- Tham gia
- 21/7/2011
- Bài viết
- 4.657
Tôi nghe tất cả như một quán tính, hễ lúc nào tôi mở đài và ai đó hỏi tôi "Mấy giờ rồi Liên" thì chẳng cần phải xem đồng hồ, tôi biết lúc đó là mấy giờ ngay lập tức! Ngày đó tôi vẫn biết tự hào về điều ấy...
Tôi không nhớ rõ thời điểm tôi bắt đầu nghe đài là khi nào, chỉ nhớ là một ngày đẹp trời nào đó của năm 1994, ba xuống thị trấn xách về cái cassette thật to, có cái angten có thể kéo cao vút lên trên mới có thể nghe đài của huyện.
Những băng cassette đầu tiên, những ca khúc đầu tiên tôi nghe qua cái loa mà khi đó tôi đã hỏi "Nhiều người như vậy sao họ đứng hát trong cái lỗ nhỏ như vậy hả ba?" - những ca khúc nhạc Trịnh, những bài nhạc tiền chiến, những album Tuấn Vũ, Chế Linh, Hương Lan, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh và những ca sĩ của thời cũ... Nhiều bài hát đã đi cùng với tuổi thơ mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn thuộc như một bài hát tủ, không thể không kể đến mấy bản ruột "Thói đời", "Được tin em lấy chồng", "Áo em chưa mặc một lần", "Vết thù trên lưng ngựa hoang"...
Không còn nhớ chương trình đầu tiên tôi đã nghe là chương trình gì, nhưng tôi biết chắc cái tiếng của chương trình điểm tin buổi sáng lúc 6h "Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội thủ đô Nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hoặc đôi khi là nhạc hiệu của chương trình "Quân đội nhân dân" với "Vì nhân dân quên mình" luôn là cái đồng hồ để tôi bật dậy, à không, chỉ là mở mắt và nằm trên gi.ường nghe đài hoặc hứng chí thì tôi sẽ dậy...
Và chiếc radio gần như "when i was young i listen to the radio ...". Suốt cả buổi sáng tôi và chiếc radio thủ thì với nhau, từ 7h chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi, rồi chương trình "Giáo dục đào tạo" - 7h15, chương trình dành cho thiếu niên nhi đồng 7h30, chương trình dành cho Thanh niên 7h45, chương trình Phụ nữ, Người cao tuổi, Pháp Luật, Sân khấu truyền thanh, "làng vui chơi làng ca hát", "Nhạc quốc tế"... Tôi nghe tất cả như một quán tính, hễ lúc nào tôi mở đài và ai đó hỏi tôi "Mấy giờ rồi Liên" thì chẳng cần phải xem đồng hồ, tôi biết lúc đó là mấy giờ ngay lập tức! Ngày đó tôi vẫn biết tự hào về điều ấy...
Tôi cũng chưa quên cái thói quen ngóng lúc 9h30 hoặc 17h để nghe chương trình văn nghệ dành cho thiếu nhi... mà nhiều khi tôi vẫn tự nhủ có lẽ chính nó đã ươm cho tôi niềm yêu văn yêu thơ và làm cho con người tôi dần sống theo cái thế giới của những bài văn bài thơ trẻ nhỏ.
Ngày đó, tôi và má có chung sở thích là nghe chương trình đọc truyện. Má luôn bảo "truyện đó hay, nhớ tí kêu má", còn tôi thì tất nhiên, cái đầu 9-10 tuổi khiến tôi chưa thể đủ vốn để cảm thụ hết những truyện dài như "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán và một số truyện ngắn mà dư âm còn lại trong tôi giờ chỉ là những lúc chống cằm ngồi nghe....
Tôi yêu nghề thơ, yêu nghề báo từ thuở ấy. Những bài cộng tác liên tục gởi cho chương trình thiếu nhi, những bài văn bài thơ con cóc gởi báo... Tất nhiên là tôi chẳng được đồng nhuận bút nào vì toàn thơ ngô nghê cả mà, trừ một lần được phát trên chương trình thiếu nhi.
Buổi tối, thuở ấy gia đình tôi chưa có tivi, chiếc đài là nơi của 4 con người chụm đầu vào bàn bạc. Những đêm trăng, những khi cúp điện, cả nhà lại trải cái chiếu to ra ngoài hiên, mở radio để vừa nằm vừa nghe... Tôi và thằng em hì hụi đạp xe đua trong đêm trăng ấy, lâu lâu lại nghe má kêu "Về ngủ bay"...
Năm lớp 6, khi đang điều trị tại Trung tâm phục hồi chức năng, tôi đã làm cho nhiều cô bác trong phòng bất ngờ: "Ở quê con có trung tâm dành cho thiếu nhỉ hả ? Sao con thuộc nhiều bài hát vậy, cô nghe con nằm hát mà sao chẳng lặp bài nào?"...
Thực tình là vì bám cái đài cả ngày nên nhạc gì tôi cũng biết. Vẫn cái thói quen tối thứ 2 và tối thứ 4 nghe chương trình dạy hát cho thiếu nhi - nơi đây cho tôi cả quyển sổ nhạc "Tuổi 15", "Tuổi Hồng", "Cánh đồng quê em"... và 12h30 trưa thứ 2 và thứ 5 là chương trình dạy nhạc cho người lớn. Và cho đến bây giờ, nhiều bài mới tôi đã quên nhưng những bài như "Quốc tế ca", "làng tôi" của Văn Cao, "Làng tôi" của Hồ Bắc, Người con gái Pako, Mối tình đầu, Những nẻo đường phù sa... có lẽ vẫn là những ca khúc mà mỗi khi nghĩ đến, tôi vẫn thường mỉm cười nhớ lại...
Lớp 10, tôi chính thức tạm biệt chiếc đài bé nhỏ để về thị trấn trọ học, những ngày học xa nhà đầu tiên ấy, tôi vẫn còn nhớ ba má gọi điện bảo "Để sắm cho con cái đài mini hị". Ba má có lẽ vẫn luôn là người hiểu tôi cần gì và cái gì là thích hợp cho tôi... Nhưng "tiết kiệm", từ đấy tôi tạm xa hẳn tiếng ò è của chiếc đài khi dò sóng, những âm thanh quen thuộc cũng không còn...
Tuổi thơ nào rồi cũng sẽ qua, kỉ niệm nào cũng sẽ chẳng thể trở lại. Tiếng radio những tưởng đã không thể bên cạnh tôi như ngày xưa ấy, thế mà giờ, tôi tìm lại được nó mà cảm giác như tìm lại được người bạn tri kỷ lâu năm.
Tôi không biết liệu trong ký ức của những người bạn đồng trang lứa và những thế hệ sau này, chiếc radio có còn giá trị hay không? Nhưng với tôi, mãi mãi, đó vẫn luôn là một miền ký ức đẹp nhất về tuổi thơ với những âm thanh diệu kỳ của người bạn bé nhỏ!