Tư duy về tiền sao cho đúng?

Trúc Nhi RB

Thành viên
Tham gia
1/10/2021
Bài viết
1
Người Việt Nam thường ngại nói về tiền và xem đây là một vấn đề tế nhị trong cuộc sống. Tiền nếu được hiểu đúng cách sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trên hành trình quản lý tài chính cá nhân. Bạn đang tư duy thế nào về tiền? Làm thế nào để biết đó là tư duy đúng đắn hay sai lầm?
Hãy cùng RedBag gặp gỡ và trò chuyện với Chuyên gia Trading Kỹ thuật Chứng khoán Nguyễn Tuấn Anh - Nguyên Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, Giám đốc Dacademy tại VNDIRECT - 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính để lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị và bổ ích từ anh về chủ đề hôm nay nhé!​
Tài chính cá nhân không đơn thuần chỉ nói về khía cạnh tài chính (con số, kiến thức, công cụ) mà còn bao gồm khía cạnh cá nhân (tư duy, thái độ, cảm xúc, mối quan hệ với tiền). Khi phần cá nhân bị mất kết nối thì phần tài chính cũng không còn ý nghĩa để mang lại niềm vui cho mỗi người.

Mở đầu cho số phỏng vấn “Nhìn Quanh Để Biết” lần này, RedBag sẽ mang đến cho bạn những nội dung đặc biệt xoay quanh khía cạnh “cá nhân” trong quản lý tài chính. Chủ đề đầu tiên đó chính là: Tư duy về tiền - Thứ quyết định cảm xúc và hành động của chúng ta với tiền.
thay-doi-tu-duy-tich-cuc-ve-tien-redbag
Thế nào là tư duy về tiền?

Một nhận thấy của anh rằng là giáo dục về tiền bạc rất ít khi được nhắc đến trong mỗi gia đình Việt. Ngày bé, khi nói đến tiền, ba mẹ sẽ bảo đó không phải là việc của con. Chuyện tiền bạc gần như là chuyện của ba mẹ và con cái sẽ không liên quan. Cái dấu vết này tạo cho tương lai giới trẻ Việt nói chung biết về tiền khá muộn. Vậy thế nào là tư duy về tiền?

Ai cũng biết phải lao động thì mới có tiền, nhưng ở đây anh muốn mở rộng hơn một chút về tư duy với tiền rằng: Nếu chúng ta lao động và kiếm được 10 triệu/tháng, tức là chúng ta đang cống hiến sức lao động ra ngoài và thu về số tiền tương xứng. Tuy nhiên, nếu kiếm được 10 triệu nhưng chi tiêu hết 12 triệu và phải vay mượn 2 triệu đâu đó. Lúc đó chúng ta đang nợ xã hội hoặc nợ một ai đó sức lao động 2 triệu.

Tư duy về tiền của anh rằng là nếu tháng đó anh không tiết kiệm được thì anh đang nợ sức lao động của một người nào đó. Anh luôn mong muốn phần mình cống hiến cho xã hội phải nhiều hơn phần mình nhận được từ xã hội.
thay-doi-tu-duy-voi-tien-redbag-001
Chúng ta thường mắc phải những sai lầm nào khi tư duy về tiền?
Anh thấy rằng việc tiêu tiền sẽ sinh ra cho con người một loại cảm giác hưng phấn. Ban đầu khi còn là sinh viên chúng ta có thể tiêu xài ít mà vẫn cảm thấy bình thường. Thế nhưng, đến khi có thu nhập ổn định và tăng dần mức chi tiêu, nhiều người vẫn cảm thấy đó là chuyện bình thường. Thậm chí, nếu buộc phải tiêu ít tiền hơn họ sẽ thấy rất khó chịu, có người sẽ đi vay nợ để bảo vệ cho lối sống đó. Ý ở đây anh muốn nói rằng: Tăng mức sống thì dễ nhưng giảm thì khó.
thay-doi-tu-duy-tich-cuc-ve-tien-redbag
Trong chi tiêu lời khuyên của anh dành cho mọi người đó là: Hãy biết đâu là cái tối thiểu. Đối với anh cái tối thiểu của chúng ta đều như nhau. Chúng ta đều cần ăn cơm để sống. Khi chúng ta có thu nhập cao hơn chúng ta được quyền hưởng thụ cuộc sống và chi tiêu nhiều hơn. Nhưng cùng lúc đó hãy ý thức rằng đây chỉ là sự tự hào cần có trong ngắn hạn mà thôi. Không phải lúc nào chúng ta cũng được như thế!

