Hoàn Tuổi Thơ Im Lặng

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Ngày nhỏ,mình rất thích đọc truyện này..Rất mong được đọc trọn bộ..Cuộc sống nông thôn bình dị và dân giã...Cũng có ko ít vất vả,khó khăn...
Mình post đây,mọi người cùng đọc nhé..:KSV@01::KSV@01:

Lời Tác Giả



Kính tặng quê hương.

Tặng các con và các bạn nhỏ.

Tặng những người đã từng nghèo khổ.

NÓI VỚI CÁC CON TÔI ĐÂY VỀ CUỐN SÁCH NÀY
Khánh, Khoa và Khải!
Năm nay là năm 1977
Bố bốn mươi mốt tuổi. Khánh mười lăm, Khoa mười ba. Còn Khải mới lên một. Nhìn vào khoảng cách tuổi các con cũng biết được sự biến đổi của đất nước, của đời bố mẹ trong những ngày qua.
Trải ba mươi năm chiến tranh, nay đất nước vẹn tròn.
Vào một đêm, rồi hai đêm, rồi ba đêm dưới ánh điện vàng vọt,bố có thì giờ ngồi kể chuyện. Nhưng một điều bố thấy: khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố thì Khánh chớp chớp mắt, rồi mắt đỏ lên; đang nói nhiều, trở thành im lặng, đang nghịch ngợm rong chơi trở thành hiền hậu chuyên cần; bài tập nham nhở trở thành chỉn chu; đang ăn mặc lôi thôi diêm dúa trở thành gọn gàng, giản dị... Còn Khoa, vốn đã học giỏi, nết tốt, khi nghe chuyện, đã im lặng lại im lặng hơn, miệng cắn móng tay, đôi mắt to hơi lồi nhìn chằm chằm vào khoảng không. Khoa ít nói, không nói dối, vùi đầu vào bài vở, xem sách và khi nói thì hùng hồn, khúc triết, hấp dẫn, trong sáng.
Còn Khải, nằm ngửa, miệng nhoẻn, chân đập xuống gi.ường bành bạch, chả hiểu cậu ta có thích những chuyện này không? Chắc khi biết nghe chuyện, nó sẽ thích cũng nên.
Bố được đẻ ra ở một xóm nghèo, trong làng trại trương Bắc Ninh. Nơi ấy các con thường gọi là quê nội.
Các con sinh ra trong một thành phố lao động. Ấy thế mà vì sao các con lại đồng cảm đến mức vậy? Ví thử các con được sinh ra ở những làng quê lam lũ thì sao? Các con giục bố viết ra, viết nhanh để các con đọc lại nhiều lần.
Chao ơi! Các con của bố. Một yêu cầu chính đáng và da diết.
Trong khi một số nhà văn, nhà thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi bố ở, người ta sáng tác bằng máy rào rào. Bố đang viết dở cuốn sách về biển là một yêu cầu trong kế hoạch cũng không kém phần xúc động. Nhưng hễ hở giờ ra là bố nghĩ đến viết cho các con. Khi đặt bút thì bị lôi cuốn ngay. rưng rưng. Thế ra “đứa con ngoài kế hoạch” lại có thể, rất có thể thông minh, tài giỏi lớn lao hơn đứa con nằm trong kế hoạch, được đón đỡ, được nuôi nấng hậu hĩ?
Bố viết. Bố viết cho các con. Bố thương cuốn sách này lắm.
Tuổi thơ trong tập sách này tính từ bao giờ?
Bố tính theo lối tính của bố: từ khi biết nhận thức cho đến tuổi mười lăm. Tuổi mười lăm đúng bằng tuổi Khánh. Nhưng đẹp đẽ thay, cũng đúng là tuổi bố ra khỏi làng, đi xa, đi xa. Đi diệt quân thù, trong tay có súng.
Những chuyện trong cuốn sách này từ tuổi mười lăm của bố trở về trước. Bố sống trong truyện. Truyện trong một vùng bố ở mười lăm năm. Tất cả là người còn. người mất, cảnh còn, cảnh mất. Mỗi cảnh, mỗi người khoác vào tên mình một tên cúng cơm, tên tục, tên thật. Truyện không hề hư cấu, bịa đặt.
Những chuyện này bố nhớ và mang theo trong trí, nó từng đốt cháy tấm lòng suốt chặng đường bốn mươi mốt tuổi và hai mươi bảy năm cầm súng, làm Người đến suốt mai sau.


Hà Nội, tháng 11 năm 1977.
 
Thế đất


Đứng ở chỏm núi cao nhất nhìn xuống: núi hoàn toàn là một con rồng. Gọi chung là núi Dạm. Làng tôi ở giữa núi nên gọi là Sơn Trung hay Dạm Giữa. Tên “Dạm” hình như thuộc về tình yêu.
Quay mặt về hướng đông thị xã Lãm Dương bám vào các “chân rồng” bên trái, thoai thoải. Xã Sơn Trung bám vào bên phải.
Chỏm núi cao nhất, chả biết bao nhiêu thước, nhưng cao lắm. Tôi lên đến đỉnh rồi quay về mất một buổi sáng, mệt thừ. Dân làng, có người suốt đời chưa đặt chân đến đó. Ở làng, nhìn người trên ấy chỉ bằng cái tăm nhòe. Núi trọc. Đỉnh đầu rồng này có một phiến đá vuông vuông, nhẵn lì, bằng tấm phản hai người nằm. Dân làng bảo đấy là “bàn cờ tiên”. Mỗi tháng, cứ đêm rằm, khi trăng lên đỉnh núi, thì có tám cô tiên bay xuống đánh cờ. Canh năm, gà gáy tiếng thứ nhất, trăng gác non Đoài, tám cô tiên bay về giời. Khi các cô xuống, đỉnh núi ửng lên một màu hồng hồng... Tôi cứ hình dung tám cô đẹp như các cô tiên người ta vẽ ở vỏ bánh pháo. Tôi mòn mắt đợi chờ mọi đêm rằm. Rồi một hôm, đoàn quân Nhật về tập. Chúng hốt hoảng, vội xúm đen xúm đỏ như đàn bọ, chúng hò hét inh ỏi và lật sấp bàn cờ xuống. Các cụ già nghiến răng ken két, cau mày: “Nó quỷ quyệt thật! Nó yểm đất đấy. Nó sợ cái bàn cờ để ngửa thì vùng này sẽ có nhân tài đứng lên”. Bàn cờ bị lật sấp, nhưng mãi mãi, dân làng vẫn gọi là “Núi bàn cờ tiên”. Bên cạnh cái bàn cờ có một hòn đá xanh, nhẵn lì, lúc nào cũng như mọng lên. Hai bên nổi hai gờ khum khum, ở giữa có một cái khe. Các cụ bảo đấy là “của tiên”. Mỗi khi trời mưa, nước đọng lại trong văn vắt, nhìn thấy đã ngọt lừ. Khi vừa lên đỉnh núi khát bỏng, ai múc được nước ấy mà uống thì khước quanh năm. Vì thế, dân làng còn gọi đây là núi “Của Tiên”. “Của Tiên” ấy sẽ đẻ ra những anh hùng hào kiệt văn nhân, thi sĩ. Mà lạ thật, ở xa xa như núi Và nhìn vào, từ Lim nhìn tới, ở Nhồi, ở Ó nhìn sang, núi lại biến thành người đàn bà nằm ngửa. Hai cái đùi mập mạp rạng hai bên, hai cái tay xải ra, có cả tóc dài, cái đầu là phía núi Lãm Dương. Cái núi “Của Tiên” hoàn toàn giống cái bụng chửa to lắm, sắp đẻ. Khi mưa to, nước trào từng dòng trắng xóa từ “ngực” cô Tiên như những dòng sữa tràn trề, no ấm, cả làng tha hồ mà bơi lội trong sữa. Anh hùng hào kiệt, thi sĩ văn nhân nhiều lắm. Nhưng tôi thấy các Người cứ im lặng hình như ẩn dật, buồn bã hoặc chờ thời đứng dậy.
*
* *
Dưới “đầu rồng” có cái thung lũng. Thung lũng có cái chùa của cả Tổng, nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh. Ấy là chùa Hàm Long, gọi tắt là chùa Hàm. Giữa chùa có tượng Thích Ca cao chọc nóc chùa, đâu mười lăm thước thì phải, bằng đồng đỏ chóe. Tôi ngẩng mặt nhìn ông. Tôi lọt thỏm dưới áo cà sa của Ông. Chị Cún, cô Phan bảo tôi: “Đừng chỉ trỏ, cụt tay đấy”. Nhiều lần tôi chỉ trỏ mà chả thấy cụt tay, hay là sau này mới cụt? Cách xa mấy cánh đồng, có quả núi như quả thị bổ đôi, úp xuống. Các cụ bảo đấy là núi Ngọc. Thôn Sơn Nam ở đấy, núi Ngọc ở đúng phía Hàm Long hướng ra.
*
* *
Lưng chừng đầu rồng có cái cột bằng đá sừng sững, mốc tha mốc thếch, rồng bay xung quanh, rêu đóng thành vẩy. Các cụ bảo đấy là cột cờ, cột cờ từ thời vua nhà Lý. Núi này còn được gọi là “núi Cột Cờ” nữa. Nghĩa là núi rất nhiều tên. Tên nào cũng hay quá.
Cạnh cột cờ lại có cái chùa. Chùa cao quá nên gọi là chùa Cao; chinh nó là chùa Dạm. Nó có bao nhiêu là nền, xây toàn bằng đá mà khi tôi lớn lên mái đổ từ bao giờ. Mẹ bảo: “Trước nó rất nhiều mái, có những trăm gian trăm cửa. Cứ đêm mười tám, chập tối, chú tiểu đi đóng cửa chùa, đóng từ cửa thứ nhất tới cửa thứ một trăm thì ông giăng lên”. À ra câu ca ở vùng tôi: “Mười tám đóng cửa chùa Dạm” là như vậy. Không biết chùa thờ ai, nhưng chắc là được làm cùng với cột cờ.
*
* *
Đứng ở cột cờ, một cái ngòi thẳng tắp đầy nước cắt phăng đầu một quả núi. Quả núi hoàn toàn giống một con rùa. Quanh con rùa có bốn quả núi con, giống hệt bốn con rùa con. Từ cổ rùa mẹ thường chảy ra một luồng nước đỏ như máu, hòa vào ngòi nước thành hai dòng trắng, đỏ. Câu chuyện vắn tắt như thế này:
... Ngày xưa, tướng Cao Biền nổi lên đánh quân Nam Chiếu. Vì dậy non, bị quân Nam Chiếu đánh chết như ngả rạ. Quân Cao Biền chết, biến thành rươi. Đời nói: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Tướng Cao Biền thua, rút về vùng Dạm, đứng đỉnh núi, Cao Biền nổi nóng, vừa rèn xong cung tên, nhằm bắn thử một phát, đứt đôi cổ rùa. Đường tên bay rạch thành ngòi “Con Tên”. Đầu rùa bay thẳng mấy cánh đồng. Làng Hạ Lưu ở trên đầu con rùa. Lang này nghèo đến ngàn đời, nghèo nhất vùng này. Có nhẽ vì làng ở trên đầu rùa đã chết.
*
* *
Một chiều, bố tôi bưng cái mâm gỗ trong đó có đĩa trầu cau, đĩa xôi, nải chuối, bảo tôi cầm cút rượu đi theo, ngược lên núi xóm Trại. Ở lưng chừng núi có cái đền đá như cái ghế tựa, rêu mốc nắng mưa. Cây duối mọc chùm phả bóng vào đền. Bố thận trọng thắp hương, đặt mâm rồi vái khấn lẩm nhẩm. Bố bảo đấy là đền Bắc Đẩu, còn đền Nam Tào ở tít núi bên kia xóm Đông. Năm nào người ta cũng cúng hai cái đền ấy, mong cho số phận được tốt lành, được mùa được màng.

*
* *
Phía trên đền Bắc Đẩu có một tảng đá khổng lồ. Ở chân núi nhìn lên, tảng đá hoàn toàn là một bà già ngồi còm lưng. Dân làng gọi đó là núi “Bà Còm”. Câu chuyện về bà thế này: Xưa có cô con gái đẹp nhất vùng này, đẹp người đẹp cả nết. Đến thời cặp kê, cô chọn khắp vùng không chàng trai nào xứng làm chồng. Cô lên núi gặp Tiên. Tiên nữ bảo “ngồi đây mà nhìn khắp thiên hạ xem ai vừa ý”. Đến lưng chừng núi gặp thần Bắc Đẩu. Bắc Đẩu bảo: “con ngồi đây mà nhìn khắp thiên hạ, xem ai vừa ý”. Cô ngồi đó, tấm khăn mỏ quạ xõa ra rồi già bao giờ không biết? Lưng bà còm xuống.
Bà ngồi im, ở xa tít tắp vẫn nhìn thấy bà. Khi mưa to gió lớn, chúng tôi đi nhổ cỏ, chăn bò thường sà vào lòng bà. Bà che mưa, che gió, che nắng cho bao nhiêu đời người? Bà còn ngồi đó đến bao giờ? Đi đâu xa, tôi cũng nhớ bà. Khi về từ xa tít bà đã ngó nhìn tôi.
*
* *
Muốn đi từ làng tôi sang làng Vân Hợp, làng Lãm Dương đều phải đi qua một cái đèo. Ấy là đèo Bẵng. Đêm nào đèo Bẵng cũng rựng một màu sáng hơn các nơi khác. Các cụ bảo ở đấy có trâu bạc, lợn vàng. Có cụ đi ăn cỗ về khuya đã từng thấy một đàn lợn vàng chóe ụt ụt rồi biến mất. Bao lần mẹ sang bà ngoại về khuya. Mẹ bảo chả thấy gì. Mẹ gan thật! Bố đi cắt tóc rong thường về khuya. Bố cũng bảo chả thấy gì. Bố gan thật! Chỉ có lần bố nhìn thấy kẻ cướp, thấy bố chẳng có gì, họ tha.
*
* *
Trước mặt xã tôi có ba cái “rừng”. Gọi là rừng nhưng thực ra mỗi khoảnh đất độ vài mẫu ruộng, cây cối um tùm. Rừng Đống Ngấn, thuộc thôn Tự. Rừng Đống Tháp, thuộc thôn tôi. Rừng Đống Quốc, thuộc thôn Chiều. Ba thôn thờ ba anh em ông Hoàng. Thôn Tự là anh Cả. Thôn tôi, thôn Trung. Thôn Chiều em út ở phía mặt trời lặn. Ngày xưa ba ông Hoàng trấn giữ ba nơi, xây đồn ở ba cái “rừng” ấy thành thế chân vạc. Quân tướng ken đầy chân núi. Người ta bảo khu rừng giữa có thú dữ, có quỷ, có rắn thần. Chưa ai thấy. Khu rừng Đống Ngấn có ma, nhiều người đã thấy nó lơ lửng xanh lè về đêm mưa dầm gió bấc. Còn rừng Đống Quốc, cứ về đêm có người con gái mặc áo trắng, tóc dài lắm, đội khăn trắng hết cười lại khóc, lại hát suốt đêm về sáng.
Còn tôi, cho đến ngày đi xa quê, chưa thấy có chuyện gì ở ba khu rừng này.
Tôi chỉ thấy núi hùng vĩ chọc trời. Ba khu rừng như ba tướng lĩnh đứng theo thế chân vạc gác, mong cho đời đời dân làng yên ả.
*
* *
Văn chỉ xây từ đời nảo đời nào!
Ấy là một khu đất có ba cái đền lộ thiên, bằng đá, có những con rồng được chắp bằng mảnh bát hoa, cuồn cuộn bò trên tường đền. Có bao nhiêu là cây bàng xòe tán, giữa cánh đồng Chõ. Tôi thường theo anh Thả ra lấy lá bàng để nhuộm quần áo. Tôi không dám trèo lên đền. Anh Thả cứ nhảy tót lên đền như cơm bữa.
Hình như đây là đền thờ các quan văn. Bốn mùa phơi với gió trăng mưa nắng.
*
* *
Sông dài tít tắp, người ta qua lại bằng cái đập.
Mùa cạn, cả làng ra đánh cá. Mùa ngập, chỉ còn hai vệt đê lưa thưa có môi. Sông chắn ngang như một cái hào. Có lần tôi lủi thủi đi thử và ước đi đến ngọn nó. Muốn tắm mát, lên ngọn sông đào ... Chắc ngọn nó ở chân giời. Bao người chết đuối ở đây. Bao trận nổi cướp ở đây. Bao trận đánh nhau kịch liệt giữa hai xã bên này bên kia. Bao nhiêu hội tát nước thì thùm suốt những đêm trăng. Bao nhiêu tiếng hát bên sông đào...
*
* *
Hai con voi quỳ trên bệ đá. Con nào cũng lớn và to bằng con trâu mộng. Trên lưng có bành và có bệ thờ.
Mười cây si lớn xòe từ bao giờ không biết, để chim về ríu rít khi mùa quả chín. Bốn cái đền lộ thiên. Chúng tôi gọi là nghè ông Voi. Cạnh đấy có cái giếng Cầu Đường trong vắt. Gái trai tha hồ mà tắm, mà uống nước phả phê. Nghe nói giếng có thần.
Tháng hai xác pháo đỏ nghè, thơm lừng. Ở đây cũng là nơi thờ quan văn. Quan văn sao lại có voi phục? Câu chuyện về voi phục rắc rối lắm!
Đầu voi hướng đúng vào đình làng Hoa Hội. Cả làng Hoa Hội mấy đời toét mắt. Vì sao nhỉ? Vì hai con voi thôn Dạm hướng vào đầu đình. Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt có mình gì tôi.
Làng Hoa Hội cử người lên thưa với thôn Dạm, cho đầu voi quay hướng khác. Làng tôi không nghe vì cái thế của nó phải thế. Đêm, trai tráng Hoa Hội lên đập tan đầu voi. Thôn Dạm xây lại. Lại bị phá. Thôn Dạm tập trung trai tráng, tuần đinh nằm phục ở nghè. Trai Hoa Hội vừa lên, nửa đêm hai bên đánh nhau. Không ai chết. Trẻ con chăn trâu Hoa Hội dàn ngang bờ sông, bơi sang đánh trẻ con thôn Dạm. Thôn Dạm tràn sang, đuổi trẻ con Hoa Hội đến giáp đình. Bùn lấm bê bết khắp mình mẩy, có đứa ngã xuống ao tù nước đọng, có đứa khát nước uống nước thum thủm có đóng váng như gạch cua ở giếng Hoa Hội.
Những đứa ấy về bị đau mắt, đi lỏng, nói rằng, bệnh toét mắt từ Hoa Hội lây sang.
Đến một ngày, Hoa Hội sáng trưng. Ao nào cũng mát lạnh hương sen. Giếng nào cũng trong vắt thấy cái kim dưới đáy. Bói không ra một người toét mắt. Ai cũng nhìn rõ hơn. Trai thôn Dạm xuống chơi mê tít vì đôi mắt gái Hoa Hội. Trai Hoa Hội lên chơi thôn Dạm cũng để cho gái mê, phải lòng nhau. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang sông.
Hai con voi vẫn nằm phục đó. Từ nay không ai hành hạ oan ức nó. Đầu vẫn quay hướng cũ. Cái thế của thôn Dạm phải như thế cơ mà!
 
