Tuổi thơ dữ dội của những đóa hoa vàng

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Xin được phép ví những cô cậu thiếu nhi trong bộ phim của Victor Vũ là những bông hoa vàng. Bởi nếu chỉ gói gọn hình ảnh hoa vàng hữu hạn trên nền cỏ xanh, trên dọc con đường làng… thì uổng và tiếc quá.


Tác phẩm của Victor Vũ còn nhiều điều để nói hơn thế, sau cái sự đẹp của cảnh quan và sau cái tài tình của Việt Linh trong vai trò xử lý câu chữ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn đầy rẫy sự dữ dội ít nhiều từng có trong đời thơ của… một số người.


toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-8683-4418-1443637062.jpg

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Chủ nghĩa khoái lạ lạc

Phải khẳng định rằng, Victor Vũ không có chủ đích làm phim thiếu nhi ngay khi quyết định chọn tác phẩm này của Nguyễn Nhật Ánh, kể cả với cái tựa tiếng Anh ban đầu là Dear Brother sau đó đã gỡ bỏ để giữ lại nguyên bản. Gần với kiểu phim coming-of-age của Hollywood và các nền điện ảnh phát triển, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thi triển đường dây câu chuyện một cách liền mạch, từ chuyển cảnh cho đến biến chuyển tâm lý.

Các nhân vật trẻ em trong phim đều là những đứa trẻ còn rất trẻ, nhưng lại mang trong mình những tâm sự mà người lớn có khi chẳng hề ngờ tới. Một Mận “phơi mặt” cho khô sau khi khóc lóc vì bị la, bị đánh. Hay một Thiều hờn ghen thằng em vì nó chơi thân với cô bé mà cậu thích. Rồi một Tường tin vào những điều chỉ có trong cổ tích – công chúa, hoàng tử…

Thay vì gột rửa đến tận cùng cái đẹp mà buồn của Mận, một cô bé chẳng mấy khi cười khi sống cùng người cha chui rúc trong căn nhà kho chứa củi và bà mẹ lam lũ mỗi ngày; Victor Vũ lại dầy công mang cái triết lí cay đắng của trẻ con ra làm điểm nhấn.

Thiều, từ việc cố tình giả chết để chọi lén vào đầu em, cho đến việc để ông hàng xóm bắt chú cóc của thằng em đi… mần thịt, rồi đến cao trào đỉnh điểm là vung gậy đập vào lưng thằng em đến bất tỉnh. Cả ba trò ác của Thiều đều được sắp đặt theo cường độ tăng dần, theo mật độ ba lần tức vừa đủ, và hợp lý. Thế nhưng thay vì khai thác yếu tố nhạy cảm trên truyền thông, hầu như chúng ta đều cố tìm cách né tránh để đưa cái hồn nhiên của những fly-cam hay đồng lúa, rừng cây, biển hồ… hoang sơ ra làm đề tài san sẻ.

Từ góc độ của Thiều, và từ ba hành động vừa liệt kê, người ta đều nhận thấy ý thức về chủ đề khoái lạ lạc của tác giả là có mục đích. Cũng vì có mục đích, mà người xem, cách này hay cách khác có thể đồng cảm được. Thiều chọi đá để “dằn mặt” thằng em… chơi giỏi hơn mình, Thiều để mặc con cóc thằng em bị lấy đi bởi vì ghen tuông hay Thiều đánh em chỉ vì “tưởng” rằng mình đang bị lừa dối. Dường như giải thưởng Silk Road của Trung Quốc được trao cho phim bởi các yếu tố này.


toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-8683-4418-1443637062-1.jpg


Điện ảnh thế giới, ngoài những phim kinh dị thuần túy mượn trẻ con (trong vai ác) đánh lừa người lớn thì thật sự, sự độc ác ngây ngô của trẻ con không được khai thác nhiều. Nổi bật cũng chỉ có The Hunt của Đan Mạch kể về một đứa bé với lời nói dối làm hại cả đời một ông thầy giáo mẫu mực, hay trong The Piano của nữ đạo diễn Jane Campion, đứa trẻ mách lẻo với cha mình về mối quan hệ lén lút giữa mẹ mình và người đàn ông khác…

Do đó, bên cạnh bề nổi có thể nhìn ngay bằng mắt, thì Victor Vũ đã tiến thêm một bậc với câu chuyện mà anh cùng nữ đạo diễn Việt Linh chăm chút. Tất nhiên ngoài những thứ hữu xạ tự nhiên, thì thú thật tôi vẫn không thích cách miêu tả khá rùng rợn về thân thế người cha của Mận, hay cảnh tượng rất fantasy (mang chất cổ tích, thần thoại) về con hổ, dù đậm chất Victor Vũ, song lại có phần đáng sợ không cần thiết.