Giả sử, nếu tháng đó kinh doanh thuận lợi, chúng ta có thể tự thưởng cho bản thân một bữa ăn ngoài nhà hàng. Tuy nhiên, nếu tháng sau công việc kinh doanh không được như ý thì chúng ta ăn ở nhà cũng vẫn vui. Hãy linh hoạt bởi anh rất sợ việc nghiện ngập chi tiêu.
thay-doi-tu-duy-ve-tien-chuyen-gia-nguyen-tuan-anh
Xem thêm: Sở hữu cuốn bách khoa toàn thư về thu nhập miễn phí
Tầm quan trọng của việc tư duy đúng đắn về tiền trên hành trình quản lý tài chính cá nhân?

Nếu tư duy đúng thì việc kiếm tiền của chúng ta sẽ nằm trong một chuỗi mắt xích. Giả định, bạn có một cái Airpods (tai nghe), nếu bạn không muốn sử dụng nữa bạn có thể bán lại nó vẫn được. Như vậy mình chỉ đang cầm giá trị gia tăng của vật phẩm này trong một thời gian nhất định.

Mọi người hãy tư duy rằng là chúng ta đang nằm trong một dòng chảy lớn và mình chỉ là một mắt xích nhỏ. Khi hiểu được điều này chúng ta sẽ biết trân trọng hơn nguồn thu của mình và những người đã hỗ trợ mình. Đó có thể là đối tác, khách hàng, người đọc bài viết này,...

Tương tự chi tiêu cũng vậy. Chi ở đây không có nghĩa là mình mua đứt món đồ đó và sở hữu nó. Điều đó chỉ đúng một nửa. Mình cần phải nghĩ đến những người đã tạo ra vật phẩm đó cho mình và trong lúc sử dụng nó mình có tạo ra được giá trị gì hay không?

Sau khi dùng xong mình có tạo ra cơ hội để dòng chảy đó tiếp tục không? Ví dụ như chúng ta có thể tặng biếu quần áo cũ cho ai đó. Bởi rất nhiều người ngoài kia không có quần áo mặc mà mình để đó không dùng thì rất là phí. Khi mình hiểu được dòng chảy thu chi này thì mình sẽ tối ưu được lối sống bản thân trong tài chính nói chung.

Làm thế nào để chúng ta nhận thức được mình đang tư duy ra sao về tiền bạc?
cach-nhan-thuc-tu-duy-cua-minh-ve-tien-redbag
Anh nghĩ điều đơn giản nhất chính là hiểu phiên bản đầu tiên của chính mình. Chúng ta phải biết mình thích gì? Các bạn trẻ ngày nay hay xem thần số học hoặc tử vi bói toán. Thực chất đây là một điểm tốt. Bởi đó chính là phương tiện để mình nhìn nhận và xem xét lại bản thân ở thời điểm hiện tại.

Bạn có thể luyện tập cách nhìn nhận lại phiên bản đầu tiên của mình bằng các câu hỏi: Chẳng hạn như mình mong muốn gì trong tương lai? Khẩu vị của mình là gì? Mình có giá trị gì trong mắt người khác? Tại sao mình lại tồn tại? Khi hiểu được bên trong mình muốn gì tức là đã tìm ra được cái độc nhất của mình. Giống như mỗi một loài hoa đều có một nét đẹp riêng chứ không có tiêu chuẩn chung nào. Đó là bước quan trọng đầu tiên.

Đến một giai đoạn nào đó khi đã thật sự hiểu bản thân, mình sẽ gặp ngưỡng thứ hai đó là: “Vì tôi như thế nên tôi phải như thế”.

Ví dụ, hồi bé bạn học giỏi toán, bạn nghĩ mình sẽ học chuyên toán rồi sau đó theo học Bách Khoa hay Kỹ thuật. Anh không nghĩ rằng sau bước hiểu bản thân chúng ta lại cố định mình theo một con đường như thế. Sau một khoảng thời gian rèn luyện hãy cho mình được tự do rời khỏi con người đó, khỏi định nghĩa đó. Mình đừng định nghĩa mình giỏi Toán nữa mà hãy cho bản thân cơ hội giỏi Tiếng Anh xem thế nào.

Anh nghĩ ở giai đoạn này sẽ rất vui, vì mình sẽ tự do hơn khi được ngắm nghía xã hội từ nhiều góc độ khác nhau.