Cổng chùa

Chùa đã dỡ và chuyển đi từ đời nảo đời nào, chẳng còn một dấu vết gì. Ấy thế mà cứ bảo “cổng chùa” cả xóm Trại biết.
- Ra cổng chùa chơi đi!
- Ra cổng chùa gọi nó về ăn cơm!
- Chắc lại đứng hóng ở cổng chùa!
- ...
Ấy là bãi đất bằng, toàn cát. Các ngõ đều qua đây rồi mới ra đồng. Cạnh đó là cái ao. Mùa mưa nước đầy đỏ ngàu màu đất sét. Ễnh ương kêu “ương ... ương ...” rồi đẻ trứng bầy nhầy trắng xóa, lềnh bềnh. Chú Chàng thường lấy trứng về dán diều, dính như hồ. Ếch kêu “ộp ... ộp” như mở hội. Nhưng người ta bảo có nhiều “nam” lắm. Mỗi người chết đuối biến thành một con nam, có rút chân người. Trong bụi dứa dại, rắn để lại xác lột mốc thếch. Cáo bỏ lại lông gà, lông chim bề bộn. Ao như cái gì bí hiểm lắm. Xa một chút, có một cây đa rất cao. Gốc nó đầy những ông bình vôi sứt mẻ cả miệng. Mếu máo. Anh Thư trèo ngọn lên bắt con sáo con ở tổ nó. Anh bị rơi từ ngọn cây xuống ruộng. Hàm dưới bị vỡ ngang, máu chảy ròng ròng. Lạ thật, anh cứ nghiến răng im thin thít... Đi rất xa vẫn thấy "cây đa chùa". Cổng chùa thì không đâu mát bằng, không đâu sạch bằng. Gió nồm hắt từ đồng vào, những chiếc chong chóng lá dứa của chúng tôi quay tít. Chị Bạch, chị Xuyên ... má cứ đỏ au ngồi nghỉ mát buổi trưa. Đêm, chúng tôi đào thùng, đặt mâm gỗ, đóng cọc, căng dây làm trống quân. Giăng lọt qua lá tre rắc từng bãi hoa san sát, rắc cả vào mặt những chị con gái cũng sáng như ánh giăng. Bên nam, bên nữ hát đối nhau đến khi giăng đã nghiêng như cái diều bầu sắp đổ mới im tiếng hát và dỡ “trống”. Những đêm ấy, tiếng trống thì thùng vang vào khắp xóm, không ai có thể ngủ được. Tôi bé, mà có lần tôi hát hay đến nỗi người qua đường thưởng tiền cho tôi đấy ...
Trống quân, trống quýt, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta ...
Ôi, cái cổng chùa. Chùa đã chuyển từ đời nảo đời nào mà xóm tôi vẫn gọi mãi mãi chỗ ấy là cổng chùa.
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông ra Hàn Nội thấy vua đúc tiền.
Hàn Nội ra sao nhỉ? Vua ở đâu? Đêm, Hàn Nội có quầng sáng hắt lên giời.
Từ cái cổng chùa, từ nơi bắt đầu vào ngõ, tôi đi khắp nơi ở cái nước Nam này.


Chùa đã dỡ và chuyển đi từ đời nảo đời nào, chẳng còn một dấu vết gì. Ấy thế mà cứ bảo “cổng chùa” cả xóm Trại biết.
- Ra cổng chùa chơi đi!
- Ra cổng chùa gọi nó về ăn cơm!
- Chắc lại đứng hóng ở cổng chùa!
- ...
Ấy là bãi đất bằng, toàn cát. Các ngõ đều qua đây rồi mới ra đồng. Cạnh đó là cái ao. Mùa mưa nước đầy đỏ ngàu màu đất sét. Ễnh ương kêu “ương ... ương ...” rồi đẻ trứng bầy nhầy trắng xóa, lềnh bềnh. Chú Chàng thường lấy trứng về dán diều, dính như hồ. Ếch kêu “ộp ... ộp” như mở hội. Nhưng người ta bảo có nhiều “nam” lắm. Mỗi người chết đuối biến thành một con nam, có rút chân người. Trong bụi dứa dại, rắn để lại xác lột mốc thếch. Cáo bỏ lại lông gà, lông chim bề bộn. Ao như cái gì bí hiểm lắm. Xa một chút, có một cây đa rất cao. Gốc nó đầy những ông bình vôi sứt mẻ cả miệng. Mếu máo. Anh Thư trèo ngọn lên bắt con sáo con ở tổ nó. Anh bị rơi từ ngọn cây xuống ruộng. Hàm dưới bị vỡ ngang, máu chảy ròng ròng. Lạ thật, anh cứ nghiến răng im thin thít... Đi rất xa vẫn thấy "cây đa chùa". Cổng chùa thì không đâu mát bằng, không đâu sạch bằng. Gió nồm hắt từ đồng vào, những chiếc chong chóng lá dứa của chúng tôi quay tít. Chị Bạch, chị Xuyên ... má cứ đỏ au ngồi nghỉ mát buổi trưa. Đêm, chúng tôi đào thùng, đặt mâm gỗ, đóng cọc, căng dây làm trống quân. Giăng lọt qua lá tre rắc từng bãi hoa san sát, rắc cả vào mặt những chị con gái cũng sáng như ánh giăng. Bên nam, bên nữ hát đối nhau đến khi giăng đã nghiêng như cái diều bầu sắp đổ mới im tiếng hát và dỡ “trống”. Những đêm ấy, tiếng trống thì thùng vang vào khắp xóm, không ai có thể ngủ được. Tôi bé, mà có lần tôi hát hay đến nỗi người qua đường thưởng tiền cho tôi đấy ...
Trống quân, trống quýt, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta ...
Ôi, cái cổng chùa. Chùa đã chuyển từ đời nảo đời nào mà xóm tôi vẫn gọi mãi mãi chỗ ấy là cổng chùa.
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông ra Hàn Nội thấy vua đúc tiền.
Hàn Nội ra sao nhỉ? Vua ở đâu? Đêm, Hàn Nội có quầng sáng hắt lên giời.
Từ cái cổng chùa, từ nơi bắt đầu vào ngõ, tôi đi khắp nơi ở cái nước Nam này.


Chỗ chôn rau


Hôm ấy là ngày nắng hanh. Mẹ quật gánh ràng ràng xuống sân. Mẹ rên nằm vật vã. Theo lời mẹ, cái Bảng chạy một mạch sang thôn Tự, một lát sau, bà đỡ đã đến. Bà tên là Nguồn, đỡ nổi tiếng vùng này. Lưng bà đã còng, váy áo vá chằng vá đụp. Bà cầm cái liềm. Vừa vào đến cửa nhà bà đã nói: “Xem thằng cu hay cái đĩ nào ? Hay ăn chóng lớn nhá”. Tiếng oe ... oe ... Thằng bé đã lọt lòng.
Cái Bảng cầm cái nồi đất đậy vung. Nó bảo đi chôn rau em bé. Tôi theo. Nó mang ra đặt giữa lối đi, đầu vườn cò ông Tuyên. Lối đi chính của xóm Trại, dưới bụi tre đầy muội. Bảng lấy dao rựa đào đất. Đào một lúc thấy cái nồi đất còn mới, nó bảo: “Nồi rau của anh đây. Bây giờ em chôn rau em bé ở cạnh anh. Thày dặn thế”. Tôi trố mắt như thấy một vật rất lạ. Sao thày lại dặn chôn rau ở đây? Thiếu gì góc vườn, góc trại? Bảng thì chả hiểu gì!
Tối về, thày bảo:
- Ngày xưa có tục, hễ đẻ con giai thì người bố lấy cành dâu làm cung, lấy cỏ bồng làm tên, chạy ra giữa sân, bắn về bốn phương, để sau này lớn lên, người con giai sẽ có chí lớn, tung hoành. Con giai thường hay mắc nợ, gọi là nợ “tang bồng”. Cho nên làm giai phải có chí đi khắp bốn phương trời mười phương đất mà giả cái nợ cho đời. Kẻ nào hèn nhát ru rú ở nhà thì suốt đời mắc nợ. Bây giờ bỏ tục ấy. Tao nghĩ ra cách là chôn rau chúng mày ở xa, giữa đường chính để lớn lên có chí làm giai.
Thảo nào, hai anh tôi mới tí tuổi đầu đã đi xa lắm.
Còn tôi và em giai này, chả biết lớn lên có đi xa hơn hai anh không? Mỗi lần đi qua chỗ chôn rau, tôi nhìn mãi rồi mới bước qua.
 
Vườn nhà


Cây mít sum sê bụ bẫm, đầy cành và lá, ở ngay cạnh vại nước. Bóng nó soi xuống làm cho vại nước suốt ngày thêm trong mát lừ. Khi mưa, hứng cái mo cau vào, nó cho đầy nước mưa. Chúng tôi ai cũng yêu nó. Nhưng mỗi một tội: Cái việc chính của nó, nó không làm. ấy là ra quả. Phải ra quả!
U bảo:
- Nước cứ xô chỗ trũng. Nhà mình nghèo ở vào cái đất xấu. Mít nhà người ta ra quả lớn quả bé. Mai, thổng buổi, thằng Thả leo lên, u lấy chày tay đập vào gốc. U hỏi: "Mùa này mày ra mấy quả?" Thả giả lời: - -"Hai quả" nhá!
Đến mùa, nó ra bao nhiêu quả. Cả nhà mừng. Nhưng rồi rụng, chỉ còn một quả. Quả rất chóng lớn. Nó chín thơm. Cả nhà được bữa thòm thèm! Mùa sau nó lại tịt ngóp. Mùa sau nữa nó lại tịt. Giữa lúc củi đắt nhà lại đói, anh Thả hạ xuống, bổ cây ra từng khúc. Gỗ đẹp thật, vàng như nghệ. Tôi cứ tiếc mãi. Nhưng không tiếc được!
Cây đu đủ cao vượt cái "tường hoa". Những tàu lá già, vàng, chúng tôi tha hồ cắt cuống mà thổi tu tu. Từng chùm quả. Quả nào cũng chỉ bằng cái chén rồi không nhớn nữa ! Đói quá. Anh Thả và tôi cứ hái dần, băm ra hết nhựa, gọt vỏ, cắt từng miếng, cho vào sanh luộc. Mỗi người ăn hai quả là no căng bụng. Hết nạc, vạc đến xương! Quả hết. Anh Thả chặt ngọn cây, nạo vỏ thân cây, tiện dần từng khúc. Anh lấy dao bài thái nhỏ như sợi nem, vo lẫn với gạo, nấu thành "cơm trộn thân cây đu đủ". Rau má ở trại, ở đồng hết nhẵn. Các thức độn không còn gì. Chỉ còn thân đu đủ ấy thế mà cũng ngon, cũng đậm hơn cơm củ chuối. Tôi sang ngoại mấy hôm, cây đu đủ đã bị tiện sát gốc.
Thầy nghĩ ra cách: Hễ sinh mỗi người con, thầy trồng một cây na. Thấm thoắt đã được bốn cây. Cây anh Thư đứng chính giữa, cao nhất, tốt nhất. Rồi cứ lần lượt: cây anh Thả, cây Khán, cây Bảng... Bốn cây cùng tốt. Hè về, hoa thơm lừng rụng xuống sân. Ong, bướm, cánh quýt về bay rợp đầu sân, nhưng nó cũng làm rụng oan nhiều hoa cái.
Những quả na nhắm nghiền mắt rồi mở mắt dần. Đêm thì dơi. Ngày thì chào mào tìm đến. Nếu không tinh thì nó ăn hớt trước. Cây na của cái Bảng bé nhất bỗng cằn cỗi, lại bị sâu. Sâu đục, thân cây chảy nhựa ròng ròng. Anh Thả khoét rất khéo mới lôi được sâu ra. Sâu trắng nõn, béo mầm. Anh nướng lên, ăn béo ngậy. Cây tốt dần và mọc những cành tơ.
Một buổi sáng, u đi đâu về thấy một bà quảy hai rổ sề.
Thôi, u bán na rồi! Chúng tôi leo lên, chọn quả sắp chín, quả mở mắt, hái xuống để một đống góc sân. Bà hàng ra chọn mua đầy hai rồ sề, còn có vài quả chín nứt nở "như đe thợ rào" và những quả còi kĩnh, chúng tôi chia nhau. U cũng ăn thử. Ngọt lắm.
Chỉ ít lâu sau, cái vườn nhà xác xơ. Anh Thư đi vắng, tôi và Bảng cũng vắng nhà, anh Thả mất, cây ủ rũ, rồi chết dần chết mòn bằng hết.
 
Lao xao

(tác phẩm này mình được học này)

Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xóa. Hoa đẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ con. Râm ran.
- Các... các... các...
Một con bồ các kêu váng lên. Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh.
Chị Điệp nhanh nhảu:
- Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các...
Thế thì ra dây mơ, rễ má thế nào mà chúng đều có họ với nhau. Họ của chúng đều hiền cả. Chúng đều mang vui đến cho giời đất. Sáo sậu, sáo đen hót, đậu cả lên lưng trâu mà hót mừng được mùa. Nhà bác Vui có con sáo đen tọ tọe học nói. Nó bay đi ăn, chiều chiều lại về với chủ. Con tu hú to nhất họ, nó kêu "tu hú" là mùa tu hú chín; không sai một tẹo nào. Cả làng có mỗi cây tu hú ở vườn ông Tấn. Tu hú đỗ ngọn cây tu hú mà kêu. Quả chín đỏ, đầy ụ như mâm xôi gấc. Tiếng tu hú hiếm hoi; quả hết, nó bay đi đâu biệt.
Một đàn chim ngói sạt qua rồi vội vã kéo nhau về hướng mặt giời lặn.
Nhạn tha hồ vùng vẫy tít mây xanh "chéc chéc .
Khi con bìm bịp kêu "bịp bịp" tức là đã thổng buổi. Nghe đâu trước đây có một ông sư dữ như hổ mang. Lúc ông ta chết, giời bắt ông ta hóa thân làm con bìm bịp. Ông ta phải tự nhận là bịp, mở miệng ra là "bịp bịp". Giời khoác cho nó bộ cánh nâu, suốt đêm ngày rúc trong bụi cây. Khi nó kêu thì một loạt chim ác, chim xấu mới ra mặt. Ít khi chúng ra mặt vào buổi sớm.
Kia kìa! Con diều hâu bay cao tít, nó có cái mũi khoằm, đánh hơi tinh lắm: Đâu có xác chết. Đâu có gà con... Khi tiếng nó rú lên, tất cả gà con chui vào cánh mẹ. Tôi đã nhìn tận mắt cuộc ẩu đả dưới gốc vối già nhà tôi: Con diều hâu lao như mũi tên xuống, gà mẹ xù cánh vừa kêu vừa mổ, vừa đạp diều hâu. Tôi mải ngắm nên không cứu được gà. Diều hâu tha được con gà con, lại lao vụt lên mây xanh. Thường thì nó vừa lượn vừa ăn ngay. Lần này nó chửa kịp ăn, những mũi tên đen, mang hình đuôi cá từ đâu tới tấp bay đến. Ấy là những con chèo bẻo. Chúng lao vào đánh con diều hâu túi bụi. Lông diều hâu bay vung tứ linh, miệng kêu la "chéc, chéc", con mồi rời mỏ diều hâu rơi xuống như một quả rụng. Diều hâu biến mất. Con diều hâu được mẻ hú vía, lần sau cụ bảo cũng không dám đến. Nếu có đến lại là con khác!
Người ta nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già! Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa, chúng thức suốt đêm. Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người: "chè cheo chét"... Chúng nó trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm!
Cùng họ với diều hâu là quạ: Quạ đen, quạ khoang. Lia lia láu láu như quạ dòm chuồng lợn. Không bắt được gà con, không ăn trộm được trứng; nó vào chuồng lợn xục cứt. Quạ vừa bay lên, chèo bẻo vây tứ phía, đánh. Có con quạ chết đến rũ xương...
Chèo bẻo ơi, chèo bẻo!
Chèo bẻo chỉ sợ mỗi chim cắt. Chim cắt cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn. Bao nhiêu con bồ câu của nhà chú Chàng đã bị chim cắt xỉa chết. Khi đánh nhau cắt chỉ xỉa bằng cánh. Chúng là loài quỷ đen, vụt đến, vụt biến... cho đến nay, chưa có loài chim nào trị được nó. Họ nhà chèo bẻo chắc là nhiều phen muốn trị tội cắt. Một cuộc trị tội đã diễn ra thật! Hai con chèo bẻo đang bay, một con cắt vụt lao ra. Nó xỉa cánh hụt. Lập tức một đàn chèo bẻo hàng chục con xông lên cứu bạn. Cuộc đánh nhau rất dữ. Trẻ con ở dưới reo ầm lên. Cắt hốt hoảng cho nên xỉa cánh đều trượt. Hàng chục chèo bẻo thi nhau vào mổ. Cắt kiệt sức rồi, quay tròn xuống đồng Xóc như cái diều đứt dây. Chúng tôi ùa chạy ra, con cắt còn ngấp ngoải. Mỗi chúng tôi bồi tiếp cho nó hòn đất. Bây giờ tôi mới tận mắt nhìn thấy con cắt.
*
* *
Chiều qua, nhìn ráng phía tây, u tôi đã đoán: Mỡ gà thì gió. Mỡ chó thì mưa. Ráng trắng màu mỡ chó. Đêm qua, nhìn giăng, u tôi đoán: Quầng cạn, tán mưa. Cái tán tròn xoe bằng cái nia.
Chiều nay, mây đen nổi lên như cồn, như núi từ phía đông ập đến. Người, trâu bò kêu gào chạy nháo nhác. Không kịp rồi! Nón, khăn bay rợp đồng. Mưa như hàng vạn tên bắn. Trận mưa kéo dài đến đêm thì tạnh hẳn. U tôi và bác Ký gái bị ngấm mưa. Bị cảm, bị sốt. Không biết làng này bao người bị như thế. Đêm đen bì. Mùi cám rang khét đến rợn người. U rên. Con cú đã đánh hơi người ốm. Nó nấp ở vườn bà Xã. Thỉnh thoảng nó lại "cú", một tiếng. Nghe nói: Cú và ma là đồng lõa. Cú kêu, mong cho người ốm chết để rỉa xác. Nhà người chết phải cúng ma. "Cú kêu cho ma ăn" là thế! Trẻ nó không tha, già nó không thương!
Sớm, u tôi đã khỏi cảm. Và, hình như mọi người cũng khỏi cảm.
Giời đẹp hơn mọi sớm thường.
Chim mở hội ở rặng tre nhà tôi. Lũ chào mào đỏ đít cứ "quých quých, quao quao" trên các cành na. Chỉ tội là chưa có quả na nào chín. Chúng nó chỉ thích ăn na chín. Quả nào chúng nó ăn, y như là quả ấy ngon nhất nhì trong số quả chín.
Từ đầu mùa đến giờ hoàng anh mới đến. Lông nó vàng óng. Cứ suốt đời nó kêu "đứa nào kiếm củi nhà tao". Như người khách quý và hiếm hoi. Nó đậu một lát rồi bay đi không biết bao giờ nó mới đến lại.
Con chim gõ mõ khôn không kém gì người. Nó khôn ranh đến choắt lại. Cây tre già có một đoạn nứt. Kiến nằm kín ở trong thế mà nó biết. Nó ôm chặt lấy đoạn tre, nhìn phải, nhìn trái, nhìn trước, nhìn sau xem có kẻ nào hại nó. Tôi đứng im như bụt, nhìn nó. Nó bắt đầu lấy mỏ gõ vào đoạn tre "cốc cốc cốc". Từng dòng kiến bò ra. Nó ăn no nê rồi vụt bay mất.
Chỉ có hai con liếu điếu mà nhặng xị cả bờ tre: "liếu điếu, liếu điếu".
Liếu điếu như kẻ lắm lời.
Một loài chim chúng tôi thích nhất. Khi nó lên tiếng là giời đất bình yên. Không bao giờ chúng nó đánh nhau. Khi nó đi ở trên đất thì tha thẩn, nhàn nhã. Mỗi bước đi một cái gật đầu. Thường thì chúng bay đôi: đực và cái. Nó luôn ngơ ngác chẳng hiểu thế sự ra sao mà nó cũng chẳng cần biết thế sự. Nó ngơ ngác đến cái mức luôn bị mắc bẫy. Thật là hiền quá hóa ngu. Hai con rủ nhau đậu đỉnh ngọn tre. Nó cất tiếng "cúc cu cu", ngay trên đầu tôi mà tôi tưởng tiếng gáy của nó xa tít tắp. Chúng ngắm giời ngắm đất rồi sà xuống cái lồng mộc. Con chim mồi hiếu khách. Nó đứng trong lồng gật gù mời khách vào ăn. Hai con chui tọt vào, cái cửa đã khép chặt mà ba con vẫn gật gù mời nhau ăn. Chú Chàng từ trong chùm lá móc, đàng hoàng ra xách lồng về. Vài hôm sau đã thấy chúng nó gáy ở mái hiên. Có khi đêm thức giấc, chúng cũng gáy. Chim gáy là loài vô tư nhất trong các loài chim.
Đến gần trưa, một con chim khoác bộ lông dễ đến bảy tám màu sặc sỡ. Nếu nó đi trên đất thì đuôi quết đất. Ai chưa biết về nó thì nó làm cho mọi người thèm thuồng muốn nuôi nó làm chim cảnh. Nhưng khi đã biết nó thì ai cũng tởm lợm. Nó ngủ sớm, dậy muộn; lười chảy thây. Nó chẳng gây gổ gì, nhưng các loài chim hiền đều tránh nó. Nó bẩn lắm. Khi nó bay qua là bọn chúng tôi phải bịt mũi:
Giẻ cùi tốt mã dài đuôi
Hay ăn cứt chó - ai nuôi giẻ cùi.

*
* *
Con gà mái cứ vào tầm này là nó đẻ xong. Nó bay khỏi ổ, chạy xuống đất tác ầm lên, cả xóm nghe tiếng: "Vừa đau vừa rát". Con gà sống đứng ngơ ngác một lúc, rồi mổ mồi dỗ gà mái. Nó vừa mổ mồi nó vừa "cực... cực" ra vẻ thương gà mái. Hai con vịt bầu thì phớt lờ, vừa đủng đỉnh mang cái thân nặng nề, vừa toáng lên: "mặc, mặc....", rồi chúng nhảy xuống vũng bùn bên vại nước, vầy đục ngầu lên, không thấy mồi, chúng húc tung cả bãi húng giũi.
Giữa lúc đó, tiếng chim gào ở ngoài trại. Anh Thả rung hết cây này đến cây nọ để bắt chim con. Cả họ nhà chim kéo nhau đến vây anh Thả. Những con sáo, chào mào hiền đến thế mà cũng trở thành dữ tợn, biết giữ nhà mình, biết cứu con mình. Bắt được hai con sáo chuyền, anh Thả cúi đầu chạy về nhà. Những con chim mẹ bay chao chát theo anh Thả về tận nhà, gào thét mãi... Thầy đã đi câu về:
- Thằng Thả lại đi bắt chim con rồi! Thả ngay chúng nó ra, nếu không thì ầm ĩ đến đêm.
Anh Thả thả những con chim chuyền ra. Chim mẹ bay trước dẫn đường từng đoạn cho các con. Giời đất yên ả. Những cây mỏ anh Thả vừa rung xong, quả nó vỡ ra, những bông trắng như bông bay đầy giời, trắng đất, bay cả vào vại nước.
Thầy mở thúng câu ra, nhiều cá quả, cá chõm quẫy tung tóe thúng nước. Thấy con chim chích bay qua, đậu vào cành tre: "chích, chích...". Bất ngờ thầy hỏi tôi:
- Cái chữ hôm nọ thầy dạy con, con đọc cho thầy nghe xem nào!
Tôi đọc làu làu:
- Chim chích mà đậu cành tre,
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm.
Đấy là chữ "đức" thầy ạ.
Thầy gật gù:
- Đúng lắm. Con còn bé, thỉnh thoảng thầy dạy cho một chữ. Biết được chữ "đức" là biết năm chữ. Nay mai, con biết khối chữ.
"Quẹt, quẹt, quẹt". Con dẻ quạt chuyền trên cành na, cái đuôi xòe ra y hệt cái quạt giấy.
Thầy mỉm cười: "Có khách rồi!".
Cái con chim này được người ta tặng cho cái tên vui đáo để "Chim khách". Nhiều lần nó báo sai, nhưng cũng rất nhiều lần nó báo có khách là đúng. Hôm nọ nó báo, đúng là chú Chản sang thật. Hôm ấy cả nhà vui. Một sanh canh cua đặc, một niêu cá đầy; húng giũi húng láng, lá lốt, xương xông xanh mâm. Khách và chủ được bữa no nê.
Lần này, thầy tôi cứ đợi khách mãi đến gần tối; khi dàn nhạc ve ở vườn mít chú Chàng đồng thanh lên tiếng: Ve sầu "e ầu" "u oao" ; chàng chèng "chèng chèng"; ve thường "ve ve" cao vút. Chúng đã lột xác đầy vườn. Hết mùa hè thì "gầy xác ve" rồi chết hết, chết la chết liệt...
Anh em chúng tôi rủ nhau đi tắm ở suối sau nhà. Qua mấy vườn sắn xanh biếc là đến gần suối. Tiếng nước chảy ào ào. Nước từ núi Tiên giội như thác, trắng xóa, qua suối Cộc xóm Đông tràn sang suối xóm Tây rồi dồn về suối xóm Trại chúng tôi. Các chị im lặng mặc cả yếm, cả quần dài ngồi hiền lành kỳ hai cánh tay và cái lưng nõn nà. Trẻ con chúng tôi la ó, té nhau, reo hò. Ôi, con suối; con suối khi nó cạn, chúng tôi ngẩn ngơ. Chúng tôi tắm thỏa thuê khi ra về tiếng ào ào vọng mãi.
Tối, cái Bảng giải chiếu manh giữa sân. Cả nhà ngồi ăn cơm trong hương lúa đầu mùa từ đồng Chõ thoảng về; trong tiếng sáo diều cao vút của chú Chàng; trong dàn nhạc ve; trong tiếng chó thủng thẳng sủa giăng...
Chúng tôi no nê, rủ nhau giải chiếu ở hiên nhà ngủ cho mát.
Ôi cái mùa hè hiếm hoi. Ngày lao xao, đêm cũng lao xao. Cả làng xóm hình như không ai ngủ, cùng thức với giời, với đất. Tôi khát khao thầm ước: Mùa hè nào cũng được như mùa hè này!
 
Bà nội


Cả họ đều nói: Nhà ông bà trước đây khá giả lắm. Có ao sâu trâu nái. Có ruộng cho cấy rẽ. Có năm gian nhà ngói, vườn mít núc ních quả. Chả thế mà bốn người con giai được dựng vợ; hai người con gái được gả chồng. Con giai có học, có nghề...
Từ độ ông mất, bà ở với con thứ ba: chú Chà, thím Chà. Rồi thím Chà ốm lăn ốm lóc. Rồi chú Chà ốm lia ốm lịa. Chú thím chết đi để lại thằng Lĩnh mồ côi cả bố lẫn mẹ.
Bây giờ thì nhà bà ở cạnh ao Chùa.
Đúng là nhà lợp gianh ba gian. Vách bằng bùn nhào với trấu và rơm băm. Đến mùa gặt, các con đến lợp cho bà mái gianh như người mặc áo mới thơm tho vàng óng.
Cái vườn lạ thật, trước nó xanh tốt bao nhiêu, bây giờ nó tàn lụi bấy nhiêu. Dong riềng, hoàng tinh, bầu đất dễ nuôi đến thế mà cũng lụi. Mấy cây khế gầy guộc mà chịu khó ra quả. Bà bảo: các cháu chọc khế mà ăn. Cứ quả méo mó thì ngon. Hồng, cứ quả tròn mà ăn. Nó ít hột. Thị cứ vẹo trôn thì ngọt ít hột.
Người ta nói: đất lành chim đậu. Chim rủ nhau đi đâu cả! Cửa giả không có lối vào thông thống. Gió tha hồ quấy phá. Những ống tre mái hiên vu vu... Bà và cháu cứ lủi thủi. Ai đi qua không biết có người ở nhà.
Ông giời ở đâu nhỉ? - Ở tít mây xanh kia nên không nhìn thấy. Hằng năm chỉ nghe ông táo ông công về tâu. Dương gian cho các ông ăn ngon thì các ông tâu tốt. Và ngược lại.
Ông bà có ác gì cho cam. Người ác càng ngày càng giàu thêm. Nhà ông xã Tảng, thóc đầy cái bịch. Cái bịch rộng bằng cái gi.ường bốn người nằm, cao một đầu một với người lớn; trong ngoài trát xi-măng, kiến, mối, mọt chỉ có khóc. Thóc lại đầy bồ lớn bồ bé, tràn sang cả cái cót quây lừng lững chấm nóc nhà.
Bây giờ bao nhiêu cái nghèo đói, cái vất vả bà gánh chịu. Vai bà mỏng tanh...
*
* *
Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà; chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng; bà đi thì không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lưng thẳng. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.
Bà như một chiếc bóng; lặng lẽ, đi không ai biết, về không ai hay. Bà tất bật, khi đi giồng sắn ở trại, lúc rẫy ràng ràng, khi đi bắt cua bán, lúc cấy thuê. Có lần bà bỏ nhà bốn năm ngày. Tôi hỏi Lĩnh, nó rớm nước mắt. Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi.
Cả làng đã im ắng. Bà như chiếc bóng giở về. Ít khi tôi thấy bà nói chuyện nói trò với ai ngoài các cháu ra. Ít khi tôi thấy bà đôi co với ai. Dân làng bảo bà hiền như đất. Nói cho đúng, bà hiền như chiếc bóng. Nếu ai lành chanh lành chói bà rủ rỉ khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao, tục ngữ. Những chị mồm năm miệng mười, sau khi bà khuyên chỉ còn mồm một miệng hai.
Người ta bảo: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Bà như thế thì chúng tôi hư làm sao được. U tôi như thế, chúng tôi không nỡ hư nỡ hỏng.
Câu ấy đúng với nhiều nhà. Như nhà thằng Tỏi. Thầy u nó nhiều tiền lắm. Bà nó cũng có tiền vốn. Biết thế, nó cứ vòi bằng rỗng bao bà:
- Bà ơi cho cháu xin xu, cháu mua quà.
Bà móc bao, đưa ba xu, nó không lấy; phải cho nó năm xu. Năm xu thì to lắm.
- Bà ơi, giời mưa, cháu không ra quán được bà phải đi mua cho cháu.
Bà như sợ nó, vội đội nón, khoác tơi, run rẩy, liêu xiêu ra tận quán bà cả Tuệ. Bà cứ mẩm bụng: Ba xu, ba cái kẹo vừng bằng ba cái chén tống, chắc thằng Tỏi thích lắm đây...
Về đến nhà, vừa nhai giầu bỏm bẻm bà vừa đưa kẹo cho nó:
- Kẹo thì cháu thèm vào!
Nó cầm ba cái kẹo ném vào bà. Lần này bà giận ứ cổ. Bà đánh liều, phát vào đít nó một cái. Nó kêu, nó khóc từ thông buổi đến trưa. Bà nựng nó. Bà lại sợ nó, chiều nó rồi!
U nó đi chợ về, la từ cổng la vào:
- Đứa nào làm gì con tao đấy!
- Bà đánh!
- Sao bà dám đánh nó?
Lên năm lên sáu tuổi, nó béo như con lợn ấy thế mà vẫn bú. Bây giờ thì nghe u nựng, nó nín. U nó nựng toàn tiếng nhịn như nựng trẻ lên một lên hai. U nó bế nó lên. Nó chỉ ra quán.
- U cho quà này!
Nó sáng mắt lên, tưởng là quà gì ghê gớm lắm. Lại kẹo vừng. Nó vứt ra sân, nhoài khỏi tay u nó; vừa khóc vừa lăn ra giẫy đành đạch như đỉa phải vôi. Không biết nó khóc đến bao giờ. Anh em tôi ù cả tai, kéo nhau về, tiếng om sòm giữa nàng dâu mẹ chồng và thằng bé hư nổi lên ầm xóm.
Nhiều nhà thường xảy ra đúng như câu ca. Nhưng đấy là người mẹ thế nào, người bà ra sao?
Bà tôi có học hành gì đâu, một chữ cắn đôi không biết. Bà lặng lẽ; cứ tưởng bà không biết gì. Bà thuộc như cháo hàng trăm hàng nghìn câu ca. Bà nói những câu sao mà đúng thế. Bà bảo u tôi:
Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về

