kẹo và hôn ? Đứa con mồ côi khốn khổ, sao con có thể thôi ăn thôi uống được.

Ôi, nếu các quan tòa này ít nhất được trông thấy con, Mari bé nhỏ xinh đẹp, họ sẽ hiểu rằng không nên giết bố của một đứa trẻ ba tuổi.

Và ngay nếu đứa trẻ đó đã lớn và ra đến đấy thì nó sẽ trở thành một người như thế nào ? Cha nó sẽ là một trong những hồi ức của dân chúng Pari. Nó sẽ xấu hổ vì tôi, vì tên họ tôi, nó sẽ bị người đời khinh bỉ, vứt bỏ, chà đạp do tôi, do tôi là người hết lòng hết dạ thương yêu nó. Ôi Mari bé nhỏ yêu quý của cha ! Có thật không, là con sẽ xấu hổ và ghê tởm vì cha ?

Đồ khốn khổ ! tôi đã mắc tội ác gì, và tôi đã làm gì để cho xã hội mắc tội gì ?

Ôi, có thật tôi sẽ chết trước khi trời tắt không ? Có thật chính tôi không ? Cái tiếng kêu rì rầm mà tôi đang nghe ở phía ngoài, cái tiếng sóng dân vui sướng đang ào lên ở phía các bến, những sen đầm đang chuẩn bị áo mặc trong trại lính, người linh mục mặc áo đen này và con người tay đỏ kia, có phải là cho tôi đấy không ? Cho tôi là kẻ sắp chết, tôi, cũng là người đang sống, đang vận động, đang thở, đang ngồi ở cái bàn này, cái bàn này cũng giống như bất kỳ cái bàn nào khác và để ở một chỗ khác ; sau cùng có phải chính cho cái thằng tôi mà bản thân tôi sờ mó và cảm thấy, trên người cái áo vẫn còn nếp gấp như đây không ?

XXVII​

Nếu tôi còn có thể biết được là cái đó diễn ra ra sao, và trên đó, người ta chết theo cách nào, nhưng khủng khiếp thay tôi lại không biết.

Tên của vật đó thật là đáng sợ và tôi không hiểu tại sao bây giờ tôi còn có sức viết nó ra và đọc nó lên.

Tổng hợp mười chữ cái đó (1), vẻ ngoài và gương mặt nó đúng là phù hợp để dấy lên một ý nghĩ hãi hùng và người y sĩ tai ương đã nghĩ ra nó quả là có một cái tên họ tiền định.

Hình ảnh mà tôi gắn với cái từ gớm guốc đó quả là mơ hồ, không xác định, vì vậy càng tang tóc. Mỗi âm tiết giống như một bộ phận của cái máy. Tôi không ngừng xây và dựng lại trong óc tôi cái sườn nhà quái dị của nó.

Tôi không dám hỏi mọi người về cái đó, nhưng thật là khiếp khủng khi không biết nó ra sao, và vận hành nó thế nào. Hình như có một cái bập bênh và người ta đặt sấp anh trên đó... Ôi, tóc tôi sẽ bạc trước khi đầu tôi rơi xuống !

(1) tiếng Pháp, máy chém: guillotine



XXVIII​

Dù vậy, tôi cũng đã thoáng thấy nó một lần.

Một hôm khoảng mười một giờ sáng, tôi đi xe qua Quảng trường Grevơ. Đột nhiên xe dừng lại.

Trên Quảng trường, người đông nghìn nghịt. Tôi thò cổ ra ngoài cửa xe. Một đám người ô hợp đang chắn lối quảng trường Grevơ, cả bến ; và đàn ông, đàn bà, trẻ con đứng lên trên lan can cầu. Phía trên đầu mọi người, ta thấy một kiểu bục bằng gỗ đỏ có ba người đang lắp.

Một người tội phạm sẽ bị xử tử trong ngày hôm đó, và người ta đang dựng cái máy.

Tôi quay đi trước khi kịp nhìn. Cạnh xe, một người đàn bà nói với một đứa trẻ :

- Này cháu xem, cái dao chưa trơn lắm, họ sẽ bôi sáp vào cái rãnh.

Chắc hôm nay họ đang làm thế. Vừa chuông mười một giờ. Họ đang bôi mỡ vào cái rãnh.

Lần này, hỡi kẻ khốn nạn, tôi sẽ không quay đầu đi nữa.
 
×
Top Bottom