Cuối cùng đó chính là cách chúng ta thưởng thức cuộc sống này như thế nào. Ví dụ, nhiều người có mục tiêu muốn trở thành tỷ phú và chỉ biết có vậy. Khi đạt được rồi họ lại muốn gấp 10, gấp 100 lần. Anh thấy là chúng ta chỉ đang chạm vào những mong muốn của mình trong quá khứ mà thôi.

Nếu như trước đây bạn mong muốn đỗ đại học và rồi bạn đạt được ước nguyện. Thế nhưng niềm vui sướng ấy chẳng kéo dài được lâu khi bạn cảm thấy đó cũng là chuyện bình thường. Bạn nghĩ đến việc đi làm kiếm tiền nhưng đến lúc đó bạn cũng chưa thật sự hài lòng vì lương thấp quá, đi làm vất vả quá!
Do đó, anh nghĩ chúng ta nên trân quý những gì mình đang có. Nói như vậy không có nghĩa là mình sẽ giảm sức lao động mà hãy tận hưởng những điều đó sớm ngay từ bây giờ. Không nhất thiết phải áp dụng theo quy trình từng bước như trên. Bạn đang ở giai đoạn nào thì có thể thử giai đoạn đó hoặc thử cả ba tùy mỗi người.​
tag-phong-van-chuyen-gia-nguyen-tuan-anh-so-2-redbag
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tư duy của chúng ta về tiền bạc?

Có thể nói, gia đình là môi trường đầu tiên ảnh hưởng đến tư duy tiền bạc của chúng ta. Anh nghĩ việc ba mẹ có ảnh hưởng đến tư duy của mình về tiền bạc vẫn tốt hơn là không. Bởi ít nhất chúng ta vẫn còn được giáo dục theo một cách hơn là không có cách nào. Kể cả cách đấy có tệ thì chúng ta cũng đã được khám phá và trải nghiệm qua để phá cách.

Đáng sợ nhất là không động chạm gì đến vấn đề đó, tức là gần như không biết gì về tiền. Có nhiều gia đình không nói chuyện tiền bạc với con cái, để chúng hỏi những câu rất ngu ngơ như: Tiền ở đâu ra? Tiền đóng tiền học hay tiền mua quần áo ở đâu ra? Đó là cái đáng tiếc đầu tiên.

Đáng sợ thứ hai là tư duy sai về tiền bạc. Ví dụ, ba mẹ thường nói với con: “Nếu con không học, không có tiền thì sau này chỉ có thể đi ăn mày.” Anh nghĩ câu nói đó hơi bi quan và tiêu cực quá. Thế cái gì là cái ở giữa? Anh xin nhắc lại đó là sức lao động nếu làm đúng sẽ đổi ra tiền. Anh tin rằng nếu mình cứ làm đúng, làm thực tâm và kiên trì thì sẽ mình sẽ kiếm được tiền.

Qua vỏ bọc gia đình thì sẽ đến những người thân xung quanh bao gồm bạn bè và đồng nghiệp. Môi trường công việc cũng ảnh hưởng quan trọng đến tư duy của chúng ta về tiền bạc. Bởi vì chúng ta có đến 8 tiếng đồng hồ liên quan đến công việc. Sau mối quan hệ công việc thì lựa chọn công việc cũng sẽ ảnh hưởng đến thói quen và hành vi tài chính của mình. Anh sẵn lòng làm việc trong một môi trường công ty có màu sắc mà anh yêu quý. Anh có thể hòa mình vào đó để cung ứng giá trị đến cho nhiều người hơn, đặc biệt là cho cả xã hội.
tu-duy-ve-tien-duoc-hinh-thanh-tu-dau-redbag
Đương nhiên những yếu tố ảnh hưởng đó có cả tích cực lẫn tiêu cực.

Ở góc độ tiêu cực chúng ta có thể nhận thấy ngay xã hội hiện tại là xã hội kim tiền. Nghĩa là khi làm bất cứ việc gì chúng ta cũng kỳ vọng phải có tiền ngay. Nhưng sự thật là không phải cứ làm việc là sẽ có tiền ngay được.

Ở góc độ tích cực thì về lâu về dài người ta sẽ nhận thấy việc lắng nghe những người kim tiền như thế trong ngắn hạn thì sẽ gặp lừa đảo. Hiện tại anh rất tỉnh táo khi nghe những người đó. Họ có thể đưa được những lợi ích ngắn hạn rất tốt nhưng nó sẽ phá hủy tương lai của bạn.