Người ta như cây. Uốn cây phải uốn từ non. Nếu để lớn lên mới uốn, nó gãy. Có khi nó còn bật vỡ mặt mình.
Một hôm thằng Lĩnh gánh nước, thổi cơm xong, chờ bà đỏ mắt. Ông giời sai thần mưa đổ nước xuống từ sáng đến giờ.
Bà về. Bà đi lảo đảo. Áo xống ướt sũng. Cái khăn trên đầu không bao giờ bà vấn thành mỏ quạ mỏ cò gì cả. Nó ướt và giỏ nước ròng ròng, bà vuốt mặt không kịp. Bà thắt lưng con cón, cái giỏ cua bên sườn đầy ắp, nhộn nhạo. Con lớn giơ càng cắp con bé. Bà tháo giỏ cua rồi chạy vào gi.ường, hai bàn chân xoa vào nhau rồi bà nằm xuống. Thằng Lĩnh đặt tay lên trán bà. Nó hốt hoảng đi tìm bác Ký gái, u tôi, chị Điệp, cô Toàn, cô Nụ. Chỉ một lúc thôi, con cháu đầy nhà. Cô Toàn thay áo xống cho bà. Cô Nụ đốt chổi xể gầm gi.ường. Cô Nụ hái lá bưởi, lá ruối, lá tre, hương nhu, đun nước xông. Bà trùm chăn xông lùng bùng và có tiếng sụt sịt. Thầy tôi đánh gió cho bà bằng gừng nướng với rượu. Sau đó, thầy đổ rượu vào chén, lửa cháy xanh lè. Thầy úp chén, bốn cái chén nóng như nồi rang vào lưng bà. Khi lấy chén ra, bốn cái hình tròn tím bầm. Thầy lấy gai bưởi nhể ra. Những giọt máu đen sì. Thầy đã nhiều lần mười chết một sống, thầy thuốc đã dáo cho thầy như thế. Có một sự lạ: Bà không rên nửa tiếng. Thầy gật đầu: "Khỏi, khỏi" - Bác Ký gái thì lắc đầu: "Những người không ốm bao giờ, khi đã ốm thì khó qua khỏi". Mọi người buồn ra mặt. Riêng thầy tôi cười nói như không. Lạ thật!
Tối nhọ mặt người, bà đã ngồi dậy được. Con cháu mừng quá. Bác Ký sai anh Liễn bưng cho bà bát miến gà. Bà không ăn. Cô Nụ cho bà nải chuối chín cây. Bà ăn hết bát chiết yêu cháo tía tô kinh giới. Bà ăn xong, mồ hôi trán vã ra. Thằng Lĩnh biết tính bà, nó mua đâu được con cá rô to tướng. Nó ra vườn bà hái hẹ về nấu canh. Đúng là rối như canh hẹ, nhưng bà thích ăn, bà giồng một luống xanh mướt.
Hôm sau bà đã đi lại được chung quanh nhà. Bà ốm cho nên rỗi, không thể tham công tiếc việc. Đi mỏi, bà lại vào nằm. Chúng tôi xì xào với nhau một lúc rồi mới vào thăm bà, quây quanh gi.ường bà. Nói là gi.ường nhưng nó chỉ là cái chõng tre chú Chà để lại. Chỉ năm người là vây kín gi.ường bà. Thấy con khúc vách kêu tắc tắc, bà bảo:
- Ngày xưa có một ông quan có tài, ngay thẳng. Bọn quan gian tức lắm. Nó đặt điều vu cho ông trăm tội, tâu lên vua. Tâu mười lần đến trăm lần, vua ra lệnh giết ông. Ông biến thành con khúc vách, cha truyền con nối đời này qua đời khác, khúc vách cứ tắc tắc lưỡi và lắc đầu oán hận...
Cái Bảng thích nghe chuyện lắm. Nó định hỏi bà bao nhiêu chuyện. Tôi gạt đi, để bà nghỉ đã.
Thấy bà khỏi ho, giọng đã trong, tôi đánh bạo thưa với bà để bà hát ru cho nghe. Bà ngồi dậy như một người khỏe mạnh. Tóc bà xõa xuống. Bà cũng thích hát ru. Bà đã ru sáu người con, một cháu, và bây giờ bà ru cho các cháu hàng đống hàng đàn nghe. Gió nồm từ ao chùa lùa vào, tóc bà rối tung. Bà ngồi bó gối, lưng dựa vào vách:
- Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót (a...) lòng mày khế (à...) ơi...
(ả, à, ơi..., ả... à... ời...)
- Con ơi nghe lấy lời này
Cướp đêm là giặc (a...) cướp ngày là (à...) quan...
(ả, à, ơi..., ả... à... ời...)
- Cái bống là cái bống bình
Thổi cơm gánh nước (a...) một mình bống (à...) ơi
(ả, à, ơi..., ả... à... ời...)
- ...
Ru đến câu thứ ba thì Lĩnh rơm rớm nước mắt, vì câu ấy vận vào đúng nó.
Thế thì ra bà ru hay hơn u tôi ru. Hay hơn ở cái chỗ là bổng thật bổng, trầm thật trầm. Bà ru thong thả, bà buồn theo lời ru. Tiếng à... ời... ở cuối câu kéo dài. Tôi cứ tưởng kiến trong tổ cũng phải bò ra mà nghe. Bà ru xong, chúng tôi im lặng và đứa nào cũng thương bà hơn trước.
*
* *
Sớm ngày thứ ba, mặt trời độ một con sào nắng đỏ lựng cả sân. Chúng tôi ríu ran chào bà. Bà ngồi giữa sân sưởi nắng. Bà chải đầu bằng lược bí để bắt chấy. Tôi đứng nhổ tóc bạc, tóc sâu cho bà. Nhưng tóc bà bạc trắng. Người ta cứ hay nói: cháu nhổ tóc bạc cho bà; nói như thế để tỏ ra thương bà mà thôi. Tôi không nhổ một sợi tóc nào. Hình như mỗi ngày tóc bà bạc đến mươi sợi. Tôi ngậm ngùi. Bà tự xâu kim lấy, tôi lại vui: Giàu hai con mắt. Tay bà run run vá cái áo; tôi lại buồn: Khó hai bàn tay. Bác Ký thấy bà mặc vá, may cho bà cái váy, cái áo; cho thằng Lĩnh bộ áo quần. Chưa lần nào bà nhận. Cứ gần Tết, bà mua mươi vuông vải diềm bâu, vài thước vải trúc bâu. Bà sai thằng Lĩnh đi hái lá bàng về nấu lên ruộm, rồi sau đó ruộm bằng nước củ nâu. Ruộm mãi vài chục nắng, nó thành màu cánh gián. Riêng mấy thước vải của bà, bà giải ra sân, trát kín bằng bùn ao Phủ, phơi mấy đêm ngày, nó đen nhẫy. Đấy là vải váy của bà. Bà mua láng đen về làm khăn. Thế là bà cháu mặc xênh xang ba ngày Tết và cả năm. Khi nó rách thì bà lại vá.
Mới mưa. Nước ao Chùa lênh láng, đục ngầu. Những loài ở nước được ngày mở hội. Chả mấy khi bà được rảnh rang. Chúng tôi tha hồ hỏi bà.
Cái Bảng hay hỏi nhất; bà mà bắt chuyện trẻ con thì thâu đêm suốt sáng nó không chán:
- Bà ơi, sao con ễnh ương ngắn cổ mà gào to thế?
- Nó phải gào lên để nó dọa những con hại nó.
- Bà ơi, sao con chẫu chuộc lại kêu "chuộc chuộc"?
- Ngày xưa có một ông nhà giàu, gặp lúc nạn, ông bán hết cả ruộng, cả nhà cho một ông giàu hơn. Đến khi tai qua nạn khỏi làm ăn khấm khá, ông đến xin chuộc lại cái gì mình đã bán, ông kia phản lời cam đoan. Ông này tức, về uống nước vôi mà chết. Ông thành con chẫu chuộc. Đời này qua đời nọ, ông dặn con cháu phải chuộc, không chuộc được thì cứ gào lên cho thấu đến bàn dân thiên hạ: "chuộc, chuộc...".
Tôi hỏi:
- Bà ơi. Con cóc có phải là cậu ông giời không?
Bà cười.
Cái Bảng nhanh nhảu:
- Chuyện này dì Dụ đã kể em nghe là: Con cóc là cậu ông giời - Đứa nào đánh nó, ông giời đánh cho - Trước khi mưa bao giờ ông giời cũng báo cho cậu biết, để báo khắp vùng bằng cách là nghiến răng còn cọt.
Tôi cướp lời:
- Thế sao cậu Trang bắt hàng nghìn con cóc, chặt lấy đùi lột da, xào cho thằng Trải ăn chữa bệnh còi xương, sao ông giời không đánh cậu Trang? Thằng Trải đã khỏi bệnh. Con rắn hễ thấy cóc nhái là bắt ăn. Ông giời có đánh rắn bao giờ.
Bảng ta tâng hẫng. Bà cười. Cái áo bà vá đã gần xong. Lĩnh chạy về áo quần lấm bê bết. Nó xách xâu cá đến chục con.
- Ba con cá to nhất nó nhảy từ ao lên bờ. Trưa nay bà tha hồ ăn canh hẹ nấu cá!
Bà ngẩng phắt lên nhìn Lĩnh.
- Chim sa, cá nhảy là đừng có bắt, phải tội. Nó gặp nạn phải cứu nó. Cháu thả ngay ba con cá ấy xuống ao Chùa!
Lĩnh đang vui, bây giờ nó tiu nghỉu lặng lẽ đi thả cá.
Bỗng nhiên con cuốc ở đâu bay đến, lủi vào bụi ruối sát mặt nước góp vui ngày hội ao chùa! "Luốc cuốc cuốc - già già già...". Nó kêu đến khàn cổ. Thế là dàn bát âm thêm được một giọng. Nghe tiếng cuốc, bà lắc đầu lẩm bẩm:
- Rõ khổ. Nó hiền lắm. Nó kêu vì cái nỗi nước mất nhà tan. Nó kêu suốt đêm suốt ngày, suốt mùa hè. Hết mùa hè nó chỉ còn một nắm xương khô. Trước lúc chết nó tìm chỗ kín để giấu xác, cho nên ít người tìm thấy xác nó...
*
* *
Bà đã khỏi lại gần như trước. Bà lại lam lũ sớm tối.
Hơn một năm sau, vào một buổi trưa mùa đông, bà đi đâu về, bà bảo Lĩnh mua bốn cái đậu nướng. Ngồi trên gi.ường, bà bẻ hai cái đậu chấm muối ăn. Bà nhìn Lĩnh lũn cũn ra sân, mỗi miếng nhai nước mắt bà ròng ròng. Bà gọi Lĩnh cho nó hai cái. Bà sụt sịt như ăn phải gừng. Bà nằm xuống, phủ cái chăn đụp. Như linh tính của con trẻ, Lĩnh ngơ ngác: Sao hôm nay bà ngủ trưa? Sao hôm nay bà ăn đậu? Nó áp mặt vào mũi bà, không thấy bà thở. Nó sờ chân bà, lạnh như đồng ngâm. Nó gào lên. Chỉ một lúc con cháu đến chật nhà, hàng xóm đến đây sân. Mọi người lay gọi bà. Bà Xích ra cổng gào đến mười lần :
- Ba hồn, chín vía bà Ngoạn ở đâu thì về với con với cháu, với xóm với làng...
- Bà ơi, bà chết thật rồi!
Chúng tôi vừa khóc vừa gào thế. Trong đám trẻ con, thằng Lĩnh gào khản đặc cả cổ.
Chiều hôm sau con cháu, họ hàng, làng xóm đưa bà đi. Tiếng trống cái thì thùng, cái lệnh rè kêu phèng phèng. Giời mưa phùn gió bấc mà đám ma của bà đông quá. Nhẽ ra thì phải cúng tế, có kèn. Nhưng sao được! Mọi người đi chậm. Bát cơm và quả trứng luộc để bà ăn đường. Nó được đặt trên nóc quan tài. Đường xa, mới đắp gập ghềnh thế mà nó vẫn đứng im. Ấy là do những người khiêng hết lòng và đi khéo. Bác Ký, thầy tôi và chú Xếp đội mũ rơm, mặc áo xô, chống gậy xoan cúi đầu đi sau quan tài. Các cô và những người con dâu chít khăn trắng dài, các cháu chít khăn ngang. Đường qua đồng trắng toát. Màu trắng buồn rợn người.
Đã đến huyệt. Tiếng trống tiếng lệnh đồ dồn một hồi.
Những ai hôm qua khóc một thì lúc này khóc mười. Bà đã nằm sâu ba thước đất cách biệt cháu con một giời một vực. Mồ yên, mả đẹp rồi mà cô Toàn, cô Nụ, cái Bảng, thằng Lĩnh còn cào cào vào mồ, lăn ra, quần áo đỏ những đất.
Những người ốm lâu rồi chết thì những người còn sống đau đớn một phần. Những người đang khỏe, bỗng chết thì cái đau đớn ấy tăng lên mười phần.

*
* *
Lĩnh được bác Ký đem về nuôi. Ba gian nhà gianh gió lùa. Mấy cái ống tre ngoài hiên khóc vu vu cả ngày lẫn đêm.
Tôi đi qua có lần tưởng bà còn sống vì bà mất vội quá. Bà ơi! Bà! Bà vẫn hát đấy:
Trèo lên cây khế nửa ngày...
 