Cho tôi một vé về tuổi thơ

Ban đầu, khi mua vé đi xem, tôi và người bạn cùng lứa cứ ngỡ sẽ “được” bé lại, ngây thơ vụng dại. Nhưng không, tôi đã lầm, vì quan điểm về tuổi thơ thậm chí cũng có những lắt léo khác thường. Quả thật, bộ phim cũng tràn ngập điểm nhấn đáng yêu, dễ thương, các trò chơi dân gian như đá cỏ gà, thả diều, hình nhân quay, nhảy dây… hiện lên khá chân thành và súc tích mà nhiều người, tôi tin, chắc sẽ xúc động hơn tôi.

Dù đúng dù sai thì không thể nói dối cảm xúc của mình, rằng tôi không thấy nhiều tuổi thơ của mình trong hoàn cảnh đó. Nhưng đâu phải vì bạn không sống được trong không khí đó thì bạn không thể hiểu nó! Hãy ví mình như một diễn viên nhận lời đóng vai nghiện ma túy, bạn không cần phải nghiện nhưng vẫn cần phải hiểu điều tối thiểu. Chỉ là đôi lúc tôi thấy cái đẹp của Victor Vũ quá “lý tưởng” đến mức “ảo tưởng”.

Thế nhưng đấy mới là cái hay ho của điện ảnh, sự huyễn hoặc đầy ma lực của ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh… có sức lôi cuốn. Và bản thân tôi, một kẻ đi tìm cảm giác được sống trong phim, cũng không thể phủ nhận mọi thứ đẹp đẽ được dụng công gây dựng nên chỉ vì nhà làm phim tôn trọng khán giả. Còn cảnh đẹp rung động đến chừng nào, thì còn cần dựa vào tài năng của đạo diễn chừng ấy.


toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-8683-4418-1443637062-2.jpg


Quay trở lại hình ảnh “hoa vàng cỏ xanh” đang được mạng xã hội khai thác, cũng như tôi, coi phim để chờ “hoa vàng cỏ xanh” có chuyên chở nổi linh hồn của cả bộ phim hay không, hẳn sẽ nhận ra nhờ những cánh hoa vàng rơi, mà tính cổ tích của phim vì thế cũng được bộc lộ một cách tự nhiên, bất kể việc mượn “hoa vàng cỏ xanh” giới thiệu về một câu chuyện khác nghe có vẻ không liên quan gì lắm. Dù “phủ sóng” ít ỏi, Victor Vũ vẫn hành xử rất chuyên nghiệp ở phân cảnh đua xe trong lồng cầu (một cảnh tượng rất đỗi quen thuộc trong các đoàn xiếc, gánh hát liên tỉnh miền Tây, Nam bộ…) để ít nhất nó còn đọng lại sự day dứt làm người ta nhớ.

Hãy bước ra bên ngoài kia

Nói gì đi nữa, cách kể của Victor Vũ đã thoáng hơn, đã gần hơn với cách kể trong phim của những nền điện ảnh xung quanh. Thôi kiểu dẫn truyện, lý giải, thôi chân lý bị đem ra phơi bày ngồn ngộn trong lời nói, trong hình ảnh… tất cả chỉ còn lại sự gợi mở mà chính khán giả mới phải là người đi tìm câu trả lời. Không chỉ mạnh dạn “đi lên” với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, Victor Vũ còn tiếp tục khẳng định anh chưa bao giờ xuống tay với vai trò đạo diễn, biên tập. Sự chỉn chu, mực thước, không phạm những lỗi vỡ lòng… đã đủ để Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lấy lại niềm tin của khán giả sau một loạt phim “mì ăn liền” ồ ạt ra rạp.

Với những ai đã trót đọc tác phẩm văn học, chắc chắn sẽ mất rất lâu để có thể đồng ý rằng dù khó chuyển thể, song "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vẫn là một sự thành công không nhỏ, của tổng thể và ở cả chi tiết.

Theo Thế giới điện ảnh
 
×
Quay lại
Top