Ví dụ người khác trả cho bạn mức lương cao gấp 3 lần mức lương bình thường để bạn làm một việc xấu. Bạn tặc lưỡi làm vài tháng kiếm tiền rồi lại quay lại làm người tử tế. Anh không tin điều đó. Thời đại công nghệ hiện nay chúng ta rất nhanh phát hiện ra kẻ lừa đảo nên mọi người cũng ít lựa chọn hơn khi làm người xấu.

Mỗi cá nhân không tồn tại độc lập mà ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Liệu rằng chúng ta có thể kiểm soát suy nghĩ của mình về tiền hay không?

Anh có một niềm tin rất lớn rằng chúng ta sẽ tự kiểm soát được. Nhân định thắng thiên mà. (Cười)
tag-phong-van-chuyen-gia-nguyen-tuan-anh-so-3-redbag
Hiểu được mong muốn thực sự của mình

Anh nghĩ điều đầu tiên chúng ta cần dành đủ thời gian nói chuyện với chính bản thân mình. Thật không hề dễ dàng khi chúng ta dũng cảm đối diện với chính mình. Bởi vì đâu đó trong lòng mình chúng ta vẫn có sự e ngại nhất định. Mình muốn thích thứ đó nhưng không dám thừa nhận. Mình lập kế hoạch nhưng lại trì hoãn. Do vậy hãy dừng lại và nói chuyện với chính mình, 5-10 phút thôi cũng được.

Khi giữa mình đã có cuộc hội thoại thì đó là lúc mình biết được mong muốn thực sự của mình. Hãy thử đặt ý muốn đấy của bạn mà không liên quan đến tiền.

Thay đổi tư duy về “nợ”

Đầu tiên chúng ta phải xác định nợ có xứng đáng hay không? Có một bạn từng nói với anh rằng: “Em đã chi tiêu vượt quá kế hoạch của bản thân mình nhưng em lại thấy nó xứng đáng vô cùng.” Theo anh khi cảm thấy xứng đáng nghĩa là chúng ta đã có sự cân nhắc và nhận thấy mình sử dụng số tiền đó hợp lý là được.​
thay-doi-tu-duy-tich-cuc-ve-tien-redbag
Bên cạnh đó, cũng sẽ có trạng thái tiêu tiền không cân nhắc. Chẳng hạn như thấy giảm giá thì lao vào mua dù biết mình chẳng khi nào dùng đến. Đôi khi là tặng nhau những món đồ mà đối phương cũng không hay sử dụng, thành ra lại lãng phí. Quan điểm của anh khi mua một món đồ phải có tính ứng dụng. Tính ứng dụng sẽ phụ thuộc người sử dụng.

Thứ hai, nợ nần là một thứ vượt sức hiện tại. Bất cứ một sự vay mượn nào ở hiện tại cũng đều tương đương với sức lao động mà mình phải trả trong tương lai. Vì thế anh sẽ không đánh giá nợ là tốt hay xấu mà sẽ xem xét là nó đang nằm trong hay ngoài sức lao động của mình.

Không so sánh bản thân mình với người khác

Nếu hình dung mỗi người là mắt xích của nhau thì chúng ta sẽ bớt áp lực và có động lực hơn. Để luôn cảm thấy có động lực thay vì áp lực, anh nghĩ điều đầu tiên chúng ta nên hòa đồng với mọi người. Nếu trong một tổ đội có một thành viên giỏi thì đó là chuyện đáng mừng. Còn nếu ngay từ đầu mình đã xem người ta là đối thủ thì mình có nghĩ như thế nào cũng sẽ thấy áp lực. Trường hợp tệ hơn khi chúng ta đánh giá họ là một đối thủ yếu thì sẽ sinh ra tính tự kiêu.
thay-doi-tu-duy-ve-tien-chuyen%20gia-nguyen-tuan-anh-redbag-phan3b.jpg
Nếu chúng ta có một người bạn thành công thì tối thiểu chúng ta phải học được ở họ điều gì? Chúng ta sẽ học ở họ công thức thành công. Bằng cách cùng trao đổi, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.

Tóm lại anh luôn nghĩ mình chỉ là một mắt xích. Đương nhiên chúng ta không thể nào xem toàn bộ chuỗi xích đó phải là của mình. Bởi nếu như thế chúng ta rất dễ đặt gánh nặng lên mình ngay từ đầu. Ngược lại nếu bạn nghĩ mình chỉ là một mắt xích nhỏ bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn.