Người nhà


Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói "đấy là bàn chân vất vả". Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hòa muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.
Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm.
Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xếp bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm.
Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.
Bố bảo: Bàn chân con phải giữ gìn để mà đi cho thật khỏe, thật xa!
*
* *
Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ con không biết.
Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dày vào. Bánh dày màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi gánh "đá trăm" xuống thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là cái năm vai mẹ nứt to nhất, mất một lần da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh. Con hỏi mẹ, mẹ bảo: "Không đau, nó ê ra rồi". Mẹ cởi trần, mặc yếm mà gánh. Lưng mẹ hoàn toàn là một bãi xém nồi. Mẹ gánh củi đi bán. Mẹ gánh thóc từ đâu về suốt đêm xay giã để bán, để lấy tấm mà ăn, lấy cám nuôi lợn. Tháng nào mẹ cũng gánh gạo đi một ngày đường ròng rã đến nơi con trọ học.
Đôi vai ấy, con tin rằng suốt đời mẹ, không bao giờ trở lại lành lặn như đôi vai người thường đâu mẹ ạ.
Nhưng chính đôi vai xương xẩu, bé nhỏ, mỏng manh ấy lại gánh được bao thứ mà người thường không thể gánh nổi.
*
* *
Bàn chân anh Thả không giống bàn chân bố, mà lại y hệt bàn chân mẹ. Nó xòe ra từng ngón. Cứ nhìn dấu chân ở ngõ, ở bãi sắn, tôi đoán được là chân anh. Bàn chân anh rất mỏng, năm cái xương của năm ngón nổi hẳn lên mu. Mùa hanh, bàn chân anh nẻ chằng chịt, rớm máu, anh vẫn phớt lờ. Khi nào đau lắm anh mới chịu trát gio vào, để khô, ra ao lấy rơm vò nát rồi kỳ. Vết nẻ liền vào được nửa ngày. Anh chạy như bay, hết đánh giậm lại bắt cá. Hết gánh đá lại gánh củi. Hết leo núi lại lội đồng. Anh đá chó dữ bằng đôi bàn chân ấy. Chó chạy bạt vía.
Một chiều, anh pha tre non để chẻ lạt, nhỡ tay, con dao bập một nhát chéo qua bàn chân phải, máu chảy đầm đìa. Anh vẫn phớt tỉnh đi vào nhà rịt thuốc lào, mạng nhện, rồi xé vải đụp để băng. Dấu bàn chân đỏ lòm từ sân vào nhà.
Từ đấy, bàn chân anh có vết dao chéo giẫm lên các nẻo đường. Anh đi đánh giặc. Chân đất mà coi thường cả chông, coi khinh cả gai.
*
* *
Lạ thật, làng tôi mỗi nhà gọi cha mẹ một kiểu. Anh em tôi gọi cha là "chú", mẹ là "u". Con nhà bác Tuyên cũng gọi như vậy. Nhà thằng Diễn, trẻ con lại gọi cha mẹ là "chú, thím". Tôi thấy hình như gọi như vậy không đúng đâu. Gọi cha mẹ là "giời" cũng chưa xứng. Đã đành là "chú như cha, thím như mẹ". "Sảy cha còn chú". Nhưng cha mẹ phải là cha mẹ chứ. Mấy thằng ở tỉnh theo cha mẹ về làng tôi chơi. Tôi rất lạ: Nó gọi cha mẹ là "cậu, mợ". Nghe rất sang trọng nhưng mà tôi vẫn thấy không thể được!
Tôi đánh bạo, tôi gọi cha, mẹ là "thầy, u". Không ngờ, về sau, tất cả anh em tôi, cả con nhà bác Ký Hồ cũng gọi như vậy, gọi quen rồi! "Thầy ơi!", "u ơi"...
*
* *
Bố đi đâu về, không một lần nào là chúng tôi không có quà.
Mở thùng câu ra là một thế gian dưới nước: Cà cuống, niềng niễng đực, niềng niễng cái bò nhộn nhạo. Hoa sen đỏ, nhị sen xanh tỏa thơm lừng. Những con cá sộp, cá chuối, cá chõn quẫy tóe nước, mắt thao láo. Mai mẹ lại có tiền đong gạo rồi.
Bố im lặng, cởi trần ra. Bố ngồi ăn cơm. Khi ngồi, lưng bố hơi gù, bụng mỏng dính, da bụng trùng lại. Suất cơm thường là hai bát chiết yêu úp một. Một miếng sắn, miếng khoai cõng mươi hột cơm. Thấy chúng tôi ríu rít chia quà. Người vừa nhai cơm vừa gật gật đầu.
- Mai đi cắt tóc. Thiên hạ đến lứa rồi!
Bố lẩm bẩm thế.
Bố đi cắt tóc về, không một lần nào là chúng tôi không có quà.
Mở hòm dụng cụ ra là cả một thế gian trên đất: Con sập sành, con muỗm, con bọ bầu to xụ, mốc thếch, ngó ngoáy. Hấp dẫn nhất là những con dế đạp lạo xạo trong các vỏ bao diêm: toàn dế đực, cánh xoăn, chọi nhau phải biết và gáy vang nhà. Bố gọi chung các loại dế biết gáy là "tắc tẩu". Chúng tôi gọi riêng từng loại: con "róc", con "théc , loại bé nhất là "kéc"... theo tiếng kêu của chúng mà gọi. Mong sáng mau để tôi đem chúng chọi với dế của anh Liễn. Nếu nó thắng, anh Liễn lại bảo:
- Dế của thầy mày bắt mà lị!
Mùa đông hết dế. Bố có thức quà khác. Hôm nào về, bố cũng cho một cái gì. Lạ thật, sách ở đâu mà lắm thế. Tiền đâu mà bố mua? Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Phan Trần, Tam Quốc chí, Tứ tài tử, Cổ học tinh hoa, Nhị thập tứ hiếu. Đấy là những truyện bố bảo phải đọc. Những người được vẽ ở bìa, ở truyện cứ múa trong cả mọi lúc tôi ngủ mê. Tôi nhớ mặt từng người. Họa sĩ vẽ giỏi thật. Tôi khóc nức nở khi Cúc Hoa hiện trên mộ thăm hai con Nghi Xuân - Tiến Lực. Tôi muốn được như Lục Vân Tiên. Nhưng tôi không biết trên đời này, có Nguyệt Nga thật không? Có lần bố bảo:
- Chúng nó dốt bỏ mẹ mà mua bao nhiêu truyện về xếp đống bỏ đó. Thầy lấy về cho mày! Hãy đọc đi. Đọc cho cả u mày, cho các anh các em mày nghe.
Bố dạy cách đọc. Cách đọc ngân nga. Đến nỗi u tôi phải giải chiếu ra sân bắt tôi ngân nga, có lúc nỉ non. Tôi phải ngừng lại lau nước mắt, hình như u cũng sụt sịt.
U không biết chữ nào mà sao hiểu đến thế. Tôi cứ đọc, có chỗ không hiểu truyện nói gì, u tôi nói luôn. U giỏi thật!
Quà của bố còn là cái ngòi bút cũ, quyển sách người ta viết dở. Bố bảo phải tập viết. Nếu họ viết mực tím thì mày dùng mực đỏ. Nếu họ viết mực xanh thì mày dùng mực tím, viết đè lên chữ của họ, hoặc là viết dặm giữa hai hàng chữ họ.
Quà của bố, làm tôi giàu quá!
*
* *
Cái Bảng sang ở nhà bà ngoại. Nó về chơi. Mới đến cổng là nó đã hát. Mỗi lần nó hát một bài hát mới. Lúc thì sa mạc, lúc thì trống quân, lúc thì cò lả, lúc thì hát ví nhưng nhiều nhất là giọng quan họ. Nó khoe mợ Năm dạy hát, dì Thường dạy hát. Miệng nó hát, tay nó ôm lấy cuộn lá dứa. Lá dứa về chiều bao giờ cũng ngọt lừ. Anh em tôi quây quần tước lấy lõi ăn "tiệc". Lúc nó đi, tôi nhớ, cầm cái tay mũm mĩm bé bỏng ấy tôi cắn khẽ. Cổ tay nó thơm thơm.
Một hôm nó đùng đùng bỏ nhà bà ngoại, về. Nó mặc quần cộc rách. Tay nó không thơm nữa. Suốt ngày lấm láp, trơ những xương là xương. Thế mà nó cứ hát cả ngày. Nó tha thẩn khi thì gốc đu đủ, khi thì gốc vối già, khi thì gốc mít. Nó hát hay lắm:
Con cò là con cò kỳ
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô.
Nó toàn chơi một mình. Tôi ngủ, nó vẫn hát nỉ non ở sân, ở góc vườn.
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Con đi bắt ốc, kiếm rau mẹ thì....
Rồi một hôm nó đi đâu. Đến thổng buổi nó lê về. Bàn chân đầy máu. Nó lăn ra góc sân. Một mảnh sành cứa toác ngang gan bàn chân. Giò cua được dăm con. Nó không khóc. Vừa được buộc chân xong, máu vẫn chảy ri rỉ, nó lại hát...
*
* *
Có gì đâu? - Miếng bánh đa của nó đã bé, tôi lại bẻ trộm của nó một nửa...
Có gì đâu? - Chén ngô rang, anh Thả lấy của nó vài hột. Có gì đâu? - Bát cơm, anh Thả đơm cho nó nhiều sắn quá...
Mỗi lần thế, nó lăn đành đạch ra đất. Nó khóc rất lâu, không ai dỗ được, cả xóm đều nghe thấy, khóc như xé vải, khóc đứt ruột. Nó luôn luôn bị bệnh ho gà. Càng khóc nó càng bị ho. Có lúc cơn ho làm lặng đi rất lâu. Nó lăn cạnh mâm cơm, mèo chó giạt đi. Bố hiền thế mà bố phải rút cái roi. Bố đánh. Bố giận quá, bố đánh đau lắm. Khi lưng cậu ta, mông cậu ta đầy những vết lằn ngang, lằn dọc cậu ta mới chịu ngồi dậy. Nó rất dạn đòn. Nó nín vì quá mệt rồi. Tôi và cơm cho nó. Nó vừa ăn vừa nấc. Nước mắt rỏ ròng ròng. Bát cơm chan nước mắt. Nước mũi, nước dãi cũng thi nhau rỏ vào cơm. Nó cứ ăn, cứ nấc.
Ăn xong, nó cứ trần truồng đi xiêu vẹo ra cổng. Chơi chán, nó lại lảo đảo về. Biết nó hay hờn dỗi mà cả nhà khó tránh quá!
Tôi cứ nghĩ bụng: Em Tịch ơi! Đến bao giờ thì em hết ức, hết hờn?...
*
* *
Ba anh em tôi đang đánh đáo tường ở góc sân. Tự nhiên anh Thả reo lên:
- U về, u về chúng mày ơi!
Chúng tôi ngừng lại tất cả, nhìn ra cổng. Tâng hẩng! Anh Thả hay có thói như thế.
Đến trưa, ba anh em đói mèm. Anh Thả lại reo:
- U về! U về!
Chúng tôi tiếp tục chơi đáo. Chả ai tin. Cái reo của anh Thả vứt đi!
Xế chiều, bác Ký bảo anh Hồ, anh Liễn mang sang ba bát cơm. Vừa ăn xong, anh Thả nhìn ra cổng lại reo lên:
- U về! U về thật đấy, chúng mày ơi!
Lần này chúng tôi vẫn không tin... Nhưng mà u về thật. U đặt quang gánh xuống giữa sân. Mồ hôi ướt hai bãi ở hai vai áo. Khi mở thúng ra, có ba chiếc bánh đa. U bảo: "Cứ mỗi đứa một cái".
Hôm nay, u đi tận chợ Chì. Chợ Chì ở đâu nhưng tôi biết là xa lắm.
Chợ Chì là chợ Chì xa
Chồng mong, con khóc, chém cha chợ Chì
Có hôm u còn đi tận chợ Roi. Chợ Roi xa tít mù tắp. Đứng ở quê ngoại mà nhìn thì chợ Roi ở tận chân dãy núi xanh xanh kia: Người ta gọi là núi Leo, núi Cáu.
- U về, u về, u về!!!
Thằng Tịch reo lên. Khi thằng Tịch reo lên như thế, ai cũng phải tin. Mỗi khi u đi nó lăn ra đất, nó chạy ra cổng, nó gào, nó khóc. Nó khóc đến nửa ngày, nấc lên. Nó khóc mệt thì thôi chứ không ai dỗ được. Nên bao nhiêu lần nó reo lên "u về, u về" thì đấy là thật.
U về! U về thật. Chúng tôi quây quanh u, mở đôi thúng. U chả nói chả rằng. Bao nhiêu quà: ông phỗng hiền như bụt, ăn no, bụng phưỡn ra, hở cả rốn. Mặt trắng, bụng trắng chỉ có môi là đỏ. Ba ông, màu sắc sặc sỡ, ngồi ghế, che tàn. Các ông gầy nhom, đội mũ cánh chuồn. Người ta gọi ông là tiến sĩ. Ba quả bưởi lựng mùi thơm. Một bánh thuốc lào, sợi vàng ươm, bọc quanh bằng lá chuối khô. U bảo đấy là quà của thầy. Hôm nay u mua nhiều thế! Hình như tôi thấy là u đói! U bảo: "Tối nay, chúng mày trông giăng. U nấu bánh đúc lạc, tha hồ ăn".
Tháng ba, ngày tám thường là đói. Nhưng năm nay được mùa. Rằm tháng Tám này chắc nhà nhà đều vui. Đến như nhà tôi mà cũng vui cơ mà!
- U về! U về!
U đi gặt thuê cho nhà bà Xã đã về! Váy u còn xắn đến đầu gối, lấm tấm bùn. U thắt bao tượng màu đã bạc như màu nõn chuối khô. Người u tỏa ra mùi lúa mùi bùn. U tháo thắt lưng ra, rốc rốc: Cà cuống, niềng niễng, muỗm, những cọng rạ đầy trứng cà cuống... Anh Thả đốt bếp lên. Một lát sau, ba anh em ngồi ăn: Những con muỗm, thơm vàng, béo ngậy. Cà cuống "chết đến đít còn cay", vị cay ngan ngát. Niềng niễng giòn thơm. Trứng cà cuống lép bép, lép bép...
- U về! u về!
U đi ăn giỗ về. Lần thì trong tay u cầm một bọc, bọc bằng lá sen. Lần thì u cầm một bọc, bọc bằng lá khoai, lần thì lá chuối đã nướng đi rất dẻo. Trong các bọc ấy toàn thịt mỡ thái to, xôi gấc còn đầy hột, chè đỗ xanh từng cục, từng miếng chứ không thành đĩa... Khi mở ra, anh em tôi vừa bốc, vừa nhúm hết veo...
- U về! U về!
Nhiều lần u đi chợ về, u cắp nghiêng cái thúng. Chúng tôi biết như thế là chả có gì, chúng tôi vẫn reo lên: "U ơi! U về! U về!" Bao giờ, u đặt thúng xuống, anh Thả cũng ra mở thúng trước tiên: Dăm bơ gạo tấm. Một "men" giấy cho tôi đi học. Cục mực tím óng a óng ánh bọc trong mảnh giấy bản... Nhưng u chả bao giờ quên mua quà: Mươi củ khoai luộc. Chiếc bánh đa. Vài đận mía:
- U về! U về!...
Tôi cứ ngẩn ngơ: "Ước gì mình cứ bé mãi để được reo lên: U về! U về! Ước gì u cứ sống mãi để chúng tôi được reo lên: U về! U về!"
 
Những đồ dùng biết nói


Cái miệng nó mẻ một miếng khá to cho nên cái lòng nó nông choèn, nhẵn bóng. Phần miệng còn lại, thầy và các anh mài dao vẹt đi. Nhìn vào vỏ cối thì biết cái cối này thầy u mua từ lâu lắm bởi nó nhẵn. Nhẵn do vần nhiều, nhưng khi cần lắm chúng tôi mới vần vì nó nặng. "Vần như vần cối đá" mà lị! Bình thường thì cối đá ngồi ở dưới gốc mít.
Nói đến cối lại phải nói đến chày. Chày cứ cối mà nện rất ác. Lưng chày thắt lại bóng như bôi mỡ. Hai nửa cán chày tướp xơ, hai đầu chày tròn xoe và mòn.
Cái cối thế này thì không giã được giò. Chưa thấy nhà tôi giã giò bao giờ!
Con cua bóc mai, bóc yếm cho vào giã nghe cũng vui tai lắm! Cối bị giã kêu choạc choạc! Chỉ một lát thôi, lòng cối đầy cua giã nhuyễn.
Có vừng, có lạc mà giã thì còn phải nói. Mùi lạc, mùi vừng bay sang đến hàng xóm. Sau khi giã xong, cho cơm vào trôn cối tiện tay nện cho vài chày, cơm nát ra quánh lại lẫn vừng rồi nắm lại từng nắm cơm chim, ngon biết mấy!
Bao lần tôi giã riềng để hòa muối, rang làm thức ăn. Riềng bắn vào mắt, cay sè. Nếu nó không bắn vào mắt thì mùi nó xông lên cũng đủ làm cho người ta giàn giụa nước mắt nước mũi, nhìn nhòe cả cối.
Chắc cái cối cũng cay lắm.
U đau bụng kinh niên. Nếu u uống thuốc mặn thì dịu ngay. Nhưng thuốc mặn đắt lắm, lại phải mua tận tỉnh. Có hôm kiếm được tiền u cũng mua. Cầm gói thuốc u tỉnh hẳn như đã khỏi bệnh. U uống dè xẻn từng thìa con.
Tiền đâu mà mua thuốc mặn! Người ta mách rằng: Vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc lâu năm, nó trắng như vôi, rẻ như bèo, họ bán đầy chợ Và, chợ Dạm.
U mua từng rổ về, đổ ở góc nhà. Tối tối u vốc một vốc vùi vào trấu. Trấu nung nấu âm ỉ suốt đêm. Sáng sau, vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc chín nục ra. U cho vào cối giã. U giã nhỏ biến rồi lấy rây, rây. Bột mịn. U uống cũng đỡ đau...
Tất cả những việc ấy về sau tôi làm đỡ u. Vỏ sò, vỏ hến, vỏ ốc, vỏ trai, u gọi chung là "mẫu lệ".
Tôi cho mẫu lệ vào cối giã. Tiếng giã khô khốc. Những mảnh sắc đâm vào chày. Chắc chày cũng đau. Còn lòng cối thì đau lắm.
*
* *
U gọi nó là cái cối tân. Cái vành, cái áo bằng nan tre luôn luôn bị vá, bị cạp. Hai cái tai nó bằng tre già màu nâu. Mỗi tai có một cái lỗ tròn xoe. Lúc nào tai cũng tỉnh táo để nghe ngóng. Cối có hai hàm răng bằng gỗ dẻ. U gọi là dăm. Răng nó nhiều, ken vào nhau. Vậy nên người ta nói "chật như nêm cối". Nói đến cối lại phải nói đến cần. Cái cần dài bằng tre đực vàng óng. Đầu cần là củ tre, có cái chốt. Cái chốt bằng tre mà rắn như đanh, móc vào tai cối. Từ chỗ tay cầm có cái thừng buộc từ xà nhà. Đẩy đi kéo lại, cối kêu ù ù. Nhà nào có cối xay, cối giã là nhà khá giả. Vì nghèo quá thì không đóng nổi cái cối. Hơn nữa có thóc đâu mà xay, mà giã. Nhà nghèo năm thì mười họa, khi có thóc thường đi xay nhờ, giã vả.
Thế thì vì sao nhà tôi lại có cối xay? Tôi nhớ một đêm thầy u bàn lâu lắm: Vay tiền để đóng cối. Vay tiền để đong thóc, xoay xở hàng xay hàng xáo mà nuôi nhau. Nghe thế, tôi vui quá. Chao ơi. Nhà sẽ có cối. Nó kêu ù ù đã đủ vui nhà vui cửa rồi.
Ngoài đường ngày nào cũng có một ông quẩy đồ lề đi qua: "Ai cối khôông?". Cả vùng này quen ông và quý ông. Ông ở làng Nguyễn trước kia. Người ta gọi ông là ông phó Thình. Ông được mời vào đóng cối cho nhà tôi. Chỉ ngày một ngày hai, quay đi, ngoảnh lại ông đã đóng xong cái cối xinh xinh. Cái cối xuất hiện như một giấc mộng, ngồi chễm chệ giữa gian nhà trống.
Chọn được ngày lành tháng tốt, u đong một gánh thóc vàng ươm về. Đổ vào lòng cối, u xay thử. Từ xung quanh cối, gạo lẫn trấu chảy xuống vành rào rào như mưa. U vốc lên tay một nắm, tãi ra, thổi phù phù. Cả vốc gạo chỉ lỏi vài hột thóc. U gật đầu: Cối mới, chửa thuần mà được thế này là nhất đấy! Hai thóc một gạo. Hai thúng thóc sau khi xay, giã, giần, sàng xong còn gần đầy một thúng gạo. Ngoài ra còn tấm, cám, trấu. Từ hôm u làm hàng xáo, nhà được ăn cơm tấm luôn. "Ăn no cơm tấm, nằm ấm ổ rơm". Gạo, u đem bán ngay ở chợ Dạm dưới chân chùa Cao. Bán xong, khi về u vui hẳn. Có lãi rồi.
Cứ thế, ngày lại ngày qua, đêm đêm tôi xay lúa với u. Hai u con cầm cần xay. Tiếng cối ù ù trong đêm nhưng không át nổi tiếng thở dồn dập của u.
Vài năm sau, cái cối đã cũ rích. Vành nó bật ra. Cái áo tướp xơ. Răng mòn thín. U thở dài: "Lại phải chạy tiền đóng lại cái cối rồi!".
Bỗng, u ốm năm sáu ngày liền. Trong nhà vắng tiếng ù ù, chỉ có tiếng rên của u. Nhà có hai con gà què. Chuyên ăn quẩn cối xay. Nhặt chẳng được hạt thóc hạt gạo, gà ta ỉa vung ỉa vãi xung quanh cối. Cối lạnh tanh, ngồi há hốc miệng.
Trong giấc mê tôi thấy cối nói:
- Bà chủ ơi! Bà cố chạy tiền chữa cho tôi lành lặn. Tôi lành lặn thì bà cũng khỏi ốm. - Cối nói đúng. Nó vừa được đóng lại lành lặn thì u khỏi ốm.
Đêm đêm tiếng ù ù lại vui cả xóm...
*
* *
Gọi là cái chăn ta vì nó là vải của nước Nam ta tự dệt. Thầy u sắm từ ngày mới cưới. Nó có hai lần vải nhưng lại không có lõi bông như chăn nhà người. Vốn dĩ nó là màu nâu. Bây giờ nó bạc phếch, nó mang trên mình hàng trăm miếng vá: Miếng màu đen, miếng màu cháo lòng, miếng nâu, miếng gụ, miếng xanh, miếng vàng... U gọi nó là cái chăn đụp. Cứ càng vá nhiều, nó càng dày ra, nó ấm.
Mùa rét, tôi gọi trẻ con hàng xóm đến nhà trèo lên gi.ường, trùm chăn, ngủ. Trong chăn, những tiếng cười rúc rích vui đáo để! Đã trùm kín rồi mà tôi vẫn nhìn thấy mái nhà. Ngủ, chán, chúng tôi chơi ú tim, giằng xé cái chăn. Chăn bục ra từng mảng. Tôi biết, tối về u sẽ mắng.
Đêm, tôi nằm bên này gi.ường, cứ thấy u giở mình sột soạt trên ổ rơm. Chưa bao giờ u giở mình nhiều đến thế!
Tôi sực nghĩ: Cái chăn rách, gió lùa, u không ngủ được! Những chỗ lành chắc u nhường cho cái Bảng. Cái Bảng ngáy pho pho...
*
* *
Gọi là cái chăn tây vì nó là vải được đem từ bên Tây sang. Gọi cho oai. Nó là cái chăn dạ, màu cứt ngựa. Nghe đâu khi nhà đã đông người, thầy sang bới trong đống tầm tầm của nhà bác Ký mua từ tỉnh về. Trong đó có một cái chăn Tây. Thầy mừng quá, bảo bác Ký bán rẻ cho. Cái chăn bạc phếch, mùi mốc meo xông lên. Mùi mốc của những thứ này thì khó ngửi lắm! Tôi giải ra gi.ường, ngồi lẩn mẩn đếm. Nó là ba trăm-hai-mươi-bảy miếng vải ghép lại. Tôi thầm khen. Ông thợ may này là ông thợ may khéo, đã khéo lại chịu khó, nhưng nghèo lắm đây. Họ bán cái chăn đi có thể là do túng bấn. Nhưng cũng có thể họ khá giả sắm được cái chăn khác tốt hơn.

Cái chăn trùm cho những ba người. Thầy, anh Thả duỗi chân ra thì một là hở đầu hai là hở "đuôi". Tôi bé bỏng được nằm giữa, ấm đến ngột, không chịu nổi.
Nửa đêm tôi nhoài người lên. Thầy lại khẽ kéo tôi xuống. Riêng hơi của thầy đã đủ ấm rồi! Lúc quá rét thầy đã từng trùm chăn, phủ phục như một con voi phục ôm tôi gọn lỏn trong lòng. Mùi mồ hôi quen thuộc của thầy; hơi thở phảng phất mùi khói thuốc lào làm tôi thêm ấm. Đêm, được nằm giữa, tôi cứ nhoài lên khỏi đầu mọi người, làm khổ thầy khổ anh. Đã thế, thầy lại nói thầm với anh Thả: "Cái kiểu nằm thế này, lớn lên nó có chí hơn người đây!". Nghe câu ấy bao lần trong các đêm, tôi lại càng hay nhoài, gác cả chân lên vai, lên ngực mọi người.
Người ta nói: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Nhưng cái chăn này khéo co mấy nó vẫn hở đầu, hở chân, lạnh sườn.
Hai cái chăn đang nói: "Bạn ơi! Nay mai bạn đi đâu thì đi, ra sao thì ra, bạn cũng ở trong lòng tôi những ngày bạn thơ bé".
*
* *
Những đồ dùng biết nói thật đấy! Tôi đã từng nhìn khắp nhà, những đồ dùng đã sống cùng tôi: Cái võng đay rách. Cái chiếu manh thủng giữa. Cái mâm gỗ mộc "cóc gặm" một góc. Cái giỏ cua trông hình con ong, vá đi vá lại. Cái rổ, cái rá cạp lại. Cái chạn bát xiêu vẹo đầy mọt, đụng vào là bụi bay. Cái gi.ường nứa ọp ẹp nan gãy nan còn. Cái điếu bát nứt vành, chằng dây thép. Đến cái vại nước cũng phải vá xi-măng, v.v...
Tất cả, tất cả chúng đều cất tiếng: "Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi..."
 
Hội làng

Vào một buổi chiều giáp Tết, gió se se; thầy Dung thắng bộ quần áo tây tim tím, ca vát tím, mũ nồi tím. Thầy say rượu đến mấy, quần áo cũng không xộc xệch bao giờ.
Chúng tôi đã vào lớp đủ, phăng phắc. Đôi mắt thầy màu gấc chín. Đôi mắt thầy quét một loạt điểm mặt trò.
Thầy quay mặt vào bảng đen rồi quay ra nhìn chúng tôi:
- Em nào lau bảng chiều nay?
- Thưa thầy, em ạ!
Từ đầu hàng ghế đầu, tôi đứng phắt dậy thưa với thầy như thế. Tôi hiểu ý thầy, chạy lên, cầm cái giẻ xuống xin nước, giặt nhờ chú Ất. Tôi lau lại, bảng đen nhẫy.
Không chờ bảng khô, thầy vén ống áo phải, cầm viên phấn, vung tay từng chữ:
"Fête du Tết". ( Ngày Tết )
Bảng khô đến đâu, chữ hiện đến đấy như thần thoại : "Fête" màu đỏ "du" màu trắng, "Tết" màu xanh biếc. Nếu ai bảo những chữ đó như rồng bay cũng được, nếu nói như phượng múa cũng đúng.
Thầy ngất ngưởng đi về phía tỉnh.
Chúng tôi kéo nhau như rồng rắn đưa thầy đến cuối làng. Bóng thầy mờ trong gió sương lam.
Không hiểu vì sao thầy cứ buồn mãi thế, hết năm này qua năm khác. Cứ Tết sắp đến, thầy là người đầu tiên gây cái Tết trong mỗi chúng tôi.
*
* *
Tết thật rồi ! - Tờ mờ sớm mồng Một, tiếng guốc sơn "các côông" ròn trên các sân gạch. Tiếng pháo ran xóm Đông, mùi thơm nhập vào mùi thuốc pháo xóm Tây, phả sang xóm Trại, ngây ngất. Xóm Trại gần như im tiếng. Chỉ có chú Chàng đốt một bánh mà thôi. Rạch tạch đùm...
- Đói ngày giỗ cha - no ba ngày Tết. Ra giêng có treo niêu cũng hả cái dạ!
Thầy u tôi bảo thế. Chúng tôi no thật là no. Cứ thịt mỡ dưa hành, bánh chưng mà đả.
Đường cát trắng tinh. Kẻ đi giày, người đi guốc, người đi dép da trâu, người đi đất. áo cánh gián. áo trắng. áo nâu non. Quần láng, váy lĩnh, áo the, khăn xếp... rợp. Con giai lớn tuổi mặt hồng vì rượu. Con gái vì giầu cay, môi đỏ như son, đỏng đà đỏng đảnh. - Ai buồn cũng thành vui. Ai vui sẵn thì cười nói hết cỡ. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Tiếng chào hỏi chúc mừng ríu ra ríu rít. Có người hằn thù nhau suốt một năm. Cái Tết xóa sạch! Họ nhà tôi đánh nhau chí tử với họ nhà ông Tuệ. Cái Tết về, hai họ quên hết, khi gặp nhau, người người vui ra mặt.
Ông Tấn được con cháu mời ăn. Ông hát vang đường làng:
- Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
Tháng Tư đong đỗ nấu chè...

...
Ông hát từ xóm Đông, qua xóm Tây đến xóm Trại, về đến nhà thì bài hát hết tháng Mười Hai... Bài hát kể toàn chuyện ăn chơi quanh năm ngày tháng. Hát xong, ông cười nói một mình:
- Thế mới thú chứ! Nam vô tửu như kỳ vô phong! Phải lắm! Hay lắm!
Một trăm lần say rượu, ông đánh vợ chửi con (chị Phấn) chín - mươi - chín lần. Nhưng Tết tuyệt nhiên, ông rất hiền, rất thật, và hơn tất cả mọi người. Bà Tấn đảm đang, nhẫn nhục, tần tảo, cúc cung tận tụy với chồng có lẽ đến chết cũng thế.
Tôi đến nhà ông Du để bảo anh Viễn hát cho nghe. (Anh đi ở trên tỉnh, Tết mới có nhà). Anh hát hay nhất làng. Cả nhà đi chơi chỉ còn ông Du. Ông say rượu, hát ríu cả lưỡi. Ông nằm, phơi bụng ra. Ông vỗ bụng bành bạch lấy nhịp; hát một mình:
- Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi
Ngồi trâu, thổi sáo, vui đời Thuấn, Nghiêu.
- Cháu chào ông ạ!
- Ừ chào cháu. Bố mày có nhà không?
- Thầy cháu sang Vân chúc Tết rồi ạ.
- Ông ơi! Cái thời Nghiêu, Thuấn là thế nào hả ông?
Ông thích lắm, ông ngồi hẳn dậy, đôi vai rung rung: cái đầu lắc lư, ông nói một lèo:
- Cái thời vua Nghiêu vua Thuấn ở tận bên Tầu cơ. Thời ấy quốc gia thịnh trị, thiên hạ thái bình, của nả đầy nhà đầy cửa, ra đường thấy của rơi không ai nhặt. Đêm đêm nhà nhà không cần đóng cửa, nuôi chó như thừa... Còn cái thời khốn nạn này, cái thời này... - Ông ôm mặt khóc hu hu.
Tôi biết rằng cái khóc của người đàn ông mà lại cao tuổi thì đau đớn lắm. Tôi cũng rưng rưng, khẽ lẻn ra khỏi cổng rong. Tiếng hu hu vẫn vẳng theo tôi...
Một cái Tết thoảng qua như cái nắng chiều hôm.
Tôi đi qua đình. Lạnh ngắt. Giời giở rét ngọt, rét buốt. Nhìn thấy cây nêu ngất ngưởng trụi lá trước sân đình, tôi mẩm bụng: A, còn ba hôm nữa lại Tết, Tết hạ cây nêu. Nhà nào có, lại ăn Tết một ngày, lại gói bánh chưng.
Nhà tôi thì không bao giờ ai biết Tết hạ cây nêu là cái gì. Cái tôi mong nhất bây giờ là ngày làng vào đám. Tôi bấm đốt tay: Mười một hôm nữa.
Ông Tấn đã lảo đảo cười nói một mình, ông nói đến khàn cổ. Ông dừng lại ở cửa đình, chỉ thiên, chỉ địa rồi ngẩng mặt, ông cười với hai con nghê ngồi tít trên hai cái trụ cửa đình:
- Mũi mày to bè bè. Miệng mày cười ngô nghê. ấy thế mà chúng mày sướng. Chúng mày cứ nhăn răng cười hàng trăm hàng chục năm nay. Mày cười chúng tao à? - Không phải? - Mày cười làng tao à? - Cũng không phải! Mày cười ông giời à? - Phải rồi! Mày đúng, tao yêu mày, tao phải trèo lên tao ôm chúng mày mới hả cái bụng cái dạ!
Ông trèo lên thật. Tôi rất là thích ông, ông thân với thầy tôi lắm. Tôi lặng im nghe ông nói nhưng bây giờ tôi phải gào lên:
- Chú Ất ơi!
Chú mõ nhảy bổ từ túp nhà ra. Chú khỏe lắm, hai tay chú ôm lấy bụng ông Tấn:
- Con lậy ông, ông về không thì ngã chết.
- Ừ phải. Ta nghe anh.
Tôi theo sau ông về tận vườn chè xơ xác của ông.
Ngày đình đám ập đến như một giấc mơ. Cờ thần cờ thánh óng a óng ánh, tua múa quanh cờ, rợp sân đình.
Hai hàng vệ sĩ hệt hai hàng tốt xanh tốt đỏ Các anh khoác những chiếc áo lậu cao tiền, áo dài nhưng cộc tay. Tay chống xiêu, đao, mã tấu, gươm dài... Trống cái mới bưng, cái chiêng đồng có cái vú ở giữa bằng cái gáo dừa úp lên, chiêng mới đánh trấu vàng chóe. Trống và chiêng treo trên hai giá đỏ cuối hai hàng vệ sĩ. Hai anh lực điền thắt lưng nhiễu điều cầm lăm lăm hai cái dùi bằng gốc cây dứa dại to xù. Các anh bắt đầu vung tay nện thẳng cánh. Tùng, bu, tùng, bu... ba hồi. Cả làng gần xa nghe tiếng, ai cũng chạy tất tưởi về đình. Sau hai tràng pháo, khói mờ giời, hơi khét nồng sân đỏ thắm. Cụ chánh hội mặt đỏ, râu trắng dài như tiên ông, quỳ giữa chiếu hoa. Trang văn tế óng vàng như lụa. Cụ nâng trang văn, giọng văn tế sang sảng dội vào cung, lan ra sân đình, mọi người lặng nghe "Duy Việt Nam Bảo Đại thập ngũ niên... Trung thôn, Sơn Trung xã, Sơn Nam tổng, Từ Sơn phủ, Vũ Giàng huyện, Bắc Ninh tỉnh...". Trẻ con mà tôi cũng biết bài văn tế năm nào cũng vậy, chỉ có điền vào Bảo Đại thập ngũ, sau là thập lục, năm sau nữa là thập thất cứ thế, trừ khi vua băng hà hoặc bị truất quyền thì toàn dân thiên hạ khi đọc văn tế là niên hiệu vua mới từ đệ nhất niên giở đi...
Tế lễ xong, những nong thịt lợn lộc thánh đã ken chật sân đình. Bọn trẻ con chúng tôi bao giờ bố mẹ cũng giao cho cái quyền đi lấy phần. Rổ đội đầu, rá cắp nách, mắt đứa nào cũng cắm vào nong thịt, rồi lia vào hai bàn tay chú mõ. Chia phần đến mức có bằng phải là chú mõ Ất. Ấy thế mà chả năm nào tránh chuyện cãi nhau, miếng to, miếng nhỏ, miếng ngon miếng tồi... mày tao chí tớ văng *** văng lắt trước mặt thánh, trước mặt đàn anh.
Những cái sự to tiếng ấy phát ra từ mồm bố những đứa trẻ. Trăm dâu rồi lại đổ lên đầu tằm. Chú mõ gánh chịu, chỉ cần hở miệng ra là chú bị ăn tát. Chú cứ im như hến. Chú biết cái thân phận chú ai đánh cũng được. Đầu bạc mà phải chắp tay "cho con xin lỗi... . Ngoài sân đang láo nháo, chia phần thì trên sân đình thượng các bậc đàn anh quăng chai, quăng bát loảng xoảng: "Cha sư mày. Miếng ăn giữa làng bằng một sàng xó bếp. Được ăn thế này là phải ăn cho tử tế, nào ngồi xổm, nào bốc, nào nhúm, nào tu... cái tổ sư mẹ mày!".
Tiếng chửi lại, đanh hơn:
- Thì mày ra cái thá chó gì mà tao phải ăn, phải nói tử tế với mày. Ban ngày mày giả vờ như thần. Ban đêm mày lại lần mần như ma...
- Cút! Xéo ngay!
- Tao đếch cút, tao *** cút. Tao đóng tao góp tao mua chức bán quan, bán đến cả váy vợ tao mới có cái chức cái quyền ăn trên ngồi trốc thế này chứ tao ăn không à?
Xoảng, xoảng, xoạch, choang... rượu đổ lênh láng, chai vỡ, bát mẻ... thịt mông, thịt thăn, thịt xấn, thịt thủ, tim gan, lưỡi lợn tung tóe!
Ngoài sân:
- Nhà tao sáu suất cơ mà! Sao lại ít thế này hả mõ?
- Sao phần nhà tao lại nhiều thịt bụng! Mả cha mày. Mai tao thưa với các bậc đàn anh đuổi mẹ mày đi! Thay thằng mõ khác...
Tôi cay cay ở sống mũi khi nhìn chú mõ. Một mình chú chia hàng mấy trăm phần la liệt. Đến mời ông thánh ra đây chia phần cũng chả tránh được điều nọ tiếng kia.
Nhà tôi được bốn phần gần đầy cái rá. Phần của những người đàn ông, con giai. Còn u tôi, cái Bảng là đàn bà con gái thì không được chia phần.
Hôm nay anh Thả sang bà ngoại. Nếu không thì bao giờ anh cũng đi với tôi. Hai anh em mang phần về, anh nhìn trước nhìn sau không có ai, anh gạ:
- Vào bụi tre ông Tuyên!
Thế là tôi biết ý. Hai anh em ăn vụng. Tôi ăn miếng nhỏ, đút lọt thỏm vào mồm. Anh ăn miếng rõ to, bị nghẹn đỏ mặt tía tai. Môi anh nhờn ra. Hai anh em lấy vạt áo lau lau mãi rồi mới về. Tôi cười chảy nước mắt. Anh quát:
- Cười cái gì, có im đi không? Lộ hết bi giờ!
Đến đầu sân, anh rỉ tai:
- Mày mang vào nhà. Tao sờ môi còn nhờn lắm. Anh Thư biết chỉ có mà chui xuống đất.
Tôi treo thịt lên. Chó treo mèo đậy mà lị.
Tôi chạy ra đình. Đàn em lấy phần xong, ai về nhà ấy. Đình trong, các bậc đàn anh vẫn chửi nhau loạn xạ. Đến Thành hoàng cũng phải sợ rúc vào trong cung thâm nghiêm, âm u và im thin thít.
Hai con nghê cứ ngồi vắt vẻo đỉnh trụ cao ngất, nhăn răng cười...
*
* *
Thùm thùm thùm... Beng beng beng... Bong bong bong... Đừng ai giật mình: Đây không phải trống vỡ đê. Mà là trống hội, trống vui nổi đình đám: Trống vật.
Các đô vật đã chỉnh tề, chỉnh tề đối với đô vật là cởi trần đóng khố xanh, đỏ, tím vàng.
Đôi đầu tiên ra bãi. Hai người đi song song lên đền. Hai bàn tay ngửa xếp lên nhau cứ thế mà đi đến gần người đánh trống cái, rồi quay ngoắt lại giữa sân cả hai, vỗ đùi đét, đứng trung bình tấn rồi xông vào nhau. Đụng vào nhau lại lùi, lại xông vào nhau...
Bác Bát lại phải gặp bác Bàn
Chú Chàng lại phải gặp bác Phối
Chú Nhuận lại phải gặp bác Sướng
Bác Dương lại phải gặp bác Tráng