Thẳng thắn trao đổi và chia sẻ với những người thân quan điểm về tiền bạc của bạn

Anh không nghĩ đến từ “thay đổi” mà anh sẽ nghiêng về từ “điều chỉnh”. Thật ra mình không thay đổi, mình vẫn thế, vẫn là mình đối với những người mình yêu thương. Khi yêu mình, chồng hoặc vợ mình đã hiểu và chấp nhận tính cách của mình. Thế nên mình cứ chia sẻ và tâm sự thôi.

Khi đã hiểu nhau rồi thì những hành động bên ngoài chỉ mang tính chất biểu hiện. Đáng sợ nhất là bên trong nó khác nhau. Theo anh cái bên ngoài là cái thiên biến vạn hóa. Mỗi người sẽ có một cách biểu hiện khác nhau, nhưng ở đây anh muốn nhấn mạnh đến tính chất bên trong sẽ quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

Nếu bạn muốn điều chỉnh nội hàm bên trong thì bạn cần truyền đạt với người thân một cách kỹ càng hơn. Giả sử, khi bạn trao đổi với đối phương về niềm tin đối với tiền: “Quan điểm của anh ngày trước là… và sau này là…” thì đó là một câu chuyện rất dài.

Còn nếu chỉ là những điều chỉnh về hình thức bên ngoài thì đơn giản hơn. Chẳng hạn hôm đó chúng ta không đi ăn ở ngoài mà chọn ăn ở nhà cho tiết kiệm. Chúng ta có thể giải thích rằng: “Hiện tại, anh muốn dành nhiều thời gian cho cuộc sống giá trị hơn cùng con với em. Anh sẽ chọn công việc có nhiều thời gian cho gia đình hơn nhưng đồng nghĩa lương cũng ít hơn. Anh sẽ không chọn công việc 12-16 tiếng một ngày dù nó mang lại cho anh nhiều tiền hơn để cùng em đi ăn nhà hàng, nhưng nó khiến sẽ anh không có thời gian nhiều cho gia đình.” Gia đình có thể không thường xuyên đi ăn ngoài hàng nữa nhưng tận sâu bên trong ai cũng đều hiểu cho nhau thay vì trách móc và đổ lỗi.

Xem thêm: Ai nên là người quản lý chi tiêu trong gia đình?
Toàn tâm toàn ý với việc mình đang làm

Để rèn luyện tư duy về tiền trở nên tích cực, một thói quen theo anh thấy rất quan trọng đó là toàn tâm toàn ý với việc mình đang làm. Mỗi buổi sáng đến công sở anh với nhân viên thường hay ngồi với nhau 15 phút để chia sẻ về ngày hôm nay mình sẽ làm những gì. Các bạn độc giả cũng có thể tự khởi động mình như thế.
thay-doi-thoi-quen-tu-duy-tich-cuc-ve-tien-redbag
Buổi chiều trước khi tan ca, chúng ta có thể vạch ra một vài điều xem hôm nay mình đã cố gắng hoàn thành xong việc gì? Có việc gì chưa xong? Công việc nào dở dang thì mình tạm gác lại để dành thời gian cho việc khác. Mình để lại chúng trên bàn làm việc chứ không mang đi đâu hết, đi ra đường thì không nghĩ đến nó nữa. Nghĩa là mình trọn vẹn trong không gian và thời gian đó. Anh nghĩ thói quen này mình có thể thực tập được ngay.

Mình làm sai cũng được nhưng phải tập cách đối diện, xin lỗi và sửa đổi ngay khi có thể. Mình không phải thánh thần để lần nào cũng làm đúng. Khi mình hiểu được điều đó rồi thì mình sẽ biết được sức lao động của mình đang cống hiến cho ai. Mình thấy được giá trị của bản thân mình. Từ đầu đến giờ anh rất quan trọng việc mình làm cái gì cho ai đó. Về chiều ngược lại thì mọi người yên tâm đi chúng ta sẽ tự nhận được thứ tương xứng với mình thôi.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ vô cùng bổ ích với chủ đề tư duy về tiền ngày hôm nay. Chủ đề hôm nay tuy không đào sâu về các mẹo quản lý tài chính cá nhân để các bạn có thể áp dụng được ngay nhưng nó sẽ mang đến cho bạn những tư duy mới mẻ về tiền. Nếu chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại, chúng ta chỉ có thể thay đổi cách mình phản ứng với hoàn cảnh đó.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

Nguồn: https://redbag.vn/blog/tu-duy-ve-tien-dung-truoc-roi-tien-se-den-voi-ban-sau
 
×
Quay lại
Top Bottom