- ...
Đôi đầu tiên này là bác Bát, bác Bàn
To nhón là một nhẽ, nhưng phải có mẹo.
Hai bên khóa tay nhau xoắn như thừng bện là lúc găng nhất. Tiếng trống cái rộ lên như có thể bục. Tiếng thanh la đinh tai gắt bỏng. Cái trống khẩu bé thế mà cũng nỏ miệng gí sát tai đô vật - cái sân cát mịn đã tưới mà vẫn bụi lầm.
*
* *
Tơ rung tung beng, tơ rung tung cốc, thùng thùng... Cả làng đứng vòng trong vòng ngoài. Chiếu hoa giải kín nền giao lương. Các chú kéo nhị, gảy đàn mặt hồng lên, đầu lắc lư, chân xếp tròn. Ông Phó lý hôm nay cầm chầu. Ông có tiếng hào hoa phong nhã.
Ông kép Thình hát giào đầu. Ông hát xong, mọi người xôn xao:
- A tái hồi Kim Trọng, hay hay!
Đàn ông chớ kể Phan - Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Cái làng này bướng lắm. Thích gì chơi ấy. Năm kia, mời phường chèo về vác Phan Trần ra diễn...
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu

Có lần anh Viễn vác cái đàn bầu ở tỉnh về chơi, giữa Rằm tháng tám, anh ngồi giữa sân đình gảy... Tích tịch tình tang... cao vút mây xanh, tiếng đàn li ti... Trầm hẳn đáy giếng ngọt lịm. Cả xóm, sau đến cả làng thâu đêm suốt sáng nghe tiếng đàn bầu anh Viễn. Người nghe, nhiều nhất vẫn là con gái. Các cô, các chị nghe tinh lắm. Nếu ai nghe không tinh thì tai mình hóa tai trâu... Giăng sắp lặn đỏ ối phía Đoài, anh Viễn được thưởng bao nhiêu tiền.
Năm nay diễn Kiều. Thế mới ghê chứ! - Giai, gái cái làng này chả có xảy ra cái chuyện gì lôi thôi. Yêu ra yêu. Ghét ra ghét. Đa tình lắm nhưng mà rất thầm kín, duyên dáng.
Buổi chiều tôi nhìn trộm hai cô nữ. Hai cô cũng thường thôi về nét mặt nhưng lưng đều lưng ong. Ấy thế mà khi ra chiếu chèo: Kiều, Thúy Vân như hai người khác đẹp gấp mười lần ban chiều. Hai cô có liếc ngang, liếc dọc gì đâu, hiền như Kiều, như Vân... ấy thế mà khi hát, hai cô luôn luôn được ông Phó lý cắc vào tang trống. Tiếng cắc to lắm! Mỗi lần cắc là một đồng tiền thưởng lăn keng, quay tròn trên mâm thau đồng lóng lánh, nghe sướng cái tai, nhìn mát cái mắt - khi về, tôi với thằng Diễn cứ cãi nhau:
Tôi:
- Tao thì tao đếch cho tái hồi. Cái anh chàng Kim Trọng như giai lơ. Bạch diện thư sinh. Suốt một đời ăn trắng mặc trơn ra sung vào sướng. Thúy Kiều lận đận dặm đường xa vắng thì đã có Thúy Vân. Ới giời ơi: "Rắp tâm treo ấn từ quan - Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua" để tìm Kiều. Nhưng bao lần chỉ là "rắp tâm". Anh ta nói phét đấy, đừng có tin! Khi đọc truyện tao lại mê anh Từ Hải. Phải, Từ Hải mới xứng với Kiều. Bên lửa rực hồng. Bên nước biếc xanh!
Diễn:
- Tao lại thích Kim Trọng. Anh ấy văn nhân. Hồn hậu. Yêu Kiều thật...
Tôi cắt ngang:
- Anh ấy là cái đồ tán gái. Cái gầm giời này có hàng ức người như thế, cứ gì Kim với chả Trọng. Hôm nọ bình truyện ở nhà tao, anh Hồ, anh Bôn cũng nghĩ y như tao - Lạ thật, nhiều người cứ mê anh chàng Kim Trọng! Anh ta có cái khỉ gì nhỉ!
Diễn ta có cái thói, khi cãi nhau gần đuối lý thì văng ra:
- Tao đếch cãi nữa. Tao đấm cái củ "xê" vào!
Chắc đêm nay nó bực tôi. Ấy thế nhưng mà nó tốt lắm. Mai nó lại cười hề hề đến chơi với tôi cho mà xem.
Đêm mười sáu, diễn tích "Lã Bố hí Điêu Thuyền".
Cả làng được một mẻ cười vỡ bụng. Các chú, các cô phường chèo khéo thật. Đêm trước cho làng dở khóc dở cười. Đêm nay cho làng cả bữa cười.
Vẫn cô nữ đêm qua sắm vai Kiều. Đêm nay, cô sắm vai Điêu Thuyền. Đêm trước hiền hậu đáng thương bao nhiêu thì đêm nay đĩ thõa bấy nhiêu: mắt ngang mày dọc, cô liếc đến đứt mắt, mắt sắc như nước, như lưỡi dao cau. Đêm nay ông Lý cầm chầu - cô liếc Lã Bố năm phần, còn năm phần cô liếc cả sang ông Lý - ông Lý nổi tiếng là cầm chặt dùi. Điêu Thuyền liếc ông như thế. Lã Bố bụng phệ, cười hay đến thế mà mãi ông mới gõ "cắc" vào tang trống, tiếng "cắc" khô khốc; đồng tiền "keng" một cái cũng khô khốc. Vì ít tiền, mâm đồng rộng thênh thang, đồng tiền cứ tha hồ quay tít mãi trước mặt ông Lý. Cả phường ai cũng buồn ra mặt. Buồn nhất là ông Kép Thình. Đêm chèo đã tan, tiếng cười còn lan trên các lối về.
Họ kháo nhau inh cả lên, khen hai cô nữ đẹp. Gái Nga Hoàng mà lị! Khen cả cái anh đóng vai Kim Trọng anh đóng vai Lã Bố. Giai làng Ngang chè Dọc mà lị.
Ông kép Thình, ông kép Phương mà đã đi thiên hạ chọn quân thì khét tiếng.
Còn đêm nữa, gánh hát của ông mỗi người mỗi ngả, cày thuê cấy mướn mà sống cho qua ngày đoạn tháng. Tháng Chạp mỗi năm ông lại gọi tụ tập: ôn vở cũ dựng mới.
Chiều vật, tối chèo cứ thế ba ngày, ba đêm.
Người được ăn thịt ăn thà, được xem hội xem hè. Trâu bò bị nhốt - được ăn Tết bằng rơm - Sớm ngày thứ tư, chúng được tháo toang, rời khỏi chuồng chạy như điên trên đồng, gặm lấy gặm để những bờ cỏ non biếc. Trẻ con nhớ hội hè đến ngơ ngác. Chúng nó ngồi vắt vẻo lưng trâu hát rằng:
Chim ri mệt mỏi, ở nhà
Sáo sậu trong tổ chạy ra chia phần
Bìm bịp thì đánh trống quân
Chim chích mặc quần đánh mõ theo sau...

Trước mắt chúng tôi, các loài chim cũng nhảy múa giống như người. Cái hoa biết cười, cái lá biết vẫy...
Gánh hát ông Thình đã ra đến sông Đào. Bóng mờ mờ. Chắc chắn là nhiều con mắt nhìn theo...
*
* *
- Bốn cột khen ai khéo khéo giồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới...
Ấy ngày xưa, cái thuở phong đăng hòa cốc, những bãi đu thế này cũng có cờ lá chuối lụa rợp trăm màu. Con gái lên đánh đu đội khăn mỏ quạ đỏ, yếm đào, áo tứ thân vàng, thắt lưng xanh, váy lĩnh rộng tuềnh rộng toàng, bên trong là quần hồng. Con giai khăn rìu đỏ, áo lụa cánh vàng, thắt lưng nhiễu điều quần hồng...
Khi chúng nó đánh đu nhìn mới sướng làm sao.
Bi giờ cứ nghèo dần, giản tiện dần. Con trai con gái cứ quần áo Tết mà mặc lên đánh đu.
Ha ha! Thế cũng xong.
Ông Tấn say, ông hiểu biết nhiều điều đến thế. Mấy câu thơ ông moi ở đâu ra mà hay vậy. Ông vừa hát, ông vừa giảng giải.
Tôi vừa nghe ông Tấn, mắt vừa hoa lên nhìn hai người đánh đu. Anh Xoa, chị Tám - anh đẹp giai, chị đẹp gái nhất nhì cái làng này. Anh chị bay cao quá, các cột đu rung lên. Cái nóc đu kẽo kẹt. Dân làng đứng chật cái sào ruộng màu, đất tơi như cám.
Rồi tiếp đến anh Bao, chị Bạch - chị Bạch đúng như cái tên. Chị trắng lắm.
Khi hai người đã rướn cao ngang nóc đu, dưới hò reo. Ai ăn giầu phải ngừng nhai. Trẻ con ăn mía cắn dở cứ để im trên môi tấm mía, nước chảy ròng ròng xuống tay. Các ông già đôi mắt đã mở cùi nhãn cứ ngẩng lên cúi xuống nhìn theo hai người đu. Mặc cho tóc bạc phơ, tuột cả búi hành, rối tung.
(Tôi sực nhớ làng bên kia núi vào một mùa đu, có chị con gái rất xinh, khi đu đến ngang giời, giải rút quần đứt phựt. Chị buông tay đu giữ quần. Chị bị hất ra khỏi đu, quay mười vòng cắm đầu xuống đất. Giữa mùa xuân Tết, đám ma chị dài suốt bờ đê. Cả làng cả vùng thương chị. Nhưng năm sau vẫn mở hội đu. Chính anh con giai đu với chị năm trước, năm sau đánh đu với người con gái khác. Khi đu ngang nóc, có thể là anh mải ngắm chị, một tay bức khỏi cần đu, tay kia yếu tuột nốt. Anh bị hất tung ra khỏi đu, quay tít. Nhưng lạ quá! Vừa sắp đến đất, anh đứng phắt, tay chống háng, mắt tròn xoe, miệng mỉm cười. Nhiều cô gái mê anh từ đấy. Bi giờ thì anh đã có vợ. Vợ anh là cô gái mê anh nhất hôm ấy, đeo đẳng anh mãi...).
Tôi mải nghĩ, chỉ thấy cái đu loáng thoáng vèo vèo qua mắt. Mọi người đã reo lên. Anh Bao, chị Bạch hai người đi sóng đôi nhập vào đám người xem.
Anh Bao vỗ vai tôi, anh vừa thở vừa nói:
- Anh có lá thư tình viết sẵn. Mai em chép cho anh, vì chữ anh xấu cô ta chê. Giấy hoa tiên vẩy nước hoa. Nếu cần chữa em cứ chữa cho hay vào!
Tôi gật đầu lia lịa.
Hội đu mấy ngày cũng không ai chán.
Tan hội đu, cái sào ruộng gió mùa lạnh ngắt, xóa mờ mọi dấu vết.
Ông Tấn đi qua, ngất ngưởng ngắm bãi đu, ông lại hát rằng:
Chơi xuân có biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Không biết ông moi đâu ra những câu hay đến vậy!
*
* *
Thầy Thiệp ở làng Sơn Nam (thuộc tổng Sơn Nam) thay thầy Dung, cái ô mốc, cái áo lương sờn, dép Gia Định bạc phếch. Cái khăn xếp thì mới. Răng thầy đen, khi thầy cười ai cũng phải thích. (Đàn ông rộng miệng thì sang). Bàn ghế kê ngay ngắn chật nhà giao lương - Chữ "Fête du Tết" của thầy Dung lau mãi vẫn còn hằn...
Chữ thầy Thiệp đẹp, rõ ràng ngang bằng xổ ngay. Thầy Thiệp bằng tuổi thầy tôi.
Thầy gõ "cạch" vào bảng. Cả lớp đồng thanh:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai giồng đỗ, giồng khoai, giồng cà
Tháng ba thì đỗ đã già...

Tiếng trầm, tiếng bổng rộn cả làng, vọng vào núi tiên, dội ra cánh đồng.
Lúa xuân xanh biếc đến chân giời. Gió vờn lúa thành sóng đuổi nhau, cò trắng từng đàn. Chim bồ câu của chú Chàng sinh sôi nảy nở bay rợp giời nghìn, vạn con. Các bác, các anh đô vật và tất cả con giai hai bắp tay nổi lên cuồn cuộn đâu biến thành Thạch Sanh, gương cung, gương nỏ lên giời, những cái gù kim tuyến nghìn màu từ cán cung bay réo lên. Những cô những chị đánh đu ngày Tết và tất cả các chị, các cô trong làng biến thành tiên hay cao hơn lúc bay đu, mây trắng nõn các cô tiên ẩn, hiện, hiện, ẩn...
Tôi đang ngồi học, hai tay khoanh trên bàn ngoan ngoãn nhưng ngẩn như con tò te tưởng tượng miên man như thế!
 
Con mèo đen

Nó đen tuyền. Khi về nhà tôi thì nó đã "luống tuổi". Nó lủi thủi. ít khi thấy nó đùa. Đêm mùa rét, khi tỉnh giấc đã thấy nó rúc đầu vào nách tôi. Nó ự... ự...
Mẹ tôi gọi nó là Mãn . Gọi thế nghe thương thương. Nhiều đêm mưa gió, nó gào ở vườn xa. Bố bảo: "Nó sắp cho một lứa nữa đấy . Nó gào tìm đực mà sao lại thảm thiết? Tôi thức đến khi nó thôi gào.
Bữa cơm, đánh hơi thấy, thường lệ nó "meo... meo... ở góc vườn. Thế nghĩa là nó đã đói meo. Nhưng, có lần nó đi đâu ba ngày liền. Cả nhà mong. Cả nhà lo. Cả nhà nhớ...
Sớm, đỉnh chạn có nửa con cá sộp to bằng bắp chân... còn đầm những nước. Tôi "meo... meo", chả thấy nó đâu.
Một lát, nhà chú Chàng lao xao: "Con cá sộp to nhất thả ở vại, đậy rổ, đè gạch mà sao mất ?".
Tôi im lặng và ôm mèo, lo cho nó quá.
Đêm ấy, thấy "meo... meo..." ở góc sân, tôi bật dậy. Nó lôi con cá sộp to kềnh về đặt đó ngồi thở. Trời lạnh, khắp mình mẩy nó lấm bê lấm bết. Tôi vuốt ve và dịu dàng bảo nó: "Này, đi đâu lâu thế. Sợ mày đi lang thang thành mèo vườn, thành cáo thì chết. Bắt cá ở đâu thì bắt, đừng bắt trộm nhà người, họ đánh chết đấy. Có ai khiến mày đi trộm đâu". Nó lại ự... ự... như nghe lời rồi rúc vào chân tôi, run như cầy sấy.
Tháng sau, có bao nhiêu tiếng "eo... eo..." trong buồng. Nó đẻ một đàn cả mướp lẫn đen lẫn khoang. Cả nhả mừng. Ai cũng vào thăm. Hắn đẻ, nhưng có gì cho hắn ăn lại sức đâu! Được một ngày, tôi vào buồng bỗng thấy những con mèo con đi đâu sạch. Thì ra, mèo mẹ, đã càm con đi giấu. Tưởng giấu đâu, lại giấu ngay ở thùng trấu trong bếp. Nơi mà bữa nào cũng có người lấy rơm rạ đun.
Mèo con đã mở mắt, lớn dần. Khi chúng choai choai như thường lệ sau mỗi lứa mèo, mẹ tôi cho tất cả vào thúng đem ra chợ bán. Mèo mẹ về, sục tìm con, gào đến lạc cả giọng mấy đêm, mấy ngày, ai cho ăn cũng không ăn. Ngày một, ngày hai, hắn nguôi dần, kêu gào ít dần, rồi thôi.
Khi tôi ở xa thì nó chết bao giờ? Chỉ biết lúc về chẳng thấy mèo đen đâu.
 
Con vện

Con chó ấy nó vện. Nó ít thân tôi vì tôi hơi lớn và hay im lặng.
Nó thân thằng Tịch. Tịch ta suốt ngày cứ cởi truồng để đỡ tốn quần. Chả còn gì chơi, cậu ta chỉ đùa với chó.
Vện dựng hai chân sau thì hai chân trước quàng được cổ Tịch. Hai đứa vật nhau thở hồng hộc, bất phân thắng bại.
Bữa nào Vện cũng được ăn cơm cháy, cộng lại với thức ăn đầu thừa đuôi thẹo cũng chưa được lưng bát. Nó chỉ xốc hai miếng là hết, lại ngẩn ngơ liếm mép. Bữa bữa, Vện ngồi nhìn mọi người và cơm, cái đầu cử động theo từng đôi đũa khi mọi người gắp thức ăn.
Mâm cơm dù không đậy điệm, chả ai trông, nó cũng không bao giờ ăn vụng. Nhưng hắn ta lại lúi húi ăn vụng cám lợn. Có lần nó đang sục vào nồi cám, thấy tôi vào nó giật mình quay ra, giả vờ ngoe nguẩy đuôi ra điều không có chuyện gì. Tôi bèn múc cho nó hai muôi gáo. Nó nhìn tôi mãi rồi mới dám ăn. Tôi nghĩ: "Hôm nào được mùa, tao cho Vện ăn một bữa no xem hết mấy bát cơm". Không! Chả bao giờ có!
Sang nhà bên, sau bữa ăn, tôi thấy hai đống cơm thừa mà chó nhà họ cứ dửng dưng bỏ đó, tôi nhớ Vện.
Trở về, thấy Vện nằm bẹp. Cái bụng thóp mỏng dính giơ hàng loạt xương sườn, hắn chỉ đưa mắt chào tôi và đuôi hơi ngoe nguẩy, còn mình và đầu thì không nhúc nhích.
Lạ thật, cái tường ngăn vườn cao ngang giọt gianh, mà sao bố tôi về đến cổng vườn nó đã biết và mừng. Có lẽ nó ngửi thấy hơi người thân. Có lẽ nó nghe thấy bố tôi ho từ xa. Có lẽ nó thấy cái cần câu quăng của bố tôi nhô khỏi tường?...
Lạ lắm, thấy người nhà đi xa về bao giờ chó cũng mừng cuống quít. Nào có ai cho cái gì đâu? Tôi chưa thấy ai đi đâu lại nghĩ đến chuyện đem quà cho chó bao giờ.
Đêm, dù rét mấy nó cũng ra cổng nằm. Chẳng bao giờ nó "chào" nhầm đã đành. Nhưng cũng chẳng bao giờ nó sủa sai. Nhà có con mèo. Người ta nói "cãi nhau như chó với mèo". Trong cuộc "cãi" nhau thường thường là chó thắng. Nhưng tôi chưa thấy Vện gây sự với mèo lần nào.
Một sớm tinh sương, tôi nghe Tịch khóc ở cổng vườn. Thì ra Vện nằm cứng đờ, đuôi không biết ngoe nguẩy nữa, cái mắt trắng dã bất động. Tôi lay gọi "Vện ơi, Vện ơi!". Nó lạnh tanh rồi!
Thì ra "ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo". Mấy chú kẻ trộm đã cho nó ăn bả. Nếu Vện no nê như chó nhà người ta thì nó không thèm ăn bả, và nếu có ăn, bả ít ngấm, cứu được. Nhưng Vện đói nên bụng trương lên toàn bả.
Mẹ lặng lẽ cho Vện vào rổ, rồi đem đi đâu? Mẹ cắp chó sang làng Vân để nhờ cậu Năm làm thịt hộ.
Nửa đêm mẹ về, gọi chúng tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở tôi thấy nửa con chó luộc.
Tịch buồn thỉu buồn thiu.
Sớm, lúc quét nhà, thấy xương xẩu vung vãi, tôi lại nhớ Vện: Giá Vện còn nhỉ !...
 
Cái cò, cái vạc, cái nông

"Vạc... vạc" Nghe vạc kêu, vừa giần gạo, mẹ vừa nói:
- Khổ, vạc đi ăn khuya thế. Ăn sớm thì cò còn thức, nó mổ chết.
- Sao vạc cứ phải ăn đêm hở u?
- Thì vạc đã bán hết cả ruộng cho cò còn gì?
Sớm tờ mờ, tôi dậy thổi cơm, tiếng vạc rủ nhau bay về, bay nhanh lắm, tôi không nhìn thấy. Thế ra vạc đã lặn lội suốt đêm qua.
Từ đấy nghe liếng vạc, tôi lại buồn. Thương vạc quá.
*
* *
"Cò... cò... ". Cò bị bẫy. Dây bẫy thắt đúng cổ. Anh tôi reo lên, tóm nó về.
Tôi thương nó. Vì tôi vẫn thuộc mấy bài hát:
Con cò mày đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Thế thì cò cũng khổ lắm chứ?
Cò lại còn biết dặn người ta:
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Thế thì cò cũng tốt lắm chứ!

Nào là:
Con cò lặn lội bờ sông.
Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non.
Thế thì cò cũng có thủy chung lắm chứ?

Nào là:
Con cò bay lả bay la...
Cò trắng đầy đồng. Cò đẹp cho đồng lắm chứ!

Nào là:
Con cò là con cò kỳ
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô...
Nó khổ thế!
Bài hát về cò nhiều lắm và nghe nẫu ruột lắm.
Anh tôi chưa giết cò vội, nhốt nó vào cái lồng bu. Tôi định thả nó ra.
Bỗng nhiên cái Bảng, em gái tôi, ngồi tỉ tê hát:
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?
Không không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi.

Tôi nghĩ mãi. Tự nhiên thấy con cò xấu hẳn đi. Trông nó dữ tợn. Lông ở đầu nó dựng lên. Cổ dài ngoẵng, cái mỏ dài, nhọn hoắt; đôi mắt đỏ lên, sòng sọc. Lù đù thế mà nỏ mồm. Rõ ràng vừa rồi từng đàn sà xuống ruộng, giữa ban ngày, bị mắc bẫy, có "đứng trên bờ" đâu. À ra cò xấu thật: cò mồi, cò rò, thầy cò, cò cựa, lử cò bợ, làm kiểu cò con, lò dò như cò mổ tép... Muốn gì thì gì chứ cái chuyện vạc bán ruộng cho cò thì tôi nhớ nhất. Mẹ tôi bảo nó có cái "văn tự" ở nách ấy. Đi đâu nó cũng cắp ở nách kè kè. Vạch mãi không thấy, anh tôi vặt lông, khi vặt trụi hết lông thì thấy một miếng vuông vuông bằng nửa con tam cúc màu vàng lại gợn gợn như những hàng chữ. Tôi reo lên
- Văn tự đây rồi!
Anh Thả bảo:
- Đúng! Đúng! Bóc mẹ nó đi!
Anh tôi bóc đi, rồi mổ cò cho vào xáo măng.
Từ đấy, tôi cứ thích theo anh đi đánh bẫy cò, thích nhất là được bóc "văn tự"!
*
* *
Con bồ nông, cái nông cũng là nó. Nó sống lưa thưa. Kìa, nó lúi húi mò mồi trên ruộng. Có lúc tôi nhầm là thằng bé bắt cua. Bắt được con mồi, nó cầm lên đút vào "yếm" để đem về cho con. Ít khi thấy nó ăn ngay tại chỗ. Nó lớn quá mà hiền, nó ít "nói", bị cò đổ vạ cho là "giẫm lúa". Nó không "cãi" cứ lủi thủi một mình. Mùa lụt, nó đứng trên những bờ cỏ, buồn rầu ngẩn ngơ.
Kìa, người ta hụp xuống nước, đội bè cỏ, đi dần đến chỗ nó. Nó vẫn mơ mộng ngắm đồng nước trắng, ngắm trời vân vũ rồi ủ rũ, "mất mùa" không kiếm được gì mang về cho con. Bất thần, nó bị người ở dưới bè cỏ vung tay chộp. Nó giang hồ, tha phương cầu thực. Tôi không biết "nhà cửa" nó ở đâu. Chỉ biết: Khi nó đã bay thì bay ngang trời, cao lắm, xa lắc. Tôi cứ hát mãi:
Bao giờ cho hết tháng ba
Bồ nông no ấm ở nhà nghỉ ngơi
Nó hiền thế mà sao luôn luôn bị tai vạ?

*
* *
Trong các vườn tre ở làng này thì vườn của ông Tuyên là rộng nhất và cũng um tùm nhất. Những cây tre cái gióng dài và to vươn chọc giời. Khi già, nó chín vàng. Những cây tre đực thì gióng ngắn và lùn. Khi nó còn trẻ đã rắn rỏi, lầm lì. Những cây või khi chưa có lá đã mập mạp, thẳng băng.
"Đất tốt cò đậu". Cò mười phương đã chọn cái vườn này để ở. Giữa một vùng xanh biếc ấy rợp những đốm trắng lốp, lao xao.
Mùa xuân, rồi mùa hè, cò rủ nhau tụ hội. Chả mấy đỗi mà tổ dày chi chít...
Vườn cò xảy ra bao nhiêu chuyện:
Một sớm, sáu chú diều hâu cậy mình to sức lớn với dáng hình kỳ quái sà xuống các tổ cò định ăn trứng và quắp cò con; lập tức cả vườn cò xáo động. Một đám cò xông thẳng vào mấy con diều hâu, mổ túi bụi. Diều hâu lập tức dùng tất cả sức mạnh, giương cánh lao vút lên tận mây xanh. Một vài con kêu ré lên...
Cò thường ở vườn tre. Cò khôn lắm. Chúng biết rằng tre đầy gai góc. Đối thủ nào cũng chẳng dại gì mà leo lên tận "vắt vẻo ngọn tre" để phá nhà chúng.
Còn vạc thì lại tụ tập ở cây đa chùa, cây đa đình. Đêm, vạc đi ăn, cò ngủ say sưa. Ngày, cò đi ăn, vạc ngủ la đà. Một hôm, không hiểu nguyên cớ gì, một đàn cò đột nhiên tràn sang đánh vạc giữa ban ngày ban mặt. Trận ẩu đả này cả làng tôi đều biết. Tiếng kêu của vạc, của cò ran góc làng. Tán loạn, không phân thắng bại.
Lần này, một trận lại xảy ra ngay ở vườn cò. Chúng tôi đoán có mấy nguyên cớ sau đây (các cụ già cũng bàn tán như thế):
Có thể là vạc lười, không chịu làm tổ. Hoặc có làm tổ nhưng làm sơ sài tạm bợ. Vì thế nên có một số "cô" bay qua vườn cò, thấy cò vắng nhà, các "cô" đang mót đẻ thấy sẵn tổ ấm, vào... đẻ... nhờ...
Riêng cái chuyện này thì vạc có hai cái liều:
- Một là, các "cô" đang đẻ, cò về thì sao?
- Hai là, nếu đẻ trứng ra còn phải ấp. Thế thì vạc có dám sang ấp không? Nếu nhờ cò ấp cũng được đấy. Nhưng sau này vạc con nở ra. Thấy khác giống (mà lại là vạc) thì cò con nó cũng đổ xô vào nó đánh chết chứ chưa nói đến cò mẹ, cò bố.
Cái liều thứ nhất đã xảy ra:
Mấy "cô" vạc đang đẻ thì một đàn cò đi "làm" về. Cuộc đánh nhau kéo dài. Ngay trong chuyện này vạc cũng liều: Chỉ có mấy "cô" lại đang đau đẻ thế mà dám chống một đàn cò! Dĩ nhiên là giỏi mấy các "cô" cũng thua. Đàn cò đuổi theo đến tận gần nhà vạc.
Anh tôi tìm được một tổ có cò con. Những con cò đã "ra ràng", nghĩa là có thể "đến tuổi" xáo măng. Anh đánh bạo, trèo lên lưng chừng cây thả sức rung, rung mãi, rung lấy rung để, không một con cò con nào rơi xuống. Mới biết, cò chịu khó làm tổ kiên cố thật! Anh em tôi đành bó tay, ra về với một sự trừng phạt thật là ghê gớm: Cứt cò vãi trắng như vôi đầy đầu, đầy mặt, đầy áo chúng tôi. Riêng tôi, lúc ngẩng lên còn bị một hòn cứt cò rơi vào trúng mồm. Mùi tanh và hăng hắc xông đến tận óc!
Thế đấy! Khi có giặc đến nhà, họ nhà cò hợp quần nhau lại cùng đánh; tìm mọi mưu hay kế giỏi để tự giữ mình. Nói như vậy, không phải trong họ nhà cò không có chuyện gì!
- Mấy con cò lười biếng, không chịu lặn lội kiếm ăn, đã cướp mồi của con khác. Thế là hai bên mổ nhau, đạp nhau thừa sống thiếu chết. Có con bị lòi cả mắt. Con bị lòi mắt có khi lại là con đi kiếm mồi về!
- Một con cò đang nằm trong tổ, một con khác về xông vào đánh liền. Tôi cứ tưởng chúng cướp ổ nhau. Nhưng chưa chắc đã phải. Dân làng đồn rằng chúng đẻ nhầm ổ nhau. Hàng trăm tổ giống nhau, tránh sao được sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này chắc đã xảy ra nhiều lắm, nhưng không va chạm mấy. Vì sao? Khi chủ nhà đi vắng quá lâu, "cô" cò đẻ nhầm đã đẻ xong và bay đi...
Năm nào cũng vậy. Cứ đến cuối hè là bao nhiêu tai họa. Đấy! Đất giời đều lặng như tờ. Ai cũng tức thở...
Bão! Bão đã đến! Bão to lắm! Cò nháo nhác, bay lên lại nhào xuống. Tre vặn mình gãy răng rắc. Những cây măng như cái roi vụt tứ phía rồi đứt phăng như bị cưa...
Bão đã cút về phương nào!
Anh em tôi lao ra vườn cò. Ui chao! Thật là "bão chết cò". Cò già, cò trẻ, cò mẹ, cò con chết trắng vườn. Cũng có những con sống sót, rúc vào bụi nhưng cũng "lử cò bợ". Chúng tôi và trẻ cùng xóm tranh nhau vồ lấy vồ để. Chỉ một chốc, cái lồng đại đã đầy ắp những cò. Có người còn xách đẫy hai tay cả con sống lẫn con chết. Con chết thì đã đành, nhưng con sống, nhất là cò con thì tôi thương.
Sau khi quẳng lồng cò về nhà, anh em tôi chạy vội ra vườn nhặt măng. "Thừa gió bẻ măng", anh em tôi bẻ luôn cả những cây măng bụ bẫm chưa gãy.
Bữa cơm chiều, nhà tôi đang ăn cơm cò xáo măng, bỗng nghe có tiếng bà Tuyên chửi ở vườn. Bà rất tinh: cây măng nào gãy, cây măng nào bị bẻ trộm bà đều biết. Nghe tiếng chửi, hai anh em tôi liếc nhìn nhau. Chưa ăn đã thấy no, tôi đứng dậy vuốt bụng. U và xong miếng cơm, gõ gõ đũa vào miệng bát:
- Sao ăn ít thế con?
- Bữa trưa con đã no chán rồi ạ.
Anh tôi lặng lẽ cúi đầu cố nuốt xong bát cơm, may không bị nghẹn.
Đêm hè nhưng lạnh vì ảnh hưởng bão. Bão mấy ngày kèm theo mưa. Mưa thối đất thối cát. Vườn cò có tiếng cò kêu lạ. Ít khi cò lại kêu đêm! Trừ khi chúng tỉnh giấc và có động. Những tiếng kêu khi ấy gọn và im ngay. Đằng này, tiếng kêu của nó kéo dài và thảm thiết: C... ò... ò, c... ọ... ọ...!...
U ngủ được một giấc rồi giở mình thở dài:
- Nó nhớ con, nó kêu đấy. Rõ khổ!
Có lẽ cả nhà chỉ có tôi thức nghe rõ tiếng u nói một mình.
Sớm sau, cò lại bay trắng vườn. Thì ra cò tránh được bão, còn sống nhiều lắm. Chúng tha rơm tha rác về làm tổ mới. Những tổ mới mọc ra giữa vườn xơ xác. Tôi không thấy con nào tha mồi về cho con như trước khi bão.
Hôm sau, cò vẫn kêu. Thường chúng kêu từ lúc nhọ mặt người cho đến hừng đông. Đến ngày thứ ba thì nhiều con đã khàn đặc cổ. Tiếng kêu không phải "cò... cọ..." như trước, mà bây giờ nó kêu "c... ọ... ọ, c... ọ... ọ..."... Chúng tôi ăn cơm đèn dầu trong tiếng cò kêu.
Măng muối mọi lần ngon thế. Lần này nó vừa nồng vừa cay, nó vừa chua vừa chát đến nghẹn cổ.
 
Lợn giời kêu

Đêm tối om. Giữa giời có tiếng "éc". Vẫn tiếng ấy kéo dài sang tận xóm Đông.
- Lợn giời kêu. Lại có người chết đấy!
Mẹ buồn rầu bảo thế.
Trong làng có tiếng khóc. Chị Xuyên xinh quá, chị Xuyên chết rồi. Chị hay đội khăn mỏ quạ. Má cứ ửng lên. Chị hay mặc áo nâu, đổi vải mới một đoạn ở ống tay. Tay cứ thon lại. Cái diều sáo của chú Chàng vu... vu... ở đèo Bẵng, mọi đêm như tiếng ru vui thế. Đêm nay như tiếng rên suốt đến sáng. Chị Xuyên đã ra nằm ở núi Chùa. Xóm Đông rắc nước vôi trắng ngõ. Dân làng bảo chị Xuyên chết vì bệnh tả.
Ánh giăng màu úa úa, rồi đỏ lừ. Lợn giời lại éc...éc... bay qua. Bao nhiêu người chết. Chú Toàn tôi đã chết. Rồi chị Cún là con chú, chết theo. Chị Cún bằng tôi, thân tôi lắm. Bao giờ tôi sang chơi, dù là tối, chị cũng soi đèn chai ra rỡ dong riềng luộc cho tôi ăn. Chị vào cái xối ở đầu nhà bẻ mía. Chị nhanh lắm. Chị hay lam hay làm. Cô Toàn tôi bảo: nó xinh, nó ngoan nhất cái nhà này. Rồi chú Chà chết, thím Chà chết để lại em Lĩnh mới lẫng cẫng đi.
Tôi buồn quá ngồi ở góc sân vôi của nhà nghe sáo diều của chú Chàng đang khóc hu... hu... ở đèo Bẵng , nhìn ánh giăng vãi máu ròng ròng ở chân giời.
Lợn giời lại kêu. Tôi chả nhìn thấy nó bao giờ và không biết đến bao giờ thì nó thôi kêu...
 
×
Quay lại
Top Bottom